RA MẮT TẬP SÁCH “TRƯỜNG THƠ HẢI PHÒNG”
TRƯỜNG THƠ HẢI PHÒNG
Nguyễn Thụy Kha
Từ những năm 30 của thế kỷ trước, Hải Phòng - thành phố Cửa biển - lại trở thành một ngọn nguồn văn nghệ mới với những cái tên như những người khởi sự. Đó là những Thế Lữ với Thơ Mới, Trần Tiên và Khái hưng với tiểu thuyết, Vi huyền Đắc với kịch nói, Lê Thương với Tân nhạc. Bên cạnh họ là những Lan Sơn, Lê Đại Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Tchya…Đối với Tân nhạc đã sinh ra nhóm“ĐồngVọng”mà huynh trưởng là hoàng Quý cùng các tác giả khác như Canh Thân, Phạm Ngữ, Văn Cao, Hoàng Phú (Tô Vũ). Có lẽ cái chất thợ thuyền của thành phố Cảng này đã ngấm vào những sáng tạo của họ một giọng điệu thậtriêng biệtso với những sáng tạo ở Hà Nội, Nam Định, Huế, Quy Nhơn, Sài gòn… Một giọng điệu có gì thô ráp, không phẳng phiu, mực thước. Một giọng điệu tiềm ẩn sự phá phách. Đặc biệt trong thơ. Sự tiềm ẩn ấy đã gặp được thời thế để bùng nổ. Thời thế ấy chính là sự kiện hải Phòng kháng chiến ngày 19-11-1946, cách đây đúng 70 năm. Cái sự kiện bi tráng này xảy ra đúng một tháng trước Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946, và nó đã được thét lên bằng bài thơ “Hải Phòng 19-11-1946” của Trần Huyền Trân. Trần Huyền Trân không phải người hải Phòng và trong “Thi nhân Việt Nam” ông cũng không có thơ in như Lan Sơn, Thế Lữ. Ông chỉ được nhắc tới như một tác giả “có cái thú của người đi đổi gió”. Không ngờ câu nhận xét này của hoài Thanh - hoài Chân cũng là một câu tiên đoán về một tác giả mà theo tôi chính là Người khởi sự ra “Trường thơ hải Phòng” suốt 70 năm qua. Không phải người sống ở hải Phòng, nhưng trong Trần huyền Trân đã sẵn có chất ngang tàng, bởi thế có lẽ, sau những lần về hải Phòng tiếp xúc với bạn thơ, ông đã viết “hải Phòng 19-11-1946” hay đến thế, mới đến thế và “hải Phòng” đến thế. Nhịp thì tự do phóng khoáng, câu thơ thì gần gũi đời thường, không làm duyên mà luôn gắn chặt với những động từ mạnh của một thời “động trong động”. Sẽ không thể tìm thấy ở thơ tiền chiến những câu thơ như: “Hải Phòng- Nảy lửa tronglòng Nhà hát Lớn - Mười ba quyết tử cười hơn hớn - Còn viên đạn cuối cùng- Nhà hát rung… Congvéo cầu Ca rông- Ga AnDương bẹp dí - Máy rú gầm không khí - bom rơi đầy đồng…”. “hải Phòng 19-11-1946” thực sự đã khai sinh ra “Trường thơ hải Phòng”. Nó đã khiến Lan Sơn, Lê Đại Thanh nhanh chóng rũ bỏ nhịp điệu cũ. Nó đã để cho Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyên hồng ngẫm nghĩ suốt những năm trường kỳ kháng chiến để cuối cùng, sau giải phóng hải Phòng (13-5-1955) hơn một năm, trường ca “Những người trên cửa biển” của Văn Cao ra đời, gần như một định hướng riêng về một “mỹ học thơ” cho những người làm thơ ngấm chất hải Phòng:
Hải Phòng đã dựnglên thơ
Nhữngcâu thơ thành thời sự
Xưa nghe thời gian thong thả trôi nhay nhứt
Xưa nghe rụng nhanh với bao nhiêu nuối tiếc
Khôngcó tiếngvỡ trong không gian
Sao có tiếng vỡ trong lòng tiếng vang âm rền rĩ
Ta ngày nay đợi từng mùa bình tĩnh
Như những người ươm cây
Hái hoa trái tự tay mình vui xới
Thời gian làm trẻ lại chúng ta
Khi thời gian là của chúng ta
Đất nước bao nhiêu dầu mỡ giàu vô hạn
Sinh ra những người khai thác chúng ta
Những con cá ném lên trời cũngsống
Chúng ta bắt đầu lại ra đi
Dựng lên những Hải Phòng trên miền Bắc
Sức ám ảnh của trường ca “Những người trên cửa biển” của Văn Cao quá mạnh, khiến cho thế hệ sau ông, thế hệ chống Mỹ đã thực sự từ ông và những người trước ông tạo ra một “Trường thơ hải Phòng” thật mạnh mẽ, đủ tầm vóc để dựng thành một ấn tượng riêng biệt trong dòng chảy chung của thi ca Việt Nam thời ấy. Có thể nói “Trường thơ hải Phòng” là trường thơ của những người đồng chí hướng với tiêu chí nói trên, mặc dù họ ở đâu làm việc gì. Tuy nhiên, để kiếm tìm đầy đủ những giọng điệu như thế trong thơ Việt Nam từ thời chống Mỹ đến nay không phải là công việc làm trong một chốc, một lát. Nó cần đủ thời gian và cả sự đủ trầm tĩnh của người làm công việc này.
Nhân 70 năm ngày hải Phòng kháng chiến, với tấm lòng trân trọng “Trường thơ hải Phòng”, chúng tôi đã cùng nhau chọn ra 23 tác giả mà giọng điệu của họ đã góp phần tạo ra “Trường thơ hải Phòng” mà cơ bản là thời chống Mỹ. Bên cạnh những tác giả vốn gốc gác hải Phòng, còn có những tác giả ở nơi khác nhưng có nhiều năm công tác ở hải Phòng như Nguyễn Viết Lãm, Thúc hà, Vân Long, Trúc Chi, hoàng hưng… Từ “Trường thơ hải Phòng”, thơ hải Phòng hôm nay đã vươn tới nhiều tìm kiếm như Mai Văn Phấn với “hậu hiện đại” hay Đồng Đức Bốn thổi hồn mới vào thơ lục bát… Đấy là những tìm kiếm đáng trân trọng nhưng lại thuộc một địa hạt khác, một tổng kết khác. Với việc ấn hành tập “Trường thơ hải Phòng” thật hy vọng sẽ có lúc chúng ta tìm kiếm thêm được nhiều tác giả nữa ở khắp mọi miền, khắp tinh cầu trong cộng đồng người Việt, để có thêm một “Trường thơ hải Phòng” đầy đủ hơn, dày dặn hơn.
Vâng! “Cũng là biển nhưng biển của Hải Phòng - Em đã yêu cả những ngày ác liệt”. Khi đọc lại những bài thơ của anh em bè bạn để làm tập “Trường thơ hải Phòng” này, chúng tôi chợt thấy sống lại cả một thời đạn bom khốc liệt ở hải Phòng. Sống lại và nhận ra. Với hành trang là những “hải Phòng 19-11-1946”, “Những người trên cửa biển”... thế hệ chúng tôi đã nếm trải mọi thử thách để tiếp bước các ông cùng dựng thành một “Trường thơ hải Phòng” khi đi qua những ngày khói lửa ấy. Đi qua và chấp nhận. Đi qua để rắn lại thành thơ. Thơ của “Trường thơ hải Phòng”.
RA MẮT “TRƯỜNG THƠ HẢI PHÒNG”: THƠ HAY LÀ DO PHONG THỦY!
Quỳnh Vân
ANTD.VN - 300 trang sách, tuyển chọn thơ của 23 nhà thơ như: Trần Huyền Trân, Văn Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Thi Hoàng, Đào Trọng Khánh... vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành với tên gọi “Trường thơ Hải Phòng”. Chủ biên là nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và họa sĩ Lê Thiết Cương.
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha - cũng là một người Hải Phòng lý giải rằng, có lẽ cái chất thợ thuyền của thành phố cảng này đã ngấm vào những sáng tạo của họ, tạo nên một giọng điệu riêng biệt so với những sáng tạo ở Hà Nội, Nam Định, Huế hay Sài Gòn. Một giọng điệu có phần thô ráp, không phẳng phiu mực thước. Một giọng điệu tiềm ẩn gặp thời thế để bùng nổ.
Đủ tầm vóc để dựng thành ấn tượng
Thời thế mà nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhắc đến ấy chính là sự kiện Hải Phòng kháng chiến, ngày 19-11-1946. Sự kiện bi tráng này xảy ra đúng một tháng trước ngày toàn quốc kháng chiến, 19-12-1946 và nó đã được cất lên trong bài thơ “Hải Phòng 19-11-1946” của Trần Huyền Trân (1913-1989).
Có điều ngạc nhiên, Trần Huyền Trân không phải là người Hải Phòng, nhưng nói theo chữ của Hoài Thanh - Hoài Chân thì ông có “cái thú của người đi đổi gió”. Sẵn chất ngang tàng, rong chơi bè bạn đến với mảnh đất này, rồi những vần thơ phóng khoáng, đời thường với toàn là “động từ mạnh” ra đời: “Hải Phòng sừng sững đứng lên/Hải Phòng ghê gớm/ Hải Phòng Nhật Pháp che cờ trắng/Hải Phòng nay rợp cờ hồng/Hải Phòng chẳng bó tay đau đớn/Hải Phòng trấn cõi Biển Đông”.
Sau những vần thơ hừng hực khí thế này, trường phái thơ Hải Phòng ra đời. “Nó đã khiến Lan Sơn, Lê Đại Thanh nhanh chóng rũ bỏ nhịp điệu cũ. Nó đã để cho Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng ngẫm nghĩ suốt những năm trường kỳ kháng chiến, để cuối cùng, sau giải phóng Hải Phòng, 13-5-1955, trường ca “Những người trên cửa biển” của Văn Cao (1923-1995) ra đời gần như một định hướng riêng về “mỹ học thơ” cho những người làm thơ ngấm chất Hải Phòng” - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhận định.
23 tác giả cùng góp mặt chung trong tuyển tập mỗi người có một cách yêu đất Cảng khác nhau nhưng là đồng điệu khi những thanh âm thơ ca hòa cùng với nhau để tạo thành một tình yêu lớn, một sự tự hào. Hải Phòng với Văn Cao là nơi sức sống trường tồn vì lẽ “Những con cá ném lên trời vẫn sống”.
Với Lan Sơn (1912-1974), đó là nơi gắn bó máu thịt: “Nhà ta ở đó tổ tiên dựng/ Huyết hãn bao năm lập Hải Phòng”. Còn với Nguyên Hồng (1918-1982), ở thành phố này, sự sống vẫn luôn tiếp diễn: “Những bãi biển vườn hoa trăng mây dào dạt/Những bác thợ già những thương binh/Ngồi đọc Kiều nghe cát reo cùng sóng bạc”. Hay với Thi Hoàng đơn giản là một góc bình yên: “Tôi có xó xỉnh của tôi trên thế gian này/ Một xó của Hải Phòng mà nhìn ra Trái đất…”.
“Đất nào người ấy”
“Trường thơ Hải Phòng là trường thơ của những người đồng chí hướng, dù họ ở đâu, làm việc gì. Song, để tìm kiếm đầy đủ những giọng điệu như thế trong thơ Việt Nam từ thời chống Mỹ đến nay không phải là công việc làm trong một chốc một lát là xong được. Nó cần đủ thời gian và cả sự trầm tĩnh. Chính vì thế, cũng phải mất chừng 3 năm, kể từ khi ý tưởng nảy ra cho đến khi hoàn thành tập sách” - họa sĩ Lê Thiết Cương, một trong hai đồng chủ biên cho biết thêm.
23 tác giả trong trường thơ, người sinh ra ở Hải Phòng, người lại sinh ở nơi khác nhưng sống ở thành phố này, lại cũng có người chỉ “dan díu” với Hải Phòng một thời gian nhưng gặp nhau ở một trường phái thơ rất đặc biệt. Họa sĩ Lê Thiết Cương đồ rằng, có lẽ do… phong thủy, do đất, do nước, do khí hậu thổ nhưỡng khác lạ nên mới sản sinh ra thơ ấy, người ấy… Họ cùng gặp nhau ở một điểm chung, chất phóng khoáng, khỏe khoắn, vạm vỡ, ào ạt, thô mộc, hào sảng nhưng cũng không kém phần mặn mà.
Những “ăn sóng nói gió” tưởng như chẳng liên quan đến rủ rỉ tâm tình, nhẹ nhàng nhã nhặn của thơ. Ấy thế mà không, mối duyên ấy quá đỗi đậm đà, không chỉ thành những vần thơ hay mà còn tạo ra sự độc đáo của một trường phái thơ, gắn với thành phố biển Hải Phòng.
“Trường thơ Hải Phòng” không phải là một tuyển tập những bài thơ về Hải Phòng, cũng không phải một cuốn sách lưu danh những nhà thơ con cưng thành phố hoa phượng đỏ. Đơn giản, nó là những thứ rất riêng, để làm nên một trường phái.
Ngoài tác phẩm của 23 nhà thơ, cuốn sách còn giới thiệu tới bạn đọc 40 bức tranh - minh họa của 16 họa sĩ. Đó được xem như một sự biểu đạt thơ thông qua ngôn ngữ hội họa dựa trên cảm xúc, trải nghiệm cùng trí tưởng tượng. Các họa sĩ góp mặt trong cuốn sách gồm có Nguyễn Quốc Thái, Đỗ Dũng, Nguyễn Quang Thiều, Tào Linh, Đặng Tiến, Phương Bình…