CUỘC THI THƠ VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI 2015-2016: TIẾP NỐI MẠCH ĐẬP CÙNG NHÂN DÂN VÀ TỔ QUỐC
Các tác giả dự trại viết VNQĐ ở Đại Lải, Vĩnh Phúc
Tính đến tạp chí Văn nghệ Quân đội số 859 - số cuối cùng của năm 2016, Ban Tổ chức đã chọn đăng trên 700 tác phẩm của hơn 200 tác giả. Trong suốt 2 năm vừa qua, để xuất bản 46 số tạp chí, Ban Tổ chức đã liên tục thống kê, cập nhật, trao đổi, mời gọi tác giả mọi vùng miền để có được những trang thơ dự thi đạt chất lượng cao nhất.
Trong khuôn khổ cuộc thi, Văn nghệ Quân đội đã tổ chức 5 trại viết ở Đại Lải, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Đà Lạt và Tam Đảo. Những cây bút trẻ trung, sung sức ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam tham dự trại đã có dịp giao lưu, thâm nhập đời sống bộ đội, tìm hiểu cuộc sống mọi mặt của nhân dân, đặc trưng văn hóa các vùng đất để từ đó có được những tác phẩm sâu sắc hơn, gần gũi, thiết thực hơn.
Nhiều năm qua, các cuộc thi do Văn nghệ Quân đội tổ chức luôn được giới cầm bút cả nước đặc biệt quan tâm, tin cậy, ưu ái gửi đến những tác phẩm mới nhất, tâm đắc nhất. Thuận lợi đã vậy, nhưng khó khăn, thách thức là không ít. Thách thức với người viết. Thách thức với người biên tập. Ở mỗi cuộc thi văn chương của Văn nghệ Quân đội, Ban biên tập luôn phải hết sức chăm chút, lắng nghe từ nhiều phía, chắt chiu, gạn lọc, trao đổi thật tỉ mỉ từng tác phẩm dự thi trước khi đưa in. Cuộc thi đầy đặn dần theo từng số tạp chí. Những người làm công tác biên tập mừng đấy mà vẫn luôn thắc thỏm, ngóng đợi, hi vọng sẽ có những tác phẩm chất lượng cao hơn, nghệ thuật độc đáo hơn, nhất là từ các tác giả trẻ, tác giả mới.
Trong suốt cuộc thi, các tác phẩm luôn bộc lộ sự cảm thông sâu nặng với đời sống nhân dân và người chiến sĩ. Các nhà thơ đã nỗ lực trên từng trang viết để đạt đến độ khái quát cao, có sức ám ảnh và lan tỏa tới người đọc. Nền tảng ấy ở đâu ra nếu không xuất phát từ trái tim chân thành, mẫn cảm của nhà thơ? Và, từ những cảm thông sâu nặng ấy, luôn bật lên ước muốn đánh thức phần tốt đẹp ở mỗi con người, cũng là bản lĩnh và phẩm chất nổi trội của mỗi nhà thơ. Đó còn là sự độc lập, sự khẳng định quyền năng của thơ trong bày tỏ và sáng tạo, đóng góp vào nền văn học cách mạng đang bước sang một giai đoạn mới.
Thơ dự thi trên 46 số Văn nghệ Quân đội là một thế giới hình tượng sinh động: những tâm trạng, nghĩ suy, trăn trở; cũng ở đó đã biểu hiện một thế giới hình thức đa dạng, phong phú về đề tài, nhiều vẻ về bút pháp, giọng điệu... Tất cả đã cho thấy sự tìm tòi, sáng tạo, bứt phá mới mẻ, độc đáo - nền tảng thành công của mọi cuộc thi.
Thơ dự thi là sản phẩm tâm huyết của các tác giả, sự chăm chút, biên tập kĩ lưỡng của biên tập viên. Đó là những thi phẩm mới nhất, tâm đắc nhất của người dự thi. Đa dạng về đề tài nhưng vẫn tập trung vào các vấn đề lớn như Tổ quốc, nhân dân, biên giới, biển đảo, quê hương, người mẹ, người chiến sĩ... Các vấn đề lớn đang đặt ra từ cuộc sống sôi động không kém phần phức tạp đều được biểu hiện trong nhiều tác phẩm. Thể loại rất phong phú: thơ tự do phóng khoáng, thơ văn xuôi phá cách, thơ lục bát mềm mại, thơ năm chữ, sáu chữ chắc khỏe, thơ Đường luật nghiêm trang...
Thơ là tiếng lòng và thơ còn là thời sự. Thơ đã vang lên điều quan tâm nhất của người Việt Nam hôm nay: biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Số lượng viết về đề tài biển đảo chiếm một tỉ lệ cao trong thơ dự thi. Khi mà biển của chúng ta đang bị kẻ xấu dòm ngó thì thơ luôn là người lính xung kích trong đội quân văn học nghệ thuật. Thơ có thế mạnh riêng, trước hết là những tình cảm sục sôi hướng về nơi đầu sóng ngọn gió, nơi một phần thân thể Tổ quốc không thể tách rời. Trong bối cảnh ấy, suy nghĩ ấy, bạn đọc sẽ tiếp nhận và đồng cảm với những vần thơ cảm động, lắng sâu như Cát vọng phu, Khúc ca ngư dân, Điểm tựa, Thư Phan Vinh của Nguyễn Quang Hưng; Hàng Tết, Anh là biển, Nhớ anh, Hoa đồng hồ trên đảo Cô Lin của Bình Thanh;Lời Tổ quốc vọng giữa Trường Sa của Vũ Thế Bôn; Giọt máu đào trên hải đồ Tổ quốc, Trước ngôi mộ trên đảo Nam Yết, Ngủ hộ anh được không của Viễn Hải; Nơi tôi sinh - Hoàng Sa của Nguyễn Trọng Văn; Đảo của Hoàng Vũ Thuật; Người vọng biển của Lê Văn Hiếu; Nhớ biển, Những khay rau ở đảo Đá Nam của Lưu Thị Bạch Liễu; Lá thư viết bằng gió biển của Nguyễn Phan Quế Mai; Trong ống khói con tàu, Ở Trường Sa của Đông Triều; Nhìn từ phía Cô Lin của Nguyễn Đình Minh...
Đặc điểm chung của những tác phẩm về đề tài này là sự dung hòa giữa cảm hứng trữ tình và cảm hứng sử thi. Trữ tình ở tình cảm máu thịt, ở tình yêu da diết, sâu sắc; sử thi ở âm hưởng vang vọng, hùng tráng. Trên cái nền trữ tình - sử thi ấy bật ra những tứ thơ, câu thơ gây ấn tượng: Điểm tựa cùng chung nhịp thở/ Nhịp bất thường mưa dập bão vùi/ Bóng người khoác súng trong sương sớm/ Từ bờ qua biển đến chân trời (Điểm tựa - Nguyễn Quang Hưng); Em hãy nhìn lên trong vắt vòm xanh/ Có mây trắng đưa thư thời gian muốn nói/ Những con tàu xanh nơi anh phải chồm qua sóng nổi/ Gửi bóng kiên trung xa tắp phía chân trời (Ở Trường Sa - Đông Triều)...
Đề tài chiến tranh cách mạng luôn là nguồn cảm hứng lớn trong các cuộc thi của Văn nghệ Quân đội, trong đó có cuộc thi thơ 2015-2016. Điều đáng nói là, cách diễn đạt của mỗi tác giả đã có sự khác biệt, làm mới hơn, đào sâu hơn, đặt vấn đề từ nhiều chiều, nhiều mặt, mạnh dạn tìm tòi... cho thấy cuộc thi đã tạo nên cú hích với từng tác giả. Nhiều câu thơ, ý thơ neo được vào tâm trí người đọc từ những tìm tòi ấy: Nén đằng sau mỗi cánh hoa/ Bao nhiêu tâm chấn vỡ ra sóng thần/ Chạm vào vụn đất dưới chân/ Bao nhiêu khuôn mặt người thân hiện về (Đối thoại ở rừng - Nguyễn Minh Khiêm); Nàng về hỏi bậc đế vương/ Bao nhiêu toan tính trên xương máu người/ Gió mây thổi bạc cuộc đời/ Nghìn năm nước mắt bên trời vọng phu (Gửi nàng vọng phu - Bình Nguyên); Tấm thân người cong hình chiếc võng/ Không giăng ngang mà mắc đất vào trời/ Chiếc gậy thêm chân đời dài ngắn/ Bà đêm về vá ngọn lửa vào tôi (Khâu những giấc mơ - Nguyễn Đăng Khương); Trái tim năm tháng bạc màu/ Quê chồng em bước nát nhàu tuổi xuân(Ngày xuân viếng mộ chồng - Nguyễn Thị Thúy Ngoan); Người lính năm nào chân còn một nửa/ Chiến tích bỏ lại bên kia cánh đồng/ Họ hào phóng như sông/ Khúc xương đã vùi quên trong đất nâu lặng lẽ (Những cựu binh già - Lê Thanh My)...
Thơ dự thi Văn nghệ Quân đội 2015-2016 vô cùng phong phú với âm hưởng vùng miền, sắc tộc từ cực Bắc đến cực Nam, từ Đông Bắc, Tây Bắc đến Tây Nguyên, từ vùng núi đến miền biển, từ đồng bằng đến miền sông nước. Không ít bài xuất phát từ cảm hứng về vùng đất - con người - môi trường văn hóa của các châu lục khác cho thấy biên độ rộng, sức lan tỏa sâu của thơ ca trong cuộc thi.
Thơ về người lính hôm nay là kì vọng của Ban Tổ chức và cũng là thách thức với mỗi tác giả. Ở cuộc thi này, miền đất khó trên đã được nhiều tác giả mạnh dạn đầu tư, khai thác và đã tạo được ấn tượng nhất định. Những tác phẩm như Bình minh lính biển, Những người lính áo rêu, Từ bức tranh vẽ dở của Phạm Vân Anh; Câu chuyện cha con, Tin nhắn, Mã hóa nỗi nhớ của Thụy Anh; Màu đặc công, Cây bưởi góc vườn, Gửi bố của Du An... cho thấy viết về người lính hôm nay vẫn có sức hấp dẫn và hứa hẹn những bứt phá mới.
Sự tươi mới của cuộc thi luôn đến từ các tác giả trẻ. Nguyễn Thị Thùy Linh với chùm bài La la bé bỏng, Khi anh yêu em, Mộ nhỏ, Những tiếng chuông điền dã, Mở cửa ngục đã tạo nên một hương sắc mới cho cuộc thi. Những câu thơ viết về nỗi đau của người mẹ trẻ rất tinh tế: La la đã thành con bướm nhỏ/ Mặt đất tràn về những dấu chân đầy hoa/ Dòng sữa non thấm giữa bình minh trắng/ Lịm thơm cả cánh tay cò (La la bé bỏng). Nguyễn Thị Kim Nhung với chùm bàiỞ ngoài kia, Thức cùng tưởng tượng, Chứng nhân, Gốm, Những ngôi mộ dọc biên giới đã tạo được nét riêng trong triển khai ý thơ: Bao năm lối về vẫn cỏ/ Tháng ngày sắp sửa xanh xao/ Đêm qua bầu trời hé cửa/ Đám mây lặng lẽ bước vào (Chứng nhân). Lê Quang Trạng - tác giả trẻ nhất cuộc thi, sinh năm 1996, đã sớm chững chạc trong chùm bài Những ngọn nến soi sáng con đường, Góc sân đình, Mộ cỏ. Viễn Hải sinh năm 1994 tỏ ra chắc tay trong chùm bài Chuyện tình Long Biên, Cây dâu đảo Lý Sơn, Giọt máu đào trên hải đồ Tổ quốc. Các tác giả 8X, 9X tạo ấn tượng, sớm có sự bứt phá trong cuộc thi còn phải kể đến Hoàng Anh Tuấn, Lê Vi Thủy, Ngô Thanh Vân, Trần Võ Thành Văn, Nguyễn Đăng Khương, Đỗ Tấn Đạt, Khương Thị Mến, Trương Công Tưởng, Kai Hoàng... Một điều đáng mừng là sự khác nhau nhưng luôn bổ sung cho nhau của các tác giả trẻ đã mở ra những bình diện mới, sức hấp dẫn mới từ các tác phẩm dự thi.
Không thể không nhắc đến các tác giả ở lứa 5X, 6X, 7X, trong đó nhiều người đã thành danh vẫn dành tâm huyết cho cuộc thi. Nguyễn Minh Khiêm dày dặn, giàu liên tưởng, tạo ám ảnh với đề tài chiến tranh: Những gì khuất lấp đáy sông/ Thành phù sa hát về đồng trĩu vai/ Những gì khóe mắt còn cay/ Thành tia nắng sớm trao tay nụ cười (Xin về nhận lại). Bình Nguyên nhuần nhụy, kĩ lưỡng, tạo ra những khoảng trống phóng khoáng để ngẫm ngợi: Nén hương mẹ thắp cho con sẽ lại tàn xuống bãi gió ven sông/ Con chẳng biết làm gì cho mẹ lúc này chỉ nhận về nước mắt/ Nước mắt mẹ đã đắng với gió trời lại chát vào lòng đất/ Lẩy bẩy bóng đêm khuya buốt phía con nằm (Mộ khói). Lê Thanh My tinh tế, sâu lắng đầy mới mẻ: Không mùa/ hoa vẫn nở hoa/ Không em/ chị trở về bên núi/ Thắp nén hương cho hồn người rong ruổi/ Thấy ngọn khói thơm quày quả quay về. Trương Nam Chi giản dị, đằm sâu ở lục bát: Nụ cười thăm thẳm đêm mưa/ Cô đơn nhỏ giọt mặn chua gió đồng/ Tựa lưng vào những cơn giông/ Mẹ ngồi gom rét cấy trong tim mình. Nguyễn Thị Mai trực diện về người lính với trái tim nhạy cảm của người phụ nữ: Ập vào vai, vào cổ, vào tóc chúng tôi khi xuồng cập cầu tàu/ Những cánh tay trai trần mở ra như cánh hải âu/ Choàng ôm chúng tôi, ôm quê hương, gia đình, bè bạn.../ Ôm lấy đất liền tìm hơi mẹ hơi em... (X-men lính đảo). Nguyễn Phan Quế Mai chất chứa tâm tư trước những hi sinh hôm qua và hôm nay của người: Mỗi giọt biển là một đóa hoa/ Là di sản của mỗi người con Việt... Cha đem theo hơi ấm của con trong lồng ngực/ Lá thư này cùng gió hát ru con(Lá thư viết bằng gió biển). Các tác giả Du An, Khúc Quốc Ân, Thụy Anh, Ngô Liêm Khoan, Nguyễn Giúp, Huỳnh Minh Tâm, Nguyễn Minh Đức, Phan Tùng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Long, Phan Trung Thành, Nguyễn Khắc Huyền, Bình Thanh, Nguyễn Trọng Luân, Nguyễn Đăng Khương, Nguyễn Thánh Ngã, Đinh Ngọc Diệp, Phạm Trọng Thanh, Cao Hạnh, Trần Văn Lợi, Đinh Công Thủy... mỗi người mỗi vẻ nhưng tỏ rõ các anh các chị đã có một bước tiến vững chắc qua từng chùm thơ dự thi. Luôn lắng nghe từng mạch đập của người chiến sĩ, nhân dân và Tổ quốc để từ đó ngân lên những ý thơ, bài thơ là điểm chung nhất của các tác giả. Thơ dự thi trên Văn nghệ Quân đội 2015-2016 có da có thịt, hồng hào, tươi tắn từ chính đời sống nhân dân và người chiến sĩ, đã phần nào thể hiện dòng chảy chủ đạo của thơ ca đương đại.
60 năm qua, Văn nghệ Quân đội luôn là địa chỉ văn chương tin cậy. Từ các cuộc thi, nhiều cây bút đã được phát hiện, trở thành những nhà văn, nhà thơ sáng giá trong nền văn học đương đại nước nhà. Cuộc thi thơ 2015-2016 là sự kế tiếp truyền thống và nền tảng ấy. Có thể thấy rất rõ sự nổi trội của các tác giả trong đó có nhiều tác giả mới, trẻ từ cuộc thi như Nguyễn Thị Thùy Linh, Nguyễn Thị Kim Nhung, Miên Di, Trần Huy Minh Phương, Đông Triều, Lê Quang Trạng, Khương Thị Mến, Đào Quốc Minh, Lương Kim Phương… đã khẳng định uy tín của một cuộc thi văn chương trong thời điểm văn học nghệ thuật đang đứng trước nhiều áp lực. Tự vượt lên chính mình, khẳng định mình trong thơ ca ở một cuộc thi là vấn đề không dễ dàng với mọi tác giả. Điều đáng mừng ở chỗ, những tác giả thành danh luôn theo dõi và động viên, khích lệ, chia sẻ kịp thời với Ban tổ chức để cuộc thi không chỉ đúng hướng mà còn mở ra các biên độ khác, khơi gợi những mạch nguồn mới mẻ.
Tuy nhiên, khách quan mà nói, mặc dù Ban Tổ chức cuộc thi đã hết sức cố gắng, nhưng kì vọng tìm thấy một giọng thơ lớn, khác biệt, đứng riêng và cao vượt hẳn lên trong đời sống văn chương đương đại vẫn chưa đạt được. Điều này nằm ngoài tầm với của cuộc thi. Đó cũng là thách thức của Văn nghệ Quân đội nói riêng, thơ ca nước nhà nói chung trong thời điểm hiện nay.
Trong khoảng thời gian hai năm của cuộc thi, biết bao lo lắng hồi hộp, biết mấy mừng vui âm thầm với mỗi tác giả, với Ban biên tập và nhất là với độc giả. Ở cuộc thi này, Ban Tổ chức đặc biệt ghi nhận sự đồng hành của bạn đọc yêu thơ trên cả nước. Bạn đọc đã luôn háo hức chờ đón và bằng nhiều cách, đã tự bình xét, tự chấm giải cho những tác phẩm dự thi theo quan điểm nghệ thuật riêng của mình. Điều đó thật đáng trân trọng ở một cuộc thi văn chương vốn vô cùng nhiều điểm nhìn khác biệt. Sự rộng dài, tinh tế, phong phú, khách quan của độc giả chính là thước đo khách quan nhất với mỗi tác phẩm văn chương.
Cuộc thi nào rồi cũng khép lại với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng chắc chắn, cuộc thi thơ của Văn nghệ Quân đội 2015-2016 sẽ khép lại với những cảm xúc đẹp, giàu tính nhân văn và nhân bản. Bạn viết, bạn đọc đến với Văn nghệ Quân đội, đến với văn chương từ xưa đến nay đều bằng con tim, bằng sự rung động chân thật nhất của mình. Có thể còn có những ý kiến khác nhau về giải thưởng Thơ 2015-2016 của Văn nghệ Quân đội. Âu đó cũng là lẽ thường đối với mọi cuộc đua tài trên lĩnh vực văn chương. Nhưng chắc chắn chúng ta có một điểm chung, đó là tình yêu dành cho Tổ quốc, dân tộc, người lính. Đấy cũng chính là điều mà Ban Tổ chức cuộc thi hướng tới.
Việt Nam, đất nước của thi ca, ở thời điểm hiện tại đang đường hoàng đi trên con đường lớn. Trên con đường lớn ấy, biết bao thách thức, khó khăn, gian khổ, nhưng cũng biết mấy tự hào, kiêu hãnh. Mỗi người Việt Nam luôn đĩnh đạc trong từng bước chân của mình. Những bước đi đĩnh đạc ấy có một phần nâng đẩy thiết thân, máu thịt của thi ca
Ban biên tập Tạp chí VNQĐ