Tác phẩm và dư luận

9/6
6:10 AM 2017

AI LÀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN LÀM CHO SÂN GA “TRỞ THÀNH MỘT HÌNH TƯỢNG VĂN HỌC…”?

HỒNG DIỆU-Trong bài “Tế Hanh – dòng sông, mùa hạ” đăng trên báo Văn nghệ số ra ngày 24/10/2009, nhà nghiên cứu và phê bình văn học kỳ cựu Đặng Tiến có viết: “Chữ ga gốc tiếng Pháp đã du nhập vào Việt Nam từ lâu.

                                          Ảnh minh họa: Internet

 Nhưng có lẽ đến bài “Những ngày nghỉ học”, 1938, sân ga mới trở thành một hình tượng văn học có chức năng truyền cảm, thay cho những bến đò, những quán trọ ngày xưa”. (“Những ngày nghỉ học” mà Đặng Tiến nói đây là một bài thơ hay của nhà thơ Tế Hanh, 1921 -2009).
 
Hai chữ “có lẽ” trong đoạn văn trên chứng tỏ kinh nghiệm nghề nghiệp lâu năm của nhà nghiên cứu và phê bình: ông tỏ ra có đôi chút dè dặt, chưa khẳng định. Và trong trường hợp này, điều đó là cần thiết.
 
Thật ra, nếu như Đặng Tiến cho rằng sân ga “trở thành một hình tượng văn học có chức năng truyền cảm, thay cho những bến đò, những quán trọ ngày xưa” thì đã có bài “Những bóng người trên sân ga” của nhà thơ Nguyễn Bính viết năm 1937, trước bài “Những ngày nghỉ học” của Tế Hanh, viết năm 1938, mà Đặng Tiến dẫn. Mặt khác, dù cả hai bài thơ của Nguyễn Bính và Tế Hanh đều hay, nhưng “chức năng truyền cảm” của bài thơ Nguyễn Bính, theo tôi, đã sớm hơn còn ấn tượng hơn bài thơ của Tế Hanh. Bài thơ Tế Hanh có “đối tượng” là con người và đoàn tàu, nhưng có tính khái quát và có phần chung chung. Bài thơ Nguyễn Bính thì “đối tượng” là con người với những lớp tuổi, những cảnh ngộ... khác nhau, và cụ thể hơn, đậm nét hơn.
 

318257620 2d234d03ba

Ảnh sưu tầm
 

Không phải bỗng chốc bạn đọc nào cũng có cả hai bài thơ để thưởng thức, để so sánh. Tôi ghi lại đây cả hai bài: “Những bóng người trên sân ga” theo “Tuyển tập Nguyễn Bính” (Nhà xuất bản Văn học, 1986) và “Những ngày nghỉ học” theo “Tuyển tập Tế Hanh” (Nhà xuất bản Văn học, 1987).
 

Những bóng người trên sân ga
 
Những cuộc chia lìa khởi tự đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.
 
Có lần tôi thấy hai cô bé
Sát má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng:
“Đường về nhà chị chắc xa xôi?”
 
Có lần tôi thấy một người yêu 
Tiễn một người yêu một buổi chiều 
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.
 
Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở trên toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận 
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu 
 
Có lần tôi thấy vợ chồng ai 
Thèn thẹn đưa nhau bóng chạy dài 
Chị mở khăn giầu, anh thắt lại:
“Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”
 
Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga
 
Có lần tôi thấy một người đi 
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.
 
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?

Hà Nội, 1937

 
Xin lưu ý thêm: so với bản in đầu, trong tập “Tâm hồn tôi” in năm 1940, Nguyễn Bính đã lược bỏ đoạn này vốn là đoạn kết của bài thơ, theo tôi, là rất đúng, vì nó hơi “lạc” so với cả bài:

Tôi đã từng chờ những chuyến xe,
Đã từng đưa đón kẻ đi về
Sao nhà ga ấy, sân ga ấy
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly?

 

Những ngày nghỉ học
                    Tặng Nguyễn Văn Bổng
 
Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tàu đi đến những ga
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa 
 
Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vướng víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau 
 
Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề;
Khói phì như nghẹn nỗi đau tê;
Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ;
Lòng của người đi réo kẻ về
 
Kẻ về không nói bước vương vương...
Thương nhớ lan xa mấy dặm trường
Lẽo đẽo tôi về theo bước họ 
Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương
 
1938

 
*
Cũng cần nhấn mạnh rằng, cùng với những câu thơ lẻ tẻ có ở bài này, bài khác viết về nhà ga, về đoàn tàu... Nguyễn Bính còn có những bài thơ nữa viết riêng về nhà ga, về đoàn tàu và những người đi, kẻ về... Ở lĩnh vực này, có thể nói, trong các nhà thơ Việt Nam, Nguyễn Bính là người viết về ga, về tàu nhiều nhất, hay nhất.
 
Điều này không khó lý giải. Nguyễn Bính vốn thích đi giang hồ. Mà ngày ấy, đi xa, chỉ có tàu hỏa là tiện nhất.
 
Hồi ký của ông Trần Nhân Cư, một người có làm thơ và làm việc ở ga Đầu Cầu (trích đăng trong “Nguyễn Bính toàn tập”) có kể lại rằng, một lần Nguyễn Bính đã chủ động đến gặp ông làm quen, sau đó đưa cả Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Tô Hoài xin đi nhờ tàu lên Kinh Bắc chơi với Vũ Hoàng Chương. Ông Trần Nhân Cư còn kể: “Bính đã quen anh em nên không phải lúc nào tôi cũng ngồi tiếp. Lúc tôi bận việc thì Bính ra ngoài sân ga nhìn hành khách; lúc tàu đến, tàu về, tôi làm phận sự thì Bính cũng ra đón tàu, ngắm người lên xuống. Tôi cứ để anh được tự nhiên. Bài “Những bóng người trên sân ga”, anh đã lấy thi hứng ở ga Đầu Cầu, chợ Đồng Xuân”.
 
Ngoài bài thơ “Những bóng người trên sân ga”, Nguyễn Bính còn có “Chuyến tàu đêm” in trong tập “Lỡ bước sang ngang”, (1940) và các bài: “Ga đơn ga kép”, “Nhà ga”, “Nửa đêm nghe tiếng còi tàu” viết trước năm 1945, chưa đưa vào tập thơ nào của Nguyễn Bính, và cũng rất ít thấy xuất hiện trên báo chí lâu nay, hầu hết chỉ thấy trong “Nguyễn Bính toàn tập” (Nhà xuất bản Văn học, 2008).
 
“Nguyễn Bính toàn tập” in có 500 bản, ít bạn đọc được tiếp xúc với những bài thơ này, ở đây, tôi ghi lại hai bài: “Chuyến tàu đêm” đã in trong tập “Lỡ bước sang ngang”, rất gần với bài “Những ngày nghỉ học” của Tế Hanh đã nói trên; và bài “Nhà ga” (1940) chưa in trong tập thơ nào, với nghệ thuật sử dụng ngôn từ một cách tài tình, Nguyễn Bính đã thể hiện sinh động cuộc sống êm đềm nhưng bình lặng, đơn điệu, quẩn quanh ở một ga xép – nơi ngày nào cũng như ngày nào, chứng kiến chừng ấy con người, chừng ấy chuyến tàu chở kẻ đi, về...
 

Chuyến tàu đêm
Tặng Ch.Ng.
 
Gió lạnh, nghe chừng đêm thấy sâu;
Mà con đò mộng đã sang đâu!
Qua sông, một chuyến tàu đêm chạy,
Một chuyến tàu đêm chạy rất mau.
 
Những ánh đèn phai tựa nắng tà, 
Toa này toa khác nối liền toa.
Chập chờn như một con dơi lớn,
Như một oan hồn hiển hiện ra.
 
Tàu chạy hình như để chở buồn, 
Chở người đi nhớ kẻ về thương
Nâng bao nhiêu gót chân xinh đẹp?
Tàu chạy đêm nay có lạc đường?
 
Tiếng máy vang như tiếng sấm rền, 
Chuyến tàu này biết có ai quen?
Biết đâu chả có vài tên bạn, 
Ở một ga nào vội vã lên.
 
Lừng lững tàu đi mất nửa rồi,
Sao không dừng lại ở ga tôi?
Lấy mươi lăm phút cho tôi gửi 
Chút ít xuân xanh trả lại giời.
 
Mà mãi đêm nay mới nhớ ra
Đời mình chẳng khác chuyến tàu qua, 
Nhưng từ ga lớn từ ga nhỏ.
Giời chẳng làm cho lấy một ga.
 
Tàu biết bây giờ chạy đến đâu?
Đêm sâu hoàn trả lại đêm sâu.
Bỏ đây một chiếc tàu kiêng đỗ
Chở một toa con nặng oán sầu.

 

Nhà ga

Tặng Nhân Cư
 

Cất lên theo kiểu nhà sàn,
Chung quanh quấn quít đôi dàn ti-gôn.
Tường vàng, mái đỏ màu son,
Nhà ga lại chứa linh hồn nhà ga.
Loanh quanh vẫn cụ xếp già,
Thủy chung bốn chuyến tàu qua mỗi ngày.
Có ông ký trẻ về đây,
Vợ con chưa có, suốt ngày ngâm thơ.
Cụ xếp có cô gái tơ,
Xuân xanh đã chín mà chưa lấy chồng.
Cụ xếp vẫn sống ung dung,
Để lau kính trắng ngồi trông bốn trời.
Xin rằng: hoa cứ việc rơi,
Xin rằng: tàu cứ ngược xuôi đúng giờ.
Để cho ông ký ngâm thơ
Cụ lau kính trắng, cô mơ chồng hiền
Lạy trời năm tháng bình yên,
Cụ xếp vẫn cứ ở nguyên ga này.
Tàu qua bốn chuyến mỗi ngày,
Sân ga vẫn cứ rụng đầy hoa tươi,
Thục nữ chưa kén được người 
Ông ký quân tử vẫn ngồi ngâm thơ...

Ga Kép, 1940

 
Nguồn: Văn nghệ Quân đội

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *