CHUYÊN MỤC NHÀ VĂN-TÁC PHẨM: NHÀ THƠ TẾ HANH
Nhà thơ Tế Hanh
Trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân, cùng với nữ thi sĩ Thu Hồng, Tế Hanh là một trong 2 tác giả trẻ tuổi nhất có thơ được chọn, bình. Ông cũng là một trong 2 người có tuổi thọ cao nhất (sau nhà thơ Xuân Tâm, sinh năm 1916, hiện vẫn còn sống) so với các tác giả có mặt trong cuốn hợp tuyển nói trên, dù rằng 10 năm cuối đời, cuộc sống của nhà thơ dường như chìm trong trạng thái mê man...
Với Chuyên đề Văn nghệ Công an nói riêng và Báo Công an nhân dân nói chung, Tế Hanh là một trong những tác giả có nhiều gắn bó. Những năm gần đây, khi bệnh tình của ông ngày một thêm trầm trọng, các ấn phẩm của Báo đã liên tục có bài phản ảnh, đưa tin cũng đã phần nào giúp bạn đọc gần xa hiểu thêm diễn biến bệnh tình của nhà thơ, cùng những tình cảm thương yêu, săn sóc của gia đình, bạn bè, người thân đối với ông...
Như một nén tâm nhang thành kính tưởng nhớ nhà thơ Tế Hanh, trong số báo này, tôi xin được giới thiệu cùng bạn đọc bài phỏng vấn nhà thơ Tế Hanh mà tôi thực hiện cách đây hơn mười năm, trước thời gian nhà thơ bị tai biến mạch máu não. Qua đó, phần nào giới thiệu thêm với bạn đọc những kỷ niệm tươi xanh thuở đầu đời của ông, thuở ông chăm chút, ấp ủ mầm thơ để viết nên thi phẩm đầu tay có tên gọi "Hoa niên".
-Thưa nhà thơ Tế Hanh! Xin ông kể cho bạn đọc đôi chút về bước đường đầu tiên đến với văn học của mình...
+Tôi yêu thơ từ nhỏ, nhưng là "thơ cổ". Cũng vì bố tôi là nhà nho và ở trường các thầy cũng chỉ toàn dạy "Kiều", "Chinh phụ ngâm", hoặc ca dao. Rồi ra, tôi đọc sách Quốc ngữ của Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng... Cho đến một ngày - bấy giờ tôi không còn học trường làng mà lên trường huyện - tôi gặp được một anh học sinh lớp trước. Vốn dĩ anh từng học ở Hà Nội, ở Huế, Quy Nhơn về. Anh đọc Thơ Mới cho tôi nghe. Bài "Tiếng gọi bên sông" của Thế Lữ, khi anh đọc đến những câu: "Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền/ Êm như hơi gió thoảng cung tiên/ Cao như thông vút, buồn như liễu/ Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên", tôi thấy trong hồn xao xuyến, khác với tất cả những gì tôi đọc trước đấy.
Năm 1936, ra Huế học, tôi được gặp Huy Cận học lớp trên. Chúng tôi bắt quen và chơi thân với nhau. Tôi bắt đầu làm thơ. Đến nay tôi vẫn thực sự cảm thấy biết ơn những người bạn đầu tiên ấy, đặc biệt là trường hợp Thế Lữ, bậc đàn anh Thế Lữ. Chính Thế Lữ, trên báo Ngày nay năm 1938 đã có bài nhận xét thơ tôi khi tôi gửi một chùm thơ đến ông, mặc dù mãi đến năm 1943, sau khi đậu tú tài ra học trường Luật ở Hà Nội, tôi mới gặp Thế Lữ. Lần đầu tiên tìm đến nhà ông, tôi đã loanh quanh không dám bước vào, đành phải quay về...
- Những năm tháng trung học đã để lại trong ông những kỷ niệm nào đặc biệt?
+ Kỷ niệm thì nhiều, song một trong những kỷ niệm vui nhất là đợt tôi cùng Nguyễn Văn Bổng "làm báo". Chắc "em" (khi trò chuyện với tôi, nhà thơ gọi tôi là "em", xưng "tôi"- PK) chưa biết, tôi với Nguyễn Văn Bổng học cùng một lớp (điều thú vị là sau này, gia đình hai ông lại được cấp trên bố trí ở chung trong một khu nhà, số 10 phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội - PK). Chúng tôi mở một tờ báo tường. Nguyễn Văn Bổng làm "thư ký tòa soạn", còn tôi giữ mục thơ.
Tôi chưa kể đấy thôi, chúng tôi chơi thân với nhau đến độ còn làm chung một tập thơ. Nguyễn Văn Bổng lấy bút danh là Anh Văn, còn tôi lấy bút danh là Viễn Phố. Sở dĩ có cái tên ấy vì tôi bắt chước chữ dùng của Bà Huyện Thanh Quan trong một câu thơ... Một sự kiện nữa mà tôi không bao giờ có thể quên, ấy là trường hợp bạn bè trong lớp bí mật gom tập thơ tôi làm trong đợt hè năm ba chín (1939), gửi dự thi Tự Lực văn đoàn. Tôi không hề hay biết chuyện này. Mãi đến khi nhận được thư Huy Cận ngợi khen và khi Tự Lực văn đoàn công bố giải thưởng: Tôi và Anh Thơ đoạt giải khuyến khích, thì tôi mới biết...Thì ra, các bạn biết tháng 9 năm đó cuộc thi hết hạn nên gửi vội, thành thử lúc bấy giờ tập thơ của tôi mới có 29 bài...
- Được biết, ban đầu tập thơ của ông có tên là "Nghẹn ngào", ông nghĩ thế nào mà đổi lại thành "hoa niên"?
+ Đúng là khi Tự Lực văn đoàn trao giải, tập thơ của tôi có tên "Nghẹn ngào", nhưng sau tôi thấy cái tên ấy có vẻ "ướt át" quá, mới đổi lại là "Từ nhớ đến thương". Sau tôi lại nhận thấy cái tên ấy hơi... ví von, mới đổi thành "Hoa niên". Vì đổi hai lần tên nên mãi đến năm bốn lăm (1945), sách mới in ra. Tất nhiên, trong mấy năm ấy, tập thơ đã được bổ sung thêm một số bài.
- Hầu như toàn bộ những nhà thơ có tài của phong trào Thơ Mới đều sớm thành đạt. Họ nổi tiếng khi còn rất trẻ, nhiều người chưa đầy hai mươi tuổi. Tại sao lại có hiện tượng vậy, trong khi, như nhà thơ biết, để khẳng định mình, anh em viết văn, làm thơ bây giờ đa phần đều phải từ lứa tuổi 30, 40 trở lên. Thậm chí, đến 50 tuổi rồi vẫn còn được gọi là... nhà thơ trẻ?
+ Đúng là thời ấy, chúng tôi thành danh sớm thật. Tôi nhớ, khi viết "Những ngày nghỉ học", "Lời con đường quê" tôi mới chỉ ở tuổi 17,18. Mà không chỉ riêng tôi, nhiều nhà thơ khác cũng có những bài thơ "đứng được" trong lòng độc giả ở quãng tuổi ấy. 17 tuổi Chế Lan Viên đã có cả tập thơ "Điêu tàn" cơ mà. Giờ nhớ lại, nghĩ cũng buồn cười.
Lần đầu nghe người ta ngâm hai câu thơ của Lưu Trọng Lư: "Đêm ấy xuân vừa sang/ Em vừa hai mươi tuổi", tôi đã bĩu môi: "Những hai mươi. Già thế"...Theo tôi, có được bước đột phá ấy, các nhà Thơ Mới đã bộc lộ khả năng trong một môi trường thuận lợi (ấy là nói về môi trường sáng tạo). Họ được dư luận hưởng ứng, được các báo có thế lực ủng hộ. Tự Lực văn đoàn phất lên ngọn cờ Thế Lữ. Thế Lữ lại dìu dắt, công kênh Xuân Diệu, Xuân Diệu đưa dẫn Huy Cận. Cứ vậy, phong trào phát triển rầm rộ. Bấy giờ, đến các nhà văn như Nhất Linh, Khái Hưng cũng đều hăng hái nhảy sang giới thiệu thơ.
Tôi được biết Khái Hưng từng giới thiệu một trang thơ "Điêu tàn" của Chế Lan Viên, còn Nhất Linh thì sau khi tôi được giải của Tự Lực văn đoàn, đích thân nhà văn này đã viết bài giới thiệu thơ tôi và thơ Anh Thơ trên báo Ngày nay... Điều thứ hai tôi muốn nói là ý thức của các tác giả. Hồi đó chúng tôi tuy còn trẻ nhưng chúng tôi nghĩ nhiều vấn đề, đâu chỉ vấn đề tình yêu không thôi như nhiều bạn trẻ bây giờ. Cứ đọc lại "Lửa thiêng" của Huy Cận, "Điêu tàn" của Chế Lan Viên, hay như "Hoa niên" của tôi mà xem, tình yêu chỉ là điểm xuyết, đâu phải là chủ đề chính.
Ngay như bài "Lời con đường quê", mặc dù có những câu: "San sẻ cùng người nỗi ấm no/ Khi mùa màng được, nỗi buồn lo/ Khi mùa màng mất, tôi ngây cả/ Với những tình quê buổi hẹn hò", nhưng ý chính của tôi vẫn không phải là chuyện tình yêu, chuyện "hẹn hò", mà là ước muốn được thoát khỏi sự tù túng (hình tượng đường làng) để vươn ra, hòa nhập với cuộc sống (hình tượng cánh đồng bát ngát) kia chứ...
Tất nhiên, mỗi người cần có cách đi riêng của mình nhưng thú thật, theo suy nghĩ của tôi, thơ ca dù riêng tư đến đâu thì cũng phải tạo được sự cộng hưởng từ cuộc sống...
Nguồn: Văn nghệ Công an