VĂN NGHỆ KHẮP NƠI (25-11-2017)
Lấy ý kiến dự thảo Nghị định về quản lý, tổ chức lễ hội
Ngày 24-11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về quản lý, tổ chức lễ hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Việc xây dựng Nghị định này nhằm mục đích xây dựng hành lang pháp lý khoa học, chặt chẽ, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực hoạt động lễ hội nói chung và từng vùng miền nói riêng. Dự thảo Nghị định Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội gồm 4 chương, 19 điều áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động lễ hội trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong đó, phần nguyên tắc tổ chức lễ hội có những quy định: Nghi lễ được tiến hành trang trọng; trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp; lòng yêu nước, tự hào dân tộc, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục kích động bạo lực, hạn chế sử dụng ngân sách Nhà nước để tổ chức lễ hội.
Phần Xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội quy định: Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan thì theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật...
Dự thảo này cũng quy định người tham gia lễ hội cũng sẽ phải tuân thủ nội quy, quy định của ban quản lý, ban tổ chức lễ hội; đặt tiền công đức, tiền lễ, tiền giọt dầu đúng nơi quy định; không ném, thả tiền xuống giếng, ao, hồ; cài tiền lên tay tượng và các hành vi phản cảm khác. Đặc biệt, người tham gia lễ hội phải ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội…
Tại hội thảo, đa số đại biểu đều cho rằng, Nghị định ra đời vào thời điểm này là cần thiết, xuất phát từ thực trạng vẫn còn nhiều lễ hội biến tướng, gây phản cảm. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng lưu ý, trong văn bản quy phạm pháp luật phải cố gắng tránh sự can thiệp quá sâu vào hoạt động của cộng đồng mà chỉ nên xây dựng khung pháp lý, tùy từng đối tượng, mức độ, phạm vi cụ thể có thêm các quy định phụ trợ.
(Theo: qdnd.vn)
Nhiều hoạt động nhân "Năm Georges Simenon tại Việt Nam”
Ngày 23/11 tại Hà Nội đã diễn ra cuộc tọa đàm về nhà văn Bỉ nổi tiếng Georges Simenon. Đây là hoạt động mở màn cho “Năm Georges Simenon tại Việt Nam” gồm nhiều sự kiện, do Phái đoàn Wallonie - Bruxelles tổ chức.
Georges Simenon là tác giả của hàng loạt tiểu thuyết lừng danh. Nhà văn người Bỉ nổi tiếng này có sức viết vô cùng đáng nể. Với khoảng 200 tiểu thuyết, 155 truyện ngắn và 25 tự truyện được dịch ra trên 50 ngôn ngữ tại trên 50 quốc gia, 70 tác phẩm được chuyển thể điện ảnh và số lượng bản in bán ra đạt trên 800 triệu, có thể nói Simenon là một trong những tác giả Pháp ngữ được dịch và được đọc nhiều nhất trong thế kỷ XX.
Từ tháng 11/2017 đến đầu năm 2019, Phái đoàn Wallonie - Bruxelles tại Việt Nam tổ chức chương trình “Năm Georges Simenon”. Nhân dịp này, Nhã Nam cùng Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam phối hợp tái bản, xuất bản một số tác phẩm của Georges Simenon.
Mở màn cho chương trình này là buổi ra mắt tiểu thuyết "Chuyến tàu định mệnh" của Georges Simenon. Chương trình có sự tham gia của nhà văn Bỉ Nicolas Ancion (tác giả Chuyện tầng năm), cùng hai người điều phối chương trình là đại diện phái đoàn Wallonie - Bruxelles tại Việt Nam.
Tiểu thuyết “Chuyến tàu định mệnh” đề cập đến chủ đề tình yêu trong chiến tranh, kể câu chuyện về Marcel và Anna cùng chuyến tàu hỏa huyền ảo vào thời điểm chiến sự bắt đầu bùng nổ tại Châu Âu, mùa hè năm 1940. Không ít chi tiết thuộc tiểu sử của Simenon xuất hiện trong “Chuyến tàu định mệnh”.
Georges Simenon sinh ngày 12/2/1903 tại Liège (Bỉ), mất ngày 4/9/1989, tại Lausanne (Thụy Sĩ). Ban đầu là phóng viên, sau là tác giả với nhiều bút danh khác nhau của hàng loạt tiểu thuyết danh tiếng, Simenon đã tạo ra nhân vật thanh tra Maigret. Ông cũng là tác giả tiếng Pháp được dịch nhiều thứ ba trong mọi thời đại, chỉ sau Jules Verne và Alexandre Dumas.
(Theo: dangcongsan.vn)
Khai mạc Lễ hội Tam giác mạch 2017 tại Đồng Văn
Tối 24-11, tại trung tâm huyện Đồng Văn, Lễ hội hoa tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ III năm 2017 chính thức khai mạc với chủ đề “Bản tình ca từ đá”.
Hà Giang là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, nơi cư trú của 19 dân tộc anh em với những sắc thái văn hóa truyền thống riêng. Đặc biệt, tỉnh được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ. Lễ hội hoa tam giác mạch hướng đến mục tiêu tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu, nâng cao vị thế, hình ảnh của Hà Giang với bạn bè trong nước và quốc tế. Lễ hội được Hà Giang xác định là một trong những hoạt động quan trọng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh, tạo động lực thu hút du khách trong và ngoài nước, cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Lễ hội hoa tam giác mạch mạch diễn ra đến hết ngày 31-12-2017.
Tam giác mạch, một loài hoa mỏng manh, khiêm nhường với núi non hùng vĩ, mỗi mùa hoa tam giác mạch đã trở thành mùa du lịch rộn ràng nhất trong năm ở Hà Giang. Một mùa hoa tam giác mạch nữa lại đến. Cao nguyên đá Đồng Văn dự kiến đón hàng trăm nghìn du khách đến với Lễ hội hoa tam giác mạch. Tại tất cả các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Dinh Nhà Vương, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Làng Văn hóa du lịch Lũng Cẩm, Đèo Mã Pì Lèng… đã thu hút hàng nghìn du khách mỗi ngày.
(Theo: qdnd.vn)
TUYÊN HÓA tổng hợp