Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: "Bốn bề bờ bụi"

Akutagawa Ryunosuke - 17-08-2011 05:05:10 PM

VanVN.Net - Truyện ngắn “Bốn bề bờ bụi” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Akutagawa Ryunosuke, bày tỏ hoài nghi về tính tuyệt đối của sự thật. Có sự thật phổ quát không, hay chỉ là ảo ảnh của sự thật khúc xạ qua tâm lý của mỗi người? Truyện ngắn này ra mắt độc giả năm 1922 trên tạp chí Shinchô, năm 1950 đã được đạo diễn Kurosawa Akira dựng thành cuốn phim "Rashomon" (thêm vài chi tiết trong truyện ngắn "Rashomon - Lã Sinh Môn" cũng của Akutagawa), với các tài tử Mifune Toshiro, Machiko Kyo, Mori Masayuki. Phim nầy thành công rực rỡ ở cả trong lẫn ngoài nước Nhật, thế giới biết tiếng Kurosawa và Akutagawa từ đó...

Lời khai của người đốn củi với quan kiểm sát

Đúng đó, thưa quan lớn. Thấy được xác chết đó chính là tui đây chớ ai. Sáng nay tui lên rừng sâu đốn củi như mọi ngày, thì thấy có xác chết trong bụi cây khuất sau núi đó. Quan hỏi ở đâu hả? Thì cách chừng 4, 5 thôi đường[1]  từ con đường lớn qua trạm thơ ở Yamashina đó mà. Chỗ đó vắng người, có nhiều cây tuyết tùng[2] nhỏ lẫn trong bụi tre.

Xác chết nằm ngửa, mặc áo bào màu xanh lơ, đầu vẫn còn đội mũ xếp kiểu nhà quan trên kinh đô. Nói là chỉ bị đâm một dao thôi, chớ thiệt ra, vết thương nhằm ngay ngực, cho nên lá tre rụng chung quanh xác chết thấm đầy máu thâm tím. Không, máu đã hết chảy rồi, mà vết thương ngó bộ cũng đã khô rồi, thưa quan lớn. Lại có một con ruồi trâu bám riết trên vết thương, như thể không nghe cả tiếng chân tui bước tới nữa.

Quan hỏi có thấy đao kiếm chi không hả? Không, tui chẳng thấy có đao kiếm chi hết. Chỉ thấy có một đoạn dây rớt ở gốc cây tuyết-tùng gần đó. À, ngoài đoạn dây, còn có cái lược nữa. Chung quanh xác chết chỉ có hai vật đó thôi, thưa quan lớn. Nhưng mà, một vùng cỏ và lá tre rụng quanh đó thì bị giẫm đạp tan hoang, nên chắc chắn là anh ta trước khi bị giết chết, cũng đã chống chọi dữ lắm. Còn ngựa hả? Chỗ đó thì ngựa không vô lọt được. Lối cho ngựa chạy thì phải cách đó một cánh rừng mới có.

Lời khai của nhà sư lữ hành với quan kiểm sát

Người chết đó thì quả thật tôi đã gặp hôm qua. À, có lẽ vào khoảng trưa, thưa quan lớn. Chỗ gặp là khoảng đường tôi đang đi từ Sekiyama tới Yamashina đó. Anh ta đi bộ, cùng với người đàn bà cỡi ngựa, hướng về phía Sekiyama. Người đàn bà đội mũ có phủ khăn che mặt nên tôi không biết mặt mũi ra sao, chỉ thấy cái áo màu tím. Con ngựa màu hung đỏ… À, hình như đã cắt sạch bờm. Quan hỏi ngựa bao lớn à? Con ngựa nầy có lẽ cao hơn ngựa thường đến 4 tấc[3]. Người tu hành nên tôi không rành chuyện đó, thưa quan lớn. Anh ta mang gươm, và có cả cung tên nữa. Đặc biệt, bao đựng tên sơn đen, cắm hơn hai chục mũi tên đánh trận, thì tới bây giờ tôi cũng còn nhớ rõ.

Tôi đâu có ngờ anh ta rồi ra thân thể như vậy. Quả thật là đời người như sương như điện chớp. Chao ôi, thảm thương đến thế nầy thì còn lời nào mà nói nữa.

Lời khai của sai nha[4]  với quan kiểm sát

Quan hỏi cái thằng mà tôi bắt được là ai ạ? Thưa quan lớn, thằng nầy chính thật là tướng cướp khét tiếng Tajomaru đó. Quả thật là tôi đã tóm được lúc hắn đã ngã ngựa, đang rên hừ hừ trên cầu đá ở Awadaguchi. Quan hỏi vào giờ nào ạ? Khoảng canh đầu đêm hôm qua đó, thưa quan lớn. Lần tôi bắt hụt hắn trước đây, hắn cũng mặc áo bào màu xanh đậm, mang gươm dài như vậy. Lần nầy, như quan lớn thấy đó, lại mang thêm cung tên nữa. Dạ, quan dạy là người chết đã mang cung tên đó? Vậy thì giết chết người đàn ông đó chính là tên Tajomaru nầy rồi, chẳng sai chạy vào đâu được nữa. Cây cung bọc da, bao đựng tên sơn đen, tên đánh trận đuôi lông ó 17 cây, tất cả các thứ nầy hẳn là của người bị hắn giết rồi. Ngựa thì đúng như quan phán, là ngựa màu hung đỏ, cắt hết bờm. Tên cướp nầy mà bị con vật đó hất ngã xuống thì hẳn là tiền duyên nghiệp báo chi đây. Con ngựa lúc đó vẫn còn kéo theo dây cương dài, đứng gặm cỏ bên đường, một đoạn phía trước cầu đá.

Trong đám mấy tên cướp hay lai vãng chốn kinh kỳ, thằng Tajomaru nầy nổi tiếng là háo sắc. Năm ngoái đây, trên núi phía sau chùa Toribedera thờ La Hán Binzuru, có một bà đi lễ chùa đã bị giết chết cùng với đứa con gái nhỏ, nghe đâu là thủ đoạn của thằng nầy. Nếu đúng thật là tên nầy đã giết người đàn ông đó, thì người đàn bà cỡi con ngựa hung đỏ đã đi đâu, ra sao rồi, thật không còn biết nói sao nữa. Sợ quan mắng cho là dám nói leo, nhưng xin quan lớn xét cả việc ấy cho.

Lời khai của bà già với quan kiểm sát

Dạ phải, người chết đó là người đã cưới con gái của già nầy. Nhưng cậu ta không phải là người chốn kinh kỳ, mà là vũ sĩ nhà Kokufu ở xứ Wakasa. Tên cậu ta là Takehiro dòng Kanazawa, 26 tuổi. Dạ không, cậu ta tính tình hiền lành, đâu có gây thù oán chi với ai.

Còn con gái tôi à? Con gái của già tên là Masago, 19 tuổi. Tuy tính tình có cứng cỏi không thua đàn ông con trai, nhưng mà ngoài cậu Takehiro ra, nó chưa hề biết tới đàn ông nào khác. Khuôn mặt nhỏ trái xoan, nước da bánh mật, đuôi mắt bên trái có một nốt ruồi đen.

Hôm qua, cậu Takehiro đã cùng con gái tôi lên đường đi Wakasa. Nhân quả chi mà ác đức đến ra nông nỗi nầy. Rể tôi phần số như vậy đã đành, nhưng con gái tôi ra sao thì già nầy lo lắng không sao ở yên được. Lạy quan lớn xét cho lời van xin cuối đời của người già cả nầy, mà cho dù phải vạch từng lá cỏ, kiểm từng gốc cây, cũng xin tìm cho ra con gái của già. Dù gì đi nữa, già cũng căm hận tên cướp mà quan nói là Tajomaru gì đó. Đã giết chết con rể tôi, mà cả con gái của tôi cũng… (sau đó khóc ròng, không nói gì được nữa).

Lời thú của Tajomaru

Giết chết người đàn ông đó chính là tui đây. Nhưng tui không giết người đàn bà. Vậy thì cô ta đi đâu? Cái đó thì tui cũng không biết. Mà khoan đã, có tra tấn bao nhiêu đi nữa, chuyện tui không biết thì làm sao mà nói gì được chớ. Hơn nữa, đã tới nước nầy thì tui cũng quyết không giấu diếm hèn nhát đâu.

Hôm qua, khoảng sau trưa một chút, tui đã gặp hai vợ chồng đó. Đúng lúc gió thổi lật cái khăn che mặt trước mũ của cô đó lên, tui thoáng thấy được khuôn mặt cô ta. Mà chỉ một thoáng thôi. Tui vừa tưởng là thấy được mặt cô ta, thì đã không còn thấy nữa. Một phần có lẽ cũng vì chỉ thấy lướt qua nên tui thấy khuôn mặt cô đó giống như khuôn mặt nữ-bồ-tát. Chỉ trong chớp nhoáng đó, tui đã quyết sẽ chiếm đoạt cô ta, dù có phải giết người chồng đi nữa.

Ôi, có gì đâu. Giết người có phải là chuyện gì ghê gớm như các người nghĩ đâu. Thế nào cũng phải chiếm đoạt đàn bà, thì phải giết đàn ông đi thôi. Chỉ khác là tui giết người thì dùng đao kiếm, còn các người thì thay vì đao kiếm, lại dùng quyền lực, tiền bạc, hay có khi chỉ cần lời nói xảo quyệt là đủ để giết người ta rồi. Giết kiểu đó thì máu chẳng đổ, mà đàn ông đó vẫn thấy như còn sống đàng hoàng. Nhưng chung quy cũng là giết người đó thôi. Giết người kiểu nào đáng kết tội nặng, các người đáng tội nặng, hay tui đáng tội nặng, thật khó mà phán quyết được (mỉm cười mỉa mai).

Nhưng mà, tất nhiên nếu không cần giết đàn ông mà vẫn chiếm đoạt được đàn bà thì tốt hơn. Quả thật, lúc đó lòng tui đã nghĩ là nếu được thì chiếm đoạt người đàn bà mà tránh giết người đàn ông. Nhưng khổ là ngay trên đường lớn qua trạm thơ ở Yamashina thì không cách nào làm được việc đó. Cho nên tui đã phải dàn xếp để dụ hai vợ chồng đó vô sâu trong núi.

Chuyện nầy cũng chẳng khó khăn chi. Tui giả bộ đi cùng đường với họ, rồi đặt chuyện rằng trong núi phía trước có phần mộ cổ, tui đào lên thấy có vô số gương và kiếm, nên đã dời đi, chôn ở một bụi rậm khuất sau núi để không ai tìm thấy được, nếu có ai muốn mua thì tui sẽ để lại với giá rẻ. Người đàn ông nghe tui nói, dần dần cũng động lòng ham. Thấy chưa, lòng ham muốn là thứ đáng sợ như thế nào. Vậy là, không đầy nửa khắc sau, vợ chồng họ đã theo tui, rẽ ngựa vào rừng.

Tới chỗ ngay trước bụi rậm, tui nói là kho tàng chôn ở trong đó, gọi họ tới xem. Anh chồng trong lòng đã ham muốn quá rồi, chẳng có gì phải phản đối. Nhưng cô vợ thì không chịu xuống ngựa, nói là muốn ngồi đợi ở đó. Mà nhìn thấy bụi rậm cây cối um tùm kiểu đó thì cô ta nói như vậy cũng là chuyện đúng thôi. Tui thì thật tình lúc đó đã chắc mẩm là thú săn lọt bẫy rồi, chạy đâu cho thoát, nên cứ để mặc cô ta ở đó, chỉ đưa anh chồng vô sâu trong bụi rậm.

Lúc đầu thì chỉ toàn là bụi tre dày. Nhưng đi chừng nửa thôi đường thì tới chỗ thấy phía trước có đám cây tuyết tùng, có phần thưa hơn. Không còn chỗ nào tốt hơn chỗ đó, cho tui ra tay. Tui vừa rẽ bụi rậm bước tới, vừa kiếm lời lọt tai mà nói gạt rằng kho tàng chôn ở dưới đám cây tuyết tùng đó. Anh chồng nghe tui nói, hăm hở rẽ bụi rậm tiến về phía đám cây đó. Một hồi thì tới chỗ chỉ có ít tre, có vài cây tuyết tùng mọc thành hàng. Vừa tới chỗ đó, tui thình lình nhào tới vật anh ta xuống. Là một tay dùng đao kiếm, anh ta quả là có sức mạnh lắm chớ, nhưng bị đánh thình lình nên không làm gì được, tức thì bị trói chặt vô một gốc cây tuyết tùng. Quan hỏi dây trói à? Dây đó là thứ đồ tiện lợi cho kẻ cướp, phòng khi cần có để vượt qua rào tường, nên lúc nào tui cũng cột sẵn ở thắt lưng. Tất nhiên là để anh ta khỏi la lên, chỉ cần tọng đám lá tre khô vô miệng là khỏi phải lo lắng chi nữa.

Lo xong phần anh chồng, tui quay trở lại chỗ cô vợ, nói là anh ta có vẻ phát bệnh thình lình, biểu vợ tới coi sóc cho. Chắc khỏi cần nói là chuyện nầy cũng song suốt như ý tui. Cô ta vất mũ, mặc cho tui nắm tay, tất tả bước sâu vô bụi rậm. Nhưng, tới nơi lại thấy chồng mình bị trói vô gốc cây tuyết tùng. Vừa thấy vậy, không biết đã lấy từ trong túi ra từ lúc nào mà cô ta đã tức thì rút lưỡi dao ngắn ra, sáng loáng trên tay. Cho tới bây giờ, tui chưa hề thấy một người đàn bà nào cường ngạnh như cô nầy. Lúc đó, tui mà dễ ngươi một chút là đã bị đâm một nhát lủng hông rồi. Tui tràng người né tránh được, nhưng cô ta cứ đâm chém túi bụi nên tui mà có bị thương tích cũng chẳng có chi lạ. Nhưng mà, tui đây, đường đường là Tajomaru, cho nên không đến nỗi phải dùng tới đao kiếm, cuối cùng rồi cũng đánh rớt được con dao. Tính khí cương cường đến đâu đi nữa mà trong tay không có vũ khí thì cũng phải chịu phép thôi. Vậy là đúng như ý định, cuối cùng tui đã chiếm đoạt được người đàn bà mà không cần phải giết người đàn ông.

Khỏi phải giết người đàn ông. Đúng đó. Tui đâu có ý định giết anh ta làm chi nữa. Nhưng, lúc tui định rời thoát khỏi bụi rậm đó, bỏ lại cô ta đang nằm khóc lóc, thì thình lình, cô ta nắm cánh tay tui, rồi như điên cuồng, cứ ôm chặt lấy tui. Mà nghe những lời thổn thức đứt quãng đó thì ra là cô ta nói: hoặc là chồng cô ta phải chết, hoặc là tui phải chết, một trong hai người phải chết đi, chớ cô ta đã làm chuyện nhục nhã đó trước mắt cả hai người đàn ông, thì đau khổ còn hơn chết nữa. Ai cũng được, người nào sống sót thì cô ta sẽ đi theo mà cung phụng người đó. Cô ta năn nỉ thảm thiết vậy đó. Riết rồi tui cũng phát khởi ý muốn giết chết anh chồng đi. (có vẻ xúc động buồn rầu).

Chuyện nầy nói ra như vậy, chắc là người ta thấy tui tàn nhẫn hơn các người. Nhưng các người đâu có nhìn thấy vẻ mặt cô ta. Nhất là trong thoáng chớp đó, đôi mắt cô ta bốc lửa như thế nào. Lúc đó, nhìn đôi mắt cô ta, tui đã nghĩ là cho dù có bị sấm sét đánh chết đi nữa, cũng phải lấy cô ta làm vợ mới thoả lòng. Phải, lấy cô ta làm vợ, trong lòng tui lúc đó chỉ có một ý nguyện đó mà thôi. Điều đó không phải như các người nghĩ là chuyện sắc dục bỉ ổi đâu. Lúc đó, nếu thật chỉ chuyên niệm chuyện sắc dục mà thôi, thì dù có phải đạp ngã cô ta, tui cũng đã bỏ đi rồi. Mà như vậy thì người chồng cũng khỏi phải đổ máu dưới lưỡi gươm của tui. Nhưng mà, trong bụi rậm mờ tối, trong thoáng chớp khi tui nhìn đăm đăm khuôn mặt cô ta, tui hiểu rằng nếu không giết chết anh chồng thì không thể rời chỗ đó mà đi được.

Nhưng có giết anh ta đi nữa, tui cũng không muốn giết bằng thủ đoạn đê hèn. Tui cởi trói cho anh ta, rồi biểu anh ta tuốt gươm ra. (Dây trói cởi bỏ lúc đó, sau nầy còn sót lại bên gốc cây tuyết tùng). Sắc mặt giận dữ, anh ta mới tuốt cây gươm to bản ra, không nói một lời, tức thì hầm hầm bay tới chém tui. Trận đấu gươm đó cuối cùng ra sao thì khỏi nói các người cũng đã rõ. Tới thế thứ 23 thì lưỡi gươm của tui đã xuyên thấu ngực kẻ địch. Thế thứ 23 đó, xin các người nhớ cho. Điều nầy, cho tới bây giờ tui vẫn còn nể phục. Đấu gươm với tui mà đỡ được hơn 20 thế thì khắp thiên hạ chỉ có một mình anh ta mà thôi. (mỉm cười khoái trá).

Anh ta vừa ngã xuống, thì tui hạ mũi gươm nhuộm máu, quay lại nhìn cô vợ. Thì, các người nghĩ coi, cô ta chẳng còn ở đó nữa. Tui cố tìm kiếm trong mấy đám cây tuyết tùng coi cô ta trốn đi đâu. Nhưng trên đám lá tre khô chẳng còn gì là dấu vết của cô ta cả. Có lắng tai nghe cũng chỉ nghe tiếng hấp hối trong cổ họng người chồng mà thôi.

Theo chuyện mà đoán thì ngay khi tui chém nhát gươm đầu, có lẽ cô ta đã luồn qua bụi rậm, trốn đi để kêu người tới cứu rồi. Nghĩ vậy nên đến phiên tính mạng mình bị nguy, tui bèn đoạt lấy gươm dài và cung tên, lập tức chạy trốn về phía đường rừng đã vô lúc trước. Ở đó vẫn còn con ngựa của cô ta đang yên lặng gặm cỏ. Chuyện từ đó về sau thì chẳng cần phải nói ra làm chi nữa. Có điều, trước khi vô kinh đô, chỉ có thanh gươm thì tui đã vất đi rồi. Lời cung khai của tui chỉ có chừng đó. Đàng nào thì cũng một lần, côn trượng hay bêu đầu treo cổ, thôi thì xin chịu nhục hình cho rồi. (tỏ thái độ ngạo mạn).

Lời sám hối của người đàn bà đến chùa Shimizu

Tên đàn ông mặc áo bào màu xanh đậm đó, sau khi đã giày vò tôi xong, hắn nhìn chồng tôi mà cười chế giễu. Chồng tôi khổ tâm biết là dường nào. Nhưng dù cho chồng tôi có vặn vẹo bao nhiêu đi nữa, cũng chỉ làm cho các vòng dây trói khắp trên thân người càng siết chặt vào thêm mà thôi. Tội nghiệp quá, bất giác tôi lăn về phía chồng tôi. Không, tôi mới định lăn lại thì ngay lúc đó tên cướp đã đạp tôi ngã chúi tới chỗ chồng tôi. Rồi trong thoáng chốc nhìn thấy tia sáng không sao diễn tả được loé lên trong mắt chồng tôi, tôi hiểu ra được điều gì chứa đựng trong ánh mắt ấy. Ánh mắt không lời nào diễn tả được. Cho đến bây giờ, nhớ lại ánh mắt ấy, tôi còn không khỏi rùng mình. Dù miệng không nói ra được lời nào, nhưng trong khoảnh khắc ấy, chồng tôi đã truyền đạt được tất cả tâm tình anh ấy. Nhưng chiếu toả ra từ ánh mắt ấy không phải là cơn giận dữ, mà cũng không phải là nỗi buồn rầu. Mà chỉ là tia sáng lạnh lẽo của lòng khinh miệt đối với tôi. Hơn cả nỗi đau đã bị tên cướp kia đạp đá, tôi đã bị ánh mắt ấy tống mạnh vào tâm thần, bất giác thét lên lời gì không rõ, rồi ngã xuống bất tỉnh.

Đến lúc tỉnh lại được thì tên đàn ông mặc áo bào màu xanh đậm đó đã đi đâu mất. Chỉ còn lại chồng tôi bị trói ở gốc cây tuyết tùng. Tôi gượng ngồi dậy được trên đám lá tre khô, nhìn chăm chú vẻ mặt của chồng tôi. Nhưng ánh mắt của chồng tôi vẫn không thay đổi chút nào. Cũng vẫn biểu lộ một màu thù ghét từ dưới đáy lạnh băng của lòng khinh miệt. Hổ thẹn, đau buồn, tức giận… tôi không còn biết lòng tôi lúc ấy là như thế nào nữa. Tôi lảo đảo đứng lên, lết lại gần chồng tôi:

- "Thưa anh. Đã đến nông nỗi nầy thì em không còn có thể cùng sống với anh được nữa. Em chỉ muốn chết ngay cho rồi. Nhưng mà, xin anh cũng chết đi. Bởi anh đã chứng kiến nỗi ô nhục của em. Em không thể nào để mặc anh sống như thế nầy được."

Tôi gượng hết sức mình để tỏ bày điều ấy. Thế mà chồng tôi vẫn chỉ nhìn tôi trừng trừng kinh tởm. Tôi gắng dằn lòng mình đang muốn xé toang ra, vừa tìm kiếm thanh gươm của chồng tôi. Nhưng có lẽ tên cướp kia đã đoạt lấy mất rồi. Thanh gươm đã đành, mà cung tên nữa, cũng không còn thấy đâu trong bụi rậm ấy. Nhưng may thay, lưỡi dao ngắn thì còn rớt lại dưới chân tôi. Tôi giương con dao ấy lên, nói với chồng tôi một lần nữa :

- "Thôi thì xin anh giao mạng cho em. Rồi em cũng xin chết theo anh."

Nghe thế, chồng tôi mới mấp máy môi. Tất nhiên là vì miệng ngậm đầy lá tre khô, nên tiếng nói không sao nghe được. Nhưng nhìn đôi môi mấp máy, tôi cũng hiểu ngay lời anh nói. Chồng tôi cũng vẫn khinh miệt tôi, chỉ nói một lời: "Giết ta đi". Tôi, như hoàn toàn trong mộng dữ, đã đâm phập một nhát dao xuyên thấu ngực chồng tôi, qua lớp áo bào màu xanh lơ ấy.

Và rồi, có lẽ tôi đã bất tỉnh một lần nữa. Hồi lâu sau, khi tỉnh lại nhìn quanh, thì chồng tôi, vẫn còn bị trói như cũ, đã tắt thở từ lâu rồi. Ánh nắng chiều xuyên qua kẽ lá tuyết tùng lẫn trong đám lá tre, rọi lên khuôn mặt người chết tái xanh. Tôi cố nén tiếng khóc, lần mở dây trói tử thi mà vất đi. Rồi, còn thân tôi thì ra thế nào? Tôi chẳng còn sức nào mà nói nữa. Chỉ biết là, tôi không có đủ nghị lực để chết đi. Tôi đã kề dao lên cổ, đã gieo mình xuống hồ nước bên triền núi, đã thử chết nhiều cách, nhưng cuối cùng cũng không chết được, mà còn sống sót như thế nầy, thì có gì để tự hào đâu. (mỉm cười buồn bã). Một kẻ hèn nhát như tôi, có lẽ đến Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cũng chẳng muốn đoái hoài cho nữa. Nhưng là kẻ đành phải giết chồng, là kẻ đã bị tên cướp kia giày vò nhục nhã, tôi biết làm thế nào được chứ? Trời ơi, tôi phải làm thế nào bây giờ? (thình lình nức nở thảm thiết).

Lời kể lể của người chết qua miệng người ngồi đồng

Tên cướp giày vò vợ ta xong còn ngồi đó mà an ủi vợ ta đủ điều. Tất nhiên, ta không thể thốt ra được lời nào. Thân thể lại bị trói vào gốc cây tuyết tùng. Nhưng ta đã đưa mắt ra hiệu cho vợ nhiều lần. Đừng tin những gì tên cướp nói, cứ nghĩ tất cả những điều hắn nói đều là láo khoét cả. Ta muốn truyền đạt như thế. Thế nhưng, vợ ta cứ ngồi trên đám lá tre khô, buồn rầu nhìn xuống đầu gối. Ta thấy có vẻ cô ấy đang lắng tai nghe tên cướp nói. Ta rúng động cả người vì ghen. Nhưng tên cướp đã khéo léo kiếm lời nói nầy nói nọ. Những là, đã thất tiết với người khác một lần rồi thì không thể nào còn sống chung êm đẹp với chồng nữa. Đi theo người chồng như thế, chi bằng theo làm vợ hắn còn hơn. Chính vì hắn đem lòng yêu thương cô, nên mới làm chuyện táo tợn như thế. Tên cướp ấy thật là lớn mật, dám đặt điều đến cả chuyện như thế.

Vậy mà nghe tên cướp nói, vợ ta lại ngước khuôn mặt đờ đẫn lên. Ta chưa bao giờ thấy vợ mình đẹp đến như lúc ấy. Nhưng, người vợ tuyệt đẹp ấy, ngay trước mặt chồng là ta đây đang bị trói chặt, đã nói gì với tên cướp? Ta, dù lúc này đang thất thểu chờ dịp đầu thai, mà mỗi lần nhớ đến lời nói của cô ta, lại không thể không bốc lên lửa hận. Vợ ta quả thật đã nói như thế nầy: "Vậy thì, xin ông cứ cho tôi theo, bất cứ nơi đâu." (im lặng một hồi lâu).

Tội của vợ ta không phải chỉ có thế. Nếu chỉ có thế thì trong cõi tối tăm nầy, ta đâu đến nỗi đau khổ như thế nầy. Vợ ta, như trong cơn mộng mị, đã để cho tên cướp nắm tay dắt đi, dợm bước ra khỏi bụi rậm ấy, đột nhiên, mặt mày tái nhợt, chỉ tay vào ta đang bị trói vào gốc cây tuyết tùng mà nói:

- "Giết chết người đó đi. Người đó mà còn sống thì tôi không thể nào đi theo ông được."

Vợ ta như điên cuồng, đã thét lên nhiều lần: "Giết chết người đó đi". Lời thét ấy như trận cuồng phong, cho đến bây giờ vẫn còn chực cuốn ngược đầu ta xuống đáy vực sâu tăm tối. Lời nói đốn mạt đến như thế mà có thể lọt ra từ miệng con người được sao, dù chỉ một lần đi nữa? Lời nói quỷ ám đến như thế mà có thể chạm tai con người được sao, dù chỉ một lần đi nữa? (thình lình phì cười như chế giễu). Nghe lời nói ấy, chính tên cướp kia, mặt mày cũng tái mét. "Giết chết người đó đi". Vợ ta vừa thét lên vừa nắm kéo cánh tay tên cướp. Hắn nhìn vợ ta đăm đăm, chẳng trả lời được là giết hay không giết. Rồi đột nhiên, vợ ta ngã xuống đám lá tre khô; chỉ một đạp, tên cướp đã đạp ngã cô ta xuống đấy. (lại phì cười như chế giễu một lần nữa). Tên cướp khoan thai khoanh tay, nhìn về phía ta mà nói:

- "Ngươi định làm gì con đàn bà nầy? Chỉ cần gật đầu trả lời. Nào, giết nhé?"

Chỉ cần một câu nói nầy thôi, ta đã muốn tha tội cho tên cướp ấy rồi. (lại im lặng hồi lâu).

Vợ ta, trong lúc ta đang do dự, đã thét lên một tiếng rồi lập tức vùng chạy vào sâu trong bụi rậm. Tên cướp cũng nhanh nhẹn phóng tới chụp lại, nhưng không kịp nắm được dù là một chéo áo. Ta chỉ nhìn khung cảnh ấy như trong cơn mơ.

Sau khi vợ ta đã chạy trốn mất, tên cướp thu nhặt thanh gươm và cung tên, xong cắt một chỗ dây trói trên mình ta. "Đến phiên tao phải lo lấy thân đây". Ta nhớ tên cướp đã lẩm bẩm như thế trước khi chạy ra khỏi bụi rậm, mất dạng. Sau đó, bốn bề chung quanh đều im vắng. À không, còn có tiếng ai khóc. Ta vừa tự cởi trói, vừa lắng tai nghe ngóng. Nhưng mà, tiếng khóc đó, nghĩ lại, chẳng qua là tiếng khóc của chính mình đó thôi. (lại im lặng hồi lâu, lần thứ ba).

Cuối cùng, ta đã nhấc thân mình mệt đến kiệt sức lên từ gốc cây tuyết tùng. Trước mặt ta là con dao ngắn vợ ta đã làm rớt lại, loé sáng. Ta nhặt con dao đó lên, đâm một nhát vào ngực mình. Có gì như một khối tanh tưởi cuộn dâng lên trong miệng. Nhưng, chẳng nghe đau đớn gì. Chỉ khi ngực ta lạnh băng đi rồi thì chung quanh như càng lặng im thêm một bậc nữa. Ôi, sao mà tĩnh mịch đến như thế. Khoảng trời trong bụi rậm khuất sau núi nầy, đến một cánh chim nhỏ cũng không thấy. Chỉ thấy ánh nắng chiều phiêu lãng buồn rầu trên những thân tre và tuyết tùng. Mà ánh nắng chiều cũng dần dần nhợt nhạt đi, rồi tuyết tùng và tre cũng không còn thấy nữa. Rồi ta ngã xuống đó, bao phủ trong tĩnh mịch sâu thẳm.

Lúc ấy, có tiếng chân ai rón rén đến bên ta. Ta cố nhìn về phía ấy. Nhưng chung quanh ta, bóng tối mịt mùng bao phủ. Ai đó… bàn tay không thấy được của ai đó đã nhè nhẹ rút lưỡi dao ra khỏi ngực ta. Cùng lúc ấy, trong miệng ta, dòng máu lại trào lên, dâng đầy tràn một lần nữa. Từ đó, ta vĩnh viễn chìm mất vào tăm tối hư vô.

 

(Phạm Vũ Thịnh giới thiệu và dịch)

Chú thích:

[1] chô: khoảng 119 yards, chừng 100m, dịch là "thôi đường", 5 chô khoảng 500 m.

[2] sugi: cedar, cây tuyết tùng. Từ điển Hán Việt Thiều Chửu ghi là "cây sam".

[3] ki: (thốn) khoảng 3 cm, xin dịch là "tấc". Ngựa thường chừng 4 shaku (1 shaku - thước: 30,3 cm), tính ra lưng con ngựa này cao chừng 1, 3m - 1,4m.

[4] hômen: người phạm tội nhẹ, được tha, cho theo quan kiểm sát đi bắt tội phạm.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...