VanVn.Net - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, nhà văn Đình Kính đã xuất bản cuốn bút ký “Huyền thoại tàu không số”. Ngày 29 tháng 9 năm 2011, tại trụ sở Hội, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí để giới thiệu cuốn sách này. Từ cuốn bút ký của nhà văn Đình Kính, nhà văn, đạo diễn cao cấp Minh Chuyên đã xây dựng bộ phim tài liệu 10 tập và giữ nguyên tựa đề: Huyền thoại tàu không số. VanVn.Net xin đăng tải lời giới thiệu cuốn sách của nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu và trích đăng một đoạn trong cuốn sách.
Từ phải sang trái: Nguyên TBT Lê Khả Phiêu, đạo diễn Minh Chuyên, nhà văn Đình Kính,
nhà thơ Hữu Thỉnh, ông Trần Văn Hữu, ông Đào Hồng Tuyển
LỜI GIỚI THIỆU
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, để trực tiếp chi viện vũ khí, trang bị và nhân lực cho cách mạng miền Nam, cùng với con đường vận tải dọc Trường Sơn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở con đường vận chuyển chiến lược trên biển Đông. Cuối năm 1961 đến năm 1975, đã có hàng trăm “tàu không số” của đoàn 759 ( tức Đoàn 125 sau này) vượt biển, đưa được nhiều cán bộ, chiến sỹ, chở hàng chục ngàn tấn vũ khí cung cấp kịp thời và có hiệu quả cho quân dân ta ở Nam Bộ, khu 6, khu 5 và nhiều địa phương khác, những nơi mà vận chuyển bằng đường bộ khó lòng vươn tới, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Vận chuyển vũ khí vào chiến trường bằng đường biển trong những năm chiến tranh khốc liệt là công việc hết sức khó khăn, vô cùng gian truân và nhiều hy sinh. Thiên nhiên khắc bạc, biển cả mênh mông, sóng to gió lớn; kẻ thù nham hiểm lắm mưu kế, trang bị hiện đại, phong tỏa nhiều thủ đoạn… Song với tinh thần quả cảm, táo bạo, mưu trí và sáng tạo, cán bộ, chiến sỹ đoàn “tàu không số” đã lập nên nhiều chiến công đặc biệt suất sắc. Với chiến công đó, đơn vị đã hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, nó thể hiện nghệ thuật quân sự tài tình, sự độc đáo và sáng tạo của chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tôi hoan nghênh Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách “Huyền thoại tàu không số” nhằm ghi lại một cách chân thực những kỷ niệm, những câu chuyện của cán bộ chiến sĩ và nhân dân đã từng tham gia làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí trên biển trong những năm chiến tranh. Đây là việc làm cần thiết và hữu ích, không chỉ để người trong cuộc ôn lại kỷ niệm hào hùng của quá khứ mà còn có tác dụng giáo dục con cháu về truyền thống đánh giặc của cha ông.
Nhân dịp cuốn sách “Huyền thoại tàu không số” ra mắt và kỷ niệm 50 năm ngày thành lập đoàn 759 - tức đoàn 125 ( 23/10/1961- 23/10/2011), tôi gửi đến cán bộ, chiến sỹ và nhân dân từng làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường bằng đường biển trong chiến tranh, các đồng chí thương bệnh binh, các gia đình liệt sỹ của Đoàn lời thăm hỏi ân cần và những tình cảm thắm thiết. Mong các đồng chí không ngừng phát huy truyền thống vẻ vang trong những năm kháng chiến giải phóng dân tộc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ đất nước hôm nay và xây dựng một nước Việt Nam giầu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.
Cám ơn nhà văn Đình Kính đã sưu tầm và viết lại những câu chuyện, những chuyến đi một cách trung thực, cảm động.
Hà Nội, ngày 21 tháng 2 năm 2011
LÊ KHẢ PHIÊU
NGUYÊN TỔNG BÍ THƯ BCH ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
(Đã kí)
Bìa cuốn bút ký
NGƯỜI ANH HÙNG CỦA BIỂN
(Trích Huyền thoại tàu không số)
Cách đây đã khá lâu, tôi có một cuốn tiểu thuyết, viết về các chiến sỹ làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào chiến trường bằng đường biển thời chiến tranh. Một trong những nhân vật của tiểu thuyết là Tám Thạnh.
Tám Thạnh sinh ra ở một làng chài ven biển nam Trung bộ. Nơi đó, nửa cuộc đời ông đã gắn bó. Gắn bó trong những kỷ niệm tủi nhục xót xa. Tủi nhục xót xa, nhưng đấy vẫn là quê hương, vẫn là chốn người mẹ khốn khổ, bất hạnh của ông run rẩy trong đêm, xục tay bới cát, vùi lấp vội vã núm nhau rồi hớt hả ôm con, băng qua lộ Một, vào rừng. Lớn lên, ông là đứa trẻ không cha. Hỏi mẹ, mẹ chỉ khóc. Người ta đồn rằng ông là con lão chủ Hiệp Hùng nào đó. Mẹ ông bị cưỡng hiếp và bị đuổi ra khỏi nhà khi tới kỳ sinh nở. Chưa đầy mười tuổi, mẹ chết, ông trơ trọi bơ vơ, không cửa, không nhà, ngày ngày lang thang ngoài bãi biển kiếm cá nuôi thân. Đặt lưng đâu, đó là giường ; rúc vào vườn dừa nào nướng cá, đó là nhà. Mười ba, mười bốn tuổi đã biết lặn. Lặn giỏi. Dân vùng này đồn rằng, ông thuộc tính từng loài cá, và có thể dụ chúng theo. Cả vùng Cà Ná rõ tài bơi lội của Tám Thạnh. Một năm mười hai tháng, mỗi tháng ba mươi ngày, có ngày nào ông vắng mặt ở biển!... Một ngày nọ, từ xóm trên, một người đàn ông béo ú, mắt híp, có cái nhếch mép bí hiểm như thể là cười, tìm đến và gạ nhận ông làm con nuôi. Ông thuận. Người đó kêu ông là Tám và dẫn về, cho nằm dưới nhà ngang với đám dân chài làm thuê. Ông ở lại đó ba năm, ngày ngày theo thuyền đánh cá ra khơi, lặn gỡ lưới. Có lần, lưới quấn vào người, để thoát, ông bứt tung, ngoi lên. Năm thứ tư, ông đòi tiền công. Gã cha nuôi nói rằng đã trừ hết vào khoản ông làm rách lưới dạo nọ. Ông bực, bỏ đi. Tay trắng, ông lại ra với biển. Lại săn tôm, xỉa cá mang lên chợ. Ngày này qua ngày khác, ông sống đơn chiếc trong căn lều le te ngoài bãi, cam chịu số phận hẩm hiu. Năm năm, tháng tháng qua đi và lạ lùng thay, cũng có một người đàn bà si ông. Đó là người đàn bà đã nhinh nhỉnh tuổi, nhưng dân Cà Ná vẫn gọi là cô, cô Hai. Cô Hai là con gái bà Ba- Cá- Hồng .(Tại sao bà có cái tên như vậy, Tám Thạnh không rõ, chắc vì bà chuyên bán cá Hồng ngoài chợ). Cô Hai có cặp mắt nhỏ tựa một vết nứt nơi ruộng lúa gặp hạn, nhưng ánh nhìn sắc như dao cạo, liếc ai thì người đó đứt da đứt thịt... Đôi lông mày kẻ chỉ, đen thui, cong cong giống hai con đỉa vắt trên tròng mắt. Và một cặp môi ươn ướt, mỏng như lá lúa, hay cười. Mỗi lần thấy Tám Thạnh mình trần, đẹp như tượng, người đỏ sẫm, ngực nở, chân tay to, cơ bắp nổi gồ, bóng như gỗ gõ, xách cá từ dưới bãi đi lên, cô con gái bà Ba cuống quýt như chạm phải lửa. Cô mở đôi môi lá lúa, cười; rồi đong đưa hai vệt nứt trên trán, nhìn ông chằng chằng... Người đàn ông khoẻ mạnh ấy có sức hút kì lạ. Những ngày ông không lên chợ, cô Hai nhấp nhổm như ngồi phải gai xương rồng. Rồi cô vật vã bắt mẹ cưới bằng được người đàn ông to con đó cho mình. Thoạt đầu bà Ba- Cá - Hồng có ngạc nhiên. Con gái bà chẳng gì cũng đã từng làm vợ một viên chức trên tỉnh, có nhan sắc, hơn đứt gái vùng này; da trắng, khuôn mặt dẫu nhiều tàn nhang, vẫn dễ coi. Một khúc giò lụa lại rơi vào tay cái thá đen đúa, phàm ăn, không thước vải che thân? Nhưng sau nghĩ tới mối hời ở tài bơi lặn (điều bà từng biết đến) cuả gã kiết xác ấy, có thể mang lại, bà ưng. Với nữa, cô Hai đâu để bà yên. Đêm đêm cô chặt chân xuống giường, rống lên như bò cái động đực: tôi khổ lắm ! tôi khổ lắm ! Và còn doạ rằng, nếu không có người đàn ông đó, cô sẽ nhảy xuống giếng. Cuối cùng bà Ba đành bằng lòng. Cô Hai đã cụng tuổi băm, tai tiếng quá trời trên tỉnh, lấy chốn giầu sang cũng khó... Cưới chồng cho con xong, bà Ba nhờ người sắm thuyền, mua lưới để con rể đi biển. Chỉ nửa năm, bà phất lên. Những hôm động trời, cả vùng Cà Ná giấu thuyền, treo lưới, người ta vẫn thấy Tám Thạnh đẩy thuyền ra khơi. Những ngày như thế, cá mực mới dễ vào lưới làm sao! Nhưng ở chợ lại hiếm, bà Ba cứ đưa dao vào cổ người mua mà cứa. Bà giầu nhanh vì vậy. Tám Thạnh bằng lòng với cuộc sống mới của mình. Ông có nhà để ở, và có người đàn bà để kêu là vợ. Ân ái cũng nồng nàn. Ông có việc, công việc ông yêu thích... Cuộc sống tạm ổn thoả trong sự bằng lòng đơn giản và qua loa của ông, cứ thế trôi... Nửa năm sau, một hôm, xuống tới mép nước, Tám Thạnh sực nhớ chưa mang theo chai mắm, liền lộn về lấy. Đáy biển lạnh, người thợ lặn chẳng thể thiếu mắm. Cửa vừa mở, Tám Thạnh không tin vào mắt mình nữa. Trên giường, cô Hai, người gọi ông là chồng, và đêm nào cũng lay ông dậy vài ba bận, đang quắp chặt một gã đàn ông, cả hai không mảnh vải che thân. Họ xoắn vào nhau như một cặp rắn. Tám Thạnh không rõ, không hiểu gì cả. Hoàn toàn bản năng, ông lao mạnh cái bơi chèo đang cầm trên tay về phía "cặp rắn", đạp cửa, nhào đi... Ông vào rừng.
Những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Pháp, Tám Thạnh ở trong đội thuyền làm nhiệm vụ chở vũ khí từ khu 5 vào khu 6. Sau hiệp định Giơ- ne- vơ, ông không đi tập kết mà được phân công ở lại. Năm năm sau, nhận lệnh Khu uỷ vượt tuyến ra Bắc. Ở đây ông được sung vào đội ngũ những người chở vũ khí cho chiến trường, bằng đường biển. Ông đã cùng đồng đội đi nhiều chuyến, bí mật đưa vũ khí vào Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh... Rồi một lần, ông đựơc đi trên con tầu chở súng đạn về quê. Ông mừng quá! Từ ngày ném cái bơi chèo vào sự không chung tình của người đàn bà mà ông kêu là vợ, tuông đi, dễ chừng hơn hai mươi năm. Hai mươi năm, ông chưa một lần trở lại vùng biển đó. Nhớ lắm! Thương lắm! Nơi ấy, dẫu nhiều tủi hờn chua chát, vẫn là quê hương. Nơi đó có những cây dừa già, rễ sần sùi cắm sâu xuống cát; nơi đó có mùi tanh của cá, và nơi ấy nước biển mặn chát, chiều chiều thuyền dềnh lên, ghếch vào bãi, ăn muối... Mấy đêm liền đi trên biển, Tám Thạnh trằn trọc không ngủ được. Nghĩ rằng chỉ ngày một, ngày hai mình sẽ được đặt chân lên bãi cát nặc mùi cá, dẫu chỉ một lát, mà nao cả lòng. Khi đi trai trẻ, lúc tuổi tác đã cao mới có cơ trở về thăm, và liệu còn được thêm lần nữa không ?
Nhưng Tám Thạnh đã không gặp may. Chuyến chở vũ khí ấy bị lộ. Tình thế nguy cấp tới mức cấp trên quyết định cho phép huỷ tầu. Sau tiếng nổ lớn, đoàn thuỷ thủ dìu díu nhau tấp được vào bờ, nhưng họ đã bị bao vây. Một tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ chặn ở eo núi. Tám Thạnh là người thông thuộc địa hình, nên ông đề nghị được nghi binh, đánh lạc hướng để đồng đội rút. Mấy ngày sau đó, một mình ông xoay trở trên ngọn đồi... Và một buổi chiều, khi bắn hết viên đạn cuối cùng, ông gỡ quả lựu đạn duy nhất còn lại, cầm ở tay rồi khi bóng tối trùm xuống, xách khẩu AK lảo đảo lê tới một bụi rậm. Ông đổ xuống đó, kiệt sức. Bàn tay trái vẫn nắm quả lựu đạn. Bàn tay phải với những ngón đen sạm, quắt héo, ông ghim sâu xuống ngọn đồi như muốn neo chặt vào đất quê…
Nhân vật Tám Thạnh tôi dựa vào cuộc đời anh hùng Đặng Văn Thanh mà hư cấu nên. Có điều Đặng Văn Thanh không chết. Ông vẫn sống. Sống ở Cà Ná. Sống một mình trong ngôi nhà nhỏ bên bãi biển như Tám Thạnh ngày xưa. Khác chăng là ngôi nhà hôm nay thoáng rộng hơn, quanh vườn trồng rất nhiều hoa.
Tôi vẫn ấp ủ rằng có một lúc nào đó sẽ viết về cuộc đời thật của người anh hùng, mà lần lữa mãi. Nay đã có điều kiện, tôi quyết định đi Cà Ná. Từ Nha Trang, tôi xuôi xuống vùng biển ấy.
Cà Ná kề quốc lộ một. Biển sát chân đường, xanh ngăn ngắt. Chưa đâu biển xanh đến vậy. Xanh đến ngỡ ngàng. Xanh đến bâng khuâng. Dẫu vô tình tới mấy, qua đây, khó có ai không dừng lại để mà nheo mắt hướng ra xa, nơi mặt trời đang nhấp nhánh phả nắng xuống thảm nước biêng biếc, bao la; nơi có gió mặn đưa lên mát rượi. Cà Ná hấp dẫn trong sự mênh mang hư thực của trời và biển, của nắng và gió...
Nhà ông rất dễ tìm. Từ đường Một, rẽ vào chừng 100 mét, qua đồn biên phòng là tới. Người anh hùng không mấy khó khăn để nhận ra tôi. Bàn tay thô ráp, sạm cháy xiết cổ tay tôi rất lâu. Và vẫn cầm vậy, ông hồ hởi kéo vào nhà. Tôi rõ ông mừng lắm, vui lắm. Mừng bởi bao năm rồi còn có người tìm tới, và vui bởi có khách, đêm nay căn nhà thêm tiếng người, đỡ tẻ.
Ở đây nghe sóng mài lên bãi, thât gần. Có âm thanh gì đó như thể gió đang lùa trong những rặng phi lao, rì rầm, kiên nhẫn, mải miết...
- Lâu quá rồi, hí! Để đi kiếm chút đồ biển ta nhậu lai rai.
Chân đất, đầu trần, ông đi về phía những con thuyền đang nghếch mình phơi nắng cuối bãi. Hơn bẩy mươi tuổi, nom vẫn khỏe. Nhìn ông luỳnh khuỳnh bước trên bãi cát, tôi chợt liên tưởng tới nhân vật Tám Thạnh của mình, cũng một dáng đi liêu xiêu vì gió của người miền biển, vẫn một vóc người sắt lại bởi nắng, bởi gió. Tám Thạnh ngày xưa quanh năm đầu tắt mặt tối, lang thang khắp bãi bờ kiếm sống. Đặng Văn Thanh ngày nay không thế. Vẫn đơn lẻ, nhưng cuộc sống của ông thanh nhàn, thảnh thơi và đủ đầy. Lương hưu đại tá cộng chút ít các khoản trợ cấp đủ để ông nuôi thêm một người.
Đêm đó, chúng tôi kê ghế ngồi ngoài sân. Thoang thoảng hương chượp từ đâu đấy đưa tới. Và dưới kia, biển thân thiện rì rào, tha thiết chào mời. Cái âm thanh quyến rũ ấy, nghe đã nhiều, ngỡ như đơn điệu, vẫn chưa một lần gây cảm giác nhàm chán. Tôi chợt hiểu, Đăng Văn Thanh bỏ mọi tiêu chuẩn ở phố để về với Cà Ná, thật có lý! Chỉ khi được hoà quyện vào nắng, vào gió, và đằm trong hương biển, ông mới thực là mình. Ông là người của biển, và chỉ biển mới làm nên ý nghĩa cuộc đời ông.
- Hồi đó chú vượt tuyến ra Bắc cách sao, chú Tám? (Tôi vẫn kêu ông như thế)
- Đi bộ chớ cách sao - Ông đáp: Có chỉ thị là lên đường. Chín tháng lội rừng. Ra tới Vĩnh Linh rồi vẫn ngỡ là mơ. Tôi kể anh nghe chuyện này. Hôm được gặp Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, ổng hỏi tôi: “Thanh biết đọc, biết viết chứ?”. Tôi ngượng. Suốt đời làm thuê lặn mướn, có biết thế nào là mặt chữ. Tuy vậy không dám dấu, cứ thưa thật: “Dạ, tôi chưa một lần được học, chỉ thạo mỗi nghề biển”. Đại tướng nhìn tôi thông cảm. Ông bảo: “Vậy thì phải học thôi, không học khó làm được việc”.
- Và chú học?
- Ba tháng đầu “tổ chức” bố trí người dạy. Sau đó tự học. Rỗi lúc nào học lúc đó. Bí thì hỏi anh em. Những năm sau bẩy lăm (1975), khi đã làm Chính ủy, bí thư Đảng ủy trung đoàn, thỉnh thoảng được đi học thêm vài lớp ngắn hạn. Nhưng làm việc cũng vất vả lắm. Thời đánh Mỹ khác, lúc này khác. Nhiều lần tôi đề nghị cấp trên tìm người thay. Hòa bình rồi, lãnh đạo cần học vấn cao. Với nữa, không được ra biển, bứt rứt thế nào ấy!
- Rồi chú xin nghỉ?
- Cái gì đóng góp được, đã gắng hết sức. Nay công việc mới, lượng mình kham khó nổi nên xin trở lại làm dân... Mấy năm đầu sống trong thành phố, nhà cửa đủ tiện nghi, nhưng cuộc sống ở đấy có lẽ không hợp, ồn ào, bí bức, tù túng, nên sau đó chuyển về Cà Ná... Dẫu sao thì nơi đây cũng là quê hương...
Ông ngừng lại, hình như có cái gì đó thoáng gợn chút tâm trạng, là tôi nghĩ thế. Và vì nghĩ thế nên trong suốt câu chuyện, tôi tránh nhắc tới những điều có thể gợi ra nỗi trống trải nơi ông... Cách đây mấy năm, hồi đi làm phim “tầu không số”, chúng tôi có ôm máy lần tới Cà Ná. Chúng tôi hỏi thăm nhà anh hùng Đặng Văn Thanh. Bà con Cà Ná nhìn nhau ngơ ngác. Lạ nhỉ, người anh hùng, niềm tự hào của cả làng, cả xã mà không ai hay ư?. Nhưng khi hỏi đến nhà chị Trốc, cả một đoàn người dẫn vào tận cửa. Chị Trốc đã gần 70 tuổi, người đậm, một phụ nữ mang dáng vẻ đặc trưng của người vùng biển khu 6. “Đây là lần đầu tiên có người của đơn vị anh ấy về thăm gia đình tôi”. Không phải chị trách. Chị thân tình và nói là để vui. Mà chị vui thật. Chị cười luôn luôn và rất cởi mở. Có phải chị chờ một dịp này để tâm sự? Chuyện của chị như thế, có ai đã viết đâu đó trong các trang báo. Buồn vui lẫn lộn... Hai người, chị và anh Thanh đều là dân vùng này. Khi anh ra Bắc, chị nhỉnh hơn tuổi ba mươi. Ở tuổi ấy, tuổi đang muốn gần chồng, phải xa, phải đợi khổ lắm, và chẳng hẳn dễ chịu chút nào!... Chị lại cười và sởi lởi thú nhận... Mười lăm năm sau, khi đất nước đã bình yên, anh về. Chị đâu biết anh đã là một anh hùng! Mà anh hùng, để làm gì ? Kể tới đây, giọng chị ấm ức, không được vui nữa. Chị lặng đi một lát như cố nén điều gì. Mắt chị chớp nhẹ và giọng chị nhỏ hơn . “Nhưng tôi đâu có trách ông ấy. Hoàn cảnh mà! Cũng không hờn ghen chi người phụ nữ ngoài đó. Tôi bảo, ông đưa tôi đi Hải Phòng thăm mấy mẹ con... Tội lắm, cô ấy chồng liệt sỹ nên cũng cần có một chỗ để nương tựa. Là phụ nữ, cũng phải biết thông cảm. Gặp, chuyện trò rồi thấy thương. Chiến tranh đã mất mát quá nhiều, cớ chi không đùm bọc, nhường nhịn nhau mà sống. Tôi bảo đưa các cháu cùng về Cà Ná làm ăn, nhưng còn ngại. Ngại thì ở ngoài đó. Biết ông nhà tôi băn khoăn như đứng giữa ngã ba đường, chẳng rõ rẽ lối nào, tôi liền bảo: ở ngoài này các con còn nhỏ, anh ở lại để cùng cô ấy chăm lo việc học hành và nuôi dậy chúng..., ở thêm mấy bữa nữa, chị em tâm sự cho đã, rồi tôi về... Từ đó, hàng năm ông ấy có về Cà Ná thăm tôi. Nhưng tôi không giữ lâu. Chẳng phải bực bõ chi, đàn bà ai không muốn gần chồng, nhưng nghĩ lũ trẻ và cô ấy ngoài đó cần sự có mặt của ông hơn. Với nữa, già rồi, đi lại nhiều tội lắm...”.
Chuyện cũ ấy, biết vậy, tôi không muốn nhắc lại. Tôi hướng suy nghĩ của ông vào những chuyến đi biển. Tôi đã bắt trúng mạch. Giọng ông thật vui. Ông không chỉ kể để tôi nghe, mà có lẽ còn là nói với chính mình.
Ông đẩy về phía tôi đĩa khô mực. Mực Cà Ná dày mình, mềm, ăn rồi vị ngọt còn đọng mãi nơi vòm miệng... Phía mép biển, sóng vẫn kiên nhẫn mài lên bãi, và cái âm thanh ấy như thể cố tình làm nền cho câu chuyện đêm nay...
... Chuyến đi ấy của tàu 41 là chuyến thứ chín của Đặng Văn Thanh, nhưng là chuyến đầu tiên mở đường đưa vũ khí vào Bà Rịa. Đó là cuối tháng 9 năm 1963. Hay có tin bão về, T41 lập tức nhổ neo. Đi trong bão để tránh gặp tàu địch là “phương sách” của những chuyến vượt biển. Trên đường đi, trừ máy trưởng Huỳnh Văn Sao và chính trị viên Đặng Văn Thanh, mọi người đều say. Suốt buổi sáng, Đặng Văn Thanh không sao nấu nổi nồi cháo. Nước đổ vào, nước lại hắt ra. Sóng lớn quá! Cuối cùng phải thả một chiếc màn, nấu chung với gạo. Nấu từ bảy giờ sáng đến một giờ chiều, cháo mới chín... Hết bão lại gặp gió nam. Ngược sóng tàu chạy rất chậm. Ngày thứ tư, tới ngang đảo Phú Quý. Đây là điểm, theo kế hoạch, tàu chuyển hướng vào bờ, đi trong hải phận miền Nam.
- Cả ngày và đêm hôm đó, tụi tôi không ai chợp mắt - Anh hùng Đặng Văn Thanh kể tiếp - Lo quá, hồi hộp quá! Chuyến đi nào cũng vậy, lúc tàu chuyển hướng vào bờ đều căng thẳng. Và rất quyết định. Nếu chuyển sớm quá, sẽ lênh đênh lâu trong vùng biển địch kiểm soát, hết sức nguy hiểm. Nhưng nếu rẽ muộn, sẽ không kịp vào bến trước lúc trời sáng. Chúng tôi hạ bớt cột buồm và cho tàu chạy chậm lại. Tàu đánh cá của dân khá đông, trà trộn vào đó mà đi. Tám giờ tối bắt được đèn pha Vũng Tàu. Mừng lắm! Nhưng không dám thốt lên, e vui sớm quá. Qua cửa Lộc An, tàu vào thẳng sông Ray. Sông Ray ở khúc thuộc địa phận Phước Hải là điểm được chọn làm nơi đổ hàng. Trước đây tôi có hoạt động ở vùng này nên thuộc địa hình. Có Thôi Văn Nam và Nguyễn Sơn, là người gốc Phước Hải, đứng đầu mũi tàu làm hoa tiêu, chúng tôi lặng lẽ cho tàu chạy sát bờ, và thấp thỏm chờ tín hiệu. Trời tối thui. Hai bên bờ lặng phắc, gồ lên nền trời từng mảng đen. Mười hai giờ đêm, vẫn im ắng. Một giờ hơn, cũng bằn bặt. Có sự cố gì chăng? Tôi và anh Một nhìn nhau, lo toát mồ hôi. Chúng tôi cho tàu chạy tới, chạy lui, biết trời sắp sáng, thẻo ruột gan. Nước bắt đầu rút. Và cái điều đã lường trước, xảy ra: tàu mắc cạn. Mắc cạn ngay trước mũi đồn Phước Hải. Con tàu nằm trong tầm sáng đèn pha từ đó chiếu xuống. Chúng tôi như ngồi trên lửa. Nhưng đây chưa hẳn là điều choáng váng nhất. Hai giờ sáng, người của bến ra, cho hay rằng địch điều quân, có tới ba chục xe M.113 đi theo, sắp càn. Ý kiến của lãnh đạo bến là để tuyệt đối an toàn, bảo đảm việc vận chuyển lâu dài, cần đặt bộc phá, phi tang mọi dấu vết, càng sớm càng tốt. Tôi rủn cả người. Vậy là chuyến mở đường vào Bà Rịa thất bại! Sẽ báo cáo với đoàn thế nào đây? Tôi rõ là các anh trong Bộ chính trị đánh giá rất cao việc đưa vũ khí vào miền Đông, và đang lo lắng dõi theo tin tức tàu chúng tôi từng giờ. Mười tám tấn vũ khí, với bao công sức chuẩn bị mới đưa vào tới đây, vậy là vụn tan. Lòng tôi như dao cắt. Dạo mới hòa bình, mấy năm hoạt động ở vùng này, tôi rõ lắm, anh em mình chỉ ao ước có vài ba viên đạn thôi. Ai tích trữ được thì giữ dành, cất dấu đến long đầu, vẫn chưa dám dùng. Còn súng thì khỏi nói, moi được một khẩu đã han rỉ chôn xuống đất trước đó là giấc mơ.
Lưng áo ướt đẫm, nhưng hình như kinh nghiệm trước những khó khăn đã giúp tôi tỉnh táo. Cần nhất lúc này là một quyết định sáng suốt, một lựa chọn chuẩn xác. Tôi nhanh chóng phác kế hoạch, nhưng rất cần kiểm chứng qua trí tuệ tập thể. Tôi triệu tập chi bộ, hội ý. Các đảng viên chụm lại trên boong. Tôi đề xuất ý kiến không hủy tầu. “ Tôi ở lại với con tàu, nếu có triệu chứng lộ, tự tôi sẽ giựt bộc phá, phi tang chứng cứ, lúc đó vẫn chưa muộn”. Chi bộ ủng hộ. Việc cần nhất lúc này là khẩn trương lấy hàng. Nước cạn, chúng tôi đứng thành hàng, chuyền tay từng hòm súng, hòm đạn. Trên bờ đã có anh em bộ đội. Gần sáng, hàng chưa bốc hết, nhưng đành ngưng việc. Anh Một cố đánh tay lái nhằm xoay mũi con tầu về phía đồn Phước Hải để nếu trên đó nhìn xuống, thấy nó không mấy lớn, rồi đưa anh em lên bờ. Tôi ở lại. Ông Năm Sao lấy lý do thợ máy không được phép rời tầu, nhất quyết không đi. Tôi đành đồng ý. Ông Năm đã có tuổi, người Trà Vinh, trước là thợ máy xưởng Ba Son. Những năm đánh Pháp làm công nhân quân giới. Ông giỏi nghề sông nước nên cấp trên điều ra Bắc, sung vào đơn vị chúng tôi. Ông đã đi rất nhiều chuyến, kể cả chuyến mở đường đầu tiên năm 1962 vào Cà Mau. Chuyến nào khó khăn, quan trọng, trên lại điều thợ máy Năm Sao. Có ông trên tầu, chúng tôi thiệt an tâm. Chỉ nghe tiếng máy là ông rõ nó hỏng chỗ nào. Lành nghề hết sức, lại chẳng biết say sóng là gì. Dẻo dai, cứng chắc như khúc gỗ đước. Tầu qua đâu, ngửi mùi biển là đọc ra được địa danh chỗ đó. Sau bẩy lăm, ổng trở lại quê hương Trà Vinh. Khi đi, làm thợ máy, trở về cũng chỉ là anh thợ máy. Không quân hàm, chức tước, địa vị. Dân thường. Tham gia cách mạng như nghĩa vụ phải làm của người dân ở một nước bị xâm lược, vậy thôi. Mấy năm trước nghe tin ổng mất, nhưng đường xa, sức yếu, tôi đành cáo lỗi, không xuống được miền Tây thắp nén nhang. Nhớ ông Năm lắm! Chuyến đi Bà Rịa hồi đó, không có ổng, tôi chẳng rõ mình xoay trở ra sao... Con người ấy mới đáng được phong anh hùng chớ!
Ông dừng lại. Tôi nhận ra nơi vầng trán ông có cái gì như thể nỗi suy tư, trăn trở. Ông dốc một ngụm lớn rượu vào cổ, lắng nhìn về phía biển. Quá khứ như thể những lớp sóng đang hiện trong mỗi nếp nhăn nơi gương mặt sạm nắng và gió.
... Hai người, Đặng Văn Thanh và Huỳnh Văn Sao kéo lá cờ ba que lên đỉnh cột buồm. Xong, họ cài kíp nổ vào nửa tấn bộc phá vốn đã chuẩn bị trên tầu. Cẩn thận hơn, còn đặt một thùng xăng, một đống vải màn, một bao diêm bên cạnh.
Mặt trời cao dần. Nắng hắt xuống khiến cả vùng Phước Hải sáng bừng. Sóng lăn tăn nối nhau vỗ nhẹ vào mạn tầu…
Mười giờ. Nắng như thiêu. Căng thẳng và lo âu. Hai người cùng giả cách đánh bài. Tay cầm bài nhưng mắt quan sát. Cách tầu vài chục mét, dăm bẩy chiếc thuyền cá hớt hải đi ra biển. Những người trên thuyền gò lưng sát mái chèo, dáng vội vã, chẳng ai chú ý đến tầu bị cạn. Con tầu trơ ra giữa sông.
Chính trị viên Đặng Văn Thanh ngước lên đồn Phước Hải, có cảm giác như từ đó bọn địch nhìn rất rõ con tầu, thậm chí thấy cả ông Năm Sao đang ngồi đốt thuốc triền miên trên boong. Con tầu đã lọt vào tầm nhìn, tầm đạn của chiếc lô cốt. Biết đâu bọn địch chẳng hí hửng: “À, tầu Bắc Việt giả dạng tầu cá mắc cạn…” và thú vị bởi con mồi sập bẫy.
- Chú Năm, liệu trên đồn có nhận ra mình không? - Thanh chợt hỏi - Cái biển số mình gắn hồi hôm đúng số đăng ký của tầu đánh cá vùng này chớ?
- Mấy đứa du kích biểu đúng - Ông Năm đủng đỉnh đáp.
- Mình gắn chặt vào rồi, hả chú?
- Chặt! Tao đã soát lại lần chót. Mình đã xác định sống chết với con tầu, ngán chi.
- Đâu có ngán… Mạng mình đã đành, nhưng còn sinh mạng con đường…
Thanh nhìn quanh, thấy con tầu hôm nay sao cao, to bè, chềnh ềnh giữa sông, thật chướng.
- Cỡ nào thủy triều lên, chú? - Thanh lại hỏi
- Chừng quá ngọ, hôm nay mùng chín.
- Chà, gần ba tiếng nữa…
Hỏi vậy để đỡ nóng lòng. Thanh đâu lạ con nước vùng này!
Hai người ngồi im. Thanh đốt điếu thuốc, rít một hơi dài mà chẳng có cảm giác gì, chỉ thấy miệng đăng đắng.
Có chiếc thuyền đánh cá từ phía đồn Phước Hải đi tới. Tiếng ai đó bâng quơ đưa lên:
- Tàu lớn, vô chi đây cho cạn hè?
Chiếc thuyền đi rồi, Thanh hỏi:
- Chú Năm, tầu ta sơn mầu sáng quá không? Ở đây hình như họ không sơn mầu này.
- Tầu đánh cá thì sơn tùm lum, kể chi mầu sáng, mầu tối.
- Cái cột treo lưới của mình có cao quá không, chú Năm?… Nếu đứa nào giáp vô, mình giật nụ xòe mạng đổi mạng nghe chú Năm.
- Chớ sao! Để nó dong vô Sài Gòn triển lãm thì ngồi đây chi.
Mười một giờ, có tiếng động cơ. Hai người ngước lên: một chiếc máy bay trinh sát từ phía bờ lượn tới. Hai người nhìn nhau. Tới chỗ con tầu mắc cạn, nó nghiêng cánh, đảo một vòng. Năm Sao và Đặng Văn Thanh muốn tắc thở. Không ai sợ chết, chỉ lo nhiệm vụ mở bến chưa hoàn thành, con đường đã lộ. Một lát, chiếc máy bay biến mất. Họ thở phào, rồi cùng ngồi vá lưới. “Nó chụp ảnh rồi!”, Thanh nghĩ.. Vừa lúc hai chiếc khu trục bay tới, sà thấp. Đặng Văn Thanh kín đáo cầm khẩu súng. Năm Sao quờ bao diêm. Thần kinh căng ra. Chiếc đi đầu bổ nhào. Ông Năm mở diêm. Chính trị viên nhắc: bình tĩnh.
Một quả bom rơi xuống chăng? Nhưng chỉ có tiếng rú của động cơ.
Chiếc thứ hai lại bổ nhào. Mèo đang vờn chuột.
Có thể những chiếc máy bay đã lờ mờ nhận ra điều gì. Nếu người trên tầu bối rối, chúng sẽ xả đạn. Thanh nói:
- Chú cứ vá lưới như không có chuyện gì.
Bác Năm rót hai chén rượu, đưa chính trị viên một chén:
- Ta thi gan với nó, nghe.
Hai chiếc khu trục lượn vài vòng nữa, rồi bay đi.
- Lúc này nước bắt đầu cường - Ông tiếp tục câu chuyện - Con nước vùng này rất lạ. Khi xuống, rút như thác. Lúc lên, tràn tựa lũ về. Chừng một giờ, đã nghe tiếng lóc bóc dưới đáy. Ông Năm nhìn tôi, biết tầu đang mỗi lúc một dềnh lên, mừng lắm. Chúng tôi thấp thỏm chờ. Tàu cơ động được là ổn. Nếu lộ, đã dễ gì bắt sống được nhau. Chí ít cũng mạng đổi mạng chớ! Chừng như đã có thể quay được chân vịt, tôi biểu ông Năm : “Bây giờ chú chạy máy”. Ông hỏi: “Mày lái được chớ?”. “Lái được!”. Nghe tôi trả lời thế, ông thiệt mừng, nói như reo: “Nổ máy, hí”. Rồi lật bật chạy xuống khoang. Con tầu rùng lên. Khi neo đã kéo lên, tôi đánh vô lăng, quay mũi, chạy ra cửa Lộc An. Chúng tôi lòng vòng ngoài đó chờ tối. Khi mặt trời khuất, tầu đánh cá lục đục trở về, chúng tôi chạy lẫn vào. Lại qua cửa Lộc An, lại tới sông Ray. Tám giờ tối gặp được anh em mình. Mừng khôn xiết. Súng đạn còn lại, bến tổ chức lấy nốt.
Tôi quay qua ông Đặng Văn Thanh, và hỏi:
- Có chuyến nào phải hủy tầu không, chú Tám ?
- Có chớ! Nhiều lần phải hủy tàu, dìu díu nhau lội bộ vượt Trường Sơn trở về … Rồi lại lĩnh một con tầu khác, và lại đi,... Những chuyến đi sau này, địch phong tỏa gắt, nên khó khăn hơn... Bây giờ cũng chẳng nhớ đã bao lần đưa tầu chở súng đạn vô các bến dọc bờ biển miền Nam nữa... Lâu quá rồi, hí?
Tôi ngước nhìn ông, Tám Thạnh ngày xưa và Đặng Văn Thanh đại tá, anh hùng quân đội hôm nay đâu mấy khác lạ! Dẫu đã làm nên những kỳ tích trên con đường vận chuyển vũ khí vào chiến trường ngày nào, thì ông vẫn vậy. Vẫn bình dị như bao người khác ở các làng chài khắp khúc biển miền Trung tôi đã từng gặp.
Và câu chuyện đêm nay ông rỉ rả kể cho tôi nghe, cũng dung dị, tự nhiên như khi kể chuyện kiếm cá, câu mực. Vậy thôi! Nhưng với tôi những gì nghe được là một ám ảnh. Chiến tranh đã qua hơn phần ba thế kỷ, nên câu chuyện của một thời, nhắc lại, ngỡ như không có thực...
Tôi đưa miếng khô mực lên miệng. Muối Cà Ná dính đậm trên môi. Chưa đâu biển mặn như ở vùng này. Hình như trong gió cũng li ti những hạt kết tinh từ biển...
... Vậy mà, khi tôi chưa kịp viết về ông, từ Sài Gòn, anh Đinh Xuân Thế, lữ phó chính trị Lữ đoàn 125 điện ra báo cho hay: “Chú Tám đi rồi!”. Tôi lặng người. Anh hùng Đặng Văn Thanh, người một đời gắn bó với biển, đã không còn!... Lại thêm một người của đoàn “tầu không số” về với biển! Biển mênh mông, vĩnh cửu. Con người thì nhỏ nhoi, giới hạn. Biết là chẳng ai sinh ra để rồi không mất đi, vẫn thấy nao nao, le se buồn...
Những dòng nông sơ không đủ đầy viết về ông, xin được coi như nén nhang từ xa, vái vọng, viếng người đã khuất.
(Còn tiếp)
VanVn.Net - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, nhà văn Đình Kính đã xuất bản cuốn bút ký “Huyền thoại tàu không số”. Ngày 29 tháng 9 năm 2011, tại trụ sở Hội, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí để giới thiệu cuốn sách này. Từ cuốn bút ký của nhà văn Đình Kính, nhà văn, đạo diễn cao cấp Minh Chuyên đã xây dựng bộ phim tài liệu 10 tập và giữ nguyên tựa đề: Huyền thoại tàu không số. VanVn.Net xin đăng tải lời giới thiệu cuốn sách của nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu và trích đăng một đoạn trong cuốn sách.
Từ phải sang trái: Nguyên TBT Lê Khả Phiêu, đạo diễn Minh Chuyên, nhà văn Đình Kính,
nhà thơ Hữu Thỉnh, ông Trần Văn Hữu, ông Đào Hồng Tuyển
LỜI GIỚI THIỆU
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, để trực tiếp chi viện vũ khí, trang bị và nhân lực cho cách mạng miền Nam, cùng với con đường vận tải dọc Trường Sơn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở con đường vận chuyển chiến lược trên biển Đông. Cuối năm 1961 đến năm 1975, đã có hàng trăm “tàu không số” của đoàn 759 ( tức Đoàn 125 sau này) vượt biển, đưa được nhiều cán bộ, chiến sỹ, chở hàng chục ngàn tấn vũ khí cung cấp kịp thời và có hiệu quả cho quân dân ta ở Nam Bộ, khu 6, khu 5 và nhiều địa phương khác, những nơi mà vận chuyển bằng đường bộ khó lòng vươn tới, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Vận chuyển vũ khí vào chiến trường bằng đường biển trong những năm chiến tranh khốc liệt là công việc hết sức khó khăn, vô cùng gian truân và nhiều hy sinh. Thiên nhiên khắc bạc, biển cả mênh mông, sóng to gió lớn; kẻ thù nham hiểm lắm mưu kế, trang bị hiện đại, phong tỏa nhiều thủ đoạn… Song với tinh thần quả cảm, táo bạo, mưu trí và sáng tạo, cán bộ, chiến sỹ đoàn “tàu không số” đã lập nên nhiều chiến công đặc biệt suất sắc. Với chiến công đó, đơn vị đã hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, nó thể hiện nghệ thuật quân sự tài tình, sự độc đáo và sáng tạo của chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tôi hoan nghênh Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách “Huyền thoại tàu không số” nhằm ghi lại một cách chân thực những kỷ niệm, những câu chuyện của cán bộ chiến sĩ và nhân dân đã từng tham gia làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí trên biển trong những năm chiến tranh. Đây là việc làm cần thiết và hữu ích, không chỉ để người trong cuộc ôn lại kỷ niệm hào hùng của quá khứ mà còn có tác dụng giáo dục con cháu về truyền thống đánh giặc của cha ông.
Nhân dịp cuốn sách “Huyền thoại tàu không số” ra mắt và kỷ niệm 50 năm ngày thành lập đoàn 759 - tức đoàn 125 ( 23/10/1961- 23/10/2011), tôi gửi đến cán bộ, chiến sỹ và nhân dân từng làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường bằng đường biển trong chiến tranh, các đồng chí thương bệnh binh, các gia đình liệt sỹ của Đoàn lời thăm hỏi ân cần và những tình cảm thắm thiết. Mong các đồng chí không ngừng phát huy truyền thống vẻ vang trong những năm kháng chiến giải phóng dân tộc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ đất nước hôm nay và xây dựng một nước Việt Nam giầu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.
Cám ơn nhà văn Đình Kính đã sưu tầm và viết lại những câu chuyện, những chuyến đi một cách trung thực, cảm động.
Hà Nội, ngày 21 tháng 2 năm 2011
LÊ KHẢ PHIÊU
NGUYÊN TỔNG BÍ THƯ BCH ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
(Đã kí)
Bìa cuốn bút ký
NGƯỜI ANH HÙNG CỦA BIỂN
(Trích Huyền thoại tàu không số)
Cách đây đã khá lâu, tôi có một cuốn tiểu thuyết, viết về các chiến sỹ làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào chiến trường bằng đường biển thời chiến tranh. Một trong những nhân vật của tiểu thuyết là Tám Thạnh.
Tám Thạnh sinh ra ở một làng chài ven biển nam Trung bộ. Nơi đó, nửa cuộc đời ông đã gắn bó. Gắn bó trong những kỷ niệm tủi nhục xót xa. Tủi nhục xót xa, nhưng đấy vẫn là quê hương, vẫn là chốn người mẹ khốn khổ, bất hạnh của ông run rẩy trong đêm, xục tay bới cát, vùi lấp vội vã núm nhau rồi hớt hả ôm con, băng qua lộ Một, vào rừng. Lớn lên, ông là đứa trẻ không cha. Hỏi mẹ, mẹ chỉ khóc. Người ta đồn rằng ông là con lão chủ Hiệp Hùng nào đó. Mẹ ông bị cưỡng hiếp và bị đuổi ra khỏi nhà khi tới kỳ sinh nở. Chưa đầy mười tuổi, mẹ chết, ông trơ trọi bơ vơ, không cửa, không nhà, ngày ngày lang thang ngoài bãi biển kiếm cá nuôi thân. Đặt lưng đâu, đó là giường ; rúc vào vườn dừa nào nướng cá, đó là nhà. Mười ba, mười bốn tuổi đã biết lặn. Lặn giỏi. Dân vùng này đồn rằng, ông thuộc tính từng loài cá, và có thể dụ chúng theo. Cả vùng Cà Ná rõ tài bơi lội của Tám Thạnh. Một năm mười hai tháng, mỗi tháng ba mươi ngày, có ngày nào ông vắng mặt ở biển!... Một ngày nọ, từ xóm trên, một người đàn ông béo ú, mắt híp, có cái nhếch mép bí hiểm như thể là cười, tìm đến và gạ nhận ông làm con nuôi. Ông thuận. Người đó kêu ông là Tám và dẫn về, cho nằm dưới nhà ngang với đám dân chài làm thuê. Ông ở lại đó ba năm, ngày ngày theo thuyền đánh cá ra khơi, lặn gỡ lưới. Có lần, lưới quấn vào người, để thoát, ông bứt tung, ngoi lên. Năm thứ tư, ông đòi tiền công. Gã cha nuôi nói rằng đã trừ hết vào khoản ông làm rách lưới dạo nọ. Ông bực, bỏ đi. Tay trắng, ông lại ra với biển. Lại săn tôm, xỉa cá mang lên chợ. Ngày này qua ngày khác, ông sống đơn chiếc trong căn lều le te ngoài bãi, cam chịu số phận hẩm hiu. Năm năm, tháng tháng qua đi và lạ lùng thay, cũng có một người đàn bà si ông. Đó là người đàn bà đã nhinh nhỉnh tuổi, nhưng dân Cà Ná vẫn gọi là cô, cô Hai. Cô Hai là con gái bà Ba- Cá- Hồng .(Tại sao bà có cái tên như vậy, Tám Thạnh không rõ, chắc vì bà chuyên bán cá Hồng ngoài chợ). Cô Hai có cặp mắt nhỏ tựa một vết nứt nơi ruộng lúa gặp hạn, nhưng ánh nhìn sắc như dao cạo, liếc ai thì người đó đứt da đứt thịt... Đôi lông mày kẻ chỉ, đen thui, cong cong giống hai con đỉa vắt trên tròng mắt. Và một cặp môi ươn ướt, mỏng như lá lúa, hay cười. Mỗi lần thấy Tám Thạnh mình trần, đẹp như tượng, người đỏ sẫm, ngực nở, chân tay to, cơ bắp nổi gồ, bóng như gỗ gõ, xách cá từ dưới bãi đi lên, cô con gái bà Ba cuống quýt như chạm phải lửa. Cô mở đôi môi lá lúa, cười; rồi đong đưa hai vệt nứt trên trán, nhìn ông chằng chằng... Người đàn ông khoẻ mạnh ấy có sức hút kì lạ. Những ngày ông không lên chợ, cô Hai nhấp nhổm như ngồi phải gai xương rồng. Rồi cô vật vã bắt mẹ cưới bằng được người đàn ông to con đó cho mình. Thoạt đầu bà Ba- Cá - Hồng có ngạc nhiên. Con gái bà chẳng gì cũng đã từng làm vợ một viên chức trên tỉnh, có nhan sắc, hơn đứt gái vùng này; da trắng, khuôn mặt dẫu nhiều tàn nhang, vẫn dễ coi. Một khúc giò lụa lại rơi vào tay cái thá đen đúa, phàm ăn, không thước vải che thân? Nhưng sau nghĩ tới mối hời ở tài bơi lặn (điều bà từng biết đến) cuả gã kiết xác ấy, có thể mang lại, bà ưng. Với nữa, cô Hai đâu để bà yên. Đêm đêm cô chặt chân xuống giường, rống lên như bò cái động đực: tôi khổ lắm ! tôi khổ lắm ! Và còn doạ rằng, nếu không có người đàn ông đó, cô sẽ nhảy xuống giếng. Cuối cùng bà Ba đành bằng lòng. Cô Hai đã cụng tuổi băm, tai tiếng quá trời trên tỉnh, lấy chốn giầu sang cũng khó... Cưới chồng cho con xong, bà Ba nhờ người sắm thuyền, mua lưới để con rể đi biển. Chỉ nửa năm, bà phất lên. Những hôm động trời, cả vùng Cà Ná giấu thuyền, treo lưới, người ta vẫn thấy Tám Thạnh đẩy thuyền ra khơi. Những ngày như thế, cá mực mới dễ vào lưới làm sao! Nhưng ở chợ lại hiếm, bà Ba cứ đưa dao vào cổ người mua mà cứa. Bà giầu nhanh vì vậy. Tám Thạnh bằng lòng với cuộc sống mới của mình. Ông có nhà để ở, và có người đàn bà để kêu là vợ. Ân ái cũng nồng nàn. Ông có việc, công việc ông yêu thích... Cuộc sống tạm ổn thoả trong sự bằng lòng đơn giản và qua loa của ông, cứ thế trôi... Nửa năm sau, một hôm, xuống tới mép nước, Tám Thạnh sực nhớ chưa mang theo chai mắm, liền lộn về lấy. Đáy biển lạnh, người thợ lặn chẳng thể thiếu mắm. Cửa vừa mở, Tám Thạnh không tin vào mắt mình nữa. Trên giường, cô Hai, người gọi ông là chồng, và đêm nào cũng lay ông dậy vài ba bận, đang quắp chặt một gã đàn ông, cả hai không mảnh vải che thân. Họ xoắn vào nhau như một cặp rắn. Tám Thạnh không rõ, không hiểu gì cả. Hoàn toàn bản năng, ông lao mạnh cái bơi chèo đang cầm trên tay về phía "cặp rắn", đạp cửa, nhào đi... Ông vào rừng.
Những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Pháp, Tám Thạnh ở trong đội thuyền làm nhiệm vụ chở vũ khí từ khu 5 vào khu 6. Sau hiệp định Giơ- ne- vơ, ông không đi tập kết mà được phân công ở lại. Năm năm sau, nhận lệnh Khu uỷ vượt tuyến ra Bắc. Ở đây ông được sung vào đội ngũ những người chở vũ khí cho chiến trường, bằng đường biển. Ông đã cùng đồng đội đi nhiều chuyến, bí mật đưa vũ khí vào Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh... Rồi một lần, ông đựơc đi trên con tầu chở súng đạn về quê. Ông mừng quá! Từ ngày ném cái bơi chèo vào sự không chung tình của người đàn bà mà ông kêu là vợ, tuông đi, dễ chừng hơn hai mươi năm. Hai mươi năm, ông chưa một lần trở lại vùng biển đó. Nhớ lắm! Thương lắm! Nơi ấy, dẫu nhiều tủi hờn chua chát, vẫn là quê hương. Nơi đó có những cây dừa già, rễ sần sùi cắm sâu xuống cát; nơi đó có mùi tanh của cá, và nơi ấy nước biển mặn chát, chiều chiều thuyền dềnh lên, ghếch vào bãi, ăn muối... Mấy đêm liền đi trên biển, Tám Thạnh trằn trọc không ngủ được. Nghĩ rằng chỉ ngày một, ngày hai mình sẽ được đặt chân lên bãi cát nặc mùi cá, dẫu chỉ một lát, mà nao cả lòng. Khi đi trai trẻ, lúc tuổi tác đã cao mới có cơ trở về thăm, và liệu còn được thêm lần nữa không ?
Nhưng Tám Thạnh đã không gặp may. Chuyến chở vũ khí ấy bị lộ. Tình thế nguy cấp tới mức cấp trên quyết định cho phép huỷ tầu. Sau tiếng nổ lớn, đoàn thuỷ thủ dìu díu nhau tấp được vào bờ, nhưng họ đã bị bao vây. Một tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ chặn ở eo núi. Tám Thạnh là người thông thuộc địa hình, nên ông đề nghị được nghi binh, đánh lạc hướng để đồng đội rút. Mấy ngày sau đó, một mình ông xoay trở trên ngọn đồi... Và một buổi chiều, khi bắn hết viên đạn cuối cùng, ông gỡ quả lựu đạn duy nhất còn lại, cầm ở tay rồi khi bóng tối trùm xuống, xách khẩu AK lảo đảo lê tới một bụi rậm. Ông đổ xuống đó, kiệt sức. Bàn tay trái vẫn nắm quả lựu đạn. Bàn tay phải với những ngón đen sạm, quắt héo, ông ghim sâu xuống ngọn đồi như muốn neo chặt vào đất quê…
Nhân vật Tám Thạnh tôi dựa vào cuộc đời anh hùng Đặng Văn Thanh mà hư cấu nên. Có điều Đặng Văn Thanh không chết. Ông vẫn sống. Sống ở Cà Ná. Sống một mình trong ngôi nhà nhỏ bên bãi biển như Tám Thạnh ngày xưa. Khác chăng là ngôi nhà hôm nay thoáng rộng hơn, quanh vườn trồng rất nhiều hoa.
Tôi vẫn ấp ủ rằng có một lúc nào đó sẽ viết về cuộc đời thật của người anh hùng, mà lần lữa mãi. Nay đã có điều kiện, tôi quyết định đi Cà Ná. Từ Nha Trang, tôi xuôi xuống vùng biển ấy.
Cà Ná kề quốc lộ một. Biển sát chân đường, xanh ngăn ngắt. Chưa đâu biển xanh đến vậy. Xanh đến ngỡ ngàng. Xanh đến bâng khuâng. Dẫu vô tình tới mấy, qua đây, khó có ai không dừng lại để mà nheo mắt hướng ra xa, nơi mặt trời đang nhấp nhánh phả nắng xuống thảm nước biêng biếc, bao la; nơi có gió mặn đưa lên mát rượi. Cà Ná hấp dẫn trong sự mênh mang hư thực của trời và biển, của nắng và gió...
Nhà ông rất dễ tìm. Từ đường Một, rẽ vào chừng 100 mét, qua đồn biên phòng là tới. Người anh hùng không mấy khó khăn để nhận ra tôi. Bàn tay thô ráp, sạm cháy xiết cổ tay tôi rất lâu. Và vẫn cầm vậy, ông hồ hởi kéo vào nhà. Tôi rõ ông mừng lắm, vui lắm. Mừng bởi bao năm rồi còn có người tìm tới, và vui bởi có khách, đêm nay căn nhà thêm tiếng người, đỡ tẻ.
Ở đây nghe sóng mài lên bãi, thât gần. Có âm thanh gì đó như thể gió đang lùa trong những rặng phi lao, rì rầm, kiên nhẫn, mải miết...
- Lâu quá rồi, hí! Để đi kiếm chút đồ biển ta nhậu lai rai.
Chân đất, đầu trần, ông đi về phía những con thuyền đang nghếch mình phơi nắng cuối bãi. Hơn bẩy mươi tuổi, nom vẫn khỏe. Nhìn ông luỳnh khuỳnh bước trên bãi cát, tôi chợt liên tưởng tới nhân vật Tám Thạnh của mình, cũng một dáng đi liêu xiêu vì gió của người miền biển, vẫn một vóc người sắt lại bởi nắng, bởi gió. Tám Thạnh ngày xưa quanh năm đầu tắt mặt tối, lang thang khắp bãi bờ kiếm sống. Đặng Văn Thanh ngày nay không thế. Vẫn đơn lẻ, nhưng cuộc sống của ông thanh nhàn, thảnh thơi và đủ đầy. Lương hưu đại tá cộng chút ít các khoản trợ cấp đủ để ông nuôi thêm một người.
Đêm đó, chúng tôi kê ghế ngồi ngoài sân. Thoang thoảng hương chượp từ đâu đấy đưa tới. Và dưới kia, biển thân thiện rì rào, tha thiết chào mời. Cái âm thanh quyến rũ ấy, nghe đã nhiều, ngỡ như đơn điệu, vẫn chưa một lần gây cảm giác nhàm chán. Tôi chợt hiểu, Đăng Văn Thanh bỏ mọi tiêu chuẩn ở phố để về với Cà Ná, thật có lý! Chỉ khi được hoà quyện vào nắng, vào gió, và đằm trong hương biển, ông mới thực là mình. Ông là người của biển, và chỉ biển mới làm nên ý nghĩa cuộc đời ông.
- Hồi đó chú vượt tuyến ra Bắc cách sao, chú Tám? (Tôi vẫn kêu ông như thế)
- Đi bộ chớ cách sao - Ông đáp: Có chỉ thị là lên đường. Chín tháng lội rừng. Ra tới Vĩnh Linh rồi vẫn ngỡ là mơ. Tôi kể anh nghe chuyện này. Hôm được gặp Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, ổng hỏi tôi: “Thanh biết đọc, biết viết chứ?”. Tôi ngượng. Suốt đời làm thuê lặn mướn, có biết thế nào là mặt chữ. Tuy vậy không dám dấu, cứ thưa thật: “Dạ, tôi chưa một lần được học, chỉ thạo mỗi nghề biển”. Đại tướng nhìn tôi thông cảm. Ông bảo: “Vậy thì phải học thôi, không học khó làm được việc”.
- Và chú học?
- Ba tháng đầu “tổ chức” bố trí người dạy. Sau đó tự học. Rỗi lúc nào học lúc đó. Bí thì hỏi anh em. Những năm sau bẩy lăm (1975), khi đã làm Chính ủy, bí thư Đảng ủy trung đoàn, thỉnh thoảng được đi học thêm vài lớp ngắn hạn. Nhưng làm việc cũng vất vả lắm. Thời đánh Mỹ khác, lúc này khác. Nhiều lần tôi đề nghị cấp trên tìm người thay. Hòa bình rồi, lãnh đạo cần học vấn cao. Với nữa, không được ra biển, bứt rứt thế nào ấy!
- Rồi chú xin nghỉ?
- Cái gì đóng góp được, đã gắng hết sức. Nay công việc mới, lượng mình kham khó nổi nên xin trở lại làm dân... Mấy năm đầu sống trong thành phố, nhà cửa đủ tiện nghi, nhưng cuộc sống ở đấy có lẽ không hợp, ồn ào, bí bức, tù túng, nên sau đó chuyển về Cà Ná... Dẫu sao thì nơi đây cũng là quê hương...
Ông ngừng lại, hình như có cái gì đó thoáng gợn chút tâm trạng, là tôi nghĩ thế. Và vì nghĩ thế nên trong suốt câu chuyện, tôi tránh nhắc tới những điều có thể gợi ra nỗi trống trải nơi ông... Cách đây mấy năm, hồi đi làm phim “tầu không số”, chúng tôi có ôm máy lần tới Cà Ná. Chúng tôi hỏi thăm nhà anh hùng Đặng Văn Thanh. Bà con Cà Ná nhìn nhau ngơ ngác. Lạ nhỉ, người anh hùng, niềm tự hào của cả làng, cả xã mà không ai hay ư?. Nhưng khi hỏi đến nhà chị Trốc, cả một đoàn người dẫn vào tận cửa. Chị Trốc đã gần 70 tuổi, người đậm, một phụ nữ mang dáng vẻ đặc trưng của người vùng biển khu 6. “Đây là lần đầu tiên có người của đơn vị anh ấy về thăm gia đình tôi”. Không phải chị trách. Chị thân tình và nói là để vui. Mà chị vui thật. Chị cười luôn luôn và rất cởi mở. Có phải chị chờ một dịp này để tâm sự? Chuyện của chị như thế, có ai đã viết đâu đó trong các trang báo. Buồn vui lẫn lộn... Hai người, chị và anh Thanh đều là dân vùng này. Khi anh ra Bắc, chị nhỉnh hơn tuổi ba mươi. Ở tuổi ấy, tuổi đang muốn gần chồng, phải xa, phải đợi khổ lắm, và chẳng hẳn dễ chịu chút nào!... Chị lại cười và sởi lởi thú nhận... Mười lăm năm sau, khi đất nước đã bình yên, anh về. Chị đâu biết anh đã là một anh hùng! Mà anh hùng, để làm gì ? Kể tới đây, giọng chị ấm ức, không được vui nữa. Chị lặng đi một lát như cố nén điều gì. Mắt chị chớp nhẹ và giọng chị nhỏ hơn . “Nhưng tôi đâu có trách ông ấy. Hoàn cảnh mà! Cũng không hờn ghen chi người phụ nữ ngoài đó. Tôi bảo, ông đưa tôi đi Hải Phòng thăm mấy mẹ con... Tội lắm, cô ấy chồng liệt sỹ nên cũng cần có một chỗ để nương tựa. Là phụ nữ, cũng phải biết thông cảm. Gặp, chuyện trò rồi thấy thương. Chiến tranh đã mất mát quá nhiều, cớ chi không đùm bọc, nhường nhịn nhau mà sống. Tôi bảo đưa các cháu cùng về Cà Ná làm ăn, nhưng còn ngại. Ngại thì ở ngoài đó. Biết ông nhà tôi băn khoăn như đứng giữa ngã ba đường, chẳng rõ rẽ lối nào, tôi liền bảo: ở ngoài này các con còn nhỏ, anh ở lại để cùng cô ấy chăm lo việc học hành và nuôi dậy chúng..., ở thêm mấy bữa nữa, chị em tâm sự cho đã, rồi tôi về... Từ đó, hàng năm ông ấy có về Cà Ná thăm tôi. Nhưng tôi không giữ lâu. Chẳng phải bực bõ chi, đàn bà ai không muốn gần chồng, nhưng nghĩ lũ trẻ và cô ấy ngoài đó cần sự có mặt của ông hơn. Với nữa, già rồi, đi lại nhiều tội lắm...”.
Chuyện cũ ấy, biết vậy, tôi không muốn nhắc lại. Tôi hướng suy nghĩ của ông vào những chuyến đi biển. Tôi đã bắt trúng mạch. Giọng ông thật vui. Ông không chỉ kể để tôi nghe, mà có lẽ còn là nói với chính mình.
Ông đẩy về phía tôi đĩa khô mực. Mực Cà Ná dày mình, mềm, ăn rồi vị ngọt còn đọng mãi nơi vòm miệng... Phía mép biển, sóng vẫn kiên nhẫn mài lên bãi, và cái âm thanh ấy như thể cố tình làm nền cho câu chuyện đêm nay...
... Chuyến đi ấy của tàu 41 là chuyến thứ chín của Đặng Văn Thanh, nhưng là chuyến đầu tiên mở đường đưa vũ khí vào Bà Rịa. Đó là cuối tháng 9 năm 1963. Hay có tin bão về, T41 lập tức nhổ neo. Đi trong bão để tránh gặp tàu địch là “phương sách” của những chuyến vượt biển. Trên đường đi, trừ máy trưởng Huỳnh Văn Sao và chính trị viên Đặng Văn Thanh, mọi người đều say. Suốt buổi sáng, Đặng Văn Thanh không sao nấu nổi nồi cháo. Nước đổ vào, nước lại hắt ra. Sóng lớn quá! Cuối cùng phải thả một chiếc màn, nấu chung với gạo. Nấu từ bảy giờ sáng đến một giờ chiều, cháo mới chín... Hết bão lại gặp gió nam. Ngược sóng tàu chạy rất chậm. Ngày thứ tư, tới ngang đảo Phú Quý. Đây là điểm, theo kế hoạch, tàu chuyển hướng vào bờ, đi trong hải phận miền Nam.
- Cả ngày và đêm hôm đó, tụi tôi không ai chợp mắt - Anh hùng Đặng Văn Thanh kể tiếp - Lo quá, hồi hộp quá! Chuyến đi nào cũng vậy, lúc tàu chuyển hướng vào bờ đều căng thẳng. Và rất quyết định. Nếu chuyển sớm quá, sẽ lênh đênh lâu trong vùng biển địch kiểm soát, hết sức nguy hiểm. Nhưng nếu rẽ muộn, sẽ không kịp vào bến trước lúc trời sáng. Chúng tôi hạ bớt cột buồm và cho tàu chạy chậm lại. Tàu đánh cá của dân khá đông, trà trộn vào đó mà đi. Tám giờ tối bắt được đèn pha Vũng Tàu. Mừng lắm! Nhưng không dám thốt lên, e vui sớm quá. Qua cửa Lộc An, tàu vào thẳng sông Ray. Sông Ray ở khúc thuộc địa phận Phước Hải là điểm được chọn làm nơi đổ hàng. Trước đây tôi có hoạt động ở vùng này nên thuộc địa hình. Có Thôi Văn Nam và Nguyễn Sơn, là người gốc Phước Hải, đứng đầu mũi tàu làm hoa tiêu, chúng tôi lặng lẽ cho tàu chạy sát bờ, và thấp thỏm chờ tín hiệu. Trời tối thui. Hai bên bờ lặng phắc, gồ lên nền trời từng mảng đen. Mười hai giờ đêm, vẫn im ắng. Một giờ hơn, cũng bằn bặt. Có sự cố gì chăng? Tôi và anh Một nhìn nhau, lo toát mồ hôi. Chúng tôi cho tàu chạy tới, chạy lui, biết trời sắp sáng, thẻo ruột gan. Nước bắt đầu rút. Và cái điều đã lường trước, xảy ra: tàu mắc cạn. Mắc cạn ngay trước mũi đồn Phước Hải. Con tàu nằm trong tầm sáng đèn pha từ đó chiếu xuống. Chúng tôi như ngồi trên lửa. Nhưng đây chưa hẳn là điều choáng váng nhất. Hai giờ sáng, người của bến ra, cho hay rằng địch điều quân, có tới ba chục xe M.113 đi theo, sắp càn. Ý kiến của lãnh đạo bến là để tuyệt đối an toàn, bảo đảm việc vận chuyển lâu dài, cần đặt bộc phá, phi tang mọi dấu vết, càng sớm càng tốt. Tôi rủn cả người. Vậy là chuyến mở đường vào Bà Rịa thất bại! Sẽ báo cáo với đoàn thế nào đây? Tôi rõ là các anh trong Bộ chính trị đánh giá rất cao việc đưa vũ khí vào miền Đông, và đang lo lắng dõi theo tin tức tàu chúng tôi từng giờ. Mười tám tấn vũ khí, với bao công sức chuẩn bị mới đưa vào tới đây, vậy là vụn tan. Lòng tôi như dao cắt. Dạo mới hòa bình, mấy năm hoạt động ở vùng này, tôi rõ lắm, anh em mình chỉ ao ước có vài ba viên đạn thôi. Ai tích trữ được thì giữ dành, cất dấu đến long đầu, vẫn chưa dám dùng. Còn súng thì khỏi nói, moi được một khẩu đã han rỉ chôn xuống đất trước đó là giấc mơ.
Lưng áo ướt đẫm, nhưng hình như kinh nghiệm trước những khó khăn đã giúp tôi tỉnh táo. Cần nhất lúc này là một quyết định sáng suốt, một lựa chọn chuẩn xác. Tôi nhanh chóng phác kế hoạch, nhưng rất cần kiểm chứng qua trí tuệ tập thể. Tôi triệu tập chi bộ, hội ý. Các đảng viên chụm lại trên boong. Tôi đề xuất ý kiến không hủy tầu. “ Tôi ở lại với con tàu, nếu có triệu chứng lộ, tự tôi sẽ giựt bộc phá, phi tang chứng cứ, lúc đó vẫn chưa muộn”. Chi bộ ủng hộ. Việc cần nhất lúc này là khẩn trương lấy hàng. Nước cạn, chúng tôi đứng thành hàng, chuyền tay từng hòm súng, hòm đạn. Trên bờ đã có anh em bộ đội. Gần sáng, hàng chưa bốc hết, nhưng đành ngưng việc. Anh Một cố đánh tay lái nhằm xoay mũi con tầu về phía đồn Phước Hải để nếu trên đó nhìn xuống, thấy nó không mấy lớn, rồi đưa anh em lên bờ. Tôi ở lại. Ông Năm Sao lấy lý do thợ máy không được phép rời tầu, nhất quyết không đi. Tôi đành đồng ý. Ông Năm đã có tuổi, người Trà Vinh, trước là thợ máy xưởng Ba Son. Những năm đánh Pháp làm công nhân quân giới. Ông giỏi nghề sông nước nên cấp trên điều ra Bắc, sung vào đơn vị chúng tôi. Ông đã đi rất nhiều chuyến, kể cả chuyến mở đường đầu tiên năm 1962 vào Cà Mau. Chuyến nào khó khăn, quan trọng, trên lại điều thợ máy Năm Sao. Có ông trên tầu, chúng tôi thiệt an tâm. Chỉ nghe tiếng máy là ông rõ nó hỏng chỗ nào. Lành nghề hết sức, lại chẳng biết say sóng là gì. Dẻo dai, cứng chắc như khúc gỗ đước. Tầu qua đâu, ngửi mùi biển là đọc ra được địa danh chỗ đó. Sau bẩy lăm, ổng trở lại quê hương Trà Vinh. Khi đi, làm thợ máy, trở về cũng chỉ là anh thợ máy. Không quân hàm, chức tước, địa vị. Dân thường. Tham gia cách mạng như nghĩa vụ phải làm của người dân ở một nước bị xâm lược, vậy thôi. Mấy năm trước nghe tin ổng mất, nhưng đường xa, sức yếu, tôi đành cáo lỗi, không xuống được miền Tây thắp nén nhang. Nhớ ông Năm lắm! Chuyến đi Bà Rịa hồi đó, không có ổng, tôi chẳng rõ mình xoay trở ra sao... Con người ấy mới đáng được phong anh hùng chớ!
Ông dừng lại. Tôi nhận ra nơi vầng trán ông có cái gì như thể nỗi suy tư, trăn trở. Ông dốc một ngụm lớn rượu vào cổ, lắng nhìn về phía biển. Quá khứ như thể những lớp sóng đang hiện trong mỗi nếp nhăn nơi gương mặt sạm nắng và gió.
... Hai người, Đặng Văn Thanh và Huỳnh Văn Sao kéo lá cờ ba que lên đỉnh cột buồm. Xong, họ cài kíp nổ vào nửa tấn bộc phá vốn đã chuẩn bị trên tầu. Cẩn thận hơn, còn đặt một thùng xăng, một đống vải màn, một bao diêm bên cạnh.
Mặt trời cao dần. Nắng hắt xuống khiến cả vùng Phước Hải sáng bừng. Sóng lăn tăn nối nhau vỗ nhẹ vào mạn tầu…
Mười giờ. Nắng như thiêu. Căng thẳng và lo âu. Hai người cùng giả cách đánh bài. Tay cầm bài nhưng mắt quan sát. Cách tầu vài chục mét, dăm bẩy chiếc thuyền cá hớt hải đi ra biển. Những người trên thuyền gò lưng sát mái chèo, dáng vội vã, chẳng ai chú ý đến tầu bị cạn. Con tầu trơ ra giữa sông.
Chính trị viên Đặng Văn Thanh ngước lên đồn Phước Hải, có cảm giác như từ đó bọn địch nhìn rất rõ con tầu, thậm chí thấy cả ông Năm Sao đang ngồi đốt thuốc triền miên trên boong. Con tầu đã lọt vào tầm nhìn, tầm đạn của chiếc lô cốt. Biết đâu bọn địch chẳng hí hửng: “À, tầu Bắc Việt giả dạng tầu cá mắc cạn…” và thú vị bởi con mồi sập bẫy.
- Chú Năm, liệu trên đồn có nhận ra mình không? - Thanh chợt hỏi - Cái biển số mình gắn hồi hôm đúng số đăng ký của tầu đánh cá vùng này chớ?
- Mấy đứa du kích biểu đúng - Ông Năm đủng đỉnh đáp.
- Mình gắn chặt vào rồi, hả chú?
- Chặt! Tao đã soát lại lần chót. Mình đã xác định sống chết với con tầu, ngán chi.
- Đâu có ngán… Mạng mình đã đành, nhưng còn sinh mạng con đường…
Thanh nhìn quanh, thấy con tầu hôm nay sao cao, to bè, chềnh ềnh giữa sông, thật chướng.
- Cỡ nào thủy triều lên, chú? - Thanh lại hỏi
- Chừng quá ngọ, hôm nay mùng chín.
- Chà, gần ba tiếng nữa…
Hỏi vậy để đỡ nóng lòng. Thanh đâu lạ con nước vùng này!
Hai người ngồi im. Thanh đốt điếu thuốc, rít một hơi dài mà chẳng có cảm giác gì, chỉ thấy miệng đăng đắng.
Có chiếc thuyền đánh cá từ phía đồn Phước Hải đi tới. Tiếng ai đó bâng quơ đưa lên:
- Tàu lớn, vô chi đây cho cạn hè?
Chiếc thuyền đi rồi, Thanh hỏi:
- Chú Năm, tầu ta sơn mầu sáng quá không? Ở đây hình như họ không sơn mầu này.
- Tầu đánh cá thì sơn tùm lum, kể chi mầu sáng, mầu tối.
- Cái cột treo lưới của mình có cao quá không, chú Năm?… Nếu đứa nào giáp vô, mình giật nụ xòe mạng đổi mạng nghe chú Năm.
- Chớ sao! Để nó dong vô Sài Gòn triển lãm thì ngồi đây chi.
Mười một giờ, có tiếng động cơ. Hai người ngước lên: một chiếc máy bay trinh sát từ phía bờ lượn tới. Hai người nhìn nhau. Tới chỗ con tầu mắc cạn, nó nghiêng cánh, đảo một vòng. Năm Sao và Đặng Văn Thanh muốn tắc thở. Không ai sợ chết, chỉ lo nhiệm vụ mở bến chưa hoàn thành, con đường đã lộ. Một lát, chiếc máy bay biến mất. Họ thở phào, rồi cùng ngồi vá lưới. “Nó chụp ảnh rồi!”, Thanh nghĩ.. Vừa lúc hai chiếc khu trục bay tới, sà thấp. Đặng Văn Thanh kín đáo cầm khẩu súng. Năm Sao quờ bao diêm. Thần kinh căng ra. Chiếc đi đầu bổ nhào. Ông Năm mở diêm. Chính trị viên nhắc: bình tĩnh.
Một quả bom rơi xuống chăng? Nhưng chỉ có tiếng rú của động cơ.
Chiếc thứ hai lại bổ nhào. Mèo đang vờn chuột.
Có thể những chiếc máy bay đã lờ mờ nhận ra điều gì. Nếu người trên tầu bối rối, chúng sẽ xả đạn. Thanh nói:
- Chú cứ vá lưới như không có chuyện gì.
Bác Năm rót hai chén rượu, đưa chính trị viên một chén:
- Ta thi gan với nó, nghe.
Hai chiếc khu trục lượn vài vòng nữa, rồi bay đi.
- Lúc này nước bắt đầu cường - Ông tiếp tục câu chuyện - Con nước vùng này rất lạ. Khi xuống, rút như thác. Lúc lên, tràn tựa lũ về. Chừng một giờ, đã nghe tiếng lóc bóc dưới đáy. Ông Năm nhìn tôi, biết tầu đang mỗi lúc một dềnh lên, mừng lắm. Chúng tôi thấp thỏm chờ. Tàu cơ động được là ổn. Nếu lộ, đã dễ gì bắt sống được nhau. Chí ít cũng mạng đổi mạng chớ! Chừng như đã có thể quay được chân vịt, tôi biểu ông Năm : “Bây giờ chú chạy máy”. Ông hỏi: “Mày lái được chớ?”. “Lái được!”. Nghe tôi trả lời thế, ông thiệt mừng, nói như reo: “Nổ máy, hí”. Rồi lật bật chạy xuống khoang. Con tầu rùng lên. Khi neo đã kéo lên, tôi đánh vô lăng, quay mũi, chạy ra cửa Lộc An. Chúng tôi lòng vòng ngoài đó chờ tối. Khi mặt trời khuất, tầu đánh cá lục đục trở về, chúng tôi chạy lẫn vào. Lại qua cửa Lộc An, lại tới sông Ray. Tám giờ tối gặp được anh em mình. Mừng khôn xiết. Súng đạn còn lại, bến tổ chức lấy nốt.
Tôi quay qua ông Đặng Văn Thanh, và hỏi:
- Có chuyến nào phải hủy tầu không, chú Tám ?
- Có chớ! Nhiều lần phải hủy tàu, dìu díu nhau lội bộ vượt Trường Sơn trở về … Rồi lại lĩnh một con tầu khác, và lại đi,... Những chuyến đi sau này, địch phong tỏa gắt, nên khó khăn hơn... Bây giờ cũng chẳng nhớ đã bao lần đưa tầu chở súng đạn vô các bến dọc bờ biển miền Nam nữa... Lâu quá rồi, hí?
Tôi ngước nhìn ông, Tám Thạnh ngày xưa và Đặng Văn Thanh đại tá, anh hùng quân đội hôm nay đâu mấy khác lạ! Dẫu đã làm nên những kỳ tích trên con đường vận chuyển vũ khí vào chiến trường ngày nào, thì ông vẫn vậy. Vẫn bình dị như bao người khác ở các làng chài khắp khúc biển miền Trung tôi đã từng gặp.
Và câu chuyện đêm nay ông rỉ rả kể cho tôi nghe, cũng dung dị, tự nhiên như khi kể chuyện kiếm cá, câu mực. Vậy thôi! Nhưng với tôi những gì nghe được là một ám ảnh. Chiến tranh đã qua hơn phần ba thế kỷ, nên câu chuyện của một thời, nhắc lại, ngỡ như không có thực...
Tôi đưa miếng khô mực lên miệng. Muối Cà Ná dính đậm trên môi. Chưa đâu biển mặn như ở vùng này. Hình như trong gió cũng li ti những hạt kết tinh từ biển...
... Vậy mà, khi tôi chưa kịp viết về ông, từ Sài Gòn, anh Đinh Xuân Thế, lữ phó chính trị Lữ đoàn 125 điện ra báo cho hay: “Chú Tám đi rồi!”. Tôi lặng người. Anh hùng Đặng Văn Thanh, người một đời gắn bó với biển, đã không còn!... Lại thêm một người của đoàn “tầu không số” về với biển! Biển mênh mông, vĩnh cửu. Con người thì nhỏ nhoi, giới hạn. Biết là chẳng ai sinh ra để rồi không mất đi, vẫn thấy nao nao, le se buồn...
Những dòng nông sơ không đủ đầy viết về ông, xin được coi như nén nhang từ xa, vái vọng, viếng người đã khuất.
(Còn tiếp)
VanVN.Net - Tối ngày 8-10-2011 trong khuôn khổ Hội thảo thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung, các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học về dự hội thảo đã có cuộc gặp gỡ và ...
VanVN.Net - Ðồng chí Lê Ðức Thọ, nhà lãnh đạo tiền bối của Ðảng, "một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng", đặc biệt ...
VanVn.Net - Chàng hẹn nàng đến, thần sắc của chàng tỏ ra nghiêm trang, chàng nói: “Anh có việc quan trọng muốn nói với em!” Nàng rất hiểu chàng, nhìn thấy vẻ mặt chàng nghiêm túc, nàng bỗng bật cười, nàng ...
VanVn.Net - Bắt đầu hành trình một ngày mới, vạn vật phải chịu đựng những cơn đau thoát xác để đón nhận/khai mở những nguồn ánh sáng mới. Con đường ấy là con đường chung mà tất thảy vạn vật phải ...
VanVn.Net - Chiều nay, 12/10/2011, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra buổi bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới, trong đó có Vịnh Hạ Long (Việt Nam). Chương trình bầu chọn này có sự phối ...
VanVN.Net - Nửa đầu thế kỷ XIX là sự bắt đầu vương triều Nguyễn với cuộc lên ngôi của Gia Long vào 1802. Tôi muốn gọi đó là một thời “khó sống” khi viết về Nguyễn Công Trứ và Cao Bá
Tiêu đề
Viết bình luận của bạn