THẤY NHỮNG “DẤU ẤN CHƯA QUA” CỦA TRẦN NINH HỒ
Nhà thơ Trần Ninh Hồ và nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong một lần vi hành Hà Nội. Ảnh TL
Tôi nói may mắn vì nhiều lẽ: Phần các anh là những người có tuổi. Ngoài sự chênh lệch về tuổi tác, còn là sự “vạm vỡ” của các anh trong văn chương khiến làm nảy sinh sự “ngài ngại, e dè”.
Mỗi lẫn được tiếp xúc các anh, nhờ sự cởi mở, thân thiện mà rào cản tâm lý vô hình đó dần dần được gỡ bỏ. Chính các anh đã tiếp lửa, củng cố cho tôi niềm tin, vốn kiến thức được trải nghiệm, mà nhiều khi vì một lý do nào đó từ “trên trời rơi xuống”, làm tôi “xuýt” nản lòng.
Trần Ninh Hồ, thuộc lớp thế hệ các nhà thơ chống Mỹ. Ông là người chan hòa, dễ gần cả ngoài đời lẫn trong thơ. Khi vào mạch, ông có thể nói chuyện về thơ, đọc thơ cả ngày mà không biết mệt. Thơ ông đằm sâu, có tính triết luận. Có lúc mong manh như tơ sợi, nhiều khi lại gân bắp cuồn cuộn như sóng khơi xa. NHỮNG DẤU ẤN CHƯA QUA là tập thơ mới của ông. Nghe nói, ông viết mất gần mười năm. Tôi đã đọc nhiều thơ ông rải rác trên sách báo. Nhưng đây là lần đầu tiên, tôi có trọn vẹn trong tay tập thơ này.
Tập thơ chia làm ba phần: Giấy như mây; Phóng sự thơ và Em và tôi. Chưa đọc nội dung, riêng tên sách lẫn các đề mục cũng khiến tôi tò mò. Sao lại là Dấu ấn chưa qua, phàm đã là dấu ấn nghĩa là nó phải xẩy ra rồi chứ; rồi thì “ Giấy như mây”… Có gì đó gợi lắm, thơ lắm thêm chút là lạ nữa, âu đó cũng là thứ làm cho thơ khác các loại hình nghệ thuật khác. Ngôn ngữ trở nên biến hóa, đa nghĩa khi nó nhuốm màu cảm xúc.
Ở phần một, Giấy như mây: Là hành trình của tác giả đi tìm những số phận, những dấu vết thơ còn lưu với thời gian. Ông đi từ viện tàng thư đến các thi nhân; từ dân gian (truyền khẩu) đến hội họa; đôi lúc lại thấy ông lặn lội, lụi cụi bạn bè với những “ cái không có thể” cốt săm soi tìm “cái có thể” (Thánh thần mấy ngàn năm nhỉ/ Triết gia, chính khách khản lời/ Chỉ còn không gian mờ tỏ/ Và thời gian vô hình trôi). Dấu ấn thơ như một nỗi ám ảnh mà ông là một kẻ mộ đạo di căn (Khát những mặt người ấm áp/ Thơ ơi lặn lội bao đời) . Chả thế, mới bước vào cổng viện tàng thư chưa đâu thấy đâu, ông đã than thở:
“ Ta viết mười trang chữ
Mong được một trang in
Khắc thạch nghìn trang sách
Hồ dễ mấy ai tìm”
(Qua viện tàng thư)
Ông tìm dấu ấn thơ trong cổ họa, trong các thi hào để rồi ông tự nhận ra một điều: Hóa ra thơ không có gì bí hiểm. Giá trị của sự cao sang lại bắt đầu từ những điều bình dị, gần gũi:
“ Đôi khi ta cũng thích đọc lại những thi hào
Hóa ra các vị ấy cũng bị ta quên đi nhiều lần lắm…
…Mà xem ra các vị ấy có viết những điều gì ầm ĩ, bí ẩn lắm đâu
Vị thì mưa rơi, vị thì nắng cháy”
(Đôi khi)
Và ngược lại, ông đọc thơ để hình dung ra gương mặt người thơ.
Với Hoàng Trung Thông:
“ Cứ biết và cứ lẫn
Ông là Hoàng Trung Thông”
( Biết và lẫn)
Với Hoàng Cầm nhà thơ đồng hương Bắc Ninh:
Người đi dời non lấp biển
Người đi buôn bấc buôn dầu
Người vào rừng xanh núi đỏ
Người dò sào vắn sông sâu
Biết đâu bên bồi, bên lở
Những là bến Đợi, đò Lo
Có ai không, thưa một tiếng
Cho ta ở phía chợ Chờ!...
(Ra sông lại nhớ)
Với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mà lời những bài hát của ông giàu chất thơ:
“ Người được nhiều nhất những yêu thương
Mà lạ sao
Chưa bao giờ hết buồn”
(Lữ thứ với con người)
Rồi với Quang Dũng của Tây tiến (Tráng-sĩ-người đi không lại/Chỉ còn tráng-sĩ-thơ thôi!/Sông Dịch nơi nào cũng lạnh/Tái tê trôi dọc kiếp người); với Trần Đăng Khoa mà (Cái người đã thành “ngài”/Từ khi còn bé tý!); nhận ra Mai Linh với (“Cỏ trên mồ vẫn cỏ lúc ta yêu”); rồi giáo sư sử học mê thơ Trần Quốc Vượng ( Để được nghe anh nói thẳng/ “Cứ viết thế phí một đời’/ Hay là” viết vậy mới được/ Vận người cũng như vận nước/ vui, buồn cho nó đến nơi/ Tâm tình thì đừng giả dối/ Văn chương đâu chỉ một thời”)..v.v…
Thi nhân Việt Nam thì vậy, với thi nhân thế giới thì sao? Trời cho ông được khả năng cảm quan chính xác của “một chuyên gia khảo cổ” giúp ông nhận diện chân dung họ từ xa khi thơ họ thật gần:
Với Êxênhin :
“Thắt lại đời mình ở tuổi ba mươi
qua nhiều ngày khao khát
mở ra nhiều ngả
tìm hơi ấm loài người
cho bao la
Nước Nga”
(Từ những ô cửa sổ)
Với B. PASTERNAK:
Khi ông viết:” Em buồn như mặt trời
Tôi không tin nếu không có Trái đất
Luân hồi quay giữa muôn trùng vật chất
Dưới hào quang của chính mặt trời”
(Đọc B. PASTERNAK)
Không chỉ thơ với các nhà thơ. Thơ tồn tại, len lỏi khắp mọi nơi; từ ông vẽ tranh, nặn tượng (có đến năm trường ca, sáu tập thơ) đến các “đại gia” đương thời mà (Chỉ cần một đêm thôi/Viết trăm bài như bỡn) và ngay cả đến ông nữa:
Tôi thường tiễn vui bằng rượu
Thường đón buồn bằng thi ca
(Lại bàn về rượu và thơ)
Biết thế, mà ông vẫn còn vờ hỏi mình:
Tiệc ngàn người tốn kém
Vẫn có thể cười say
Tiệc một người, quá dễ
Tốn gì mà mắt cay?
(Tên cho bữa tiệc chưa mở)
Thơ như là chỉ dấu của sự đài các, cao sang; thơ như mây ngũ sắc và đôi khi trên trang giấy bay lên từ mơ mộng thơ trắng màu chân trời:
Giấy như mây
trắng lắm
phía chân trời
Ở phần hai, Phóng sự thơ: Giữa trăm ngàn hỗn độn, trong hành trình đi tìm những sắc thái, tìm “cái tôi” của thơ. Trần Ninh Hồ như “một chàng phóng viên thơ” kiêm “một chuyên gia thẩm định” cần mẫn, phân loại những “sa khoáng thơ” để tìm ra ngọc quý. Mở đầu lời đề từ, ông tâm sự:
Giữa trăm ngàn hỗn độn
Ta thường tự nhặt ra
Những-không-thể-bỏ-qua
Cho hành trang tiếp tục…
(Nhặt)
Nhưng cái sự đời nhiều khi cũng oái oăm: Thao tác của “việc nhặt” ấy cốt là để muốn “mớ hỗn độn” kia tinh lên, ánh lên, rõ ràng hơn, để “đỡ đau đầu” kẻ sau,… nào ngờ đôi lúc ngược lại, nó trở nên hỗn độn hơn trước:
Ta nhặt cho đến lúc
Giữa những lựa chọn kia
Hỗn độn lại xuất hiện
Hơn những lần nhặt trước!
(Nhặt)
Nhưng đó chính lại là cái tình, cái lý, cái AND đặc trưng của thơ:
Thôi đành lừa Thượng đế
Nhặt gom chút… tâm tình
Cho đời sau nhặt đọc
May ra được hồi sinh
(Nhặt)
Đây có lẽ là “phóng sự thơ” hay, chặt chẽ về cấu tứ và nhất là nó diễn đạt được tương đối đầy đủ “ý đồ” tác giả trong cấu trúc của tập thơ này.
Bản thân Trần Ninh Hồ “đa tình”! Nhìn cái cách mà ông ăn, mặc, “son phấn” đến “tập tành” cho thơ để biến thơ “thành nàng” thì biết. Ông hướng thơ bám rễ, tạo trầm giữa nhân gian hơn là nhốt thơ trong phòng kín tìm chút điệu đàng cho riêng mình. Ông bớt đi những rậm rạp để thơ quang hợp mà nói lời cỏ cây, hoa lá còn cảm được trời xanh, và ông thức khuya, dậy sớm cùng thơ bạn bè với hò, vè, múa, hát, gần gũi sẻ chia thâm trầm với “thành quách”, với “cửa sổ” cô tịch…mà biết mở hồn mình với chúng sinh. Thơ hiện diện ở mọi nơi; thơ biến hóa mang hơi ấm nhân bản, thơ mở rộng chiều kích và thơ biết cảm cái cảm mang yếu tố con người:
Có ai ngờ đã có ngày”lổ châu mai” từng lẫn vào cửa sổ
Thay âu yếm ánh nhìn, thác lửa trút vào ta!
(Cửa sổ)
Thực tế cuộc sống muôn màu diễn ra hàng ngày. Không một lý do nào có thể bắt được nó dừng lại; “Những khuôn hình” cứ hiện rõ dần lên rồi lại trôi vào mờ ảo. Những dấu ấn thời gian sạm màu trên gương mặt thơ Trần Ninh Hồ, lúc ào ạt, lúc chậm rãi như cái cách ông ngồi uống rượu sen Tây Hồ mà nhấm nhám lời Chu Thần xưa:
Trăm năm rồi xa vắng
Liên-tửu còn say nồng
Chu Thần xưa từng gặng
“Sen hay mặt rượu hồng”
(Với rượu sen Tây Hồ)
Ông dùng ngôn ngữ tạo dựng những “trường đoạn phim” diễn tả cảnh “người tìm đất” rồi “đất tìm người” hầu phản ánh được cái éo le của xóm làng trong thời kỳ đô thị hóa mong đánh động đến những hệ lụy lấp ló phía sau sự ồn ào, hào nhoáng; những “Clip thơ” với những người xa xứ, hiện lên cứ cay cay sống mũi, đẫm nhòe nước mắt:
…Nơi ấy mẹ đã đi xa và cha cũng xa rồi
Từng mong lắm cái ngày tôi trở lại
Cái ngày ấy một thời, có tên là Mãi Mãi
Mãi mãi không thể về! Đơn giản thế thôi ư?
Đơn giản với ai kia. Còn tôi lâu bền lắm
Chắc chẳng còn ai quen, sao tôi lại tìm về
Cả khi tôi hay tin mái nhà xưa đã mất
Chỉ còn nền đã hóa mảnh vườn quê!...
(Lời một bạn Việt kiều Paris cùng quê)
Những “phóng sự thơ” mang hơi thở cuộc sống nóng hổi, đó cũng là cách thức mà Trần Ninh Hồ muốn thơ bắt nhịp nhanh hơn, làm được nhiều việc có ích hơn trong đời sống hiện đại. Thơ không còn bó hẹp trong sự thưởng ngoạm cung cấm của các ‘ông đồ”; thơ gần gũi với công chúng; thơ lớn lên trong tư duy; thơ tiếp cận hiện thực, tham gia giải mã những “rối ren” gặp phải trên đường.
Ở những “phóng sự thơ” có yếu tố “trữ tình” Trần Ninh Hồ có vẻ “cứng nghề hơn”, “sở trường” hơn khi khả năng biểu cảm thông qua ngôn ngữ rõ ràng, mạch lạc, tự tin, đầy ưu tư. Trong bài “ Khổng tử tìm lão tử” là ví dụ rõ nét về lối tư duy này:
Khổng tử tìm lão tử
Gặp rồi chẳng thấy gì
Lão cởi, mình thì thắt
Nhọc thân mà làm chi
Hình như lão có tiễn
Khi mình rời chân đi
Đi nát thêm ngàn dép cỏ
Tranh bá đồ vương được gì?
Phóng sự thơ là cách Trần Ninh Hồ đưa thơ đến gần cuộc sống hơn, thơ biết nói “những lời nói thường”. Nhưng thường đến độ không có gì cả, thì thơ cần phải tránh. Trần Ninh Hồ đôi lúc cũng phạm phải điều đó, tôi đồ rằng lúc ấy ông uống chưa đến độ:
Chỗ Mẹ ngồi tựa cửa
Ngóng anh chị tôi xa
Nhớ Mẹ, tôi thường ngồi
Càng thấm lòng của Mẹ
Khi tôi ngóng con tôi!...
(Lời em gái)
Em và tôi là phần cuối của tập thơ. Dù khi vui hào hứng hay những lúc buồn cô đơn, thơ Trần Ninh Hồ vẫn cứ óng ánh màu mật. Lạ. Ngay cả những lúc ông chìm đắm một mình hay khi có “người yêu” ngồi bên cạnh ông vẫn cứ loay hoay “tìm rượu”:
Đàn sẻ ấy không chút nào ngơ ngác
Dẫu bao ngày tôi đã đi xa
Sườn đồi cỏ, hàng cây, đàn sẻ đồng nơi ấy
Nhắc tôi rằng em vẫn thường qua…
(Đàn sẻ đồng)
Nhiều khi tôi cứ tự hỏi. Biển cả của ông đâu mất rồi, mà cứ mênh mông nước! Đèn nơi ông sáng quá, sáng đến minh bạch hết lấy gì “nghi vấn” để mà yêu!
Đây, tôi dẫn chứng khi ông hai mươi tuổi:
Không biết bao giờ tôi thành phật thành tiên
Hai mươi tuổi làm sao tôi “tu” được
Tôi cũng không sao yêu những tính toán so đo trần tục
Tình yêu là một thứ điên điên, một thứ rất…phiền!
(Cây và sông ngày hai mươi tuổi)
Khi “nỗi nhớ của ông đã ào ạt” thì cũng:
Ôi thương nhớ cứ như chiều trở lại
Mà người đâu cứ vắng như chiều
(Tôi và Em)
Và cả khi ông ngồi lặng lẽ suy tư:
Hình như với tình yêu không chỉ những đại lộ
Những đắm say thường nhỏ đến …vô hình
(Và…)
Thơ “Em và tôi” nó cứ hiền hiền, đều đều như quan họ “mời giầu” ấy. Hình như mọi “dữ dội” ông ghìm nén giấu biệt đâu đâu, thành thử ông cứ loay hoay “tìm rượu” mà che chắn! Nó chả giống như Trần Ninh Hồ mà tôi từng mường tưởng (Gặp nơi nhiều băng giá/Tôi cầu khẩn mặt trời/Chợt tình ai xa lạ/Mặt trời đóng…băng rồi).
Nguồn Văn nghệ số 21/2017