TƯƠI NGUYÊN MIỀN KÝ ỨC
CAO NGỌC THẮNG
Dường như tuổi càng cao càng hối thúc họa sỹ Tô Ngọc Thành (ông tuổi Thìn - 1940) trở đi trở lại với vùng rẻo cao biên cương phía Bắc của Tổ quốc yêu thương. Những năm gần đây, chẳng quản đường sá xa xôi, thời tiết khắc nghiệt cùng thiên tai rình rập, sau những chuyến lưu vẽ, ông đem về Thủ đô Hà Nội trưng bày liên tiếp những cung bậc sắc màu về phong cảnh và con người vùng đại ngàn trùng điệp.
Tô Ngọc Thành là con trai danh họa Tô Ngọc Vân (1906-1954). Theo cha lên Chiến khu Việt Bắc từ khi mới lên sáu tuổi, Tô Ngọc Thành lưu lại trong ký ức của mình rất nhiều kỷ niệm về người cha kính yêu. Cậu thiếu niên ham vẽ ngày ấy khắc cốt lời cha: “Cậu dạy rất nhiều người học. Nhưng lúc con lớn khôn chưa chắc lại được dạy con. Nhưng thôi! Người khác dạy con lại tốt hơn bố dạy con đấy!”. Lời người cha như vấn vương một linh cảm của số phận. Và, sự thật đã là vậy. Cha ông – họa sỹ Tô Ngọc Vân hy sinh trong một trận oanh tạc của máy bay giặc Pháp khi chưa tròn bốn mươi tám tuổi, độ tuổi sung mãn của người nghệ sỹ. Trong chiếc ba lô của cha ông có chiếc áo Bác Hồ tặng hồi đầu xuân, trên áo có thêu dòng chữ “Đồng bào Mèo kính dâng Hồ Chủ tịch” (Mèo là cách gọi tộc người Mông trước đây) mà Tô Ngọc Thành được cha cho xem và kể: “Hôm ấy họp hội nghị, trời lạnh, cậu bị ho, Bác Hồ lấy chiếc áo đưa cho cậu và bảo cậu mặc vào cho ấm, để lấy sức khỏe còn phục vụ nhân dân”. Trong chiếc cặp vẽ, có bức ký họa bằng chì than Đèo Lũng Lô ghi ngày 17 tháng 6 năm 1954 – đó là bức vẽ cuối cùng của danh họa Tô Ngọc Vân.
Theo học dự thính tại Trường Mỹ thuật Việt Nam, “Khóa Kháng chiến”, năm 1951 Tô Ngọc Thành có tranh màu nước Đi đóng thuế nông nghiệp tham gia triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, và cùng năm đó ông gửi ba bức tham gia tiển lãm Tranh thiếu nhi quốc tế tại Viên – thủ đô nước Áo. Sau đó, ông tốt nghiệp trường Mỹ thuật Việt nam (khóa 1959-1962) và trường ĐH Mỹ thuật Praha (Tiệp Khắc cũ), khóa 1968-1974.
Học và vẽ - luôn song hành trong sự nghiệp sáng tạo mỹ thuật, bước chân họa sỹ Tô Ngọc Thành trải dài trên mọi nẻo đường Tổ quốc, từ Bắc vào Nam, từ biển lên rừng, và những vùng rẻo cao thường neo ông lại cùng sự đắm suy tái tạo thiên nhiên và cuộc sống của con người trong điệp trùng sắc màu biến thiên theo mùa vụ. Trong mắt ông, vẻ đẹp thiên nhiên không ngừng đổi mới, mà khả năng của người họa sỹ chỉ có thể tiệm cận chứ khó lòng biểu tả đến tận cùng cái biến thiên vô tận ấy. Vẻ đẹp của người phụ nữ cũng vậy. Vẻ đẹp ấy bộc lộ mỗi lúc một khác trong lao động sản xuất, trong sự tiếp xúc và tác động vào môi trường, ánh lên sức sống khỏe khoắn, vui tươi, đầm ấm mà vẫn dịu dàng, uyển chuyển, đầy hấp dẫn. Quan điểm mỹ thuật đã lôi cuốn, thúc đẩy ông vẽ đi vẽ lại một cách suy tư, nhằm bắt kịp nhịp đi hối hả của những gam màu trong hơi thở của nắng và gió. Nhiều tác phẩm của ông cùng vẽ tại một địa điểm, cùng một người mẫu, nhưng không bức nào “cóp” lại nhau, bởi ở mỗi tác phẩm có sự khác biệt về độ khúc xạ ánh sáng, được biểu hiện lên tranh bằng sắc màu nguyên vẹn của chất liệu (màu dầu, màu nước, màu bột hay chỉ là than chì).
Tranh của họa sỹ Tô Ngọc Thành, được người thưởng thức dễ nhận biết bởi ở đó không có sự bố cục bằng đường nét, hình khối, mà bằng màu – một lối vẽ trở thành phong cách đặc trưng của ông. Phong cách ấy của ông “bắt gặp” và “tương thích”, như ông tự nhận, một cách ngẫu nhiên lối vẽ của trường phái dã thú từ hội họa phương Tây, một khuynh hướng xuất hiện ở đầu thế kỷ XX và nhanh chóng suy tàn trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cách tân về màu sắc một cách triệt để là chủ trương của những họa sỹ mở lối cho khuynh hướng này. Họa sĩ trường phái dã thú đặt nhiệm vụ là phải sáng tạo sắc độ, dựng nên bức tranh với một bố cục nhiều màu, bằng sự tạo hình mạnh bạo, sống động, bỏ qua những cái vụn vặt, không sao chép vẻ đẹp thiên nhiên một cách tình cờ. Do đó tranh không diễn tả khối, không vờn sáng tối, mà chỉ có những mảng màu gay gắt, nhưng không vì vậy mà mất đi vẻ đẹp dứt khoát. Mục tiêu ấy không đơn giản, nên trường phái dã thú tồn tại chẳng bao lâu để nhường chỗ cho các khuynh hướng, trường phái hội họa khác luân phiên ra đời và phát triển.
Đam mê vẽ, họa sỹ Tô Ngọc Thành có nhiều tranh bày triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm ở trong nước và các nước. Ông từng đoạt các giải thưởng: Huy chương Vàng tại Liên hoan Phim 1980, Giải Nhất họa sỹ phim hoạt hình 1980, Giải đặc biệt của báo chí Liên Xô (cũ) tại Matxcowva, Giải thưởng bìa sách và minh họa đẹp cho thiếu nhi 1982-1983, Giải Nhất đồ họa toàn quốc (1975-1985), Giải Nhất biểu trưng xóa đói giảm nghèo 1995, Giải Ba về sách mỹ thuật 1995, Giải Ba về tranh truyện cho thiếu nhi 1998, Giải thưởng tranh thiếu nhi quốc tế ở Áo và Nhật Bản, Giải thưởng về đồ họa tại Tiệp Khắc (cũ) 1972 và 1974. Bảng thành tích này cho thấy Tô Ngọc Thành là họa sỹ theo đuổi nhiều loại hình và đề tài. Trong rất nhiều đam mê, đề tài về thiếu nhi, đặc biệt là thiếu nhi miền núi, cuốn hút ông có phần hơn cả.
Thiên nhiên hùng vĩ ngàn đời nay đã sinh dưỡng những thế hệ người quả cảm ngay từ thuở bé thơ, lúc còn được mẹ địu trên lưng, khi bước chân chập chững trên nẻo đường quanh co nơi bìa rừng, dốc đá. Đó là những hình ảnh mà họa sỹ Tô Ngọc Thành ghi nhớ từ tuổi thơ, nay ông có dịp thể hiện trong mỗi chuyến đi thực tế với tình cảm chân thành của người từng trải và chiêm nghiệm.
Mảng tranh thiếu nhi của Tô Ngọc Thành ấn tượng không bởi đường nét, mà ở bố cục gam màu. Cũng như người lớn, trẻ em xuất hiện trong tranh của ông luôn gắn với, luôn gần gụi và ở trong thiên nhiên ấy, hoặc theo liền bên mẹ trong đời sống thường ngày. Hai bức Mẹ con người Dao đỏ ở Tả Phần, Sa Pa (2008) và Mẹ con người H’Mông (2009) (H’Mông cũng là cách gọi cũ tộc người Mông), là ví dụ điển hình về tình mẫu tử trong cách vẽ của Tô Ngọc Thành. Ông không vờn nét để tạo hình khối, do đó không chủ ý biểu tả những chi tiết, tức là ông không sao chép cái nhìn thấy, bỏ qua những rườm rà, mà chắt lọc một cách nghiêm ngặt, lấy cái điển hình và dùng màu dựng nên bố cục tranh chặt chẽ theo sự mách bảo của trái tim, đặc tả chân thực, trực tiếp mối quan hệ máu mủ, ruột thịt giữa hai mẹ con. Hay ở bức Người H’Mông ở Sa Pa (2009) thể hiện bảy người phụ nữ, hai người địu con, một người ôm con trong lòng, quây quần tại một phiên chợ, với trang phục đặc trưng, toát lên sự vui tươi, đầm ấm, gắn kết cộng đồng bằng những mảng màu nguyên sặc sỡ. Những tranh tương tự, giữa người lớn, những đứa trẻ được ông mô tả như các thiên thần: ngây thơ, hồn nhiên, có “chỗ đứng” riêng trong sự hòa nhập giữa người và người, giữa người và cảnh. Đó cũng là con đường dẫn lối ông tìm về ký ức bằng sắc màu tươi rói.
Cũng tại chợ phiên, nhưng Tô Ngọc Thành “tách” những đứa trẻ khỏi người lớn, chẳng hạn ở bức Hai bé gái H’Mông đi bán hàng (2014) trong tư thế địu em nhỏ, cho thấy họa sỹ như người “viết” một thiên ký sự bằng màu, cận tả độ tuổi đang lớn đã biết (hay đã phải) tiếp thu “chức phận” làm người phụ nữ (ở cả hai việc: địu em nhỏ và trao đổi hàng hóa), điều mà người xem tranh vừa vui vừa cảm động; vui vì, lối sống và nếp sống có bản sắc được cộng đồng các tộc người miền núi rất chú trọng lưu giữ và giáo dục căn cơ cho các thế hệ nối tiếp; và, có phần mủi lòng, bởi sự trải đời đến quá sớm với lứa tuổi non nớt, chịu nhiều thiệt thòi so với trẻ em thành phố. Cận cảnh hơn nữa là Bé đi bán hàng giữa trời rét buốt hoặc Bé người H’Mông đi bán hàng (hai bức cùng vẽ năm 2014). Ở bức đầu, những hình ảnh: chiếc gùi cao gần bằng thân thể bé gái, quần áo, khăn đủ ấm, nhưng chân đi dép không có tất, hai bàn tay nắm lại, đặc biệt là hai má ửng đỏ trên nền màu lạnh, duy chỉ gương mặt ánh lên niềm vui (chắc vì được đi chơi chợ, vì giúp được mẹ cha) một cách hồn nhiên, nhi nhiên, không đoái hoài nỗi khó nhọc, gây xúc động mạnh. Ở bức thứ hai, bé gái Mông dáng ngồi tư lự, ánh nhìn đăm chiêu như muốn chờ mong bạn tâm sự, khiến người xem tranh ngẫm ngợi.
Những bức tranh vẽ tình mẹ con hay đặc tả chân dung trẻ nhỏ, dù không nhấn nhá từng chi tiết, nhưng cách bố cục bằng màu, họa sỹ Tô Ngọc Thành cho thấy năng lực quan sát và thể hiện tâm trạng nhân vật lên tranh là rất tinh tế, có chiều sâu nội tâm, đem đến cho người thưởng thức những bất ngờ của sự dùng màu mạnh bạo, trên từng đường bút lông dứt khoát, tạo những mảng màu gay gắt, làm nên vẻ đẹp hài hòa, liên tục và sống động. Tranh của ông có tiếng nói riêng, thể hiện một cá tính bộc trực, thẳng thắn và chân thực. Cách bố cục bằng màu, với những sắc độ khác nhau, còn cho người xem tranh cảm giác thú vị: bố cục ấy, sắc màu ấy như là những cuộc đối thoại trực diện giữa tác giả và đối tượng (cảnh, vật và con người).
Suốt cuộc đời theo nghiệp vẽ, họa sỹ Tô Ngọc Thành chung thủy với lối vẽ trực cảm và dùng màu không pha trộn bên ngoài mà “đặt màu tươi” trực tiếp, nhấn nhá đường bút lông theo nhịp đập trái tim thành những lớp màu có nhịp điệu, lúc khoan thai khi dồn dập, tạo sinh khí trên mặt toan phẳng, từ đó phát lộ hơi thở của cuộc sống trong vẻ đẹp thuần khiết mà đầy đặn cái tình chân chất của người nghệ sỹ. Ông như một người chuyên “viết” những thiên ký sự bằng màu!
Chọn cách vẽ dùng màu dựng bố cục tranh, họa sỹ Tô Ngọc Thành dường như mới thấy thỏa lòng mình và khẳng định: thiên nhiên hùng vĩ ấy, đời sống đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc ấy của người miền núi phía Bắc, thì phải thể hiện bằng tâm thế ấy, bút pháp nghệ thuật ấy, để từ đó thể hiện thành những tác phẩm hội họa có cá tính và giàu mỹ cảm. Dành tình cảm sâu đậm cho trẻ em, nhất là các bé gái Mông, tranh của ông đậm tính nhân văn và giá trị nghệ thuật. Ông góp phần không nhỏ nói lên mối quan hệ khăng khít giữa con người và thiên nhiên, cũng như tình yêu và ý thức bảo vệ môi trường sống của các tộc người miền núi.
Tô Ngọc Thành là người họa sỹ không ngừng giãi bày cá tính sáng tạo, đồng thời tỏ lòng tri ân tình đất, tình người vùng đại ngàn đã nuôi dưỡng tuổi thơ ông lớn lên cùng lòng đắm say hội họa. Trên con đường nghệ thuật, ông cũng luôn tìm về tuổi thơ với nhiều ký ức sâu đậm mà người cha thân yêu của mình ký thác…