CHÙM THƠ VỀ ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN TRỌNG VĂN
THƠ NGUYỄN TRỌNG VĂN
ĐÂY CAO BA LANH
Mai mốt, rồi ta rời “Điểm tựa”
Ta về sống tiếp quãng quê hương
Ta gác sang bên ngày cơ cực
Chân dầm bùn máu, tóc dầm sương
Ta sẽ quên nhanh người tráo trở
Chấp chi cái chuyện nhỏ nhen, hèn
Dăm chùm pháo địch bên kia bắn
Kể cũng xem như khách qua đường
Đây Cao Ba Lanh. Đây đỉnh mây
Đỉnh mù sương trắng. Đỉnh nghẹn cay
Bạn ta mấy đứa nằm lại đó
Mặt chúng cười lên mắt rất hiền
Mai mốt, rồi ta rời “Điểm tựa”
Trung đoàn! Nhớ lắm. Nhớ khôn khuây
Những thằng lính trẻ nghêu ngao hát
Báng súng vỗ thay nhịp trống chày
Kìa “Mỏn thằng người” đứng trơ trơ
Mặc kệ xung quanh khói khét mù
Này “Đồi cây cụt” xanh lên lá
Tấu ngân khúc hát át đạn thù
Đây Cao Ba Lanh. Đây đỉnh mây
Đỉnh mù sương trắng. Đỉnh men say
Tiếng rừng như thể đoàn quân thét
Bãi đá triệu năm rung vạn cây
Ta nhớ Phai Làu lúa vừa lên
Sông Moóc, Khe Tiền sáng lửa đèn
Giặc giã tan rồi dân về bản
Má hồng em gái ấm quế thơm
Nhớ mùa hoa trẩu nắng đung đưa
Trắng đến lòng ta cũng thẫn thờ
Áo hoa mắt biếc vui đi hội
Sáo khèn réo rắt tới Hoàng Mô
Mai mốt, rồi ta rời “Điểm tựa”
Biết còn trở lại với Đồng Văn
Cao Ba Lanh đó! Hồn ta đó
Gọi mãi ngày xanh mãi mùa xanh
Cao Ba Lanh, tháng 2/ 1979
Hà Nội, tháng 1/2015
*
Cao Ba Lanh, một điểm cao thuộc xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây có bãi đá thần nổi tiếng, vỗ vào nghe như tiếng trống trận.Tháng 2 năm 1979 nơi đây là mồ chôn quân bành trướng Trung Quốc khi chúng sang xâm lược nước ta.
NHỚ BÌNH LIÊU
- Để tặng những đồng đội tôi ở F395 -
Lâu lắm không về Bình Liêu
Ngày chia tay chúng mình nói sẽ về quê cưới vợ
Tao hứa nhặt hòn đá nhỏ
Nếu ở nhà mỗi khi tắm lại nhớ Bình Liêu
Sông Tiên Yên đoạn bắt đầu từ cuối phố Hoành Mô
Ghềnh ghềnh đá nhẩy
Chúng mình chạy không kịp thở
Năm ấy lũ đổ về tơi tả bến sang sông
Cánh chúng mình trẻ như lũ đầu dòng
Coi cái sợ không bằng nỗi sợ
Chân hấp tấp vượt phăng phăng qua từng chỏm đá
Ngoái mặt sít sòa tiếc chiếc áo lính vừa phơi
Hai mươi tám năm
Chẳng biết ngắn hay dài
Mấy thằng con trai xuống suối rình con gái bản Nà Chuông đang tắm
Thề có đá mồ côi làm chứng
Chỉ rình thôi, chẳng có ý nghĩa gì
Tao hứa khi ở nhà sẽ đem hòn đá nhẵn lì
Cò cọ vào thân biết, Bình Liêu còn nhớ
Hai mươi tám năm chắc chỉ dài như hơi thở
Để nhắc cái thời "lính chốt Hoành Mô"
Thời ấy cỏ gianh cao đến ngây thơ
Ấy thế mà cỏ chẳng che khuất mặt
Mày nói: Chúng mình dù mải mê đánh giặc
Cứ lấy đá mồ côi đem ra để nhắc bạn bè
Đá đập vào nhau va lộc cộc lộc cà
Nhớ hôm trận lũ đổ về
Cánh chúng mình thôi chạy đứng bên bờ mắt nhìn nhoài theo con lũ
Coi cái sợ không bằng nỗi sợ
(Bình Liêu là một huyện biên giới thuộc tỉnh Quảng Ninh)
MÀU ĐẤT VỊ XUYÊN
“Nó đánh sang đến hôm nay đã là ngày thứ tư
chúng mày còn đạn không?
nhớ dùng dè sẻn….
Tôi ngước nhìn trùng điệp biên cương
núi núi
lô nhô
như những ngón tay vươn cao của ngàn vạn bàn tay gắn trên mình đất nước
tôi gọi tên những Vịnh, Thắng, Hùng, Kha…
tôi gọi tên những Hải Phòng, Hải Hưng, Hà Nam Ninh, Hà Bắc…
những cái tên hiền lành chân chất
tụ về đây hợp thành màu đất Vị Xuyên
“Chúng nó đánh sang đến hôm nay đã là năm thứ năm
còn thằng nào chưa ăn cơm?
chúng mày dậy cả đi! Bữa nay có canh rau dớn
có cá kho khô, có thịt nhồi mướp đắng
có tí ti rượu thóc thơm lừng…
Tôi ngước nhìn
núi núi
lô nhô
trùng trùng
điệp điệp
những Bình độ bốn trăm
núi Bạc, đồi Cô Ích, đồi Đài
những điểm cao 1509, 722, 685 …..
gọi những tên 356, 312, 313, 316…những binh đoàn thép
những tên tuổi hợp thành màu đất Vị Xuyên
Tất cả giờ hóa đá đứng lặng im
màu của đất ngời lên trong sắc xanh của lá
màu của đất bừng lên muôn sắc đỏ
thành hoa gạo ngát bên trời soi bóng xuống dòng Lô
Tôi ngước nhìn điệp điệp biên cương…….
28/6/2016
NƠI ĐỊA ĐẦU
Những người đàn bà đi cào ngao từ lúc nửa đêm
những người đàn bà thức với canh khuya
những mặt người lầm lũi
Những người đàn bà giấu tuổi mình vào đêm tối
nguyện thân với đất với trời
những người đàn bà cặm cụi
cào ngao
dúi chân vào cát
họ bình dị dúi tâm hồn vào đất
bền bỉ
dẻo dai
nhẫn nại như những hàng cây sú vẹt
những hàng cây bám vào chân sóng
vươn lòng ra với khơi xa
Những người đàn bà thôn Sa Vĩ, Tràng Sa
cào ngao ngoài bãi Gót*
những người đàn bà nguyện hằng đêm thao thức
miệt mài canh đất
những người đàn bà
tự thân thành người lính gác
âm thầm canh biển đêm đêm
Những người đàn bà
không viết “hành động” của mình lên “dòng thời gian” (status)
không một ai chia sẻ
những người đàn bà cần cù
lặng lẽ
ở đây không có “câu viu” (view)
không màng nhấn “thích” (like)
những người đàn bà giấu mặt xuống bùn xuống cát
mong manh
thân phận mưu sinh
* Bãi Gót là tên dân dã gọi mũi Sa Vĩ nơi địa đầu Tổ quốc (Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh)