Nguyễn Thế Quang&ba cuốn tiểu thuyết lịch sử vừa xuất bản
Giải 3, cuộc thi Sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Ban Tuyên giáo Trung ương, đợt I-2013 , “nhà văn trẻ” Nguyễn Thế Quang vừa cho xuất bản tiểu thuyết lịch sử “Thông reo ngàn Hống” (NXB Trẻ, 2015) dày hơn 600 trang viết về danh nhân Nguyễn Công Trứ
1.- Đôi nét về Nguyễn Thế Quang:
Gọi Nguyễn Thế Quang là “nhà văn trẻ” do anh chỉ mới bắt tay viết tiểu thuyết lịch sử từ mươi năm trước và vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam cuối năm 2014, nhưng anh đã qua tuổi “thất thập” từ 3 năm trước. Nguyễn Thế Quang sinh năm 1942 ở xã Thanh Tường, (ngày trước gọi là Tổng Đại Đồng) huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống Nho học. Ông nội của Nguyễn Thế Quang là cụ Cử Nguyễn Thế Cát, tự Kính Trai, hiệu Vĩnh Am - một thầy giáo nổi tiếng lúc bấy giờ.
Tiếp nối truyền thống gia đình, Nguyễn Thế Quang vào học ngành sư phạm và trở thành thầy giáo ở huyện Thanh Chương từ khi mới 20 tuổi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh, từ năm 1977, Nguyễn Thế Quang dạy Trường THPT ở Thanh Chương, năm 1993 về dạy ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng Vinh cho đến năm 2003 về nghỉ hưu tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Nguyễn Thế Quang bắt đầu sáng tác và tham gia hoạt động văn nghệ từ nhiều năm trước, nhưng từ sau ngày nghỉ hưu, anh mới tập trung “đầu tư” cho các đề tài tiểu thuyết lịch sử - mở đầu là tiểu thuyết “Nguyễn Du”. Với vốn kiến thức tích lũy được, với niềm say mê và công phu trong việc sưu tầm tài liệu, trong lao động nghệ thuật, tác phẩm đầu tay của Nguyễn Thế Quang đã tạo được dấu ấn đáng kể không chỉ ở quê hương xứ Nghệ mà được bạn đọc cả nước đón nhận. Cùng với tiểu thuyết Thông reo ngàn Hống, NXB Trẻ cũng vừa tái bản (in lần thứ 3) tiểu thuyết “Nguyễn Du”. Được biết NXB Kim Đồng cũng đã ký hợp đồng với Nguyễn Thế Quang sẽ tái bản “Khúc hát những dòng sông”. Nếu hợp đồng được thực hiện sớm, năm 2015 này, Nguyễn Thế Quang là tác giả lập “kỷ lục” xuất bản 3 tiểu thuyết lịch sử dày tổng cộng trên 1.200 trang!
2.- Sự chọn lựa và thách thức:
Có người nhận xét nửa đùa nửa thật, đại ý rằng: Nguyễn Thế Quang “khôn”, toàn chọn những nhân vật nổi tiếng để viết; chỉ riêng “tiểu sử đặc biệt” của những nhân vật đó đã có sức lôi cuốn độc giả. Điều đó, chỉ có thể đúng một phần, không phải ở chỗ độc giả tìm đến sách của Nguyễn Thế Quang vì những “tiểu sử đặc biệt” (điều này, nhiều cuốn lịch sử, chuyện danh nhân đã cơ bản làm bạn đọc thỏa mãn rồi) mà là tác giả viết tiểu thuyết lịch sử có được chút thuận lợi ban đầu là cuộc đời thật của các nhân vật đó có thể giúp “dựng” nên một cốt truyện phong phú, thể hiện được những ý tưởng có tầm vóc lớn, có giá trị lâu dài.
Quả là cuộc đời thật cả 3 nhân vật (đại thi hào Nguyễn Du, bà Hoàng Thị Loan và danh nhân Nguyễn Công Trứ) không chỉ nêu gương cho hậu thế về công lao và nhân cách, mà đều trải qua những bước ngoặt, những thử thách gay go, nhiều khi là bi kịch. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng có thể nói đó là “bột” để nhà văn “gột” nên “hồ” là kết cấu của tiểu thuyết. Nhưng mặt khác, chọn một tên tuổi nổi tiếng trong lịch sử làm nhân vật tiểu thuyết, tác giả đứng trước những thách thức phải có bản lĩnh mới dám đương đầu và vượt qua. Trước hết, tác giả phải có tầm văn hoá nhất định, mới có thể miêu tả được những gì là đẹp đẽ, tinh túy nhất của nhân vật, gợi được những vấn đề có ý nghĩa nhất. Sau nữa, do nhân vật lịch sử đã quá “quen thuộc” với công chúng, nhà văn một mặt phải bảo đảm tính chân thật về tư liệu mới được độc giả tin cậy, nhưng đồng thời phải tạo ra (hay tìm ra) những điều mà các cuốn sách lịch sử hay chuyện danh nhân không có thì tiểu thuyết lịch sử mới có chỗ đứng, mới được người đọc tìm đến; như thế, tác giả phải có trí tưởng tượng, nhưng là một trí tưởng tượng có giới hạn, có mức độ. Với một nhân vật như bà Hoàng Thị Loan, thì sự tưởng tượng (hiểu theo nghĩa là tác giả “hư cấu” thêm - dù là hư cấu “hợp lý”) càng phải thận trọng vì liên quan đến Nguyễn Tất Thành - về sau trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thế Quang đã chấp nhận những thách thức ấy vì như anh đã có lần “tự bạch: “Tôi thích viết những đề tài về Lịch sử, đi sâu vào khám phá số phận của Con Người. Viết là để khám phá bản chất đời sống đã qua nhằm đối thoại với thực tại, hướng đến sự tiến bộ. Người đọc tìm đến Văn chương không chỉ để nhận biết mà còn để thưởng thức. Vì vậy, nhà văn phải luôn nỗ lực đi tìm và tạo nên những vẻ Đẹp để bạn đọc hứng khởi và phấn chấn hơn”.
Một điều khác cũng dễ thấy là Nguyễn Thế Quang lựa chọn Nguyễn Du, Hoàng Thị Loan, Nguyễn Công Trứ để xây dựng 3 tiểu thuyết lịch sử vì ông có may mắn là người “đồng hương” với cả 3 nhân vật, lại cùng xuất thân từ gia đình có truyền thống Nho học. Điều này giúp tác giả thể hiện các chi tiết đời sống, lời ăn tiếng nói cũng như tâm lý nhân vật một cách thuận tiện hơn, đồng điệu hơn …
3.- Quan điểm sáng tác tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Thế Quang:
Những năm gần đây, thể loại tiểu thuyết lịch sử được chú trọng, nhưng quan niệm về tiểu thuyết lịch sử của các nhà văn và các nhà nghiên cứu không đồng nhất. Do đó, sau 3 tiểu thuyết lịch sử đã xuất bản với ít nhiều thành công, tìm hiểu quan điểm sáng tác tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Thế Quang có lẽ cũng là một điều cần thiết.
Về những quan niệm khác nhau, có thể dẫn ra một số ý kiến về hai cuốn tiểu thuyết nổi bật gần đây. Đó là cuốn “Hội thề” của nhà văn Nguyễn Quang Thân, được tặng giải A cuộc thi tiểu thuyết (2006-2009) của Hội Nhà văn, tức là đã được một cơ quan chuyên môn đánh giá rất cao, nhưng ngay sau khi trao giải, đã có không ít ý kiến phê phán nặng nề, cho rằng tác giả đã “hư cấu” (hay là “bịa đặt”) tùy tiện, hạ thấp các nhân vật lịch sử như Lê Lợi, Nguyễn Trãi. Thấy Nguyễn Quang Thân im lặng trước mọi lời phê phán, tôi hỏi, thì anh chỉ cười và nói đại ý: Những người ở khác “kênh” thì không thể nói chuyện với nhau!
Một cuốn (đúng hơn là một “bộ”) tiểu thuyết lịch sử khác cũng được chú ý: đó là bộ tiểu thuyết “Bão táp triều Trần” của nhà văn Hoàng Quốc Hải dày đến mấy ngàn trang viết về triều nhà Trần và các cuộc kháng chiến chống giặc phong kiến phương Bắc. Không ít người đánh giá cao cho đây là một bộ sách quý, rất công phu, nhưng cũng có nhà nghiên cứu nói thẳng, đại ý: Viết tiểu thuyết như thế thì đọc sách lịch sử ít mất thì giờ hơn!...
Không hẳn đã thật chính xác, nhưng có thể nói Nguyễn Thế Quang đã chọn một lối đi giữa hai quan niệm viết tiểu thuyết lịch sử kể trên - một “Hội thề” hư cấu tùy hứng, tùy “luận đề” tác giả muốn gửi gắm và một “Bão táp triều Trần” bám chắc vào các sự kiện, vào tiến trình lịch sử. Theo Nguyễn Thế Quang, tiểu thuyết lịch sử là sự khám phá bản chất của Lịch sử, là sự đối thoại với Lịch sử, đối thoại với hiện thực. Tiểu thuyết chủ yếu là hư cấu, nhưng tiểu thuyết lịch sử bám vào hiện thực lúc bấy giờ, từ đó gửi vào cái nhìn, cái nghĩ của mình thì càng có sức thuyết phục người đọc nhờ tính chân thật cao của nó. Tác giả nhất trí theo cách nghĩ của nhà văn Trung quốc Nhị Nguyệt Hà (*): “Đại sự bất hư, tiểu sự bất câu” - “Bất cầu chân hữu, đản cầu hội hữu.” (Có nghĩa là “Sự việc lớn không thay đổi / Sự việc nhỏ không câu nệ gò ép đúng sự thực” - “Không cần có thật / Chỉ cần có thể có thật”)
Có lẽ, một phần nhờ quan điểm viết tiểu thuyết lịch sử như thế, nên cả 3 tác phẩm của Nguyễn Thế Quang đã xuất bản, về cơ bản, được bạn đọc hoan nghênh.
4.- Đóng góp của Nguyễn Thế Quang qua 3 tiểu thuyết lịch sử:
Hai tiểu thuyết “Nguyễn Du” và Thông reo ngàn Hống có một số nét tương đồng, nên xin được bàn trước đến tiểu thuyết “Khúc hát những dòng sông” Thực ra, “tiểu sử” (hiểu theo nghĩa như “biên niên hoạt động”) của bà Hoàng Thị Loan như chúng ta từng biết, cũng khá đơn giản, không có nhiều những bước thăng trầm, những “xung đột” với các thế lực quanh mình; nói cách khác, nhân vật Hoàng Thị Loan ít có chất “tiểu thuyết”. Đó là cái khó cho nhà văn.
Trong điều kiện “gói bột” như thế, Nguyễn Thế Quang viết Khúc hát những dòng sông theo hướng tìm đến vẻ đẹp bên trong của NGƯỜI MẸ, ngọn nguồn sinh thành nên những giá trị cơ bản nhất của đời sống dân tộc. Trong lịch sử văn học, nhân vật người mẹ đã hiện diện - có khi là nhân vật chính của nhiều tác phẩm như “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi, “Gia đình má Bảy” của Phan Tứ, “Hòn đất” của Anh Đức… nhưng các tác phẩm này chủ yếu thể hiện người mẹ anh hùng trong chiến đấu. Nguyễn Thế Quang, qua Hoàng Thị Loan, muốn dựng một người mẹ với biết bao lo toan, dám vượt qua mọi chướng ngại và cám dỗ, hy sinh tất cả chỉ vì con, muốn con nên NGƯỜI - chữ “người” viết hoa! Đây chính là chức năng và cũng là vẻ đẹp chủ yếu của người mẹ.
Chính vì thế, mở đầu Khúc hát những dòng sông, sau những trang viết miêu tả cảnh mẹ con Hoàng Thị Lan trên bãi dâu bên sông Lam đầy thơ mộng, người mẹ phải đứng trước một sự lựa chọn khó khăn và bà đã có một quyết định can đảm, không phải người phụ nữ nào cũng dám làm: rời xa tổ ấm làng quê thân thuộc, bồng bế con nhỏ theo chồng vào “Kinh”, một vùng đất xa lạ, thân cô, thế cô, để có thể giúp chồng ăn học thành tài và nuôi dạy con nên người.
Với quyết tâm đó, người mẹ trẻ đã vượt qua biết bao thử thách khó khăn mà ngòi bút tác giả chưa hẳn đã diễn tả hết. Chỉ riêng chuyện vượt chặng đường gian nan từ Nam Đàn, qua Đèo Ngang vào Huế, với quang gánh trên vai và hai con nhỏ chưa đủ sức tự lập, ngày nắng giữa bãi cát, đêm mưa trên đèo, rồi thú dữ rình rập… đã là một kỳ tích.
Cho dù vậy, nỗi gian nan trên đường vào kinh chỉ là thách thức ngắn hạn về thể lực, không thấm gì so với những khổ ải Hoàng Thị Loan phải gánh chịu trong những năm ở Huế, với bao nỗi lo toan suốt năm này sang năm khác. Và cho dù nhiều lúc túng thiếu, buôn bán không đủ tiền lo bữa ăn hàng ngày, Hoàng Thị Loan vẫn giữ được cuộc sống thanh sạch, không bị sa ngã khi bị Quản cơ Tấn đem vàng bạc đến dụ dỗ.
Điều đặc biệt hơn là Hoàng Thị Loan không chỉ cứng cỏi và quyết liệt chống lại sự cám dỗ và mọi thiếu thốn về vật chất, mà trong mọi hoàn cảnh - từ buổi hai mẹ con rời bờ sông Lam cho đến mỗi chỗ dừng chân trên đường vô xứ Huế, rồi những buổi dẫn Nguyễn Sinh Cung đi thăm các đình chùa nơi kinh đô, nghe hát vè “Thất thủ kinh đô”…- bà đều khơi gợi và giảng cho con nghe về những tấm gương giàu nghĩa khí của tiền nhân, về cách đối nhân xử thế, cả về những vẻ đẹp của các điệu dân ca…Ngày ngày, bà dõi theo mỗi đường đi nước bước của con. Một lần, chỉ mỗi việc Sinh Cung hái nhãn dọc đường Hộ Thành về cho mẹ, tim bà đã nhói đau, buồn và giận khôn cùng. “…Con tự bẻ nhãn của người khác là con làm việc bất chính…Con tự lấy của người khác dù chỉ một chùm nhãn nhưng mọi người sẽ chê cười ông bà, chê cười cả dân xứ Nghệ chúng ta. Nỗi nhục này làm sao mà xoá được!?.”
Những chi tiết như thế không thể có trong các tiểu sử và truyện danh nhân. Nhờ thế, khi bình luận về nhân vật Hoàng Thị Loan trong tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trong “Lời giới thiệu” cuốn sách đã viết:
“ ... Con người Bà hội tụ những phẩm chất cao đẹp của con người Xứ Nghệ, của Người Mẹ Việt Nam. Đọc cuốn sách này ta bắt gặp hình ảnh mẹ ta, bà ta, làm ta nghĩ đến bao người mẹ khác. Qua từng trang viết, ta cũng nhìn thấy được hình ảnh cậu bé Nguyễn Sinh Cung hiện lên rất sinh động, ngày càng trưởng thành dưới sự dạy bảo, dìu dắt của Mẹ để có hành trang vững chắc cho những chuyến đi xa vì nghĩa lớn…”
Cũng với quan niệm nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử có thể hư cấu những sự việc “Chỉ cần có thể có thật”, ở phần “Vĩ Thanh”, tác giả đã phóng trí tưởng tượng sang trời Tây; và chúng ta gặp hình ảnh Nguyễn Ái Quốc đứng bên bờ sông Seine tưởng nhớ đến người mẹ đã quá cố ở trời Đông xa cách:
-"Mẹ ơi! Mẹ là tất cả! Mẹ là ngọn nguồn, là nơi bắt đầu của những điều tốt đẹp mà con làm được. Trong dòng chảy lạnh lùng của thời gian , trong dòng đời dữ dội, qua dông bão và lửa cháy, Mẹ như dòng sông trong trẻo của tình yêu và đức hy sinh nuôi dưỡng tâm tính con, gột rửa bao lỗi lầm và tiếp cho con bao sức mạnh, vượt qua bao thác ghềnh để hôm nay con tìm được hướng đi. …"
Cái kết “có hậu” có thể giảm độ bi thương sau chuyện HTL từ trần khi sinh đứa con thứ tư trong cảnh đói nghèo. Một sự “hư cấu” khá hợp lý, nhưng chắc là sẽ có những cách nghĩ khác nữa. Với một tác phẩm văn học, như thế là chuyện thường. Và nhiều khi đó lại là điều thú vị.
***
Xây dựng tiểu thuyết “Nguyễn Du” và Thông reo ngàn Hống, tác giả có trong tay một khối tư liệu lịch sử và văn học phong phú hơn, “tiểu sử” của hai danh nhân này cũng phức tạp, truân chuyên, lắm xung đột hơn. Nguyễn Thế Quang vẫn trung thành với nguyên tắc “bám vào hiện thực” đương thời, “sự việc lớn không thay đổi”, nhưng lựa chọn những thời điểm, những hoàn cảnh làm nổi bật tính cách nhân vật và thể hiện rõ ý đồ của tác giả; trong 2 tác phẩm này thì đó là vấn đề quan hệ giữa người cầm quyền và trí thức - một vấn đề hệ trọng ở bất cứ chế độ nào. Do đó, trong tiểu thuyết “Nguyễn Du”, mặc dù thi hào Nguyễn Du quen thuộc với mọi người Việt Nam mà vẫn “mới” trong tiểu thuyết của Nguyễn Thế Quang. Thì ra thi nhân không chỉ “đau” vì thân phận nàng Kiều mà còn mang nỗi đau lớn hơn trước thời cuộc khi phải chứng kiến những bi kịch giữa Hoàng đế và kẻ sĩ, giữa quyền lực và trí thức. Từ cách lựa chọn đó, vua Gia Long cũng là một nhân vật chính trong tiểu thuyết, được tác giả “chăm sóc” cẩn thận với cách nhìn khá là mạnh bạo.
Một người xuất thân từ gia đình đại quý tộc, chứng kiến sự thăng trầm các triều đại Lê-Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn-Gia Long… làm sao không đau đớn, trăn trở trước bao bi kịch của kẻ sĩ; thân thiết nhất là anh trai Nguyễn Nễ, một con người tài hoa, mấy triều đại đều tận tuỵ việc nước mà cuối cùng lại phải thắt cổ vì oan ức; gần gũi nữa là đại công thần Nguyễn Văn Thành phò Gia Long từ khi chưa có một tấc đất, lại bị chính Gia Long khép vào tội chết, do sự xúi bẩy, vu oan của lũ nịnh thần vô học…
Trong tiểu thuyết xuất hiện hàng loạt nhân vật lịch sử mà thiên hạ đã “biết” - ngoài Nguyễn Du, Gia Long, còn Hồ Xuân Hương, Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường, Lê Văn Duyệt…, nên tác giả đã cố gắng tôn trọng tính chân thực của lịch sử một cách tối đa, đồng thời sử dụng quyền “hư cấu” của tiểu thuyết để liên kết các nhân vật và sự kiện được hợp lý. Những phần mà tác giả “hư cấu”, tưởng tượng, theo tôi là thành công; như cảnh Nguyễn gặp lại nữ sĩ họ Hồ tại Cổ Nguyệt trong một đêm thơ mộng và đậm đà tình cũ nghĩa xưa, nhưng tác giả không đi quá đà, nên tránh được sự dung tục. Cảnh vua Gia Long đối thoại với Nguyễn Du khá hấp dẫn, có sức nặng tư tưởng và có thể nói có tính thời sự nữa. Nguyễn run sợ tưởng sắp bị chém vì bọn xu nịnh đã “chỉ điểm” câu thơ “Chọc trời khuấy nước mặc dầu / Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, nhưng vua Gia Long mê “Truyện Kiều”, trọng thi tài, đã hành xử khác…Độc giả kính phục tầm vóc Gia Long mà cũng ghê sợ về sự chuyên quyền độc đoán của ông. Sau khi ca ngợi “Truyện Kiều”, vua Gia Long hỏi:
- Thơ khanh viết hay lắm. Sao khanh không có bài nào ca ngợi ta nhỉ? Khanh có thể viết một bài hay một quyển thật hay ca ngợi ta và triều đại ta không?
Nguyễn Du bị đặt trước một thử thách có thể rơi đầu như bỡn. Nhưng thật không ngờ, trước đôi mắt Gia Long quắc lên, mặc dù Nguyễn bủn rủn chân tay, nhà thơ yêu quý của chúng ta đã chậm rãi nói:
- Xin Bệ hạ cho thần được làm điều thần nghĩ.
Và cũng không ngờ, thật là “kỳ phùng địch thủ”, “Gia Long cất tiếng cười sảng khoái, âm vang như lay động cả ánh trăng”, ngài đỡ Nguyễn dậy và nói:
- Khá lắm! Thế mới là Nguyễn Du của trẫm chứ. Ta có cần gì ngợi ca. Ta chỉ cần những bề tôi có tài, có cốt cách như khanh. Xung quanh ta biết bao kẻ xu nịnh. Nhưng nhà thơ đích thực thì không được xu nịnh bất kỳ ai, kể cả quyền lực và mỹ nữ.
Vậy nhưng sau khi tặng nghiên bút quý và tiễn Nguyễn ra cửa, Gia Long lại dặn:
- À này, hãy viết làm sao cho con người yêu thương nhau nhưng kích động nổi dậy chống triều đình là không được đâu nhé. Lúc đó thì dù quý đến mấy cái tài của khanh, ta vẫn phải lấy cái đầu của khanh để trị yên thiên hạ đấy. Nhớ chưa?
Sau buổi tiếp kiến đó, Nguyễn đã độc thoại một cách cay đắng: " Hoàng thượng ơi! Người ban cho thần cơm trắng, giấy thơm, bút quý, nghiên báu nhưng không ban cho thần tự do thì làm sao thần có thơ văn hay được?”
***
So với Nguyễn Du - nếu chỉ xét về khía cạnh nghệ thuật nhân vật tiểu thuyết, thì “dựng” Nguyễn Công Trứ “thú vị” hơn, nhưng đồng thời nhà văn đứng trước những thách thức, những yêu cầu đa dạng hơn. Nguyễn Công Trứ trải cả 3 triều vua Minh Mệnh, Tự Đức, Thiệu Trị, hoạt động trên một bối cảnh rộng lớn, trải suốt từ vùng đất ven biển đồng bằng Bắc Bộ mà ông là người “khai sinh” đến tận miền biên giới Tây Nam Tổ quốc, hết đóng vai đại quan ở Huế đến cảnh phải làm anh lính trơn ở Quảng Ngãi, rồi còn niềm đam mê ca trù và những cuộc tình rất khó tính hết của ông nữa. Vì thế, dung lượng Thông reo ngàn Hống cũng lớn hơn “Nguyễn Du”. Nếu miêu tả hết thì phải viết cả bộ tiểu thuyết nhiều tập, nhưng như tôi được biết, từ bản thảo dày cộp gần ngàn trang hoàn thành đầu năm 2014, tác giả đã “cô đúc” còn hơn 600 trang, do tác giả đã có sự chọn lựa một cách “quyết liệt”. Nghĩ đến Nguyễn Công Trứ chúng ta thường nhớ đến những công lao của ông và không ít người chỉ chú ý tới những giai thoại về tính ngất ngưởng, phớt đời cũng như những cuộc tình bất tận của ông. Nhưng Nguyễn Thế Quang đã không sa đà theo những chuyện đó, cũng không dành nhiều trang kể lể công lao của Nguyễn Công Trứ. Tác giả tập trung miêu tả nỗi đau đời của Nguyễn Công Trứ với cốt cách của một đại trượng phu tài hoa, hết sức chú ý khai thác tâm trạng, đi sâu vào khát vọng, sự giằng xé nội tâm, chú ý thể hiện những sự đối lập mà nhất quán trong con người Nguyễn Công Trứ.
Để thể hiện được điều đó, tác giả đã “hư cấu” những cuộc hội ngộ giữa các danh sĩ đương thời như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu, Nguyễn Hàm Ninh… khá thú vị, không chỉ góp phần nâng tầm văn hoá của tác phẩm mà tạo cơ hội cho các nhân vật bày tỏ tâm trạng sâu thẳm trong lòng mình và cũng là nơi để gửi gắm những ý tưởng của tác giả. Xin dẫn một đoạn miêu tả những giằng xé của Nguyễn Công Trứ khi ông gặp lại Cao Bá Quát, trong lúc ông bị kẻ xấu vu oan rồi bị đày làm kẻ chăn bò nơi rừng thẳm:
“…Giữa trời cao đêm vắng, gió lộng mà Nguyễn cảm thấy ngột ngạt. Nhìn Cao, nghĩ mình, Nguyễn tự hỏi ta là gì đây? Có còn được là người? Quan lại, kẻ sĩ, đều là nô lệ cả ư? Phải! Không được nghĩ khác quân vương, không được làm khác quân vương, không được sống khác ý của quân vương thì không phải nô lệ là gì. “Quan trường nô lệ thị trung nô lệ”, lời của người xưa đâu có sai. Thế mà tưởng làm quan sẽ thực hiện được chí lớn của mình…”
Tiểu thuyết Thông reo ngàn Hống có rất nhiều trang như thế, nên đúng như quan điểm viết tiểu thuyết lịch sử của tác giả là “để khám phá bản chất đời sống đã qua nhằm đối thoại với thực tại, hướng đến sự tiến bộ…” Cũng khai thác mối quan hệ giữa Hoàng đế và kẻ sĩ, quyền lực và trí thức như trong tiểu thuyết “Nguyễn Du”, nhưng trong Thông reo ngàn Hống , vấn đề được khai thác sâu hơn: vai trò và trách nhiệm của kẻ sĩ, của trí thức với đất nước qua một loạt nhân vật. Có người biết sống, biết lập công, lập danh, có người phải mòn mỏi trong chốn cung đình, có người bỏ áo mũ cân đai mà rong chơi, có kẻ chỉ biết xu nịnh cho đẹp lòng quân vương; lại có kẻ tốt bụng, chân thành nhưng tầm nhìn hẹp nên đã kéo lùi lịch sử và có cả người muốn làm tôi trung mà bị dồn đến cảnh phải vùng lên làm giặc. Từ đó, tác giả muốn khẳng định: cùng với quân vương nắm quyền lực cai quản giang sơn, những kẻ sĩ, những trí thức phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm trong mọi sự hưng vong của đất nước.
***
Ba cuốn tiểu thuyết lịch sử hơn ngàn trang sách, lại toàn dựng những nhân vật rất nổi tiếng, hẳn là phải có một chuyên luận công phu mới đi sâu được hết các khía cạnh của tác phẩm. Bài viết này chỉ là sự giới thiệu mở đầu, cũng có thể là sự gợi ý cho một đề tài luận văn thạc sĩ hay tiến sĩ…
Mặc dù Nguyễn Thế Quang đã ở độ tuổi “cổ lai hy”, nhưng xem ra cây bút xứ Nghệ này đang còn sung sức lắm. Được biết anh đang chuẩn bị để viết một tiểu thuyết lịch sử về một nhân vật rất lớn trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Chúng ta hy vọng anh sẽ vượt qua được những thách thức lớn như với 3 tác phẩm đã xuất bản và hoàn thành tốt đẹp dự định của mình.
NGUYỄN KHẮC PHÊ (Nguồn NV&TP-Hội Nhà văn VN)
(*) Tác giả viết TTLS nổi tiếng ở Trung Quốc, được mệnh danh là “Nhà văn Hoàng Đế” do ông đã sáng tác 3 bộ tiểu thuyết: Khang Hy đại đế, Cung Chính Hoàng đế và Càn Long Hoàng Đế.