Tác phẩm và dư luận

8/1
8:48 AM 2017

CÕI NHÂN SINH TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ VĂN THẢO

Trần Hoài Anh-Nhà văn Lê Văn Thảo, Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT tạ thế vào hồi 1 giờ sáng, ngày 21/10/2016. Vậy là văn đàn của chúng ta vừa mất một nhà văn xuất sắc, có những cống hiến rõ rệt trong hành trình 50 năm tái hiện ngôn ngữ Nam bộ, đưa nó vượt khỏi ranh giới vùng miền mà trở nên hiện đại cùng diện mạo thần thái của con người vùng đất với một chiều sâu văn hóa.

                                                                       

                                 Nhà văn Lê Văn Thảo  và tác phẩm (ảnh Internet)  

   1. Không phải ngẫu nhiên trong tuyển tập truyện ngắn được in cùng với tiểu thuyết Con đường xuyên rừng khi Lê văn Thảo được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, anh lại chọn tác phẩm Lên núi thả mây để mở đầu cho tuyển tập truyện ngắn của mình. Bởi theo tôi, truyện ngắn này như một tuyên ngôn sống và cũng là một tuyên ngôn nghệ thuật của anh trước những vấn đề của thế sự nhân sinh. Nó là một điểm tựa, từ đó mở ra cái nhìn của anh về cuộc đời, về lẽ sống trong cõi nhân gian mà nếu không có sự nghiêm sinh và một tư tưởng nhân bản ắt hẳn không thể viết được một truyện ngắn sâu sắc và giàu chất triết mỹ đến thế, như lời một nhân vật trong truyện đã  đã chia sẻ : “Cuộc sống lặng lẽ có từ lâu, trôi đi hoặc không hề trôi đi, từ bao đời cha mẹ, ông bà chưa một lần lên đỉnh núi, cũng không có ý định lên, đỉnh núi sát bên nhưng xa vời như một ảo ảnh” (Lên núi thả mây tr.138)

   Nhưng ảo ảnh sao được!? khi những con người trong truyện đã quyết tâm vượt qua bao khó khăn gian khổ và những nguy nan có thể ảnh hưởng tới mạng sống của mình chỉ để thực hiện một điều tưởng chừng như “ngớ ngẫn”  là “lên núi thả mây” và xem việc ấy như một lẽ sống, trong khi ở chốn nhân gian đầy bụi bặm này biết bao kẻ bon chen, giẫm đạp nhau, kiếm tiền, kiếm chức, kiếm lợi quyền để được vinh thân phì da. Bởi, trong suy nghĩ của Năm Tính - nhân vật trong truyện “Đâu phải làm việc gì cũng để kiếm tiền?” (tr.146) Vì thấm nhuần cái lẽ sống giản dị nhưng không giản đơn này nên Năm Tính đã khuyên những đứa con của mình như một lời chia sẻ với thế hệ sau: “Thôi chuyện lâu rồi, hết thời của ba rồi. Giờ tới hai con. Hai con còn nhỏ cứ bắt đom đóm chơi, giỡn với con chó. Nhưng lớn lên rồi phải làm một chuyện gì. Như một lần phải lên đỉnh núi... Nhớ không?” (Lên núi thả mây tr.146). Có thể nói, lời nhắn gởi này là một thông điệp đầy tính hàm ngôn mà nhà văn muốn chuyển tải đến người tiếp nhận. Truyện ngắn Lê Văn Thảo, vì thế, bao giờ cũng thấm đậm vị nhân sinh và đây cũng là cánh cửa mở ra cho người đọc soi chiếu vào cái cõi nhân sinh trong vũ trụ văn chương của anh: Đó là cái cõi nhân sinh với bao số phận con người mà anh đã gặp, đã sống, đã sẽ chia không chỉ trong những ngày tháng chiến tranh mà cả thời hậu chiến.

                                                                 

    2. Cũng như các tác phẩm văn học thời kỳ đổi mới, truyện ngắn Lê Văn Thảo đã có sự thay đổi hệ hình trong tư duy sáng tạo mà rõ nhất là cái nhìn về hiện thực cuộc sống. Từ những tác phẩm văn học đậm chất sử thi cách mạng thời chiến tranh, ngòi bút của anh đã đi vào những vấn đề của cuộc sống đời thường mà ở đó con người luôn đứng trước những “cơn bão” của  áo cơm và sự tha hóa nhân cách nếu không biết vượt lên những dục vọng thấp hèn đang ẩn nấu trong chính bản thể mình. Cõi nhân sinh trong truyện ngắn của Lê Văn Thảo thời kỳ đổi mới vì thế, cũng là “cõi người ta” mà ở đó luôn  bày ra trước nhân gian những buồn vui và đau khổ, những cay đắng và vinh quang, những được mất, thăng trầm... trong cuộc đời với những con người “không muốn mình “thua” trong bất cứ chuyện gì, đứng sau một chút cũng không được” (Chuyến bay Kinh hoàng tr.147) nên họ sẵn sàng dẫm đạp lên nhau để sống, để hiển vinh và lúc đó mọi nghĩa tình trong cuộc đời chỉ là những thứ phấn son xa xỉ. Chính vì vậy, trong tâm thức hiện sinh của Lê Văn Thảo anh đã ước mơ làm sao sống được như “thời hồng hoang, con người muông thú sống giao hòa” (Kể chuyện nghe chơi, tr.158). Nhưng mơ ước cũng chỉ là mơ ước vì nền văn minh công nghiệp đã đẩy con người đi quá xa với cái thuở hồng hoang của mình. Bao nhiêu tham vọng lợi quyền đang làm tha hóa nhân cách và tâm hồn con người, đang có nguy cơ đẩy còn người vào một cái thưở hồng hoang khác mà ở đó lòng yêu thương cứ cạn dần còn thù hận thì chất chồng lên mãi, bởi đâu đó những cuộc khủng bố vẫn cứ xảy ra, những cơn bão lũ, động đất đang đẩy bao số phận con người vào cảnh bần hàn chỉ vì con người đang từng ngày tàn phá môi trường sinh thái không chỉ trong tự nhiên mà còn trong chính tâm hồn của mình. Truyện ngắn Anh Cà - kheo qua làng vì thế, là một diễn ngôn về khát vọng một cuộc sống “hoang dã” tự do mà ở đó là những làng không có hàng rào, không có sự ngăn cách, không có sự cấm cản nào cả. Bởi khi đi thăm làng “ngó nhìn hai bên đường” Anh “than phiền làng nghèo quá, nhà cửa thưa thớt lè tè, nhưng hàng rào lại cao nghệu. Đình chùa nghĩa địa cũng có hàng rào, kiên cố vững chãi như bước tường thành. Coi vẻ anh không ưa hàng rào. Cả đời sống trên sông, chiếc ghe tam bản giữa đường neo đậu, anh cần hàng rào làm gì?” (Anh Cà - kheo qua làng, tr.175)

    Có thể nói, hàng rào trong cái nhìn của Anh cà kheo như một thứ lực cản vô hình không chỉ ngăn cách con người trong cõi sống mà ngay cả cõi tâm linh. Không những thế nó còn giết chết khát vọng sống tự do của con người. Vì vậy, sự “nổi loạn” của Anh Cà Kheo khi phá vỡ mọi hàng rào của những người mà anh thuyết phục được như bà Mập bán quán nhậu hay ông chủ ruộng giàu có là một sự nổi loạn hiện sinh để thực hiện khát vọng tự do của mình. Vì trong quan niệm của anh: “giàu cũng không làm nên tích sự gì, của cải rồi cũng trôi sông trôi biển. Anh nói: “chính cái đẹp cần phải được ngắm nhìn.” (Anh Cà - kheo qua làng tr.174) và với anh sống “Cần phải có tầm nhìn”. “Công việc càng nhiều tầm nhìn càng rộng” (Anh Cà - kheo qua làng, tr.181)

     Bức tranh nhân sinh trong truyện ngắn Lê Văn Thảo, vì thế, là bức tranh lập thể nhiều sắc màu nên luôn mang tính đa nghĩa mà nếu người đọc không tham chiếu nó từ những góc nhìn khác nhau, với những hệ triết mỹ khác nhau thì sẽ không hiểu và cảm hết tính hàm ngôn từ những thông điệp mà  diễn ngôn truyện ngắn Lê Văn Thảo mang đến.

   Là một nhà văn hiền lành, nhẹ nhàng nhưng thâm trầm và sâu sắc, cõi  nhân sinh trong truyện ngắn Lê Văn Thảo, vì thế cũng ẩn chứa ý vị triết luận khiến người đọc luôn bị cuốn vào những ưu tư của anh, bởi chất bi hài thâm thúy như một thứ “hương thầm” mà không phải nhà văn nào cũng tạo được  nơi người đọc, nếu không có sự trải nghiệm cuộc đời và một thiên năng. Văn chương Lê Văn Thảo là văn chương khởi lên từ cuộc đời để từ đó tạo nên những cuộc đời khác với nhiều mùi vị hiện sinh nên nó đeo đẳng mãi trong tâm thức người tiếp nhận. Vì vậy, đến với văn chương Lê Văn Thảo ai cũng thấy cuộc đời mình trong đó: Chiếc xe đạp, Thằng Cung, Cảnh quay phim ngoài trời, Bốn cô gái trong đêm giao thừa, Người đàn bà khóc, Hai người cha... là những câu chuyện đầy ám ảnh cảm thức hiện sinh như thế!

    Truyện ngắn Lê Văn Thảo phần lớn là những câu chuyện bâng quơ tưởng  như không có chuyện. Nhưng dưới ngòi bút của anh, tất cả thế giới nhân vật đã hiện lên với những số phận con người đang trôi dạt giữa chốn nhân gian mênh mông này đều trở thành những câu chuyện mang đậm ý vị nhân sinh... Và ở chỗ này truyện ngắn Lê Văn Thảo lại gần với truyện ngắn của Nam Cao và Thạch Lam. Có gì đâu, chỉ là chuyện một người bạn mượn chiếc xe đạp đến nhà một người bạn khác trong cơn say, rồi bỏ quên nơi ấy song đã để lại trong lòng người chủ xe những hoài nghi, tự vấn... “Có đi rồi mới biết, thế giới rộng lớn lắm, bạn bè cũng năm loại bảy kiểu. Có đứa thật bụng thương mình, có đứa chơi với mình chỉ cốt khoe khoang, có đứa vừa thấy mình đã bỏ chạy. Nói chung vẫn có những thằng giàu ấy tìm đến mình, chúng cần có bạn bè nghèo để so sánh, làm nổi bật sự giàu sang của chúng.” (Chiếc xe đạp, tr.240) Đọc những dòng tự vấn này, lòng ta không khỏi ngậm ngùi, ngẫm ngợi trước thế thái nhân tình. Và khi nghĩ về việc mất chiếc xe đạp, nhà văn đã để cho nhân vật hạ một câu đầy ý vị triết lý mà không phải giữa cuộc đời ngỗn ngang những được mất này ai cũng nhận ra: “Đời vậy mà, có cái gì khổ với cái đó.” Và chính sự đốn ngộ này đã khiến người mất xe nhận ra có những điều thiêng liêng và cao cả hơn mà lâu nay anh đã đánh mất, đó là nỗi đau của những số phận con người mà trong trường hợp này là Sáu Quang người bạn kháng chiến của anh. Vì vậy, khi được Tư Thanh thông báo đến nhận chiếc xe “anh không nói gì cả, anh đã quên hẳn chuyện đó rồi. Nhưng nỗi đau thì vẫn còn, cứ âm ỉ, thật chẳng ra làm sao. Sao đến nông nổi này?” (Chiếc xe đạp, tr.244) Và từ những điều trăn trở này, khi nghĩ về những năm tháng chiến tranh, điều găm lại trong tâm thức nhà văn là tình yêu và số phận con người. Ta hãy nghe Lê Văn Thảo chia sẻ trong truyện ngắn Cảnh phim quay ngoài trời: “Chúng ta chiến đấu như thế nào nếu không có tình yêu? Chiến tranh là gì nếu không có những con người?” (Cảnh phim quay ngoài trời, tr.289) Phải làm sao cho con người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc sau những gì họ hy sinh cho đất nước, cho dân tộc chứ không phải như anh du kích Tám Luông trong truyện Cảnh phim quay ngoài trời, trước kia đã chiến đấu với biết bao thành tích lẫy lừng, giờ về nhà phải làm thuê vì không có ruộng. Và câu trả lời phỏng vấn của anh với người diễn viên điện ảnh thật sáng trong, vô ưu nhưng không khỏi làm lòng ta đắng chát: 

     “Bây giờ anh làm gì?” Anh diễn viên khui tiếp lon nước ngọt.

“ Làm ruộng, hết giặc rồi. Nhưng nhà không có ruộng, tôi đi làm mướn.”

“Sao không có ruộng?”

“Tại không có vậy thôi.”

“Nói chuyện với anh ngộ lắm nhưng vai anh rất khó đóng.”

     Chính vì vậy, mà câu chuyện làm phim nghiêm túc về thành tích một người du kích dũng cảm bỗng chốc đã trở thành chuyện viễn vông, thậm chí khôi hài khi Bà mẹ Tám Luông chia sẻ: “Ôi trời đất ơi, phim với ảnh! Có ai sống được với hình bóng không?” Câu nói tưởng chừng giản đơn của một bà mẹ nhà quê mà trong đó chứa bao điều để chúng ta suy ngẫm về cuộc sống nhân sinh. Chiến tranh là vậy đó, đằng sau những vinh quang của một thời là những kiếp đời không lành lặn, vênh lệch giữa chốn nhân sinh mà số phận “Bốn cô gái trong đêm giao thừa” là như thế!? Ta hãy nghe lời kể của một người lính về sự hy sinh của đồng đội mình và sự lỡ làng của đời một người con gái: “Cưới cái gì? Cô ta bắt tao giả làm bồ đó. Nó là người yêu của thằng T, cùng đại đội mình, tụi bay quên rồi sao? Thằng T chết rồi, trong trận tao bị thương ở đầu đó. Trước đó, hai đứa ăn ở với nhau, con nhỏ có thai thằng T đi nghĩa vụ cái thai phải bị phá. Hôm tao về báo tin thằng T chết, con nhỏ khóc nấc lên đánh tao liên hồi: “Anh T chết rồi, con em cũng chết rồi, em sống với ai”. Dạo đó nó như con điên. Bà con họ hàng không có, tao cũng không biết làm gì... Thôi mấy con nhỏ ngủ rồi, mình cũng ngủ đi. Những chuyện như vậy làm sao kể cho hết...” (Bốn cô gái trong đêm giao thừa, tr.305)

      Vâng! những chuyện như vậy về số phận con người nhất là người phụ nữ  trong cuộc đời này làm sao kể hết. Và có lẽ, thân phận người phụ nữ với những nỗi khốn khổ và đau thương riêng có của mỗi người luôn là điều ám ảnh trong sáng tác của Lê Văn Thảo mà những câu chuyện như Người viết thư thuê; Bà nội tôi; Cô áo hồng, cô áo tím; Người đàn bà khóc; Bốn bức thư; Đứa cháu gái; Chuyến xe giữa trưa mát dịu... đều là những câu chuyện thể hiện niềm trắc ẩn của nhà văn về số phận của người phụ nữ. Đó là những con người mà ở họ những khát vọng sống cao đẹp luôn bị dập vùi trong khổ đau và cô độc như người con gái truyện Chuyến xe giữa trưa mát dịu, Hay tự đánh lừa chính mình trước những vinh hoa phù phiếm của Thu Nga trong truyện Cô áo hồng, cô áo tím, hoặc nỗi đau vì phải làm một người tình hờ nếu không muốn nói là bị phụ tình của Tuyết trong truyện Người đàn bà khóc khi chị khái quát một điều thật đắng cay: “Đành vậy thôi, mấy anh mặc sức bay nhảy, đàn bà con gái chúng tôi chỉ biết chờ đợi (...) Vẫn biết anh ấy đi đánh giặc chịu nhiều gian khổ, nhung tôi vẫn có cảm giác bị bỏ rơi, thành gái già, mặc dù chưa đến hai mươi...” (Người đàn bà khóc, tr.308)

   Và trong những câu chuyện Lê Văn Thảo viết về thân phận con người, điều làm tôi ám ảnh đó là chuyện của cô Bé gái làm ô sin cho một người chủ giàu có, nhờ người viết thư thuê viết một lá thư và đem sợi chuyền vàng vô tình đánh rơi trong túi xách của của mình trả cho nhà chủ chỉ vì một điều thiêng liêng, muốn chứng minh mình là người lương thiện, không phải là kẻ cắp. Nhưng bi kịch ở chỗ, khi được người đưa thư minh oan thì cũng là lúc em bị ở tù do tham gia một băng cướp nhí vì một “cách kiếm tiền khác”, điều mà cô bé đã nói với người viết thư thuê trước đó. “Cách kiếm tiền khác!”, ông  nhớ lại lời nó. “Cách khác là nhu thế này đây? Ông nhìn tấm hình lần nữa, con nhỏ nhìn lại ông ngạo mạng thách thức.” (Người viết thư thuê, tr. 173)

      Và với sự thách thức này “Người viết thư thuê” như thấy mình bất lực trước cuộc đời với biết bao số phận mà ông đã thay họ bày tỏ qua từng con chữ trong những bức thư... Và những bức thư này cũng là cõi nhân sinh mà ông cảm nhận được qua lời kể của biết bao người nhờ viết thư thuê, để rồi ông lại cật vấn chính mình một cách đau đớn: “Ông xếp tờ báo lại, không đọc bài báo. Ngày hôm đó và mấy ngày sau ông không đến bưu điện làm việc, nằm trong nhà nghĩ ngợi vẩn vơ, hình ảnh con nhỏ lởn vởn trong đầu. Nó không ăn cắp, nó biết bản thân nó. Giờ đây nó đang ở trong tù, cuộc đời trước mắt u ám mù mịt, ông làm gì được cho nó? Rồi nhớ lúc đến nhà ông bà chủ. “Còn thiếu chữ nghĩa nào của ông làm cho nhà này tan nát nữa không?”. Ông nhớ tất cả, cả cuộc đời viết thư thuê của ông. Ông chỉ là người viết thư thuê, không dính líu gì, sao cứ vận vào hết chuyện người này tới chuyện người khác?

    Những bức thư của ông làm được gì? (Người viết thư thuê, tr.173)

   Vâng! “Những bức thư của ông làm được gì?”. Sự trăn trở của ông già viết thư thuê trong truyện ngắn này, phải chăng đã đặt ra cho nhà văn (những người viết) về trách  nhiệm của mình trước số phận con người trong cõi nhân sinh đầy bất an này. Và có lẽ, ở đâu đó trong chốn nhân gian này số phận của những người nghèo khổ đang từng ngày, từng giờ cần sự “dấn thân” (J.P Sartre) sự “xuống thuyền” (Abert Camus) của nhà văn với một tinh thần nhập cuộc thật sự để góp phần làm thay đổi số phận của họ nếu có thể... Có như thế, nhà văn mới làm tròn được thiên chức của mình...

   3. Truyện ngắn Lê Văn Thảo viết từ sau thời kỳ đổi mới đã thấm đẫm tinh thần nhân văn sâu sắc ấy. Vì thế, nó neo lại trong lòng người đọc và thức nhận cho họ về sự chia sẻ và cảm thông với thân phận con người chứ không chỉ đơn thuần ở những giải thưởng mà anh đạt được. Và đây cũng là điều tôi muốn chia sẻ bước đầu qua những truyện ngắn của anh.

      Tôi không muốn anh như người viết thư thuê “nằm nhà nghĩ ngợi vẩn vơ” hay như những người bạn “lên núi thả mây”, hoặc như nhân vật Bình dẫn chú bé “trở lại rừng” vì thấy mình cô độc, vô dụng sau ngày chiến thắng, mà muốn thấy anh tiếp tục cảm hứng sáng tạo này để tạo nên một cõi nhân sinh đầy tính nhân bản riêng có của anh với những cảm thông, chia sẻ sâu sắc về thân phận con người trong tinh thần dấn thân của một nhà văn luôn song hành với nhân dân, với số phận của những con người nghèo khổ.

    Tôi tin và tôi kỳ vọng như thế vào hành trình sáng tạo của anh...

      Nhưng hôm nay anh đã “đi ra ngoài cõi sống” (chữ dùng của Tạ Tỵ) không phải để “lên núi thả mây” **, suy niệm lẽ đời mà để “buông bỏ” những nhọc nhằn từ nỗi đau phận người sau những “Cơn giông”*** bão của cuộc đời và bệnh tật mà anh đã trải nghiệm, để về với “cõi chẳng mô tê” (ý thơ của Xuân Diệu), khép lại hành trình một đời người và hành trình sáng tạo của một đời văn. Vì vậy, điều tôi kỳ vọng vào anh mãi mãi cũng chỉ là những kỳ vọng. Nhưng tôi tin rằng, những tác phẩm anh để lại cho đời sẽ được người đọc trân quí, tiếp tục sáng tạo trong quá trình tiếp nhận tác phẩm của anh với một sự vẫy gọi từ những thao thức của kiếp người trong cõi nhân sinh mà những tác phẩm của anh đã góp phần thức nhận…

 

                                 Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, 16/4/2016 - 22/10/2016

 

LÊ VĂN THẢO VÀ SỰ VẬN ĐỘNG CỦA ÔNG

 

Phạm Thị Minh Thư

 

 

Đâu như trong những năm bảy mươi tôi có đọc một truyện ngắn của Lê Văn Thảo, truyện này tôi không nhớ tên, cả ông cũng vậy khi được hỏi về nó. Cho mãi đến năm 1998 tôi mới đọc truyện ngắn thứ hai của nhà văn. Truyện thế này.

Năm 1968 đơn vị “tôi” đánh vào Sài Gòn, đóng quân tại một ngôi nhà. Trong lúc các gia đình chung quanh tản cư đi hết, bom đạn đầy trời thì cô gái chủ nhà vẫn suốt ngày ở trong phòng nấu nướng ăn uống, một ngày vài bận xuống nhà vặn nước tưới cây, cho chim ăn, đứng lại một lúc nghe chim hót, mà “mấy con họa mi vàng anh này bom đạn càng nhiều hót càng hay”. Thái độ “thản nhiên lạnh lùng” “không tỏ vẻ chống đối hay chấp nhận” của cô gái khiến “tôi” rất lạ. Rồi một cuộc đối thoại đã diễn ra. “Cô là người Sài Gòn đầu tiên chúng tôi gặp đấy”. “Tôi cũng mới gặp mấy anh”. “Cô thật tốt cho chúng tôi ở nhờ như thế này”. “Không có gì đâu mà”. “Cô ở một mình như vầy không sợ sao?”. “Tôi ở trong nhà tôi mà sợ cái gì?”. Thật sáng tỏ và bình thường nhưng “tôi” lại càng như không hiểu. Nhất là, đơn vị rút đi một chiến sĩ lạc đường, bị thương đã phải lộn lại trú thêm ở ngôi nhà ít lâu, vẫn với thái độ thản nhiên lạnh lùng cô gái tiếp nhận săn sóc người chiến sĩ cho đến lúc anh tìm được đường rút!.. Phải chăng “tôi” chỉ chờ đợi người Sài Gòn xinh đẹp này một trong hai thái độ chống đối hoặc vồn vã gia nhập hòa đồng, khác đi sẽ là một thách đố?… May mắn, “tôi” chỉ là người viết văn, nên lối nghĩ này chỉ dẫn đến thắc mắc và tìm biết. Mười năm trôi qua sau Mậu Thân, “tôi” đã có lời giải đáp về cô gái. Rồi lại mười năm nữa. Câu chuyện thứ hai xuất hiện. Lúc này cuộc đời thật của cô gái thích tưới cây cho chim ăn và nghe chúng hót, bình thản trước những gì khác mình, không thuộc về đời sống của mình mới lộ diện. Ra những ngày bom đạn dữ dội lại là những ngày hạnh phúc của cô, gia đình tản cư cô gái trốn lại để sống với người tình tại nhà, và bất hạnh của đời cô cũng bắt đầu từ đây, trong mối tình oái oăm này. Một cuộc đời như cuộc đời ấy không hề có trong hình dung của “tôi”, với nó thì cả “bên này” lẫn “bên kia” đều chả giải quyết được gì!.. Người kể “tôi” nghe về cuộc đời cô gái từng nói: “Chúng tôi là người ở đây… Ở cả cuộc đời với bao nhiêu chuyện vui buồn, hay dở, ông không viết hết được đâu”. Đúng ra là, ông không thể biết, không thể hiểu nổi đâu…

Điều truyện ngắn đề cập không mới hơn những gì tôi nhận thức, nhưng kể từ đây, những ý nghĩ này đã trở nên day dứt hơn, tha thiết và buồn hơn. Và đó cũng là một trong vài ba lý do khiến văn học tồn tại.

“Người Sài Gòn” khiến tôi ngạc nhiên mãi. Vẻ đẹp thanh thoát của truyện ngắn cho thấy những lịch lãm trong nhận thức về con người, về cuộc đời của xứ sở, về nghề nghiệp. Với “khởi đầu” tôi đã biết thì Lê Văn Thảo này đã “xuất hiện” ở quãng thời gian nào?

Tại sao đến “Người Sài Gòn”, lại cũng rất ngẫu nhiên, tôi mới đọc người từng biên tập truyện tôi năm xưa và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp? Nhớ lại vài năm trước, một nhà thơ từng đọc ông cho đến đầu thập niên tám mươi, khi nghe tôi khen truyện ngắn ông hay, đã suy nghĩ một chút rồi nói: “Ông ta chưa viết cái gì dở cả”. Biết làm sao, thưa nhà văn? Người đọc chờ đợi những tài năng văn học quá lâu, trong khi văn chương đã làm nhọc họ bởi rất nhiều mạ vàng, ồn ĩ và nhạt nhẽo.

Trở lại với cái truyện khiến tôi “nhìn ra” một Lê Văn Thảo mới và những truyện khác của ông tôi đã tìm đọc sau đó.

Nếu “Người Sài Gòn” đặt ra một câu hỏi, nhắc nhớ một ứng xử cần thiết, thì “Cô gái đi vào cửa sau” phải chăng đã hé mở một cách hiểu về họ?

Ngày giáp Tết một cô gái xinh đẹp đột ngột xuất hiện trong ngôi nhà “tôi” được phân phối sau ngày giải phóng. Cô nói ngày trước đây là nhà cô, nói gần Tết nhớ nó quá nên ghé thăm. Cô hồn nhiên kể lể về những ngày sống hạnh phúc đủ đầy ở đây, có mẹ có cha, có cả một người con trai hàng xóm hay để ý mình; rồi bom dội xuống, người con trai chết ngay trước mắt cô… Ít lâu sau “tôi” được biết: Câu chuyện cô gái từng nói với một người bạn của anh, rồi lại một người khác nữa… tất cả đều vào những dịp giáp Tết. Sự thật là gia đình cô gái chạy tản cư rồi trúng bom, cha mẹ chết, cô thì bị mắc chứng tâm thần, suốt năm trong bệnh viện không biết gì cả, đến ngày giáp Tết có khói nhang chim tu hú kêu liền tỉnh ra đôi chút, mang máng nhớ ra những gì mình từng có trong một ngôi nhà và đi tìm. Thiết tha lắm nhưng tìm được rồi thì cũng chỉ…vào nhà bằng lối cửa sau, hồn nhiên nhắc lại chút kỷ niệm, rồi đi…

Mạch viết mới khởi nguồn khi tác giả đã sang tuổi năm mươi, tuổi không thể không nghĩ đến những vấn đề thiết thân của xứ sở. Được chuẩn bị kỹ lưỡng, thâm trầm và tinh tế, mỗi truyện ngắn của ông đều trùng khít với điều nó chuyên chở. “Hai ông cháu và con người chủ xưa” là một ví dụ.

Một người chủ ăn chơi bán sạch đất bỏ đi khỏi xứ sở, để lại cho một người đầy tớ một rẻo đất không ai thèm mua. Cha bán đất của ông thì con làm tôi tớ cho người là dễ hiểu. Trở về trong tư thế một người làm thuê sang trọng, Phan Long sao còn quan tâm đến rẻo đất cằn cỗi rặt những mồ mả sót lại từ thuở nào? Vậy mà ông già Tư Quới hay tin con người chủ xưa trở về  liền bán nó đem tiền trả. Kiên nhẫn làm đầy tớ trên rẻo đất cằn cỗi ngặt nghèo đó, đinh ninh “ở lại đây cày cấy bán lúa lấy tiền cất để dành chừng ông chủ về tôi đưa trả lại cho ông chủ”, để rồi phải cay đắng thốt lên: “Nhưng tôi không làm được gì hết cậu chủ ơi, hơn năm mươi năm tôi ra sức cày cấy, rẻo đất sình lầy đầy sỏi đá, lại gặp đủ chuyện tai ương, hết giông bão đến lụt lội, rồi lại  giặc giã liên miên…”.

Tự giải phóng khỏi người chủ tồi và rẻo đất trị giá cuộn bạc lẻ, tay trắng lên thành phố, ông cháu Tư Quới trở thành vua bãi rác là dễ hiểu. Cuộc đời cha con ông Tư Quới chả thể nói là tốt đẹp, nhưng xem ra những gì chờ đợi thế hệ thứ ba của gia đình ông nơi bãi rác khổng lồ mới thực sự khôn lường.

Sống ở thành phố nhưng lại nhiều gắn bó thiết tha với số phận người nông dân Nam Bộ, đất là niềm day dứt thường trực nơi nhà văn, bởi thế ông rất dễ bắt gặp ở đời sống, ở trí tưởng tượng, các tình thế truyện ngắn phù hợp điều muốn trình bày. Sau “Hai ông cháu và con người chủ xưa” Lê Văn Thảo đã quành lại đề tài này, nhấn mạnh thêm bằng “Mở đất”. Câu chuyện  về người đi mở đất với biết bao nỗ lực, khôn ngoan và mê đắm, đẹp như một huyền thoại. Đối xử với huyền thoại này, với đất đai của ông bà tổ tiên thế nào là vấn đề đặt ra trước con cháu.

Là toàn bộ truyện ngắn (“Làng lở”) hay chỉ tham dự như một phần bối cảnh (“Đứa con trở về”) thì tiếng đất lở ầm ầm dội ra từ những trang sách của nhà văn thật sự khiến ta giật mình, kinh hãi.

“Làm gì còn làng T. nữa, nó ở dưới sông hết rồi”. “Sao?”. “Nó bị lở, đâu có chuyện gì, ở ven sông nhằm bên lở vậy thôi”… “Lở hết, không còn nhà nào – Ông già nói với giọng khoái trá – Lở ầm ầm suốt ngày đêm, chuyện trời đất mà. Tụi tôi là những nhà cuối cùng bị lở đây”.

Dấy lên thật nhiều xót xa cay đắng trong sự chấp nhận hồn nhiên bình thản của ông già nông dân làng T. Nhưng trước một hiện tượng phi phàm đến thế của tự nhiên, thử hỏi, họ, những người nông dân làm lụng đầu tắt mặt tối chỉ đủ ăn, có thể làm gì ngoài chấp nhận và cam chịu?

 

***

 

Đành rằng truyện ngắn hay không phải bằng nhân vật, nhưng có người viết nào (dù cổ điển hay hiện đại) lại không ước ao có được nhân vật văn học của mình? Ở lẽ này Lê Văn Thảo có quyền tự hào về Ông cá Hô, nhân vật trùng tên với truyện ngắn rất hay và độc đáo của ông.

Một gánh hát mạt hạng đến diễn ở làng “tôi”, một cù lao nhỏ giữa sông Hậu. Diễn vài đêm gánh hát rã. Tan tác hết riêng đào Hồng Điệp và kép Hoàng Dương ở lại. Hồng Điệp phụ việc cho một quán ăn, Hoàng Dương cất chòi ở đầu cồn. Thành kép hát để đi theo Hồng Điệp, cất chòi ở lại cồn Te cũng là để kề cận, thương nhớ hình bóng cô đào. Như bất cứ số phận nào trên xứ sở này, thanh bình no đói rồi giặc giã tao loạn lần lượt can dự vào căn chòi nơi mũi cồn, Hoàng Dương thậm chí đã vào tù bị đày ra tận Côn Đảo, bị bắt lính… Song các sự biến tưởng chừng ghê gớm đó như chỉ trôi bên cạnh, chỉ là thứ phụ họa cho mối bận tâm duy nhứt, dài dặc: đào Hồng Điệp và những con cá hô.

Nói là để sống qua cơn thắt ngặt, nhưng kỳ thực đánh bắt cá hô là cả một kế hoạch to tát tuyệt đẹp nhằm chuộc Hồng Điệp khỏi quán ăn đưa cô trở lại với nghề ca hát. Con cá hô huy hoàng ấy rồi Sáu Dương cũng bắt được nó. “Con cá được đưa lên nằm dài trên sàn quán, khách trong quán bu lại trầm trồ chỉ chỏ”, Hồng Điệp “đi ra vô không ngó con cá hô cũng không nhìn chú Sáu Dương”, còn bà Ba chủ quán thì sõng sượt: “Nhưng mày chuộc cái gì? Tao nuôi con Hồng Điệp chăm sóc thương yêu còn hơn con đẻ, mắc mớ gì mày phải chuộc? Mà mày nuôi nó nổi không? Thôi mày trả tiền ly cà phê rồi về đi, con cá hô tao sẽ xẻ thịt bán trả tiền mày”. Chẳng ai đem tiền bán cá trả cho Sáu Dương cả, với nó bà Ba đã chạy chọt cho Hồng Điệp vào một gánh hát bên chợ. Cuộc đời trần trụi, hơi trắng trợn và khôn ranh một chút, nhưng có sao? Miễn mộng tưởng của Hồng Điệp được thực hiện… Xong sứ mạng thiêng liêng rồi thì việc xẻ thịt những con cá hô tiếp theo đem bán dưới hình chụp đào Hồng Điệp, vừa bán vừa hát những bài hát lời lẽ có chuyện cá hô nấu canh chua và chuyện yêu đương tất là việc Sáu Dương sẽ làm, cũng như tất yếu một ngày nào đó con người hồn nhiên vô tư này sẽ cảm nhận rất sâu sắc rất đau đớn những tầm thường bẽ bàng của cuộc đời mình. Chuyến đua ghe là nỗ lực huy hoàng cuối cùng của Ông Cá Hô, hơn là “một vấn đề của giới tính” (giai nhân và chiến công) dù rằng huy hoàng ấy hướng tới người ngồi trên khán đài và cũng vì “họ” mà ông thất bại.

Năm tháng trôi đi, những cái tên lần lượt thế chỗ cho nhau, có tụt dốc có bẽ bàng và gắng gỏi huy hoàng để càng bẽ bàng hơn, nhưng tâm hồn ấy vẫn dứt khoát lành lặn, thủy chung với những gì nó đã từng gắn bó. “Ông Cá Hô” là một nhân cách độc đáo. Rộng hơn một chuyện tình “Ông Cá Hô” là một bài ca về cuộc sống mà chúng ta đã sống và không ngừng mơ ước về nó. Bài ca ấy sẽ còn vang vọng rất lâu trong tâm hồn những ai đã đọc nó, tôi tin thế.

Điều sau cùng tôi muốn nói về truyện ngắn này là nghệ thuật đối thoại của tác giả. Gần hết một đời người với các sự biến lớn nhỏ, các mối quan hệ xung quanh nó đã được thuật lại, mô tả và phân tích chủ yếu bằng thoại. Cuốn người đọc suốt gần sáu ngàn chữ là liên miên những đoạn thoại đầy nhạc điệu, nhân vật nào lời lẽ ấy rồi lời lẽ lại tạo nên nhân vật… Thoại bình dân mà diễn tả được cả những khuất lấp tinh tế run rảy nhất trong tâm hồn một con người. Lê Văn Thảo vốn rất tài hoa trong thoại nhưng ở truyện ngắn này thì tài hoa thật đã đến mức trọn vẹn.

 

***

 

Ở “Truyện ngắn chọn lọc Lê Văn Thảo” (*), “Đêm Tháp Mười”, viết năm 1969, đứng riêng một lối, cùng mạch với truyện ngắn năm xưa tôi đã đọc:  những con người bình thường thiết tha với hạnh phúc làm người, trước mất mát đau thương kẻ thù gây ra đã buộc phải cầm súng tự vệ, bị kịch cá nhân cũng là bi kịch chung; văn chương tiết chế mà lôi cuốn, rung động, khiến hiện thực nó tái tạo thuyết phục người đọc - văn chương của một người thông minh nhiều xúc cảm chân thành và không phù phiếm. Lấy nó vào tập sách gần như một tuyển truyện ngắn viết sau năm 1988, phải chăng Lê Văn Thảo coi nó đại diện cho văn chương chặng đầu của mình, đã hay trong một giai đoạn và đã không còn thỏa mãn ông lúc giai đoạn này kết thúc?

Với hơn hai thập niên sáng tạo dồi dào và sâu sắc việc điểm một số truyện ngắn trên đây chỉ là nhằm tiếp cận với văn chương Lê văn Thảo trong quá trình vận động rất đáng suy ngẫm của ông.

 

PTMT

Chú thích: (*) NXB Hội Nhà Văn, 2003.

___________________________

   * Chú thích: Những trích dẫn trong bài đều lấy trong Tuyển tập truyện ngắn của Lê Văn Thảo, Nxb. Văn học, Hà Nội 2014.

   **, ***, Tên những tác phẩm của Lê Văn Thảo

Nguồn: Tạp chí NV&TP

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *