VỚI NGƯỜI ĐI CƯỚI ĐÁM MÂY NON
(Về bài thơ “THƠ” của Hữu Thỉnh)
THƠ
Thơ khó quá. Mà sao hoa vẫn nở
Chữ nghĩa chơi rông. Cây vẫn trụ vườn
Càng bàn lắm thơ càng đi mất dạng
Thôi ra đường cưới một đám mây non.
HỮU THỈNH
Lời bình của Lê Ngọc Minh:
Trong thẩm thưởng thơ, phần đông người ta vẫn thường bị sững sờ trước cái lạ và mới. Với tôi, bài thơ “Thơ” của thi sỹ Hữu Thỉnh, in trong tạp chí văn chương ở một xứ rất Thơ vào dịp Tết Canh Tý năm 2020 là cảm thức sững sờ ấy!
Đây là một bài thơ, thoạt nhìn thuộc dạng tứ tuyệt, tuy không như cách đại thi hào Nguyễn Du viết “bốn câu, ba vần” nhưng vẫn là bốn dòng và có dòng kết mang tính bước ngoặt như một bài tứ tuyệt truyền thống cần phải có.
Vậy, cái mới lạ của bài Thơ ở đâu? Thưa rằng, trước hết là mới lạ trong nội hàm cấu trúc. Ở dòng thứ nhất, bài thơ đã có hai câu, thành hai vế đối gánh và sau câu thứ hai không có dấu chấm hỏi. Như thế: Thơ khó quá là một mệnh đề (1); Mà sao hoa vẫn nở là một mệnh đề khác (2). Nếu như một người non tay viết hai vế đó thành một câu Thơ khó quá mà sao hoa vẫn nở? thì chỉ là câu hỏi vào đề cho một tứ thơ phiến diện và đơn ý, là cái thật thà đang ngập ngừng, đang chập chờn bất định của một người ít tài thơ hoặc mới tập làm thơ.
Tiếp đến ở dòng hai: Chữ nghĩa chơi rông là mệnh đề ba (3) phát triển ý thơ mà mệnh đề một (1) và hai (2) đã gieo cái cớ. “Nó” làm nhiệm vụ đối gánh với mệnh đề bốn (4) là Cây vẫn trụ vườn. Bốn mệnh đề, bốn câu thơ nằm ở hai dòng thơ đã hoàn thành nhiệm vụ khẳng định: Thơ khó quá!
Khó quá nhưng thơ vẫn còn có cứu cánh mầu nhiệm bởi thiên nhiên vĩnh hằng, bởi cây lá… vẫn trụ vườn, vì bản chất của cuộc sống là luôn theo chiều hướng mở mang phát lộ, không hề có đóng khép, bởi thời vụ dù có khắc nghiệt đến đâu thì đến mùa… hoa vẫn nở.
Thơ khó quá nhưng người thơ xưa nay vẫn dấn thân với “Ngổn ngang trăm mối tơ lòng/ Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình” (Nguyễn Du), vẫn “Thức với non cao, thức với gió dài” (Chế Lan Viên)… để có thơ, và hơn thế là thơ hay, thơ ngụ trong tính tình của người làm thơ.
Đạo diễn - Nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh kể rằng: Có một nhà báo Pháp hỏi một nhà thơ kiêm chính khách tên tuổi của Việt Nam: “Thưa ngài, do đâu mà trong ngài có ba con người: chính khách, kỹ sư canh nông, và thi sỹ?”. Nhà thơ - chính khách - kỹ sư canh nông đã trả lời: “Chính khách là do may rủi, kỹ sư canh nông thì bất kỳ ai có trí tuệ trung bình trở lên học qua trường đại học Nông lâm đều thành, còn thi sỹ là trời cho!”.
Thi sỹ là trời cho, như thế, Thơ và Thi sỹ thuộc về Thiên tư, là báu vật của trời, là đặc ân của Nữ thần trí tuệ đặt vào cái nôi sinh dưỡng Thơ và Người Thơ.
Thơ quyến rũ đầy hấp lực đến thế nên chính cuộc sống đã lay thức Thiên tư nhà thơ. Và bằng con mắt tinh đời, bằng vắt vón mồ hôi nước mắt, bằng linh cảm xuất thần… nhà thơ tài năng đã chưng cất được thơ hay, thơ thắp sáng như ngọn vạn niên đăng (đèn sáng vạn năm); thơ tôn vinh, thơ xây tòa tháp sang trọng, điển nhã, quyến rũ mê hồn...
Mọi bốc thơm thớ lợ, mọi dè bĩu cay nghiệt chỉ có thể làm đắc chí tiểu nhân giây lát. nhưng là đòn hiểm lâu dài đầu độc thơ, hạ bệ thơ khiến thơ biến dạng và mất dạng.
Bỏ qua những bàn cãi khiến ngáng trở, khiến phương hại đến nỗi mất dạng của thơ, tác giả Hữu Thỉnh đã ngộ ra - ngộ ra với tâm thái điềm tĩnh; điềm tĩnh nhưng dấn thân, thứ dấn thân có ít nhiều ga lăng (gallant) và có cả sự kiêu hãnh tự tin: Thôi ra đường cưới một đám mây non.
Cưới một đám mây non chứ không chỉ một áng, một cụm, một tảng mây… Bởi đó là số đông, là cuộc sống muôn dáng vẻ, muôn hình hài, phát lộ ra một ý thơ lạ, một thứ “liều” đáng yêu, một tố chất thi sỹ xuất thần.
Hữu Thỉnh là một nhà thơ lớn. Ông rất giỏi tạo chữ cho thơ. Chữ trong thơ ông không hề cầu kỳ, uốn lượn thế mà níu kéo người đọc bằng sự xúc cảm, bằng ngẫm nghĩ để rồi khà lên một tiếng khoái trá thú vị có dư ngân như trà ngon như rượu hiếm mà câu thơ đã trích Thôi ra đường cưới một đám mây non là một ví dụ.
Còn nhớ vào năm 1978, tôi có giúp dịch giả Maia Kashen, nhà văn Liên Xô, gốc Ucraina chuyển ngữ bài Tháng Giêng của Hữu Thỉnh sang tiếng Nga. Bài thơ có những câu mở đầu: Anh đưa em về làm dâu quê nội/ Cánh én sang sông bạn bè quần áo mới/ Mưa lưa thưa vừa đủ để thương nhau… Nghe tôi mô tả thêm về hình ảnh mưa xuân, về lễ hội Giêng, Hai ở miền văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, nhà văn, dịch giả Maia Kashen đã thốt lên: “Mưa lưa thưa vừa đủ để thương nhau! Quá hay và quá thơ!”.
Chữ trong câu thơ trên là chữ dùng thường ngày, có thể nói là quán ngữ thế mà qua cách “dụng mộc” của nhà thơ tài danh Hữu Thỉnh, các con chữ đó đã thành “quá hay” và “quá thơ” trong con mắt rất thi nhân của một người nước ngoài, dù các con chữ trên khi qua công đoạn chuyển ngữ đã bị vợi vãi đi ít nhiều sắc điệu.
Chữ của Hữu Thỉnh là thế, nhưng ông không hề chịu cũ về thi tứ. Đấy là cái khác người của một nhà thơ lớn. Và để kết thúc bài viết nhỏ này, tôi cứ muốn dẫn lại câu thơ đã dẫn: Thôi ra đường cưới một đám mây non. Đây là câu thơ, tứ thơ rất “bạo”, thậm chí là rất siêu thực trong cảm thức của tôi, một người siêng năng đọc thơ, siêng năng nhặt nhạnh những câu thơ hay làm món ăn tinh thần vừa khoái khẩu, vừa tích góp như của để dành từng ngày.
Thôi ra đường cưới một đám mây non! Càng ngẫm lại càng phải ngẫm thêm và càng thấy khoái, rất khoái…