Tác phẩm và dư luận

2/6
7:51 AM 2017

CÁCH TÂN: ĐI TÌM CÁI MỚI HAY CÁI TÔI ?

Chu Văn Sơn-1. Cách tân và phát triển-Thật chẳng tiện chút nào khi nói chuyện cách tân lại bắt đầu từ những điều không mới. Biết làm sao, chính các cuộc cách tân cũng thường bắt đầu như thế. Nói cách tân là nói đổi mới, tìm kiếm cái mới, làm ra cái mới. Cụ thể là sáng tạo ra những giá trị mới.

                                            Nhà văn, nhà phê bình Chu Văn Sơn

Trong nghệ thuật, cách tân vẫn được hiểu theo hai lối. Theo lối dễ tính, thì cách tân là thuộc tính của sáng tạo. Chả có sáng tạo nào lại chẳng là một cách tân nào đấy. Hiểu theo lối này, người sáng tác cũ nhất cũng có thể yên chí rằng mình đang cách tân. Cảm giác yên chí như vậy, nếu là thành thực, thì chất chứa một nguy hiểm. Bởi nó chính là tiếng nói ngọt ngào của trì trệ, nó là sự thủ cựu trá hình. Khi chỉ thích tự ru vỗ mình bằng cách hiểu ấy, thì cuộc sáng tạo xem như đã an bài. Còn theo lối khó tính, thì cách tân là một xu hướng sáng tạo với khát khao tạo ra cái hoàn toàn mới. Theo cách này, thì chỉ có những đột phá táo bạo, những bứt phá dũng mãnh, vượt khỏi rào cản của thói quen thẩm mỹ cũ, gieo những hạt giống mỹ cảm mới, khai sinh một hệ giá trị mới, thì mới được gọi là cách tân. Dĩ nhiên, cách tân được nói đến ở đây là thuộc dạng thứ hai này.

Cách tân thường nảy sinh từ hai động cơ : dị ứng mạnh với cái cũ và khát khao tìm kiếm những giá trị mới. Thực ra, cái cũ nào cũng đã từng là cái mới. Nó đáp ứng những nhu cầu của cái thời nó nảy sinh và được cái thời ấy nâng niu. Nhưng thời ấy qua đi, nó dần dà thành cái cũ và bộc lộ những bất cập. Cái mới nảy sinh từ nguyện vọng muốn khắc phục những bất cập của cái cũ. Càng dị ứng với cái cũ bao nhiêu, khát khao ấy càng bức xúc bấy nhiêu. Bức xúc bùng nổ, nó có thể tạo ra một cuộc cách tân lớn lao và triệt để. Khi ấy, cách tân chính là cách mạng. Chắc chắn chúng ta đã không có lịch sử nghệ thuật nếu thiếu đi các cuộc cách mạng như vậy.

Người cách tân chân chính là người dám dấn thân vào những cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm. Có thể trắng tay như không. Biết vậy, họ vẫn xả thân vì cái mới. Tiến bộ và phát triển trông chờ vào những người như thế. Họ đáng được kính trọng. Và chừng nào sự kính trọng ấy trở thành nền nếp của một cộng đồng, chừng ấy mới có tiến bộ và phát triển. Bởi, ngẫm cho cùng, sự sống tích cực chính là sự sáng tạo. Cõi sống tiến hoá là nhờ vào sức sáng tạo bền bỉ của muôn loài. Cõi người đi lên là nhờ vào sự sáng tạo của muôn người. Đó là qui luật không còn xa lạ.

Ấy thế mà không cuộc cách tân nào là không phải xuyên thủng một bức tường dày. Đó là sự chống trả của cái cũ. Thường cũ kĩ vẫn cặp díp với hẹp hòi. Chúng thành một thế lực vừa vô hình vừa hữu hình, vừa ngoài ta vừa trong ta. Ngẫm mà xem, có phải dò xét và nghi ngại cái mới là điểm yếu cố hữu của ta không? Có phải ta ít nhìn cái mới bằng con mắt chào đón một triển vọng, mà hay nhìn bằng con mắt cảnh giác với một đối thủ không? Con mắt hẹp hòi thường quá nhạy cảm với mối đe doạ đối với quyền lợi ích kỉ của ta. Nếu thừa nhận nó là mới, thì té ra là thú nhận mình cũ rồi à ? Nếu chào đón nó, tức là mình bị phế truất sao?... Vậy là, cái cũ náu mình trong một cơ chế vị kỉ chứ không vị tiến bộ. Ta chậm phát triển hẳn còn vì thái độ “thầy chiến bại mừng trò chiến thắng” chưa thành truyền thống thực sự ở ta. Ngay cả những trường hợp từng tha thiết với cách tân cũng chưa làm gương được về việc này. Còn nhớ hồi đầu kháng Pháp, thử nghiệm thơ không vần của Nguyễn Đình Thi bị phản đối kịch liệt. Gạt đi những nguyên nhân thuộc về thời thế, sẽ chẳng lạ gì, khi thấy tiếng nói phản đối quyết liệt nhất không phải từ ai khác mà chính từ những nhà cách tân hồi 1932 -1945. Đủ thấy, cái mới muốn giành quyền sống không thể không đương đầu với cái cũ. Và cuối cùng, thắng thế bao giờ cũng thuộc về những cái mới thực sự, cái mới chân chính. 
Nhưng cái mới chân chính là thế nào?

2. Nội dung tìm hình thức

Trong nghệ thuật, thành quả của cách tân có thể là cả một thời đại mới, một trào lưu mới, một trường phái mới, một khuynh hướng mới… Nhưng, tất cả những thứ ấy đều phụ thuộc vào điều căn cốt này : thành phẩm mới.
Một thành phẩm cách tân được xem là giá trị mới bao giờ cũng là một nội dung mới đi liền với một hình thức mới. Gần đây có ý kiến cho rằng “đổi mới về hình thức thì dễ, và dễ học theo, đổi mới về nội dung mới khó” . Có phải vậy không nhỉ? Thực ra, trong chuyện đổi mới, làm sao có thể nói quyết được cái nào khó hơn cái nào. Điều cần xem xét không phải là chuyện khó hay dễ. Mà chuyện khác : cái nào là ngọn cái nào nào là gốc.

Không thể chối cãi được rằng: mọi nỗ lực cách tân cuối cùng phải tạo ra một hình thức mới. Không kết tinh thành hình thức mới thì xem như cách tân còn dang dở, chưa hoàn tất, và do đó chưa thành công. Bởi vì, một hình thức mới là sự định dạng cuối cùng cho một cái thực sự mới. 
Do sự hấp dẫn đầu tiên là từ hình thức mà dị ứng đầu tiên và quyết liệt nhất đối với cái cũ cũng là từ hình thức. Do nó là phần bền vững và cố thủ nhất, nên cái cần phá vỡ cuối cùng chính là hình thức. Không phá bỏ được hình thức cũ thì xem như cách tân chưa thành công. Một thay đổi triệt để phải là thay đổi tới tận hình thức. Như vậy, cái gây dị ứng đầu tiên là hình thức, nhưng cái xây dựng được cuối cùng của một cuộc cách tân lại cũng là hình thức. Một cuộc cách tân chân chính cần phải làm mới và làm giàu cho hình thức từ nhiều nguồn khác nhau.

Hẳn vì điều này mà người quá sốt sắng cách tân thường bị cuốn hút và đã đổ xô vào các cuộc tìm kiếm hình thức. Họ coi việc tìm ra hình thức mới là mục đích hàng đầu của một cuộc cách tân. Thậm chí, họ cả tin rằng một khi đã có được hình thức mới, thì cũng tức là đã có được nội dung mới. Thế là họ lao vào chế tác thể loại mới, gia công thi pháp mới, săn lùng ngôn ngữ mới, lai ghép vật liệu mới. Gần đây nhiều người định dùng những vật liệu và cách nói riêng của các nghệ thuật thị giác để làm mới thơ ca. Xem ra, một loại hình nghệ thuật trước sau vẫn sống bằng sự tinh diệu của ngôn ngữ như thơ ca, khó mà dung hợp được những cách tân không hợp cách như vậy... Nên, khi đọc, kể cả những người có thị hiếu mở nhất, đầu óc cấp tiến nhất cũng phải băn khoăn, lo ngại. Bởi, ngoài một mớ phương tiện đồ nghề ở đó ra, người đọc không thấy gì thêm. Bên trong mỗi thành tố hình thức tân kì đó, người ta không thấy nhịp đập mới, dòng máu mới, nguồn sinh lực mới. Không được nuôi dưỡng, hình thức bị trơ cằn ra, héo rũ trong từng văn bản. Người sốt ruột cách tân đã quên mất mối quan hệ giữa nội dung và hình thức là quan hệ nhân quả theo kiểu : hình thức có tác động tích cực đến nội dung, nhưng nội dung mới quyết định hình thức. Thường nội dung mới tìm được hình thức mới mà ít khi có chiều ngược lại. Chăm lo đến hình thức là chăm lo đến phần ngọn, chưa phải phần gốc.

Nội dung mới là gì? Không ít người đã xem cái mới trong nội dung thuộc về đề tài. Nên có những đề tài trước không nói, hoặc bị xem là vùng cấm, giờ lao vào, hoặc trước ít viết, giờ viết mạnh, yên chí rằng thế là mới. Sex trong văn chương hiện nay, chẳng hạn. Công bằng mà nói, việc mở một vùng đất chưa từng được khai phá, dường như cũng làm mới được chút nào đó. Nhưng, mới ở đề tài, thực ra, mới chỉ là một phạm vi nào đó của cuộc sống được nghệ thuật quan tâm đến. Điều này chưa mấy quyết định. Do vậy, có tình trạng viết về đề tài mới mà vẫn cũ. Vì sao vậy ? Đơn giản vì cái mới không thật quyết định ở đề tài, mà ở cách xử lí đề tài. Ngay một đề tài không mới, nhưng có cách xử lí mới, vẫn đem lại nhận thức mới, suy cảm mới, ấn tượng mới cho con người. Trí thức là đề tài đâu có mới. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà đã mang đến cái nhìn mới khi phát hiện ra loại trí thức rởm. Sức sống dân tộc đâu còn là câu chuyện mới, nhưng những cuốn tiểu thuyết gần đây của Nguyễn Xuân Khánh vẫn đem đến những cảm nhận và kiến giải mới. Rồi tình yêu trên kinh rạch và miệt vườn Cửu Long cũng đâu còn là những chuyện mới, nhưng Nguyễn Ngọc Tư vẫn đem đến những thông điệp mới, hơi thở mới qua mỗi truyện ngắn giàu chất Nam Bộ của mình…

Cái gì giúp người viết xử lí một đề tài? Đó là cái nhìn mới.

(Phần kiến giải này cụ thể thế nào? Kỳ sau đăng tiếp)

Nguồn: Thơ hiện thời PLUS

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *