LỄ KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY MẤT NHÀ THƠ CHÍNH HỮU
Quang cảnh Lễ kỷ niệm
Ngày 27-11-2017, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Lễ tưởng nhớ 10 năm ngày mất nhà thơ Chính Hữu đã được tổ chức trong không khí ấm áp và trang trọng. Cuộc tọa đàm về sự nghiệp thơ Chính Hữu đã diễn ra trong cùng buổi lễ với sự góp mặt của nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà phê bình Lê Thành Nghị, TS. Nguyên An, nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình, nhà thơ Trần Đăng Khoa…
Nhà thơ Hữu Thỉnh
Nhà thơ Chính Hữu tên thật là Trần Đình Đắc, ông sinh ngày 15 tháng 12 năm 1926, mất ngày 27 tháng 11 năm 2007, nguyên là một Đại tá, Phó cục trưởng cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Phó tổng thư ký Hội Nhà văn VN. Nhà thơ Chính Hữu là trường hợp hiếm hoi trong số các nhà thơ cùng trang lứa về quá trình đào tạo. Ông học tú tài triết học ở Hà Nội từ trước cách mạng tháng Tám. Năm 1946, ông gia nhập Trung đoàn Thủ đô và phục vụ trong quân đội suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tại chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông đã từng làm chính trị viên đại hội.
Nhà phê bình Lê Thành Nghị
Chính Hữu bắt đầu làm thơ từ năm 1947. Suốt hơn nửa thế kỷ, ông hầu như chỉ quan tâm viết về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng. Tập thơ “Đầu súng trăng treo” của ông xuất bản năm 1966 và được coi là tác phẩm chính của ông. Cả đời cầm bút của ông để lại các tập như: Đầu súng trăng treo (1966); Thơ Chính Hữu (1997); Tuyển tập Chính Hữu (1998). Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, đợt II, năm 2001 với các tập thơ trên.