Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện ngắn: "Ngọt đắng một khúc sông quê"

07-09-2011 03:10:00 PM

VanVN.Net – Tác giả Nguyễn Thị Hồng Chính, sinh năm 1979 tại Việt Trì, Phú Thọ. Tốt nghiệp khoa Báo chí trường ĐH KHXH&NV Hà Nội năm 2001. Hiện đang công tác tại Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ. Đã xuất bản 2 tập truyện ngắn: “Mảnh nắng trên đồi” và “Dâu làng Đõ”. Hồng Chính đã đoạt Giải tác giả Trẻ của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Giải thưởng 5 năm về văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ… VanVN.Net trân trọng giới thiệu chùm truyện ngắn của tác giả trẻ nhiều triển vọng vùng đất Tổ này.

 

Tác giả Nguyễn Thị Hồng Chính

 

Ngọt đắng một khúc quê

 

        Chẳng biết từ khi nào làng có tên là Đõ. Chỉ biết rằng, thuở bé, chúng tôi sang Đầm - đến nhà ông bà ngoại chơi thì người ta lại dè bỉu:

- Dân Đõ lại đi ăn xin rồi. Đúng là dân Đõ. Gầy hở xương răm... ha.. ha... hi... hi...

Mỗi lần như thế, chúng tôi còn nhỏ, tuy chưa hiểu gì lắm nhưng cảm giác thấy nong nóng ở mặt. Chúng tôi cúi mặt đi ngang qua những lời nói ấy. Nghèo thì có gì là tội lỗi. Cái nghèo một thời là của chung thiên hạ cơ mà.

Chúng tôi thích được sang nhà ông ngoại. Cũng chẳng hiểu tại sao nữa. Cũng có thể nhà ông bà ngoại cho chúng tôi đánh chén no nê, khỏi phải nhường nhịn, khỏi phải nhịn đói, nhịn khát. Nhớ ngày bốn anh em tôi được mẹ gửi sang nhà ông ngoại. Ông đã nấu hẳn một nồi cá kho tộ với một nồi cơm trắng bốc khói, thơm nức nở và nóng hôi hổi mang ra cho anh em tôi. Chúng tôi choáng ngợp không dám ăn. Chúng tôi sợ. Sợ lắm chứ. Choáng đến xây xẩm mặt mày. Ông ngoại cười nhìn bốn đứa cháu ngồi chồm hỗm quanh nồi cơm, mắt dán tròn vào đó mà chẳng dám ăn. Dãi dề cứ tướp ra hai bên mép. Ông gắp cho mỗi đứa một miếng cá to. Chúng tôi ngỡ ngàng rồi không kịp mời ông, ăn lấy ăn để. No. Ôi! No ơi là no. Người ta bảo chết vì no cũng là đúng. Anh em tôi phải nới cả chun quần. Không chịu đựng được cái no ấy nên nhảy cả xuống ao tắm cho hao bớt bụng. Trời ơi là trời. Dân Đõ bao giờ mới có cơm như thế...

Chuyện trôi qua quá lâu, nhưng những ký ức đó vẫn hằn lên trong tâm trí tôi. Mỗi khi nhắc đến quê hương, nhắc đến làng Đõ là y như rằng tim tôi nhói đau. Đất làng Đõ hình trái bầu thắt đôi tựa cái hồ lô ấy đã đi vào tâm hồn tôi. Làng Đõ là máu thịt của tôi. Chính vì thế mà cái bản tính tiết kiệm, hay đôi khi kẹt xỉn của tôi vẫn lồ lộ ra đấy. Vì tôi thấu được, đồng tiền bát gạo đối với dân Đõ quý hơn cả vàng. Không, phải hơn cả mạng sống mới đúng.

Làng Đõ sau bao năm đã thay đổi nhiều. Làng Đõ nổi tiếng với tiếng đàn bầu. Tiếng ngân nga tích tịch tình tang thổn thức trong những buổi trưa hè. Tiếng đàn day dứt bùi ngùi trong những đêm trăng vằng vặc. Tiếng đàn đã da diết xao động những con sóng nhẹ nhàng trên con sông Ngàn chảy uốn khúc quanh làng. Tiếng đàn tựa người đàn bà lẳng lơ lả lướt đưa tình nếm trải vị đời bằng những tiếng nỉ non. Tiếng đàn làm ngẩn ngơ bao người con gái. Tiếng đàn đã khiến cô tôi thành người đàn bà chửa hoang bị bôi vôi gọt đầu phải bỏ làng bỏ xứ mà đi. Bà nội vẫn đau đớn than rằng: "Đàn bầu khó gảy dễ nghe. Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu". Nhưng cô tôi - người đàn bà đẹp đã mê tiếng đàn bầu của anh chàng nghèo kiết xác là chú Tạo. Chú chẳng có gia đình, không cha mẹ, bơ vơ một mình sống trên chiếc thuyền chài. Ngày ngày lấy sông làm bạn, lấy sáo thở than. Rồi một ngày kia, cô đi thả trâu cắt cỏ ven sông Ngàn bỗng nghe tiếng đàn bầu nức nở như than như khóc. Tò mò, cô buộc trâu rồi men theo bờ sông lần theo tiếng đàn rồi tiếng đàn im bặt. Nhiều lần như thế, cô cứ ra bờ sông. Cô thả mình vào dòng sông trong veo. Trăng hòa mình trong nước lung linh ánh bạc. Làn da cô trắng mơn man nơi dòng nước rồi hụt một cái. Có ai đó kéo cô đi. Lúc tỉnh cô thấy mình khỏa thân trên thuyền, dưới trăng bên cạnh chiếc đàn bầu. Người đàn ông xuất hiện:

- Sao Thận liều thế. Nhỡ trôi ra cửa sông thì thế nào?

- Em đi tìm tiếng đàn bầu...

- Đàn bầu... tôi đàn Thận nghe nhé...

- Vâng...

Rồi hai người khỏa thân trong vang âm của đàn bầu. Qua đêm sương tình ấy, chú Tạo đi đâu đó không biết để cô tôi thẩn thơ như kẻ mất hồn. Rồi cái bụng cũng to ra... Rồi cô bỏ làng ra đi. Ôi, thế là hết một đời con gái mê đàn bầu làng Đõ. Không hiểu sao, dân làng Đõ đánh đàn bầu hay thế. Đấy là cái tài của người đánh. Đấy cũng là cái tình của người mơ mộng một cuộc sống bình minh. Hay nói đúng hơn, tiếng đàn bầu là tiếng lòng của đất làng Đõ này.

Quá khứ. Đã là quá khứ thì nhắc lại làm gì nhỉ. Nhưng quê hương là chùm khế ngọt. Quê hương là ngôi nhà đắp đất, nền đất thơ thới mùi rêu phong. Ngôi nhà có cả mạ, cả nấm trên nóc. Nhà chúng tôi lợp bằng rơm rạ tháng mười. Nhà mang hơi ấm mẹ tôi...

Mẹ. Nhắc đến mẹ lòng tôi nao nao khôn tả. Nước mắt tôi ứa ra ròng ròng. Đấy là tôi nhớ đến mẹ. Người đàn bà khắc khổ. Người đàn bà đôn hậu nhưng đáo để. Người đàn bà tháo vát nhưng kham khổ. Người đàn bà đã cho tôi cả cuộc đời. Mẹ đã nuôi sống anh em tôi bằng da, bằng thịt, bằng máu và nước mắt của bà. Những đêm trăng sáng, bóng bà như một một dấu lặng trên mảng ruộng loáng nước, loáng trăng và sương phủ mơ màng. Mẹ tôi đi về như từ trong thơ bước ra với chân lấm tay bùn, vai u thịt bắp. Vai u thịt bắp vì mẹ phải gồng cày gánh bừa, mẹ phải tảo tần chạy chợ lấy tiền nuôi anh em tôi ăn học.  Không biết đôi chân mẹ đã đi hàng bao nhiều nghìn km để buôn thúng bán mẹt nuôi con.

Bốn đứa con. Tôi, thằng cả hay còn gọi là thằng Đõ. Tên thật là Nguyễn Thân Thành. Một đứa tên Nhung. Đứa kia tên Nguyễn Nhung Lụa. Thằng út tên kêu vanh vách Nguyễn Thành Đạt. Thằng út đẻ ra khi nhà tôi khốn cùng nhất. Bố tôi công chức nhà nước, lương không đủ sống. Ông lại thẳng, thật nên thường xuyên bị thuyên chuyển công tác. Mấy năm mới về được một lần. Những lần ấy may lại đậu được những bốn đứa con.

Mẹ tôi đấy. Mẹ như đi về từ trong thơ "Bầm ra ruộng cấy bầm run. Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non. Mạ non bầm cấy mấy đon. Ruột gan bầm lại thương con mấy lần" đó là những lời mẹ hát ru anh em tôi trong những đêm đông gió rét trong ổ rơm. Mẹ hát cho chúng tôi quên đi lạnh giá chìm trong giấc ngủ ngọt ngào có lời ru run run đoi đói của mẹ. Ôi, mẹ như là cổ tích nuôi được những bốn đứa con ăn học tử tế.

Tôi chẳng thể quên khi mẹ đẻ thằng út cứ trần truồng đi ra lại đi vào khóc lóc đau đớn, vật vã. Ba anh em tôi còn nhỏ, lít nhít như những chú lợn con, ngây ngô dễ khóc chẳng biết làm gì. Cứ đi theo mẹ thành một hàng dọc khóc tu tu.

- Mẹ ơi, đau lắm không?

- Không mẹ không đau.

- Sao mẹ khóc.

- Mẹ khóc cho em  bé...

- Mẹ ơi, con thương mẹ.

Mẹ đòi đi tiêu, ra vườn sắn lại đi vào. Mẹ buồn đẻ mà. Mẹ khóc bảo tôi sang hàng xóm gọi bà Tiện sang đỡ. Bà Tiện vừa đi vừa chưởi.

- Tiên sư bố nhà mày. Mẹ đau như thế sao không gọi tao sang từ chiều. Chết thôi. Nào, Thằng Thành đun lấy ấm nước. Con Nhung  lấy cho tao con dao.

Con Nhung khóc ầm ĩ: Cháu xin bà đừng mổ bụng mẹ cháu. Mẹ cháu chết mất. Cháu lạy bà, cháu xin bà đấy. Mẹ cháu vừa phải khóc cho em bé đấy. Mà bà ơi sao lại phải khóc cho em bé.

- Ôi, giời. Khóc gì cho em bé. Cái con mẹ mày rõ là. Ai mổ bụng mẹ mày. Để tao cắt rốn cho em mày.

- Cắt rốn ạ. Hì, thế thì cháu đi ngay - con Lụa lấy áo cho em bé nhé.

- Vâng ạ. Bà Tiện đừng làm đau mẹ cháu. Mẹ cháu đau từ chiều đấy.

- Sư bố nhà mày, tên toàn thành đạt, nhung lụa mà sao mẹ mày cơ cực thế. Tiếng trẻ oe oe ra đời. Chúng tôi đứng tất cả bên mẹ. Cái Nhung khóc rú lên: Hu... hu... mẹ đẻ ra em bé dính toàn giun. Ôi, con giun quấn cổ em bé. hu... hu. Bà ơi, bà gỡ ra không nó cắn em cháu.

Tôi bật cười, quát:

- Im. Không phải giun, ruột của em bé đấy.

Mẹ đang đau cũng phải cười, lắc đầu. Mẹ mệt nhưng dưới ánh đèn dầu mắt mẹ thật hạnh phúc. Lung linh đẹp đến lạ thường. Ánh mắt ấy tôi chẳng hề thấy lại ở bất cứ người đàn bà nào khác. Hôm sau, cái Lụa đi khoe khắp làng, mẹ cháu đẻ em bé ra hàng chục con giun, ruột của em bé bị bà Tiện mang về ăn. Nhưng đâu phải có phải vậy, cái Lụa cũng như anh em tôi có biết gì. Thằng út sinh ra tràng hoa cuốn cổ. Bà Tiện vừa đặt thằng cu vào tay tôi vừa nói:

- Sau này thông minh, học hành sáng láng đây.

Đúng thật, thằng ấy học hành giỏi giang, giờ đã là Tiến sỹ ở cái tuổi trẻ tưng tưng. Cái Lụa còn vào khoe với ông bà nội mẹ cháu đẻ toàn giun thôi. Ông nội đang nằm hút thuốc trên sập gụ, khói tỏa lượn vòng, lừ mắt, cái Lụa sợ quá chạy vội ra cổng không dám vào nữa. Nó lại đi kể với mọi người: Lúc nãy cháu thấy ông nội cháu hút thuốc phiện, vâng, thuốc phiện đấy. Hút như thế này này... rồi nó tả cho mọi người ông nằm hút thuốc, mắt nhắm nghiền, rên hư hư. Nó bảo, ông cháu như sắp chết ấy. Thế là an ninh xã đến lập biên bản ông nội tội hút thuốc phiện nhưng tang chứng vật chứng chỉ là cái điếu bát hút thuốc lào. Cái Lụa bị ông đánh cho tơi bời. Ông bà chẳng thèm ra thăm mẹ tôi đẻ em bé. Hai tháng sau bà nội mới mang cho một bó củi với một cân gạo nếp để ở đầu hiên. Bà cũng chẳng thèm vào ngó mặt cháu xem nó tròn hay vuông.

Đời, đời thật là cay nghiệt với những bà mẹ chồng như thế. Bà nội tôi thuộc hạng người mát nước thối đá. Chỉ lượn lẹo nhưng lại có thể dìm chết nhân tính người. Chỉ vì tội cái Lụa mà anh em tôi bị ông bà nội cấm không được vào tắm vì bẩn giếng nhà ông vì nhà tôi không có giếng nước. Ông bảo, giếng nhà ông không thể để cho cái lũ trâu đất này tắm được. Cút.

Mẹ đẻ thêm em bé, bố cũng chẳng về được. Một mình mẹ phải tự làm mọi việc. Tự giặt giũ, tự nấu nướng mà ăn. Nhà hết gạo, bận con nhỏ. Mẹ chẳng còn cách nào nên nhốt mấy em ở nhà, kéo theo tôi đi chợ cùng. Trong túi mẹ không có một đồng. Mẹ đi mặc cả tận mười hàng gạo. Mỗi hàng gạo mẹ bốc một nhúm rồi cho vào miệng vài hạt cắn thử, lắc đầu rồi đi. Len lén một lúc mẹ để ý xung quanh rồi thả tay vào túi áo nhúm gạo đó. Đến hàng khác cũng vậy. Về nhà mẹ khóc với tôi: Thành ơi, mẹ ăn cắp đấy. Mẹ ăn cắp trước mặt con đấy. Nhớ nhé. Nhớ tới lúc bĩ cực nhất mẹ phải đi ăn cắp bằng cách này. Mẹ xấu hổ lắm con ơi.

Mẹ nấu cháo loãng cho anh em tôi ăn. Còn mẹ ăn sắn. Ăn sắn dù lá tre nên  mẹ tôi say nôn mật xanh mật vàng suýt chết. May có bà Tiện cạo mùn thớt pha nước bắt mẹ uống cho nôn hết mới khỏi. Mẹ xanh lại càng xanh hơn. Đôi mắt mẹ mệt mỏi đến khôn cùng. Đôi mắt mẹ như đã không còn mở được nhưng phải cố mở được để còn nuôi con. Đàn bà. Đời mẹ tôi đàn bà mà nhiều điều thật cơ cực. Ánh mắt mẹ tôi hình như có cung bậc, hình như nó giống như nốt nhạc khi trầm khi bổng, khi vui khi buồn, khi đau đớn lúc sung sướng. Mẹ bảo mẹ  sống thế để tích đức cho con. Ngay như khi mẹ làm thủ kho của hợp tác xã. Xi măng, sắt thép, lúa gạo đầy rẫy mà cũng chẳng dám lấy một cắc một xu. Chính vì thế mà mẹ đau đớn dắt tôi theo ra chợ để xem mẹ ăn cắp. Mẹ ăn cắp cũng thật vinh quang. Có phải như bây giờ, ở vị trí thủ kho như mẹ tôi, nhiều người xây nhà lầu, sắm xe hơi ấy chứ. Nhưng thời của mẹ tôi là vậy. Nhân viên hợp tác xã do nhân dân trả lương, chính vì thế mà chẳng dám nghĩ đến việc tơ hào. Mẹ vẫn thường nhắc anh em tôi: Sống phải chân thật. Cái tình vẫn phải cao hơn mọi thứ. Có lẽ thế mà cái tình của mẹ tôi cao lắm. Cái tình của mẹ tôi luôn luôn ngự trị ở trong lòng. Nhưng, mẹ cũng là con người, cũng là đàn bà cho nên cái đận mẹ làm dâu nhà chồng mới đầy rẫy cay đắng. Mẹ ngậm bồ hòn làm ngọt để cho bố tôi còn tiến thân. Với lại mẹ cũng là đảng viên. Đảng viên phải đầu tàu gương mẫu, phải đi trước, làm trước. Chính vì thế mẹ mới cay đắng chịu đựng sự đay nghiến của nhà chồng, sự khinh rẻ của anh em nhà chồng. Mẹ làm thủ kho hợp tác xã đã không tơ hào một xu một cắc thì chớ. Về đến nhà bị bố chồng chửi là đồ ăn hại, đồ giá áo túi cơm. Làm không ra làm, lại còn làm sai. Mẹ chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình bèn lễ phép đứng ngoài sân khoanh tay, bẩm báo:

- Thưa thầy, con không rõ đã làm sai điều gì?

Từ trong nhà vọng ra tiếng ho rồi ông nội tôi trong bộ quần áo lụa màu sữa, mắt đeo kính lão bước ra thềm chỉ tay vào mặt mẹ tôi:

- Mày làm sai sổ sách chứ còn gì? Làm điêu, phương hại gia đình tao.

- Thưa thầy, sổ sách con làm cẩn thận.

- Cẩn thận, hừ, tao sẽ lên báo cáo xã. Liệu hồn.

Nói rồi, ông nội tôi cầm ba toong lên xã tìm người tố cáo con dâu làm láo - theo như lời ông tôi nói. Xã cho gọi mẹ tôi và tổ kế toán đến nhưng không có sai phạm nào xảy ra cả. Ông nội cứ nhìn mẹ tôi hậm hực mãi. Không hiểu vì sao mà mẹ tôi lại bị bố chồng ghét cay ghét đắng như vậy. Mãi sau này tôi mới biết, là vì mẹ tôi đã bắt gặp ông nội tằng tịu với cô hàng xóm. Âu cũng là số trời cả. Nhưng số thì cũng phải có phận chứ. Mẹ tôi chỉ vì biết những điều đáng nhẽ ra không được biết thì sẽ tốt hơn. Nhưng mẹ tôi là thế. Mẹ tôi là người đàn bà đôn hậu. Không vì bị đối xử tàn tệ như vậy mà không đến hay chăm sóc bố mẹ chồng. Những ngày nắng chang chang cua còn phải bò vào từng bụi tre tránh nắng hay những ngày rét căm căm cò không thèm nhúng chân xuống nước mẹ vẫn cứ một thân một mình cày bừa, cấy hái cho bố mẹ chồng. Ấy vậy mà nhà có cỗ, không ai thèm phần cho mẹ tôi một miếng ăn nào. Anh em tôi vào chầu chực trong đó cũng không được xếp vào mâm mà cho ngồi riêng ra ngoài chiếu, ăn cơm thừa canh cặn của đứa con gái tật nguyền con của chú Tư. Con bé ấy có lớn không có khôn. Dãi dều bẩn thỉu, ăn miếng nào, mũi nhây ra miếng ấy rồi họ vứt cho anh em tôi như vứt cho những con chó hoang ăn vậy.

Anh em tôi không bao giờ quên nổi những cảnh ấy. Thằng út còn vẽ hẳn một bức tranh bằng than củi lên bức tường vằn vện mốc của nhà tôi cảnh ấy. Mẹ khóc mãi, khóc mãi rồi quyết định mổ hẳn hai con gà mái đang đi đẻ cho anh em tôi ăn một bữa thả phanh.

Làng Đõ. Làng Đõ với những câu chuyện thường ngày như thế. Nhưng tôi vẫn yêu làng tôi. Tôi vẫn yêu nơi tôi đã chôn rau cắt rốn của mình. Mỗi hòn đất, mỗi bờ tre đều đã thấm vào tôi. Mỗi con người ở đó đều trong tim tôi. Họ còn sống hay đã chết đều ở tâm trí tôi. Tôi vừa yêu vừa ghét họ vì họ là chính tôi. Tôi có thể đón họ chào đời. Tôi cũng có thể đi những bước chậm tiễn họ về với đất mẹ. Đấy, như đám ma bà Nghiên ấy. Bà đã chết sau những nỗi đau ê chề, sau những ngày làm dâu trong đau đớn tủi cùng. Ngày xưa, bà là dâu đẹp nhất vùng. Đẹp đến mức chồng và bố mẹ chồng không dám cho bà ra đường. Chồng bà tên là Châu. Họ ăn ở với nhau hạnh phúc trong nghèo khó. Rồi đột nhiên giặc xâm lược đến đặt bốt ở làng. Ông Châu đưa bà trốn ở ngoài đồng. Nhưng tên điểm chỉ của làng đã chỉ nơi bà nấp. Bà bị hơn chục thằng Tây nó hiếp. Nó hiếp bà đến quần áo tả tơi. Nó hiếp bà đến nỗi bà còn kinh hãi đến bây giờ. Nhưng hậu quả của nó đâu phải chỉ ở đó mà nó còn kéo dài cho đến tận hôm nay. Mấy mươi năm, mấy mươi năm lòng bà đau như lúc nào cũng có một con bọ hay con ròi đục trong xương trong tủy. Thế đấy. Hồng nhan bạc phận. Bà cũng tin điều đó. Nhưng bà căm thù kẻ xâm lược làm cho đời đàn bà của bà bị vùi dập. Ông Châu không bỏ bà nhưng ông hành hạ bà. Ông hành hạ trong những cơn say và không bao giờ thèm đụng đến bà. Bà thèm chồng đến đau đớn tâm can. Bà thèm chồng trong những đêm mưa đông gió rét, trong những đêm hè gió hiu hiu thổi. Bà thường trần truồng ra bờ ao nhảy ùm ùm tắm cho bớt đi cơn hỏa của người đàn bà. Bà không thể đến với người đàn ông khác. Người ta cũng sợ. Sợ vì bà đã bị hơn chục thằng giặc nó hiếp. Sợ cũng vì ông Châu dữ dằn quá. Bà sống mà như chết. Bà như con ma nơi xó nhà. Âm thầm chịu đựng. Ông Châu cưới vợ hai. Một người đàn bà cao ngỏng. Kiểu người một dóng, đườn đưỡn, đườn đưỡn. Làm gì cũng vụng, làm gì cũng hỏng. Mồm cá ngão suốt ngày đồng quà tấm bánh để trong buồng ăn vụng chồng vụng con. Bà Nghiên nhìn thấy thế mà thương ông Châu. Nhưng được cái, người đàn bà vụng thối vụng thiu ấy đã đẻ cho chồng bà những đứa con kháu khỉnh. Những đứa trẻ ấy đều do bà chăm sóc, nuôi dưỡng. Chúng thương bà và không  hề khinh rẻ bà tẹo nào. Bà được an ủi. Bà đem những nỗi nhớ chồng thèm chồng lao vào làm ruộng, buôn bán để kiếm tiền nuôi bọn trẻ ăn học. Chúng học hành giỏi giang và vẫn thường gọi bà bằng âm thanh êm dịu nhất : Mẹ cả. Mẹ cả. Ôi, tự dưng trong lòng bà trào dâng nỗi niềm một người mẹ khát khao có một đứa con máu thịt của mình. Ước mong ấy của bà rồi cũng thành hiện thực. Cảm được nỗi lòng người vợ dành cho gia đình hay nói đúng hơn là ông Châu không cưỡng lại được sức cuốn hút đẹp đến nao lòng của người vợ cả đã đưa bà vào cõi thiên thai trong một đêm đông dưới đống rơm sau nhà. Bà đã hoài thai. Ôi, người đàn bà hoài thai sau bao nhiêu năm có người đàn ông nào đụng tới. Chín tháng mười ngày. Đúng, chín tháng mười ngày không sai bà đã đẻ ra được một sinh linh bé nhỏ. Nhưng khuôn mặt đứa trẻ già đanh không khác một cụ già. Nuôi mãi, ru mãi, chăm bẵm mãi thằng bé đó cũng chỉ được gần nửa mét. Không lớn được mà nhìn nó già khủng khiếp. Ông Châu lại đay nghiến, đánh đập bà. Bà nghiến răng nghiến lợi chịu đựng để chăm sóc cho giọt máu mà bà hằng mơ ước, mà bà mang nặng đẻ đau. Bà cần con như cần cho mình một niềm hy vọng ở cuộc đời này. Thằng nhỏ chẳng được bố nó công nhận thường đánh đâp và mỗi lần uống rượu say ông lại treo hai chân thằng nhỏ rốc ngược treo trên cây vối nơi cổng. Bà Nghiên và đàn con vợ hai đã phải lạy ông, cầu xin ông mãi ông mới thả xuống. Rồi cái thằng người ấy cũng lớn, nó được một đoàn xiếc đến xin nhưng nó không đi. Nó bảo:

- Tôi ở nhà với mẹ. Mẹ khổ rồi. Tôi đi chắc mẹ chết mất.

- Con đi đi. Ở nhà, con chắc sống được không?

- Con phải sống để nuôi mẹ.

- Mẹ xin con. Con đi là gánh bớt cho mẹ một nửa nỗi đau rồi.

- Con ở nhà đến khi nào mẹ chết con mới đi.

Câu nói đó của đứa con đã khiến bà Nghiên day dứt. Ừ, nó không muốn thấy mẹ đau khổ, đớn đau. Nó muốn cùng với mẹ san sẻ bớt những nỗi đau.

Thế là bà Nghiên chết. Đám tang đưa bà thật là đông. Làng trên xóm dưới, đông đàn dài lũ ai cũng đến viếng bà, nghĩa tử nghĩa tận. Cuộc đời bà là cả một thiên tiểu thuyết. Cuộc đời bà là cả một nỗi đau đớn cho những người đàn bà đẹp sống trong thời giặc giã. Cuộc đời bà như một thửa ruộng bằng phẳng bị thiên tai cày xới chẳng còn chi. Đám tang ấy không có tiếng khóc của đứa con bà vì nó đau đớn khôn cùng. Nó đội khăn tang. Nó đã nằm bên mộ mẹ ba ngày ba đêm. Rồi nó chết lơ lửng trên cây vối ở cổng nhà. Ông Châu sững người. Cái chết của thằng người ấy như một dấu chấm than vào trái tim ông mà không bao giờ ông có thể thốt nên lời. Rồi ông Châu thành ra ngớ ngẩn đi lang thang bới rác, bới cỏ để ăn. Con cháu đi tìm, đưa về rồi lại đi tìm đưa về như những trang viết lập lại, lập lại.... rồi một ngày ông bị một thằng điên trong làng giết chết.

Mỗi khi nhắc đến chuyện của gia đình ông Châu mẹ tôi thường khóc. Bà là thế, hay thương vay khóc mướn. Hay buồn cho nỗi buồn của cuộc đời. Ôi, mẹ tôi, tôi sẽ yêu mẹ tôi hơn tất thảy trên đời. Mẹ là bản nhạc dịu êm nhất của cuộc đời tôi. Làn da, ánh mắt, mái tóc của mẹ luôn ở trong tim tôi. Mẹ đã đưa anh em tôi đến bến bờ thành công không phải vì tiền, không phải vì một thế lực nào mà bằng tình yêu thương, bằng sự nhiệt thành và sự chịu đựng vô bờ bến.

 


Đàn bà và sự cám dỗ

 

        Ngải xuất hiện trước mặt tôi. Xinh đẹp. Nõn nà. Thơm phức và chín mũm tuổi 30. Nó cười và xoay một vòng trước mặt tôi trước bao con mắt đang dòm ngó của những người đồng nghiệp của tôi:

          - Thế nào. Ngạc nhiên lắm hả. Cất đồ chuẩn bị đi gặp đối tác với mình. Chắc sếp cậu đã phôn rồi hả? Nào đi.

          - Nhưng để mình gọi điện cho ông xã đã.

          - Trên đường đi cậu gọi chưa muộn. Thôi, đi.

          Không kịp để tôi phản ứng, Ngải kéo tôi đi. Tôi chỉ kịp với cái điện thoại trên bàn rồi đi theo Ngải. Bước lên chiếc xe Lăngcudơ màu đen tuyền sang trọng, tự dưng tôi thấy mình "lên" bao nhiêu chân kính và cảm giác hãnh diện dâng lên trước những lời suýt xoa của những công chức phòng tôi. Tôi nhìn Ngải:

          - Ngải khác nhiều quá. Đẹp và hiện đại.

         - Cảm ơn. Cậu cứ làm phép so sánh đi.

          Công nhận, chỉ mới một năm không gặp lại, Ngải đã thay đổi hoàn toàn. Mọi thứ ở Ngải đều sành điệu và rất "style". Đến giờ, Ngải cũng không lấy chồng. Đó là phương châm sống của Ngải. Ngải sống độc thân trong một biệt thự ngoại ô thành phố ngay cạnh thành phố tôi đang sống. Nhà Ngải có đầy đủ tiện nghi. Đồ trang sức và mỹ phẩm nhiều vô kể. Chúng tôi gặp nhau rất ít, Ngải ở đẳng cấp thượng lưu, tôi là một công chức nhà nước bình bình. Sắc đẹp có nhưng bị che lấp bởi sự lam lũ, vất vả của cuộc sống gia đình. Bạn bè của Ngải từ cấp giám đốc trở lên. Nói chung Ngải ở một tầng lớp khác. Ngải lập một công ty chuyên môi giới những công việc giao dịch, quảng cáo và kiếm lời từ những dịch vụ đó. Một ngày của Ngải kiếm được bằng rất nhiều tháng lương của vợ chồng tôi. Tôi ngại tiếp xúc với Ngải vì nhiều người đàn ông đã qua tay nó. Ngải giải thích: "Phương châm của mình là thế. Đàn ông thích của lạ bao nhiêu thì đàn bà cũng vậy. Mình cá cược Cầm cũng vậy, nhưng Cầm là tuýp người khác. Cầm là người của "công, dung, ngôn, hạnh". Mình cũng có "công, dung, ngôn, hạnh" nhưng là theo quan niệm của mình. Thế cậu không thấy nhiều người đàn bà thừa tiền, thiếu tình vẫn vào sàn nhảy rồi cặp với những gã trai tơ đấy là gì. Đấy, cậu thử một lần đi. Không được á? Đừng thế, thử đi, cứ coi như "một lần" với chồng mình ấy mà". "Đi với bụt mặc áo cà sa. Đi với ma mặc áo giấy", tôi ngại gặp và khá e dè khi tiếp xúc với Ngải. Vì công việc, vì nhiệm vụ được giao nên tôi mới đi cùng Ngải. Ngải đưa tôi hộp trang điểm:
          - Ngắm thử mình đi. Cái gì cậu cũng để mộc thế... Đừng, đừng nói với mình "tốt gỗ hơn tốt nước sơn"... mỗi thời mỗi khác đấy. Tóc vẫn để dài, lông mày không tỉa, trang phục chẳng có tí gì đổi mới, "quá đát" từ lâu rồi. Đôi giày này, chắc không đánh xi bao giờ? Thời nào rồi bà trẻ ơi. Mình tính thế này, trước khi ta đi gặp đối tác, mà đối tác lần này khá sộp. Sếp cậu trông mong món lợi nhuận kếch xù này lắm đấy. Ông ta khá kỳ vọng ở cậu. Ông ta hứa với mình sẽ tăng lương và thăng chức cho cậu khi vụ này thành công. Mình sẽ tân trang lại cho cậu. Mọi khoản mình chịu, theo phương châm đôi bên cùng có lợi. Bây giờ mình đưa cậu đến Spa Linh. ở đó, họ sẽ phù phép cậu thành một bà hoàng xinh đẹp và sang trọng. Mình đi có việc, lát nữa quay lại đón cậu sau. Đừng e dè thế, cậu muốn có tiền trang trải cho gia đình cậu không? Cậu làm điều đó là cho chồng, cho con của mình được sung sướng đấy. Vụ này thành công cậu sẽ có nhiều hợp đồng làm ăn khác. Cậu sẽ kiếm được một căn hộ chung cư và còn hơn thế nữa. Thế nhé.
          Ngải đưa tôi đến một Spa mà trước đây đi qua, tôi chỉ dám nhìn lướt chứ chưa đặt chân vào. Tôi không có tiền và thời gian. Thời gian đối với tôi là kim cương, hay đại loại là một cái gì đó quý giá hơn thế. Với lại, đồng lương quá ít ỏi của một cán bộ công chức tôi không đủ sống chứ chẳng nói gì đến đi tiệm gội đầu, ép tóc, phun lông mày, săm môi. Với tôi đó là những thứ chỉ có tầm nhìn xa, "kính nhi viễn chi". Ngải đưa tôi vào. Mấy cô gái tóc nhuộm nhiều màu đi lại. Ngải bỏ qua vẫy một gã trai mặt non choẹt tóc trắng điểm vài cục vàng vàng, xam xám, dựng đứng. Kiểu tóc ấy chúng tôi vẫn gọi là kiểu đầu điện giật chim ỉa. Ngải vỗ vai cậu ta nói:

         - Tân trang cho chị gái đây nhé. Làm đẹp có thưởng. Trọn gói. Tính tiền luôn.
          - Cả đồ trang sức ha chị?

- OK.

Ngải mở ví. Thấy số tiền lớn như vậy, tôi giật mình. Chưa bao giờ tôi dám tiêu một đồng cho những việc từa tựa như "cải tạo" sắc đẹp. Đồng lương của vợ chồng tôi chỉ đủ cho thuê nhà, xăng xe, điện nước, ăn uống. Còn sữa, học hành của các con, trăm thứ bà dằn khác phải kiếm thêm. Tằn tiện thì đủ sống, gọi là khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, không dư dật, tích trữ. Vợ chồng tôi vẫn ước có một căn hộ chung cư. Nhưng đó chỉ là ước mơ. Thế mà lúc này tôi lại tân trang bản mặt mình bằng tiền đô. Tôi xót xa xen lẫn ngại ngần khi tiêu tiền của bạn. Nhưng không để tôi phản ứng, Ngải đã ra xe mất hút trong làn xe cộ. Tôi bắt đầu được bóc tách từng phần. Trước tiên là tắm. Bồn tắm thật đẹp, hương thơm của dược thảo thiên nhiên thơm ngát. Tôi e dè và tận hưởng. Cuộc sống thật thú vị xiết bao. Tôi lại nghĩ tới gia đình mình. Một gia đình nho nhỏ ở trong căn phòng 30 mét vuông được chia làm ba phần: Bếp, nhà tắm 4 mét vuông; một buồng ngủ; phòng khách. Tất cả ngăn cách nhau bằng những tấm cót ép dán giấy nến hồng nhạt. Vợ chồng tôi thích màu hồng. Phòng khách ban đêm biến thành phòng ngủ của hai đứa con và để hai chiếc xe máy. Giấc ngủ của chúng tôi ngập trong những mùi xà phòng, nước rửa bát, nước mắm, ga, xăng xe, quần áo ướt... Đại loại là những mùi của cuộc sống còn lắm khó khăn, chật vật. Nhưng chúng tôi vẫn sống đầm ấm trong những bữa cơm đạm bạc. Các con vẫn khoẻ mạnh và học hành giỏi giang. Chồng tôi vẫn đi làm và dành thời gian eo hẹp chăm sóc vợ con. Anh ít tham gia những cuộc bia bọt với bạn bè. Còn tôi, một ngày chỉ quanh quẩn ở cơ quan, chợ, nhà. Thỉnh thoảng vợ chồng con cái về quê nạp "năng lượng". Thế mà, một lúc tôi lại trở thành người đàn bà "sành điệu". Tôi thấy ngượng với chính mình. Đã ở tuổi ba mươi. Tuổi đẹp nhất của người đàn bà. Lúc này, người đàn bà đã "chín". Chín về thân thể. Chín trong cách chiều chồng. Những người chồng lúc ấy cảm thấy hạnh phúc và sung sương nhất. Còn đôi mắt ướt thì khó người đàn ông nào cưỡng nổi khi nhìn vào đó. Điều ấy, đối với tôi, tất cả ẩn trong những lo toan thường nhật. Mệt mỏi. Vội vã. Giản đơn. Còn Ngải - người đàn bà thời thượng. Nhanh nhậy, hoạt bát, xinh đẹp, giỏi giang, thông minh. Nhớ ngày học đại học nó bảo tôi: "Nói với bà, sau này, Ngải không làm việc cơ quan nhà nước. Mình kinh doanh. Mình thích một "chiến trường" hơn là cố thủ ở một "hậu phương". Mình không thích chui đầu vào cái "vòng kim cô" gia đình. Phức tạp. Trăm ngàn mối quan hệ. Đã làm dâu bố mẹ chồng lại còn làm dâu một mớ em chồng và một gánh họ mạc nhà chồng. Mệt. Mình chỉ thích cuộc sống tự lập, tự do, tự tại thôi. Không ai nhòm ngó, chỉ đạo. Mình thích là chủ một doanh nghiệp lớn. Mình thích được hưởng thụ, cảm nhận và sống cuộc sống như vốn có mình sinh là phải được như vậy. Tóm lại, mình gói gọn trong từ "thích" vậy thôi". Còn tôi lại khác Ngải, an phận thủ thường, sống làm việc bình lặng, không cạnh tranh. Ai biết việc người ấy. Không ai xâm phạm tới ai. Có lẽ tôi hợp với tạng như vậy. Có thể thế mà tôi không biết hưởng thụ và không thể hưởng thụ được. Đối với tôi gia đình là tất cả. Tôi không thoát được guồng quay muôn kiếp của một đời người. Sinh ra, lớn lên, lấy chồng và sinh con. Tôi không cảm thấy mệt mỏi với những mối quan hệ mà Ngải cho là nhằng nhịt, rắc rối. Tôi coi đó là niềm vui. Niềm vui được chăm sóc gia đình. Vun vén cho gia đình...
            - Xong rồi, mời chị ra gương.

Cô nhân viên đẩy tôi ra trước gương. Trước mắt tôi là một người đàn bà mặn mà, xinh đẹp, dịu dàng, đằm thắm. Dáng người thon thả nằm ấp trong chiếc váy lụa đen nhóng nhánh làm nổi nước da trắng mịn. Làn tóc xoăn thả nhẹ lơi lả bờ vai. Đôi bông tai e ấp sau những lọn tóc mềm mại. Trên cổ sợi dây truyền nhóng nhánh hạt ngọc trai. Mũi cao thanh tú. Đôi mày cong cong. Đôi mắt long lanh ướt rượt nhìn chị ngạc nhiên. Người đàn bà nhoẻn miệng cười. Hàm răng trắng nhỏ sau làn môi mọng phớt hồng. Đôi chân thon dài. Những móng chân được cắt tỉa gọn gàng đánh nhũ bóng nổi bật trên đôi xăng -đan cao gót màu rêu. Ngải xuất hiện sau tôi, đôi mắt tròn xoe.

          - Trời, Cầm đẹp... vẻ đẹp huyền bí... trông giống như một công nương... không... phải hơn thế nữa. Ta đi nào.

Chúng tôi tiến lại gần một chiếc xe Mecsedec. Một  người đàn ông bước ra. Cúi chào chúng tôi. Ông ta khá béo. Cái đầu mùm mụp. Tóc xoăn cuộn lại thành những lọn nhỏ dán vào da đầu như những con bọ róm lông xù. Ông ta có cái bụng khá to cho nên quần phải gắn thêm hai cái đai. Bất chợt tôi bật cười liên tưởng tới cái quần của cậu con trai ba tuổi của tôi cũng có cái đai chéo ở lưng vắt qua vai như vậy. Ông ta nhìn tôi như thôi miên. Cái miệng nhỏ và đỏ như một quả dâu tây run lên nói một cách hấp hoảng:

- Em đẹp... Ngải kể nhiều về em nhưng anh không hình dung nổi em đẹp như thế này. Mời em.Ông ta mở cửa xe, không quên đưa tay đặt vào mông tôi ấn nhẹ. Điều đó khiến tôi không hài lòng nhưng vì Ngải, vì công việc tôi đành im lặng. Xe đỗ trước một khách sạn. Ngải bước ra trước. Ông ta mở cửa cầm tay tôi dắt ra. Tôi có cảm giác lạ lẫm, thú vị. Ông ta biến mất sau dãy hành lang hun hút. Tôi đi cùng Ngải. Ngải thì thầm: - Cậu đẹp thế này mà không không chịu phát huy từ trước. Phí hoài sắc đẹp tuổi thanh xuân bao nhiêu năm. Cậu nên cách tân đi cho hợp thời thượng. Đừng là một bà già với quan niệm của "tam tòng, tứ đức", "tề gia nội trợ" của ngày xưa. Bây giờ "công, dung, ngôn, hạnh" đã khác rồi. Cậu hãy nhìn thiên hạ ấy... Tớ mà đẹp như cậu thì...

- Thế Ngải không đẹp à?

- Chỉ so với với thiên hạ thôi. So với cậu ư? Thua xa. Ta tới nơi rồi. Cậu vào trước với ông ta. Ông ấy là Tổng giám đốc Tổng Công ty cỡ bự đấy. Nhìn cách ông ta nhìn cậu thì thành công đã là 80% rồi. Liệu mà... cho được việc. Tớ phải đi đằng này một lát. Nhớ nhé... phải thành công chứ không thất bại. Đây, số phòng.
          Ngải khuất sau dãy hành lang dài. Tôi ngập ngừng không dám vào. Tại sao mình lại ở đây. Tôi tự hỏi. Tôi sẽ có một khoản tiền lớn trang trải cho cuộc sống của gia đình mình. Tôi phải... tôi phải... Ô thế đã có chuyện gì đâu nhỉ? Mình chỉ đi ký hợp đồng thôi mà. Mình còn có Ngải cơ mà... Nghĩ thế nhưng tôi không dám bước vào căn phòng số... cửa hé mở... đợi lát nữa Ngải tới sẽ vào luôn một thể. Nghĩ vậy, tôi định quay ra thì bất ngờ một bàn tay chắc như gọng kìm kéo tôi vào phòng. Mặc váy bó liền thân lại đi giày cao gót nên tôi ngã ngay trong vòng tay một người đàn ông. Tôi bối rối. Định thần lại tôi đã nằm trên giường trong vòng tay người đàn ông béo múp ấy. Tôi rùng mình nhìn ông ta thơm tho trong bộ Pirama màu sọc xám. Mắt ông ta hau háu nhìn tôi. Tay ông ta ôm chặt lấy tôi. Tôi chống cự những không thể. Ông ta sục sạo thành thạo, rất nghề trên người tôi và ghim tôi mệt lử trên giường cùng với những tiếng hồng hộc như lợn bị chọc tiết. Tôi thấy lờm lợm một chút nơi cổ họng.

 Tôi hoàn thành bản hợp đồng trong sự thán phục của mọi người. Mọi người chúc mừng tôi: "Cầm có người bạn gái thật tuyệt vời". "Đợt này, Cầm thay xe, điện thoại được rồi". "Mà này, Cầm đẹp quá. Đúng là có tiền mua tiên cũng được. Người đẹp vì lụa mà...". Tôi cảm thấy đau đớn. Tôi bị lợi dụng. Ngải, người đàn ông béo chụt và sếp tôi đã lợi dụng tôi để làm ăn. Nghĩ đến hắn mà tôi vẫn còn ám ảnh. Tôi không thể nào xoá nổi hình ảnh ở khách sạn. Nó như một thước phim quay chậm ngày nào, lúc nào cũng diễn ra trước mắt tôi. Nó đã xoáy vào tôi và tôi thấy một sự lâng lâng khó tả. Một sự ăn vụng và sự phản bội chồng với cảm xúc khác lạ. Ông ta đã tận dụng tôi một cách triệt để. Có thể ông ta đã tìm thấy "sự mãnh mẽ" đàn bà trong tôi và ông ta không thể cưỡng nổi. Cho nên, ông ta vẫn thường xuyên điện thoại cho tôi, vẫn trang bị cho tôi mọi thứ và vẫn ghim tôi trên giường với những tiếng kêu hồng hộc. Tôi đâm lao. Tôi giống như một con điếm phục vụ cho ông Tổng giám đốc giàu sụ nhưng hám gái ấy. Vợ chồng tôi đã có một căn hộ chung cư, tiện nghi đầy đủ. Từ khi ấy, chồng tôi nhìn tôi với ánh mắt dò xét pha lẫn một sự nhẫn nhịn chịu đựng khôn tả. Trong những lần chăn gối, anh thở dài: - "Đi" nhiều nên lãnh cảm hả? Tôi quay vào tường: - Đi với ai. Anh tưởng tượng phong phú thật đấy - tôi vờ ngáp - Ngủ đi.  - Tiền đâu mà suốt ngày tiệm nọ tiệm kia? Bỏ bê con cái. Hờ hững với chồng. - Thế để cho người ta chết già trong xấu xí à? Các con vẫn đầy đủ. Ngày nào anh chả "được" mà còn lắm chuyện.Bất ngờ anh vùng dậy, lật tôi lên, dứt đứt doạt hàng cúc áo của tôi.- Để tôi xem đã có bao thằng nằm với cô rồi.Tôi co người nhưng không tránh khỏi cơn phẫn nộ của chồng. Anh hùng hổ như trâu húc nhau. Anh làm tôi đau. Anh vẫn không tha cho tôi. Anh với tay lấy chiếc quần treo trên móc, lấy ra viên thuốc nuốt ực một cái và bắt đầu "tra tấn" tôi trong môn thể thao kích thích và nhầy nhụa, sung sướng và đau đớn. Đó là cách anh ghen. Anh bảo làm vậy, để xem còn đi được với thằng nào nữa. Vừa làm anh vừa nghiến răng:- Đú đởn này... Đi với con Ngải thì còn gì nữa... trời ơi... Anh vật xuống người, đầu anh chúi lên hai bầu ngực đỏ rực của tôi rên hư hư. Nước mắt anh chảy nóng ran trên qua khe ngực chảy xuống lưng tôi nhồn nhột. Tôi đẩy anh ra. Anh hí hóp vừa thở vừa nói:- Ôi, rặt một loài "bướm đêm"Tôi bật dậy, mắt long lên:- Cái gì? Anh nói cái gì? Bướm đêm á? Đúng đấy. Tôi muốn làm thế đấy. Nói thật với anh nhé: Đời tôi học hành giỏi giang, ăn được, làm được. Nhan sắc ư? Tôi có dư, vậy mà suốt ngày tôi phải chịu khổ. ở thì ở trong căn nhà ổ chuột, chổng mông nhóm than suốt ngày. Làm việc cả ngày lẫn đêm, đầu tắt mặt tối, lôi thôi, luộm thuộm có khác gì con ở cho anh. Anh đã bao giờ biết chiều chuộng tôi không. Anh đã bao giờ mua chút gì cho tôi không, đã cho tôi chút nhàn nhã nào không. Tôi nói thật với anh, tôi chịu hết nổi rồi. - Cô không chịu được thì đi đi. - Tôi sẽ đi. Anh tưởng anh báu lắm hả. Ì ạch mãi không lên được chức gì. Để vợ con phải khổ thế thì sống làm gì. Thà tôi "đứng đường" còn có tiền mà nuôi con. - Con tôi không cần cô nuôi bằng những đồng tiền bẩn thỉu đó. - Bẩn thỉu ư? Anh ăn, ở, bấy lâu nay bằng những đồng tiền bẩn thỉu này đấy?- Cô im đi. Đi được thì cô đi đi- Anh không phải thách. Anh tưởng tôi không dám đi hả. Tôi muốn thoát khỏi anh từ lâu rồi. Anh khiến tôi ngán đến tận cổ rồi. Không biết kiếp trước tôi mắc nợ anh những gì mà kiếp này tôi trả mãi không hết. Thôi, coi như tôi trả nợ anh bằng tuổi trẻ đẹp nhất của mình. Tôi trả nợ anh đấy. Từ hôm ấy, tôi không ở nhà mà đến nhà Ngải. Người đàn ông ấy đến đưa tôi đi chơi. Ông ta đưa tôi đi du lịch khắp nơi. Những lúc ông ta sung sướng, ông ta vui ông ta thường cười ha ha, hả ha. Cười to đến mức tôi thấy buồn cười và cười theo ông ta. Mỗi khi lên giường với nhau xong, tôi thường vuốt mái tóc bạc của ông ta mà thỏ thẻ: - Người như anh, đáng ra em phải gọi bằng bác mới đúng. Thế mà hay thật. Ông ta cười, vỗ vỗ vào mông tôi rồi đưa tay lên cổ: -Từ đây trở lên anh khác. Còn từ đây trở xuống anh là một gã trai tơ đấy. Ông ta cưng chiều tôi hết mức và mua hẳn cho tôi một ngôi nhà ngoại ô thành phố. Ngôi nhà nhỏ, thiết kế theo kiến trúc của Thái Lan. Có bể bơi và đặc biệt có một không gian toàn hoa là hoa. Toàn hoa hồng bạch - một loại hoa tôi ưa thích. Hết giờ làm việc, ông ta đến với tôi. Một hôm ông ta mang cho tôi cặp vé: - Chuẩn bị đi Thái cưng.Tôi mừng rơn đu lên người ông ta. Lúc ấy, điện thoại của tôi đổ chuông.- A lô. Cầm à - tiếng chồng tôi - thằng Hiếu ốm nặng, đang trong bệnh viện. Cầm về với con. Nó chỉ gọi mẹ...Tôi không nói gì. Tự nhiên khoảng không trước mặt tôi rơi tõm vào cõi hư vô. Người đàn ông ôm ghì lấy tôi:- Nào cưng... chuẩn bị ta đi nào...Con trai tôi ốm. Còn con bé con không biết có bị sao không. Tôi không gặp các con đã lâu rồi. Tôi chỉ nhờ Ngải đưa tiền cho chồng nuôi con. Tôi muốn tất cả những thứ tôi kiếm được phải dành cho các con... Nhưng... người đàn ông ôm ghì lấy tôi, thì thầm: - Đi cưng... Tôi đi Thái với người đàn ông của tôi. Trong chuyến đi Thái, tôi tận hưởng những điều tốt đẹp nhất. Tôi quên hết tất cả. Người đàn ông ghé tai tôi: - Cưng sinh cho anh đứa con nhé. Vợ anh nó không đẻ được.- Anh định bắt em đẻ thuê cho anh à?- Ai bảo cưng vậy. Em li dị chồng đi rồi đến sống hẳn với anh. Em là vợ của anh. Là tất cả của đời anh.- Nhưng...- Không nhưng nhị gì cả... thế nhé. Tất cả anh là của em mà... Tôi nghe theo những lời đường mật ấy. Ông ta mua cho hai đứa con tôi một ngôi nhà trong thành phố. Lập cho tôi một tài khoản lớn. Tôi chính thức là cổ đông của Tổng công ty. Ông ta bảo: - Đẻ xong, anh sắp xếp cho em một chỗ trong Tổng Công ty để giúp còn giúp anh. Tôi bị hút theo những cám dỗ xa hoa, những bổng lộc tự trên trời rơi xuống. Tôi trở thành giám đốc một Công ty con. Tôi đã biết dùng sắc đẹp, thân xác gợi cảm của mình để làm ăn bằng những mánh lới mà nhiều khi tôi cảm thấy kinh tởm. Tôi không thể quên được những lần ông Tổng giám đốc của tôi, người tình già đã đưa tôi đến những cuộc chơi bất tận của những đại gia. Một thế giới hoàn toàn khác với những gì đạo mạo, quyền uy của những ông quan "lớn" mà tôi thường gặp ở các cuộc họp hay ở trụ sở. Cái phòng mà tôi được đưa đến nhờ nhờ tối, có vẻ nhớp nhúa mùi rượu sịn, sì gà và cả những tiếng rên rỉ sung sướng nữa. Họ đó, những quan "liêm chính, chí công vô tư", là những công bộc của dân, những chủ doanh nghiệp cỡ bự đang đánh bài, chơi gái đấy. Tôi cũng là một trong những người đàn bà đang trần truồng nằm gác lên đùi những "đại gia" để kiếm tiền. Những đồng tiền được nhét vào "nơi ấy". Nhưng tôi khác những người đàn bà kia. Tôi dùng thân thể mình để dành lại những ân hưởng của những "đại gia" cho tôi là những hợp đồng béo bở và tạo hành lang thông thoáng cho sự làm ăn phi pháp của ông Tổng của tôi. Nhưng ông Tổng của tôi cũng quặn người khi thấy một đại gia thua bạc trèo lên người tôi nhấp nhổm, nhấp nhổm trong sung sướng. Và từ những cuộc chơi như thế tôi đã kiếm được rất nhiều tiền. Các con tôi không thiếu thứ gì. Chồng tôi bảo: - Cô đừng gửi cái gì cho các con tôi cả. Chúng không cần những thứ ấy. Chúng cần một người mẹ. Một người mẹ như ngày trước chúng từng có. Tôi bảo rằng: - Tôi lúc nào cũng là một người mẹ tốt của các con tôi. Đời tôi đã khổ, tôi không muốn các con tôi khổ. Anh không có quyền ngăn cấm. Chồng tôi đòi ly dị. Tôi đồng ý bởi lẽ trước sự săn sóc của người đàn ông nọ tôi có tất cả. Tôi bảo: - Tôi có quyền được nuôi con. Chồng tôi nhão ra: - Tôi xin cô. Tôi chỉ có các con là niềm an ủi lớn nhất. Chúng là tất cả của tôi. Cô đi suốt ngày, ai chăm sóc các con. Cô cứ tận hưởng cuộc sống đi. Để lại con cho tôi. Coi như tôi xin cô vậy. Tôi đồng ý với điều kiện, anh ta phải để tôi chu cấp cho các con. Tôi cứ sống như thế. Nhiều khi tôi thấy mình giống một con thiêu thân cứ lao vào những cám dỗ bất tận không có điểm dừng. Những cám dỗ của cuộc sống này đối với tôi như là những cuộc khám phá đầy bí ẩn, cả những gã đàn ông cũng vậy. Điều Ngải nói là thật. Họ là những cảm giác lạ, những cảm giác mạnh đối với những người đàn bà như tôi. Đôi khi bất chợt, trong giấc mơ tôi cũng thấy lại ngôi nhà trọ tồi tàn xưa. Vợ chồng con cái xì xụp nồi mì tôm khi sáng dậy. Ngủ trong một căn phòng bé tẹo. Cả mùi của ngôi nhà ấy nữa. Tôi mất ngủ vì những giấc mơ như thế. Thỉnh thoảng các con và chồng cũ của tôi gọi điện. Nhiều lúc, tôi định trở về nhưng những cám dỗ của cuộc sống hiện tại có một sức mạnh ghê gớm mà tôi không cưỡng lại nổi. Tôi không thể, không thể trở về như xưa được nữa. Tôi làm như thế này, cũng là vì các con tôi đấy chứ. Tôi chỉ thích sống cuộc sống như thế này. Một hôm, trời mưa, tôi đến ngôi nhà ven ngoại ô, nơi tôi và ông tổng giám đốc vẫn thường hẹn nhau ở đấy. Tôi mở cổng, bước vào. Tôi đi men theo hành lang lên gác định vào căn phòng quen thuộc của mình thì nghe có tiếng thỏ thẻ của một giọng nữ:- Cưng à… thế nào? Thế đã ngã giá “người tình” với vị đại gia ấy chưa?- Chưa, nói thật với em, anh hơi tiếc Cầm… nhưng thôi vì công việc. Giá của Cầm là đổi được ba hợp đồng với số lợi nhuận đến cả anh và em cũng giật mình đấy, yêu ạ…Tiếng cười, tiếng rên, tôi lặng đi. Thì ra, ông Tổng và người bạn tên Ngải của tôi đã bán đứng tôi như thế, đã coi tôi là món hàng để kiếm lợi. Thế thì được rồi, Cầm này sẽ không để cho các người được yên đâu. Đồ… Tôi lặng lẽ ra khỏi căn nhà mà tôi cho đó là ngôi nhà đích thực, là ngôi nhà mà ông Tổng xây cho hạnh phúc của chúng tôi… Tôi miên man nghĩ và nhớ lời khuyên của Ngải dành cho tôi:-  Cậu về với các con đi. - Mình không về được. Không thể Ngải ạ. Chính cậu đã biến mình thành như vậy rồi mà. Đừng khuyên mình gì hết. Mình không nghe đâu. Ngải chua chát:

- Mình đã thành công khi biến Cầm thành một người đàn bà thời thượng. Cậu thấy cuộc sống như thế này thú vị lắm à. Nhưng Cầm ơi, cậu tỉnh lại đi. Cậu tỉnh lại đi. Các con cần một người mẹ.

 - Không thể, mình cần một cuộc sống như thế này.

Bất ngờ Ngải tát tôi:

- Đồ máu lạnh.

Tôi hét lên:

- Phải, máu lạnh đấy. Cầm này có tất cả tiền bạc, sự cưng nựng. Cầm này trở thành một con điếm rồi đấy. Cầm này không cần có một gia đình như ngày xưa. Cầm này không cần phải lột xác trong căn nhà trọ tồi tàn với đủ thứ mùi khó khăn chật vật. Một gia đình suốt ngày chỉ biết lo toan với những cơm áo gạo tiền. Với những chuyện vụn vặt bất tận... Không. Đó không phải là cuộc sống của mình. Đây mới cuộc sống của mình.

Tôi khóc. Tự nhiên Ngải bật cười. Cái cười làm tôi im bặt. Nó lấy cho tôi ly rượu.- Chúc mừng. Đấy mới là Cầm chứ. Trên đời này, có ai là mẫu mực không bị cám dỗ trước sự xa hoa của cuộc sống. Cậu là người đàn bà của "công, dung, ngôn, hạnh" mà cũng có thể phá vỡ được "cái vòng kim cô" tưởng như cực kỳ vững chắc của gia đình. Thật ngoạn mục. Cậu biết không, mình bỏ ra vài ngàn đô tân trang lại cho cậu và mình thu về được mối lợi là cái vi -la giữa thành phố này đấy, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Còn nữa, còn một mối lợi mà cậu tặng tớ nữa. Cậu biết là gì không? Đó chính là cậu đấy. Từ cậu mà tớ có nhiều hợp đồng tuyệt vời...Thế mà, lúc ấy mình chẳng nghĩ gì về những điều đó cả.

 

 

Rồng rồng cá chuối

 

      - Bầm, mở cửa cho con.

      Cụ già giật mình khi có tiếng người.

      - Bầm, mở cửa cho con.

      - Mày á Mai?

      - Vâng.

      - Tao không có chìa khóa. Hôm qua vợ chồng nó kêu mất tiền với gạo nước gì đấy. Nó dặn tao không mở cửa cho ai cả. Vợ chồng, con cái nhà nó mỗi người đánh một cái chìa khóa rồi.

      - Bầm... bầm có tiền không, con vay mấy đồng cho cháu nó đóng học phí. Con chưa bán được lợn. Mấy hôm nữa con giả bầm.

      - Tao hết rồi. Hôm qua thằng bố Khởi sang, tao đưa cho nó rồi.

      - Bầm, cái mấm bầm đang đeo ở tai ấy. Con giật tạm nhá.

      - Vợ chồng nó biết, nó nói tao. Đôi mấm này vợ chồng nó cho tao phòng khi ốm đau. Không được.

      - Anh chị ấy thiếu gì. Con mượn...

      Đang nói đến đấy thì người anh rể về. 

      - Có chuyện gì à dì Mai?

      - À... anh Thà ạ... dạ không. Em lên thăm mẹ một tý xem tay mẹ đỡ hay chưa?

      - Thế à? Chứ không phải vì việc khác chứ?

      - Anh cứ đùa. Thôi. Bầm nghỉ đi, con về đi làm cỏ đây. Em về anh ạ.

      - Dì về.

      Anh Thà mang đồ vào nhà, mở cửa ra. Anh đặt âu cháo lên bàn, lấy bát múc ra rồi rắc ruốc bưng vào phòng đưa cho bà cụ:

      - Bà ăn cháo cho nóng.

       Một tay anh cầm bát cháo một tay cầm thìa bón cụ. Cụ Vĩnh vừa ăn cháo vừa rớt nước mắt:

      - Tôi cảm ơn bố mày.

      - Sao bà lại nói thế. Đấy là trách nhiệm vợ chồng con. Con trả còn chưa hết ơn sinh thành ra nhà con chứ chưa nói đến chuyện khi chúng con khó khăn, đi công tác xa bà chăm sóc các cháu lớn khôn. Bà đừng cả nghĩ.

      - Nếu như thằng bố Khởi nó được như bố mày thì tôi...

      - Để con lấy thuốc cho bà.

      Anh Thà không muốn nhìn thấy mẹ vợ khóc. Anh đi ra ngoài và thở dài cám cảnh cho cụ. Cụ ở bên này với vợ chồng anh nhưng tâm của cụ vẫn ở với người con trai bên xóm Chùa. Khổ vậy, “cá chuối đắm đuối vì con”. Có mỗi mụn con trai mà sao phải khổ đến vậy. Vừa lúc ấy, chị Thản cũng đi chợ về, đuổi mấy con gà đang bới đám rau muống trong vườn. Chị cất làn thức ăn vào bếp, cầm lên cho mẹ quả chuối:

      - Bầm ăn quả chuối này. Thế nào, lại khóc thương thằng bố Khởi à? Bầm còn chưa biết được lòng dạ của ông con trai giả nhân giả nghĩa ấy hay sao. Mẹ gãy tay gần một tháng rồi mà vợ chồng con cái nhà ấy có ai thèm thò mặt sang thăm không. Quân mất dạy.

      Anh Thà nói với vào:

      - Mẹ mày hay thật đấy. Sao lại nói bác ấy như thế.

      - Ông còn bênh à? Con cháu gì, bà ốm đau đi viện như thế mà không thấy mặt mũi đâu. Ai cần đồng quà tấm bánh của chúng nó... Đồ vô ơn, đồ bất hiếu.
      Bà cụ phân bua:

      - Hôm nọ thằng bố Khởi nó cũng có sang. Nó bảo: Bầm cứ ở đây ba năm nữa rồi con đón bầm về bên ấy ở với chúng con.

      - Cái gì? Ba năm nữa á? Vẫn còn dám vác cái mặt dày sang đây à. Muốn đưa bà về bên ấy phải bước qua xác con này. Còn bầm nữa... Bầm có muốn sang bên ấy không?

      - Ờ thì, bố nó bảo thế thì bầm biết thế. Lúc nào nó đón thì bầm về.
      - Bầm vẫn chứng nào tật ấy. Bầm muốn đi đi về về để vợ chồng con muối mặt với làng xóm láng giềng à. Bao nhiêu tao nhiêu tuyết rồi. Bầm thích thì ở, không thích thì đi. Bầm không nghe người làng đồn ầm lên kia à. Người ta đồn là vợ chồng con đón bà về để đưa đi viện còn lấy tiền phong bì, để khi chết còn lấy lời lấy lãi. Bầm biết chưa?

       Bà cụ Vĩnh khóc nấc lên ngồi xoay ra bên cửa sổ. Tay phải của cụ được băng bó cẩn thận và được treo lên ngang bụng bằng một băng vải màu đỏ. Cụ thẫn thờ nhìn ra ngoài sân. Nơi ấy một đàn gà mới nở đang kiếm mồi. Gà mẹ lông màu xám, chân ngắn, mọc rất nhiều bìu sần sùi. Những ngón chân cứng và xám xịt đang ra sức bới gốc cây ráy rồi cục cục gọi các con lại. Mấy chú gà con lông vàng màu nắng non thi nhau chạy đến, cướp nhau miếng mồi là một con giun bé xíu nhưng lại quá to so với một chú gà con mới nở. Con giun nằm giãy giọn ngang cái mỏ bé tý xíu. Con gà con ấy chạy đi, đàn gà con chạy theo cướp con giun. Chạy một lúc, gà con dừng lại ở gốc cây rau dền ra sức nuốt con giun...

      Chị Thản khóc nấc lên. Chị thấy ức quá. Vợ chồng chị không muốn mẹ khổ, đưa mẹ về bên này chăm sóc lúc tuổi già. Nhưng bà cụ lại chỉ “lá rụng về cội”, lúc nào cũng muốn về bên con trai. Không thích ở với con gái. Nhớ những năm trước, cụ ở bên ấy, vợ chồng chị ngày nào cũng ba bữa mang cơm sang cho cụ ăn, tắm giặt cho cụ. Vợ chồng ông Khởi - con trai cả của cụ - thì có hề động chân động tay làm cho bà cái gì đâu. Chồng thì nhu nhược. Vợ thì lăng loàn. Bốn đứa con trai thì chỉ có hai đứa là của chồng còn là của những thằng cha căng chu kiết nào đó không ai biết. Suốt ngày chỉ có ăn trắng mặc trơn, ngồi lê đôi mách. Chồng thì cùng cục đi làm đồng, rỗi rãi làm nghề thợ nề nhưng không dám nói vợ một câu. Vợ ông còn bận cắp cặp đi họp xã. Vợ là phó chi hội phụ nữ xóm Chùa. Chửi mẹ chồng như vãi mắm tôm vào mặt. Dám trộn cả muối vào bát cơm của mẹ chồng. Hàng xóm nhìn thấy thì bảo nhầm: Đấy, tôi suốt ngày bận bịu suy nghĩ cho công việc mà nhầm cái nọ xọ cái kia.

       Trời thật chẳng thương cụ Vĩnh đã già yếu lại còn làm khổ cụ thêm. Hôm ấy, vợ chồng anh chị Thà đi ăn cỗ cưới ở làng bên. Cụ không có nước rửa mặt, đánh liều đi ra giếng để bơm bước. Nhưng nền giếng trơn, cụ trượt chân ngã. Trong lúc ấy có cả vợ chồng ông Khởi ở nhà. Họ không thèm ỏ ê gì tới cụ. Họ còn bảo: Cho chết, cứ cậy có con gái với con rể tốt. Đợi chúng nó sang mà chăm sóc, mà đưa vào nhà. Cụ kêu lên nhưng không ai thèm đáp lại. Cụ cố bò vào nhà rồi rên rỉ bảo: 
      - Bố Khởi ạ, tay bầm đau quá. Mày xem hộ bầm cái.

       Ông Khởi đã không hỏi han gì mà còn quát:

      - Đi đâu mà mò ra đấy.

       Gần ba tiếng sau, ông Thà mang cơm cho mẹ, thấy tay mẹ sưng vù hỏi thì cụ bảo: 
      - Tôi ngã.

       Ông Thà nắn nắn thấy xương lạo xạo mới gọi con cháu đưa bà đi viện. Vợ chồng ông Khởi giương mắt ra nhìn. Đã thế vợ con ông còn nói với mọi người rằng: “Tay bà cụ có làm sao đâu. Vợ chồng Thà đưa cụ đi viện để kiếm thêm phong bì”. Người làng biết cả cho nên họ chỉ cười. Đôi người còn đế vào: “Ai đời lại để bà cụ ở bên nhà con gái. Đón cụ ấy về. Nói thật rằng, chuyện đời muôn kiếp từ ngày xưa tới nay, có bao giờ con dâu thương mẹ chồng, mẹ chồng thương con dâu. Các cụ bây giờ già rồi nên hay giở chứng, giở thói lắm. Ăn rồi lại bảo chưa ăn... Nhưng ông bà Thà như thế là không được, dám vượt mặt cả anh chị cả. Sang mà đón cụ về”. Nhưng vợ chồng nhà Khởi có dám sang đâu. Chỉ nói cho sướng mồm. Không sang thăm mẹ lấy một ngày. Sang thì hay sang lúc vợ chồng con cái ông Thà không ở nhà để còn chôm chỉa được cái gì hay cái ấy. Nhà ông Khởi thì nghèo. Làm được đồng nào ăn đồng ấy. Nhà cửa tuềnh toàng. Con cái thất nghiệp cả. Bốn con trai với bốn con dâu chia nhau mấy sào ruộng mà làm ăn. Chúng cũng theo bố theo mẹ không sang thăm bà.

      Bà cụ ở bên nhà anh chị Thà nhưng ruột gan cụ héo que héo quắt. Cụ thương thằng bố Khởi không có cái gì mà ăn. Khi cụ ở bên ấy còn có đồng ra đồng vào. Các con gái cụ cho cụ tiền để ăn quà sáng, quà vặt thì cụ giấu đưa cho thằng bố Khởi. Cụ không ưa gì con dâu nhưng thương con trai. Cụ vẫn dành phần cháo sáng sáng bố mẹ Thà mang sang cho thằng bố ấy nó ăn. Cụ còn nhờ người mua bịch mỳ tôm để dưới gậm giường, sáng sáng ủ cho con trai ăn, hay hôm nào nhỡ bữa, vợ nó không nấu cơm nó còn có cái mà ăn. Cụ nhờ hàng xóm mua cho con trai cái áo để mặc. Tội thằng bố, suốt ngày thấy mặc áo cũ. Đi làm hay đi ăn cỗ vẫn chỉ có mấy cái ấy. Tội quá. Thôi thì bà lấy của con nọ cho con kia. âu cũng lọt sàng xuống nia mà. Hai cô con gái út của bà thì suốt ngày sang nịnh bà cho tý tiền để đóng học cho con. Cụ bảo:

      - Chúng mày đi lấy chồng thì co kéo ở nhà chồng. Bầm làm gì có.

      Hai cô con gái bảo:

      - Thế sao bầm lại lấy của anh chị Thà cho anh Khởi?

       Hai cô con gái cụ Vĩnh ngoay ngoảy bỏ về.

      Bây giờ thì cụ Vĩnh đang ở nhà anh chị Thà - vợ chồng con gái lớn. Vợ chồng nó được cái đôn hậu. Thương anh thương em. Nhưng anh em thì cứ bòn rút thành ra vợ chồng anh chị ấy thấy cám cảnh quá. Vợ chồng Thà được ba đứa con, đều học đại học ra, công ăn việc làm ổn định. Dựng vợ gả chồng cho chúng đã xong, anh chị Thà chỉ muốn chăm sóc cụ Vĩnh lúc tuổi già. Sống bên bác cả thì khổ quá, thương quá. Cơm không được ăn, nước không được uống lại suốt ngày bị dằn vặt, bị con dâu mắng chửi thậm tệ. Nhưng cụ cam chịu, một điều nhịn là chín điều lành, thôi không chấp. Cụ chỉ muốn ở gần thằng bố Khởi để chăm sóc nó. Kể cũng lạ, con người ta khi lớn lên, già cỗi mà trong mắt cha mẹ vẫn chỉ là một đứa trẻ con. Cụ cũng định sẽ về ở với bố Khởi khi khỏi bệnh nhưng vợ chồng con mẹ Thà lại nghĩ ngợi. Ở đây, cụ sung sướng thật nhưng buồn quá. Tâm trạng đã nặng nề, nhà cửa lại im ắng suốt ngày. Vợ chồng Thà đi làm suốt, chỉ trưa, tối mới ở nhà. Con cháu thi thoảng mới về chỉ chào bà, chào cụ được một câu, hỏi thăm vài lời là lại ào đi. Chúng nó bảo bà ăn uống cho khỏe, đừng nghĩ ngợi gì, ở với bố mẹ cháu đến lúc chết. Bọn cháu bận lắm, không chăm sóc bà được. Công việc mà, bà thông cảm nhé. Bà không trách. Chúng là những đứa cháu ngoan. Chúng còn tôn trọng bà hơn con trai con gái bà. 

      Hàng ngày cụ ngồi bên cửa sổ. Chẳng biết làm gì. Hết nằm lại ngồi. Hết ăn lại uống. Cụ chỉ có khung cửa sổ để nhìn ra bên ngoài. Cụ thèm được ra ngoài quét quáy cho đỡ buồn chân tay nhưng khốn nỗi tay chân cụ bị như vậy, bó bột nặng trình trịch, đau nhức không tả được. Cụ chỉ nhìn ra sân, ra vườn. Nhìn mấy chú gà đùa nhau mà cảm thấy như gia đình ngày xưa nghèo khó nhưng vui vẻ, anh chị em đùm bọc nhau. Bây giờ, chúng nó đã có gia đình. Mọi sự đã khác. Nước mắt cụ rớt trên má. Trong bếp vợ chồng Thà đang chuẩn bị nấu ăn. Mặt trời đã lên cao vót nơi ngọn tre trước nhà.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...