Tác phẩm chọn lọc

31/1
2:01 PM 2019

2 TRUYỆN NGẮN CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN LAM THỦY

NHỮNG NGƯỜI HÀNG XÓM-TRUYỆN NGẮN NGUYỄN LAM THỦY. Dù vẫn còn hạn 6 tháng làm việc ở Trường Đại học Pennsylvania, thành phố Philadelphia (Mỹ) nhưng tôi quyết định đưa cả nhà quay trở lại Hung. Dù đã 2 lần đến sống và làm việc ở Mỹ nhưng tôi không thể nào quen được một xã hội „thượng vàng hạ cám” lúc nào cũng vội vàng, hối hả và lo sợ.

       Người xin ăn để sống thì rất ít mà người xin tiền để dùng thuốc phiện thì rất nhiều, khi nào trong túi cũng phải có dăm mười dollar để phòng thân khi gặp với người lên cơn nghiện xin phải cho ngay không dễ mất mạng như chơi, đường phố đầy ống tiêm và kim chích . Cả nhà tôi từ biệt nước Mỹ không một mảy may vương vấn vào một ngày đầu Xuân, khi những nầm non vẫn không nhú lên được, những búp hoa vẫn phải nằm im sau một mùa Đông đầy khắc nhiệt của vùng Đông Bắc nước Mỹ, lúc thì bão tuyết, lúc thì có những cơn mưa trong giá lạnh, nước vừa rơi xuống đã đóng thành băng, đường trơn như đổ mỡ, băng phủ hết cả ô tô cái gặt nước đã mở hết cỡ nhưng hoàn toàn chẳng có tác dụng gì, đành để xe bên vệ đường đi bộ hàng chục cây số về nhà ngã lên xuống hàng chục lần...

      Trở về Hung chưa được trọn một năm phải chuyển nhà 2 lần. Chán cái cảnh đi thuê nhà, tôi quyết định mua nhà, thiếu chút tiền đi vay mượn bạn bè. Té ra việc mua nhà đơn giản hơn đi thuê nhà, chỉ tội là phải có tiền.

       Nhà tôi là 1 căn hộ ở tầng 4, có 2 nhà hàng xóm. Mở cửa hành lang vào là nhà bà Magdi, tiếp đến là nhà bà Rita và trong cùng là nhà tôi. Mới chuyển về chưa đượi 1 tuần, chúng tôi đã bị bà Magdi mắng thậm tệ ít nhất 3 lần:

          -Chúng mày từ đâu đến, sao ông Kovách (chủ cũ của nhà tôi) lại cho lũ chúng mày thuê nhà?!  Chúng mày có biết không, điện thoại không được dùng nhiều vì bánh mì, và tất cả cuộc sống của tao là nhờ vào đấy!

           Tôi rất ngạc nhiên ở đây sao lại có những người thiếu văn hóa đến thế, xúc phạm danh dự người khác một cách ngang nhiên không cần chút suy nghĩ! Lần đầu tiên nghe bà ta mắng, tôi không hiểu đầu đuôi xuôi ngược gì cả nhưng thật khó chịu vô cùng với thái độ của bà ta, nhưng mới chuyển về không muốn cãi nhau với hàng xóm nên cứ lặng thinh. Lần sau tôi đang gọi điện thoại thì bà gõ cửa và gào ầm lên:

          -Chúng mày là đồ mọi rợ - lần này bà ta chửi bằng tiếng Nga, sợ chúng tôi không hiểu tiếng Hung - hãy đặt điện thoại xuống cho tao nhờ. Chúng mày định cướp miếng ăn và cuộc sống của tao đấy à! Bọn mày xéo khỏi chốn này càng sớm càng tốt!

           Tôi buông điện thoại xuống, mặt đỏ bừng và trả lời nhát gừng:

        -Thưa bà, tôi hiểu tôi đang làm cái gì!và đóng sầm cửa lại.

         Điện thoại đối với gia đình tôi còn quan trọng hơn bà. Nhà bà ta chỉ một mình, còn nhà tôi những 4 người. Ngoài công việc ở Trường Đại học, lương thấp tôi phải buôn ngoại tệ thêm  mới đủ sống, mà không có điện thoại thì làm sao mà giao dịch với khách mua, khách bán. Cứ sáng sớm thứ 2 và thứ 4 tôi vào các ngân hàng và đến các văn phòng du lịch lấy ngoại tệ rồi phân chia cho khách hàng là sinh viên hoặc nghiên cứu sinh người Ả rập. Ngày hôm đó tôi quyết định ra bưu điện, đứt ruột bỏ ra 26000 forint (năm 1994 tương đương với 260 USD), mắc thêm 1 số máy riêng cho mình - để khỏi phải chung số máy với bà khốn nạn đó.

        Ở lâu thì tôi mới biết bà Magdi sinh ra và lớn lên thành phố Rostok, Nga nằm bên cạnh sông Đông êm đềm. Lớn lên trong chiến tranh thế giới thứ II, bà sống cơ cực đầy thiếu thốn vế tinh thần lẫn vật chất. Rostok bị chiếm đóng bố mẹ bà bị Phát xít Đức giết chết, Chính quyền Xô Viết đưa trẻ mồ côi sơ tán, trong đó có bà đến đến miền quê gần thành phố Volgagrad, chưa được vài tháng thành phố này cũng vào tay bọn Đức, chính ở nơi này bà chứng kiến cảnh tàn khốc, ác liệt, chết chóc... của chiến tranh. Sau chiến tranh bà theo người bác họ chuyển về đây ở, rồi lấy chồng. Hai vợ chồng ở với nhau hơn chục năm rồi chia tay. Ban đêm bà làm bánh nướng, đủ các loại, mùi bánh thơm cả một vùng và cứ mỗi sáng sớm lại mang đến các cửa hàng thực phẩm ABC. Xong đấy thì bà đi bơi. Cứ mỗi lần đi bơi về, quần áo bơi lại treo ở  lối đi lại, nước nhỏ xuống ước sũng cả hàng lang. Nhưng tôi vẫn không hề kêu bà một lần nào, cũng chẳng phải vì sợ hay nể gì bà mà do  công việc làm ăn nên tôi phải giữ. Nhà tôi khách vô ra ngày càng nhiều, đấy là điều vô cùng khó chịu đối với bà Magdi. Có lần khách đến, tôi biết khách  của tôi chỉ lưu lại vài  phút, nên tôi cố ý không đóng cửa hành lang. Thế là bà ta gầm lên đòi đuổi cả khách ra hàng lang và đóng sầm cửa lại. Khách của tôi lại người Ảrập, nhận ra bà là người Do thái, định quay lại tát  vào mặt bà ta, nhưng tôi đã kịp can. Lúc này tôi mới hiểu nổi cách đây hơn  2000 năm trước người Do thái phải từ bỏ Tổ quốc ra đi, năm 1948  lại trở về phục quốc trên mảnh đất tổ tiên của mình và chiếm một phần đất của người Palestin, Syria. Mối hiềm thù sâu sắc giữa hai dân tộc Ảrập và Do thái ngày nay càng trở nên ác liệt  bởi còn tranh chấp về lãnh thổ và tôn giáo. Trung Đông làm  sao có thể  có  hoà  bình! 

       Sống ở Hung chưa phải là lâu, nhưng ít nhiều tôi cũng rút ra được bài học: không nên thân thiết với hàng xóm bởi mình không có nhiều thì giờ để tiếp và chuyện trò với họ. Nhưng bà Rita ở cạnh nhà tôi có vẻ thiện cảm với gia đình tôi, thỉnh thoảng đưa sang cho con tôi vài phong Socola, hay những đồ chơi cũ. Đúng dịp Noel hồi mới chuyển về tôi đem tặng bà Rita một cây si nhỏ - gọi là chút quà của miền nhiệt đới quê tôi. Một lúc sau bà sang nhà tôi khóc thút thít nói:

        -Cảm ơn Ngài. Tôi rất cảm động vì từ xưa đến nay tôi chưa bao giờ được nhận món quà qui ́như thế này. Làm sao Ngài có thể  mang loài cây quý này từ Việt Nam sang? rồi bà cho con tôi 1 kg cam.

        Quê bà Rita ở mãi miền Tây nước Hung, giáp Áo, nơi có những cánh đồng màu mỡ giáp ranh với dãy núi Alphơ có con sông Raba hiền hòa thơ mộng uốn quanh dãy núi Alphơ chảy qua miền quê bà rồi đổ vào dòng sông Danuýt. Đã từ lâu lắm rồi bà chuyển về Budapest theo học trường trung học y tế, ra trường làm y tá ở trong một nhà tù của Budapest, chuyên chăm sóc những tù nhân bệnh. Chuyên tiếp xúc tù nhân bệnh nên tâm lý thay đổi, thường nhìn cuộc đời buồn và u ám nên chẳng nghĩ đến chồng con. Tôi cũng không hiểu nổi hồi mới chuyển về: Bà Magdi và Rita lại ghét nhau đến thế, xuốt ngày xung đột, cãi cọ lẫn nhau dù những chuyện rất nhỏ. Bà Rita thường nói với tôi:

         -Con mụ Magdi là con Do thái ghê gớm, thuộc loại người đểu giả và gian ác, cộng thêm tính keo kiệt của người Nga gốc Do thái.

       Tôi đã từng chứng kiến nhiều lần mỗi lần bà Magdi ra khỏi cửa hàng lang, bà Rita với thái độ ghét bỏ, căm giận cứ dùng nắm đấm, đấm gió ở phía sau, có lần bà Magdi quay lại trông thấy, thế là 2 bà chửi nhau ầm vang cả khu nhà.

       Không ai có thể cưỡng quy luật của tạo hóa: Tuổi càng cao bệnh tật rủ nhau đến càng nhiều. Mấy năm nay bà Rita bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp người già rất nặng, phải nằm, không đi lại được. Theo luật Hung, nếu ai nuôi dưỡng và chăm sóc bà Rita đến lúc chết thì được thừa kế toàn bộ tài sản. Lập tức bà Magdi làm ngay việc đó, vì bà Rita chẳng có con cháu, họ hàng nào đứng ra nhận việc nuôi dưỡng và chăm sóc bà. Tôi thấy lạ, trong đời tôi chưa thấy 2 người nào ghét nhau đến thế, bây giờ lại gần như chung sống với nhau. Bà Magdi hàng ngày mang bánh mì, thức ăn, nước uống, giặc giũ... cho bà Rita. Thỉnh thoảng lúc bà Magdi không có nhà, bà Rita gọi tôi vào than phiền những thức ăn, nước uống loại rẻ tiền đã quá hạn dùng. Đương nhiên, tôi chẳng bao giờ nói lại với bà Magdi điều đó. Việc đó là chuyện của 2 người. Tôi cũng không thể biết mối liên minh này kéo  dài  đến bao giờ và bà Magdi cũng đã già ngoài 70 tuổi rồi, thì cần gì nhà và tài sản của bà Rita để làm gì  nhỉ?Lòng tham lam thích tích lũy vật chất, trí tuệ, cùng với tính sáng tạo-đó là đặc tính của con người, chính nó làm xã hội loài người không ngừng phát triển và cũng chính nó đã tạo chiến tranh con người với con người ngày càng trở lên khốc liệt!

       Ở tầng đất có bà Anna, người nhỏ con, tóc bạc trắng, lưng còng, mặt xương xẩu, đôi bàn tay thô nổi đầy gân guốc ở trong một căn phòng nhỏ ẩm thấp ở tầng đất, suốt ngày bà đi dọn rác và nhặt những thứ gì còn dùng được mang về. Trong nhà lúc nào cũng ngỗn ngang đồ đạc mùi hôi thối. Bà lại vô cùng quý chúng tôi. Tôi sợ nhất là bà hôn các con tôi và bắt tay tôi lúc bà đang dọn rác. Tôi rất thương bà Anna, thỉnh thoảng tôi vẫn cho bà những đồng tiền lẻ. Có lần tôi gọi bà lên nhà để cho bà những chai bia, chai rượu đã uống rồi. Chờ bà đi rồi bà Do thái Magdi nhảy xồ ra thét:

         -Tại sao chúng mày lại cho con mụ ấy vào đây. Nó có thể làm bất cứ cái gì. Mày biết ngày xưa nó đã từng làm nghề gì không?Dưới thời Đức quốc xã  nó là điếm, có giấy hành nghề hợp pháp!

       Sao bây giờ trông bà hom hem và khổ sở vậy. Ngoài nghề dọn rác và nhặc rác bà còn có nghề dắt chó hàng xóm đi đái, ỉa hàng ngày vào các buổi chiều muộn. Tôi không hiểu người ta trả công cho bà như thế nào? Đối với chúng tôi thì bà cực kỳ tử tế, ấy thế mà có lần tôi đã chứng kiến bà dùng gậy đuổi đánh những người hành khất khác vào nhặt rác ở các thùng rác khu nhà chúng tôi. Ừ,  ở trên đời này, người nào cũng muốn có một lãnh địa riêng của mình. Đã ngoài tuổi 70, thỉnh thoảng máu nghề nghiệp của một thời son trẻ lại trổi dậy: lại thức thâu đêm, hút thuốc, uống rượu và ngân nga những bài ca cũ với những người hành khất đàn ông. Sau một thời gian dài tôi không thấy bà Anna đâu, bổng một hôm tôi thấy gần 20 người, già có trẻ có đứng tụm trước nhà bà. Tôi mạnh dạn hỏi một người đàn ông lịch sự trong số đó thì mới biết bà Anna đã mất gần 2 tháng nay. Ông này là luật sư đang đứng ra chia tài sản cho họ hàng.  Tôi thật xót thương cho bà, cho cuộc đời của một con người. Khi bà còn sống có bao giờ họ lai vãng đến đây, thế mà bây giờ sao lại đến đông thế? Không biết họ chia nhau được những gì cơ chứ? Luật pháp cứ thế mà làm, còn con người thì quá tham lam nhưng vẫn phải sòng phẳng theo pháp luật.

       Phía trên đầu nhà tôi ở tầng 5 là nhà Tomás (người Hung gọi thân thiết là Tomi). Hồi mới chuyển về, mới gặp vài ba lần tôi đã có thiện cảm và chú ý đến anh ta, bởi anh ta vui tính, lại có vẻ nhiệt tình, lúc nào gặp tôi cũng tay bắt mặt mừng. Anh ta lại đẹp trai, thân hình thể thao, mái tóc màu nâu thẩm lúc nào cũng vuốt bồng lên, càng để lộ đôi mắt xanh, mặt lác đác những tàn nhang của người xứ bắc Âu. Tôi chẳng bao giờ thấy vợ của anh ta cả. Sáng nào đi làm sớm, dù mùa hè hay mùa đông tôi cũng gặp Tomi dẫn 2 đứa con gái đến nhà trẻ đều đặn, nơi con gái thứ 2 của tôi cũng gửi ở đó. Sau này tôi mới biết Tomi bị vợ bỏ. Chính quyền quận 13 cấp cho 3 bố con Tomi một căn hộ nhỏ, mỗi mình anh chịu khó, chịu thương nhẫn lại nuôi con. Thường ở Hung vợ chồng bỏ nhau, các con thường theo mẹ. Tôi thầm nghĩ chắc vợ Tomi  chẳng ra gì nên không thể làm việc đó được, lại càng thông cảm với hoàn cảnh Tomi và thương 2 cháu bé, cả 2 cháu trông xinh xắn và dễ thương, cháu đầu tiên Olivia, cháu thứ hai tên Valia.

       Tôi luôn ý thức rằng: học ở trường, ở sách vở chưa đủ mà phải biết học ở cuộc sống và biết nhận cảm ở thiên nhiên. Tôi không thích dạy các con tôi những điều trừu tượng mang tính lý thuyết mà vẫn thích chỉ bảo chúng nó những cái cụ thể. Nên những ngày nghỉ cuối tuần tôi thường đưa các con tôi ra khỏi Budapest và thường rủ Olivia, Valia đi cùng, dạo chơi ở những cánh rừng sồi già xanh ngát bạt ngàn mạn Visegrad, để nghe tiếng xào xạc của lá rừng, cùng với tiếng chim kêu  và nhìn xuống thấy dòng sông Đanuýp lấp lánh lặng lẽ uốn quanh giữa núi đồi. Những ngày hè rỗi rẵi lại đến khu tưởng niệm Beethoven nằm dưới gốc cây phong có hàng trăm năm tuổi bên cạnh mặt hồ, trên những bãi cỏ xanh rờn nhìn xuống mặt hồ phẳng lặng, êm đềm, để tìm lại cái xúc cảm của nhạc sỹ thiên tài Betthoven gần 200 năm trước ở đây đã viết nên bảnsonat „Ánh trăng” nổi tiếng. Những lúc cuối thu tôi thường đưa chúng đi nhặt hạt dẻ, để ngửi mùi ẩm ướt của  rừng thu, nơi có lãng đãng những đám mây chiều quẩn quanh lưng chừng núi. Cũng có lúc đến những cánh đồng nho đã thu hoạch, tìm hái những quả nho còn sót lại ngọt lịm như đường, làm chúng nó vô cùng thích thú. Tôi vẫn biết những hình ảnh ấy đối với chúng nó bây giờ vẫn đầy ngơ ngác, nhưng sẽ theo mãi cuộc đời chúng nó. Cũng chính những hình ảnh đó làm cho tôi yêu đất nước và con người Hung tha thiết cứ thôi thúc quay trở về với nó. Còn tuổi thơ của tôi lớn lên trong chiến tranh đi sơ tán hết làng nọ đến làng kia, cuộc sống đầy thiếu thốn, có khi thiếu cả nước uống, nước tắm, phải chứng kiến bao nhiêu cảnh nghèo đòi, đau thương, chết chóc...nhưng tình người có khi nào đẹp thế, cứ đêm đêm tôi lại tìm về quảng đời tha thiết ấy!

       Cuộc đời khó mà biết được những gì sẽ đến. Việc kiếm tiền của tôi đang suôn sẽ, đùng một cái anh bạn Việt Nam - tốt nghiệp đại học bách khoa Budapest cùng buôn bán ngoại tệ với tôi đột nhiên biến mất,  4 ngày sau người vợ  trẻ  Hung tình cờ  thấy xe của anh ta  ở  một con đường vắng, gọi công an đến thì thấy xác anh ta được cuốn trọn trong tấm thảm trải gường dấu sau cốp xe. Thật khốn nạn, chẳng phải mafia Ukrain hay mafia Nga mà chính lại là một người Việt Nam từ Nga sang, biết anh ta buôn ngoại tệ có tiền, tìm mọi cách làm bạn, kết thân, rồi tập bắn súng và hộ tống anh ta những phi vụ buôn bán lớn rồi sau đó giết hại anh ta và cướp toàn  bộ số tiền! Công an điều tra hiện trường, vân tay, nghe lại các cuộc điện thoại... biết rõ ai thủ phạm và đã trốn qua Tiệp. Nếu anh bạn tôi là người Hung thì công an đã bắt kẻ giết người đó đưa về Hung rổi, nhưng anh ta là người Việt, nên chỉ thông báo cho Interpon, cuộc điều tra coi như chấm hết! Anh bạn tôi đâu phải là người ngờ nghệch, một người hết sức cẩn thận, làm ăn với tôi lâu rồi, mà mỗi lần hẹn gặp để trao đổi ngoại tệ, thường 10 phút sau cùng anh mới cho điểm hẹn gặp nhưng cái chết cũng có tha cho đâu. Đúng mỗi người có một số phận,  có một vía riêng: khôn với người này nhưng dại với người khác, giống chuộc sợ mèo, con rắn hung dữ nhưng lại rất sợ lợn...

       Không thể đùa với cái chết tôi đành bỏ kiếm tiền bằng con đường này. Trước mắt tôi là một vợ và 2 con (hồi đó tôi mới có 2 con). Làm gì bây giờ để đủ sống?  Từ khi thay đổ thế chế chính trị ở đông Âu lương làm việc ở Trường Đại học chỉ đủ trả tiền ga, điện, nước và điện thoại. Chán cái cảnh ở Mỹ về Hung chưa được một năm, hay bây giờ về lại Việt Nam? Tôi đã nhầm: Tưởng nỗi đau xa xứ được bù lại thừa hưởng nền văn minh châu Âu! Cuộc đời lại bí tắc và buồn chán! Những lúc này mới thấm thía số phận của mỗi con người gắn với số phận của dân tộc, đất nước...Nhưng cuộc đời luôn nhắc nhủ tôi: Cuộc đời là thế đó, rất ngắn ngủi, phải yêu tha thiết lấy nó! May làm sao sau mấy tháng loay hoay tìm kiếm, tôi thuê được một cửa hàng ở quảng trường Tròn, một ki-ốt bằng kính, khung sắt, mái che bằng sợi nhựa tổng hợp ép mỏng trông hợp thật là xinh xắn, nằm trên tụ điểm giao thông quan trọng vào loại lớn của Budapest, nơi giao nhau và xuất phát của 8 tuyến tàu điện, 12 tuyến xe buýt. Tôi thầm nghĩ chắc từ nay mình chẳng thiếu tiền! Người đầu tiên chọn để bán hàng, tôi nghĩ ngay đến Tomi. Tối hôm đó lên tìm Tomi ngay. Tomi cũng mừng không kém tôi, bởi sau bao nhiêu tháng ăn tiền trợ cấp nuôi con, từ tuần sau đã có việc làm chính thức, có thu nhập khá. Những tháng đầu tôi cũng siêng đưa nhiều hàng, nhiều mẫu mã mới về cửa hàng, Tomi lại nhiệt tình nên bán được nhiều lắm, tiền lời kha khá. Tôi trả thêm tiền công cho Tomi. Những buổi tan tầm làm việc ở trường, tôi đến cửa hàng phụ giúp cho Tomi. Bởi tầm này khách thường rất đông. Bất cứ cô gái trẻ nào đến thử quần áo, Tomi thường nhiệt tình, lăng xăng chạy vào phòng thử để sửa quần áo, vuốt ve và tán tỉnh, chẳng để ý đến hàng hóa phía ngoài. Đôi lúc cũng gặp những cô gái ý tứ, họ đuổi thẳng cẳng Tomi ra khỏi phòng thử. Tôi thấy vậy không ổn, chờ khách hàng đi, tôi bèn khiển trách Tomi không chú ý đến hàng hóa, hơn nữa làm sỗ sàng như thế khách hàng sẽ không bao giờ quay lại mua nữa. Lúc đó Tomi thản nhiên và tự tin nói:

      -Người Hung chẳng bao giờ ăn cắp đâu, những cô gái Hung thường thích đàn ông tán tỉnh, ve vãn!

       Những lúc ít khách chúng tôi mới có dịp tâm sự về cuộc đời cho nhau nghe. Tôi mới vỡ nhẽ bố Tomi trước đây làm tham tán thương mại của Hung tại Indonesia. Thời niên thiếu là thời hoàng kim rực rỡ nhất của anh ta. Chỉ tội ở Jacarta không có trường Hung, nên Tomi phải theo học trường Anh, bản thân học chẳng giỏi, lại lười và ham chơi nên khi trở về Hung không thể nào thi vào đại học được, Tomi đành phải đi lái xe taxi ở công ty taxi nhà nước. Sau năm 90 thể chế chính trị thay đổi, công ty tư nhân hóa nên Tomi bị mất việc, bị vợ bỏ nên chuyển về khu nhà tôi ở cùng với 2 cháu Olivia và Valia.

       Những câu chuyện hào hứng và say sưa nhất kể cho tôi nghe vẫn là chuyện tình và chim gái của anh ta. Tomi kể tôi nghe hồi còn lái taxi anh ta có rất nhiều tình nhân. Có lần đến ở nhà tình nhân, thì người chồng về bất ngờ, Tomi phải chui vào tủ quần áo nằm trong ấy suốt 12 giờ liền vừa đói, vừa khát,...  mà không biết làm cách gì. Anh chồng lại là họa sĩ ngồi vẽ say sưa suốt cả ngày. May mà cô vợ mãi đến chiều tối nảy ra ý thông minh đi mua thức ăn rất nhiều, không thể xách được gọi điện nhờ chồng xách hộ. Lúc đó Tomi luồn ra cửa sổ  phía sau nhảy từ tầng 2 xuống, được một phen hú vía.

     Có lần khác đang ở với tình nhân khác, thì người chồng lái xe camion xuyên lục địa, hôm ấy xe hỏng ở biên giới Áo - Hung nên về bất ngờ chứng kiến vợ mình như thế, chẳng nói chẳng rằng, lấy vali cho quần áo vào rồi lặng lẽ ra đi. Còn cô vợ gào khóc thảm thiết xin chồng tha thứ và ở lại, còn Tomi thì dở cười, dở khóc, chờ người chồng đi khỏi, rồi dông thẳng khỏi nhà. Những việc làm và ánh mắt của Tomi thật phù hợp với những  câu chuyện của anh. Lúc này tôi mới biết mình đánh giá và nhìn nhận Tomi hoàn toàn trái ngược. Vợ anh ta đã căm ghét các thói xấu của Tomi và ghét luôn cả 2 đứa con vô tội, bỏ nhà ra đi không một lời từ biệt.

       Lúc này tôi đã linh cảm cảnh phá sản của cửa hàng. Hàng mua về phần lớn không bán được mà hàng tồn cứ nhiều lên, lượng khách mua cứ thưa dần, còn người xem và người ăn cắp thì nhiều. Tôi muốn đuổi việc Tomi lắm, nhưng lại ngại, lại nể, lại thương hại 2 cháu nhỏ... Lại cộng thêm cái logic trìu tượng của người trí thức chẳng tích sự gì cho việc buôn bán. Biết Tomi đam mê gái nên tôi đành chuyển sang bán tranh. Bán tranh sẽ có ba cái lợi: Một là không còn phòng thử, cửa hàng sẽ rộng ra bày thêm được nhiều hàng, Tomi không có dịp để tán tính hoặc vuốt ve...Thứ hai: Bức tranh to rất khó cho kẻ cắp. Thứ ba: trong trường hợp phá sản cửa hàng, số tranh còn lại sẽ trả lại được mà chỉ mất 25% số tiền mua.

       Quả thật sau Noel năm ấy cửa hàng của tôi bị phá sản. Lúc đã khó, làm việc gì cũng hỏng!

        Tomi lại thất nghiệp. Ở Hung và ở châu Âu thật là hiếm cảnh bố mẹ không nuôi được con  thì gửi cho ông bà nuôi hộ. 2 cháu nhỏ đành phải gửi vào trại mô côi và Tomi chuyển đi đâu ở tôi cũng không biết nữa.

    Năm ngoái vào tháng 10, trong một buổi  hội chẩn lớn của toàn bệnh viện ở khoa huyết học, một cháu bệnh nhân tự nhiên gào lên: Bác Thủy trong nỗi vui mừng. Trong khoảng khắc tôi không thể nhớ cháu là ai, không ngờ cháu lại là Olivia con đầu của Tomi, đầu trọc lốc, đôi mắt khờ dại và mệt mỏi, vì dùng lâu ngày thuốc trị liệu ung thư. Cháu bị ung thư máu. Đã gần 7 năm rồi tôi không hề gặp cháu, thời gian trôi nhanh thật! Chờ các đồng nghiệp của tôi ra khỏi phòng, tôi mới có dịp hỏi về gia đình cháu. Em Valia vẫn ở trại mồ côi, năm nay đã lên 10. Đã hơn 4 năm các cháu không gặp bố, còn mẹ chúng nó không còn nhớ mặt nữa. Đang lúc kể, những cơn ho kéo dài làm cháu thở hổn hển và mệt lắm. Tôi hiểu, dù là bệnh viện ở châu Âu này đi nữa, làm sao đầy đủ như ở nhà được, nên tôi đi Bufê (nơi bán thức ăn, nước uống) của bệnh viện có gì ngon nhất tôi mua cho cháu. Tôi biết cháu bị ung thư máu trong tình trạng hiểm nghèo, cần phải ghép tủy. Chỉ có tủy của bố mẹ và anh chị  em ruột mới có thể ghép được, nhưng bố mẹ đã cố tình bỏ rơi 2 chị em, còn Valia còn bé quá, không thể nào cho tủy được.

      Chiều hôm đó, trước khi tan tầm, tôi quay lại thăm cháu lần nữa, lại gặp cả Valia, 2 chị em đang ôm nhau khóc và thầm thì nói những điều tôi không nghe rõ. Nước mắt tôi cứ thế trào ra. Tôi rủ Valia về nhà chơi với các con tôi, cháu từ chối vì chưa được phép của trại mồ côi, hôm nay chỉ được vào thăm chị Olivia, sau đó cô giáo sẽ dẫn về.  Tôi chờ cô giáo quay trở lại đón cháu để xin phép cô. Cô nói:

      -Tôi không có thẩm quyền, tôi không quen ngài, hơn nữa tôi không biết mối quan hệ giữa Valia và ngài như thế nào? Tôi đành ghi lại địa chỉ của cháu, để sau này có dịp đón cháu về chơi với các con tôi.

     Cũng chiều hôm đó tôi về kể cho vợ con tôi nghe việc gặp 2 chị em Olivia và Valia, cả nhà mừng lắm và rất lo bệnh tình cho Olivia. Vợ tôi vội vàng đi mua quà, quần áo cho Olivia. Sáng hôm sau trước giờ làm việc tôi và vợ tôi vào thăm cháu, cô y tá trưởng bảo cháu đã đi từ đêm qua rồi, do cơn viêm phổi cấp tính. Lúc gần mất mắt đờ đận gương to cứ cố thì thào gọi em: Valia, Valia, Valia...Nghe đến đó lòng tôi như nghẹn lại. Câu ngạn ngữ của  quê tôi lại lởn vởn đầu trong đầu: “Đời cua, cua máy. Đời cáy, cáy bò”  thật là thương thảm.

Balaton,  một ngày cuối Đông

        


 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CON CHIM NHỎ HAI LẦN ĐƯỢC PHÓNG SINH

Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Lam Thủy

 

          Con chim nhỏ xíu bằng ngón tay cái, mắt to màu nâu nhạt, cứ thích nhìn phía xa xăm lúc ngừng nhảy nhót trong lồng chim. Mỏ màu đen rất to so với cơ thể của nó, toàn thể lông màu mun đã ngả màu, chỉ có ở cổ và quanh mắt ngoài màu mun còn viền những lông nhỏ mịn màu vàng xanh, trông giống như những chiếc cườm vòng quanh cổ và mắt.

Suốt ngày, suốt tháng nó được nhốt trong chiếc lồng nhỏ làm bằng tre và mây xinh xắn với cả chục con khác cùng loài, chúng được ăn uống no đủ... Nó được sinh ra từ lò ấp và lớn lên chẳng có một tí gì khái niệm về mẹ. Cứ sáng sớm tinh mơ và chiều muộn, nó thi nhau hót líu cha, líu chíu, rồi lại tập bay trong khoảng không chật hẹp, làm lông cánh và lông đuôi bị xơ ra tua tủa. lúc nào cũng mơ ước được bay xa, bay cao trên bầu trời bao la dưới ánh sáng chói chang của Mặt trời.

          Một mùa thu sắp sửa ra đi, những quả sấu cuối cùng còn lại đã ngả sang màu vàng sẫm, lá sấu rơi nhẹ nhàng trên các ngã phố. Những hàng cây sữa vẫn xanh rì, những quả sữa dài buông thõng, gió mát rượi làm những lông chim nhỏ bay nhẹ nhàng không một chút âm thanh. Hôm nay, chúng đã tròn bốn tháng, chủ lò chim chở những lồng chim nhỏ ra chợ  bán. Những con chim cứ nhốn nha, nhốn nháo, bồn chồn không muốn ăn, muốn hót ngỡ ngàng nhìn dòng người đông nghịt ngoài phố, trong chợ, giật mình nghe tiếng nổ bình bịch, tiếng còi xe máy, ô tô, tàu hỏa...  

Có một nhà văn nổi tiếng nhưng rất nghèo, chẳng có vợ con suốt cả đời cặm cụi viết chỉ mong để lại tác phẩm cho đời sau, mong có cái để ăn hàng ngày, thỉnh thoảng mong có vài ba xị rượu quê uống, để nhâm nhi cho đến lúc say ngủ lúc nào chẳng biết, khi tàn canh tỉnh dậy mong được có những phút thăng hoa, để sáng tạo, để viết. Cả cuộc đời chưa biết làm hại ai bao giờ nhưng trước khi mất, nhà văn có nguyện vọng là họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp…, đến viếng hãy đừng mang hoa mà đưa những con chim, con cá sẽ được phóng sinh lúc làm lễ truy điệu để may ra rửa hết tội lỗi của mình khi còn sống trên cõi đời. Lồng chim bán được bán cho một người bạn của nhà văn, lúc tiễn bạn về cõi vĩnh hằng con chim nhỏ cùng cả đàn được phóng sinh, được bay về Trời. Lần đầu tiên trong đời được sung sướng bay lên bầu trời bao la, nó muốn bay đến các đám mây, sau đám mây có ông mặt Trời sáng chói để hít không khí trong lành, rũ tung những chiếc lông bẩn thỉu và rác rưởi… Mới bay chưa cao được trăm mét nhưng không thể bay cao hơn nữa, với đôi cánh bé nhỏ và yếu đuối của nó lại mới tập bay xa, bay cao lần đầu trong đời không thể thắng nổi sức hút của Trái đất đành phải xà xuống, nó nhìn thấy phố xá ở đâu cũng đầy người đông nghịt, nhà cửa chen chúc nhau, cây cối thưa thớt... Nó muốn bay về rừng nhưng rừng ở quá xa, đành bay ra phía sông Hồng, thấy dòng sông hửng hờ chảy nhuộm đỏ phù sa, nó chao mình trên mặt nước vài phút rồi xà xuống nương ngô xanh mướt, đang mùa trổ đòng trái vụ, phấn hoa bay lả tả. Nó sung sướng hạnh phúc tràn trề, từ nay được tự do muốn bay đi đâu cũng được, thả sức hót cả sáng, cả chiều. Nhưng cái ăn, cái uống phải tự tìm lấy. Nó nhảy từ cây nọ sang cây kia, gần hết cả luống ngô, rồi cả vườn rau bên cạnh vẫn không tìm thấy một con sâu nào. Bởi con người đã phun thuốc trừ sâu từ lúc ngô và rau hãy còn non. Đói quá nó đành ăn phấn ngô và uống nước sông vậy.

 Đêm đến lại tìm đến những cây cao ven sông để ngủ. Có đêm đang ngủ, nghe tiếng động, gặt mình tỉnh dạy thấy một con chuột to lù lù đang đi về phía nó, nhưng chuột vẫn chưa nhìn thấy nó vì bé tẹo nằm sau chiếc lá, với phản xạ sinh tồn nó liền bay vút lên cao trong đêm tối làm chuột gặt mình ngơ ngẩn nhìn theo.

Một buổi chiều đang say mê tìm kiếm thức ăn bổng cơn dông ập đến, những đám mây mộng nước màu chì, gió thổi ào ào cây cối ngã nghiêng, bụi với lá bay mù mịt, nó vội vàng bay đến một cành cây gần nhất không kịp tìm chỗ trú mưa thì những hạt mưa đã rơi xối xả, gió lại càng hung dữ hơn làm nó không thể bám được vào cành cây, rơi xuống đất, nó vội vàng chui vào bụi gai gần đó. Mưa lại càng to hơn làm toàn bộ lông ướt sũng, lông cánh tả tơi không thể bay được nữa, thân mình nó run lên bần bặt. Lớn lên trong lồng không có mẹ nên chẳng biết rỉa lông. Sau cơn mưa lần đầu tiên trong đời mới tập rỉa lông bằng  chiếc mỏ yếu ướt lấy phấn từ phao câu ở đuôi của nó. Sau mấy giờ bộ lông vẫn không khô, không bay được đành nhảy vào bụi gai chờ hết đêm để lông khô. Suốt cả tuần nay nó cảm thấy vắng bạn, thiếu đàn. Ngủ trên cành to ở thấp thì sợ những con mèo hoang đi ăn đêm, sợ chuột... Ở những cành cao thì sợ mưa to, sợ gió lớn, sợ cú mèo, sợ những các loài chim to… Cái chết luôn rình rập nó. Bây giờ nó thật sự buồn và nhớ đàn da diết, ít hót, ít chao lượn trên bầu trời, suốt ngày cần mẫn tìm kiếm thức ăn, khát lại bay ra sông uống nước và quyết tâm đi tìm đàn, tìm bạn. Nhưng suốt cả tuần bay nhiều nơi luôn hót tiếng hót gọi đàn, nhưng không hề gặp một con chim nào cùng loài đành nhập vào đoàn chim sẻ. Những con chim sẻ to hơn bay nhanh hơn, lại không thích tìm mồi ở trên cây mà chỉ thích sà xuống đất, ăn những thức ăn mà nó không thích, được mấy hôm con chim sẽ đầu đã đuổi đánh nó đi. Nó lại bơ vơ một mình, mong ước được gặp lại những bạn ở trong lồng trước đây với nó, đành bỏ bãi bồi sông Hồng bay về phố xá. May lại tìm được khu chợ bán chim ngày nào, nó mừng quá, quên cả sợ người, liền xà đến lồng chim cùng loài với nó. Đương nhiên người bán chim vui lòng bắt lấy nó và cho vào lồng cùng với các bạn mới. Nó lại tha hồ ăn uống, vui đùa, nhảy nhót cùng các bạn… Cũng ngày hôm đó, lồng chim có nó lại được bán cho gia đình có con vừa chết đuối chưa tìm được xác ở miền quê xa lắm, nơi những dòng suối lớn đang đổ về thành một dòng sông.

          Người mới chết là cậu bé lên mười tuổi, khỏe mạnh, đẹp trai lại học rất giỏi và ngoan ngoãn. Cách đây ba hôm tan học theo các bạn cùng lớp ra bơi ở dòng sông. Bình thường cậu bé bơi giỏi lắm, nhưng hôm ấy bị chuột rút, nước sông lại chảy xiết. Làm lễ cầu hồn vào buổi sáng, nơi khúc sông bên lở, nước đục ngầu, chảy xiết cuốn luôn những bụi tầm ma. Tiếng than khóc của người nhà thảm thiết buồn đến não lòng, hương khói nghi ngút, những cánh hoa huệ trắng bị cuốn theo dòng nước lúc nổi, lúc chìm. Nó và cùng cả đàn lại được phóng sinh. Lần này nó không muốn bay theo đàn mà muốn ở lại trong lồng chim, đôi chân nhỏ cố bám chặt lấy lồng, nhưng người ta vẫn cứ đuổi và bắt nó phải bay ra. Cũng như nó lần đầu, những con chim vừa được thả tự do cứ bay tán loạn, mạnh con nào con nấy bay, bay vút lên cao. Rồi cuối cùng nó cũng phải bay ra khỏi lồng, bám theo một con có vẻ bay yếu nhất trong đàn. Bay được một lúc, may cả hai con tìm được một cánh rừng bạt ngàn, xanh ngát, nơi mờ xa là những dãy núi trùng điệp, thỉnh thoảng lại có những đồng cỏ mênh mông đầy các loại bướm to có, nhỏ có, đủ các màu sắc sặc sỡ. Phản xạ tự nhiên của nó cho biết ở đây có nhiều loại sâu bọ, tha hồ thức ăn. Nó sung sướng được về lại với thiên nhiên, với rừng, nơi tổ tiên nó được sinh ra. Lúc mới nhập đàn nó to nhất đàn, màu lông sặc sỡ đẹp khác thường, bởi người ta lai tạo, nuôi trong lồng, cho nó ăn những thức ăn tăng trọng, nên tính thích nghi và nhanh nhẹn lại kém nhất đàn.

          Có một hôm buổi chiều, trời trong xanh rất đẹp, không một gợn mây, gió thổi làm xào xạc lá rừng, uốn cong ngọn cỏ non. Cùng các bạn ăn uống no say, chúng nó liền bay lên cao vút, vừa bay vừa hót những âm điệu quen thuộc nhất, hay nhất của loài nó. Bỗng một con chim cắt xuất hiện từ trên cao, các bạn nó thét lên vội vã lao vào những đám cây rậm rạp. Linh cảm điều nguy hiểm đang đến, nó cố bay thật nhanh theo cùng các bạn, phát ra những tiếng kêu chiêm chiếp cầu cứu, nhưng không kịp nữa rồi. Con chim cắt nhanh như chớp, cái mỏ sắc nhọn như một mũi tên đâm thẳng vào mình nó, hai móng vuốt sắc nhọn ghì chặt lấy nó trong giây lát rồi bay đến một gò đất cao. Chưa đầy vài phút, con chim cắt xé xác con mồi ăn ngon lành, những lông chim nhỏ nhẹ tả tơi bay theo gió.

          Rừng vẫn xanh rì, nắng vẫn ngập tràn, gió vẫn thổi, tiếng xào xạc lá rừng, tiếng của chim, tiếng của côn trùng... tạo nên bản nhạc thiên nhiên hùng vĩ không bao giờ dứt, nhưng từ nay trên cõi đời không còn con chim nhỏ. Hình như mỗi cá thể sinh vật đều có một số phận riêng, nhưng tất cả đều có một cái chung: Được sinh ra từ vô hư, cát bụi lại trở về với cát bụi, hư vô. Sống chỉ là khoảnh khắc vô cùng nhỏ bé, chết là vĩnh hằng- đó là thời gian, không gian và vật chấ́t trong vũ trụ, điều mà chưa sinh vật nào trên Trái đất hiểu được và mãi mãi chẳng bao giờ biết được!

 

Budapest, mùa Thu 2015.

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *