NHÀ THƠ CHÂN QUÊ- VŨ CHÂU PHỐI
Ảnh minh họa-Internet
Căn phòng tôi ngồi làm việc, chiếc quạt trần hiệu China quá đát, cọt kẹt chăm chỉ quay hết tốc lực nhưng vẫn không xua nổi cái nóng kinh người.
Đúng lúc đang ngộp thở, ngốt người ấy thì tự dưng lại mất điện. Tôi vội thoi ra khỏi phòng. Ông hoạ sĩ ngồi phòng bên còn nhanh chân hơn, đã ra đứng ngoài hành lang từ bao giờ. Đoạn ông hoạ sĩ nheo mắt nhìn tôi, nói nửa nhắc nhở, nửa rủ rê:“ Nghe như đã mấy lần ông rắng lên thăm Vũ Châu Phối, mà sao cứ lần nữa mãi thế. Ông mà không tranh thủ mò lên chụp vài kiểu ảnh cái “Quán mơ” ngày xưa của Vũ Châu Phối, kẻo nay mai ông ấy phá bỏ rồi lại tiếc”.
Tôi liền cám ơn ông hoạ sĩ, vì ông đã nhắc tôi thực hiện một công ba việc, vừa đi trốn nóng, vừa gặp thi sĩ Phối chuyện trò thơ phú “mênh mông bao la”. Tiện thể chớp mấy kiểu hình cái nơi tôi thường gọi đùa là “Quán mơ” giờ đã thành “ di tích” của cái thuở bần hàn, khốn khó của ông nhà thơ họ Vũ này. Biết đâu nay mai nó lại là bức ảnh hiếm lạ chứ đùa.
Thế là ông hoạ sĩ cùng tôi dông xe thẳng lên tư gia của Vũ Châu Phối- một nhà thơ mà cả hai chúng tôi đều yêu quí, trân trọng từ rất lâu rồi.
Làng Cam Lộ – Quê hương của Vũ Châu Phối ngày xưa đẹp như bức tranh thuỷ mạc bây giờ cũng đã lên phố lên phường rồi. Nhưng còn may là xen giữa những ngôi biệt thự xây cất cầu kỳ; những nhà ống ngất ngưởng với đủ dáng kiểu tum nhọn, chóp tù, du nhập đâu từ mãi xứ Bắc Âu, Phi Châu, A Rập... đây đó vẫn còn những thẻo đất còn sót lại một vài khóm tre, vạt chuối, cây mít, rặng cau nên nơi ông Phối cư ngụ khí trời vẫn còn trong lành thoáng đãng, dễ thở hơn trong trung tâm thành phố nhiều.
Đến đầu ngõ rẽ vào nhà Vũ Châu Phối, tôi nhường ông hoạ sĩ đi trước. Còn tôi, làm ngay việc chụp hình và khảo sát “ Quán mơ” của Vũ Châu Phối. Tôi gang tay ra để đo Di tích Quán mơ. Biết gọi thế nào cho vừa chính xác vừa đúng nghĩa đây. Không thể gọi đấy là cái nhà vì nó quá thấp bé đến không thể thấp bé hơn được nữa. Chiều cao tường đằng trước tôi đo được sáu gang, nếu mỗi gang của tôi dài hai mươi xăng- ti nhân lên cũng chỉ cao khoảng một mét hai mươi phân. Đằng sau nhỉnh hơn bốn gang, vậy cũng chỉ cao dư tám mươi phân. Phía trên hình như sang gạch hay đầm thứ vôi chạt trộn xỉ than đánh xoải thấp dần đều lại phía sau để làm mái che mưa nắng. Diện tích sử dụng tính kiệt cùng của “ Quán mơ” này chỉ rộng hơn một mét vuông thôi.
Nom cái công trình “Quán mơ” của Vũ Châu Phối nó giông giống chỗ người nhà quê thường để chứa những chum chĩnh mắm hay nơi nhốt ngan gà hơn là một ngôi quán dùng để làm dịch vụ bán hàng.
Vậy mà nơi đó một thời gian dài cả chục năm Vũ Châu Phối, sau mỗi buổi sáng bò toài ra đóng than tổ ong cho vợ chở đi bán quanh làng Cam Lộ. Chiều xuống thì Vũ Châu Phối hai tay chống hai chiếc nạng gỗ mòn cũ bóng ghét và mồ hôi, khó nhọc thập thững dịch chuyển mình ra đầu ngõ rồi bò man vào ngồi trong cái dinh cơ bé tẹo ấy bán vé số- “Bán mơ giàu” cho dân làng, kiếm thêm chút đỉnh tiền hoa hồng phụ với vợ nuôi hai con gái ăn học.
Có lần tôi đã “ phỏng vấn” và cũng là trách yêu Vũ Châu Phối: “ Sao một người hiền lành đa cảm như ông mà có thể ky bo ích kỉ đến thế? Cái quán làm ra chỉ đủ mỗi ông ngồi đã chật rồi, còn khách ngồi vào đâu nhỉ?”. Vũ Châu Phối gãi đầu, cười méo mó: “ Họ ngồi ở ngoài mình cũng ngại, cũng thương lắm nhưng làm gì có tiền mà xây rộng, đành chịu lỗi hẹp lòng với mọi người chứ biết làm sao bây giờ”.
Tôi hiểu Vũ Châu Phối lòng anh đâu có hẹp, ân tình anh với cuộc đời với quê hương xứ sở này đâu có cạn vơi. Bởi nếu anh là người vô tình, vô cảm thì làm sao có thể viết được những bài thơ về làng quê, đồng quê mộc mạc, thấm đậm tình đời, tình người như thế . Quy cho cùng cũng chỉ vì anh nghèo quá. Chị Dung, vợ yêu của Vũ Châu Phối là một người đàn bà tần tảo, đảm đang nhưng một mình chị không thể chạy đủ gạo ăn, tiền tiêu cho một gia đình năm miệng ăn gồm mẹ chồng già yếu, chồng và hai con gái nhỏ. Bản thân Vũ Châu Phối thì tàn tật không có nghề ngỗng độc chiêu nào có thể hái ra tiền. Chỉ có mỗi món Thơ thôi, mà Thơ thì chẳng thấy ai hỏi mua cả, thành ra...
Lại nhớ về ngày xưa. Nghĩa là hơn bốn mươi năm trước, vào một đêm mưa rả rích trên căn cứ miền tây Thừa- Thiên- Huế. Đêm ấy, không có máy bay địch đi soi tìm quân ta. Không nghe tiếng đề pa, tiếng rú rít, tiếng nổ chói tai của đạn pháo từ các trận địa địch bắn cầm canh lên căn cứ tiền duyên.
Đúng cái đêm khuya vắng lặng ấy tôi cùng mấy người đồng đội ngồi vây quanh chiếc Ra- đi- ô chiến lợi phẩm, lắng nghe chương trình Tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam. Chương trình tiếng thơ khuya đó phát đi bài thơ Ngõ Quê của tác giả Vũ Châu Phối: “ Lối ngõ đi chung/Tôi đi biết bao lần/ Bước chậm khi lên năm /Bước nhanh khi lên tám/ Chưa bao giờ thấy bàn chân bịn rịn/ Và ngập ngừng như buổi hôm nay/ Phút lên đường với lối ngõ chia tay
. . . . . . . . . . .
Lối ngõ quê nhà tôi đã lớn lên/ Đi giết giặc, ngõ bỗng yêu đến thế/ Nhìn suốt ngõ sâu(như tấm lòng người mẹ)/ Ngõ đi vào lòng xóm sân nhà/ Quê hương từ nơi này tình nghĩa sâu xa….
Trước mặt chúng tôi là chiến trường bom đạn ngút trời cực kỳ khốc liệt. Sau lưng chúng tôi là hình ảnh quê hương thân thương, nơi ấy có một lối ngõ, một ngôi làng xa tít tắp được tác giả thổi hồn mình gửi vào mỗi con chữ, mỗi dòng thơ một nỗi rưng rưng, một niềm da diết. Bài thơ Ngõ Quê hằn khắc mãi vào tâm trí tôi, tôi yêu thích bài thơ từ dạo ấy. Và thầm ước sau chiến tranh nếu còn sống trở về miền Bắc nhất định tôi sẽ đi tìm tác giả đã viết bài thơ lay động lòng tôi, lay động hồn tôi.
Sau ngày Miền Nam giải phóng, về quê Hải Phòng, gặp Vũ Châu Phối tôi mới biết bài thơ Ngõ Quê cùng với bài Ruộng; Hương Cỏ nằm trong chùm thơ đoạt giải Ba cuộc thi Thơ Báo Văn Nghệ năm 1969 của anh.
Vũ Châu Phối sinh ngày 16 tháng 6 năm 1947 trong gian chuồng trâu của một gia đình tốt bụng nơi bố mẹ tản cư về làng Nam Tạ, huyện Vĩnh Bảo ngày Pháp đánh chiếm Hải Phòng. Khi anh đã miệng ăn chân chạy thì một cơn sốt định mệnh ập đến biến anh thành một đứa trẻ tật nguyền vì chứng bại liệt. Cha mẹ anh tuy nghèo nhưng bằng mọi cách chăm chút, bù đắp cho đứa con bệnh tật là gửi anh vào trường học chữ cho bằng chúng bạn, để mai ngày may ra có thể tự nuôi thân. Và, Vũ Châu Phối đã không phụ lòng bậc sinh thành, anh học một lèo hết cấp ba và mơ ước được vào học Trường đại học Tổng hợp văn. Nhưng chiến tranh phá hoại lan ra miền Bắc, các trường đại học lúc bấy giờ phải sơ tán vào trong rừng sâu nên Vũ Châu Phối đành gác ước mơ đi học của mình.
Rồi nàng thơ đến rủ rê anh. Bấy giờ Vũ Châu Phối đã là một chàng trai trưởng thành nên cái duyên thơ kia bén hồn anh say đắm lắm. Bằng chứng là những bài thơ của anh làm những tháng năm ấy được các nhà thơ cùng thế hệ và rất nhiều ngưòi yêu thơ cổ vũ, chia sẻ.
Đến tháng năm này Vũ Châu Phối xem như đã là người cao tuổi, bị tai biến mấy lần rồi nhưng hình như ông trời thương nên vẫn cho anh minh mẫn lắm. Anh vẫn ngồi nhà trông nom tư gia cho vợ con đi làm. Anh khoe với tôi rằng đời sống gia đình anh bây giờ đã dể thở hơn trước. Anh không còn phải bò xoài đóng than tổ ong cho vợ chở đi bán quanh làng nữa. Chiều đến không phải man vào ngồi trong cái “ Quán mơ” để bán “ Mơ đổi đời” cho dân làng Cam Lộ nữa. Vợ anh, chị Trần Thị Dung- một cô đào chèo của làng ngày xưa vì mê thơ Vũ Châu Phối mà nguyện làm bạn đời với anh. Chị sinh cho anh hai con gái: cháuVũ Hoà Nhi và Vũ Trúc Đường rất chăm ngoan hiếu thuận và yêu kính bố mẹ. Chị Dung đã có việc làm ổn định. Hai cháu Hoà Nhi và Trúc Đường cũng đã có nghề nghiệp và một đứa đã lấy chồng sinh con.
Cũng buổi chiều Vũ Châu Phối vui vẻ khoe với tôi và ông bạn hoạ sĩ những buồn vui đời anh không hiểu sao lúc ấy tôi lại vô duyên hỏi: “ Còn anh hàng tháng có chút tiền bạc nào không?”. Vũ Châu Phối ớ ra: “ Mình thì có khoản tiền gì đâu”. Tôi bảo: “ tiền trợ cấp người tàng tật ấy”. Anh lắc đầu quầy quậy: làm gì có, làm gì có”.
Đến lúc này thì chính tôi lại ngạc nhiên, tại sao người bại liệt tuổi đã cao như Vũ Châu Phối lại không có trợ cấp nhỉ? Chẳng lẽ ở nơi anh sống không có cơ quan đoàn thể nào hay người chức sắc nào quan tâm chăm lo việc ấy! Còn Vũ Châu Phối- nhà thơ của đồng quê, làng quê của chúng ta thì chẳng thấy anh mảy may xao xuyến, bận tâm gì đến điều tôi vừa hỏi. Vũ Châu Phối chiêu một ngụm nước, cười vô tư, rồi khoe: năm 2005 anh đoạt cái giải cuộc thi thơ viết về Bác Hồ trên báo Văn Nghệ.
Trời đã xâm xẩm tối. Tôi với ông hoạ sĩ nhổm người đứng lên khỏi chiếu xin được cáo từ Vũ Châu Phối ra về. Vũ Châu Phối vội giơ tay lên vẫy vẫy ra hiệu hãy ngồi xuống nghe anh đọc bài thơ viết tặng cháu ngoại in trên tạp chí Cửa Biển của Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng số xuân Đinh Hợi.
Chập chững chập chững chập chững/ Cháu đang đi về phía ông/ Bi bô chập chững cháu ngã/ Ngỏm dậy cháu đi như thể/ Không gì cản bước cháu đi/ Ông ngồi đếm chân cháu nhún/ Ngả nghiêng bên nọ bên kia.../ Đưa tay nào, ông đỡ cháu/ Cả nhà vui nén đợi chờ/ Dường như chân ai cũng ngượng/ Bước dò bước dẫm tập đi...
Rồi như không dấu nổi niềm thương yêu sung sướng của mình với đứa cháu mới tập đi những bước đầu tiên Vũ Châu Phối thốt lên thật hồn nhiên: “ Cháu để ông lặng, bất ngờ/ Chùi tay giấu ngang giọt lệ/ Cho ông nỗi niềm trần thế/ Cho ông say buổi đẹp trời...
Tôi lặng lẽ ngắm khuôn mặt và nụ cười tươi rạng của Vũ Châu Phối, và giao hẹn với anh hãy đừng có ốm để đến một ngày đẹp trời, chúng tôi lại về làng Lộ nghe anh đọc những bài thơ mới./.
Vũ Quốc văn