Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Lễ khai giảng lớp Viết báo Văn hóa – văn nghệ khóa I: niềm phấn khởi và những tâm tư.

Thanh Thúy - Phong Lan - 30-09-2011 03:41:32 PM

VanVn.Net - Sáng nay 30/9/2011, Khoa Sáng tác – Lý luận, phê bình văn học, trường đại học Văn hóa Hà Nội đã khai giảng lớp Viết báo Văn hóa - văn nghệ khóa I.

Niềm vui của các tân sinh viên ngày khai giảng

Trong buổi Lễ khai giảng có Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TW; nhà báo Phạm Xuân Chiến – TBT báo Bảo vệ pháp luật; nhà báo Phạm Thanh Khương – báo Biên phòng; nhà báo Nguyễn Việt Chiến – báo Thanh niên… cùng phóng viên của nhiều cơ quan báo chí, các cựu sinh viên khoa Sáng tác – Lý luận phê bình văn học, 47 sinh viên mới nhập trường và một số phụ huynh của các tân sinh viên đã đến dự.

Nhà báo - nhà văn Văn Giá

Nhà báo – nhà văn - nhà giáo Văn Giá (Chủ nhiệm khoa) có lời phát biểu khai mạc rất chân thành: “Trong lịch sử đào tạo của mình, từ thời còn đang là Trường Viết văn Nguyễn Du (VVND) đến nay, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức đào tạo hệ cử nhân Viết báo văn hóa – văn nghệ. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, sự ra đời của một mô hình đào tạo không phải từ trên trời rơi xuống. Chúng tôi đã có trải nghiệm. Chứng cớ là, từ thời Trường VVND, nhà trường đã từng đào tạo các khóa ngắn hạn từ 1 – 3 tháng cho các nhà báo chuyên viết ký và phóng sự… Lần đầu tiên trong lịch sử đào tạo báo chí của đất nước, xuất hiện mô hình đào tạo báo chí chuyên biệt về một lĩnh vực xã hội chuyên biệt: văn hóa và văn nghệ. Đây cũng là lần đầu tiên Trường đại học Văn hóa mạnh dạn trao quyền cho khoa Viết văn đào tạo chuyên ngành Viết báo. Chúng tôi hiểu, đây là sự đầu tư mạnh dạn, có sự tin cậy trao gửi và niềm hy vọng của Ban lãnh đạo nhà trường đối với khoa Viết văn.”

Nhà báo - nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Nhà báo Nguyễn Việt Chiến chúc mừng thầy cô giáo và các tân sinh viên bằng bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”, qua đó anh muốn truyền tải tình yêu, niềm say mê nghề nghiệp của mình tới các nhà báo tương lai, đồng thời cũng nhắn nhủ thế hệ đàn em về lòng yêu nước, trách nhiệm của nhà báo – công dân đất Việt.

Sinh viên Vũ Thị Thu Thủy

Bạn Vũ Thị Thu Thủy (đỗ thủ khoa) thay mặt 47 sinh viên nói lên niềm vui, tự hào khi được trở thành sinh viên Khóa I khoa Viết báo văn hóa – văn nghệ và bày tỏ những quyết tâm, mong ước của tuổi trẻ về một nền văn hóa báo chí trong tương lai.

Lê Hương Giang

Bà Lê Hương Giang, đại diện cho phụ huynh sinh viên Khóa I chia sẻ niềm vui khi con thi đỗ vào khoa Viết báo: “Chúng tôi rất tin tưởng khi gửi gắm con em mình vào lớp Viết báo văn hóa – văn nghệ. Hy vọng rằng các em sẽ học tập, tiếp thu được nhiều kiến thức, kỹ năng để trở thành những nhà báo giỏi trong tương lai, nhất là các nhà báo viết về văn hóa. Bởi một dân tộc, một quốc gia có ghi được dấu ấn, tạo nên sự khác biệt hay không, chính là nhờ vào chiều sâu của văn hóa.”

 

Dưới đây là một số gương mặt của Khóa I lớp Viết báo văn hóa – văn nghệ:

 

1. Lê Thanh Tâm, sinh năm 1992, quê ở Ninh Bình, rất tự tin với lựa chọn ngành học của mình. Cậu đến với ngành báo chí vì sở thích, lòng đam mê, và một phần là do người chú ruột là nhà báo khuyến khích. Vì đam mê và cũng đã thử sức viết ở một số mảng đề tài, cậu cho rằng không có sự khác biệt giữa các trường dạy viết báo, chỉ đơn giản là được học là được viết. Tâm cũng chia sẻ thêm: Nghề báo hiện nay, nhất là ngành viết báo Văn hóa văn nghệ đang gặp rất nhiều khó khăn, phóng viên tự phải tìm đề tài, phải trau dồi kiến thức sâu rộng về văn hóa văn nghệ, phải xông xáo, thậm chí là có những khi phải đối mặt với hiểm nguy. Hiện tại, việc thi đậu vào lớp Viết báo đầu tiên của khoa Sáng tác Lý luận và Phê bình văn học, đại học Văn hóa Hà Nội, một khoa đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ nhiều chiều, cậu vẫn rất tự tin, không hề dao động, càng cố gắng học tập để đạt được ước mơ.

 

2. Mai Thị Thu Hà, một sinh viên đến từ Thanh Hóa cũng rất cởi mở chia sẻ nguyên do dẫn đến việc lựa chọn nghề báo của mình. Lựa chọn đó là do đam mê, mà vì đam mê nên dẫu có gặp khó khăn về đầu ra và nhiều khó khăn khác cũng vẫn “xin chọn lối này”.

Thu Hà học xong cấp ba, định sẽ không lập nghiệp bằng con đường đại học như bạn bè, thế nhưng nghề báo đến với cô như một định mệnh. Cô bạn này khẳng định mình rất thích đối mặt với những khó khăn, rất tự tin để theo đuổi đam mê. Cô cho rằng khi người ta có lòng tự tin thì sẽ làm được mình muốn. Và cô còn khẳng định mình sẽ không bao giờ thay đổi lập trường.

3. Nguyễn Hải Hồng, sinh năm 1992, quê ở Hà Nam thì có vẻ suy tư hơn. Cậu đến với ngành báo chí trước hết cũng vì đam mê, mà lại còn là một niềm đam mê từ thuở nhỏ. Động lực để cậu tự tin với lựa chọn của mình là phương châm sống: “Em tiến bước bằng sự tự tin chứ không phải là quan sát. Em tự tin mình sẽ làm tốt công việc của một nhà báo tương lai.”

Nguyễn Hải Hồng bày tỏ suy nghĩ về sự độc đáo của ngành viết báo Văn nghệ: “Có thể nói ngành này đào tạo một loại hình chuyên biệt, đó là viết báo Văn nghệ. Nhưng lực lượng nhà báo hoạt động ở lĩnh vực này vừa thiếu lại vừa yếu, nên việc chọn ngành này là một lợi thế sau khi em ra trường. Đặc biệt đây là lĩnh vực mà hiện nay chưa được quan tâm thỏa đáng.”

Lên đầu trang

Tiêu đề

  • vu ba thuc lúc 07-12-2011 11:21:20 PM

    rat tu hao vi minh la mot thanh vien cua lop viet bao van hoa van nghe khoa 1. toi tin voi suc tre + voi long nhiet huyet va dam me cua chung toi, chung toi se khong lam cho tat ca moi nguoi that vong vi da dat nhung hi vong vao chung toi. cam on tat ca vi da quan tam toi chung toi

    Trả lời

Viết bình luận của bạn