HỒ (KAWABATA YASUNARI)-NỖI SẦU NHÂN THẾ, CHÌM TRONG MẶT HỒ TÙ ĐỌNG
Nhà văn Kawabata Yasunari
.
Nỗi buồn nhân thể và nỗi sầu nhân thế giữa khủng khoảng căn cước
Căn cước, theo phiên âm Hán Việt, chỉ gốc rễ của thực vật, nền móng của kiến trúc, cơ sở của sự vật; khi được sử dụng với con người thì chỉ gia thế, xuất thân, lí lịch. Còn khi nằm trong cụm từ “khủng hoảng căn cước” thì đây lại là một thuật ngữ tâm lí học, chỉ sự rối loạn trong tuổi vị thành niên, phải đi tìm ý nghĩa bản ngã và vai trò trong xã hội. Nếu đặt cụm từ này trong hoàn cảnh một quốc gia thì để chỉ tình trạng mất phương hướng, sự trăn trở đi tìm một ý niệm về bản ngã khi quốc gia đối mặt với ngoại bang, bị thực dân cai trị hoặc sa sút khủng hoảng toàn diện trên tất cả phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Với một đất nước như Nhật Bản, là kẻ chiến bại khi bước ra khỏi Thế chiến thứ Hai nhưng sau đó không lâu đã có những bước phát triển thần kì, thì “khủng hoảng căn cước” không đơn thuần chỉ là cuộc khủng hoảng tuổi vị thành niên với những bất ổn về tinh thần. Mà cuộc khủng hoảng ấy, đã ăn sâu, lan rộng trong đời sống tâm lí con người nơi đây. Và tiểu thuyết Hồ của Kawabata Yasunari, cùng hình tượng trung tâm – gã đàn ông Momoi Gimpei chính là một trong những biểu hiện rõ nhất của khủng hoảng căn cước trong nội tâm con người Nhật Bản những năm 50 của thế kỉ XX.
Mizuumi – Hồ, cuốn tiểu thuyết đăng nhiều kì trên tạp chí Shincho từ tháng 1 đến tháng 12 năm 1954, sau được nhà xuất bản Shinchosha in thành sách vào tháng 4 năm 1955, là câu chuyện về Momoi Gimpei – một gã đàn ông luôn mang mặc cảm đôi chân xấu xí. Bởi thế, nửa cuộc đời của Gimpei, gã vẫn thường để mắt, theo dõi những cô gái có đôi chân xinh đẹp: dẫu là ngày thơ bé hay đến khi trưởng thành hoặc cho tới lúc trở thành gã trung niên lang thang, thất nghiệp.
Có thể nói, Momoi Gimpei, gã đàn ông mang mặc cảm về một bộ phận trên thân hình, mang nỗi buồn ẩn ức về nhân thể là một hình tượng sáng tạo hết sức đặc biệt trong sáng tác của Kawabata Yasunari. Gã không giống với những kẻ lãng tử trẻ tuổi, hoàn hảo về mặt thể xác nhưng khuyết thiếu về mặt tinh thần, mãi chìm đắm trong đam mê, dục vọng tuổi trẻ không thành trong những tác phẩm thuộc thời kì đầu văn nghiệp Kawabata. Gã cũng không giống với những ông già, đã luống tuổi, chiêm nghiệm đủ nhân sinh song vẫn chưa buông bỏ được chấp niệm khát vọng tuổi trẻ thuộc thời kì sáng tác sau này.
Momoi Gimpei tồn tại trong thế giới nghệ thuật của Kawabata nói chung, trong thế giới của tiểu thuyết Hồ nói riêng, đặc biệt và là duy nhất: gã khuyết thiếu cả thể xác và tinh thần. Gã khuyết thiếu cả quá khứ lẫn hiện tại. Nỗi buồn nhân thể về đôi chân khiếm khuyết của gã được tạo tác lên từ những vụn vỡ kí ức vốn đọng sâu trong mặt hồ tuổi thơ, từ đó mà thành nỗi sầu nhân thế của một người đàn ông khao khát rất nhiều mà rồi điều khát khao nhỏ bé đơn giản nhất gã cũng không thể chạm tới.
Gimpei cứ đi, đi theo những cô gái gã gặp, mông lung, vô định. Bước đi đó của gã, vừa là hành trình của một kẻ khiếm khuyết ở tuổi trung niên, cô đơn khát cầu cái đẹp gã vĩnh viễn không thể vươn tới. Nhưng hơn cả, đấy còn vừa là hành trình gã tìm lại bản ngã, tìm lại chính mình giữa muôn vàn mảnh vỡ quá khứ đang xâm lấn, chồng chéo vào hiện thực của cuộc khủng hoảng căn tính, căn cước đã hằn sâu vào tâm hồn: “Khi ấy, chỉ có một cô gái tuổi chừng thiếu nữ dắt theo con chó giống Shiba đang leo lên từ chân dốc. Mà không, còn một người nữa: Momoi Gimpei, hắn đang bám theo cô. Nhưng liệu có thể tính Gimpei là một người được không, điều này vẫn còn là dấu hỏi, vì hắn đang đắm chìm vào cô, say sưa tới nỗi quên mất cả bản thân mình”.
Nỗi buồn nhân thể hằn sâu vào tiềm thức, trở thành ẩn ức nhức nhối tâm can khiến Gimpei có những hành động gần như biến thái. Nhưng nỗi sầu nhân thế của một kẻ cô đơn, lang thang vô định giữa cuộc đời như Gimpei lại gặp gỡ, đồng điệu với muôn vàn cá nhân, gương mặt khác trong cuộc sống. Những con người, bất kể tuổi tuổi tác, địa vị, hoàn cảnh vẫn đang vật mình tìm cách sinh tồn, tìm lẽ sống giữa dòng đời: cô gái Miyako, đánh đổi thanh xuân ở bên một người đàn ông gần đất xa trời; cô bé Hisako, học trò cũ của Gimpei gắn với gã trong một chuyện tình oan trái; và Yayoi, cô gái gắn với tuổi thơ của gã... Tất cả, đều là những gương mặt, là những mảnh ghép của xã hội Nhật Bản, chìm trong cuộc khủng hoảng ý thức hệ, cuộc khủng khoảng căn cước sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Ở đó, người ta không chỉ mất đi căn tính, mà còn luôn sống trong cảm giác “thiếu quê hương” hay rộng hơn, thiếu một nơi để thân xác và tâm hồn trở về. Như Gimpei, đã cay đắng mà thú nhận: “Vùng...” Gimpei ấp úng, “anh không thích nói chuyện quê quán. Vì khác với em, anh đã đánh mất quê hương rồi...”. Và với một con người, còn gì đau đớn hơn khi nhận thức được bản thân chỉ đang lay lắt sống, quá khứ, hiện tại, tương lai như mãi chìm sâu vào bóng sương vụn vỡ của một mặt hồ u tối.
Biểu tượng nước và yếu tố tính dục trong tiểu thuyết Hồ của Kawabata Yasunari
Không phải tới tiểu thuyết Hồ, biểu tượng nước mới xuất hiện trong văn chương Kawabata, đồng thời đây cũng không phải tác phẩm cuối cùng ông đề cập tới biểu tượng này. Mà nước đã trở thành biểu tượng xuyên suốt, như một sợi chỉ đỏ trong văn nghiệp Kawabata. Và trên mỗi tác phẩm của ông, nước lại có những biến thể khác nhau: Là vùng núi mùa đông, nước đóng băng, đọng lại thành miền Xứ tuyết; là chén trà thu lại kí ức con người bảng lảng Ngàn cánh hạc bay; là tiếng gầm của biển hay khu suối nước nóng xa xa nơi những ông già ở bên Những người đẹp say ngủ; hay một địa danh cụ thể có tên Hồ Biwa trong những câu văn Đẹp và buồn. Tuy nhiên, nước trở thành một biểu tượng vừa cụ thể, vừa trừu tượng không chỉ trong tâm thức con người mà tràn ngập trên trang văn, xuất hiện ngay đầu với tư cách tựa đề tác phẩm, thì có lẽ trong gia tài văn chương của Kawabata, chỉ có tiểu thuyết Hồ mà thôi.
Nước, một trong năm yếu tố thuộc ngũ hành, một biểu tượng mang tính cổ mẫu, xuất hiện trong văn chương ngàn đời và đi vào trang viết của Hồ, trước hết với ý nghĩa hết sức cụ thể. Đó là mặt nước, mặt hồ nơi vùng quê Momoi Gimpei sinh sống ngày thơ ấu. Hồ gắn với hàng loạt sự kiện thuở thiếu thời của Gimpei: những kỉ niệm của gã với cô gái tuổi thơ, cũng là người chị con bác ruột gã Yayoi; những câu chuyện vụn vặt của gã với người mẹ quá cố hay đặc biệt là cái chết của cha gã khi Gimpei mới 11 tuổi. Đồng thời, nước và hồ ở đây, còn là địa điểm nơi lễ hội thả đom đóm thường niên được tổ chức.
Nhưng cổ mẫu nước và biểu tượng hồ trong tiểu thuyết cùng tên này của Kawabata không chỉ mang nghĩa gốc, đơn thuần như thế. Trong cuốn sách, hồ hiện lên cụ thể song cũng đầy bất định: không ai rõ mặt hồ ấy tên gì, ở đâu, tất cả hiện lên chỉ còn là những mảnh vỡ nhạt nhòa mà nhức nhối của một kẻ thiếu quê hương, mất đi căn tính. Mặt nước còn gắn với hình ảnh đôi mắt đẹp của người con gái Machie, đi cùng với căn bệnh Gimpei vẫn luôn dùng để bao biện cho đôi chân xấu xí – căn bệnh nước ăn chân.
Nước và hồ trở đi trở lại trên trang văn, gắn với kí ức cùng giấc mơ của nhân vật như tượng trưng cho nguồn cội hay nơi để tâm hồn con người trở về tìm lại vụn vỡ khi xưa, để người ta tìm tới một phương thức được bảo bọc, chở che, chìm và đằm lại trong những khổ đau. Nước và hồ, như lòng mẹ thu nhận về đó đủ đau thương. Nhưng không êm đềm như tầng bề mặt, sâu trong dòng nước, sâu trong lòng hồ là những cuộn xoáy, đợt sóng cuộn trào của đam mê không thành, mâu thuẫn giữa yêu thương và định kiến, của những thương tổn tích tụ qua thời gian...
Để rồi, khi con người không thể mãi trốn chạy, cũng là lúc người ta chìm sâu vào mặt hồ u tối. Nước và hồ khi đó, như trở thành một ngục tù giam giữ tâm hồn con người giữa muôn vàn ẩn ức thăm thẳm: “Dạo gần đây, thỉnh thoảng Gimpei lại thấy ảo ảnh về một tia sét lóe lên trong đêm ở vùng hồ làng mẹ hắn. Mỗi lần trông thấy tia sét trong ảo ảnh, Gimpei lại thót tim trước cảnh tượng một vùng nước sâu và rộng đang nằm im lìm trên bề mặt lục địa thoắt hiện ra dưới ánh sáng của bầu trời đêm, như thể cảm thấy những yêu linh của tự nhiên hay tiếng kêu đau đớn của thời gian”.
Song song cùng biểu tượng nước, biểu tượng về người phụ nữ, về căn tính nữ cũng xuất hiện dày đặc trong tiểu thuyết Hồ. Và biểu tượng nước, đặt cạnh căn tính nữ, đã khiến tác phẩm của Kawabata trở nên đầy nhu hòa, cùng với đó làm cho câu văn của ông, càng thêm đẹp bảng lảng. Tất cả tạo lên đặc trưng rất riêng cho văn chương Kawabata.
Người phụ nữ hiện trên trang văn của Hồ dưới những hình hài hết sức đa dạng về tuổi tác, xuất thân, hoàn cảnh, ngoại hình... nhưng đến cuối cùng bản thân họ ai cũng có những khiếm khuyết riêng về mặt tâm hồn cùng những ẩn ức đau thương riêng chìm trong tiềm thức: Miyako trong mối quan hệ với một người đàn ông gần đất xa trời; cô bé Hisako, con gái một người có địa vị, đem lòng yêu người thầy giữa sự cấm đoán của gia đình và sự khinh miệt, phản bội của người bạn thân; cô gái Yayoi, hiện về trong kí ức Gimpei với mối quan hệ như vượt trên luân thường đạo lí...
Và gắn với bóng hình một cô gái lại là yếu tố tính dục, là khát khao vừa bản năng, vừa đau đớn từ một gã đàn ông mang nhiều khuyết thiếu. Gimpei cũng có lòng đam mê như bao người đàn ông khác trong văn chương Kawabata: đam mê giao hòa, giao cảm với cái đẹp, trước hết là cái đẹp nguyên sơ, thuần khiết của người phụ nữ. Nhưng đồng thời, Gimpei, một kẻ luôn mang mặc cảm nhân thể lẫn quá khứ, niềm đam mê ấy liền trở thành đau thương giày vò gã: gã ham muốn, nhưng chẳng thể vươn tới, một kẻ như gã, chẳng thể chạm đến được vẻ đẹp hắn khao khát.
Căn tính nữ, hiện lên qua bóng hình người phụ nữ: Miyako, Sachiko, Hisako, Michie, Yayoi... tất cả bóng hình ấy, đều như được phủ lên một tầng nghĩa biểu tượng: không đơn thuần chỉ là dục năng nguyên thủy của một gã đàn ông, mà hơn cả, là sự khiếm khuyết của tâm hồn con người: khao khát yêu và được yêu mà không thành.
Đặc biệt, khi đặt yếu tố tính dục và bản diện nữ song chiếu vào cuộc đời Kawabata, ta lại càng thêm thấu hiểu, thấm thía. Bản thân Kawabata, cả cuộc đời ông đã thiếu đi hơi ấm của người phụ nữ: ông mồ côi cha mẹ, người chị, người bà ông sống cùng cũng sớm ra đi khi ông còn rất nhỏ, tới khi trưởng thành, người phụ nữ ông yêu và đã định kết hôn cuối cùng hôn sự lại không thành. Bởi thế, tác phẩm của Kawabata nói chung, tiểu thuyết Hồ nói riêng, như sự phản ánh một phần tâm hồn tác giả lên trang viết. Mà từ đó, thấu hiểu rồi ta càng thêm đồng cảm với mâu thuẫn, day dứt, mặc cảm, một lòng khát cầu hay đam mê đầy dang dở của mỗi cá nhân trước cái đẹp, trước tình yêu, trước sự toàn vẹn của cuộc sống.
Mizuumi – Hồ: Bản lề trong sự nghiệp sáng tác của Kawabata Yasunari
Như đã nói, Hồ là cuốn tiểu thuyết đánh dấu độ chín trong sự nghiệp sáng tác của Kawabata, và đây cũng là tác phẩm có ý nghĩa như tấm bản lề chuyển giao giữa hai thời kì sáng tác của ông. Nhân vật chính trong tác phẩm này, không còn là người lãng tử trẻ đang lạc bước với đam mê và đi kiếm tìm cái đẹp, chân lí tình yêu, cuộc sống. Cũng không phải những ông lão đã bước về tuổi xế chiều quay về tìm lại niềm say mê tuổi trẻ. Momoi Gimpei chỉ là một gã trung niên khiếm khuyết cả thể xác lẫn tâm hồn vẫn đang cô đơn, lạc bước trong nỗi mơ hồ về tương lai giữa ngổn ngang vụn vỡ kí ức.
Cùng với độ chín trong cách Kawabata xây dựng nhân vật và tái hiện thế giới đời sống hiện thực lẫn tâm hồn con người, ở tiểu thuyết Hồ, câu văn của ông cũng trở nên đằm hơn, trầm và lắng hơn trong nỗi sầu, nỗi buồn của những cá nhân, những con người Nhật Bản bước ra từ chiến tranh và vẫn đang bước trên con đường, tìm về căn tính, tìm lại cái tôi bản thể. Như chính Mishima Yukio (tác giả Kim Các Tự) từng nhận định: “Ánh sáng lập lòe của chiếc lồng đom đóm đung đưa bên hông người thiếu nữ, ngọn lửa từ đám cháy đêm ở bờ bên kia in bóng xuống hồ... Tất cả phản chiếu trong đôi mắt tràn đầy những vọng niệm của Momoi Gimpei, gã đàn ông kỳ quái. Một thế giới truyện ma mị mà rào cản của hiện thực đã hoàn toàn bị tước bỏ”.
Mọt Mọt
NGUỒN:VNQD