Tác phẩm và dư luận

14/9
8:09 AM 2018

THẾ NÀO LÀ TÁC PHẨM HAY? TÁC PHẨM HAY ĐƯỢC VIẾT NHƯ THẾ NÀO?

Nhà văn Vũ Xuân Tửu-Liên Chi hội Nhà văn Việt Nam các tỉnh phía Bắc. Tọa đàm tại Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), ngày 7/9/2018. Chủ đề: Tác phẩm hay, đích đến và giải pháp. Một người cầm bút muốn văn mình có tính tư tưởng thì đương nhiên phải tìm hiểu triết học, các trường phái văn chương và vốn sống phong phú, sâu rộng. Người ta nói rằng, nhà văn là người phải có tầm văn hóa nhân loại.

         

                                                   Ảnh minh họa- tranh HS Bùi Xuân Phái- Internet

  1/ Thế nào là tác phẩm hay?

          Theo Từ điển tiếng Việt của Vietlex (Trung tâm Từ điển học), Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2015, thì "Tác phẩm hay là tác phẩm được đánh giá có tác dụng gây hứng thú, cảm xúc tốt đẹp, dễ chịu" (trang 772).

          - Qua vài chục năm cầm bút, tôi tự xác định hai điều:

          một là, Ngòi bút luôn hướng về dân;

          hai là, Viết văn phải có văn.

          Có người bảo, nếu suy ra là có đủ cả tính tư tưởng và nghệ thuật rồi. Nhưng tôi không tuyên ngôn, mà chỉ tự răn mình trong quá trình sáng tác văn chương mà thôi. Nói vậy, chứ viết ra được một tác phẩm có tính tư tưởng và nghệ thuật là chuyện khó khăn vô cùng, có khi cả một đời văn khổ ải chưa chắc đạt được cái đích đến ấy.

          Trở lại nghĩa Từ điển, tác phẩm hay gây hứng thứ, dễ chịu, nhưng cái đó cũng tùy "tạng" của từng người. Có tác phẩm được đánh giá hay, nhưng đọc khó, mà người ta hay gọi là tác phẩm kén độc giả. Tiểu thuyết Bác sĩ Zhi-va-gô (Zhivago) của Nhà văn Pa-xtec-nhắc (Pasternak), với hàng nghìn trang in, bố cục hơn 230 chương... Vậy, nó có gây hứng thú và dễ chịu không? Một tác phẩm đoạt giải Nô-ben văn học mà không hay à? Nhưng đọc không dễ đâu? Nếu bạn tìm thấy trong đó tính tư tưởng, triết học và nghệ thuật văn chương, ắt sẽ hứng thú vì thấy đẹp. Cái đẹp ở đây thuộc phạm trù mĩ  học. Văn hay còn có nghĩa là văn đẹp.

          Một người cầm bút muốn văn mình có tính tư tưởng thì đương nhiên phải tìm hiểu triết học, các trường phái văn chương và vốn sống phong phú, sâu rộng. Người ta nói rằng, nhà văn là người phải có tầm văn hóa nhân loại. Tác phẩm văn chương, có khi chỉ đề cập đến chuyện một bản làng mà có tầm vóc quốc gia, thế giới; viết về một con người mà có sức khái quát cả cộng đồng và nhân loại. Nên nói chuyện tính tư tưởng và triết học trong tác phẩm không phải chuyện đao to búa lớn, nhưng dù là gì cũng nhất thiết phải chuyển tải tinh thần văn hóa, nhân văn sâu sắc.

 

           2/ Đích đến là mục tiêu nhằm đạt tới. Vậy đích đến của tác phẩm hay là gì?

          Tôi nghĩ, đích đến của tác phẩm hay là giá trị tư tưởng cao cả và nghệ thuật văn chương hoàn mĩ. Đó là, tác phẩm định hướng phục vụ bạn đọc nói riêng và phục vụ nhân dân nói chung. Khi cầm bút, nhà văn đã xác định và quá trình sáng tác cũng là quá trình tâm sự với bạn đọc của mình. Nếu nhà văn không xác định được bạn đọc, thì tác phẩm sẽ rất bâng quơ, như thể ném hòn đá vào nơi vô định, chẳng biết đi đâu và để làm gì? Tôi viết chưa nhiều, nhưng đó là chút ít kinh nghiệm bản thân. Khi viết truyện ngắn liên hoàn  Người sông nước (Cánh chân sào, Yếm thắm, Chim lửa), với tâm trạng như là để dãi bày tấm lòng với người yêu, về mối tình tay ba đã mất. Viết tiểu thuyết Cửa Đá là hóa thân nhân vật, tâm sự với những người trí thức cấp tiến, trong bối cảnh sau khi Liên xô và Đông Âu sụp đổ... Đó là hai vấn đề, hai lĩnh vực, hai cấp độ khác hẳn nhau. Do vậy, phải dùng bút pháp và thủ pháp nghệ thuật phù hợp từng loại, để chuyển tải tình cảm, tư tưởng và gửi gắm thông điệp vào tác phẩm.

 

          3/  Giải pháp chính là phương pháp, cách làm để có tác phẩm hay.

          - Đối với mỗi cá nhân nhà văn, điều này phong phú vô cùng, nó tùy thuộc vào hoàn cảnh, vốn sống, cách thức sáng tác và quan trọng hơn cả là tài năng.

          Tôi đã được đọc mấy cuốn truyện ngắn viết về ngành y, tuy hấp dẫn, dù chỉ thấy đề cập đến công việc "bếp núc" thường ngày của cái nghề trị bệnh cứu người cao quí ấy. Nhưng khi đọc về viên bác sĩ của Pa-xtec-nhắc, thì thấy nhân vật của người ta vượt lên hoàn cảnh xã hội và có tầm thời đại. Vậy thì, trước khi đi thực tế để hiểu về ngành nghề, lĩnh vực nào đó, phải chăng cần tìm hiểu cả bối cảnh xã hội trong nước và thế giới? Điều đó lại phụ thuộc vào sở học, và tầm tư duy của nhà văn. Trong văn chương cũng như khoa học, tấm lòng là rất quan trọng, nhưng tài năng mới là cái quyết định sự thành công. Nếu có tác phẩm hay, thành công vang dội thế giới, thì nhà văn đó ắt hẳn là thiên tài.

          - Vậy thì, giải pháp của Hội Nhà văn phải chăng là nơi vun đắp năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài và tạo điều kiện cho thiên tài phát triển, để cho nền văn học Việt Nam hội nhập thế giới?

 

                                                                     Thành phố Tuyên Quang, tháng 8/ 2018

                                                                                                    VXT

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *