ĐÊM GIAO THỪA XƯA CỦA ỨC TRAI NGUYỄN TRÃI
Mười hai tháng lọn mười hai
Hết tấc đông trường sang mai
Hắc Đế, Huyền Minh đà đổi ấn
Sóc Phong, Bạch Tuyết hãy đeo đai
Chong đèn chực tuổi cay con mắt
Đốt trúc khua na đắng lỗ tai
Chẳng thấy lịch quan tua sá hỏi
Ướm xem dần nguyệt tiểu hay đài.
Bài thơ chắc chắn làm trong thời Cụ ẩn dật, có nghĩa là tuổi đã lớn. Giọng điệu từ tốn chuyển dần sang hoài niệm và lãng quên thế sự của một hưu quan.
Câu thơ đầu tiên vừa điềm tĩnh vừa dân dã: Mười hai tháng lọn mười hai. Sáu chữ thì đã có đến 4 chữ là số đếm: thời gian bước đi trên đôi chân chậm chắc và không thể khác của nó. Hai chữ đầu mở ra và hai chữ cuối lặp lại như một vòng luân phiên, mặc định. Ở giữa là chữ mà các cụ xưa thường đọc “lọn”, nay phiên “trọn” cũng được, nó nằm trong liên đới ngữ âm và ngữ nghĩa với chữ “tròn” dân dã. Cái dân dã nữa của Nguyễn Trãi là Cụ dùng đúng lối nói dân gian như “Rằm đã tỏ rằm”, “Mười mặt rõ mười”, “Trăm đủ cả trăm”… Đó chính là mục đích sáng tạo thơ Nôm của Cụ: xây dựng một nền thơ ca tiếng Việt ở thời đại đầu của sự phát triển.
Nếu câu thơ thứ nhất kể tháng thì câu tiếp theo kể thời khắc giao thừa, chủ điểm chính của bài:
Hết tấc đông trường SANG mai.
Vì là ngôn ngữ cách nay đã hơn năm thế kỷ rưỡi nên chữ nghĩa nên hiểu một cách tinh tế. Chữ “tấc” vốn có gốc Hán Việt là “tức”: chỉ một khoảng thời gian rất ngắn, thoạt xẩy đến. Ta vẫn nói “tức khắc” để chỉ sự việc xẩy ra trong thời gian cực ngắn. Ngày xưa, đồng hồ nước hoặc đồng hồ cát có các vạch ngắn để tính khắc. Mỗi khắc bằng khoảng 15 giây (15 tích tắc) so với đồng hồ tây. Đó là thời gian vật lý, còn trong ăn nói đời thường, người ta diễn đạt một thời gian rất ngắn bất định.
“Đông trường” là đêm mùa đông. Mùa hè thì ngày dài đêm ngắn, mùa đông thì ngày ngắn đêm dài, do góc quay của trái đất quanh mình và quanh mặt trời mà nó ra thế. Nhân dân, bằng kinh nghiệm của mình cũng nói thế: Đêm rằng đêm lạnh cái đêm đông trường/ Nửa chăn nửa chiếu nửa giường em đợi chờ ai (dân ca). Ngày mùa hè thì ta gọi nó là “nhật trường” hay “hạ trường”: Rồi hóng mát thuở ngày trường(Nguyễn Trãi).
Đó chính là thời khắc của ngày thì cùng trong tháng thì tận. Ở thời khắc đó xẩy ra sự chuyển giao. Câu thơ thứ hai có cái chữ SANG này, xưa nay các học giả đều cùng nhau phiên là Hết tấc đông trường SÁNGmai. Có lẽ các cụ ngẫm hơi vội hoặc bằng lòng mà theo nhau. Văn mạch câu thơ nghe ra không ổn. Đang tả thời khắc giao thừa mà hai chữ “sáng mai” xuất hiện đột ngột, nó thượng hạ bất thông với ý tứ những câu sau. SANG ở đây với nghĩa “chuyển qua theo một hướng không gian hoặc thời gian nào đó”. (về chữ Nôm thì có thể phiên âm cả hai phương án “sáng” và “sang”, tỷ như trong câu Kiều Tiện hồng nàng mới nhắn lời gởi SANG). Ở đây Nguyễn Trãi nói về thời khắc chuyển giao khi hết 12 tháng, hết canh khắc của ngày cuối, đêm cuối để sang hôm sau. “Mai” là hôm sau. Giao thừa phương đông xưa chọn đúng nửa đêm mà.
Và sự chuyển giao (sang) đó tiếp tục được triển khai bằng cặp đối, một câu ngầm ý “giao”, một câu ẩn ý “thừa”:
Hắc Đế, Huyền Minh đà đổi ấn
Sóc Phong, Bạch Tuyết hãy đeo đai.
Người xưa quan niệm Hắc Đế là thần mùa đông, Huyền Minh là thần mùa xuân. Giao thừa là thời khắc họ đổi ấn cho nhau để đảm lãnh trách nhiệm. Câu này là “giao”.
Nhưng có hai vị thần khác, biểu tượng cho hiện tượng tự nhiên, cụ thể hơn, thì vẫn tiếp tục công việc của họ là Sóc Phong (thần gió bấc), Bạch Tuyết (thần sương tuyết) thì vẫn tiếp tục cái công việc cuối cùng của họ, vẫn còn đeo đai. Tự nhiên không đứt đoạn, cái rét vẫn thấm thía đất trời. Đó chính là “thừa”. Bút pháp Cụ Ức Trai thật chặt chẽ để nói trúng cái thời điểm Cụ sáng tạo.
Về riêng tư, cái tết đến, trẻ con mong ngóng, người già trẻ lại bởi hồi ức bởi tục lệ từ xưa đem lại:
Chong đèn chực tuổi cay con mắt
Đốt trúc khua na đắng lỗ tai.
Đốt trúc là đốt pháo làm bằng ống tre nứa, khua na vốn gốc từ Hán Việt là khu na: khu trừ ma quỷ, một nghi lễ trừ tà. Chữ khua hayxua trong tiếng Việt đều có gốc từ chữ khu này.
Câu thơ vừa thực cái cảnh giao thừa, vừa hồn nhiên vì thật giản dị. Dẫu trẻ con hay người già cũng đều mang tâm lý chực tuổi cả. Nhưng làm sao mà câu trên thì có “cay”, câu dưới thì có “đắng”?. So với cái cảm hứng dân gian Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh… thì Nguyễn Trãi ngẫm ngợi hơn nhiều về nhân tình thế thái khi ông phải từ bỏ chính trường. Trầm ngâm và cô đơn.
Chẳng thấy lịch quan tua sá hỏi
Ướm xem dần nguyệt tiểu hay đài.
Ông kết bài bằng một tình thế, và cao hơn, đó là một lựa chọn. Khi xưa làm quan thì sắp tết, triều đình ban lịch cho quan lại như một ân huệ gọi là “lịch quan”, nay hưu nghỉ thì không còn ưu ái đó nữa nên “chẳng thấy”, mà cũng chả cần hỏi nữa (tua sá hỏi nên hiểu như vậy trong tình thế phát ngôn). Nay hết quan hoàn dân thì ứng xử kiểu dân dã: Muốn biết tháng giêng (dần nguyệt) ngắn hay dài (tiểu hay đại) thì ta phải “ướm” thôi. Ướm là lẩm nhẩm tính toán rồi đoán định tự mình mà thôi. Cảnh hưu nhàn nó là như vậy. Từ cái ướm bắt đầu tháng giêng đó mà người ta tính ra tiết khí, sự hanh thông hay trắc trở cả năm mới.
Một giao thừa trong bài thơ không có bóng người khác, chỉ mình danh nhân với cảnh vật rồi suy ngẫm mà thôi. Sâu sắc, điềm đạm.
Hà Nội 21 – 12 – 2017
Nguồn: Văn hoá Nghệ An