Tác phẩm và dư luận

16/1
11:34 AM 2021

CẢ THẾ KỶ TRÔI QUA, CHÚNG TA VẪN ĐANG NGỒI ĐỌC VÀ NGÂM LẠI VỀ GATSBY

Tôi trước giờ luôn giữ cố hữu một quan điểm mà không mấy người ủng hộ, rằng: tạo hình một nhân vật chính vẫn dễ dàng hơn nhiều so với xây dựng một chân dung đáng nhớ cho nhân vật phụ. Đôi khi, chỉ một bóng hình được tạo ra bằng vài nét phác, vài tính từ lại đạt đến cái toàn mĩ khó ngờ.

Bóng hình đó hẳn phải được thụ thai từ một thứ năng lượng, trí tuệ và cả một tình yêu giàu có đến dư dả dành cho cái thế giới hư cấu, tưởng tượng kia, trong một tham vọng lớn lao: phải làm mọi thứ trở nên sống động, cho dù là điều nhỏ nhặt nhất.

F. Scott Fitzgerald dường như xuất thần trong việc nhào nặn mẫu hình nhân vật này. Mấy ai có thể biến một người hàng xóm, nhân viên soát vé tàu hay một người pha chế sống động như Fitzgerald. Hãy thử lấy một ví dụ là Mắt Cú Vọ (được biết đến với cái tên đó vì cặp kính lớn của anh ta), một trong nhiều vị khách thường lui tới để tiệc tùng tại dinh thự của Gatsby. Ấn tượng đầu tiên y để lại cho độc giả là việc đi lang thang thư viện và không thể thoát ra khỏi đó - dường như bị tê liệt tới bất động, cặp mắt dán chặt vào những cuốn sách được đặt trên kệ với một sự ngỡ ngàng và niềm say mê tột độ.

 

Tôi tự hỏi, liệu vị trí của Mắt Cú Vọ thời điểm đó có phải đang đại diện cho chúng ta của bây giờ? Trong gần một thế kỉ kể từ khi Gatsby Vĩ Đại xuất hiện trên các kệ sách, chúng ta vẫn đang lang thang giữa những hành lang trong dinh thự của Gatsby Vĩ Đại, và có thể sẽ còn kẹt mãi trong vô số những lần tái sinh khác của tác phẩm.

Sự tái sinh này có thể sẽ trở nên náo nhiệt hơn rất nhiều khi chúng ta bước sang năm 2021, thời điểm mà bản quyền của cuốn tiểu thuyết hết hạn. Modern Library dự kiến sẽ ra mắt một ấn bản mới vào tháng một, với lời giới thiệu của nhà phê bình nổi tiếng tờ New York Times, Wesley Morris, trong khi tiểu thuyết gia nổi tiếng Min Jin Lee sẽ viết lời mở đầu cho ấn bản của Penguin. Cùng trong tháng này Michael Farris Smith cũng không chịu lỡ nhịp với Nick như là phần tiền truyện của Gatsby Vĩ Đại.

Tất cả điều này là kết quả của hàng loạt các chuyển thể từ phim ảnh cho tới sân khấu và những phiên bản được kể lại khác. Manhattan thời kì hậu 11 tháng 9 trở thành bối cảnh trung tâm của cuốn tiểu thuyết trong cuốn Netherland của Joseph O'Neill. Trong khi đó, cuốn Gorsky của Vesna Goldsworthy đưa người đọc tới London thế kỉ 21 cùng Gatsby (kẻ buôn lậu của chúng ta đã trở thành tay tỉ phú buôn vũ khí khét tiếng người Nga), và trong No One Is Coming to Save Us của Stephanie Powell Watts, độc giả được trải nghiệm tác phẩm qua con mắt của một gia đình người da màu ở Bắc Carolina thời hiện đại. Gatsby là nguồn cảm hứng bất tận cho sân khấu và văn học trẻ, bài hát Happiness trong album mới nhất của cô công chúa nhạc đồng quê Taylor Swift là minh chứng cho sự đan xen nhịp nhàng giữa âm nhạc hiện đại và những đường nét, hình ảnh từ cuốn tiểu thuyết cũ. Ngay đến các nhân vật phụ cũng đều được khai thác với các ngoại truyện - nhân vật Pammie, mới 3 tuổi trong cuốn sách khi Fitzgerald hoàn thành tác phẩm nhưng đã có tiếng nói của riêng mình trong Daisy Buchanan’s Daughter, của Tom Carson. (Và trong cái biến thiên vô hạn của văn học thì chuyện gì cũng có thể xảy ra, cô ấy giờ đây đã trở thành người bạn tri kỉ của Tổng Thống Lyndon B. Johnson (LBJ) trong tác phẩm của Carson.) Tất cả những điều này mới chỉ là phần nổi của vũ trụ Fitzgerald, bao gồm những tiểu sử mới được bổ sung và những học bổng lấy tên ông, chưa kể đến những sự kiện ồn ào diễn ra tại căn nhà của Zelda Fitzgerald để tưởng nhớ, tôn vinh bà, giờ đây, được biết đến như một tượng đài trong phong trào nữ quyền.

Vô vàn những diễn giải được sinh ra từ ảnh hưởng rộng rãi tới quần chúng cũng như sự bám rễ rất sâu của cuốn tiểu thuyết vào tâm trí người đọc và người ta hoàn toàn có thể coi đó là một dạng “bội thực”.

 

Nhưng tại sao điều này lại chẳng hề khiến tôi khó chịu? Có lẽ bởi cuốn sách đã chiếm một vị trí đặc biệt trong nền văn học - văn hóa. Liệu còn có tiểu thuyết lớn nào giống như cuốn sách về Gatsby, mặc dù đã được đưa vào giảng dạy một cách chính thống nhưng vẫn liên tục nhận được sự tranh cãi say sưa về giá trị văn học cũng như tính đạo đức của nó? Ở đây, chúng tôi không nhắm đến những tác phẩm như Huckleberry Finn, cho tới giờ, vẫn sa vào một cuộc tranh luận không hồi kết về ngôn ngữ phân biệt chủng tộc và vấn đề kiểm duyệt. Với Gatsby vĩ đại, câu hỏi về nó giản đơn hơn và cũng lạ lùng hơn nhiều: Fitzgerald thực sự có thể sáng tác? Cuốn sách có chắc là một kiệt tác như cái cách mà T.S. Eliot gọi là “bước nhảy đầu tiên mà tiểu thuyết Mĩ thực hiện được kể từ sau Henry James” - hay nó thực sự như lời của Gore Vidal, là tác phẩm của một tay nhà văn “ít học”?

Và rồi cuốn tiểu thuyết trở thành đối tượng của chính những chiếc gai trên mình nó. Tất cả những góc nhìn gai góc, chát chúa của Fitzgerald trong cuốn sách đều đảo chiều. Giống như sự hiếu kì của Nick đối với Gatsby, người đọc cũng không ngừng ngờ vực, băn khoăn về chính cuốn tiểu thuyết: Nó thực sự sáo rỗng, hời hợt như những gì tôi đang chứng kiến ở đây, hay nó là thứ ẩn ý sâu xa kì diệu nào đó? Giống như Daisy, cuốn tiểu thuyết bị xem là một thứ đèm đẹp và đơn thuần. Hoặc giống như Nick, bị kết luận như một gã ba phải, thụ động gió chiều nào che chiều ấy, hoặc tệ hơn, là kẻ đồng lõa với những gì hắn từng chỉ trích, phê phán.

Ngay cả những fan cứng đôi khi cũng bị chia rẽ khi bàn luận về cuốn tiểu thuyết: Cuốn sách này hay, nhưng liệu nó có thực sự “vĩ đại” như người ta nói?

Vĩ đại - nhưng không phải là sự vĩ đại từ sự tỉ mỉ và hoàn hảo của những viên đá quý. Đó là cái vĩ đại của một văn bản rộng mở, đi ngược lại mọi sự gò bó và dán nhãn. Bên trong cái khuôn mẫu ba hồi gọn gàng với những sự đối xứng được dập khuôn cẩn thận của cuốn tiểu thuyết là sự pha trộn giữa thứ chủ nghĩa đạo đức cứng nhắc cùng sự mâu thuẫn điên cuồng, sự khinh miệt đối với sự giàu sang cũng như cái cách mà cuốn sách say đắm với sự sa hoa, cái cách cuốn sách thể hiện sự đồng cảm với những nhân vật của mình cùng lúc lại muốn trừng phạt họ.

Một trong những thú vui khi viết về cuốn sách được đọc rộng rãi như Gatsby Vĩ Đại chính là được lướt qua phần tóm tắt cốt truyện vẫn thường được ngầm hiểu là phần bắt buộc trong bài. Nhớ lại Nick Carraway, người dẫn chuyện của chúng ta, người đã trở thành hàng xóm của nhà tài phiệt mới nổi với đầy bí ẩn Jay Gatsby tại Long Island. Gatsby, hóa ra đang nhắm tới người chị họ Daisy của Nick; cuộc sống hào nhoáng của anh ta hóa ra là một cách để Gatsby lấy lòng và giành lại Daisy. Rào cản duy nhất giữa họ là Daisy khi đó đang trong một cuộc hôn nhân với Tom Buchanan - một kẻ thô thiển với tính trăng hoa, đang trong một cuộc tình sai trái với một người phụ nữ đã có chồng, nàng Myrtle tội nghiệp. Các bữa tiệc đình đám từ ngày này qua ngày khác dường như đẩy Nick tới giới hạn của mình. Và sự buồn tẻ được đẩy đến cao trao khi Myrtle bị đâm bởi chính chiếc xe mà Daisy đang cầm lái, Gatsby bị buộc tội và sát hại bởi người chồng của Myrtle tại chính bể bơi trong cái dinh thự tráng lệ của mình, và rồi chính người chồng kia cũng tự kết liễu cuộc đời khốn khổ của y. Trong sự rối ren đó, nhà Buchanan rời đi một cách lặng lẽ, hoàn toàn vô can và trong sạch. Hai năm sau đó, Nick viết cuốn sách này, với những gì người đọc có thể hiểu thì - trong một sự ghê tởm.

Fitzgerald hoàn toàn tự hào về những gì mình đã đạt được. “Tôi nghĩ cuốn tiểu thuyết của mình xứng đáng được đặt ở vị trí cao nhất của nền văn học Hoa Kì”. Khi mới ra mắt, cuốn sách nhận được phản ứng lạnh nhạt từ giới phê bình cộng với một doanh thu tệ hại. Trong một bức thư gửi nhà phê bình Edmund Wilson, Fitzgerald viết: “Không một ai trong số họ, kể cả những người nhiệt tình nhất, có thể hiểu được điều cuốn sách muốn nói."

Cho tới tận thời điểm này việc cuốn Gatsby vĩ đại bị coi như một món trang sức đẹp đẽ, về cơ bản là vô nghĩa với những câu hỏi còn lay lắt. Vào năm 1984, trong một bài luận của mình trên The Times, John Kenneth Galbraith đã đánh giá Fitzgerald như một kẻ chỉ quan tâm đến các vấn đề về giai cấp một cách bề nổi, hời hợt. Ông viết: “Chính cuộc sống của giới thượng lưu cùng những thú tiêu khiển của họ, những đau đớn cùng sự điên rồ giả tạo của họ lại trở thành niềm cảm hứng viết của Fitzgerald”. "Anh ta dường như ngó lơ những hậu quả xã hội và chính trị được sinh ra từ chúng như thể chính anh cũng đang tìm lối thoát ra khỏi những vấn đề tương tự trong cuộc sống thường nhật của mình".

Ngay trong chính cách lí giải này đã bộc lộ những điểm tự mâu thuẫn. Hai ấn bản mới dường như đã cho một cái nhìn khách quan hơn về vẻ đẹp của cuốn sách - Chính hướng tiếp cận đầy mâu thuẫn đó lại khiến cuốn sách trở nên hấp dẫn hơn (Morris đã so sánh các nhân vật với trường hợp của Real Housewives (Những bà nội trợ thực thụ)). Cả hai đều cho thấy giá trị của cuốn sách nằm ở chính sự phê phán chủ nghĩa tư bản. Lee mô tả Fitzgerald như là “một fan ruột của Karl Marx,” và cho rằng “Gatsby” được xem là “một cuốn tiểu thuyết hiện đại bởi cách nó khám phá ra sự giao thoa của hệ thống phân cấp xã hội, bản tính của phụ nữ cũng như tình yêu của đàn ông da trắng và chủ nghĩa tư bản khi ở trạng thái “thả cửa”." Morris cũng chia sẻ quan điểm, không có một thứ tình cảm lãng mạn nào tồn tại giữa Gatsby và Daisy ngoài việc "sử dụng chủ nghĩa tư bản như một thứ cảm xúc": "Gatsby gặp Daisy khi anh ta là một người lính bần hàn, cảm thấy rằng cô ấy cần điều gì đó sung túc hơn, và 5 năm sau anh ta trở lại gần như là một sự nhại lại đầy châm biếm sự sung túc này. Và bi kịch ở đây chính là cái chết của con tim”.

Điều này hoàn toàn có cơ sở theo một cách ngoằn ngoèo đậm chất Fitzgerald nếu chúng ta nhìn trực tiếp vào văn bản cũng như những nét tiểu sử của ông ta. Fitzgerald bị giằng xé bởi sự cay đắng cùng lòng căm ghét sâu sắc đối với giới thượng lưu. “Tôi chưa bao giờ có thể tha thứ cho những người giàu vì chính sự giàu của họ, và chỉ một chữ “giàu”, nó đã có thể chi phối toàn bộ cuộc sống và công việc của tôi,” ông viết cho người đại diện của mình. Nhưng trớ trêu thay, đây lại là những lời xuất phát từ người mà khi còn nhỏ, thích giả vờ mình là con trai thất lạc của một vị vua thời trung cổ. Cũng chính người này đã đem lòng yêu Zelda chỉ bởi sự sang trọng, lấp lánh của cô.

"Quá vòng vèo", theo lời của những nhà phê bình muốn thấy một tác phẩm với những thông điệp rõ ràng, ít mập mờ hơn và một lập trường cứng rắn hơn về vấn đề đạo đức. Trừ những nhà phê bình cảm thấy chán ngấy với việc biến những tác phẩm văn học trở thành công cụ để thuyết giảng về các giá trị đạo đức và khao khát sự tinh tế trong văn chương. Tôi luôn tự hỏi những làn sóng phân tích nào khác đang chờ đợi chúng ta khi các góc nhìn mới của câu chuyện được ồ ạt khai thác? Làm thế nào để một tác phẩm có thể trụ vững giữa tất cả những làn sóng đó? Khi chúng ta lật đi lật lại tác phẩm này, mọi thứ dường như trở nên rõ ràng rằng: Có thể việc để một tác phẩm trở nên bất tử nhờ sự ngưỡng mộ và tán dương, nhưng việc tác phẩm đó có thể làm người đọc dù ở bất kì thời điểm nào hay bất cứ nơi đâu đều có thể rút ra vô số những diễn giải sẽ làm con đường trở nên bất tử đó ngắn hơn nhiều. Suy cho cùng, được sắm một vai phụ cũng là một niềm hân hạnh..

KIỀU HUY dịch theo Parul Sehgal, The New York Times

NGUỒN: VNQĐ

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *