Tìm tòi thể nghiệm

6/1
7:35 SA 2017

BÀI CA CHỈ TỪ CHÍNH CHÚNG TA

CHRISTINE KENNEALLY * (Mỹ)-ĐÀM NGỌC XUYẾN (Dịch)-Âm nhạc là một trong số ít ỏi những khả năng đặc trưng chỉ dành riêng cho loài người. Chẳng cần học hành gì ghê gớm, từ những gã thợ săn hung dữ thời tiền sử, đến những cô bé “choai choai” thời “hậu hiện đại”, đều có khả năng nhận ra âm nhạc, để rồi bằng cách nào đó, cũng sáng tạo ra những giai điệu.

Vì sao lại có được một điều kỳ diệu đến như vậy? Nói cho cùng, âm nhạc không cần cho việc sống qua một ngày, và nếu nó giúp đỡ ai đó tái sản xuất sức lao động, thì nó sẽ tiến hành theo cách khác, gián tiếp và biến ảo hơn nhiều. Ngôn từ, ngược lại, thì có mặt khắp nơi, và đã thành hiển nhiên. Với ngôn từ, con người cùng các thành viên khác trong cộng đồng có thể tổ chức những cuộc di cư xuyên lục địa, chế tạo những con tàu băng đại dương, và thông tin cho nhau, kể cả trong đêm tối không nhìn thấy nhau. Văn hóa hiện đại, với tất cả những đặc trưng công nghệ quá độ của nó, phát nguồn trực tiếp từ khả năng thao tác các biểu tượng và cú pháp của loài người.

Trong lịch sử, các nhà khoa học luôn bị hấp dẫn bởi mối liên hệ giữa âm nhạc và ngôn ngữ. Từ đã nhiều năm nay, từ ngữ và giai điệu đã giành lấy những vị trí rất khác nhau trong các trung tâm nghiên cứu cũng như trong các phòng hội thảo. Trong khi ngôn ngữ đã đương nhiên được coi là chìa khóa để tháo mở cơ chế hiểu biết của con người, thì âm nhạc nói chung lại bị đối xử như một đồ trang trí lòe loẹt, chỉ tương đương với “những lời đường mật bợ đỡ đôi tai”, một khái niệm mà Steven Pinker- nhà khoa học Đại học Harvard- đã phải cân nhắc lắm khi thốt lên.

Nhưng nhờ có một làn sóng kéo dài hàng thập kỷ, tập trung nghiên cứu về hệ thần kinh, mà thái độ trên đã được thay đổi. Sự nở rộ của các công trình nghiên cứu gần đây đã cho ta thấy rằng, ngôn ngữ và âm nhạc thực ra có khả năng như nhau trong việc nói lên sự thật: Chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến, không chỉ bằng cảm xúc, mà còn qua cả con đường sinh học. Cách đây ít năm, tạp chí Thần kinh học tự nhiên đã xuất bản một bài báo đặc sắc về vấn đề này. Ba giáo sư David Schwartz, Catherine Howe, và Dale Purves thuộc Đại học Tổng hợp Duke- Mỹ- đã chứng minh rằng, âm thanh của âm nhạc và âm thanh của ngôn ngữ có mối liên kết khá tinh tế.

Để tìm hiểu cội nguồn của ý tưởng này, chúng ta cần phải nhận thức 2 vấn đề về cách con người thấu hiểu âm nhạc. Thứ nhất, các nhà nghiên cứu âm nhạc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, trong khi mỗi nền văn hóa khắc ghi một đặc tính riêng lên âm nhạc của mình, thì bản thân âm nhạc lại có những phẩm chất toàn cầu. Ví dụ, trong hầu như mọi nền văn hóa, thì phổ âm thanh đều được chia thành cỡ 12 khoảng bán cung, tức tương đương độ chênh giữa những phím đàn piano. Qua nhiều thế kỷ, các chuyên gia đã thống nhất với nhau rằng, sự ưu tiên này chính là một tổ hợp dễ phân biệt nhất của các giọng nói, những âm thanh có những đặc trưng toán âm của riêng mình.

Khoảng 2500 năm trước đây, Pythagoras, ngoài các nghiên cứu toán học, đã lần đầu tiên chú ý đến mối quan hệ trực tiếp giữa sự hài hòa của một tổ hợp âm thanh với kích cỡ vật lý của vật thể tạo ra nó. Ví dụ, một sợi dây kéo căng sẽ luôn vang lên thứ tiếng động thấp hơn một quãng tám so với âm thanh của chính sợi dây đó khi chỉ còn một nửa chiều dài, và thấp hơn 1/5 so với dây tương tự dài bằng 2/3. Mối liên hệ giữa các đại lượng đơn giản và hài hòa như thế chính là nền tảng của lý thuyết âm nhạc suốt từ đó đến nay.

Ý tưởng “âm nhạc là toán học” như vậy vẫn thường được củng cố bằng sự lưu tâm, rằng âm nhạc, ít ra trong cách nói chính thức, là thứ tồn tại bên ngoài thế giới nơi nó được tạo ra. Các nghiên cứu gần đây của nhà phê bình kiêm nhạc sĩ piano Charles Rosen đã cho rằng, trong khi hội họa và điêu khắc tái tạo ít nhất cũng là những diện mạo bên ngoài của thế giới tự nhiên, văn chương mô tả những ý nghĩ và cảm giác của chúng ta, thì âm nhạc lại hầu như làm con người quên lãng cái thế giới mà chúng ta đang sống.

Nhưng thực ra chẳng có ý tưởng nào hoàn toàn đúng, theo David Schwartz và nhóm cộng sự của ông. Những sở thích âm nhạc của loài người nhìn chung được hình thành không bởi những thuật toán thanh lịch tao nhã, những tỷ lệ rối rắm hay hài hòa, mà bởi chính mớ âm thanh hỗn độn của cuộc sống thực con người, bởi tiếng nói riêng tư thầm kín trong lòng, những thứ mà đến lượt chúng, lại hình thành từ những di sản tiến hóa. Nói như Schwartz, “Giải thích về âm nhạc, cũng giống như giải thích về bất kỳ sản phẩm nào khác của đầu óc con người, cũng đều cần phải xuất phát từ nền tảng sinh học, chứ không phải từ những con số trừu tượng ma mị”.

Schwartz, Howe, và Purves đã phân tích một bộ sưu tập đồ sộ các giọng nói, từ rất nhiều ngôn ngữ, trong rất nhiều bối cảnh khác nhau. Để chỉ tập trung vào những âm thanh nguyên gốc, họ đã loại bỏ mọi thứ lý thuyết về hùng biện, chỉ xoáy vào những câu nói tự nhiên lộn xộn. Với hơn 100.000 đoạn nói ngắn, họ đã định ra được những tần số trong đó con người khắp nơi trên hành tinh thường nhấn mạnh vào. Kết quả này trùng hợp một cách lý thú tới cách chia phổ âm thanh trong âm nhạc. Vậy là, tòa lâu đài của âm nhạc chính đã được xây dựng từ những viên gạch rất tầm thường của ngôn từ.

Không hề nhạt nhòa trừu tượng, âm nhạc dâng tặng một phiên bản kỳ thú cho ngôn ngữ nói của con người. “Âm nhạc, cũng giống như những bộ môn nghệ thuật thị giác, được bắt nguồn từ kinh nghiệm sống của chính chúng ta giữa thế giới tự nhiên”, Schwartz đã kết luận như vậy. “Nó cạnh tranh trong môi trường âm thanh quanh chúng ta, theo cách mà những nghệ thuật thị giác đang cạnh tranh trong môi trường hình ảnh”. Trong âm nhạc, chúng ta nghe thấy tiếng vọng của cái nhạc cụ gốc tạo ra âm thanh, đó chính là bản thân con người. Sự kiến giải về âm nhạc loài người thực ra đơn giản hơn rất nhiều so với những biểu thức toán học của Pythagoras, bởi vì chúng ta thích nghe những âm thanh tương tự như tiếng động chúng ta vẫn nghe. Đặc biệt, chúng ta thích nghe những tiếng động làm cho chúng ta được nghĩ về chính chúng ta.

Điều này tạo nên sự thắc mắc gần giống câu hỏi “con gà có trước hay quả trứng có trước?”. Có thể là âm nhạc noi gương lời nói một cách trực tiếp, các chuyên gia nhận xét, và trong trường hợp đó thì có vẻ ngôn ngữ tiến hóa trước. Nhưng cũng có thể âm nhạc xuất hiện rồi ngôn từ mới ra đời để làm lời cho bài hát, cũng giống như hàng ngày chúng ta vẫn hay nói theo âm hưởng của những bài ca đang ngự trị tâm hồn chúng ta. Dù thế nào chăng nữa, có thể nói âm nhạc luôn bắt chước những sản phẩm chung trong hệ thống sáng tạo âm thanh của loài người, mà cái hệ thống đó chỉ gắng làm sao cho nó có hồn ngôn ngữ nhất. “Chúng ta không thể hiểu điều này”, Schwartz ngẫm ngợi. “Cái chúng ta có thể hiểu chỉ là: Cả âm nhạc lẫn ngôn từ cùng đến từ một hệ thống, và chính hệ thống đó làm nên tính ưu việt của con người trước muôn loài”.

Công trình của Schwartz cũng chiếu rọi câu hỏi bấy lâu nay về chuyện: Muông thú có hiểu và thích âm nhạc không? Mặc dù có hàng đống những âm thanh “hay như thể âm nhạc” trong tự nhiên - nào tiếng chim hót, nào tiếng cá voi du dương, rồi tiếng chó sói tru, tiếng loài tinh tinh hú song đôi…, nhưng những nghiên cứu kỹ lưỡng đã chỉ ra rằng, các loài muông thú chẳng bao giờ thích nghe âm nhạc theo kiểu con người, nhất lại là thứ âm nhạc do các nhạc cụ làm nên.

Marc Hauser và Josh McDermott, hai chuyên gia thuộc trường Đại học Harvard, đã khẳng định trong bài viết đăng trên tạp chí Thần kinh học tự nhiên tháng 7.2003 rằng, muông thú không hề tạo ra và tiếp nhận thứ âm nhạc như chúng ta vẫn làm. Nếu con khỉ trong phòng thí nghiệm có nhận ra giọng người chăm nuôi nó thì đó cũng là vấn đề thuần túy sinh học. Đó là khả năng thính giác được chia xẻ chung giữa các loài, chẳng hề là bất cứ biểu hiện nào của khả năng âm nhạc. Cũng vậy đối với các loài chim, loài có giọng điệu véo von nhất trong tự nhiên, chúng nhận ra nhau qua những “kịch mục” khá nghèo nàn, và không hề thích những giai điệu du dương như chúng ta cứ muốn gán cho chúng. Là định mệnh mất rồi, sẽ chẳng bao giờ có một Mozarts biết bay nào hết.

Nhưng những gì vang lên từ các loài muông thú, theo Schwartz, thì lại chính là thuộc về âm nhạc của con người. Nếu muôn loài cũng tiến hóa theo dòng âm thanh như chúng ta - tức chịu tác động của môi trường âm thanh nơi chúng tồn tại - thì hẳn thứ âm nhạc riêng của chúng sẽ khác một cách cơ bản với của chúng ta. Loài người chia thang âm thanh theo cách nhấn trọng âm của mình, thì một con mèo hẳn sẽ có hệ thống âm thanh theo cách nhấn của những tiếng “meo”, “meo”. Để chứng minh rằng, loài vật không thích thứ âm thanh do chúng ta tạo ra, con người cần phải thấy rằng, chúng không hề có phản ứng gì trước thứ âm nhạc do chúng ta mô phỏng từ môi trường xung quanh chúng.

Dù mối quan hệ giữa ngôn ngữ và âm nhạc được thực hiện như thế nào, thì âm nhạc, thậm chí tình yêu âm nhạc, cũng vẫn cứ bắt nguồn từ sâu thẳm cơ chế sinh học, trong từng tế bào của cơ thể con người, hệt như ngôn ngữ vậy. Điều này được quan sát thấy rõ ràng nhất nơi những đứa bé, nữ giáo sư Sandra Trehub, Đại học Tổng hợp Toronto - Canada - đã lưu ý như vậy.

Với những đứa trẻ, âm nhạc và lời nói đều là một chuỗi những âm thanh mang nội dung thông điệp. Người mẹ dùng ngôn từ du dương để “điều hòa trạng thái cảm xúc của đứa trẻ”, Trehub khẳng định. Không quan trọng họ nói bằng ngôn ngữ gì, giọng nói của mọi bà mẹ đều có một ý nghĩa nằm giữa lời nói và bài hát. Dạng thông tin này “đưa đứa trẻ vào một trạng thái giống như nhập định, có thể tiến tới giấc ngủ hoặc khởi hành phát triển”. Vậy thì nếu những đứa trẻ trên thế giới hiểu được những nghiên cứu mới nhất về ngôn ngữ và âm nhạc, thì có lẽ chúng sẽ không quá ngạc nhiên. Kết quả là, Trehub khẳng định, âm nhạc nhất định phải cần thiết hơn mức chúng ta vẫn tưởng. n

(Dịch từ Boston.com)

(*): Christine Kenneally hiện đang viết cuốn Từ tiếng rít tới bài Sonnet, một cuốn sách về sự tiến triển của ngôn ngữ, do nhà xuất bản Viking đặt hàng.

 Nguồn Văn nghệ

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *