Thời sự văn học nghệ thuật

8/5
9:31 PM 2020

TÁC GIẢ BÀI THƠ RAU MÁ VẪN CÒN

LÊ TUẤN LỘC-Nhà thơ Trịnh Anh Đạt, sinh năm 4/3/1946 tại Đò Lèn, Hà Trung, Thanh Hóa, mất ngày 20/4/2020 tại Texas, Mỹ. Bút danh Hoa Thành Đạt. Tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Sau giải ngũ về sống và viết tại Hải Phòng. Hội viên Hội VHNT Hải Phòng.

 

Tác phẩm đã Xuất bản: Trước Hoa hồng. Tập thơ, NXB Hội nhà văn 2003. Lục bát Trịnh Anh Đạt, NXB Hội nhà văn 2010. Giải thưởng văn học: Giải thưởng cuộc thi thơ cuối thế kỷ XX do tạp chí Xứ Thanh tổ chức năm 1999-2000 với bài thơ nổi tiếng: Rau má. Giải thưởng cuộc thi thơ lục bát Hội nhà văn Việt Nam, năm 2002 - 2003. Giải thưởng cuộc thi viết về ngành Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam do tổng cục Chính trị trao tặng.

****

Tôi bất ngờ đọc tin trên mạng, bà Khâu Lệ Hoa , vợ nhà thơ Trịnh Anh Đạt, báo tin buồn trên mạng facebook Trịnh Anh Đạt từ Mỹ, ông đã mất hôm 20/4/2020.

Tôi choáng váng cả người. Mới cách đây mấy ngày,  khi tôi post  bài thơ Thả thơ lên chiều sông Tiền, đăng trên báo Văn nghệ Đồng Tháp cho mọi người xem, nhà thơ Trịnh Anh Đạt còn like cho tôi: Chúc mừng nhà thơ Lê Tuấn lộc. Đã đành sinh tử là chuyện tự nhiên bất kỳ nhưng sao tôi  cứ thấy bất ngờ.

          Tôi chơi với Hoa Thành Đạt lâu rồi, tự cái ngày Nhà thơ Ngyễn Bao đang còn khỏe mạnh và làm chủ tịch Hội đồng hương Văn nghệ sĩ xứ Thanh tại Hà Nội, khoảng những năm đầu thế kỷ 21. Đầu năm mới,  Văn nghệ sĩ xứ Thanh tại Hà Nội gặp mặt là tôi thay mặt bác Nguyễn Bao mời anh tận Hải Phòng lên Hà Nội dự vui Xuân. Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Uống rượu và đọc thơ. Anh đọc bài thơ Rau má cho tôi nghe. Tôi nhớ nhất  những câu:

Vĩ nhân và các đời vua

Cũng từ rau má ốc cua nên người

Nói ra em chớ vội cười

Cây rau má, sâm của người xứ Thanh

 

          Bài thơ sau đó đăng trên tạp chí xứ Thanh và được giải nhất trong kỳ thi cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Thơ Hoa Thành Đạt, dung dị, đầy chất ngang tàng lại pha chất dân gian của người Xứ Thanh. Bài thơ Rau má cũng thế, đầy chất dân gian và riêng biệt.

          Năm 2007, tôi đi công tác Vân Đồn có qua Đồ Sơn.  Vợ chồng Trịnh Anh Đạt tiếp tôi tại khách sạn Hoa Thanh Đạt. Cùng đi với tôi có anh Phạm Tiến Thuật, Phó Giám đốc ban Đầu tư, TCT Vinaconex, Nguyễn Minh Sơn, Phó TGĐ Công ty CP Xi măng Cẩm Phả. Tôi ngắm mãi khách sạn Hoa Thành Đạt xinh đẹp, một khách sạn chắn ngang phố lớn Lê Thánh Tông, vị trí đắc địa nhất của Đồ Sơn thời cách đây 30 năm. Khâu Lệ Hoa. một người đàn bà xinh đẹp vợ Trịnh Anh Đạt chuẩn bị cho chúng tôi những món ăn kiểu Trung Hoa rất lịch sự và đặc sắc. Anh Đạt kể lại những thăng trầm của cuộc đời lính chiến, thương trường kinh doanh, từ một người chuyên gom sắt vụn mà có được một khách sạn hoành tráng như bây giờ. Tôi tự hào về anh, một chàng trai người Hà Trung Thanh Hóa, từ tay trắng đã làm nên sự nghiệp.  Cuộc chiến kinh doanh đầy chìm nổi, hết thành rồi bại. Anh nâng chén,  nhìn tôi nói: Kinh doanh như là đánh bạc. Rồi anh giơ chén lên mời tôi, Sơn và Thuật: Uống đi, mặc kệ!. Hôm ấy, trong bữa tiệc vui, ngoài trời gió mưa tầm tã. Đồ sơn như trong cơn bão tố. Xúc động trước cuộc đời anh, đêm ấy, tôi đã làm bài thơ: Sấm sét biển Đồ Sơn, bài thơ có đoạn:

...Sấm biển Đồ Sơn rền hơn, rung hơn

 Đời thơ đầy giông tố

 Cứ uống đi, đời như canh bạc

 Được thua nào mấy anh hùng.

... và:

...Ta gặp nhau, trời đầy gió mưa

Đầy sấm sét cứ uống đi, thôi kệ!

Con sóng Đồ Sơn cứ gầm lên nhé

 Đời ta sấm sét quá nhiều rồi./.

Bài thơ sau đó được nhà thơ Nguyễn Trác, lúc đó là Tổng biên tập tạp chí Nhà văn năm 2007, đăng trong số tháng 7.

Bài thơ RAU MÁ nổi tiếng, không phải vì được giải cao của TẠP CHÍ XỨ THANH năm 2000 mà vì nó đã đã được độc giả xứ Thanh tự trao giải từ trong lòng họ rồi. Bây giờ bài thơ ấy đã có con đường đi riêng của nó đến những người xứ Thanh trên khắp thế giới. Một câu chuyện thú vị: Năm 2009, tôi đưa đoàn Văn nghệ sĩ và Nhà báo xứ Thanh tiêu biểu tại Hà Nội về thăm tỉnh Thanh Hoá và đi thực tế cơ sở. Đêm chia tay ấy thật vui, lãnh đạo tỉnh và các văn nghệ sĩ xứ Thanh đều có mặt, trong đó có vợ chồng anh Hồ Mẫu Ngoạt, lúc đó là phó bí thư tỉnh ủy Thanh Hoá.( Hiện nay anh là trợ lý Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phụ trách Văn Phòng Trung ương Đảng). Hai vợ chồng Hồ Mẫu Ngoạt nói nhỏ với nhau cái gì đấy, rồi chị vợ đứng dậy xin phép ngâm bài thơ RAU MÁ, nhưng không biết ai là tác giả. Chị ngâm xong,  mọi người vỗ tay nhiệt liệt, tôi phải đứng dậy nói thêm, tác giả là Hoa Thành Đạt, tên thật là Trịnh Anh Đạt, người Hà Trung Thanh Hoá. Mọi người khen bài thơ này hay. Tôi nhớ mãi kỷ niệm về bài thơ ấy cho đến bây giờ. Thì ra,một bài thơ hay, tự nó biết lan tỏa. Mà Hoa Thanh Đạt cũng chỉ cần một bài thơ ấy thôi là đủ rồi. Nhiều nhà thơ chỉ mong: Để đời nhớ được một câu/ cho dù bạc tóc chắc đâu đã thành ( Huy Trụ).

          Năm 2017, từ Mỹ về Hà Nôi, anh đến thăm tôi. Lúc đó, tôi đang làm trưởng ban thơ báo Người Hà Nội. Tôi đề nghị giới thiệu 1 trang thơ anh trên báo. Tổng biên tập Đào Xuân Hưng nói, anh không phải người Hà Nội, tôi phải cho địa chỉ thật ở Hà Nội anh mới cho đăng chùm bài có bài thơ Rau má. Thực ra, anh sống ở Hải phòng là chính và khách sạn đẹp nhất ở Đồ Sơn khi đó xây trên một khu đất đắc địa, bắt mắt nhất Đồ Sơn, mang tên khách sạn Hoa Thành Đạt, bút danh của anh ( Bút danh này mang tên vợ anh, chị Khâu Lệ Hoa, người Hoa Kiều, và tên anh Đạt, để có ước mơ thành đạt và thực sự anh chị đã thành đạt). Khi về Mỹ, anh Đạt đã mang báo về tặng các bạn Việt Nam  ở Mỹ.

          Tôi còn được biết, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa còn tổ chức một chương trình truyền hình về chân dung nhà thơ Trịnh Anh Đạt. Trong chương trình đó có đưa anh đến thăm một công ty trồng rau má ở Thanh Hóa và tất cả mọi người công nhân ở đây đều thuộc thơ anh. Thật là một phần thưởng quí giá cho nhà thơ mà không thể tính bằng tiền.

 

          Anh là một người có công với Hội nhà văn Việt Nam. Hầu như những chuyến về Hải Phòng của các nhà thơ Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Hữu Thỉnh, vv đều đã về thăm nhà thơ Hoa Thành Đạt ở Đồ Sơn và họ đều có nhận xét là thơ Trịnh Anh Đạt rất Thanh Hóa.

          Ngẫm lại cuộc đời Trịnh Anh Đat, nhà thơ Hoa Thanh Đạt, xuyên suốt cuộc đời anh là một chữ Tâm. Trâu chết để da, người chết để tiếng. Mấy hôm nay, bạn bè trên mạng đưa tin và bình luận rất nhiều về nhà thơ Hoa Thành Đạt. Anh sáng tác không nhiều, nhưng chỉ cần một bài thơ Rau Má thôi đã làm cho anh nổi tiếng. Mà đời người thi sĩ chỉ cần một bài thôi được găm vào lòng bạn đọc là đủ. Nhưng mấy người được may mắn thế. Anh đã chọn một đề tài độc bản để phát đi thông điệp về tình yêu của nhà thơ với quê hương Thanh Hóa, với Hà Trung quê anh. Hoa Thành Đạt đã làm được một việc mà những nhà thơ nổi tiếng mơ cả đời còn chưa được. Bây giờ, Khách sạn Hoa Thanh Đạt vẫn còn, nhưng so với các đại gia mới ở Hải Phòng, nó không là gì cả, vì bây giờ đã là 20 năm sau thế kỷ 20 rồi. nếu Hoa Thành Đạt không là nhà thơ và không có bài thơ Rau má thì tên anh bị lu mờ đi trước các đại gia Hải Phòng và cả các đại gia ở Thanh Hóa nữa. nhưng có bài thơ Rau má làm nên tên tuổi anh nổi bật trên văn đàn và người ta quên anh là doanh nghiệp du lịch.

          Như tôi đã nói, cái mà găm vào lòng người của Trịnh Anh Đạt chính là một chữ Tâm. Hầu hết bạn bè đến anh đều được giúp đỡ và tận tình. Tôi giải thích tại sao, các văn nghệ sĩ Thanh Hóa: Nguyễn Minh Khiêm, Thylan, Lâm Bằng, Huy Trụ vv đều có bài ca ngợi anh và yêu mến anh đến thế. Tôi nghĩ, các bạn Văn của Hải Phòng cũng yêu anh như thế.

          Xin một nén tâm nhang tưởng nhớ Trịnh Anh Đạt, nhà thơ Hoa Thành Đạt. Thơ còn thì người vẫn sống. Một câu nói của một triết gia nào đó đã vận vào anh: Khi ta còn nhớ đến người đã khuất thì người đó chưa chết.

Lê Tuấn Lộc, Viết ở chân núi Nưa, Nông Cống, tháng 5/2020

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *