TRONG VÒNG XOÁY CỦA CHIẾN TRANH
Điều gì đã khiến chị - một phụ nữ khi chiến tranh kết thúc mới 12 tuổi, có xuất phát điểm vốn là một kĩ sư nông nghiệp - lại rẽ vào văn học, đắm đuối với đề tài chiến tranh, một đề tài không còn được độc giả mặn mà như vài ba chục năm về trước? Những tiểu thuyết được ra đời trong cảm hứng sử thi - một cảm hứng hiện không có nhiều trong văn phẩm đương đại, nhưng ở chị vẫn tràn đầy và độc giả vẫn tìm thấy ở những sáng tác này một sức hấp dẫn riêng?
Những câu hỏi, nỗi băn khoăn đó đã được trả lời, được giải tỏa khi đọc vào tác phẩm và quan sát công việc hàng ngày của chị. Chính Trầm Hương là người “phát hiện” ra cuốn nhật kí của Đặng Thùy Trâm từ vài dòng giản lược trong quyển Lịch sử Phụ nữ Nam Trung bộ đã ố vàng, cũ kĩ, để rồi sau đó, Nhật kí Đặng Thùy Trâm được ra đời và trở thành một hiện tượng như chúng ta đã biết. Tôi thật sự ấn tượng về lời tâm sự của chị khi đến với văn chương: “Tôi không đành lòng nhìn những con người cao lớn lồng lộng bị nhốt trong những lồng kính chật hẹp. Tôi đi tìm, kết nối và viết, nào ngờ có quá nhiều điều kì diệu đã đến với tôi!”.
2. Trầm Hương, người sinh ra và có tuổi thơ gắn với đất nước thời trận mạc. Có lẽ điều chị trăn trở nhất là thân phận con người đã sống và đi qua chiến tranh. Và trong quá trình dựng lại những thời điểm khác nhau của lịch sử, của con người, điều trăn trở đó đã cho chị nhận ra rằng chính thiên tính nữ trong người phụ nữ đã dẫn đến những ngã rẽ bất ngờ của số phận. Chị đã phóng chiếu điều trăn trở đó qua những gương mặt phụ nữ trong hai cuốn tiểu thuyết tiêu biểu nhất của mình.
Ở Đêm Sài Gòn không ngủ, thông qua câu chuyện của một cô sinh viên làm luận văn tốt nghiệp về đề tài cuộc Tổng tấn công mùa xuân Mậu Thân, chị muốn làm sống lại một quá khứ hào hùng mà bi thương về sự hi sinh và những mất mát khó gọi thành tên. Chín Thương là một nhân vật gợi cho tôi nhiều suy nghĩ. Chị không phải là người hèn nhát nhưng khi bị bắt và bị tra tấn dã man, để bảo vệ giọt máu của trung đoàn phó phân khu anh hùng đã hi sinh, chị chọn sự an toàn cho mình. Kết quả sau những khai báo của chị là những đồng đội liên tục rơi vào tay địch, những cơ sở bí mật lộ diện. Chưa hết, sau khi sinh con, chị bị thần kinh hoang tưởng. Luôn trong trạng thái ốm đau, cô đơn, lo bị tổ chức trừng phạt, lại được tay bác sĩ điều trị chăm sóc, an ủi và chia sẻ, chị thổ lộ hết với hắn mà đâu có hay rằng hắn chính là người của tổ chức Phượng hoàng. Quá đớn đau và mặc cảm tội lỗi, chị tìm đến một ngôi chùa khuất nẻo những mong cuộc sống tu hành và lời nguyện cầu sám hối sẽ đưa lại sự thanh thản cho bản thân. Nhưng sợi dây tình mẫu tử không dứt chị ra khỏi đời trần. Thỉnh thoảng chị lại trốn chùa về ngắm trộm con. Đây là một bi kịch của người đàn bà: yêu đương thì phải vụng trộm vì hoàn cảnh chiến tranh, mang giọt máu của người anh hùng đã hi sinh mà phải câm lặng vì sợ hệ lụy đến thanh danh người đã khuất, tưởng được yêu thương nhưng thực tình là bị lợi dụng và tiếp tục trở thành kẻ ám hại đồng đội; đau xót hơn là buộc phải để con cho người khác nuôi, biết con mình đó mà không dám nhìn mặt con, không dám nhận con; sống trong lo lắng, cô đơn và ẩn dật cho đến chết. Trong chiến tranh số phận con người đã rất mong manh. Sống lành lặn được đã khó. Vậy nhưng vết thương tinh thần kiểu này thì ai chữa nổi? Và liệu có biết bao nhiêu những người đàn bà khác đã chịu kiểu bi kịch này? Đương nhiên, đây là phần nổi của một tảng băng. Chín Thương vừa là phạm nhân vừa là nạn nhân, là một trường hợp tiêu biểu trong số những số phận nổi nênh theo thời cuộc như một bổ sung đắc địa cho những tổn thất lớn trong chiến dịch Mậu Thân.
Hồng Tâm là một trường hợp khác. Chị bị vô sinh do đòn thù. Nhưng sau chiến tranh chị sẽ tiếp tục có một cuộc sống yên ổn nếu như con gái nuôi của chị - chính là con gái ruột của Chín Thương - không chọn đề tài cho luận văn về cuộc chiến tranh giai đoạn mùa xuân Mậu Thân và quyết tâm tìm gốc tích của mình. Sau khi nhận nuôi Kim, rồi có một gia đình viên mãn, nỗi đau thương tật được khỏa lấp, bản thân Hồng Tâm không nghĩ đến chuyện tìm Chín Thương và đồng đội cũ. Chỉ đến khi nhận ra những quan hệ mới - cũ của chồng, chị buộc phải đối mặt với sự thật và tìm đến Nguyệt. Đó là cô thanh niên xung phong nổi tiếng một thời, người trong bức ảnh từng đưa lại vinh quang cho nghệ sĩ Thẩm Bình. Mối tình chớp nhoáng trên cung đường Trường Sơn với anh đã để lại cho Nguyệt một đứa con trai. Vì lòng tự trọng, lâu nay Nguyệt nuôi con trong thiếu thốn dầu biết cha đứa con mình sau chiến tranh là một nghị sĩ tiếng tăm và giàu có. Cuộc đời của cô thanh niên xung phong Nguyệt sẽ như thế nào nếu như cô không âm thầm nuôi đứa con khuyết tật trong sự lãng quên? Nếu như Thẩm Bình không ngủ yên trên vinh quang của hiện tại và chạy theo danh vọng? Chỉ đến lúc đau khổ, Hồng Tâm mới đồng cảm với nỗi đau về thân phận đàn bà của Nguyệt và đi tìm Chín Thương... Rõ ràng những người phụ nữ này đã hành xử theo thiên chức đàn bà trong những trường hợp có tính bước ngoặt, khúc rẽ.
Trầm Hương là thế. Từ những tư liệu có được, chị đi sâu vào vấn đề, tiếp cận hiện thực từ góc nhìn nhân bản để thể hiện sự tàn độc, băng hoại của chiến tranh. Bằng việc đi vào từng số phận, từng mảnh đời với ước mơ giản dị của họ là được yêu, có được một mái ấm gia đình, được làm mẹ... chị cho người đọc cảm nhận móng vuốt của chiến tranh đã cào cấu, xé nát cuộc sống người phụ nữ đến thế nào! Tiếp xúc với những tư liệu sống, Trầm Hương thấu hiểu thân phận của những người đàn bà và chị cảm nhận được những vết thương tinh thần thường có sức sống dai dẳng đối với cuộc đời của mỗi người. Tư liệu cụ thể đã được chị đan cài, thông qua những thân phận khác nhau. Hư cấu và phi hư cấu cùng tương tác, hợp lực để tác phẩm trở thành một thông điệp đắc địa về điều mà chị muốn gửi gắm.
Chiến tranh không chỉ găm sâu mảnh đạn vào da thịt và tâm hồn những người phụ nữ tham gia chiến tranh mà nó còn cuốn vào vòng xoáy của mình cả những người thuộc tầng lớp khác. Họ không trực tiếp tham gia chiến tranh nhưng họ không thể vô can khi mang trong mình dòng máu Việt, lại sống trong bầu khí quyển Việt. Nếu như ở Đêm Sài Gòn không ngủ tư liệu được đan cài như một cái nền để làm rõ ra thân phận người phụ nữ (cùng những vấn đề khác) trong chiến tranh (và hậu chiến) thì Trong cơn lốc xoáy Trầm Hương viết về một nguyên mẫu cụ thể: bà Jeanne Anna Vilarialle - ngoại kiều Mĩ. Cốt truyện trong cuốn tiểu thuyết được dựa trên câu chuyện về cuộc đời thật của một phụ nữ có số phận khá lạ lùng. Mười năm nhân vật chính đi về từ Mĩ kể cho Trầm Hương nghe để chị ghi chép, phục dựng lại một cuộc đời dương thế hơn chín mươi năm của bà. Và cuốn tiểu thuyết ra đời dựa trên câu chuyện xoay quanh hai con người có thật và huyền thoại về mối tình của họ.
Là con gái nuôi ngài tổng thuế ba miền Đông Dương, ngay từ nhỏ, nhân vật Jeannette có một tuổi thơ cực kì sung sướng. Lớn lên lần lượt chứng kiến bao sự bất công xảy ra ngay trong gia đình mình, rồi chính bà cũng nếm trải từ sau sự kiện người cha nuôi trở về Pháp để nhận phần tài sản thừa kế nhưng mất đột ngột. Mẹ con bà không còn người chống lưng, phải xoay xở và trở thành nạn nhân của cuộc mưu sinh trong thời điểm đất nước biến động do ảnh hưởng cuộc đại chiến thế giới thứ hai. Một trang đời đầy bi đát mở ra với bà sau cái chết của người mẹ nuôi và sự hành xử gian tham, vô cảm của người cha đẻ. Jeannette đã khẳng định bản lĩnh của mình sau những cú ngã ngựa. Không chỉ vượt qua những khó khăn trong mưu sinh, bà đã yêu một chàng sinh viên y khoa mà sau này mới biết đó là một người cách mạng, cho đến hết đời. Trong suốt cuộc đời mình, khi đã trở thành vợ người khác, là mẹ của sáu đứa con, bà vẫn chỉ yêu người ấy. Phải chăng trong con người bà bản năng yêu như một thiên tính bẩm sinh đã hòa đồng cùng bản năng sống giúp bà đi qua mọi trở ngại?
Vạn chính là người thanh niên đó. Anh xuất thân trong một gia đình có cha là giáo học, tham gia cách mạng và bị bọn địch bắt, tra tấn đến chết. Chứng kiến cái chết của cha, rồi sau khi mẹ mất vì hậu sản, anh em Vạn bỏ nhà lên Sài Gòn. Vốn thông minh, hiếu học, Vạn đã vượt qua bao khó khăn để học giỏi, trở thành sinh viên y khoa, tham gia hoạt động cách mạng. Gặp Jeannette, tình yêu sét đánh đến với họ. Vạn yêu cô hết lòng, suốt đời mang trong tim hình ảnh và tình yêu với cô. Thời gian và giông bão chiến tranh đã cuốn họ vào và mỗi người đều bị bầm dập, biến dạng. Tuy nhiên, tình yêu đích thực đã cứu sống họ, đưa lại cho mỗi người một nghị lực để họ đi tiếp trong cuộc đời.
Trong cơn lốc xoáy là câu chuyện tình? Là một kiểu viết khác mang âm hưởng sử thi ngợi ca lí tưởng thông qua cuộc đời của một chiến sĩ cách mạng, qua mối tình bất chấp thời gian và mọi hoàn cảnh của một cô gái Việt lai mang quốc tịch Pháp với một chiến sĩ cộng sản kiên trung? Là viết về những biến động của xã hội Việt Nam trước và sau cách mạng? Về cuộc sống của một bộ phận kiều dân gốc Việt, đặc biệt là giới trẻ, hoặc sống ở Việt Nam hoặc sống ở nước ngoài?... Có đủ cả. Nhưng quán xuyến và chi phối toàn bộ Trong cơn lốc xoáy là thân phận của một cô gái có mẹ thuần Việt, có bố nuôi là người Pháp, mang dòng máu Tây Ban Nha lai Philippines.
Trầm Hương đã xây dựng quanh nhân vật chính nhiều mối quan hệ để làm rõ hơn tính cách nhân vật và đời sống xã hội của Sài Gòn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, và thời kì sau ngày thống nhất đất nước. Với quãng thời gian đó, tác giả có đủ điều kiện để tái tạo một đời sống xã hội thông qua những biến cố, những khúc ngoặt đến với một số gia đình, với từng thân phận. Nhìn sâu vào đời sống, chị nhận ra hệ lụy của chiến tranh đối với mọi phụ nữ. Đó là Hai Mân - mẹ Vạn - vợ một ông giáo tham gia hoạt động cách mạng. Sau khi chồng bị địch giết, bà đã chịu đựng đau khổ, túng thiếu để nuôi con và đến lúc chết cũng chỉ có ước mơ con được học hành tử tế. Là cô Hai, mẹ đẻ Jeannette - tuy lấy một ông chồng Tây nhưng bản chất của một gia đình Việt có nghề làm nem nổi tiếng một vùng đất và tính chất nhẫn nhịn trong con người này dường như ít bị mai một. Đặc biệt nhất là Eveline, con gái Jeannette ra đời bất đắc dĩ, người mà có lẽ Trầm Hương muốn gửi vào đây những vấn đề của xã hội đương đại. Mang dòng máu một ông bố bất thường, lại phải sống với hai bà cô dị nhân không chồng “cho cô ấy tài sản nhưng không bao giờ cho cô ấy tình thương để cô ấy lớn lên như một phụ nữ bình thường”, lại không được mẹ sống cùng và chia sẻ những khúc ngoặt trong bước trưởng thành, Eveline thành người lạc giới. Dù vật chất đầy đủ, lại thông minh, linh hoạt nhưng cuộc sống tinh thần của Eveline là địa ngục. Cô yêu người đồng giới nên không được thừa nhận. Cô phải sống, sinh con đẻ cái với những người mà cô không yêu. Nỗi cô đơn bước vào đời Eveline từ thời thiếu nữ, lớn dần theo thời gian. Sự kìm nén bất thành khi tình yêu người đồng giới trỗi dậy, bị thách thức, bị sỉ nhục, cô đã tìm đến cái chết. Đây là một sự giải thoát hợp thời. Cái chết của Evelin có một phần do lỗi của mẹ cô, của gia đình, của thời cuộc cô sinh ra và lớn lên. Đó là một trong những nỗi đau lớn nhất trong đời Jeannette. Có lẽ Trầm Hương là một trong số không nhiều những tác giả cùng thế hệ, qua Trong cơn lốc xoáy, thể hiện tâm tư, lối sống, tính cách của một bộ phận những người Việt mang dòng máu ngoại kiều, nhất là giới trẻ.
Đặt nhân vật Jeannette vào dòng tộc, vào bối cảnh lịch sử cụ thể thì không khó khăn để nhận ra ở nhân vật này một sức sống mãnh liệt, một khả năng ứng biến nhanh, một thái độ quyết liệt để bảo vệ và giành lại những gì mình có, mình muốn và mình bị mất. Chiến tranh đã bứt Vạn đi khỏi cuộc đời cô. Jeannette đã bằng mọi cách giành lại anh và tình yêu của mình. Họ không được sống bên nhau vì 14 năm biệt giam ngoài Côn Đảo của Vạn. Nhưng khi anh trở về, cô đã chăm sóc anh không chỉ bằng tình cảm của một người tình mà cả bằng tình cảm của một người mẹ, người chị, cố gắng trả anh lại với cuộc sống đời thường. Hom hem, đau yếu, Vạn lấy vợ như một cách cứu vớt cuộc đời của một cô gái bao ngoài sở Mĩ lỡ mang thai. Nhưng anh không mang lại hạnh phúc cho cô cũng như bản thân vì cả anh và cô đều biết rằng trái tim anh đã thuộc về Jeannette.
Chiến tranh trong Trầm Hương là một ám ảnh đầy máu và nước mắt. Nhưng ở đây con người có lòng tin vào cuộc sống, vào tương lai. Lịch sử nhân loại có lẽ chưa bao giờ hết chiến tranh và Tổ quốc của chúng ta vẫn luôn bị ngoại bang nhòm ngó, gây hấn. Tôi tin những thông điệp mà chị gửi gắm vừa là sự chia sẻ, an ủi trước những đau khổ của con người trong chiến tranh cũng vừa là lời cảnh báo với kẻ thù về sự bất tử của một dân tộc được thể hiện qua tình yêu hiện hữu trong mỗi con người.
Nguồn: Văn nghệ Quân đội