Tác phẩm và dư luận

19/9
7:51 AM 2017

RỒI CÓ LÚC AI ĐÓ LÀM VUA-TRUYỆN CỦA NGUYỄN HIẾU

1. Có thể nói ngay, làng Chiện không có tục rước vua. Vậy mà hai ba năm nay cứ ra Tết vào 12 tháng giêng là làng (nay đã lên phường) lại tổ chức rước vua sống vui đáo để. Tổ, phường rộn rạo hẳn lên bởi kèn trống vang lừng, quần áo vàng, xanh, đỏ đủ màu sắc.

Duyên do của việc làng Chiện sinh lệ rước vua bắt đầu từ sự đề xuất của ông Tư Tít, một con dân của làng Chiện rời làng ra tỉnh làm ăn hơn nửa thế kỷ, gần chục năm nay năng về làng xây nhà thờ tổ và tham gia hoạt động cộng đồng trong họ, ngoài làng. Năm nay ông Tư đã chòm chèm thất thập nhưng vẫn quần bò, áo bu jông ngày se lạnh;  quần soóc, mũ phớt ngày nóng bức. Tiếng nói của ông Tư có trọng lượng bởi từ ngày ra tỉnh ông làm ăn phát đạt, chả biết giầu có đến đâu nhưng cứ vào dịp hội làng là ông luôn luôn đứng đầu các nhà cung tiến trong làng, quanh vùng. Khi thì đôi lợn mỗi con hơn, kém tạ, kèm thêm tạ gạo nếp nấu xôi. Khi thì bộ kiệu, hay bộ lọng, khi bộ cờ từ cờ đại, cờ lịch triều đến cờ con cắm dọc đê... Người bỏ của riêng ra cho việc chung là đắp dưới chân mình một cái bệ nên giọng nói có gang, có thép, có đồng cân, đồng lạng...

http://admin.baovannghe.com.vn/cdn/uploadv2/web/1/1/news/2017/08/08/03/19/1502162366_ngoxuankhoiimage2-jpg.jpg

Năm kỉa năm kìa khi ban khánh tiết lễ hội đình làng họp ở nhà tả mạc bàn bạc thủ tục lễ hội năm ấy. Ông Tít được mời về. Khi được phát biểu. Ông đề xuất làng Chiện ta nên phục hồi lại tục rước vua sống. Mấy ông trong ban tổ chức đang ngơ ngác trước lời đề nghị của ông Tư thì ông này đã nói rành rành rằng năm lên 4 tuổi ông đã từng chứng kiến làng Chiện rước vua sống. Đến hồi cải cách thì lấy lý do vua là trùm phong kiến thực dân nên mới bỏ. Làng Chiện rước vua là có lý vì làng này có nhiều địa điểm chứng tỏ vua đã từng đến làng này. Như chỗ bến sông dốc ngã ba  của xóm Ô tô giờ đây là cảng bốc xếp cát, sỏi có tên là bến Ngự. Thuyền thiên tử từng  cạp ở đây nên mới đặt tên cao quý như vậy. Rồi vườn chuối nhà bà Hợi toét trước chỉ một màu trồng loại chuối tiến vua nhỏ mứt, ngọt lịm, thơm lừng gọi là chuối ngự. Trong lúc các vị trong ban khánh tiết gật gù vì thấy có lý thì ông Nhuận còi trưởng ban khánh tiết hỏi ông Tư:

- Tôi  hỏi khí không phải. Vua là người cao quý nhất trong nước, trong lễ rước vua ông ấy được hưởng mọi lễ nghi dành cho vua, vì thế người được chọn làm vua phải như thế nào mới xứng.

Ông Tư Tít tủm tỉm cười rồi hạ giọng:

- Việc này tôi cũng đã thăm dò kỹ nên xin thưa cùng các ông thế này. Tiêu chuẩn người được mặc hoàng bào để dân làng rước và chiêm bái tất nhiên phải là đàn ông chí ít phải từ 70 tuổi trở lên. Con, cháu xum xuê có nếp có tẻ. Gia đình gia giáo, được làng xóm tôn trọng, chưa từng bị công an làm việc. Ngoài ra còn phải có công lao, đóng góp cho công việc chung của làng.

Ông Tư ngừng nói đôi phút khiến các vị đang họp càng bị hút vào thì ông lại nói tiếp:

- Tôi đã dự có dễ hơn chục hội rước vua bên Đông Anh, cùng mấy đình ở Bắc Ninh thấy vui,  sang trọng lắm. Đấy là chưa kể mình làm vụ này thì dân thập phương nghe tin sẽ kéo về làng ta đông gấp bội. Mà năm sau tôi tin sẽ đông hơn năm trước.

- Rước vua thì phải có lọng, có kiệu, rồi quần áo, mũ mãng, ấn, kiếm. Không chỉ cho vua mà còn các quan, lính... Những thứ đó cũng tốn, tôi tính chí ít cũng ngót nghét trăm triệu, không kém. Kinh phí ấy mình trông vào nguồn nào?

Ông Duệ lùn phó ban khánh tiết lẩm nhẩm. Ông Tư gật gù:

- Vâng trước khi đưa đề nghị này ra, tôi đã tính hết rồi. Nếu các vị đồng ý thì những thứ này tôi là một, rồi thằng cả nhà tôi hiện là tổng giám đốc công ty nhà ở sẽ cùng gom góp may xắm. Bây giờ làng ta đã lên phường, việc này nên làm để tôn thêm văn hóa khỏi mang tiếng võ biền, chỉ biết dùi đục chấm mắm cáy. Phải không các vị?

Hội nghị vỗ tay ran tán thành. Làng Chiện sinh lệ rước vua sống từ sau cuộc họp đó.

2.

Tất nhiên việc chọn ra người mặc long bào trong ngày rước vua lần đầu nếu chỉ thuần túy đối chiếu với tiêu chuẩn đưa ra trong phiên họp bàn về việc này thì ông Tư Tít trúng đầu tiên. Đó là chưa tính đến thế mạnh khi ông có tiếng là người cung tiến rộng rãi nhất trong lễ hội làng. Mà ngay trong việc ông đề xuất mới này tiền nong xắm sanh cho việc rước vua vẫn chỉ trông vào hảo tâm của bố con ông ấy. Tuy vậy trong cuộc họp có sự tham gia chỉ đạo của chủ tịch phường tên Đông - một người thuộc thế hệ con cháu của các vị trong ban khánh tiết và phó ban Duệ lùn lại là cậu ruột chủ tịch phường. Không biết có phải vịn vào quan hệ ấy không mà trong khi hầu hết các vị trong ban khánh tiết tán thành thì ông Duệ lùn vẫn phản đối cho rằng: Ông Tư Tít nhìn chung là đủ tiêu chuẩn làm vua nhưng chỉ e không ít dân trong làng không chịu bởi lẽ, ông Tư sống ở ngoài phố là chính chỉ khi làng mở hội, hay có việc gì to tát ông mới đá gà về. Vì thế đề nghị ủy ban cho ý kiến chỉ đạo ban khánh tiết trong khâu chọn người. Chủ tịch Đông đứng dậy tủm tỉm, lễ phép thưa:

- Cháu nghĩ ông Tư đã có đề xuất cũng như đóng góp tốt như thế thì coi như xứng đáng. Bởi đơn giản làng ta nay là phường, có người thiên hạ đến mua đất làm nhà, rồi cũng thành người làng Chiện ta. Không còn ai phân biệt dân sở tại với dân ngụ cư. Ngay mấy xuất khiêng kiệu trong hội làng mấy năm nay cũng toàn người ở đâu đâu. Trong khi ông Tư là người Chiện gốc... Ông ra phố là để làm ăn. Cốt là ông có lòng, có đóng góp thì không thể xem là ngoại lệ.

Sau ý kiến của chủ tịch Đông, ban khánh tiết nhất trí để ông Tư Tít mặc hoàng bào trong lễ rước đám vua lần thứ nhất.

Tưởng mọi sự suôn sẻ, cả phường Chiện chỉ tuần tự như tiến để hoàn tất công việc đón chờ lễ rước vua. Không ngờ sau khi nhận thông báo của ban khánh tiết có dấu xác nhận của ủy ban phường thì ông Tư Tít lại từ chối với mấy lý do. Thứ nhất còn năm nữa ông mới đủ tuổi thất thập. Đã đặt ra lệ là phải nghiêm chỉnh chấp hành. Thứ hai từ độ trước Tết trong lần đi khám định kỳ bác sĩ cho áp huyết của ông có vấn đề. Để đảm bảo thì nên tránh các hoạt động có thể gây xúc cảm mạnh. Khi đi ô tô riêng về làng ông đã trực tiếp gặp trưởng ban Nhuận cùng chủ tịch Đông nói rõ:

- Tôi thật vinh dự được đề cử làm vua trong lễ rước vua sống lần đầu tiên. Nhưng tôi biết mặc long bào ngồi trên kiệu sơn son thếp vàng trước muôn dân thì chắc chắn sẽ xúc động lớn ắm. Tôi lại tăng xông, bác sĩ cấm mọi hoạt động có thể tạo đột biến... Xin các vị cho lui dịp khác.

Đến năm thứ hai, ông Tư Tít lại từ chối với lý do là mắc đi nước ngoài ký hợp đồng làm ăn.

Lúc đó không ít người trong ban khánh tiết, trong ủy ban và những vị có học hành, thông thạo tin tức trong phường mới ngã ngửa người ra hiểu rằng; ông Tư Tít không phải là kẻ hám danh, thích oai mà chủ yếu là muốn tích âm đức cho con cháu bằng những việc đóng góp cho làng cho nước thêm vẻ vang.

3.

Làm Vua là làm kẻ đứng đầu trên muôn dân, đầy quyền lực và sự sùng bái của trăm họ. Dù là làm vua giả trong nửa ngày về hình thức cũng không khác vua thật  thì ai mà chẳng thích. Tư Tít cũng không thoát khỏi sự thích này. Chỉ có điều ông là dân kinh doanh, ngày xưa gọi là con buôn. Đã là con buôn thì luôn luôn phải tính thế nào cho lợi. Trong việc làm vua giả Tư Tít cũng tính toán vậy. Sự tính của ông ấy là. Sớm muộn gì ông cũng được khoác long bào làm vua cho dù nếu xét kỹ thì ông cũng có nhiều điểm chênh với tiêu chuẩn kẻ được chọn làm vua. Nhưng những sự ấy chỉ những ai thạo ăn chơi và trong giới thương trường sành sỏi ngoài phố mới biết tường tận. Việc này ông không lo dân làng Chiện biết. Đã tính thì phải tính cho hết nhẽ, kín cạnh....

Vả lại cái sự này làng Chiện mới có lần đầu nên chẳng biết sẽ diễn ra như thế nào. Phản ứng của dân làng ra sao? Họ hoan hô, thuần phục hay chế riễu. Khi chưa biết rõ thái độ của dân thì nên nghe ngóng. Không có một người mang tiếng ăn cơm mòn đũa thiên hạ như ông tự nhiên thành trò hề cho dân làng, trong đó có cả những kẻ u tỳ quốc, cả đời chỉ ao ước ra Bờ Hồ ăn cái kem Tràng Tiền, chén bát phở Cường, Hàng Muối... Vì thế ông Tư Tít quyết lùi xa để nhìn sự việc long trọng và kỳ lạ này sau đó mình sẽ...

Tư Tít thoái nên người đầu tiên được chọn làm vua ở làng Chiện là ông Thống Tèo. Như  tên kép làng đặt thì nghề cúng bái của ông Tèo là nghề gia truyền có từ thời cụ nội.  Kể từ tiếp quản thủ đô năm “năm tư” đến gần năm mươi năm sau, nghề này gần như bị quên lãng vì bị coi là mê tín dị đoan. Nghề truyền thống nhà ông Tèo có nguy cơ  thất truyền. Vậy mà gần hai mươi năm trở lại đây, nhu cầu cúng bái, xem ngày động thổ nhà, ngày cải táng, cúng sao giải hạn, ma chay, cưới xin lại phát triển rầm rộ. Ông Thống liên tục có việc. Bình thường hai ba đám một ngày, vào dịp mùng một, ngày rằm, mùa xây dựng, xây mồ mả cuối năm, dịp gần Tết, ngày xá tội vong nhân... Thì gần như liên tục ông ngồi sau xe khổ chủ chuyển từ nhà này sang nhà khác. Khi đưa ông vào xét duyệt thì vẫn chỉ có ông Duệ lùn băn khoăn vì mắt ông Thống hơi bị kèm nhèm. Nhưng ông được các vị trong hội đồng xét tuyển bảo rằng. Sẽ đánh phấn cho ông Thống nhất là vùng gò má gần mắt để che khiếm khuyết cho ông Thống. Thứ hai, vua là ngồi trên kiệu cao, lại là thiên nhan, mặt rồng... thứ dân thấy kiệu vua qua chỉ có cúi đầu lạy tạ chứ không thể nhìn thẳng vào mặt vua. Ông Đường Văn, thầy giáo cấp 3 còn thông thạo cho biết, ngay cung nữ hầu vua tại long sàng mà nhỡ nhìn vua còn bị chém như trong vở kịch “cô Son” đoàn chèo diễn trên vô tuyến đấy. Phó ban Duệ lùn nghe thủng nên bỏ phiếu thuận.    

Hôm làng tiến hành lễ rước vua, ông Tư Tít về thật sớm. Ông rẽ vào nhà thờ tổ họ Nguyễn ngồi pha chè mà ông bảo đó là loại trà thửa có giá 3 triệu rưởi một ký. Uống gần cạn nước hai thì nghe trống, chiêng, thanh la, não bạt cùng tiếng hô tù óe dẹp đường cho kiệu vua từ phía đường cầu Binh tức là từ trụ sở ủy ban phường đi ngược lên dốc bến Ngự. Ông thủng thẳng đi dọc bờ ao Sen, rồi vào quán phở của đứa cháu họ gọi ông bằng cậu. Ông lên gác hai nhà nó. Ngắm nhìn đám rước kiệu vua đỏ đỏ, vàng vàng cùng đám thanh niên đóng giả làm lính dẹp đường cho kiệu vua qua. Mấy vị  trung niên thì mặc quần áo thụng xanh, thêu công phượng đi hài đen cổ cao nom như ủng giả làm quan bốn bộ đầu triều. Dân làng nhất là trẻ con nhộn nhạo chen lấn, thi nhau nhẩy như cào cào để xem ông thầy cúng giả vua có oai không... Tiếng huyên náo loạn xạ cùng tiếng nhạc hành vân phát ra từ bốn đôi loa đại đặt trên hai xe ba gác đi hai bên.

Khi kiệu vua đi ngang qua hiệu phở, ông Tư Tít ra đứng ở ban công nhìn chăm chú. Chiếc lọng mầu huyết dụ thêu đôi rồng vàng pha kim tuyến óng ánh chắc hơi nặng, hay do gã thanh niên ăn mặc như con tốt trong bộ tam cúc vác đã lâu chưa có người thay nên nghiêng ngả, khiến mặt Thống Tèo lúc bị nắng chiếu vào, lúc lại phủ bóng đen mờ. Đôi mắt kèm nhèm của gã thầy cúng trong vai vua bị son, phấn hóa trang chảy xuống loang lổ. Ông Tư suýt bật cười thấy vua liên tục dụi mắt, rồi lại thả tay xuống chớp mắt lia lia như thử xem đã quang mắt chưa. Bất chợt vua như bị ngồi lâu ở một tư thế nên ngửa mạnh đầu về phía sau làm vương miện rơi khỏi đầu vua, trượt xuống kiệu, lăn xuống đường. Một tiếng hét váng lên, đám rước kiệu vua chưa kịp nhận ra điều gì thì mũ vua đã bẹp dí, bẩn lem nhem dưới hàng loạt bàn chân đi giầy ba ta xanh của đám thanh niên khiêng kiệu giẫm vào. Thống Tèo thò đầu ra khỏi kiệu quên mình đang là vua kêu rống lên:

Mũ rơi rồi. Khéo khéo... Chết rồi, đứa nào lại giẫm vào mũ vua thế kia!

4.

Tư Tít là một doanh nhân phải nói là tài ba. Phương pháp quán xuyến của ông trong thuật sinh lợi là chơi bằng vai, thân mật với các vị có chức sắc từ hàng phường, hàng quận lên đến hàng tỉnh, thành phố và cả trung ương. Tất nhiên mọi quan hệ đều có đi có lại. Gần nhất là dự án kè bờ lên xuống của dốc bến Ngự để mở rộng cảng của trung tâm cát sỏi ven bờ nam sông Hồng có vốn đầu tư xấp xỉ 700 tỷ rơi vào tay công ty nhà ở của con cả Tư Tít. Giới làm ăn với nhau đều thừa biết kết quả này là có sự nhúng tay của Tư Tít. Kẻ giành được dự án thì phải có kẻ thất bại. Thấy bảo có một gã tổng giám đốc một công ty cổ phần khi biết dự án rơi vào tay cha con Tư Tít đã nghiến đôi hàm răng đến mẻ luôn cả hai chiếc răng giả làm bằng ngà voi châu Phi, đâu như trị giá 20 triệu một cái, thề sẽ rửa nhục. Ông Tư Tít thì bảo “sở dĩ công ty thằng cả nhà ông trúng dự án đó là vì Ngài Ngự không muốn người thiên hạ dính vào công trình quê ngài. Thế thôi”.

Năm diễn ra vụ thầu kè bến Ngự cũng là năm thứ hai làng Chiện tổ chức rước vua sống. Kỳ này tuyển mãi thì vai vua rơi vào ông Vịnh thịt chó. Xét về tiêu chuẩn thì Vịnh thịt chó đáp ứng được, ban khánh tiết chỉ băn khoăn độc một điều là ông này vào năm tròn thất thập tuổi ta lại làm cho con bé phục vụ quán của con trai ông có chửa. Mặc dù thằng con ông chường mặt ra nhận cái thai ấy là của nó nhưng vợ Vịnh thịt chó do tai nghễnh ngãng không nghe được những lời năn nỉ của bố con ông nên đã táo tác lên, khiến sự việc tóe loe ra. Ông phó ban khánh tiết Duệ lùn- Lại là ông này- phản bác việc đề cử Vịnh thịt chó làm vua vì chuyện này và cứ nhất quyết đề cử ông Tư Tít đảm nhận vai vua.

Một tuần sau mới đến cuộc họp chính thức quyết định người chọn làm vua thì ông Duệ lùn lại trở ngược giáo tán thành đề cử Vịnh thịt chó. Thấy bảo. Khoảng thời gian bẩy ngày giữa hai cuộc họp. Ông Vịnh thịt chó vào nhà ông Duệ lùn hai lần. Một lần hai ông còn ra nhà ông Tư Tít ngoài phố. Hôm họp, ông Tư Tít về tham dự với tư cách là người cung tiến- tài trợ cho cuộc rước vua lần hai-Lần này, ông Tư đề nghị cho may xắm lại toàn bộ áo quần mũ mãng từ vua, quan đến lính khiêng kiệu. Ông còn đề xuất sau đó “cả bộ sậu” (từ của ông) từ vua , quan đến lính khiêng kiệu được đánh chén một bữa trưa ở nhà hàng thắng cố ngựa trắng mới mở ở dốc cầu Binh. Sau hết Tư Tít nhất trí đề cử Vịnh thịt chó làm vua trong lần rước vua sống lần thứ  hai. Còn ông, trước đề nghị nhiệt tình của ban khánh tiết thì năm thứ ba nếu làng còn tiến hành lễ rước vua sống thì ông xin đảm nhận làm vua.

Nghe nói lễ rước vua lần hai của làng Chiện cũng có thể nói thành công mỹ mãn. Bởi phải nói so với Thống Tèo- Vua lần một thì khuôn mặt của Vịnh thịt chó vuông vức, nhẵn nhụi hơn nhiều, đôi mắt ông này vốn có tiếng sát gái long lanh nhìn dân làng và khách thập phương hiếu kỳ đang nhốn nháo, xô đẩy nhau xem “lão Vịnh thịt chó đúng là làm vua oai hơn lão thầy cúng nhiều”. Chỉ tiếc lúc kiệu vua đi gần đến ngã tư bến Ngự, cầu Binh thì con bé phục vụ nhà hàng của con cả Vịnh thịt chó đã bị tống về quê ba bốn tháng nay, chả hiểu nghe tin và bằng cách nào đã bế con ra. Vốn là dân lực điền nên nó chen ra hàng đầu xem kiệu vua diễu qua. Vừa nhìn thấy Vịnh thịt chó đang vênh mặt làm oai thì con bé giơ thằng con trai gần một năm lên quá đầu, reo to “cu, cu... con thấy không. Bố con làm vua kia kìa. Oai không cu?”

5.

Trong thời gian chuẩn bị cho lễ rước vua sống lần thứ ba cũng là năm ông Tư Tít nhận làm vua, thì ông nói với ban khánh tiết là phải thay lại mũ của vua. Trưởng ban khánh tiết xua tay:

- Theo tôi nghĩ. Mũ vua mới xắm năm ngoái vẫn còn mới, mới dùng có một lần, nước mạ vàng vẫn lóng lánh lắm. Hôm qua tôi mới cho kiểm tra thì chỉ có quần áo lính có lẽ hoạt động mạnh nên nhiều bộ bợt đầu gối, thêm đó mặt trống đại không rõ bảo quản thế nào mà có vệt chuột gắm lươm nhươm, tôi sợ... vào tiết hanh da căng lên nhỡ cái...

Không đợi ông Nhuận còi nói hết, Tư Tít đứng phắt dậy giọng oang oang:

- Tôi đồng ý kỳ này sẽ thay mặt trống đại. Các ông cũng xem luôn không chỉ trống mà thanh la não bạt, có gì ta tu chỉnh, đổi mới luôn. Cả quần áo lính, xuất khiêng kiệu, vác lọng vua cũng vậy. Còn mũ thì dứt khoát phải thay rồi dù vẫn dùng được. Vì sao?

Tư Tít dừng giữa chừng nhìn bao quát mọi thành viên trong cuộc họp xong nói chậm rãi:

- Phải thay vì mũ vua đội hai lần trước là mũ giáp trụ. Đấy là mũ vua trong thời chiến mà vua vốn là dũng tướng. Còn thời bình, khi thiết triều vua đội mũ bình thiên. Đấy các vị xem tượng Lý Thái Tổ ở Bờ Hồ thì rõ. Mặc dù mũ bình thiên đắt gấp 3 lần mũ giáp trụ. Nhưng không chơi thì thôi chơi thì phải chơi cho đúng, cho sang.

Phải nói hôm nhìn ông Tư Tít đội mũ bình thiên phẳng mặt trên như mặt ghế đẩu, có tua rua bằng ngọc trai rủ xuống trước mặt thì nom ông quả là xứng vị trí thiên tử. Mấy hôm trước ngày lễ rước vua ông liên tục đi xem cải lương Chuông Vàng diễn các vở có vua. Về nhà ông lại tót lên phòng riêng đóng cửa tập tành nên nom dáng điệu ông trên kiệu vàng thật uy nghi. Mặt Tư Tít hơi ngếch lên nhìn xa xa, chốc chốc ông lại đưa bàn tay cầm hót ngọc đưa lên đưa xuống phủ dụ con dân. Tiếng chiêng, trống não bạt, ầm vang, tiếng nhạc kim tiền, hành vân réo rắt.

Khi đám rước vua gần lên chỗ ngã tư nối dốc bến Ngự với dốc cầu Binh mà năm ngoái con bé ô sin nhà quê đã làm mất mặt vua- Vịnh thịt chó, thì khi vua - Tư Tít đang gạt chuỗi ngọc trai rủ trước vương miện thì thật bất ngờ... Giữa tiếng trống chiêng, kèn nhị vua chợt thảng thốt kêu lên tiếng “ối” rõ to. Ngài chưa kịp buông rèm ngọc, giơ tay che mặt thì liên tiếp mấy bọc ni lông, lá chuối khô, chuối tươi ném lên kiệu. Một vài bọc rơi xuống đám trai làng giả làm quân khênh kiệu, cầm lọng. Bọn này kêu rống lên:

- Trời ạ. Mắm tôm chúng mày ơi.

- Tao bị cả dầu luyn xe máy trộn cứt hay sao ấy thối quá.

  Cùng với tiếng kêu là kiệu vua chòng chành, rồi hình như một đứa khiêng kiệu đi trước bị vấp, hay bỏ tay ra che mặt kéo theo cả đám chúi xuống, khiến kiệu đổ ập xuống hất vua nằm lăn xuống đường.

Mọi người đổ xô lại vực vua lên. Đám đông lộn xộn cúi xuống rồi lại bật dậy vì không chịu nổi mùi mắm tôm, mùi cứt người, cứt chó hai nắng bốc lên nồng nặc. Giữa đám đông nhốn nháo đó Tư Tít được hai đứa xốc hai bên nách lồm cồm bò dậy. Mặt mũi vua dính be bét, vàng, đen lem nhem...

Sau vụ rước vua đó, làng Chiện lao xao hẳn lên. Thấy bảo chủ tịch Đông đề nghị công an phường vào điều tra tìm cho ra thủ phạm ném chất bẩn thỉu vào kiệu vua vì đó là hành vi có thể xem là phản động phá rối trật tự an ninh. Nhưng gần nửa năm mà sự tìm kiếm, điều tra không ra kết quả...

Cũng từ vụ đó Tư Tít hầu như không về làng. Mỗi lần có ai nhắc về vụ làm vua lần thứ ba của làng Chiện, ông giả tảng không để ý, mặc dù ông biết rõ đứa nào đã chơi ông một vố đau hơn hoạn đó.

 

Nguồn Văn nghệ số 26/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *