MỘT HỒN THƠ XỨ NGHỆ
Thạch Quỳ làm quen với văn chường từ những trang sách “bí ẩn” gợi tò mò của cha và nhưng câu chuyện vui vẻ đầm ấm nhuần thấm hơi thở ca dao tục ngữ của mẹ. Không thể không kể đến hòn Rú Cuồi (Núi Qùy) nhiều đá thân quen với tuổi thơ cậu bé Huấn mà sau này nhà thơ lấy bút danh Thạch Quỳ như để kỷ niệm tên hòn núi ở quê hương: Núi Quỳ bé mà sao nhiều đá thế/ Tuổi chăn bò hốc đá trú mưa/ Hoa chổi rụng dưới cánh ong bò vẽ/ Đá trắng phơi đầy trời nắng trưa. Những ấn tượng thi ca xuất hiện rất sớm trong tâm thức của cậu Huấn! Khoảng trên dưới mười tuổi, những ám thị thơ ca đầu tiên nảy nở trong trí tưởng tượng, sau này nhà thơ nhớ lại thấy rất gần một số đoạn thơ của Xuân Diệu, Nguyễn Bính mà mãi đến khi lớn lên ông mới đọc được.
Thạch Quỳ vốn giỏi toán, sau tốt nghiệp đại học có đến 11 năm dạy toán ở trường trung học trước khi chuyển qua nghề văn. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ những năm tám mươi, cho đến nay ông đã xuất bản 9 tập thơ.
Nhớ lại hồi còn dạy học ở Vinh và là thành viên hội VHNT Nghệ Tĩnh, tôi thường hay gặp Thạch Quỳ trong những lần sinh hoạt Hội. Đôi lúc đến thăm ông tại nhà riêng. Mới gặp Thạch Quỳ gây ấn tượng ngay, khuôn mặt gầy, đôi mắt có vẻ đăm chiêu và những đường nhăn trên trán, trên má gợi sự suy tư, tương phản với nụ cười thân thiện ấm áp. Giọng nói hơi gắt, cái âm sắc xứ Nghệ nhất là những khi tranh luận. Dạo ấy, thời chiến tranh sống bao cấp các nhà thơ, nhà giáo được so sánh bằng hai nhà nghèo, các thi sĩ như Xuân Hoài, Quốc Anh, Thạch Quỳ đều làm thêm nghề phụ để sống như quấn thuốc, làm bánh kẹo, hoặc gia công bao bì… Gia đình Thạch Quỳ vót tăm tre và chế tác thịt bò khô. Nhà ngổn ngang, ông vẫn vui chuyện. Ngày lo việc mưu sinh, ông dành thời gian đọc sách, làm thơ vào buổi tối, đôi mắt luôn quầng thâm vì thức đêm… Thạch Quỳ rất nhiều bạn thơ, vây quanh ông nhiều tác giả trẻ luôn gặp gỡ trà lá đàm đạo chuyện văn chương, chuyện nhân tình thế sự…
Nhà thơ Thạch Quỳ được xếp vào thế hệ các nhà thơ thời chống Mỹ. Thơ ông phục vụ chiến đấu và sản xuất nhập vào mạch thơ hào hùng, lạc quan mang khí thế của một vùng đất giầu truyền thống cách mạng. Những bài thơ ấn tượng một thời như Gạch vụn thành Vinh, Tiễn em trai đi vào, tiễn em gái đi ra, Gom nhặt trên bãi bom B52… Thơ ông giầu tính hiện thực, cũng tràn đầy tinh thần lạc quan. Đó là những năm tháng đất nước gồng mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cả dân tộc nghèo khó, nhiều thành phố làng thôn tan nát, nhân dân chịu bao hy sinh, mất mát nhưng tất cả một lòng, vẫn thấy “sắc hồng cười trong gạch vụn”. Những câu thơ đau nhói vì bom đạn giăc tàn phá quê hương Mảnh bom giặc còn găm trong thịt đất/ Tôi rút ra và thấy máu tươi (Gom nhặt trên bãi bom), bên cạnh lại bừng lên những câu thơ về một thành Vinh thân yêu gan dạ tự hào:… Có thành phố nào như thành phố này không/ Chưa thấy nhà cao chói lọi sắc Hồng/ Đã thấy sắc hồng cười trong gạch vụn… Thà làm gạch vụn để chờ nhau... (Gạch vụn thành Vinh). Cả nước chung một chiến hào, ông tự hào với miền Bắc kiên trung, càng xúc động với tinh thần chiến đấu hy sinh của những chiến sĩ quân giải phóng miền Nam trong đó có những người bạn một thời ở quê hương: Anh vụt đứng trên đôi chân dập nát…/ Xác xe tăng bẹp dí chân cầu… (Nhớ Huyến). Cộng hưởng tình yêu hai miền trong lửa đạn Thạch Quỳ nhìn đàn trâu qua tuyến lửa với một tấm lòng đầy cảm khái: Chân sưng húp hãy còn móng cứng/ Vượt trưa nắng đèo Ngang dốc dựng/ Xuống hố bom đầm nước lút mình/ Đỉnh sừng nhô hai hạt nếp trắng tinh (Trâu đi).
Thạch Quỳ, nhà thơ của làng quê. Làng Đông Bích quê ông, một vùng bán sơn địa. Tuổi chăn trâu Vương Đình Huấn đã làm quen với bùn đất, cây cỏ, chim muông và hòn núi Quỳ, tât cả vào thơ ông như một duyên nghiệp. Ông gắn bó với thiên nhiên, với đất đai cây cỏ, với con người quê kiểng, những cảnh trí thân yêu đa dạng luôn hiện về trong cac bài thơ như: Hoa dứa, Con chim tà vặt, Tiếng chim, Lục bát về thông, Đá trên đỉnh núi Quỳ… Trong thơ một tình quê bàng bạc khi nghe đất đai giục giã tiếng mùa màng/ nghe đất trổ xóm làng đang mọc dậy, hoặc thấy một dấu chân chim/ trên tảng đá ngàn năm / bao lớp sóng trào lên như sóng bể… (Tiếng chim). Ông cảm nhận những con vật đồng ruộng quen thuộc đến mức hòa đồng Con cá ngửi vết chân bùn bỡ ngỡ/ Nổi mắt tròn ngơ ngác nhận ra tôi và thấu hiểu nỗi cơ cực của những người làm ruộng như chính của bản thân Nhổ lác, nhổ từng cây/ Nhổ năn, măn từng rễ/ Nước teo da bàn tay/ Bắp chân bầm máu đỉa/ Lưng cúi gập suốt ngày.
Thơ Thạch Quỳ chủ yếu là thơ trữ tình thế sự, bày tỏ những suy cảm về cuộc đời về thế thái nhân tình, một số bài viết về quê hương, về lịch sử, tuy vậy ông vẫn có một mảng thơ về tình cảm gia đình, tình yêu, tình bà cháu khá ấn tượng (Nguồn gốc cơn mưa, Quạt cho bà ngủ…). Thạch Quỳ với vẻ ngoài thô ráp khắc khổ nhưng lại ẩn giấu một trái tim tha thiết dịu dàng, Là một thi sĩ đa tình, về Nghi Xuân, vào Huế, đến đâu ông đều có thơ kỷ niệm. Một vũ công với điệu múa trong đêm gặp gỡ giao lưu ở đất cố đô, ông cảm xúc:… Rượu nâng sóng nhạc ngang mày/ Em lững thững giữa đêm bày chiếu hoa/ Xáng xề sông đổ về xa/ Xáng xề phách nhịp đổ qua hồn mình/ Ai ngâm khúc nhạc cung đình/ Để ai thương cả Hoàng thành cỏ rêu… (Đêm sông Hương). Có khi chỉ một thoáng gặp gỡ tình cờ, trái tim thi sĩ muộn mằn cũng rung lên những giai điệu: Em từ thơ ấu về chơi/ Tặng tôi một chiếc mỉm cười bâng quơ/ Như sương như khói xa mờ/ Bông hoa dốc núi không chờ đợi ai/ Rượu còn sóng sánh trong chai (Em từ thơ ấu về chơi)…
Nhớ lần cùng chúng tôi đi thực tế viết về thủy lợi vùng hồ Kẻ Gỗ, vào được một ngày anh ra về, bảo “đi với người yêu mình mới có thể viết hay hơn”, quả thật sau đó anh có bài thơ dài về thủy lợi khá hay. Tôi nghiệm rằng, Thạch Quỳ là nhà thơ luôn cần tình yêu xúc tác để nâng tầm cảm xúc trước các thi đề dẫu mới hay cũ, thoáng qua hay lâu dài. Có tình yêu là men nồng thi hứng trong ông sẽ dâng trào với những câu thơ dạt dào sinh động! Con người tưởng khắc khổ khô khan ấy laị có những câu thơ tình yêu nhớ nhung tha thiết, những câu thơ mềm dịu gợi cảm với bao hình ảnh sống động: Trời đã tết. Khói xanh mờ bụi nước/ Góc vườn con hoa mận đã đơm khuy/ Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc/ Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về… Và có khi đầy mộng tưởng: Có một nửa đang đi tìm một nửa/ Như vầng trăng ngoài cửa, phía trời xa. Hay pha chút bẽ bàng: Em trong sạch và anh tinh khiết /Muốn vào đời/ Không có giấy khai sinh…
Thạch Quỳ cũng là nhà thơ của những triết lý, chiêm nghiệm. Những triết nghiệm của ông nhiều khi ngược lại thói tục người đời, nhưng cũng khiến người đọc suy nghĩ. Triết lý qua bề dài lịch sử: Lưỡi gươm ròng ròng máu tươi/ Nước mắt ướt đầm yên ngựa/ Chỉ có đất với trời và cỏ/ Hiểu đường đi của giọt máu người” (Qua đền Cuông ghi chuyện cũ); triết lý qua cả những định đề toán học, tính ẩn dụ hai mặt cuả hình tượng thơ và toán cùng tụ về chung một xác tính trong trái tim người… Cái đường thẳng nằm trong hình học/ Theo suốt đời, âm ỉ tận trong tôi/ Đường ta đi từ quá khứ đến ngày mai/ Hiện bắc qua mỗi tấm lòng trăn trở/ Đường thẳng luôn bài xích những cong queo/ Và gạt bỏ những lối mòn có sẵn/ Đường thẳng nói về những miền vô tận/ Mà nghe như âm ỉ giữa tim mình.
“Người Nghệ - Tĩnh can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan, tằn tiện đến cá gỗ” (Nguyễn Đổng Chi). Nét riêng này đã ảnh hưởng ít nhiều đến các tác giả gắn bó khăng khít với mảnh đất miền gió lào, cát trắng, với tâm lý cộng đồng thẳng thắn và cứng cỏi. Thạch Quỳ phần nào mang bản tính của miền quê, đôi lúc cứng cỏi đến gàn dở và cực đoan - người ta thường gọi là “cái gàn của anh đồ Nghệ” mà đã thành một đặc điểm của con người cùng văn hóa xứ này, nó đã lan vào cái cá tính “ông đồ Nghệ Thạch Quỳ” phần nào thể hiện trong sáng tạo của anh. Nghi vấn, băn khoăn, phẫn nộ… tâm trạng của một lớp người trong những thời khắc gió bão mông lung của cuộc sống. Con người đã từng: Tôi muối mặn với cuộc đời dân dã/ Tôi áo cơm no đói với ngày thường… Từng đối mặt với bạo tàn, chết chóc/ Máu trào tuôn, sẹo đóng tự trong hồn/ Tôi mệt mỏi đến không còn sợ chết/ Nhưng vẫn lòng ham sống thật tôi hơn (Tôi). Mà nay, đã viết: Bàng hoàng giữa một ngày/ Mình sống hay chẳng sống? (Không đề); Nghìn năm mưa đã từng mưa/ Thấm vào viên sỏi hay chưa thấm vào? (Lời nghìn năm); Tôi chờ ai nữa? Mùa thu rộng/ Gió thả bên trời lá liễu bay (Mây trắng mùa thu). Đây là cái thời mà một nhà thơ giầu trí tuệ như Chế Lan Viên cũng phải thốt lên Tôi trong đau vẫn làm viên muối bể/ Để mặn lòng những kẻ muốn vô tư!
Tìm hiểu cốt cách người xứ Nghệ trong thơ Thạch Quỳ cũng chính là tìm hiểu bản sắc riêng của văn hoá từng vùng miền khác nhau. Thơ dù đổi mới, cách tân đến đâu nhưng nếu đánh mất bản sắc của mình, của quê hương mình, của dân tộc mình thì khó lòng có sức lan tỏa và sức sống lâu bền. Nhà thơ Trần Hữu Thung, một người rất mến Thạch Quỳ, lúc sinh thời, trong một lần tôi được hầu rượu ông và nhà viết kịch Nguyễn Tường Lân, hai ông bàn chuyện Hội và chuyện thế sự. Cụ Trần Hữu Thung bảo thời nay luật lệ nó nháo nhào, Luật không nghiêm còn Lệ thì bát nháo. Lệ chèn lấn cả Luật. Luật là phép nước là rường cột của cái sườn nhà, phải nghiêm chỉnh vững chãi nhà mới chắc chắn, Lệ là những qui ước thói quen của làng xã, của từng nhóm cộng đồng nhỏ, nó như rui mè của cái nhà. Nhà mà cột kèo, xà hoành xiêu vẹo, nhà dễ lung lay, sụp đổ lắm. Thời Thạch Quỳ, ông thất vọng nhiều về các phép tắc Luật, Lệ, trật tự xã hội, nhiều thói xấu, sự giả trá lộng hành, tâm trạng cực đoan có khi thất vọng nhìn toàn mầu tối, ông mượn thơ ca bày tỏ sự bất bình. Ngược với thói tục, người không hiểu cho là gàn! Với con, bài thơ ông viết trong tâm trạng đó: Con ơi con, trái đất thì tròn/ Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật/ Tất cả đấy đều là sự thật/ Nhưng cái bánh đa vừng tròn, điều đó thật hơn!/…. Cha mong con lớn lên chân thật/ Yêu mọi người như cha đã yêu con! Ông thấy mình như lạc lõng trước thực tại. Thạch Quỳ lo âu, dằn vặt trong những suy nghĩ ngổn ngang trước cuộc sống, trước thế tục Điều tôi biết, người xưa đã biết/ Cuộc phù du ớn lạnh ở da mình/, Thạch Quỳ suy nghĩ về những bi kịch lịch sử: Mầu lông ngỗng ngây thơ trong trắng quá/ nên máu người phải đổ Mỵ Châu ơi... chiêm nghiệm về triết lý của sự tồn tại, lẽ bại vong: Ở đền Công con nghê đá không cười/ Mầu ngói đỏ như mầu của máu/ Con trai ngọc ôm khối hồng đau đáu/ Nghìn năm rồi nước mắt rửa không tan (Qua đền Công ghi chuyện cũ).
*
Thạch Quỳ, nhà thơ được nhiều độc giả ưa thích, tuy giờ đây ông viết hơi ít. Thơ ông khá đa dạng, có nhiều bài rậm rạp nhiều chi tiết, có những bài khái quát như một định đề toán học, dài ngắn khác nhau, thể thơ cũ mới cũng tùy biến, nhưng bài nào cũng chứa đựng một lối tư duy sắc sảo, một ngôn ngữ riêng biệt. Thơ Thạch Quỳ ít khoa trương, trau chuốt từ ngữ, câu kéo, mà mạnh về ý tưởng. Thạch Quỳ cũng biết cách làm mới các thể thơ cũ như thơ năm chữ, thơ lục bát… (Lục bát về thông, Con chim tà vặt…) Có thể ông chậm lại trong sự đổi mới tân kỳ so với một số tác giả đồng hương ở thế hệ sau này, tuy nhiên trong vẻ đẹp truyền thống thơ lưu anh giữ ở bề sâu tâm hồn một sắc thái riêng, đó là phong cách thơ Thạch Quỳ: sâu lắng, chân thật và giầu suy tư - một vệt riêng trên con đường thi ca đậm cốt cách xứ Nghệ.
Nguồn Văn nghệ số 09/2020