VanVN.Net - Nhà thơ, nhà văn Nga Ivan Bunin sinh ngày 10(22?)-10-1870, tại tỉnh Voronezh, trong một gia đình quý tộc Nga lâu đời nhưng đã trở nên sa sút.
Tuổi thơ Bunin trôi qua ở làng quê vùng Trung Nga đất đen, 11 tuổi ông mới bắt đầu học trường huyện ở thị trấn Elets, 15 tuổi lại về học tại gia dưới sự chỉ dẫn của người anh ruột. Ông say mê tự học, đọc rất nhiều tác phẩm văn học kinh điển Nga và thế giới. Năm 17 tuổi ông bắt đầu có thơ in. Năm 21 tuổi Bunin đã xuất bản tập Thơ (1891), sau đó là các tập thơ Dưới bầu trời rộng mở (1898) và Lá rụng (1901), tiếp nối truyền thống thơ cổ điển Nga và được tặng giải thưởng văn học mang tên Pushkin.
Không chỉ viết thơ, Bunin còn là tác giả nhiều tác phẩm văn xuôi tuyệt vời như Những quả táo Antonov (1900), Làng quê (1910), Quý ngài từ San Fransisco (1915), Ngữ pháp tình yêu (1915), Hơi thở nhẹ (1916)…
Năm 1909, Bunin được bầu làm viện sĩ danh dự Viện hàn lâm khoa học Saint Petersburg.
Kể từ năm 1920, Ivan Bunin sống lưu vong ở Pháp. Sống xa nước Nga, ông bắt đầu viết những tác phẩm xuất sắc nhất của mình như Mối tình của Michia (1924), Say nắng (1925), và Cuộc đời Arsenev (1927-1929, 1933). Theo lời Konstantin Paustovski, Cuộc đời Arsenev không chỉ là đỉnh cao của nền văn học Nga, mà còn là “một trong những hiện tượng tuyệt vời của nền văn học thế giới”.
Năm 1933, Ivan Bunin được tặng giải Nobel văn học.
Khi nước Pháp bị Đức chiếm đóng, Bunin kiên quyết không hợp tác với bọn phátxít dù dưới bất cứ hình thức nào. Ông thường xuyên theo dõi tình hình chiến sự ở Liên Xô. Chính trong giai đoạn chiến tranh này, nhà văn Nga đã sáng tác tập truyện ngắn về tình yêu Những con đường rợp bóng hàng cây. Những câu chuyện tuyệt đẹp về tình yêu này được viết ra không phải trong thời kỳ tác giả còn là thanh niên, thậm chí không phải ở tuổi trưởng thành, mà khi ông đã ở bên kia dốc cuộc đời. Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đang diễn ra khốc liệt, nhà văn Nga khi đó ngoài thất thập khước từ mọi đề nghị của những kẻ phản bội nước Pháp, cũng là kẻ thù của nước Nga, sống ẩn dật thiếu thốn tại thị trấn nhỏ vùng Anpơ bị chiếm đóng để viết nên kiệt tác cuối đời. Tưởng chừng như tất cả đã qua đi, tuổi trẻ, quê hương, bè bạn, niềm vinh quang văn học (Bunin nhận giải Nobel 10 năm trước khi Những con đường rợp bóng hàng cây ra đời). Nhưng còn lại Tình Yêu, điều mà hóa ra không bao giờ mất, vĩnh viễn không bao giờ chết. Có lẽ chính bởi vậy mà tập truyện xuất bản lần đầu ở New York năm 1943, tira chỉ 600 bản lại có sức hấp dẫn đặc biệt đối với bạn đọc nhiều thế hệ. Giữa giai đoạn chiến tranh chết chóc ác liệt, tập truyện ngắn Bunin là quyển sách độc đáo về hoài niệm Tổ quốc và tuổi trẻ đã qua, về sự bất tử của tình yêu Nga, cho dù câu chuyện được mô tả diễn ra ở Paris, Viên, Tây Ban Nha, thậm chí ở Palestin xa lạ. Những con đường rợp bóng hàng cây gồm cả thảy 37 truyện, trong đó có những đoản văn có thể gọi là bài thơ bằng văn xuôi. Ông mất ngày 8-11-1953, tại Paris, thọ 83 tuổi.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc một số truyện ngắn trong tập Những con đường rợp bóng hàng cây của nhà văn.
Galia Ganskaya
Ông họa sĩ và người cựu lính thủy ngồi với nhau ở ngoài hiên của một tiệm cà phê Paris. Bấy giờ đang là tháng Tư, ông họa sĩ cứ trầm trồ thán phục: về mùa xuân, thành phố Paris sao mà tuyệt vời, còn phụ nữ Paris thì đẹp mê hồn trong những bộ trang phục mùa xuân của họ.
- Vào thời hoàng kim của tôi, cố nhiên là vào mùa xuân, Paris còn tuyệt diệu hơn thế này rất nhiều, - ông ta nói. - Mà không chỉ bởi hồi ấy tôi còn rất trẻ, ấy là do Paris cũng khác bây giờ. Anh cứ nghĩ mà xem: chưa hề có một chiếc xe hơi nào cả. Vả lại, hồi ấy Paris đâu có sống theo kiểu bây giờ!
- Còn tôi thì không hiểu sao lại cứ nhớ tới mùa xuân ở Odessa anh ạ. - người lính thủy lên tiếng. - Là dân Odessa chính gốc, hẳn anh biết hơn tôi về cái vẻ kiều diễm đặc biệt của thành phố ấy – đó là sự pha trộn giữa ánh sáng mặt trời đã bắt đầu nóng bức với mùi biển tươi mát hãy còn mang hương vị mùa đông, giữa cái chói chang của bầu trời và sự dịu êm của những đám mây xuân trên biển. Và trong những ngày xuân như thế, anh biết không, xiêm áo các bà các cô ở Deribasovskaya lộng lẫy biết chừng nào…
Người họa sĩ châm tẩu thuốc và cất tiếng gọi: “Garcon, un demi!”[1] – rồi sôi nổi quay về phía bạn:
- Xin lỗi, tôi ngắt lời anh một chút. Anh thử hình dung xem, lúc nãy, khi nói về Paris, tôi cũng nghĩ về Odessa đấy chứ. Anh hoàn toàn có lí, mùa xuân ở Odessa quả là một điều gì đấy rất lạ thường. Chỉ có điều là tôi thường cứ nhớ tới những mùa xuân ở Paris và Odessa một cách lẫn lộn thế nào ấy. Trong tôi, những mùa xuân ấy cứ xen kẽ với nhau. Anh biết đấy, hồi đó, khi xuân đến, tôi vẫn thường liên tục đi Paris như thế nào… Anh có nhớ Galia Ganskaya không? Anh đã gặp nàng ở một nơi nào đó và bảo tôi rằng chưa bao giờ được thấy một cô bé duyên dáng nhường ấy. Không nhớ à? Nhưng thôi, đằng nào mà chả thế. Nãy giờ, nhắc đến Paris thuở ấy, tôi vừa mới liên tưởng đến nàng và mùa xuân năm đó ở Odessa, khi lần đầu tiên nàng đến thăm tôi ở xưởng vẽ. Có lẽ, trong chúng ta, mỗi một người đều có một kỉ niệm đặc biệt quý giá về tình yêu, hoặc một chuyện tình tội lỗi nặng nề nào đó. Vậy thì, có lẽ chính Galia Ganskaya là hồi ức tuyệt đẹp nhất, mà cũng là tội lỗi nặng nề nhất của tôi, mặc dầu, có trời chứng giám, dù thế nào đi nữa thì cũng không phải là tôi cố ý. Bây giờ thì chuyện đó đã xa xưa lắm rồi, đến nỗi tôi có thể kể cho anh nghe một cách hoàn toàn cởi mở…
Tôi biết Galia từ khi nàng hãy còn niên thiếu. Nàng lớn lên thiếu mẹ, bên cạnh người cha bị mẹ nàng bỏ rơi từ lâu. Cha nàng là một người khá giả, nhưng xét về nghề nghiệp thì ông là một họa sĩ không mấy thành công, chỉ là một kẻ nghiệp dư, như người ta thường gọi, nhưng say mê đến nỗi ngoài hội họa ra, ông không quan tâm đến bất cứ một thứ nào khác, suốt đời chỉ làm mỗi một công việc duy nhất là đứng trước giá vẽ và chất đầy trong nhà những bức tranh mới có cũ có – ông có một điền trang ở Ostrada – ông mua tất cả những bức tranh ông thích và ở khắp những nơi có thể mua được. Đó là một người đàn ông rất điển trai, béo tốt và cao lớn, với bộ râu tuyệt đẹp màu đồng thau, nửa lai Ukraina, nửa lai Ba Lan, có dáng điệu một ông chủ lớn, kiêu hãnh và lịch thiệp tao nhã, tuy bên trong là một con người rất kín đáo, nhưng bề ngoài cố tỏ ra là một người cởi mở, nhất là với bọn trẻ chúng tôi. Có một dạo, trong khoảng hai năm liền, tất cả chúng tôi, những họa sĩ trẻ Odessa, đã thường kéo đàn kéo lũ đến nhà ông và lúc nào cũng được ông đón tiếp niềm nở. Và mặc dù có sự cách biệt lớn về tuổi tác, ông thường đối xử với chúng tôi bằng vai phải lứa như bè bạn, lúc nào cũng thao thao bất tuyệt về hội họa, mà thết đãi thì không chê vào đâu được. Hồi ấy, Galia mới mười ba mười bốn tuổi, và chúng tôi thán phục nàng, nhưng dĩ nhiên, chỉ là thán phục một cô bé con: với khuôn mặt nhỏ nhắn và những búp tóc vàng sẫm buông dọc theo hai má, nàng dễ thương, dữ dội, uyển chuyển và duyên dáng một cách hiếm thấy. Nhưng nàng làm duyên làm dáng dễ sợ, đến nỗi có lần, khi nàng vô cớ chạy vào xưởng vẽ, thì thầm vào tai ông bố một câu gì đó rồi lao vụt ra ngoài, cha nàng đã phải kêu lên với chúng tôi:
- Ôi, ôi, thật không biết là tôi đang nuôi giữ trong nhà một đứa con gái như thế nào nữa! Tôi lấy làm lo sợ cho nó quá!
Về sau, do tính thô bỉ của tuổi trẻ, không hẹn với nhau mà chúng tôi đều nhất loạt thôi không đến nhà ông nữa. Có một điều gì đấy khiến cho chúng tôi thấy chán Ostrada – có lẽ đó là những câu chuyện triền miên về nghệ thật và việc rốt cuộc ông lại khám phá thêm một bí quyết tuyệt diệu nữa về cách vẽ thế nào cho đúng. Cũng vào thời kì ấy, tôi đã sống hai mùa xuân ở Paris, tự cho mình là một Maupassant thứ hai trong lĩnh vực tình ái, và khi về Moskva thì ăn mặc đỏm dáng đến mức dung tục nhất: mũ trụ, áo bànhtô bằng vải hoa lấm chấm dài thượt đến đầu gối, găng tay màu kem, ủng ngắn cổ cài khuy bấm, một chiếc can lạ mắt, thêm vào đó là một bộ ria lượn sóng, cũng theo kiểu Maupassant, cùng với lối đối xử khốn nạn với phụ nữ bởi không có lấy một mảy may trách nhiệm. Và thế rồi có lần, vào một ngày tháng tư kì diệu, khi tôi đang từ phố Deribasovskaya rẽ qua Preobrazienskaya, khi tới góc phố, gần tiệm cà phê Lipman, thì bỗng gặp Galia đang đi tới. Anh có nhớ ngôi nhà năm tầng hình thước thợ, nơi có cái tiệm cà phê ấy không? Nó ở cái góc giữa phố Preobrazienskaya và quảng trường Soborskaya, vẫn nổi tiếng vì đến mùa xuân, trong những ngày nắng ấm, không hiểu sao thường có những đàn sáo đá tụ tập trên gờ mái nhà và véo von hót. Vui vẻ và đáng yêu biết chừng nào! Và thế rồi, anh thử hình dung xem, khắp phố phường đầy tràn những người ăn mặc lộng lẫy, vô tư và niềm nở, những con sáo đá ríu ra ríu rít liên hồi, hệt như một trận mưa ánh nắng nào đó. Và Galia. Nàng không còn là một đứa trẻ, không còn là một thiên thần bé bỏng, trong bộ trang phục mùa xuân màu xám nhạt mới tinh, nàng đã là một thiếu nữ mảnh mai xinh đẹp đến mức khiến cho người ta kinh ngạc. Khuôn mặt của nàng dưới chiếc mũ xám bị chiếc mạng màu tro che kín nửa chừng, đằng sau tấm mạng ấy, đôi mắt màu ngọc xanh nước biển của nàng ngời lên lấp lánh. Chà, dĩ nhiên là có đủ thứ reo mừng, hỏi han, trách móc: Sao tất cả các anh đều quên cha em, sao lâu lắm rồi anh không đến chơi nhà? Ái chà chà, tôi bảo, lâu đến nỗi cô đã thành người lớn. Lập tức, tôi mua của cô bé rách rưới một bó hoa tím để tặng nàng. Nàng lập tức mỉm cười cảm ơn và áp bó hoa vào má mình, hệt như những người đàn bà khác. – Cô có muốn ngồi nghỉ chân, cô có muốn uống sôcôla không? – Rất vui lòng. – Nàng nâng chiếc mạng lên để uống sôcôla, vui vẻ ngó nghiêng và liên mồm hỏi thăm về Paris, còn tôi thì mải mê ngắm nàng. – Cha em làm việc từ sáng tới chiều, còn anh thì thế nào, có vẽ nhiều không, hay chỉ mải mê với các cô nàng Paris thôi? – Không, tôi không còn say mê họ nữa, tôi cũng vẽ được mấy bức khá đạt. Cô có muốn rẽ vào thăm xưởng vẽ của tôi không? Ai chứ cô thì có thể vào được, vì cô là con gái của một ông họa sĩ, và chỗ tôi ở cũng chỉ cách đây một vài bước chân. – Nàng vô cùng mừng rỡ: – Tất nhiên là được chứ! Và hơn nữa, trừ xưởng vẽ của cha, chưa bao giờ em được vào studio của ai cả. – Nàng buông mạng, cầm ô, tôi dắt tay nàng cùng đi, nàng bị vấp vào chân tôi và bật cười. – Galia này – tôi nói, – tôi có thể gọi cô đơn giản là Galia được không? – Nàng đáp vội và nghiêm trang nói: – Anh thì có thể gọi như thế. – Galia, điều gì đã xảy ra với cô vậy? – Sao cơ? – Trước đây, bao giờ cô cũng xinh đẹp, nhưng bây giờ thì đơn giản là xinh đẹp đến kinh ngạc! – Nàng vấp phải chân tôi một lần nữa và nói với giọng nửa đùa nửa thật: – Thế này thì đã ăn thua gì! Anh vẫn nhớ cái cầu thang hẹp và tối dẫn lên cái chòi ở ngoài sân của tôi đấy chứ? – Tới chỗ đó nàng lặng hẳn đi, sột soạt chiếc váy lót bằng lụa và cứ ngoái đầu nhìn lại. Thậm chí, nàng bước vào phòng vẽ của tôi với một vẻ thành kính nào đó và cứ xuýt xoa: ở chỗ anh hay quá… bí ẩn quá… cái đivăng này to thế!... Anh vẽ được bao nhiêu là tranh, mà hết thảy đều về Paris… Rồi nàng đến trước từng bức tranh, khoan thai ngắm nghía chúng với một vẻ khâm phục kín đáo, thậm chí còn chú ý đến mức quá đáng. Ngắm chán chê xong, nàng thở dài: – Phải, anh vẽ được bao nhiêu là tác phẩm tuyệt vời! – Cô có muốn dùng một ly Port Wine với bánh bíchquy không? – Em cũng không biết nữa… – Tôi cầm chiếc ô của nàng ném lên đivăng, nâng bàn tay xỏ trong chiếc găng làm bằng da cừu non và nói: – Cho anh hôn nhé? – Nhưng em đang đi găng cơ mà… – Tôi tháo chiếc găng, đặt nụ hôn lên chỗ gần cổ tay nhỏ nhắn của nàng. Nàng buông mạng, thản nhiên nhìn bằng cặp mắt màu ngọc xanh nước biển và nói khẽ: – Thôi, đến lúc em phải về rồi. – Chưa đâu, tôi nói, trước hết phải ngồi với nhau một lúc đã chứ, tôi đã kịp ngắm cô một cách kĩ càng đâu. – Tôi ngồi xuống, bế nàng và đặt lên đầu gối của mình. Anh cũng biết cái sức nặng mê ly ấy của đàn bà, thậm chí cả những người nhẹ cân nhất? Nàng hỏi, giọng bí ẩn: – Anh có thích em không? – Tôi ngắm trọn cả người nàng, ngắm cả những bông hoa tím nàng cài trên túi chiếc gilê mới và thậm chí bật lên cười vì cảm động: – Thế còn cô – tôi nói –, cô có thích những bông hoa tím này không? – Em không hiểu ý anh. – Ở đây có cái gì mà không hiểu cơ chứ? Toàn bộ con người cô hệt như bông hoa tím này. – Nàng cúi đầu cười: – Ở trường trung học của bọn em, người ta gọi cách so sánh các cô gái với hoa là lối ví von của giới thư lại đấy. – Thì cứ cho là như vậy đi, nhưng bằng cách khác thì biết nói thế nào được? – Em cũng chẳng biết nữa… – Và nàng khẽ đung đưa đôi chân đỏm dáng của mình, làn môi thơ trẻ hé mở lấp lánh… Tôi vén chiếc mạng, nghiêng đầu hôn nàng, nàng hơi né người ra một chút. Tôi tiến thêm một bước, lần tay theo lớp tất lụa xanh nhạt, đến những cái móc, tận đoạn chun nịt tất, tháo nó ra và hôn lên phần da thịt hồng hồng ở phía trên đùi, rồi lại hôn vào cái miệng nhỏ hé mở, nàng cắn vào môi tôi rất khẽ…
Người thủy thủ lắc đầu cười:
- Vieux satyre[2].
- Đừng có nói vớ vẩn – ông họa sĩ đáp. – Nhớ lại chuyện này lòng tôi đau đớn lắm.
- Thôi được rồi, anh kể tiếp đi.
- Tiếp đó, một năm ròng tôi không gặp lại nàng. Một lần, cũng vào mùa xuân, rốt cuộc, tôi đến Ostrada và được ông Ganski đón tiếp với một nỗi vui mừng và cảm động làm tôi đỏ bừng cả mặt vì xấu hổ, vì chúng tôi đã bỏ rơi ông ấy một cách hèn hạ. Ông già đi rất nhiều, chòm râu đã óng bạc, nhưng những câu chuyện về hội họa thì vẫn sôi nổi như cũ. Ông kiêu hãnh khoe với tôi những sáng tác mới của mình – những con thiên nga khổng lồ màu vàng sải cánh trên những cồn cát màu nước biển – tội nghiệp, ông đã cố gắng để theo kịp thời đại. Tôi nói dối vong mạng: – Tuyệt lắm, tuyệt vô cùng, bác đã vượt lên trước được một khoảng cách rất lớn. – Ông cố kiềm chế nhưng mặt cứ sáng bừng lên, hệt như một đứa trẻ. – Chà, rất vui, tôi rất vui mừng, còn bây giờ thì ta đi ăn trưa nào! – Thế con gái bác đâu? – Nó đi ra phố rồi anh ạ. Anh không nhận được ra nó đâu. Không còn là một cô bé nữa, mà đã là một cô gái hẳn hoi rồi, nhưng cái chính là nó đã trở thành một người khác hẳn, hoàn toàn khác, giống như cây dương kia kìa! – Rủi quá, tôi nghĩ bụng, mình đến thăm ông lão cốt chỉ để gặp nàng, vậy mà nàng lại đi ra phố, cứ như là cố tình vậy! Ăn trưa xong, hôn vào chòm râu thơm tho và mềm mại của ông chủ, hứa là tuần sau lại đến thăm ông, tôi từ biệt ra về, đến giữa đường thì chợt gặp nàng. Nàng mừng rỡ dừng lại: – Anh đấy ư? Số phận nào run rủi? Anh vừa ở chỗ cha em về hay sao? Trời, em mừng quá đi mất! – Còn tôi thì lại còn mừng hơn. Tôi nói: – Cha cô bảo rằng bây giờ không thể nhận ra cô nữa, cô không còn là một cây phong non, mà đã là một cây phong thực thụ, và cụ nói chẳng sai tí nào! – Đúng thật: nàng dường như không còn là một tiểu thư, mà đã là một phụ nữ trẻ. Vừa mỉm cười nàng vừa xoay tròn chiếc ô để mở trên vai. Chiếc ô màu trắng, viền đăng ten, váy đầm và chiếc mũ rộng cũng viền đăng ten và cũng màu trắng, mái tóc nàng hung hung một gam màu lộng lẫy nhất lấp ló dưới vành mũ, trong đôi mắt thì không còn ánh ngây thơ ngày trước, riêng khuôn mặt thì có vẻ như hơi dài ra… – Vâng, thậm chí em còn cao hơn anh một chút nữa đấy. – Tôi chỉ còn biết lắc đầu đồng tình: – Đúng là như vậy thật… Ta cùng ra biển chơi đi, tôi nói. – Vâng, ta cùng đi nhé. – Hai chúng tôi cùng nhau đi tắt qua những khu vườn. Tôi thấy rằng nàng cũng cảm nhận được, mặc dù huyên thuyên không ngớt suốt dọc đường, nhưng tôi vẫn không tài nào rời mắt khỏi khuôn mặt của nàng. Nàng đi, đung đưa đôi vai cân đối, chiếc ô được gấp lại, tay trái nàng khẽ nâng chiếc váy viền đăng ten. Ra đến bờ vực: gió mát lồng lộng thổi. Những mảnh vườn vừa mọc lá xôn xao dưới ánh mặt trời, còn biển thì vẫn giống hệt như ở phương Bắc, buốt giá và xa tít tắp ở phía dưới. Chúng tôi đứng im lặng nhìn mặt biển và dường như cùng chờ đợi một điều gì đó. Nàng có lẽ cũng đang nghĩ như tôi – về chuyện năm ngoái nàng đã ngồi trên đầu gối tôi lâu như thế nào. Tôi ôm lấy eo nàng và kéo mạnh cả người nàng về phía mình, đến nỗi nàng uốn cong người lại. Tôi cố tìm đôi môi của nàng – nàng cố giẫy ra, lắc đầu, tránh né rồi bỗng đột ngột nhượng bộ, cho tôi hôn lên chúng. Và tất cả những cái đó diễn ra trong im lặng – cả tôi và nàng đều không thốt ra một lời nào. Rồi nàng vội giẫy ra, vừa sửa lại mũ áo, vừa nói một cách đơn giản và khẳng định:
- Ái chà chà, anh đểu thật. Đểu không chịu được.
Rồi nàng quay gót, nhanh nhẹn rảo bước trên lối đi nhỏ, không hề ngoái lại.
- Thế cái lần trong xưởng vẽ ấy, giữa anh và nàng có chuyện gì không?
- Quá giới hạn thì không. Hôn nhau thì nhiều kinh khủng, và cả những điều khác nữa, nhưng lúc ấy tôi cảm thấy thương nàng: mặt nàng đỏ rực như lửa, tóc tai tơi tả rối tung, và tôi nhận thấy nàng hoàn toàn mất tự chủ theo lối trẻ con – vừa khiếp sợ, lại vừa khao khát cái điều kinh hoàng ấy. Tôi phải giả vờ phật ý: ừ thì thôi, cô không muốn thì thôi vậy… Tôi âu yếm hôn tay nàng, rồi dần dần nàng bình tĩnh lại…
- Vậy anh làm thế nào mà suốt một năm trời sau dó không đến tìm nàng một lần nào nữa?
- Chỉ có quỷ mới hiểu được là bằng cách nào. Tôi sợ là đến lần thứ hai thì không còn có thể thương xót nàng được nữa.
- Vậy thì anh cũng chỉ là một anh chàng Maupassant loại xoàng mà thôi.
- Cũng có thể. Nhưng khoan đã, để tôi kể hết cho anh nghe. Tôi lại không gặp nàng khoảng độ nửa năm nữa. Mùa hè đã hết, mọi người từ các nhà nghỉ ở ngoại ô lục tục trở về – bằng vào sự yên tĩnh của những ngày nóng bức đơn điệu, bằng sự sáng sủa của không khí, bằng vẻ đẹp của sắc xanh phẳng lặng trên biển và màu vàng khô héo của những đồng ngô, mùa thu huy hoàng đó quả là một điều gì đấy rất đỗi thánh thiện. Tôi cũng từ nhà nghỉ trở về, có lần đi ngang tiệm Lipman – và anh có tưởng tượng nổi không, tôi lại gặp nàng đang đi tới. Nàng bước lại gặp tôi như không hề có chuyện gì xảy ra và cất tiếng cười giòn giã, cái miệng cong lên thật đáng yêu: “Lại gặp nhau ở Lipman, chỗ này cứ như là một địa điểm định mệnh ấy nhỉ!” – Nguyên cớ gì mà cô vui vẻ như vậy? Gặp cô tôi mừng kinh khủng, nhưng điều gì đã xảy ra với cô thế? – Em cũng chẳng biết nữa. Ở biển về, em cứ thích chạy nhông khắp phố, đến nỗi không hề thấy chân mình đang chạy nữa. Em rám nắng và cao hẳn lên, có đúng không?
Tôi nhìn nàng – quả đúng như thế, và cái chính là nàng vui vẻ làm sao và thoải mái làm sao trong câu chuyện, trong giọng cười, trong cách xưng hô và ứng xử, như thể vừa mới đi lấy chồng vậy.
- Anh còn rượu Port Wine và bánh bích quy nữa không?
- Còn.
- Em lại muốn đến xem xưởng vẽ của anh. Có được không?
- Thế thì đi. Và nhanh lên, nhanh lên!
Lên đến cầu thang, tôi ôm lấy nàng, nàng lại giẫy ra, lại lúc lắc đầu, nhưng chỉ chống cự cho có lệ. Tôi dẫn nàng vào xưởng vẽ, hôn vào khuôn mặt ngửa ra phía sau của nàng. Nàng thì thào với vẻ bí hiểm:
- Anh hãy nghe em, thế này thì thật là điên quá… Em bị điên mất rồi…
Thế nhưng nàng lại tự mình giật chiếc mũ rơm ném lên ghế bành. Mái tóc màu hung của nàng búi cao lên đỉnh đầu và cài bằng chiếc lược đồi mồi, làn tóc mai loăn xoăn trên trán, đôi mắt lấp lánh vui tươi… Tôi hối hả cởi bỏ quần áo của nàng, và nàng cũng vội vàng trợ giúp tôi. Chỉ trong nháy mắt tôi đã lột được chiếc áo sơ mi lụa trắng của nàng, và anh biết không, tôi choáng váng và tối tăm mặt mũi trước vẻ trắng hồng rám nắng của thân thể nàng trên đôi vai lấp lánh, trước làn da trắng như sữa nơi vồng ngực có đôi núm thắm đỏ được nâng cao bởi chiếc coocxê, và trước cảnh nàng lần lượt rút từng chiếc chân cân đối đi tất màu kem dệt hoa văn và đi giày vàng óng ra khỏi chiếc quần lót xa tanh rộng, có đường xẻ ở phía sau mà phụ nữ vẫn mặc vào thời kì ấy. Khi tôi như con thú dữ xô nàng ngã xuống chiếc gối ở đivăng, đôi mắt nàng đen thẫm lại và dường như mở to hơn, đôi môi nóng hổi hé ra – cho đến tận bây giờ tôi vẫn thấy trước mắt mình tất cả những điều đó – nàng nồng nàn đến vô chừng… Nhưng thôi, chúng ta sẽ không nhắc đến chuyện đó nữa. Và thế rồi điều ấy đã xảy ra, vào khoảng hai tuần sau, còn trước đó thì hầu như ngày nào nàng cũng đến thăm tôi ở xưởng vẽ. Có lần, vào buổi sáng, nàng bỗng đột ngột chạy đến chỗ tôi, vừa đến ngưỡng cửa đã lên tiếng:
- Thấy họ bảo anh sắp đi Italia phải không?
- Phải. Thế thì sao cơ?
- Sao anh không bảo em gì cả?
- Chúa tha tội cho em. Anh đang định đến đằng nhà chơi, nhân tiện nói với em luôn thể.
- Nói trước mặt cha em ư? Sao lại không nói riêng với em? Không, anh sẽ không đi đâu hết!
Tôi liền nổi nóng một cách ngu xuẩn:
- Không, tôi sẽ đi.
- Không được, anh sẽ không đi đâu cả!
- Tôi nói với cô là tôi sẽ đi đấy.
- Đó là quyết định cuối cùng của anh phải không?
- Quyết định cuối cùng đấy. Nhưng em phải hiểu là anh chỉ đi độ một tháng, nhiều lắm thì tháng rưỡi là cùng. Và nói chung thì Galia này, hãy nghe anh nói đã…
- Tôi không phải là Galia của anh… Bây giờ thì tôi đã hiểu anh rồi – hiểu tất cả, tất cả! Và cho dù ngay bây giờ anh có thề là sẽ không đi đâu và vĩnh viễn sẽ không đi đâu cả thì tôi cũng mặc kệ. Vấn đề đã không còn ở chỗ đó nữa!
Nàng mở toang cánh cửa, thẳng tay đóng sập nó lại và sầm sầm nện gót chạy xuống cầu thang. Tôi định đuổi theo nhưng rồi kìm lại: cứ để cho nàng trấn tĩnh, tối nay tôi sẽ đến Ostrada và nói để nàng đừng phiền lòng vì tôi sẽ không đi Italia nữa, và chúng tôi lại làm lành với nhau như cũ. Nhưng đến năm giờ, họa sĩ Sihani bỗng rẽ vào nhà tôi với đôi mắt điên dại:
- Này, anh đã biết gì chưa: – Con gái ông Ganski vừa uống thuốc độc tự tử! Chết tươi! Bằng một chất gì đó, có quỷ mà biết được, hiếm và mạnh lắm, cô ấy lấy trộm của cha, ông già ngu ngốc ấy vẫn thường khoe với chúng mình cả tủ thuốc độc, làm như ông ấy là Leonard Da Vinci không bằng. Cái bọn đàn ông đàn bà Ba Lan ấy là một lũ điên! Chuyện gì bỗng dưng xảy ra với cô ta như thế – không tài nào biết được nữa!
- Tôi định dùng súng tự tử, – ông họa sĩ lặng lẽ nhồi thuốc vào tẩu và nói khẽ, – suýt nữa thì tôi phát điên…
Con quạ
Cha tôi giống y như con quạ. Tôi phát hiện ra điều này từ khi hãy còn là một đứa trẻ: có lần, khi thấy trong tạp chí Neva một bức tranh, vẽ Napoléon mặc chiếc quần chẽn, đi đôi ủng ngắn, đứng trên một mỏm đá nào đó với chiếc bụng phệ màu trắng của mình, tôi chợt nhớ tới những bức hình minh hoạ trong Những cuộc phiêu lưu Bắc Cực của Bogdanov và vui sướng phá lên cười, – nhưng sau đó liền buồn bã nghĩ bụng: còn cha ta thì chẳng khác gì con quạ...
Ở tỉnh lỵ chúng tôi, cha tôi giữ một chức vụ rất nổi tiếng, và điều đó càng làm cho ông hỏng thêm, tôi cho rằng, thậm chí ngay cả trong giới quan chức của ông, khó có người nào mà tính khí lại nặng nề, thâm trầm và ác nghiệt một cách lạnh lùng trong những lời nói và những hành động chậm rãi của mình đến mức như vậy. Không cao lớn, đậm người, lưng hơi gù, tóc đen và cứng, khuôn mặt tối sầm, râu ria nhẵn nhụi, mũi to, ông hoàn toàn giống hệt một con quạ – nhất là trong những cuộc dạ hội từ thiện của bà tỉnh trưởng phu nhân, khi ông mặc chiếc áo đuôi tôm màu đen, đứng khom người và vững chãi bên cạnh chiếc kiốt mô phỏng ngôi nhà gỗ kiểu Nga, vươn cái đầu quạ to lớn của mình, gườm gườm đôi mắt lấp lánh như mắt quạ nhìn các đôi bạn nhảy, những người đến gần kiốt, hoặc cô tiểu thư có nụ cười mê hồn đang trao mấy chiếc ly dẹt đựng thứ sâm banh màu vàng rẻ tiền vào bàn tay nần nẫn đeo đầy kim cương của một bà cao lớn mặc áo gấm, đội mũ ruybăng, với chiếc mũi trát phấn trắng hồng dày đến nỗi trông như mũi giả. Cha tôi goá vợ đã lâu, con cái chỉ có hai – tôi và đứa em gái Lilia bé bỏng, – nên căn hộ nhà nước mênh mông với nhiều phòng rộng, sạch bóng như gương của chúng tôi cứ choáng lộn một cách lạnh lẽo và trống trải trên tầng hai của một trong những ngôi nhà công vụ, với hàng cột ngoảnh mặt ra con đường có những cây dương, nằm giữa đại giáo đường và phố chính. May thay, hơn một nửa thời gian trong năm tôi học trường trung học Katkovskoye và sống ở Moskva, chỉ về nhà trong tuần Lễ Thánh và dịp nghỉ hè. Vì thế, tôi không thể ngờ rằng năm nay đang có một điều hoàn toàn bất ngờ đợi mình ở nhà.
Mùa xuân năm ấy, tôi vừa tốt nghiệp trường trung học, và khi từ Moskva trở về nhà, đơn giản là tôi đã vô cùng sửng sốt: đúng là mặt trời đang lấp lánh trong căn hộ lặng im như chết của chúng tôi, – khắp các căn phòng đều sáng bừng lên bởi sự hiện hữu của một người con gái trẻ trung, nhanh nhẹn vừa mới đến làm bảo mẫu cho Lilia, đứa em gái tôi, năm nay lên tám tuổi, thay chân một bà già, cao lênh khênh và khô đét như bức tượng gỗ của một vị thánh nào đó thời trung cổ. Người con gái đáng thương ấy, con của một công chức nhỏ dưới quyền cha tôi, trong những ngày đó đang vô cùng sung sướng vì mới tốt nghiệp trung học xong mà đã kiếm được một chỗ làm tốt, và sau đó, nàng rất mừng trước sự trở về của tôi, bởi từ nay trong nhà đã có một người cùng tuổi. Nhưng trong những bữa ăn trịnh trọng của gia đình tôi, nàng mới nhút nhát làm sao, mới sợ sệt làm sao trước mặt cha tôi, nàng lo lắng theo dõi cô bé Lilia mắt đen từng phút một, nó cũng ít nói nhưng tính khí rất bất thường, không chỉ trong từng cử động, mà ngay cả trong chính sự lặng lẽ của mình, như thể đang chờ đợi điều gì, cứ ngọ ngoạy cái đầu nhỏ nhắn màu đen của nó với một vẻ thách thức nào đó! Trong những bữa ăn ấy, cha tôi thành một người khác hẳn: ông không hề ném những cái nhìn nặng nề về phía ông già Gury đeo găng trắng đang dọn các món ăn, mà thường nói một chuyện gì đấy, – tuy chậm rãi, nhưng đúng là có nói, – cố nhiên là chỉ với mỗi mình nàng, trịnh trọng gọi nàng bằng tên và phụ danh, – “Thưa cô Elena Nicolaievna lịch thiệp”, – thậm chí còn tìm cách pha trò và nhếch môi cười. Còn nàng thì lúng túng đến nỗi chỉ biết đáp lại bằng một nụ cười đáng thương, khuôn mặt thanh tú và dịu dàng đỏ bừng lên từng đám một – khuôn mặt của một thiếu nữ gầy gò tóc bạch kim, mặc chiếc sơ mi trắng mỏng, với những vết mồ hôi nóng bỏng trẻ trung ướt sẫm dưới nách, sau lần vải áo bộ ngực nho nhỏ lờ mờ thoáng hiện. Suốt cả bữa ăn, nàng không hề dám ngước mắt nhìn tôi: ở đây, đối với nàng, tôi còn đáng sợ hơn cả cha tôi là khác. Nhưng nàng càng cố thờ ơ với tôi thì những cái liếc xéo mà cha tôi ném về phía tôi lại càng băng giá hơn: không chỉ riêng ông, mà ngay cả tôi cũng hiểu và cảm thấy rằng, đằng sau sự cố gắng nhức nhối không để ý đến tôi, mà chỉ nghe cha tôi nói chuyện và trông chừng cô bé Lilia tuy ít nói nhưng hiếu động và hay cáu giận, đang ẩn giấu một nỗi lo sợ khác, – nỗi sợ hãi sung sướng trong niềm hạnh phúc chung của chúng tôi là được ở bên nhau. Buổi tối, thông thường cha tôi vừa uống trà vừa giải quyết những công việc của mình, người hầu vẫn mang chén trà lớn có những đường viền bằng vàng vào bàn làm việc cho ông: bây giờ ông uống trà với chúng tôi ở phòng ăn, và nàng ngồi cạnh chiếc ấm samôva rót trà – vào giờ ấy Lilia đã đi ngủ. Ông khoác chiếc áo vét rộng có lần lót đỏ từ trong thư phòng bước ra, ngồi xuống ghế bành và chìa chiếc chén của mình cho nàng. Nàng rót một chén trà đầy đến miệng đúng kiểu ông thích, trao cho ông bằng bàn tay run run, tiếp đến rót cho tôi, rót cho chính mình rồi cúi xuống khâu vá một cái gì đấy, còn cha tôi thì chậm rãi lên tiếng – cũng là một điều rất lạ:
- Thưa cô Elena Nicolaievna lịch lãm, những người tóc bạch kim chỉ nên bận đồ hoặc là màu đen, hoặc là màu đỏ rực... Khuôn mặt của cô có lẽ sẽ rất hợp với một chiếc váy dài bằng xa tanh đen, cổ đứng, viền răng cưa theo kiểu Maria Stuart, hoặc một chiếc áo dài kiểu cổ bằng nhung màu đỏ thắm, cổ khoét hơi trễ một chút, với chiếc thánh giá hồng ngọc. Một chiếc áo khoác bằng nhung Lion màu xanh sẫm và chiếc mũ bêrê Venise có lẽ cũng rất hợp với cô đấy... Tất cả những cái đó, dĩ nhiên, chỉ là mơ ước mà thôi, – ông nói và nhếch mép cười khẩy. – Ở chỗ chúng tôi, mỗi tháng cha cô chỉ được lĩnh bảy mươi lăm rúp, mà ngoài cô ra, ông ta còn năm đứa con lít nha lít nhít nữa, – có nghĩa là cho đến hết đời cô sẽ phải sống trong sự nghèo túng. Thế nhưng cứ mơ ước một chút thì đã sao? Mơ ước làm cho cuộc sống sôi nổi hơn, nó đem lại cho người ta sức mạnh và lòng hi vọng. Và sau nữa, chẳng phải là đôi khi cũng có những mơ ước được trở thành hiện thực đấy sao?... Dĩ nhiên là hiếm lắm, nhưng cũng có những trường hợp như thế... Thì mới đây thôi, có một anh đầu bếp ở ga Kurski vừa trúng xổ số hai trăm nghìn, – một tay đầu bếp bình thường thôi đấy!
Nàng cố làm bộ coi tất cả những điều ấy như là lời nói đùa đáng yêu, cố gắng bắt mình nhìn ông và mỉm cười, còn tôi thì tráo bộ bài “Napoleon” như thể không nghe thấy gì cả. Có lần, ông còn đi xa hơn, bất chợt hất hàm về phía tôi và nói:
- Ấy, anh chàng trẻ tuổi kia chắc là cũng đang mơ tưởng: Chà, ông bố đến một lúc nào đó sẽ chết đi, và anh ta sẽ có một kho vàng nhiều đến mức gà mổ cũng chẳng hết! Thế nhưng rồi gà nó cũng chẳng mổ đâu, vì có gì mà mổ cơ chứ. Tất nhiên, ông bố cũng có một vài thứ, – một điền trang nho nhỏ độ chừng một ngàn disatin đất đen thuộc tỉnh Samara – nhưng ông con chắc gì đã được thừa kế, ông con có yêu quý gì bố mình lắm đâu, và theo như tôi hiểu, ngữ ấy rồi sẽ thành một tay tiêu hoang vào bậc nhất...
Lần nói chuyện cuối cùng ấy xảy ra vào buổi tối trước ngày lễ Thánh Pie, – đó là điều mà đến nay tôi vẫn không thể nào quên được. Sáng hôm ấy cha tôi đến giáo đường, rồi từ đấy đi dự sinh nhật của ông tỉnh trưởng. Nếu không kể đến lý do đó thì từ trước tới nay cha tôi cũng không bao giờ điểm tâm ở nhà, nên hôm ấy chỉ có ba chúng tôi ăn sáng với nhau, và đến gần cuối bữa, khi người nhà dọn món kisel[3] anh đào thay vì món bánh rán phồng mà Lilia thích, nó liền gào lên lanh lảnh quát mắng Gury, đấm bàn, hất đĩa xuống đất, lắc đầu quầy quậy và khóc nức nở đến nghẹn cả giọng. Chật vật lắm chúng tôi mới đưa được nó về phòng – nó đấm đá và cắn vào tay chúng tôi – van nài nó nín khóc, hứa là sẽ phạt đầu bếp rất nặng, và cuối cùng nó im dần rồi ngủ thiếp đi. Thật tình tứ và âu yếm biết bao khi hai chúng tôi cùng nhau kéo đứa em gái đi ngủ, chưa nói đến chuyện tay chúng tôi còn chạm vào nhau! Ngoài sân trời mưa như trút, trong những căn phòng lờ mờ thỉnh thoảng lại loè lên ánh chớp và những tấm kính run lên mỗi khi có tiếng sấm vọng đến.
- Trận mưa đã tác động đến nó như vậy đấy, – khi chúng tôi ra khỏi phòng, nàng sung sướng thì thầm và chợt chững lại lo lắng:
- Ô, có đám cháy ở đâu ấy!
Chúng tôi chạy vào phòng ăn và mở toang cửa sổ – đội cứu hoả đang phóng trên con đường có hàng cây trước cửa nhà tôi. Trên những hàng dương, trận mưa rào rơi nhanh trong tiếng ầm ầm của những cỗ xe ngựa dài chở những người lính cứu hoả đội mũ đồng, với những chiếc thang và những vòi nước, trong tiếng chuông reo trên bờm những con ngựa kéo màu đen đang gõ móng lách cách phi nước đại kéo những cỗ xe ấy phóng nhanh trên con đường lát đá, trong điệu tù và báo đường dịu dàng và nhí nhảnh như quỷ sứ của người lính thổi kèn... Sau đó tiếng chuông nhà thờ đổ nhanh trên tháp chuông Ivan ở Lavyi... Chúng tôi đứng sát cạnh nhau bên ô cửa sổ thoảng mùi tươi mới của nước mưa và bụi đường ẩm ướt, như thể chỉ nghe và nhìn một cách chăm chú và hồi hộp mà thôi. Cuối cùng, khi chiếc xe ngựa chở chiếc thùng đựng nước màu đỏ to tướng lướt qua, tim tôi càng đập dữ dội hơn, trán giật lên thon thót – tôi cầm cánh tay buông thõng dọc bên sườn của nàng, nhìn vào má nàng với ánh mắt cầu xin, và nàng tái mặt, hé môi, phồng ngực lên thở mạnh và ngoảnh cặp mắt màu sáng ướt đẫm nước mắt và dường như cũng có vẻ van lơn về phía tôi, còn tôi thì ôm lấy vai nàng và lần đầu tiên trong đời được ngây ngất trong hơi mát dịu dàng của làn môi thiếu nữ... Kể từ hôm đó, không có ngày nào trôi qua mà không có những cuộc hẹn hò dường như là bất chợt của chúng tôi, khi thì ở phòng khách, khi thì ở gian lớn, khi ở ngoài hành lang, thậm chí cả trong thư phòng của cha tôi, vì ông chỉ về nhà khi trời gần tối, – những cuộc gặp mặt ngắn ngủi và những nụ hôn dài không bao giờ chán và đã trở nên không chịu nổi vì chẳng có cách nào giải thoát. Và cha tôi hình như cũng đánh hơi thấy một điều gì đó, tối đến không ra uống trà với chúng tôi, mà lại trở nên lặng lẽ và cau có. Nhưng chúng tôi không còn để ý đến ông, và trong các bữa ăn nàng cũng trở nên bình tĩnh và nghiêm nghị hơn.
Đến giữa tháng bảy Lilia bị ốm vì ăn quá nhiều dâu đất, nó bình phục rất chậm, suốt ngày nằm trong phòng riêng dùng bút chì màu vẽ những thành phố thần thoại nào đó trên những tờ giấy lớn gắn vào bảng gỗ, nàng buộc phải ngồi cạnh giường Lilia, thêu chiếc áo sơ mi Tiểu Nga cho bản thân mình, không thể đi đâu một bước vì Lilia liên tục vòi hết cái này đến cái khác. Còn tôi thì chết mòn chết mỏi trong ngôi nhà trống rỗng và vắng lặng, thường xuyên dằn vặt đau khổ, chỉ mong được gặp nàng, được hôn và ôm nàng sát vào lòng, và thường ngồi trong thư phòng của cha, cố gắng đọc một quyển nào đó rút hú hoạ từ trên tủ sách. Lần ấy, trời đã về chiều, tôi cũng đang ngồi như thế thì chợt nghe tiếng bước chân nhẹ nhàng và mau mắn của nàng bước tới. Tôi vội ném quyển sách và nhổm dậy:
- Sao, nó ngủ rồi à?
Nàng phẩy tay:
- Chao ôi, không đâu! Anh không biết đấy – nó có thể thức hai ngày đêm liền mà vẫn không sao, như tất cả những người điên khác! Nó đuổi em đi tìm mấy cái bút chì màu da cam và màu vàng của bố...
Rồi bật lên khóc, nàng bước lại gần và ngả đầu vào ngực tôi:
- Lạy Chúa, biết bao giờ mới hết cái cảnh này! Anh hãy bảo ông ấy là anh yêu em, dù sao đi nữa thì trên đời này cũng chẳng có điều gì có thể chia cắt chúng ta được!
Và nàng ngước khuôn mặt đẫm nước mắt lên ôm chầm lấy tôi trong một nụ hôn dài đến nghẹn cả thở. Tôi ép nàng sát vào mình và kéo lại gần chiếc đivăng – tôi đâu còn hiểu và nhớ được gì trong giây phút ấy? Nhưng ngoài ngưỡng cửa thư phòng đã nghe tiếng hắng giọng khe khẽ: tôi ngó qua vai nàng – cha tôi đang đứng đó nhìn chúng tôi. Rồi ông quay ra, gù gù cái lưng và bỏ đi nơi khác.
Bữa trưa, không ai trong chúng tôi ra phòng ăn cả. Đến tối, Gury gõ cửa phòng tôi: “Ông mời cậu đến nói chuyện”. Tôi vào thư phòng. Cha tôi ngồi trên ghế bành trước bàn giấy, cất tiếng bảo tôi mà không hề ngoảnh lại:
- Ngày mai, anh sẽ về làng quê của tôi ở Samara và ở đó cho đến hết mùa hè. Đến mùa thu, anh sẽ đi Moskva hay Peterburg tìm việc. Nếu anh dám trái lời, tôi sẽ vĩnh viễn cắt quyền thừa kế. Chưa hết, ngay ngày mai, tôi sẽ đề nghị ông tỉnh trưởng áp giải anh về làng. Bây giờ thì anh đi đi, và đừng bao giờ làm rác mắt tôi nữa. Tiền tàu xe và một ít tiền tiêu vặt thì đến sáng mai anh sẽ nhận qua một người khác. Đến mùa thu, tôi sẽ viết thư cho phòng quản lý của tôi ở quê bảo người ta cấp cho anh một ít tiền để anh tiêu pha ở kinh đô trong thời gian đầu. Đừng có mà hy vọng gặp nó trước khi lên đường. Thế thôi, anh bạn thân mến của tôi ạ. Đi đi.
Ngay đêm hôm ấy, tôi bỏ nhà đến làng của một người đồng môn trường trung học thuộc tỉnh Yaroslavl và ở đó cho đến mùa thu. Sau đó, nhờ sự che chở của bố anh ta, tôi vào làm ở Bộ Ngoại giao và viết thư cho cha tôi rằng chẳng những tôi không nhận quyền thừa kế mà còn từ chối bất kỳ mọi sự giúp đỡ khác. Đến mùa đông, tôi hay tin cha tôi đã thôi việc và cũng chuyển đến Peterburg – “cùng với người vợ trẻ xinh đẹp”, người ta nói với tôi như vậy. Và rồi một hôm, khi vào khán phòng của nhà hát Mariinski vài phút trước khi vở diễn bắt đầu, tôi chợt nhìn thấy cả ông ấy và cả nàng. Họ ngồi ở khoang lô gần sân khấu, ngay cạnh tấm barie, nơi bên trên có để chiếc ống nhòm bằng xà cừ nho nhỏ. Ông mặc lễ phục, lưng gù gù như con quạ, đang nheo một mắt chăm chú đọc bản chương trình. Với mái tóc bạch kim được búi cao, với dáng vẻ nhẹ nhàng cân đối, nàng sôi nổi đưa mắt nhìn quanh: khoang khán phòng phía dưới xôn xao khe khẽ đang kín dần dưới ánh sáng ấm áp của những ngọn đèn chùm lấp lánh, váy áo dạ hội, áo đuôi tôm và quân phục của những người đang vào các khoang lô. Trên cổ nàng, cây thánh giá bằng ngọc rubi ánh lên một đốm lửa mờ tối, đôi tay trần thon nhỏ của nàng bắt đầu tròn đẫy, vai trái chiếc áo nhung đỏ thắm cũng được cài bởi chiếc móc bằng ngọc rubi.
(18 tháng 5 năm 1944)
Tanhia
Nàng là hầu gái của một người bà con của anh – nữ tiểu chủ Kadacova. Nàng mới mười bảy tuổi, khi nàng đi chân đất, mềm mại rung rinh chiếc váy và hơi rướn bầu ngực bé nhỏ dưới lần áo cánh, hoặc khi nàng đi ủng dạ mùa đông, dễ nhận thấy dáng nàng thấp bé. Khuôn mặt nhỏ nhắn của nàng chỉ ở mức dễ coi, còn cặp mắt nông dân của nàng nếu có tuyệt vời thì cũng chỉ bởi vẻ trẻ trung của chúng mà thôi. Vào thuở xa xưa ấy, anh thường phung phí bản thân một cách vô tâm, sống lang bạt đây đó, có nhiều mối quan hệ tình ái và những cuộc gặp gỡ tình cờ – và anh cũng đã xếp mối quan hệ tình cảm giữa anh và nàng vào loại ấy.
***
Nàng nhanh chóng nhẫn nhục cam chịu điều bất hạnh lạ lùng xảy ra với nàng vào cái đêm mùa thu ấy, nàng khóc lóc mấy hôm ròng, nhưng rồi càng ngày nàng càng tin tưởng rằng chuyện ấy không hề là điều cay đắng, trái lại, đó là niềm hạnh phúc và mỗi một ngày anh lại càng trở nên dễ thương và quí giá hơn đối với nàng. Rồi trong những phút giây gần gũi mà chẳng bao lâu sau đã lặp lại thường xuyên hơn, nàng bắt đầu gọi anh là Pet’ruska và nhắc đến cái đêm hôm ấy như một quá khứ thiêng liêng chung của họ.
Thoạt đầu anh cứ nửa tin nửa ngờ:
- Có đúng lúc ấy em không giả vờ là đang ngủ không?
Nàng tròn xoe đôi mắt:
- Thế chả nhẽ cậu không cảm thấy là lúc đó em đang ngủ say, chả nhẽ cậu không biết là bọn con trai con gái mới lớn ngủ như thế nào à?
- Giá tôi biết là em đang ngủ thì có lẽ chẳng bao giờ tôi động đến em đâu.
- Chà, còn em thì không hề, không mảy may cảm thấy một cái gì cho đến tận giây phút cuối cùng. Chỉ có điều là, tại sao cậu lại đến với em như vậy? Cậu đến đây và có để ý gì đến em đâu, chỉ một lần vào buổi tối cậu hỏi: Cô mới vào làm ở đây à, hình như cô tên là Tanhia? Rồi mãi về sau cũng cứ như là dửng dưng với em vậy. Hoá ra cậu giả vờ phải không?
Anh trả lời rằng tất nhiên là anh giả vờ, nhưng thực ra anh đã nói dối, ngay cả đối với bản thân anh việc xảy ra cũng rất bất ngờ.
Đầu mùa thu, anh đi nghỉ ở Crưm và trên đường trở về Moskva, anh ghé vào thăm bà Kadacova rồi ở lại chơi hai tuần giữa không khí yên lành giản dị nơi trang trại, trong những ngày đầu tháng mười một ngắn ngủi, và đã sửa soạn lên đường. Ngày hôm ấy, để chia tay với làng quê, anh khoác súng trên vai, cưỡi ngựa, cùng chó săn rong ruổi khắp cánh đồng trống vắng và những khoảnh rừng con trụi lá suốt từ sáng đến chiều nhưng chẳng bắn được con gì. Vừa đói, vừa mệt, anh trở về trang trại và tối đó anh ăn hết một chảo thịt băm viên rán trộn váng sữa, uống cạn một bình vốtca nhỏ và mấy cốc nước chè, trong khi bà Kadacova ngồi kể chuyện ông chồng quá cố và hai đứa con trai của bà hiện đang tại ngũ ở Orion. Như thường lệ, khoảng mười giờ, nhà tắt đèn tối om, chỉ còn một ngọn nến leo lét trong phòng làm viêc cạnh phòng khách – mỗi lần về chơi anh thường ở trong phòng này. Khi anh bước vào phòng làm việc, nàng đang quì trên chiếc ghế bành, tay cầm ngọn nến huơ đi huơ lại trên bức tường gỗ súc. Trông thấy anh, nàng đặt vội cây nến lên chiếc bàn ngủ ở đầu giường, nhảy xuống sàn và vụt chạy.
- Cái gì thế? – Anh bối rối hỏi. – Khoan đã nào, cô làm gì ở đây thế?
- Em đốt rệp, – nàng vội vã thì thào đáp khẽ. – Em đang dọn phòng cho cậu thì thấy trên tường có con rệp...
Rồi nàng bật cười khanh khách và bỏ chạy ra ngoài.
Anh nhìn theo bóng nàng rồi tháo ủng nhưng không cởi quần áo và ngả mình trên chiếc chăn may chần, định bụng sẽ còn hút thuốc và nghĩ ngợi (anh không quen đi ngủ vào lúc mười giờ), nhưng rồi lập tức ngủ thiếp đi mất. Ngọn nến lay động làm anh bồn chồn thức giấc, anh mở mắt, thổi tắt nến và lại ngủ tiếp. Đến khi anh thức giấc lần thứ hai thì phía ngoài hai ô cửa sổ trông ra sân và ô cửa sổ bên hông nhìn ra vườn đã tràn ngập ánh sáng. Bấy giờ đang là một đêm thu có trăng, tuyệt vời một cách cô đơn và hoang vắng. Anh lần trong bóng tối, tìm thấy đôi giầy đặt cạnh chiếc ghế bành và định qua phòng ngoài thông với phòng làm việc để ra sân sau – chắc người hầu quên không chuẩn bị cho anh cái vật ban đêm phải dùng đến. Thế nhưng phòng này bị chốt cửa từ phía bên ngoài, vì vậy anh phải đi xuyên qua cả căn nhà đang được ánh trăng bí ẩn soi sáng để ra cửa chính. Thông với lối cửa chính này còn có mấy gian chái lớn, tường bằng gỗ súc. Ở tiền sảnh, đối diện với khung cửa sổ cao cao phía trên chiếc rương cũ kỹ là một tấm vách ngăn, đằng sau tấm vách ngăn này có một căn buồng không cửa sổ dành cho tôi tớ. Cánh cửa ở vách ngăn này chỉ khép hờ, phía trong phòng tối om. Anh bật diêm lên và thấy nàng đang ngủ. Nàng nằm ngửa trên chiếc giường gỗ, mình chỉ mặc áo lót và một chiếc váy ngắn bằng vải sợi bông, khuôn ngực nàng tròn trĩnh dưới làn áo lót, đôi chân trần hở đến tận đầu gối, cánh tay phải duỗi về phía trong tường và khuôn mặt trên gối của nàng nom như chết. Que diêm lụi dần rồi tắt hẳn. Anh đứng yên một lúc rồi thận trọng bước lại gần chiếc giường...
***
Từ trong gian chái tăm tối bước ra hiên, anh miên man nghĩ ngợi:
- Thật lạ lùng, thật không ngờ! Và chẳng lẽ cô ta ngủ thật ư?
Anh đứng trên bậc thềm một lúc rồi bước qua sân... Và không hiểu vì sao trời đêm cũng có vẻ khác thường. Trăng soi vằng vặc trên khoảng sân rộng và hoang vắng. Đối diện với dãy nhà kho mái phủ một lớp rạ cũ cứng queo như hoá đá có ngôi nhà để xe và chuồng ngựa. Bên trên mái của chúng, phía chân trời phương Bắc, những đám mây bí ẩn như những ngọn núi tuyết chết chóc đang lững lờ trôi. Trên cao, vầng trăng vời vợi rơm rớm như giọt lệ kim cương giữa những đám mây trắng nhẹ rồi lại chui ra không gian xanh thẫm để lọt vào giữa bầu trời đầy sao, và dường như nó lại càng chói lọi hơn nữa, soi sáng khoảng sân và những mái nhà. Vạn vật xung quanh hiện hữu một cách lạ lùng, tách biệt với thế giới loài người, lung linh một cách vu vơ, huyền ảo... Và lạ hơn nữa vì dường như đây là lần đầu tiên anh nhìn thấy trọn vẹn cái thế giới ban đêm mùa thu trong sáng này...
Anh ngồi xuống bệ chiếc xe ngựa bám đầy bùn đất đã khô. Trời ấm áp theo kiểu mùa thu, phảng phất mùi hương của vườn thu. Đêm trang trọng, thản nhiên, dễ chịu và không hiểu tại sao lại hoà hợp một cách lạ lùng với những tình cảm vừa mới nảy sinh trong lòng anh từ sự gắn bó bất ngờ với người đàn bà vẫn còn thơ trẻ ấy...
Nàng khe khẽ nức nở, hồi tỉnh lại và dường như đến tận lúc ấy mới hiểu chuyện vừa xảy ra. Nhưng cũng có thể không phải “dường như”, mà đúng là như vậy? Thân thể của nàng đã chiều theo anh như thể nó không còn sức sống. Thoạt đầu anh thì thào đánh thức nàng: “Này em, đừng sợ nhé... ” Nàng không nghe thấy, hoặc giả vờ như không nghe thấy gì. Anh thận trọng hôn vào gò má nóng hổi của nàng, nhưng nàng không hề có phản ứng gì đối với cái hôn ấy, và anh tưởng rằng như thế là nàng lẳng lặng đồng ý với tất cả những gì có thể diễn ra sau đó. Anh tách đôi chân dịu dàng, ấm nóng của nàng, nàng chỉ ngái ngủ thở mạnh, yếu ớt duỗi người và luồn tay xuống gáy...
- Thế giả sử cô ta không giả vờ thì sao? - Anh nghĩ thầm, rời bệ xe đứng dậy và bối rối nhìn đêm tối.
Khi nàng bật khóc một cách ngọt ngào và đau khổ, anh liền hôn vào cổ, vào ngực nàng đang thoang thoảng một thứ hương vị gì đó rất đồng quê và rất con gái, không những chỉ bởi lòng biết ơn thú vật đối với niềm hạnh phúc bất ngờ mà nàng đã cho anh một cách vô ý thức, mà còn bởi sự hân hoan và tình thương mến vừa mới nảy sinh. Và rồi đang nức nở, nàng bỗng vô tình đáp lại anh theo kiểu đàn bà – nàng ôm chặt lấy đầu anh và kéo vào mình như thể biết ơn. Anh là ai, nàng vẫn còn chưa biết trong cơn ngái ngủ, nhưng dù sao đi nữa đây cũng chính là người mà đến một thời điểm nào đó nàng phải gắn bó trong lần đầu tiên bằng sự gần gũi bí ẩn và tột cùng khoái lạc. Sự gần gũi từ cả hai phía đã xảy ra, và sẽ chẳng có điều gì trong thế gian này có thể xoá nhoà được nó, và vĩnh viễn từ nay anh mang chứa điều đó vào lòng, và giờ đây cái đêm lạ lùng này đón nhận anh vào vương quốc tươi sáng không thể nào hiểu nổi, cùng với nàng, cùng với sự gần gũi ấy...
Sao mà anh có thể bỏ đi rồi đôi lúc chỉ nhớ tới nàng một cách tình cờ, sao anh lại có thể quên lãng giọng nói đáng yêu chân thành giản dị, đôi mắt có lúc vui sướng, có lúc buồn rầu nhưng lúc nào cũng yêu thương và quên mình của nàng, sao anh lại có thể yêu được những người đàn bà khác, và đánh giá một số người trong bọn họ cao hơn cả nàng!
***
Ngày hôm sau, khi hầu hạ chủ, nàng không hề ngẩng mặt lên lần nào. Bà Kadacova hỏi:
- Mày làm sao thế hả Tanhia?
- Thưa bà, đời con thiếu gì điều buồn khổ...
Khi nàng vào khuất trong nhà, bà Kadacova bảo anh:
- Thật thế đấy: nó mồ côi, mẹ chết, bố thì nghèo xác nghèo xơ, đúng là một lão muzích vô tích sự...
Gần tối, khi nàng đặt ấm samova ở ngoài hiên, anh đi ngang qua và bảo nàng:
- Em chớ có nghĩ ngợi gì, tôi đã yêu em từ lâu rồi. Thôi đừng khóc lóc dằn vặt nữa, có ích gì đâu cơ chứ...
Nàng gạt nước mắt, bỏ những miếng dăm bào đỏ rực vào dưới ấm samova và đáp:
- Nếu đúng là cậu có yêu thật thì em cũng được nhẹ nhõm hơn.
Sau đó, thỉnh thoảng nàng lại ngước lên nhìn anh, như thể rụt rè hỏi bằng mắt: có thật là như vậy không?
Một lần vào buổi tối, khi nàng đang giải gường cho anh, anh lại gần và ôm lấy đôi vai của nàng. Nàng hoảng hốt nhìn anh rồi đỏ bừng mặt nói nhỏ:
- Xin cậu buông em ra, vì Chúa. Bà già mà vào đây là chết đấy.
- Bà già nào?
- Bà hầu buồng chứ còn ai nữa, cậu cứ làm như là không biết ấy!
- Tối nay tôi sẽ xuống chỗ em đấy...
Nàng giẫy nảy lên như phải bỏng – thời gian đầu nàng sợ bà già đến chết khiếp:
- Thôi đừng, em van cậu! Em sẽ sợ phát điên lên mất!
- Nói thế chứ đừng lo, tôi không xuống đâu, – anh vội vàng nói.
Bây giờ nàng đã lại phục dịch hầu hạ như cũ, ân cần và nhanh nhẹn, lại chạy vù qua sân vào bếp như trước, và thỉnh thoảng gặp lúc thuận lợi, nàng lén ném về phía anh những ánh mắt đã có vẻ ngượng ngùng và vui sướng. Và thế rồi vào một buổi sáng tinh mơ, khi anh còn đang ngủ, nàng được sai vào thành phố mua đồ. Lúc ăn trưa bà Kadakova nói:
- Không biết làm thế nào đây, xã trưởng và bọn người làm thì cô đã bảo đến cối xay bột mất rồi, chẳng còn ai mà sai đi đón Tanhia cả. Hay là cháu đi hộ nhé?
Cố giấu niềm vui sướng, anh trả lời với vẻ hờ hững vờ vịt:
- Vâng, cũng được thôi, cháu sẵn lòng đi dạo một lúc.
Bà hầu gái bưng các món ăn dọn ra nghe thấy thế liền càu nhàu:
- Thưa phu nhân, bà định bêu diếu con bé hay sao? Rồi khắp cái làng này người ta sẽ đồn đại về nó như thế nào?
- Thế thì mụ tự đi mà đón lấy nó nhé, – bà Kadacova bảo. – Để nó đi bộ từ ngoài ga về đây à?
Gần bốn giờ, anh đánh chiếc xe thắng con ngựa cái màu đen cao lớn ra đi, vì sợ trễ tầu nên vừa ra khỏi làng anh hối hả thúc ngựa nhảy chồm chồm trên con đường gồ ghề lúc đầu đóng băng, về sau trở nên ẩm ướt – mấy ngày hôm nay trời mù mây, ướt át, riêng ngày hôm ấy mây mù đặc biệt dày đặc. Khi anh còn đi trên đường làng thì trời dường như đã tối hẳn, trong các ngôi nhà gỗ đã thấy ánh lửa đỏ le lói và có vẻ man dại trong màn sương dày đặc. Ra tới cánh đồng thì trời tối mù mịt và không nhìn thấy gì nữa. Làn gió lạnh buốt và sương mù ẩm ướt quất thẳng vào mặt anh. Nhưng gió không xua nổi màn sương, ngược lại càng làm cho cái thứ khói lạnh lẽo màu lam sẫm tụ lại dầy đặc hơn, bóp nghẹt người ta bằng một thứ mùi hương ẩm ướt, tưởng chừng như đằng sau màn sương mù mờ mịt ấy chẳng còn gì mà đã là tận cùng của thế giới và vạn vật. Mũ lưỡi trai, áo choàng, lông mi và ria mép của anh bám đầy những hạt nước li ti ướt át. Con ngựa cái sải chân phóng nước đại, chiếc xe ngựa mỗi lần nhảy chồm lên những mô đất trơn chuội lại va vào ngực anh. Anh khéo léo châm được thuốc hút – mùi khói thuốc thơm thơm ngọt ngào và ấm áp hơi người quyện với mùi sương nguyên thuỷ, mùi thu muộn và mùi đồng hoang ẩm ướt. Vạn vật xung quanh, cả trên trời lẫn dưới đất đều đen ngòm và âm u, hầu như không trông rõ cái cổ dài ngoẵng đen đen và đôi tai dỏng lên đầy cảnh giác của con ngựa. Tất cả những cái đó càng làm tăng thêm cảm giác gần gũi với nó – sinh vật duy nhất trong cái sa mạc hoang vắng này, giữa sự thù hằn chết chóc của tất cả những gì đang bao vây đằng trước, đằng sau, bên phải, bên trái anh, sự thù hằn của một cái gì đó vô hình đang hung dữ ẩn náu trong màn sương đêm mỗi lúc một thêm dày đặc, đen tối và đang quất vào mặt anh vun vút...
Đến ngôi làng cạnh ga tầu, anh chợt thấy hân hoan trước cảnh nhà cửa với những ánh lửa yếu ớt trong những ô cửa sổ tồi tàn và và sự ấm cúng dịu dàng của chúng. Thế nhưng ở nhà ga, tất cả tưởng chừng như thuộc về một thế giới khác, sống động, sảng khoái và có vẻ thị thành. Anh chưa buộc ngựa xong thì con tầu với những ô cửa sổ lấp lánh ánh đèn đã xình xịch vào bến, phả ra mùi than đá khét lẹt như mùi lưu huỳnh. Anh chạy vào nhà ga với cảm giác hệt như đi đón người vợ trẻ, và lập tức thấy nàng ăn mặc như kiểu thành phố đang từ cánh cửa đối diện đi ra, theo sau là người gác ga xách hai bọc đồ mới sắm: nhà ga lầy lội bẩn thỉu, nồng nặc mùi dầu hoả từ những cây đèn đang lờ mờ toả sáng. Toàn bộ con người nàng rạng rỡ bởi cặp mắt háo hức, bởi sự trẻ trung của khuôn mặt đang xúc động sau chuyến du ngoạn khác thường; người gác ga gọi nàng là “bà” và đang nói với nàng một câu gì đó. Chợt ánh mắt của nàng bắt gặp ánh mắt của anh và thậm chí nàng đứng sững lại vì sửng sốt: cái gì thế, sao anh lại ở đây thế này?
- Tanhia, – anh vội lên tiếng – chào em, tôi đi đón em đây, nhà chẳng còn ai để sai đi nữa...
Đời nàng chưa bao giờ có buổi tối nào hạnh phúc hơn thế! Anh ấy thân chinh đi đón mình, còn mình thì vừa trên thành phố trở về, mình ăn diện và xinh đẹp đến mức anh ấy không thể ngờ tới, vì hàng ngày anh ấy chỉ thấy mình mặc chiếc váy cũ và tấm áo vải phin nghèo nàn. Trùm chiếc khăn lụa trắng này mặt mình giống hệt cô thợ may, mình mặc chiếc áo đầm mới màu nâu bằng len mềm mại, bên ngoài khoác chiếc áo gilê vải dạ, mình đi đôi tất sợi trắng và đôi bốt ngắn cổ có đóng cá bằng đồng. Lòng run lên vì sung sướng, nàng nói với anh bằng cái giọng mà người ta thường nói khi đến làm khách ở nhà người khác, nàng nâng gấu váy đi theo anh bằng những bước đi ngăn ngắn kiểu các bà mệnh phụ và ngạc nhiên một cách bao dung: “Trời ơi, sao mà ở đây lầy lội thế này, mấy người muzích giầy xéo ghê thật!” Toàn thân chết lặng vì một nỗi sợ hãi sung sướng, nàng kéo cao chiếc áo đầm lên trên chiếc váy hồ bột màu trắng để ngồi lên váy chứ không ngồi lên áo, rồi bước vào xe ngựa, ngồi xuống bên cạnh như ngang hàng với anh, vụng về lựa chỗ để chân giữa mấy gói hàng và ngả người trên ghế.
Anh lẳng lặng thúc ngựa dấn vào màn đêm đầy sương mù buốt giá, qua những ánh đèn thưa thớt thấp thoáng trong những ô cửa sổ thấp lè tè của những ngôi nhà gỗ, qua những ổ gà gập ghềnh trên con đường làng quê tháng Chạp khốn khổ, và nàng không dám thốt lên một lời nào vì e ngại sự im lặng của anh: nhỡ đâu anh đang cáu giận vì một lý do gì đó thì sao? Anh biết vậy nên cố tình im lặng. Rồi bất ngờ, khi đã ra khỏi làng và chìm hẳn vào màn đêm tối đen như mực, anh cho ngựa bước chậm lại, cầm cương bằng tay trái và dùng tay phải ôm chặt bờ vai khoác chiếc gilê phủ đầy những hạt sương lạnh buốt của nàng, vừa cười vừa thì thào:
- Tanhia, Tanhiechka...
Và thế là nàng nép cả người vào anh, áp chặt vào má anh chiếc khăn trùm bằng lụa, khuôn mặt mịn màng cháy bỏng và hai hàng mi tràn đầy nước mắt ấm nóng của mình. Anh dừng ngựa, tìm được đôi môi ướt đẫm nước mắt sung sướng của nàng và mãi không thể nào dứt ra được. Và sau đó, như người mù, chẳng nhìn thấy gì trong màn sương và đêm tối, anh xuống xe, ném chiếc áo choàng xuống đất và giật tay áo nàng kéo về phía mình. Hiểu ra ngay lập tức, nàng tức thì nhảy xuống, chăm chút vén cao bộ trang phục thiêng liêng của mình – chiếc áo đầm và chiếc váy mới, nhanh nhẹn nằm lên chiếc áo choàng và vĩnh viễn dâng hiến không chỉ tấm thân từ nay đã thành sở hữu của anh, mà còn dâng hiến cho anh trọn vẹn tất cả linh hồn của mình.
***
Anh lại hoãn chuyến đi.
Nàng biết là vì nàng mà anh ở lại, nàng thấy anh dịu dàng âu yếm và nói năng cư xử với nàng như với một người thân thưộc, một người bạn bí mật ở trong nhà nên không còn sợ sệt mỗi khi anh đến gần như thuở ban đầu. Anh trở nên điềm đạm và giản dị hơn trong những khi ân ái và nàng nhanh chóng thích ứng với anh. Nàng thay đổi với tốc độ mà chỉ tuổi trẻ mới có được và trở nên trầm tĩnh một cách vô tư, đã dễ dàng gọi anh là Pet’ruska và khi được anh hôn, thỉnh thoảng nàng còn làm ra vẻ như thể anh quấy quả nàng lắm: “Trời ơi, đến khổ với cậu! Hễ thấy em một mình là cứ xán ngay vào!” Điều đó đem đến cho nàng một niềm vui sướng đặc biệt – như thế là anh ấy yêu mình, như thế là anh ấy hoàn toàn là của mình, một khi mình dám nói với anh ấy như vậy! Và còn một niềm hạnh phúc nữa là bày tỏ cho anh thấy lòng ghen tuông và quyền hạn của mình đối với anh:
- Ơn Chúa, dạo này ngoài sân phơi chẳng có công việc gì, chứ không thì em sẽ cho cậu biết thế nào là mò đến với bọn con gái ở đấy. – Nàng nói.
Rồi nàng chợt trở nên ngượng nghịu, gượng cười một cách rất đáng thương và nói thêm:
- Hay là với cậu, một mình em vẫn còn quá ít?
Mùa đông năm nay đến sớm. Sau đợt sương mù lại đến những luồng gió bấc giá buốt làm cho mặt đất lạnh cứng hoá đá và đốt cháy những ngọn cỏ cuối cùng ở trong vườn. Những đám mây màu chì đùng đục kéo đến, khu vườn hoàn toàn trụi lá rì rầm lo lắng và hối hả như thể trốn chạy về một phương nào đó. Đêm đêm mặt trăng bệch bạc lặn hẳn vào những cuộn mây. Trang trại, thôn quê dường như trở nên nghèo nàn và thô kệch một cách vô vọng. Rồi tuyết lác đác rơi, rắc lên lớp bùn bẩn đóng băng một vầng trắng tinh như đường kính, cả khu trang trại và cánh đồng chuyển thành màu trắng đục và dường như có vẻ mênh mông hơn trước. Trong làng người ta đang hoàn thành công việc cuối cùng: chọn khoai tây, loại bỏ những củ sâu thối và đem cất dưới hầm để dành qua mùa đông. Có lần anh mặc chiếc áo lông cáo và đội mũ lông đi dạo trong làng. Gió bắc thổi tung ria mép và táp vào má anh bỏng rát. Bầu trời u ám bao trùm lên tất cả, cánh đồng trắng nhờ nhờ trải dài bên kia sông nom như thể gần hẳn lại. Trong làng, ngay trên mặt đất cạnh thềm nhà có những tấm giát chất đầy những bao khoai tây. Các bà già và các cô con gái ngồi trên những tấm giát ấy làm việc, đầu tùm hụp trong những tấm khăn san Penkov, mặc những chiếc áo bông rách rưới, chân đi những đôi ủng nát, mặt mũi và hai tay tím ngắt – anh hoảng sợ nghĩ rằng dưới những vạt váy kia đôi chân của họ hoàn toàn trần trụi!
Khi anh về đến nhà, nàng đang đứng ở phòng ngoài dùng giẻ quấn quanh chiếc ấm samôva sôi sùng sục để đem vào bàn ăn, thấy anh nàng lập tức nói nhỏ:
- Cậu vừa vào trong làng chứ gì, bọn con gái chọn khoai tây ở đấy mà... Cậu cứ đi mà chơi, rồi chọn lấy một cô đẹp hơn em cũng được!
Nói rồi nàng cố nén nước mắt chạy vụt ra thềm.
Đến chiều tối tuyết bỗng rơi dày đặc, nàng chạy vào phòng lớn, lướt qua chỗ anh đứng, liếc nhìn anh với niềm vui trẻ thơ không giấu nổi và nói nhỏ bằng giọng trêu đùa :
- Thế nào, bây giờ thì cậu hết đi chơi rồi nhé! Tuyết còn rơi nhiều lắm, mà rồi sẽ còn rơi mù mịt, không thò mũi ra khỏi nhà được đâu!
“Lạy Chúa, – anh nghĩ thầm, – làm sao có đủ gan để nói với cô ấy là ta sắp đi rồi?”
Và anh nóng lòng muốn đến Moskva càng nhanh càng tốt. Giá rét và bão tuyết trên quãng trường đối diện với nhà thờ Iverckaya, những cỗ xe song mã gắn lục lạc leng keng phóng trên phố Tverskaia, ánh điện cao cao trên những cột đèn trong tuyết xoáy... Những chùm đèn rực rỡ trong Nhà Hát Lớn, dàn huyền nhạc khí réo rắt trầm bổng, và kia, anh ném chiếc áo lông sũng tuyết vào tay người gác cửa, dùng mù soa lau hàng ria mép ướt đẫm, quen thân và sảng khoái đi trên tấm thảm đỏ bước vào gian phòng lớn ấm hơi người, râm ran tiếng trò chuyện, sực nức mùi các món ăn và mùi xìgà, những người hầu lăng xăng đi lại, và tất cả những cái đó đắm chìm trong làn sóng huyền nhạc khí, khi sầm sập sôi nổi, khi phóng đãng mơ hồ...
Suốt cả bữa ăn tối anh không dám ngước mắt lên nhìn nàng đang thoăn thoắt chạy đi chạy lại với vẻ mặt vô tư bình thản.
Khi đêm đã khuya, anh xỏ đôi ủng dạ, khoác chiếc áo lông cũ của ông Kadakov quá cố, chụp mũ lông lên đầu và mở cửa sau định ra ngoài thở khí trời và xem bão tuyết. Thế nhưng ngay dưới mái hiên tuyết đã dồn thành đống lớn, anh bị sụt cả người xuống đấy, hai ống tay áo cũng bị ngập trong tuyết, ngoài kia đúng là địa ngục với những cơn lốc trắng đang lao vun vút một cách điên cuồng. Chân dấn sâu trong tuyết, anh nặng nề đi vòng theo tường nhà tới lối cửa trước, dậm chân rũ tuyết và chạy ùa vào gian chái tối om đang réo ù ù vì bão rồi bước vào phòng ngoài, nơi đó trên mặt chiếc rương cũ có một ngọn nến đang cháy. Vẫn mặc chiếc váy hôm nọ, nàng đi chân đất, từ sau tấm vách nhảy bổ ra, vỗ hai tay vào nhau và kêu lên:
- Chúa ơi! Cậu đi đâu về thế này!
Anh ném áo lông và mũ lên chiếc rương cũ làm tuyết rắc đầy lên mặt nó và háo hức nắm tay nàng. Cũng háo hức không kém, nàng vùng khỏi tay anh, vớ cái chổi phủi tuyết trên đôi ủng dạ của anh và tháo chúng ra:
- Lạy Chúa, tuyết lọt đầy cả vào ủng rồi đây này! Cậu đến cảm lạnh mà chết mất!
***
Đêm ấy, trong giấc ngủ, đôi lúc anh nghe tiếng gió đơn điệu và dai dẳng đập vào tường nhà, thỉnh thoảng gió giận dữ lướt tới, ràn rạt ném tuyết lên cửa chớp, lay giật chúng, rồi lại lặng đi, xa dần, đều đều như ru ngủ. Đêm ngọt ngào và dường như vô tận bởi hơi ấm của chăn đệm, của ngôi nhà cổ kính, cô đơn giữa biển tuyết trắng xoá đang lồng lộn gào rú điên cuồng.
Sáng hôm sau, anh ngỡ là cơn gió đêm qua đang giật tung cửa chớp và đập chúng vào tường, nhưng khi anh mở mắt thì hoá ra không phải, trời đã sáng hẳn, khắp nơi tuyết phủ trắng xoá và ngập đến tận mép cửa sổ, hắt lên trần nhà một thứ phản quang trắng nhờ nhờ. Tất cả bên ngoài tuy vẫn còn gào rú quay cuồng nhưng tốc độ đã giảm hẳn. Một ngọn lửa uốn éo reo tí tách trong lò sưởi – thì ra trong lúc anh say sưa ngủ và không nghe thấy gì thì Tanhia, nàng Tanhiechka yêu thương và tận tuỵ của anh, chân đi ủng dạ, tuyết rắc dầy trên vai, trên mái đầu quấn chiếc khăn san Penkov, đã vào phòng quỳ gối nhóm lò. Anh chưa kịp nghĩ ngợi thì nàng đã đi vào, tay nâng chiếc khay đựng chén trà, đầu không quấn khăn nữa. Nàng thoáng mỉm cười, đặt khay lên chiếc bàn nhỏ đầu giường và nhìn đôi mắt mới ngủ dậy còn trong trẻo, hơi ngỡ ngàng của anh:
- Sao cậu dậy muộn thế ?
- Mấy giờ rồi?
Nàng nhìn chiếc đồng hồ trên bàn và mãi không trả lời được – đến tận lúc ấy nàng vẫn chưa học được cách xem đồng hồ:
- Mười giờ... Chín giờ kém mười...
Anh nhìn ra cửa và nắm váy kéo nàng lại gần mình. Nàng né người và gạt tay anh:
- Ấy chết, không được đâu, mọi người dậy cả rồi...
- Thôi mà, chỉ một phút thôi !
- Bà lão vào ngay bây giờ đấy...
- Không ai vào đâu, một phút thôi mà!
- Trời ơi, đến khổ với cậu!
Nàng vội vàng tháo từng chiếc ủng ra khỏi đôi chân đi tất len, nằm xuống và sợ sệt ngó ra cửa... Ôi, cái mùi nông dân toả ra từ mái tóc, từ hơi thở, từ đôi má lạnh buốt thơm thơm hương táo của nàng! Anh thì thào tức giận:
- Em lại mím chặt môi mà hôn rồi! Đến tận bao giờ tôi mới dạy được cho em chừa cái tính ấy!
- Nhưng em có phải là tiểu thư đâu... Đợi tí, em nằm thấp xuống nhé... Nào, nhanh lên, em sợ đến chết mất.
Và họ nhìn sâu vào mắt nhau, chăm chú và chờ đợi.
- Pet’ruska...
- Im nào. Trong những lúc như thế này em cứ lên tiếng làm gì!
- Cơ mà ngoài những khi như thế này em còn biết nói chuyện với cậu vào lúc nào nữa?... Từ nay em sẽ không mím môi nữa đâu ... Cậu thề là ở Moskva cậu không có ai cả chứ?
- Đừng có xiết cổ tôi như vậy.
- Chẳng có ai trên đời này yêu cậu đến thế đâu. Cậu yêu em, thành ra em thấy dường như em cũng tự phải lòng mình và vui hết nói... Chứ còn nếu cậu mà bỏ em thì ...
Mặt bừng đỏ, nàng chạy vụt từ hiên sau nhà ra ngoài giông bão, khuỵu xuống trong giây lát, rồi nhỏm dậy, lao ra giữa cơn lốc màu trắng để vòng ra cửa trước, chân ngập trong lớp tuyết đến tận đầu gối để trần. Ở phòng ngoài thoang thoảng mùi ấm samova đang sôi. Bà hầu gái già ngồi dưới ô cửa sổ đầy tuyết bám đang xì xụp uống nước trà đựng trong chiếc đĩa, bà liếc mắt nhìn nàng nhưng không ngửng đầu lên:
- Mày chạy đâu về thế hả? Tuyết bám đầy người rồi kia kìa.
- Cháu mang trà cho cậu Piôt Nhikalaich.
- Mày mang trà dọn cho cậu ấy trong phòng đầy tớ đấy phỏng? Tao còn lạ gì cái thứ trà của mày!
- Bà biết cũng chả sao, cứ biết cho khoẻ. Bà chủ đã dậy chưa?
- Bây giờ mới nhớ ra à? Còn sớm hơn cả mày kia!
- Sao bà hay cáu thế nhỉ!
Và thở phào sung sướng, nàng đi vào phía trong vách ngăn, lấy phần trà của mình và khe khẽ hát:
Em đi ra vườn
Ra vườn tươi xanh
Ra vườn tươi xanh dạo chơi
Đón người em yêu mến...
***
Buổi trưa, ngồi đọc sách trong phòng làm việc, lắng nghe tiếng gió có lúc dịu đi, có lúc tăng lên ra chiều đe doạ và lồng lộn quay cuồng xung quanh ngôi nhà càng ngày càng chìm sâu trong cơn lốc trắng như sữa, anh nghĩ bụng: Chờ bão ngớt ta sẽ lên đường.
Buổi chiều, anh lựa dịp bảo nàng đợi đến khuya, khi mọi người ngủ say thì đến chỗ anh và ở lại suốt cả đêm hôm ấy. Nàng lắc đầu, nghĩ một thoáng rồi bảo: được. Điều đó thật đáng sợ, nhưng cũng vì thế mà sẽ rất ngọt ngào.
Anh cũng có cảm tưởng như thế. Và anh cảm thấy thương nàng: nàng vẫn chưa biết rằng đó là đêm cuối cùng của họ!
Đêm đến anh cứ chập chờn, vừa thiếp lại choàng tỉnh dậy: không biết nàng có dám đến không? Nhà tối om, ngoài vườn ồn ào tiếng gió, những cánh cửa chớp run lên bần bật, đã thế lò sưởi lại còn rên rỉ... Bỗng anh hoảng hốt mở choàng mắt: anh không nghe thấy tiếng bước chân của nàng – làm sao mà có thể nghe được tiếng chân thận trọng một cách tội lỗi trong màn đêm dày đặc như thế – anh không hề nghe thấy nhưng cảm thấy nàng như một người vô hình đã đứng bên cạnh chiếc đivăng mà anh đang nằm. Anh chìa tay. Nàng âm thầm chui vào chăn với anh. Anh nghe thấy tim nàng đập dồn dập, cảm thấy đôi chân trần buốt lạnh của nàng và thầm thì thốt lên những lời nóng bỏng nhất mà anh có thể nghĩ ra và nói lên được. Họ nằm như thế rất lâu, ngực áp vào nhau và hôn nhau đến mức đau cả răng. Nàng nhớ là anh dặn nàng đừng ngậm miệng nên cố gắng chiều anh, cứ há to ra như con chim nhỏ.
- Em chưa ngủ tí nào ư?
- Không, em chả ngủ tẹo nào, cứ chờ suốt như thế...
Anh mò mẫm tìm bao diêm trên bàn và châm nến. Nàng sợ hãi kêu lên:
- Pet’ruska, cậu làm gì thế! Bà lão thức dậy ngay bây giờ, bà ấy nhìn thấy ánh đèn thì...
- Quỷ tha ma bắt bà ấy đi, – anh nhìn gương mặt đỏ ửng của nàng và nói. – Tôi muốn ngắm em...
Trong khi yêu nàng, anh không rời mắt khỏi gương mặt của nàng một giây nào. Nàng thầm thì:
- Em sợ. Sao cậu cứ nhìn em như thế?
- Vì trên đời này chẳng ai đẹp hơn em cả. Cái đầu nhỏ nhắn với hai đuôi sam quấn vòng quanh này y hệt như nàng Vệ Nữ...
Đôi mắt nàng long lanh một nụ cười hạnh phúc:
- Vệ Nữ là cô nào vậy?
- Có một cô như thế... Lại còn cái áo cánh này nữa...
- Thì cậu mua cho em cái khác... Đúng thật là cậu rất yêu em!
- Chẳng yêu một tí nào. Và người em lại thơm mùi chim cút hay mùi cây đại ma gì đấy...
- Sao cậu lại thích cái mùi đó như thế? Đấy, cậu vẫn bảo là em hay nói chuyện trong những lúc như thế này... thế mà... chính cậu lại nói...
Nàng bắt đầu ghì chặt anh vào lòng mình hơn và định nói một điều gì đó nhưng đã không thể nào nói nổi nữa...
Sau đó anh nằm im hút thuốc và nghĩ ngợi: dù sao đi nữa thì cũng phải nói với nàng, đó là một điều khủng khiếp, nhưng dù sao thì cũng phải nói! Và anh cất tiếng chỉ vừa đủ nghe:
- Tanhiechka...
- Gì cơ? – Nàng cũng hỏi lại với vẻ bí ẩn y như thế.
- Tôi sắp phải đi rồi em ạ...
Nàng thậm chí nhổm cả người dậy:
- Bao giờ?
- Cũng sắp rồi... Tôi có những công việc khẩn cấp cần giải quyết...
Nàng ngã vật xuống gối:
- Chúa ơi!
Những công việc khẩn cấp nào đó của anh ở một nơi nào đó gọi là Moskva gợi lên trong lòng nàng một điều gì đó như là lòng tôn kính. Nhưng tại sao lại phải chia với tay anh vì những công việc đó? Rồi nàng âm thầm hối hả và bất lực tìm lối để thoát ra khỏi cái điều kinh khủng không thể nào giải quyết ấy. Không có lối thoát nào cả. Chỉ muốn kêu to lên: Cho em đi với anh! Nhưng nàng không dám – làm gì có chuyện như thế?
- Tôi chẳng thể nào ở đây mãi được...
Nàng lắng nghe và đồng ý với anh: phải, phải...
- Tôi củng chẳng thể nào đưa em đi theo được...
Nàng chợt buột miệng thốt lên tuyệt vọng:
- Vì sao?
Anh thoáng nghĩ: Ừ nhỉ, tại sao, tại sao nào? Và anh vội trả lời:
- Tôi là kẻ vô gia cư, Tanhia ạ, suốt đời tôi lang thang hết nơi này đến nơi khác... Ở Moskva tôi sống trong buồng khách sạn... Và tôi chẳng bao giờ lấy vợ cả...
- Tại sao?
- Tại vì trời sinh tôi ra thành người như thế.
- Và cậu không bao giờ lấy vợ thật ư?
- Sẽ không bao giờ lấy ai cả! Và xin thề với em là quả thật tôi phải đi, có những công việc quan trọng và không thể trì hoãn được. Đến lễ Giáng Sinh dứt khoát là tôi sẽ về.
Nàng nép vào anh, nằm yên một lúc, mặc cho những giọt nước mắt nóng hổi thánh thót nhỏ xuống tay anh rồi nói nhỏ:
- Thôi, em đi đây... Trời sắp sáng rồi...
Và nàng nhỏm người dậy làm dấu ban phúc cho anh trong bóng tối:
- Cúi xin Thánh Nữ trên trời, cúi xin Đức Mẹ phù hộ cho cậu được bằng an!
Chạy về phòng mình sau tấm vách, nàng lên giường, chắp tay trước ngực, liếm dòng nước mắt chảy tràn trên môi và rì rầm cầu nguyện trong tiếng gió ù ù từ ngoài hiên lọt vào:
- Lạy Đức Chúa Cha! Lạy Đức Mẹ trên trời! Xin thương tình bão thêm một vài ngày nữa rồi hãy ngớt !
***
Hai ngày sau anh ra đi – một vài cơn gió xoáy vẫn còn rú rít ngoài sân nhưng anh không thể nào kéo dài hơn nữa nỗi khổ tâm của nàng và của bản thân mình nên anh không nghe theo lời bà Kadacova nài nỉ anh chờ đến mai hãy lên đường.
Và cả ngôi nhà, cả khu vườn trống vắng hẳn đi, như đã chết. Rồi chẳng thể nào tưởng tượng nổi thành phố Moskva có anh đang ở đấy, chẳng thể nào tưởng tượng nổi cuộc sống và những công việc nào đó của anh...
***
Đến lễ Giáng Sinh không thấy anh trở về. Đó là những ngày thật khủng khiếp. Thời gian trôi đi từ sáng đến chiều trong sự đợi chờ vô vọng, trong sự vờ vịt đáng thương ngay với chính bản thân mình, rằng mình chẳng đợi chờ ai cả! Suốt mấy ngày lễ thánh nàng mặc bộ váy áo đẹp nhất – chiếc áo đầm và đôi bốt ngắn cổ mà nàng đã mặc hồi mùa thu, vào buổi tối mà anh ra ga đón nàng, cái buổi tối không bao giờ quên được ấy.
Đến lễ Thánh Ba Ngôi không hiểu sao nàng lại tin như đinh đóng cột rằng từ sau những ngọn đồi kia sẽ xuất hiện một chiếc xe trượt tuyết của nông dân mà anh thuê từ ngoài ga tàu hoả vì anh không gửi thư báo để người ta cho xe ra đón, suốt ngày nàng không rời khỏi chiếc rương ở phòng ngoài, cứ đăm đăm nhìn ra sân đến mỏi cả mắt. Nhà vắng tanh vắng ngắt – bà Kadacova đi chơi nhà hàng xóm, bà hầu gái già ăn trưa dưới phòng đầy tớ rồi ở đấy ngồi lê đôi mách với mụ bếp. Thậm chí nàng chẳng xuống ăn trưa, viện cớ là đau bụng...
Và rồi trời tối. Nàng nhìn chiếc sân đóng băng lấp loáng vắng lặng một lần nữa, đứng dậy và tự nhủ mình một cách cứng cỏi rằng: thôi đủ rồi, ta chẳng cần ai và chẳng muốn đợi chờ gì nữa! Rồi nàng thủng thẳng đi sang phòng ngoài, phòng khách trong ánh hoàng hôn mùa đông vàng vọt tuôn qua những ô cửa kính và cất giọng vô tư hát vang với sự nhẹ nhõm của một cuộc đời đã hết:
Em đi ra vườn
Ra vườn tươi xanh
Ra vườn tươi xanh dạo chơi
Đón người em yêu mến...
Hát đến câu “Đón người em yêu mến” và vào đến phòng làm việc, nhìn thấy chiếc đivăng bỏ không của anh, chiếc ghế bành bỏ không mà mới hôm nào đây anh còn ngồi đọc sách, nàng gieo mình xuống ghế, gục mặt lên bàn vừa nức nở vừa kêu lên thành tiếng: “Lạy Đức Mẹ trên trời, xin hãy cho con được chết ngay lập tức!”
***
Anh về vào dịp tháng Hai – khi nàng đã chôn vùi mọi hi vọng được gặp anh dù chỉ một lần nữa trong đời.
Và tưởng chừng như mọi chuyện trước đây lại tiếp tục như cũ.
Anh sững cả người khi gặp lại nàng – nàng gầy đi nhiều quá, cả người nàng héo hon, đôi mắt thì buồn rầu và nom thật nhút nhát! Trong giây phút đầu tiên nàng cũng sửng sốt không kém – nàng cảm thấy hình như anh cũng thay đổi, già đi, xa lạ và thậm chí có vẻ đáng ghét – bộ ria của anh rậm hơn, giọng thô hơn, khi cởi áo ở phòng ngoài anh cười nói quá to và không tự nhiên, nên nàng thấy ngại ngùng không dám nhìn vào mắt anh... Nhưng cả hai đều có gắng giấu nhau điều đó và chẳng bao lâu sau mọi việc dường như lại diễn ra như trước.
Rồi sau đó cái ngày khủng khiếp – ngày mà anh một lần nữa lại phải lên đường – đã tới gần. Anh thề với nàng trước hình thánh rằng đến kỳ Lễ Thánh anh sẽ về và lần này sẽ ở lại suốt cả mùa hè. Nàng tin lời, nhưng nghĩ bụng: “Đến hè rồi sẽ ra sao? Lại y như bây giờ à?” Với nàng, giờ đây như thế đã là quá ít – hoặc là mọi cái hoàn toàn y như lần trước chứ không phải chỉ là sự lặp lại, hoặc là được sống gắn bó với anh, không bao giờ phải chia tay nhau, không có những điều đau khổ mới, không phải bẽ bàng trong đợi chờ vô vọng. Nhưng nàng cố gắng xua đưổi ý nghĩ đó ra khỏi đầu, cố gắng hình dung ra niềm hạnh phúc trong mùa hè tới – biết bao điều tự do đang chờ đợi họ khi ấy – ban ngày và ban đêm trong vườn, ngoài đồng và ở sân phơi, và anh sẽ ở lâu, rất lâu bên cạnh nàng...
***
Trước hôm anh ra đi lần thứ hai, đêm đã chớm xuân, sáng sủa và lộng gió. Khu vườn bên ngoài ngôi nhà xôn xao sôi động, văng vẳng lọt vào tiếng chó sủa giận dữ và bất lực trên chiếc hầm nhốt con cáo mà người gác rừng của bà Kadacova bẫy được và đem đến cho chủ. Anh nhắm mắt nằm ngửa trên chiếc đivăng. Nàng nằm bên cạnh, bàn tay luồn dưới mái đầu buồn bã. Cả hai cùng im lặng. Cuối cùng nàng thì thào khe khẽ:
- Pet’ruska, cậu ngủ đấy à?
Anh mở mắt nhìn bóng tối lờ mờ trong phòng, phía bên trái đã thấy ánh bình minh từ cửa sổ lọt vào.
- Không. Thì sao hả em?
- Thì bây giờ cậu chẳng còn yêu em nữa, nên cậu mới làm em đau khổ một cách vô ích thế này, – nàng điềm nhiên nói.
- Sao lại vô ích? Em đừng nói năng vớ vẩn như vậy.
- Cậu sẽ bị tội đấy. Em biết chui vào đâu bây giờ?
- Việc gì em lại phải chui vào đâu cơ chứ?
- Thì cậu lại về thành phố Moskva của cậu, một mình em ở lại đây, em biết làm gì bây giờ?
- Thì em cứ làm những việc như từ trước tới giờ. Hơn nữa, tôi đã nói chắc chắn là đến Lễ Thánh thì tôi sẽ về suốt cả mùa hè cơ mà.
- Vâng, có thể là cậu sẽ về... Chỉ có điều trước đây chẳng bao giờ cậu nói với em những câu đại loại như : “Việc gì em phải chui vào đâu cơ chứ!” Trước đây cậu có yêu em thật, cậu vẫn bảo rằng chưa gặp ai xinh xắn hơn em. Mới lại em đâu có được như thế?
Phải, đúng thế thật, anh nghĩ thầm. Nàng đã thay đổi quá nhiều, về đủ mọi phương diện...
- Cái thời của em thế là đã qua rồi, – nàng nói. – Trước đây, mỗi lần chạy đến với cậu em cứ sợ hết cả hồn và mừng thầm: May quá, bà già đã ngủ. Còn bây giờ thì em chẳng còn sợ bà ấy nữa...
Anh nhún vai:
- Tôi không thể nào hiểu nổi em nữa. Nào, em lấy hộ tôi bao thuốc lá, ở trên bàn kia kìa.
Nàng đưa bao thuốc cho anh. Anh châm thuốc hút rồi nói:
- Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra với em. Đơn giản là em bị ốm rồi...
- Thì ra là như thế, cho nên bây giờ em không còn được lòng cậu nữa chứ gì. Em bị mắc bệnh gì vậy nhỉ?
- Em không hiểu tôi rồi. Tôi muốn nói là em bị ốm về mặt tinh thần. Bởi vì em cứ nghĩ mà xem, có chuyện gì xảy ra đâu, tại sao em lại nghĩ là tôi không còn yêu em nữa? Và tại sao lúc nào em cũng cứ nhắc đi nhắc lại mãi: trước đây, trước đây...
Nàng không trả lời. Ánh sáng từ ngoài khu vườn ồn ào lọt qua cửa sổ, văng vẳng tiếng chó sủa giận dữ, rền rĩ và tuyệt vọng ...
Nàng nhẹ nhàng rời chiếc đivăng bước xuống đất, đưa cánh tay áo áp chặt lên mắt, lúc lắc mái đầu và mềm mại bước đôi chân đi tất len về phía cửa phòng khách. Anh gọi nàng, giọng nhỏ nhưng nghiêm khắc:
- Tanhia.
Nàng quay lưng lại, đáp khẽ:
- Cậu bảo gì cơ?
- Em lại đây với tôi.
- Để làm gì?
- Tôi bảo, cứ lại đây.
Nàng ngoan ngoãn bước lại gần, đầu cúi xưống để anh đừng trông thấy mặt nàng đầy nước mắt:
- Nào, cậu bảo gì em?
- Ngồi xuống đây và đừng khóc. Hôn anh đi, – nào!
Anh ngồi xuống, nàng cũng ngồi bên cạnh, ôm lấy anh và khẽ nức nở. “Lạy Chúa, con biết làm thế nào bây giờ? – Anh nghĩ thầm tuyệt vọng. – Lại những giọt nước mắt trẻ thơ trên gương mặt nóng ấm và thơ trẻ này... Cô ấy thậm chí cũng không thể ngờ được mình yêu cô ấy mãnh liệt như thế nào! Nhưng mình có thể làm gì được? Đem cô ấy đi theo ư? Đi đâu? Để sống một cuộc đời như thế nào? Rồi sẽ ra sao? Ràng buộc để rồi vĩnh viễn làm hỏng đời mình ư?” Và anh vội vã thì thầm, cảm thấy nước mắt của mình rơi nhồn nhột trên môi và sống mũi:
- Tanhiechka, niềm vui sướng của anh, đừng khóc nữa, nghe anh nói: Đến mùa xuân anh sẽ về và sẽ ở suốt cả mùa hè, đến lúc ấy chúng mình sẽ “ra vườn tươi xanh” – anh đã nghe bài hát của em và suốt đời chẳng bao giờ anh quên được nó – rồi chúng mình sẽ đi xe ngựa vào rừng – em còn nhớ mình đi xe ngựa với nhau từ ngoài ga tàu hoả trở về không?
- Chẳng ai cho em đi với anh đâu, – nàng cay đắng thì thào lắc đầu, dụi mái tóc vào ngực anh, lần đầu tiên không gọi anh là “cậu” nữa. – Và anh cũng chẳng đi với em đâu...
Nhưng anh đã nghe thấy trong giọng nàng một nỗi vui mừng, một niềm hy vọng dè dặt.
- Anh sẽ đi, anh sẽ đi chứ, Tanhiechka! Và em không được gọi anh là “cậu” nữa! Và em không được khóc lóc nữa...
Anh luồn tay dưới đôi chân đi tất len nhấc bổng nàng lên và đặt nàng ngồi trên đầu gối mình – người nàng nhẹ vô cùng:
- Nào, em nói đi: Pet’ruska, em rất yêu anh!
Nàng thẫn thờ nhắc lại qua làn nước mắt:
- Em yêu anh vô cùng...
Chuyện xảy ra vào cái năm mười bẩy khủng khiếp, khi anh về làng quê lần chót trong đời.
22 tháng 10 năm 1940
Ở Paris
Khi ông đội mũ – lúc đi ngoài phố hay khi đứng trong tàu điện ngầm – khi mái tóc hung đỏ cắt ngắn lởm chởm, lốm đốm bạc của ông không lộ ra ngoài, qua vẻ tươi tắn của khuôn mặt gầy cạo nhẵn, qua dáng đi ngay ngắn và vóc người dong dỏng trong chiếc áo bànhtô dài bằng vải không thấm nước, người ta cứ ngỡ ông chưa quá bốn mươi. Thế nhưng đôi mắt ông lại chứa đựng một nỗi buồn khô khan, và ông thường chuyện trò, cư xử như một người đã nếm trải nhiều điều cay đắng trong đời.
Có thời, ông đã thuê một trang trại ở Provence và nghe nhàm tai vô số chuyện tiếu lâm của vùng này, nên đôi khi, trong những câu chuyện thường là ngắn gọn của mình, ông thích chêm vào đôi mẩu chuyện đùa Provence với giọng mai mỉa. Nhiều người biết chuyện ông bị vợ bỏ từ khi còn ở Constantinopol, và từ hồi ấy đến nay, ông vẫn sống với vết thương lòng đeo đẳng. Chưa bao giờ ông thổ lộ bí mật về vết thương lòng này với ai, nhưng thỉnh thoảng lại vô tình nhắc tới nó, – khi câu chuyện có liên quan đến phụ nữ, ông thường nói với giọng khó chịu:
- Rien n’ést plus diffcile que de reconnaitre un bon melon et une femme de bien.[4]
Một lần cuối thu, vào một chiều Paris ẩm ướt, ông ghé vào một quán ăn Nga trong đoạn ngõ tăm tối gần phố Passi. Trong quán này có một ngăn nhỏ bán thực phẩm – ông đã vô tình dừng chân trước khung cửa kính rộng rãi của nó, sau lớp kính có thể thấy rõ mặt bệ cửa sổ có bày những chiếc chai hình nón đựng rượu thanh lương trà, mấy chai khác hình trụ đựng rượu zubrovka, một chiếc đĩa đựng mấy cái bánh nướng đã se vỏ, một đĩa khác bày mấy viên thịt băm rán đã xám màu, hộp cá trích và hộp bánh khalva, xa hơn nữa là chiếc quầy bày các món ăn, đứng sau quầy là bà chủ với khuôn mặt kiểu Nga rất khó có cảm tình. Bên trong quán khá sáng sủa, và chính làn ánh sáng ấy đã rủ rê ông rời chân khỏi cái ngõ tăm tối, lạnh lẽo và trơn như đổ mỡ. Bước vào quán, ông cúi chào bà chủ và đi tới gian phòng sáng lờ mờ, nối với quầy bán thực phẩm, nơi có những chiếc bàn phủ khăn trắng còn vắng khách. Tại đó, ông chậm rãi treo chiếc mũ xám và chiếc áo bànhtô lên móc của chiếc giá treo áo rồi ngồi vào chiếc bàn kê ở góc cuối phòng, lơ đãng xoa xoa hai bàn tay có những sợi lông hung đỏ nơi cườm tay, rồi thong thả đọc bản thực đơn dài lê thê ghi các món ăn, đoạn đánh máy, đoạn viết tay bằng mực tím trên nền giấy loang đầy vết mỡ. Bất chợt, góc phòng ông ngồi đột ngột sáng bừng lên, rồi một thiếu phụ chừng ba mươi tuổi, với khuôn mặt hờ hững nhưng lịch thiệp, mắt huyền, có mái tóc đen rẽ đường ngôi thẳng, mặc bộ váy áo màu đen, bên ngoài đeo tạp dề trắng thêu hoa, bước lại gần:
- Bonsoir, monsieur,[5] – nàng nói với giọng rất dễ thương.
Ông nhận thấy nàng quá đẹp, đến nỗi ông bỗng trở nên lúng túng và bối rối trả lời:
- Bonsoir… Nhưng cô là người Nga, có đúng không?
- Vâng, người Nga. Ông thứ lỗi cho, tự nhiên thành ra cái thói quen nói với khách hàng bằng tiếng Pháp.
- Chẳng nhẽ ở đây cũng có khách Pháp đến ăn ư?
- Vâng, cũng tương đối nhiều đấy ạ. Mà người nào cũng nhất định phải gọi rượu zubrovka, bánh bột tráng blin, thậm chí cả món xúp củ cải đỏ. Ông đã chọn được món gì chưa ạ?
- Chưa, nhiều món quá… Hay là cô làm ơn khuyên tôi nên chọn món gì?
Nàng bắt đầu xướng tên các món ăn bằng giọng đọc thuộc lòng:
- Hôm nay nhà hàng có món canh chua kiểu lính thủy, thịt băm viên kiểu Kozak, có thể đặt món thịt bê băm rán, hoặc nếu ông muốn thì có thể lấy món thịt nướng kiểu Kaski.
- Hay lắm, cô làm ơn cho xin món canh chua và thịt băm viên.
Nàng lấy quyển sổ cài ở thắt lưng và viết vào đó bằng một mẩu bút chì. Tay nàng trắng trẻo và dáng đẹp, chiếc áo nàng mặc không còn mới nữa nhưng rõ ràng là được cắt may ở một tiệm đắt tiền.
- Ông có dùng vodka không ạ?
- Rất vui lòng. Ngoài phố ẩm ướt kinh khủng.
- Ông định lấy món nhắm nào ạ? Có cá trích vùng Đanuýp ngon lắm, dưa chuột Korkunov muối rất nhạt và trứng cá vừa mới nhập về.
Ông đưa mắt ngắm nàng lượt nữa: chiếc tạp dề trắng thêu hoa khiến khuôn ngực của người thiếu phụ trẻ nổi rõ…, đôi môi đầy đặn không tô son mà vẫn tươi, đầu nàng chỉ buộc hờ chiếc khăn màu đen, nhưng làn da tay lại được chăm sóc kĩ lưỡng, những chiếc móng tay hồng nhạt óng ánh – rõ ràng được thợ tô màu.
- Tôi định nhắm món gì ư? – Ông nói và mỉm cười. – Nếu cô cho phép thì chỉ cá trích và khoai tây nóng là đủ.
- Ông thích dùng loại rượu vang nào?
- Vang đỏ cô ạ. Loại thường mà người ta hay dọn tiệc ấy mà.
Nàng ghi vào cuốn sổ rồi chuyển chiếc bình đựng nước lã từ bàn bên cạnh sang bàn ông ngồi. Ông lắc đầu:
- Ồ không, tôi không bao giờ uống rượu nho pha nước lã. L’eau gate le vin comme la charette le chemin et la femme l’ame.[6]
- Ông đánh giá phụ nữ chúng em cũng không được tốt đẹp cho lắm nhỉ. – Nàng thản nhiên trả lời rồi đi lấy món cá trích và vodka. Ông nhìn theo bóng nàng: Dáng nàng ngay ngắn và chiếc váy đen rung rinh theo mỗi bước nàng đi… Phải, lịch thiệp mà hờ hững, đó là tất cả cử chỉ và thói quen của một người phục vụ khiêm nhường và đứng đắn. Nhưng đôi giày kia thì lại rất đẹp và đắt tiền. Ở đâu ra? Chắc là có một ông ami đứng tuổi, nhiều tiền… Lâu lắm rồi, ông không thấy phấn chấn như tối hôm nay, ấy là nhờ có nàng. Ý nghĩ ấy khiến ông không thể không cảm thấy hơi buồn. Phải, năm này qua năm khác, ngày này qua ngày khác, ta chỉ thầm mong đợi mỗi điều này – một cuộc gặp gỡ may mắn và hạnh phúc – và tất cả chỉ là vô vọng mà thôi…
Ngày hôm sau, ông lại đến và lại ngồi vào chiếc bàn của mình. Thoạt đầu, nàng đang bận ghi các món ăn mà hai khách hàng người Pháp đặt, nàng vừa nhắc lại vừa ghi vào cuốn sổ tay:
- Caviar rouge, salade russ… Deux chachlyks…[7]
Nàng quay ra rồi bước tới bàn ông với nụ cười thoáng hiện trên môi, như gặp một người quen biết:
- Xin chào ông. Rất hân hạnh là nhà hàng đã làm ông vui lòng.
Ông vui vẻ đứng dậy:
- Chào cô. Vâng, tôi thích nhà hàng này lắm. Cô tên là gì nhỉ?
- Olga Aleksandrovna, thưa ông. Còn ông thì tên là gì ạ?
- Nikolai Ptatonik.
Họ bắt tay nhau, rồi nàng giở sổ ra:
- Hôm nay nhà hàng có món rasonik ngon lắm. Đầu bếp ở đây rất giỏi, đã từng phục vụ Đại Công tước Aleksandr Mikhailovich ở trên tàu thủy đấy ông ạ.
- Hay lắm, rasonik thì rasonik chứ sao. Mà cô làm ở đây đã lâu chưa?
- Tháng thứ ba, thưa ông.
- Thế trước đây cô làm ở đâu?
- Trước đây em bán hàng ở cửa hàng Printemps.
- Chắc là dư người cho nên phải thôi việc?
- Thưa vâng, chứ không thì đời nào em lại bỏ một chỗ làm như thế.
Ông hài lòng nghĩ rằng, hóa ra mọi việc chẳng liên quan đến một ông ami nào cả – và ông hỏi nàng:
- Chắc là cô đã có gia đình?
- Vâng, thưa ông.
- Chồng cô làm gì?
- Anh ấy đi làm ở Nam Tư. Trước đây cũng có tham gia Bạch quân. Còn ông, chắc cũng thế, phải không ạ?
- Vâng, tôi có tham gia cả Đại chiến lẫn Nội chiến.
- Điều đó thì nhìn qua cũng đoán được. Và, có lẽ ông là một vị tướng? – Nàng nói và mỉm cười.
- Tướng về hưu cô ạ. Bây giờ tôi viết sách về hai cuộc chiến đó, theo đơn đặt hàng của các nhà xuất bản ngoại quốc khác nhau… Vậy là, thành ra bây giờ cô sống có một mình thôi nhỉ?
- Thành ra có mỗi một mình thôi, ông ạ…
Đến buổi tối thứ ba ông nói:
- Cô có thích đi xem xinê không?
- Thỉnh thoảng đi xem một lần cũng hay.
- Hiện ở rạp Étoile đang chiếu một phim gì đó hay lắm, thấy người ta bảo thế. Nếu cô muốn, chúng ta cùng đi xem nhé? Cô có hôm nào được nghỉ không?
- Merci. Thứ hai em được rỗi.
- Thế thì thứ hai ta đi xem nhé. Hôm nay là thứ mấy nhỉ? Thứ bảy phải không? Nghĩa là ngày kia chứ gì? Được chứ?
- Được ạ. Còn ngày mai, chắc là ông không đến?
- Không, mai tôi ra ngoại ô, đến chỗ mấy người quen. Mà sao cô lại hỏi như vậy?
- Em cũng chẳng biết nữa… Kể cũng lạ, nhưng mà hình như em cảm thấy đã quen thuộc với ông rồi hay sao ấy.
Ông nhìn nàng biết ơn và đỏ mặt:
- Tôi cũng thế. Cô biết không, trong cuộc đời này, những cuộc gặp gỡ may mắn thường hiếm lắm…
Và ông vội nói lảng sang chuyện khác:
- Như vậy là ngày kia nhé. Chúng ta gặp nhau ở đâu được? Cô ở khu nào?
- Gần ga tàu điện ngầm Motte-Qicquet.
- Cô thấy chưa, như thế thì tiện đường quá, đi thẳng là đến rạp Étoile. Tôi sẽ đợi cô ở đấy, chỗ cửa tàu điện ngầm, đúng tám giờ rưỡi nhé.
- Merci.
Ông giả bộ nghiêng người chào:
- C’est moi qui vous remercie.[8] Cô cứ dỗ con ngủ rồi tới rạp nhé. – Ông cười và nói vậy để thử xem nàng có con không.
- Ơn Chúa, em không có của báu ấy, – nàng đáp và nhẹ nhàng dọn hết cốc chén mang đi.
Trên đường về nhà, ông cảm thấy xúc động và hơi ngượng ngùng thế nào ấy. “Em đã quen với ông rồi…” Phải, rất có thể đây chính là cuộc gặp gỡ hạnh phúc mà ông vẫn hằng mong đợi. Chỉ có điều là muộn quá, muộn quá rồi. Le bon Dieu envoie toujours des cullotes à ceux qui n’ont pas de derrière…[9]
Tối thứ hai trời mưa, bầu trời ảm đạm phía trên đầu Paris đỏ mờ mờ. Hy vọng là sẽ ăn tối với nàng ở Montparnasse, ông không ăn bữa trưa, chỉ tạt vào tiệm cà phê ở đường Chaussée de Muette, ăn một chiếc xănguých, uống một vại bia, hút điếu thuốc rồi gọi tắcxi. Đến ga tàu điện ngầm Étoile, ông bảo tài xế dừng xe rồi bước ra vỉa hè dưới làn mưa, – người tài xế to béo, má đỏ ửng, tin tưởng ngồi chờ ông. Gió từ dưới tàu điện ngầm hun hút thổi ra, đoàn người đông nghịt và đen ngòm theo bậc thang tràn lên, ra đến cửa là bắt đầu dương ô. Cạnh chỗ ông đứng, một người bán báo rong cất giọng vịt đực khàn khàn rao tên các báo buổi chiều. Bỗng thấy bóng nàng xuất hiện giữa đám người đang đi ra. Ông mừng rỡ tiến đến đón nàng:
- Olga Aleksandrovna…
Nàng ăn mặc rất đẹp và hợp mốt, dáng điệu thoải mái, khác hẳn với lúc ở nhà hàng. Nàng ngước cặp mắt huyền nhìn ông rồi chìa tay có móc chiếc ô ở khuỷu cho ông hôn, còn tay kia của nàng bận nâng chiếc váy dạ hội. Ông càng thấy vui hơn: “Nàng mặc áo dài dạ hội, có nghĩa là đã tính đến chuyện sau buổi xinê sẽ còn đi chơi nữa. ” – Ông nghĩ thầm như vậy khi vén mép găng để hôn vào cổ tay trắng muốt của nàng.
- Tội nghiệp, ông chờ em đã lâu chưa?
- Không, tôi cũng vừa mới đến thôi. Ta rảo chân lên một chút, tắcxi đang chờ.
Và với một nỗi hồi hộp mà đã từ lâu ông không hề cảm thấy, ông cùng nàng ngồi vào chiếc xe sực mùi da ẩm ướt. Đến chỗ rẽ, chiếc xe xóc nẩy lên, đèn đường chợt soi rõ lòng xe, – ông vô tình đưa tay đỡ lấy eo lưng nàng, cảm thấy mùi phấn thơm từ má nàng tỏa ra, nhìn rõ đôi đầu gối rắn chắc nổi lên qua lần váy, ánh mắt long lanh và cặp môi đầy đặn tô son đỏ của nàng: ngồi cạnh ông là một người đàn bà hoàn toàn khác hẳn.
Trong bóng tối của rạp, họ vừa nhìn lên màn ảnh trắng loang loáng có những chiếc phi cơ đang lao xuyên qua những đám mây và gào rú điên cuồng, vừa thì thầm trò chuyện:
- Cô ở một mình hay sống cùng bạn gái?
- Một mình thôi ông ạ. Thực ra thì cũng sợ lắm. Ôten thì nhỏ, sạch sẽ và ấm áp, ông cũng biết đấy, loại ôten mini mà người ta thường dẫn bạn vào ngủ qua đêm hoặc ở vài ba tiếng đồng hồ. Tầng sáu, dĩ nhiên là không có thang máy, tấm thảm đỏ trải cầu thang chỉ đến tầng bốn là hết… Đêm đến, trời mà mưa thì buồn vô cùng. Mở cửa ra – khắp nơi không một bóng người, y như một thành phố đã chết, chỉ có Chúa là mới biết được ở đâu đó dưới kia còn một ngọn đèn đường sáng trong mưa… Còn ông, chắc cũng độc thân và cũng sống ở ôten chứ?
Tôi có một căn hộ nho nhỏ ở phố Passi. Tôi cũng sống một mình. Thành dân Paris lâu rồi cô ạ. Có một thời gian tôi sống ở Provence, thuê một trang trại ở đó, định xa lánh loài người và sống bằng sức lao động của bản thân, nhưng rồi không kham nổi công việc cực nhọc ấy. Tôi thuê một người kozak để giúp việc, nhưng hóa ra hắn là một con sâu rượu, lúc say thì lầm lì dữ tợn. Tôi nuôi gà nuôi thỏ thì chúng toi sạch, có lần tôi còn suýt bị một con la xéo chết – thật là một con vật thông minh và hung dữ… Nhưng cái chính là tôi hoàn toàn cô đơn. Vợ tôi đã bỏ tôi từ hồi còn ở Constatinopol.
- Chắc là ông nói đùa?
- Chẳng đùa tí nào. Chuyện cũng thường tình thôi. Qui se marie par amour a bonnes nuits et mauvais jours.[10] Còn tôi thì cả thứ nọ lẫn thứ kia đều quá ít. Cô ta bỏ tôi vào năm thứ hai sau khi cưới.
- Bây giờ chị ấy ở đâu rồi?
- Tôi không biết…
Nàng im lặng hồi lâu. Trên màn ảnh có một người nào đó bắt chước vua hề Charlot, đi đôi giày rách to tướng và đang xoạc cẳng chạy một cách kì dị và ngớ ngẩn.
- Thế thì chắc ông cô đơn lắm… – nàng nói.
- Vâng. Nhưng biết làm thế nào được, đành phải chịu đựng thôi. Patience – médecine des pauvres.[11]
- Cái médecine ấy thật đáng buồn.
- Vâng, đúng là chẳng vui vẻ gì cho lắm. Trước đây tôi cũng có đôi lần đọc Hình ảnh nước Nga – ông nói và bật cười, – trong đó có mục thông báo về hôn nhân và tình yêu, đại loại như “Thiếu nữ Litva buồn chán và mong được trao đổi thư từ với một người Nga sống ở Paris, tính tình tế nhị, xin kèm theo ảnh…”; “Một bà đứng đắn, không môđéc nhưng dễ thương, góa chồng, có con trai lên chín, muốn nhận thư của một quý ngài không trẻ hơn bốn mươi tuổi, có nghề nghiệp chắc chắn như nghề lái xe hoặc nghề khác, không nhất thiết đòi hỏi phải thuộc tầng lớp trí thức…” Tôi rất cám cảnh cho bà này: không nhất thiết phải là trí thức nữa…
- Thế chẳng nhẽ ông không có bạn bè và người quen gì cả ư?
- Bạn bè thì không có. Còn quen biết thì ăn thua gì.
- Thế ai lo giúp việc nội trợ cho ông?
- Cũng có phải lo gì nhiều lắm đâu hở cô? Tôi tự pha lấy cà phê, bữa sáng cũng tự làm lấy. Gần tối thì có la femme de ménage[12] đến.
- Tội nghiệp! – Nàng nói và xiết chặt tay ông.
Và họ ngồi như thế rất lâu, tay cầm tay, kề bên nhau, bóng tối gắn bó họ, trong khi đó cả hai đều làm ra vẻ đang chăm chú nhìn lên màn ảnh, nơi có luồng ánh sáng trắng xanh từ bức tường sau lưng dọi nghiêng qua đầu họ chiếu vào. Người bắt chước hề Charlot đâm thẳng xe vào cột đèn, tóc dựng đứng lên vì hoảng sợ, làm cho chiếc mũ trụ văng ra khỏi đầu. Loa phóng thanh phát nhạc to hết cỡ, từ phía dưới – họ ngồi trên ban công – qua làn khói thuốc lá, từng loạt cười sảng khoái rộ lên hòa với những tràng vỗ tay. Ông cúi xuống bên nàng:
- Cô biết không, hay là ta đi đâu đấy, đến Montparnasse chẳng hạn, ở đây chán kinh khủng và ngạt thở quá chừng…
Nàng gật đầu và xỏ găng vào tay.
Họ lại ngồi vào chiếc xe bên trong tranh tối tranh sáng, nhìn cảnh vật bên ngoài qua làn kính lóng lánh những giọt mưa và như đang cháy lên bởi phản quang của ánh đèn đường muôn màu như sắc kim cương, bởi những tấm bảng quảng cáo đang nhấp nháy ở phía màn trời đen ngòm trên cao, lúc đỏ như màu máu, lúc nhấp nháy như thủy ngân. Ông lại vén mép chiếc găng và hôn rất lâu vào cổ tay nàng. Nàng cũng nhìn ông một cách khác lạ bằng cặp mắt huyền với hai nét mày đậm, sẫm như than và ngoảnh khuôn mặt với làn môi đầy đặn, ngọt ngào mùi son phấn về phía ông, vừa yêu thương, vừa lại buồn rầu.
Trong tiệm cà phê Coupole, thoạt đầu, họ gọi sò huyết và rượu anzu, sau đó đặt thêm chim đa đa và rượu bordeaux. Uống cà phê xong, cả hai đều đã hơi chuyếnh choáng. Họ hút rất nhiều, cái gạt tàn đầy ắp những mẩu thuốc lá in dấu son đỏ của nàng. Giữa chừng câu chuyện, ông ngắm khuôn mặt ửng hồng của nàng và nghĩ thầm rằng: nàng quả là một giai nhân.
- Ông nói thật đi, mấy năm vừa rồi chắc là cũng có những cuộc gặp gỡ, hẹn hò nào đó chứ?
- Quả là cũng có thật. Nhưng chắc cô cũng đoán được những loại hẹn hò ấy rồi. Một vài khách sạn ban đêm… Thế còn cô?
- Em cũng có một chuyện nặng nề lắm… Nhưng mà thôi, em không muốn nhắc lại chuyện đó nữa. Có một cậu bé, về thực chất chỉ là một gã ma cô… Thế ông và vợ chia tay nhau như thế nào?
- Nói ra thì xấu hổ lắm. Cũng là do một cậu bé, điển trai, người Hy Lạp, giàu có vô cùng. Thế rồi, chỉ vài tháng sau là chẳng còn bóng dáng cô bé đa sầu đa cảm, đã từng cầu nguyện cho Bạch quân, cho tất cả chúng ta. Cô ấy bắt đầu đi ăn với cậu bé kia trong những nhà hàng đắt tiền nhất Paris, nhận những lẵng hoa khổng lồ do cậu ta gửi tặng… “Em không thể nào hiểu được, chẳng nhẽ anh lại đi ghen với cậu ta hay sao? Đối với em, cậu ấy chỉ là một chú bé dễ thương, ngoài ra không có gì hết…” Chú bé dễ thương! Bản thân cô ấy cũng chỉ mới có hai mươi tuổi đầu. Thật khó quên cô ấy thuở trước, hồi chúng tôi còn ở Ekaterinodar…
Khi tính tiền, nàng chăm chú nhìn ông và bảo ông không được thưởng quá mười phần trăm cho bồi bàn. Sau đó, cả hai đều cảm thấy thật lạ lùng vì chỉ nửa giờ nữa thôi là họ đã phải chia tay nhau mỗi người một ngả.
- Đến chỗ tôi chơi nhé, – ông buồn bã nói. – Ta ngồi chơi, nói chuyện thêm lát nữa…
- Vâng, vâng, – nàng đáp và kéo tay ông đứng dậy, khoác tay ông và kéo ông sát lại gần mình.
Người lái tắcxi đêm, cũng là người Nga, đưa họ về tới con ngõ cô đơn, đến tận cửa một ngôi nhà cao tầng, cạnh đấy, dưới ánh sáng màu thép của một ngọn đèn thắp bằng khí ga, mưa đang lắc rắc rơi trên cái thùng đựng rác làm bằng sắt tây. Họ bước vào gian tiền sảnh sáng đèn, ôm nhau và lặng lẽ hôn. Vừa kịp tra chìa vào ổ khóa trước khi điện hành lang vụt tắt, ông mở cửa và dẫn nàng qua phòng ngoài vào gian bếp nhỏ, nơi trên ngọn đèn chùm chỉ có một bóng điện buồn rầu tỏa sáng. Mặt họ đã có vẻ mệt mỏi. Ông mời nàng uống thêm một chút rượu nho.
- Thôi, anh yêu quý ạ, – nàng nói. – Em không uống thêm nữa đâu.
Ông cố nài:
- Chỉ một ly thôi, vang trắng mà, tôi có một chai tuyệt lắm đang để ngoài cửa sổ.
- Anh cứ uống đi, anh thân yêu ạ, còn em thì sẽ đi thay áo và rửa ráy một chút. Và đi ngủ, đi ngủ thôi. Chúng ta chẳng còn trẻ trung gì nữa, và chắc anh đã hiểu rằng, nếu em đồng ý đến nhà anh thì có nghĩa là… Và nói chung, việc gì ta phải chia tay nhau cơ chứ?
Xúc động quá không nói nên lời, ông lặng yên dẫn nàng đi qua phòng ngủ vào buồng tắm và bật đèn cho nàng. Tại đấy, các bóng đèn tỏa sáng rực rỡ, hơi ấm từ lò sưởi lan khắp phòng, trong khi đó, bên ngoài, mưa vẫn loáng thoáng rơi đều. Nàng lập tức lột khỏi đầu chiếc váy dài dạ hội.
Ông ra ngoài, uống liền một lúc hai ly rượu vang chát và lạnh như băng, rồi không kìm được, lại quay vào. Trong phòng ngủ, tấm gương lớn ở bức tường đối diện phản chiếu buồng tắm rực rỡ ánh đèn. Nàng đứng quay lưng lại phía ông, hoàn toàn khỏa thân, trắng ngần, đang cúi người trên bồn rửa mặt lau ngực và cổ.
- Đừng vào đây! – Nàng nói và khoác chiếc áo choàng lên người, rồi không hề che khuôn ngực đầy như đúc, làn bụng trắng trẻo khỏe mạnh và cặp đùi ngà ngọc rắn chắc, nàng bước lại gần và ôm lấy ông, như một người vợ. Ông cũng ôm chặt nàng như ôm vợ và hôn nàng, hôn lên khắp tấm thân mát rượi, lên bầu ngực chưa khô nước còn thoang thoảng mùi xà phòng hương, lên đôi mắt và cặp môi mà nàng đã lau hết dấu son…
Hai ngày sau, nàng xin thôi việc và dọn đến ở hẳn với ông.
Một lần, vào mùa đông, ông thuyết phục nàng đứng tên thuê một két sắt ở ngân hàng tín dụng Lion rồi gửi vào đó tất cả vốn liếng mà ông có được.
- Cẩn thận chẳng bao giờ thừa, – ông nói, – L’amour fait dancer les anes[13]. Anh cảm thấy mình như mới hai mươi tuổi. Nhưng thiếu gì điều có thể xảy ra…
Ngày thứ ba sau lễ Phục Sinh, ông mất trong tàu điện ngầm, – đang ngồi đọc báo, ông bỗng đột ngột ngả đầu trên thành ghế và nhắm mắt…
Khi nàng mặc áo tang đen từ nghĩa trang trở về, khắp nơi là một ngày xuân đáng yêu, những đám mây mùa xuân đang trôi đâu đó trên nền trời Paris mềm mại, và tất cả những điều đó đều lên tiếng về một cuộc sống trẻ trung, vĩnh hằng, – và về cuộc đời nàng, từ nay đã hết rồi…
Về nhà, nàng bắt tay thu dọn căn phòng. Ngoài hành lang, trên mắc áo, nàng trông thấy chiếc áo khoác màu xám có lần lót đỏ mà ông đã mặc vào dạo mùa hè xa xưa ấy. Nàng lấy áo từ trên mắc xuống, áp vào mặt, ôm chặt nó vào lòng rồi đổ khuỵu xuống sàn, toàn thân rung lên trong những tiếng nức nở và nghẹn ngào cầu xin ai đó tha thứ.
(Nguồn: Văn học nước ngoài số 10 - 2011)
[1] Tiếng Pháp trong nguyên bản: “Bồi, cho nửa ly!” – ND.
[2] Tiếng Pháp trong nguyên bản: “Đồ dê già”.
[3] Một loại nước giải khát Nga – ND.
[4] Tiếng Pháp: “Không có gì khó bằng việc nhận biết một quả dưa hấu ngon và một người đàn bà đức hạnh”. – ND.
[5] Tiếng Pháp: “Xin chào ông.” – ND.
[6] Tiếng Pháp: “Nước lã làm hỏng rượu nho, khác nào xe ba gác làm hỏng đường đi và đàn bà hủy hoại tâm hồn.” – ND.
[7] Tiếng Pháp: “Trứng cá đỏ, rau nộm kiểu Nga… Hai suất chả nướng…” – ND.
[8] Tiếng Pháp: “Tôi phải cảm ơn cô thì mới đúng chứ.” – ND.
[9] Tiếng Pháp: “Chúa nhân từ thường ban phát quần đùi cho những kẻ chẳng có mông…” – ND.
[10] Tiếng Pháp: “Kẻ nào cưới vợ vì tình thì sẽ có những đêm tuyệt vời và những ngày tồi tệ.” – ND.
[11] Tiếng Pháp: “Nhẫn nhịn là phương thuốc của người nghèo.” – ND
[12] Tiếng Pháp: “Bà giúp việc.” – ND.
[13] Tiếng Pháp: “Tình yêu khiến cho những con lừa cũng phải nhảy múa” – ND.
VanVN.Net - Nhà thơ, nhà văn Nga Ivan Bunin sinh ngày 10(22?)-10-1870, tại tỉnh Voronezh, trong một gia đình quý tộc Nga lâu đời nhưng đã trở nên sa sút.
Tuổi thơ Bunin trôi qua ở làng quê vùng Trung Nga đất đen, 11 tuổi ông mới bắt đầu học trường huyện ở thị trấn Elets, 15 tuổi lại về học tại gia dưới sự chỉ dẫn của người anh ruột. Ông say mê tự học, đọc rất nhiều tác phẩm văn học kinh điển Nga và thế giới. Năm 17 tuổi ông bắt đầu có thơ in. Năm 21 tuổi Bunin đã xuất bản tập Thơ (1891), sau đó là các tập thơ Dưới bầu trời rộng mở (1898) và Lá rụng (1901), tiếp nối truyền thống thơ cổ điển Nga và được tặng giải thưởng văn học mang tên Pushkin.
Không chỉ viết thơ, Bunin còn là tác giả nhiều tác phẩm văn xuôi tuyệt vời như Những quả táo Antonov (1900), Làng quê (1910), Quý ngài từ San Fransisco (1915), Ngữ pháp tình yêu (1915), Hơi thở nhẹ (1916)…
Năm 1909, Bunin được bầu làm viện sĩ danh dự Viện hàn lâm khoa học Saint Petersburg.
Kể từ năm 1920, Ivan Bunin sống lưu vong ở Pháp. Sống xa nước Nga, ông bắt đầu viết những tác phẩm xuất sắc nhất của mình như Mối tình của Michia (1924), Say nắng (1925), và Cuộc đời Arsenev (1927-1929, 1933). Theo lời Konstantin Paustovski, Cuộc đời Arsenev không chỉ là đỉnh cao của nền văn học Nga, mà còn là “một trong những hiện tượng tuyệt vời của nền văn học thế giới”.
Năm 1933, Ivan Bunin được tặng giải Nobel văn học.
Khi nước Pháp bị Đức chiếm đóng, Bunin kiên quyết không hợp tác với bọn phátxít dù dưới bất cứ hình thức nào. Ông thường xuyên theo dõi tình hình chiến sự ở Liên Xô. Chính trong giai đoạn chiến tranh này, nhà văn Nga đã sáng tác tập truyện ngắn về tình yêu Những con đường rợp bóng hàng cây. Những câu chuyện tuyệt đẹp về tình yêu này được viết ra không phải trong thời kỳ tác giả còn là thanh niên, thậm chí không phải ở tuổi trưởng thành, mà khi ông đã ở bên kia dốc cuộc đời. Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đang diễn ra khốc liệt, nhà văn Nga khi đó ngoài thất thập khước từ mọi đề nghị của những kẻ phản bội nước Pháp, cũng là kẻ thù của nước Nga, sống ẩn dật thiếu thốn tại thị trấn nhỏ vùng Anpơ bị chiếm đóng để viết nên kiệt tác cuối đời. Tưởng chừng như tất cả đã qua đi, tuổi trẻ, quê hương, bè bạn, niềm vinh quang văn học (Bunin nhận giải Nobel 10 năm trước khi Những con đường rợp bóng hàng cây ra đời). Nhưng còn lại Tình Yêu, điều mà hóa ra không bao giờ mất, vĩnh viễn không bao giờ chết. Có lẽ chính bởi vậy mà tập truyện xuất bản lần đầu ở New York năm 1943, tira chỉ 600 bản lại có sức hấp dẫn đặc biệt đối với bạn đọc nhiều thế hệ. Giữa giai đoạn chiến tranh chết chóc ác liệt, tập truyện ngắn Bunin là quyển sách độc đáo về hoài niệm Tổ quốc và tuổi trẻ đã qua, về sự bất tử của tình yêu Nga, cho dù câu chuyện được mô tả diễn ra ở Paris, Viên, Tây Ban Nha, thậm chí ở Palestin xa lạ. Những con đường rợp bóng hàng cây gồm cả thảy 37 truyện, trong đó có những đoản văn có thể gọi là bài thơ bằng văn xuôi. Ông mất ngày 8-11-1953, tại Paris, thọ 83 tuổi.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc một số truyện ngắn trong tập Những con đường rợp bóng hàng cây của nhà văn.
Galia Ganskaya
Ông họa sĩ và người cựu lính thủy ngồi với nhau ở ngoài hiên của một tiệm cà phê Paris. Bấy giờ đang là tháng Tư, ông họa sĩ cứ trầm trồ thán phục: về mùa xuân, thành phố Paris sao mà tuyệt vời, còn phụ nữ Paris thì đẹp mê hồn trong những bộ trang phục mùa xuân của họ.
- Vào thời hoàng kim của tôi, cố nhiên là vào mùa xuân, Paris còn tuyệt diệu hơn thế này rất nhiều, - ông ta nói. - Mà không chỉ bởi hồi ấy tôi còn rất trẻ, ấy là do Paris cũng khác bây giờ. Anh cứ nghĩ mà xem: chưa hề có một chiếc xe hơi nào cả. Vả lại, hồi ấy Paris đâu có sống theo kiểu bây giờ!
- Còn tôi thì không hiểu sao lại cứ nhớ tới mùa xuân ở Odessa anh ạ. - người lính thủy lên tiếng. - Là dân Odessa chính gốc, hẳn anh biết hơn tôi về cái vẻ kiều diễm đặc biệt của thành phố ấy – đó là sự pha trộn giữa ánh sáng mặt trời đã bắt đầu nóng bức với mùi biển tươi mát hãy còn mang hương vị mùa đông, giữa cái chói chang của bầu trời và sự dịu êm của những đám mây xuân trên biển. Và trong những ngày xuân như thế, anh biết không, xiêm áo các bà các cô ở Deribasovskaya lộng lẫy biết chừng nào…
Người họa sĩ châm tẩu thuốc và cất tiếng gọi: “Garcon, un demi!”[1] – rồi sôi nổi quay về phía bạn:
- Xin lỗi, tôi ngắt lời anh một chút. Anh thử hình dung xem, lúc nãy, khi nói về Paris, tôi cũng nghĩ về Odessa đấy chứ. Anh hoàn toàn có lí, mùa xuân ở Odessa quả là một điều gì đấy rất lạ thường. Chỉ có điều là tôi thường cứ nhớ tới những mùa xuân ở Paris và Odessa một cách lẫn lộn thế nào ấy. Trong tôi, những mùa xuân ấy cứ xen kẽ với nhau. Anh biết đấy, hồi đó, khi xuân đến, tôi vẫn thường liên tục đi Paris như thế nào… Anh có nhớ Galia Ganskaya không? Anh đã gặp nàng ở một nơi nào đó và bảo tôi rằng chưa bao giờ được thấy một cô bé duyên dáng nhường ấy. Không nhớ à? Nhưng thôi, đằng nào mà chả thế. Nãy giờ, nhắc đến Paris thuở ấy, tôi vừa mới liên tưởng đến nàng và mùa xuân năm đó ở Odessa, khi lần đầu tiên nàng đến thăm tôi ở xưởng vẽ. Có lẽ, trong chúng ta, mỗi một người đều có một kỉ niệm đặc biệt quý giá về tình yêu, hoặc một chuyện tình tội lỗi nặng nề nào đó. Vậy thì, có lẽ chính Galia Ganskaya là hồi ức tuyệt đẹp nhất, mà cũng là tội lỗi nặng nề nhất của tôi, mặc dầu, có trời chứng giám, dù thế nào đi nữa thì cũng không phải là tôi cố ý. Bây giờ thì chuyện đó đã xa xưa lắm rồi, đến nỗi tôi có thể kể cho anh nghe một cách hoàn toàn cởi mở…
Tôi biết Galia từ khi nàng hãy còn niên thiếu. Nàng lớn lên thiếu mẹ, bên cạnh người cha bị mẹ nàng bỏ rơi từ lâu. Cha nàng là một người khá giả, nhưng xét về nghề nghiệp thì ông là một họa sĩ không mấy thành công, chỉ là một kẻ nghiệp dư, như người ta thường gọi, nhưng say mê đến nỗi ngoài hội họa ra, ông không quan tâm đến bất cứ một thứ nào khác, suốt đời chỉ làm mỗi một công việc duy nhất là đứng trước giá vẽ và chất đầy trong nhà những bức tranh mới có cũ có – ông có một điền trang ở Ostrada – ông mua tất cả những bức tranh ông thích và ở khắp những nơi có thể mua được. Đó là một người đàn ông rất điển trai, béo tốt và cao lớn, với bộ râu tuyệt đẹp màu đồng thau, nửa lai Ukraina, nửa lai Ba Lan, có dáng điệu một ông chủ lớn, kiêu hãnh và lịch thiệp tao nhã, tuy bên trong là một con người rất kín đáo, nhưng bề ngoài cố tỏ ra là một người cởi mở, nhất là với bọn trẻ chúng tôi. Có một dạo, trong khoảng hai năm liền, tất cả chúng tôi, những họa sĩ trẻ Odessa, đã thường kéo đàn kéo lũ đến nhà ông và lúc nào cũng được ông đón tiếp niềm nở. Và mặc dù có sự cách biệt lớn về tuổi tác, ông thường đối xử với chúng tôi bằng vai phải lứa như bè bạn, lúc nào cũng thao thao bất tuyệt về hội họa, mà thết đãi thì không chê vào đâu được. Hồi ấy, Galia mới mười ba mười bốn tuổi, và chúng tôi thán phục nàng, nhưng dĩ nhiên, chỉ là thán phục một cô bé con: với khuôn mặt nhỏ nhắn và những búp tóc vàng sẫm buông dọc theo hai má, nàng dễ thương, dữ dội, uyển chuyển và duyên dáng một cách hiếm thấy. Nhưng nàng làm duyên làm dáng dễ sợ, đến nỗi có lần, khi nàng vô cớ chạy vào xưởng vẽ, thì thầm vào tai ông bố một câu gì đó rồi lao vụt ra ngoài, cha nàng đã phải kêu lên với chúng tôi:
- Ôi, ôi, thật không biết là tôi đang nuôi giữ trong nhà một đứa con gái như thế nào nữa! Tôi lấy làm lo sợ cho nó quá!
Về sau, do tính thô bỉ của tuổi trẻ, không hẹn với nhau mà chúng tôi đều nhất loạt thôi không đến nhà ông nữa. Có một điều gì đấy khiến cho chúng tôi thấy chán Ostrada – có lẽ đó là những câu chuyện triền miên về nghệ thật và việc rốt cuộc ông lại khám phá thêm một bí quyết tuyệt diệu nữa về cách vẽ thế nào cho đúng. Cũng vào thời kì ấy, tôi đã sống hai mùa xuân ở Paris, tự cho mình là một Maupassant thứ hai trong lĩnh vực tình ái, và khi về Moskva thì ăn mặc đỏm dáng đến mức dung tục nhất: mũ trụ, áo bànhtô bằng vải hoa lấm chấm dài thượt đến đầu gối, găng tay màu kem, ủng ngắn cổ cài khuy bấm, một chiếc can lạ mắt, thêm vào đó là một bộ ria lượn sóng, cũng theo kiểu Maupassant, cùng với lối đối xử khốn nạn với phụ nữ bởi không có lấy một mảy may trách nhiệm. Và thế rồi có lần, vào một ngày tháng tư kì diệu, khi tôi đang từ phố Deribasovskaya rẽ qua Preobrazienskaya, khi tới góc phố, gần tiệm cà phê Lipman, thì bỗng gặp Galia đang đi tới. Anh có nhớ ngôi nhà năm tầng hình thước thợ, nơi có cái tiệm cà phê ấy không? Nó ở cái góc giữa phố Preobrazienskaya và quảng trường Soborskaya, vẫn nổi tiếng vì đến mùa xuân, trong những ngày nắng ấm, không hiểu sao thường có những đàn sáo đá tụ tập trên gờ mái nhà và véo von hót. Vui vẻ và đáng yêu biết chừng nào! Và thế rồi, anh thử hình dung xem, khắp phố phường đầy tràn những người ăn mặc lộng lẫy, vô tư và niềm nở, những con sáo đá ríu ra ríu rít liên hồi, hệt như một trận mưa ánh nắng nào đó. Và Galia. Nàng không còn là một đứa trẻ, không còn là một thiên thần bé bỏng, trong bộ trang phục mùa xuân màu xám nhạt mới tinh, nàng đã là một thiếu nữ mảnh mai xinh đẹp đến mức khiến cho người ta kinh ngạc. Khuôn mặt của nàng dưới chiếc mũ xám bị chiếc mạng màu tro che kín nửa chừng, đằng sau tấm mạng ấy, đôi mắt màu ngọc xanh nước biển của nàng ngời lên lấp lánh. Chà, dĩ nhiên là có đủ thứ reo mừng, hỏi han, trách móc: Sao tất cả các anh đều quên cha em, sao lâu lắm rồi anh không đến chơi nhà? Ái chà chà, tôi bảo, lâu đến nỗi cô đã thành người lớn. Lập tức, tôi mua của cô bé rách rưới một bó hoa tím để tặng nàng. Nàng lập tức mỉm cười cảm ơn và áp bó hoa vào má mình, hệt như những người đàn bà khác. – Cô có muốn ngồi nghỉ chân, cô có muốn uống sôcôla không? – Rất vui lòng. – Nàng nâng chiếc mạng lên để uống sôcôla, vui vẻ ngó nghiêng và liên mồm hỏi thăm về Paris, còn tôi thì mải mê ngắm nàng. – Cha em làm việc từ sáng tới chiều, còn anh thì thế nào, có vẽ nhiều không, hay chỉ mải mê với các cô nàng Paris thôi? – Không, tôi không còn say mê họ nữa, tôi cũng vẽ được mấy bức khá đạt. Cô có muốn rẽ vào thăm xưởng vẽ của tôi không? Ai chứ cô thì có thể vào được, vì cô là con gái của một ông họa sĩ, và chỗ tôi ở cũng chỉ cách đây một vài bước chân. – Nàng vô cùng mừng rỡ: – Tất nhiên là được chứ! Và hơn nữa, trừ xưởng vẽ của cha, chưa bao giờ em được vào studio của ai cả. – Nàng buông mạng, cầm ô, tôi dắt tay nàng cùng đi, nàng bị vấp vào chân tôi và bật cười. – Galia này – tôi nói, – tôi có thể gọi cô đơn giản là Galia được không? – Nàng đáp vội và nghiêm trang nói: – Anh thì có thể gọi như thế. – Galia, điều gì đã xảy ra với cô vậy? – Sao cơ? – Trước đây, bao giờ cô cũng xinh đẹp, nhưng bây giờ thì đơn giản là xinh đẹp đến kinh ngạc! – Nàng vấp phải chân tôi một lần nữa và nói với giọng nửa đùa nửa thật: – Thế này thì đã ăn thua gì! Anh vẫn nhớ cái cầu thang hẹp và tối dẫn lên cái chòi ở ngoài sân của tôi đấy chứ? – Tới chỗ đó nàng lặng hẳn đi, sột soạt chiếc váy lót bằng lụa và cứ ngoái đầu nhìn lại. Thậm chí, nàng bước vào phòng vẽ của tôi với một vẻ thành kính nào đó và cứ xuýt xoa: ở chỗ anh hay quá… bí ẩn quá… cái đivăng này to thế!... Anh vẽ được bao nhiêu là tranh, mà hết thảy đều về Paris… Rồi nàng đến trước từng bức tranh, khoan thai ngắm nghía chúng với một vẻ khâm phục kín đáo, thậm chí còn chú ý đến mức quá đáng. Ngắm chán chê xong, nàng thở dài: – Phải, anh vẽ được bao nhiêu là tác phẩm tuyệt vời! – Cô có muốn dùng một ly Port Wine với bánh bíchquy không? – Em cũng không biết nữa… – Tôi cầm chiếc ô của nàng ném lên đivăng, nâng bàn tay xỏ trong chiếc găng làm bằng da cừu non và nói: – Cho anh hôn nhé? – Nhưng em đang đi găng cơ mà… – Tôi tháo chiếc găng, đặt nụ hôn lên chỗ gần cổ tay nhỏ nhắn của nàng. Nàng buông mạng, thản nhiên nhìn bằng cặp mắt màu ngọc xanh nước biển và nói khẽ: – Thôi, đến lúc em phải về rồi. – Chưa đâu, tôi nói, trước hết phải ngồi với nhau một lúc đã chứ, tôi đã kịp ngắm cô một cách kĩ càng đâu. – Tôi ngồi xuống, bế nàng và đặt lên đầu gối của mình. Anh cũng biết cái sức nặng mê ly ấy của đàn bà, thậm chí cả những người nhẹ cân nhất? Nàng hỏi, giọng bí ẩn: – Anh có thích em không? – Tôi ngắm trọn cả người nàng, ngắm cả những bông hoa tím nàng cài trên túi chiếc gilê mới và thậm chí bật lên cười vì cảm động: – Thế còn cô – tôi nói –, cô có thích những bông hoa tím này không? – Em không hiểu ý anh. – Ở đây có cái gì mà không hiểu cơ chứ? Toàn bộ con người cô hệt như bông hoa tím này. – Nàng cúi đầu cười: – Ở trường trung học của bọn em, người ta gọi cách so sánh các cô gái với hoa là lối ví von của giới thư lại đấy. – Thì cứ cho là như vậy đi, nhưng bằng cách khác thì biết nói thế nào được? – Em cũng chẳng biết nữa… – Và nàng khẽ đung đưa đôi chân đỏm dáng của mình, làn môi thơ trẻ hé mở lấp lánh… Tôi vén chiếc mạng, nghiêng đầu hôn nàng, nàng hơi né người ra một chút. Tôi tiến thêm một bước, lần tay theo lớp tất lụa xanh nhạt, đến những cái móc, tận đoạn chun nịt tất, tháo nó ra và hôn lên phần da thịt hồng hồng ở phía trên đùi, rồi lại hôn vào cái miệng nhỏ hé mở, nàng cắn vào môi tôi rất khẽ…
Người thủy thủ lắc đầu cười:
- Vieux satyre[2].
- Đừng có nói vớ vẩn – ông họa sĩ đáp. – Nhớ lại chuyện này lòng tôi đau đớn lắm.
- Thôi được rồi, anh kể tiếp đi.
- Tiếp đó, một năm ròng tôi không gặp lại nàng. Một lần, cũng vào mùa xuân, rốt cuộc, tôi đến Ostrada và được ông Ganski đón tiếp với một nỗi vui mừng và cảm động làm tôi đỏ bừng cả mặt vì xấu hổ, vì chúng tôi đã bỏ rơi ông ấy một cách hèn hạ. Ông già đi rất nhiều, chòm râu đã óng bạc, nhưng những câu chuyện về hội họa thì vẫn sôi nổi như cũ. Ông kiêu hãnh khoe với tôi những sáng tác mới của mình – những con thiên nga khổng lồ màu vàng sải cánh trên những cồn cát màu nước biển – tội nghiệp, ông đã cố gắng để theo kịp thời đại. Tôi nói dối vong mạng: – Tuyệt lắm, tuyệt vô cùng, bác đã vượt lên trước được một khoảng cách rất lớn. – Ông cố kiềm chế nhưng mặt cứ sáng bừng lên, hệt như một đứa trẻ. – Chà, rất vui, tôi rất vui mừng, còn bây giờ thì ta đi ăn trưa nào! – Thế con gái bác đâu? – Nó đi ra phố rồi anh ạ. Anh không nhận được ra nó đâu. Không còn là một cô bé nữa, mà đã là một cô gái hẳn hoi rồi, nhưng cái chính là nó đã trở thành một người khác hẳn, hoàn toàn khác, giống như cây dương kia kìa! – Rủi quá, tôi nghĩ bụng, mình đến thăm ông lão cốt chỉ để gặp nàng, vậy mà nàng lại đi ra phố, cứ như là cố tình vậy! Ăn trưa xong, hôn vào chòm râu thơm tho và mềm mại của ông chủ, hứa là tuần sau lại đến thăm ông, tôi từ biệt ra về, đến giữa đường thì chợt gặp nàng. Nàng mừng rỡ dừng lại: – Anh đấy ư? Số phận nào run rủi? Anh vừa ở chỗ cha em về hay sao? Trời, em mừng quá đi mất! – Còn tôi thì lại còn mừng hơn. Tôi nói: – Cha cô bảo rằng bây giờ không thể nhận ra cô nữa, cô không còn là một cây phong non, mà đã là một cây phong thực thụ, và cụ nói chẳng sai tí nào! – Đúng thật: nàng dường như không còn là một tiểu thư, mà đã là một phụ nữ trẻ. Vừa mỉm cười nàng vừa xoay tròn chiếc ô để mở trên vai. Chiếc ô màu trắng, viền đăng ten, váy đầm và chiếc mũ rộng cũng viền đăng ten và cũng màu trắng, mái tóc nàng hung hung một gam màu lộng lẫy nhất lấp ló dưới vành mũ, trong đôi mắt thì không còn ánh ngây thơ ngày trước, riêng khuôn mặt thì có vẻ như hơi dài ra… – Vâng, thậm chí em còn cao hơn anh một chút nữa đấy. – Tôi chỉ còn biết lắc đầu đồng tình: – Đúng là như vậy thật… Ta cùng ra biển chơi đi, tôi nói. – Vâng, ta cùng đi nhé. – Hai chúng tôi cùng nhau đi tắt qua những khu vườn. Tôi thấy rằng nàng cũng cảm nhận được, mặc dù huyên thuyên không ngớt suốt dọc đường, nhưng tôi vẫn không tài nào rời mắt khỏi khuôn mặt của nàng. Nàng đi, đung đưa đôi vai cân đối, chiếc ô được gấp lại, tay trái nàng khẽ nâng chiếc váy viền đăng ten. Ra đến bờ vực: gió mát lồng lộng thổi. Những mảnh vườn vừa mọc lá xôn xao dưới ánh mặt trời, còn biển thì vẫn giống hệt như ở phương Bắc, buốt giá và xa tít tắp ở phía dưới. Chúng tôi đứng im lặng nhìn mặt biển và dường như cùng chờ đợi một điều gì đó. Nàng có lẽ cũng đang nghĩ như tôi – về chuyện năm ngoái nàng đã ngồi trên đầu gối tôi lâu như thế nào. Tôi ôm lấy eo nàng và kéo mạnh cả người nàng về phía mình, đến nỗi nàng uốn cong người lại. Tôi cố tìm đôi môi của nàng – nàng cố giẫy ra, lắc đầu, tránh né rồi bỗng đột ngột nhượng bộ, cho tôi hôn lên chúng. Và tất cả những cái đó diễn ra trong im lặng – cả tôi và nàng đều không thốt ra một lời nào. Rồi nàng vội giẫy ra, vừa sửa lại mũ áo, vừa nói một cách đơn giản và khẳng định:
- Ái chà chà, anh đểu thật. Đểu không chịu được.
Rồi nàng quay gót, nhanh nhẹn rảo bước trên lối đi nhỏ, không hề ngoái lại.
- Thế cái lần trong xưởng vẽ ấy, giữa anh và nàng có chuyện gì không?
- Quá giới hạn thì không. Hôn nhau thì nhiều kinh khủng, và cả những điều khác nữa, nhưng lúc ấy tôi cảm thấy thương nàng: mặt nàng đỏ rực như lửa, tóc tai tơi tả rối tung, và tôi nhận thấy nàng hoàn toàn mất tự chủ theo lối trẻ con – vừa khiếp sợ, lại vừa khao khát cái điều kinh hoàng ấy. Tôi phải giả vờ phật ý: ừ thì thôi, cô không muốn thì thôi vậy… Tôi âu yếm hôn tay nàng, rồi dần dần nàng bình tĩnh lại…
- Vậy anh làm thế nào mà suốt một năm trời sau dó không đến tìm nàng một lần nào nữa?
- Chỉ có quỷ mới hiểu được là bằng cách nào. Tôi sợ là đến lần thứ hai thì không còn có thể thương xót nàng được nữa.
- Vậy thì anh cũng chỉ là một anh chàng Maupassant loại xoàng mà thôi.
- Cũng có thể. Nhưng khoan đã, để tôi kể hết cho anh nghe. Tôi lại không gặp nàng khoảng độ nửa năm nữa. Mùa hè đã hết, mọi người từ các nhà nghỉ ở ngoại ô lục tục trở về – bằng vào sự yên tĩnh của những ngày nóng bức đơn điệu, bằng sự sáng sủa của không khí, bằng vẻ đẹp của sắc xanh phẳng lặng trên biển và màu vàng khô héo của những đồng ngô, mùa thu huy hoàng đó quả là một điều gì đấy rất đỗi thánh thiện. Tôi cũng từ nhà nghỉ trở về, có lần đi ngang tiệm Lipman – và anh có tưởng tượng nổi không, tôi lại gặp nàng đang đi tới. Nàng bước lại gặp tôi như không hề có chuyện gì xảy ra và cất tiếng cười giòn giã, cái miệng cong lên thật đáng yêu: “Lại gặp nhau ở Lipman, chỗ này cứ như là một địa điểm định mệnh ấy nhỉ!” – Nguyên cớ gì mà cô vui vẻ như vậy? Gặp cô tôi mừng kinh khủng, nhưng điều gì đã xảy ra với cô thế? – Em cũng chẳng biết nữa. Ở biển về, em cứ thích chạy nhông khắp phố, đến nỗi không hề thấy chân mình đang chạy nữa. Em rám nắng và cao hẳn lên, có đúng không?
Tôi nhìn nàng – quả đúng như thế, và cái chính là nàng vui vẻ làm sao và thoải mái làm sao trong câu chuyện, trong giọng cười, trong cách xưng hô và ứng xử, như thể vừa mới đi lấy chồng vậy.
- Anh còn rượu Port Wine và bánh bích quy nữa không?
- Còn.
- Em lại muốn đến xem xưởng vẽ của anh. Có được không?
- Thế thì đi. Và nhanh lên, nhanh lên!
Lên đến cầu thang, tôi ôm lấy nàng, nàng lại giẫy ra, lại lúc lắc đầu, nhưng chỉ chống cự cho có lệ. Tôi dẫn nàng vào xưởng vẽ, hôn vào khuôn mặt ngửa ra phía sau của nàng. Nàng thì thào với vẻ bí hiểm:
- Anh hãy nghe em, thế này thì thật là điên quá… Em bị điên mất rồi…
Thế nhưng nàng lại tự mình giật chiếc mũ rơm ném lên ghế bành. Mái tóc màu hung của nàng búi cao lên đỉnh đầu và cài bằng chiếc lược đồi mồi, làn tóc mai loăn xoăn trên trán, đôi mắt lấp lánh vui tươi… Tôi hối hả cởi bỏ quần áo của nàng, và nàng cũng vội vàng trợ giúp tôi. Chỉ trong nháy mắt tôi đã lột được chiếc áo sơ mi lụa trắng của nàng, và anh biết không, tôi choáng váng và tối tăm mặt mũi trước vẻ trắng hồng rám nắng của thân thể nàng trên đôi vai lấp lánh, trước làn da trắng như sữa nơi vồng ngực có đôi núm thắm đỏ được nâng cao bởi chiếc coocxê, và trước cảnh nàng lần lượt rút từng chiếc chân cân đối đi tất màu kem dệt hoa văn và đi giày vàng óng ra khỏi chiếc quần lót xa tanh rộng, có đường xẻ ở phía sau mà phụ nữ vẫn mặc vào thời kì ấy. Khi tôi như con thú dữ xô nàng ngã xuống chiếc gối ở đivăng, đôi mắt nàng đen thẫm lại và dường như mở to hơn, đôi môi nóng hổi hé ra – cho đến tận bây giờ tôi vẫn thấy trước mắt mình tất cả những điều đó – nàng nồng nàn đến vô chừng… Nhưng thôi, chúng ta sẽ không nhắc đến chuyện đó nữa. Và thế rồi điều ấy đã xảy ra, vào khoảng hai tuần sau, còn trước đó thì hầu như ngày nào nàng cũng đến thăm tôi ở xưởng vẽ. Có lần, vào buổi sáng, nàng bỗng đột ngột chạy đến chỗ tôi, vừa đến ngưỡng cửa đã lên tiếng:
- Thấy họ bảo anh sắp đi Italia phải không?
- Phải. Thế thì sao cơ?
- Sao anh không bảo em gì cả?
- Chúa tha tội cho em. Anh đang định đến đằng nhà chơi, nhân tiện nói với em luôn thể.
- Nói trước mặt cha em ư? Sao lại không nói riêng với em? Không, anh sẽ không đi đâu hết!
Tôi liền nổi nóng một cách ngu xuẩn:
- Không, tôi sẽ đi.
- Không được, anh sẽ không đi đâu cả!
- Tôi nói với cô là tôi sẽ đi đấy.
- Đó là quyết định cuối cùng của anh phải không?
- Quyết định cuối cùng đấy. Nhưng em phải hiểu là anh chỉ đi độ một tháng, nhiều lắm thì tháng rưỡi là cùng. Và nói chung thì Galia này, hãy nghe anh nói đã…
- Tôi không phải là Galia của anh… Bây giờ thì tôi đã hiểu anh rồi – hiểu tất cả, tất cả! Và cho dù ngay bây giờ anh có thề là sẽ không đi đâu và vĩnh viễn sẽ không đi đâu cả thì tôi cũng mặc kệ. Vấn đề đã không còn ở chỗ đó nữa!
Nàng mở toang cánh cửa, thẳng tay đóng sập nó lại và sầm sầm nện gót chạy xuống cầu thang. Tôi định đuổi theo nhưng rồi kìm lại: cứ để cho nàng trấn tĩnh, tối nay tôi sẽ đến Ostrada và nói để nàng đừng phiền lòng vì tôi sẽ không đi Italia nữa, và chúng tôi lại làm lành với nhau như cũ. Nhưng đến năm giờ, họa sĩ Sihani bỗng rẽ vào nhà tôi với đôi mắt điên dại:
- Này, anh đã biết gì chưa: – Con gái ông Ganski vừa uống thuốc độc tự tử! Chết tươi! Bằng một chất gì đó, có quỷ mà biết được, hiếm và mạnh lắm, cô ấy lấy trộm của cha, ông già ngu ngốc ấy vẫn thường khoe với chúng mình cả tủ thuốc độc, làm như ông ấy là Leonard Da Vinci không bằng. Cái bọn đàn ông đàn bà Ba Lan ấy là một lũ điên! Chuyện gì bỗng dưng xảy ra với cô ta như thế – không tài nào biết được nữa!
- Tôi định dùng súng tự tử, – ông họa sĩ lặng lẽ nhồi thuốc vào tẩu và nói khẽ, – suýt nữa thì tôi phát điên…
Con quạ
Cha tôi giống y như con quạ. Tôi phát hiện ra điều này từ khi hãy còn là một đứa trẻ: có lần, khi thấy trong tạp chí Neva một bức tranh, vẽ Napoléon mặc chiếc quần chẽn, đi đôi ủng ngắn, đứng trên một mỏm đá nào đó với chiếc bụng phệ màu trắng của mình, tôi chợt nhớ tới những bức hình minh hoạ trong Những cuộc phiêu lưu Bắc Cực của Bogdanov và vui sướng phá lên cười, – nhưng sau đó liền buồn bã nghĩ bụng: còn cha ta thì chẳng khác gì con quạ...
Ở tỉnh lỵ chúng tôi, cha tôi giữ một chức vụ rất nổi tiếng, và điều đó càng làm cho ông hỏng thêm, tôi cho rằng, thậm chí ngay cả trong giới quan chức của ông, khó có người nào mà tính khí lại nặng nề, thâm trầm và ác nghiệt một cách lạnh lùng trong những lời nói và những hành động chậm rãi của mình đến mức như vậy. Không cao lớn, đậm người, lưng hơi gù, tóc đen và cứng, khuôn mặt tối sầm, râu ria nhẵn nhụi, mũi to, ông hoàn toàn giống hệt một con quạ – nhất là trong những cuộc dạ hội từ thiện của bà tỉnh trưởng phu nhân, khi ông mặc chiếc áo đuôi tôm màu đen, đứng khom người và vững chãi bên cạnh chiếc kiốt mô phỏng ngôi nhà gỗ kiểu Nga, vươn cái đầu quạ to lớn của mình, gườm gườm đôi mắt lấp lánh như mắt quạ nhìn các đôi bạn nhảy, những người đến gần kiốt, hoặc cô tiểu thư có nụ cười mê hồn đang trao mấy chiếc ly dẹt đựng thứ sâm banh màu vàng rẻ tiền vào bàn tay nần nẫn đeo đầy kim cương của một bà cao lớn mặc áo gấm, đội mũ ruybăng, với chiếc mũi trát phấn trắng hồng dày đến nỗi trông như mũi giả. Cha tôi goá vợ đã lâu, con cái chỉ có hai – tôi và đứa em gái Lilia bé bỏng, – nên căn hộ nhà nước mênh mông với nhiều phòng rộng, sạch bóng như gương của chúng tôi cứ choáng lộn một cách lạnh lẽo và trống trải trên tầng hai của một trong những ngôi nhà công vụ, với hàng cột ngoảnh mặt ra con đường có những cây dương, nằm giữa đại giáo đường và phố chính. May thay, hơn một nửa thời gian trong năm tôi học trường trung học Katkovskoye và sống ở Moskva, chỉ về nhà trong tuần Lễ Thánh và dịp nghỉ hè. Vì thế, tôi không thể ngờ rằng năm nay đang có một điều hoàn toàn bất ngờ đợi mình ở nhà.
Mùa xuân năm ấy, tôi vừa tốt nghiệp trường trung học, và khi từ Moskva trở về nhà, đơn giản là tôi đã vô cùng sửng sốt: đúng là mặt trời đang lấp lánh trong căn hộ lặng im như chết của chúng tôi, – khắp các căn phòng đều sáng bừng lên bởi sự hiện hữu của một người con gái trẻ trung, nhanh nhẹn vừa mới đến làm bảo mẫu cho Lilia, đứa em gái tôi, năm nay lên tám tuổi, thay chân một bà già, cao lênh khênh và khô đét như bức tượng gỗ của một vị thánh nào đó thời trung cổ. Người con gái đáng thương ấy, con của một công chức nhỏ dưới quyền cha tôi, trong những ngày đó đang vô cùng sung sướng vì mới tốt nghiệp trung học xong mà đã kiếm được một chỗ làm tốt, và sau đó, nàng rất mừng trước sự trở về của tôi, bởi từ nay trong nhà đã có một người cùng tuổi. Nhưng trong những bữa ăn trịnh trọng của gia đình tôi, nàng mới nhút nhát làm sao, mới sợ sệt làm sao trước mặt cha tôi, nàng lo lắng theo dõi cô bé Lilia mắt đen từng phút một, nó cũng ít nói nhưng tính khí rất bất thường, không chỉ trong từng cử động, mà ngay cả trong chính sự lặng lẽ của mình, như thể đang chờ đợi điều gì, cứ ngọ ngoạy cái đầu nhỏ nhắn màu đen của nó với một vẻ thách thức nào đó! Trong những bữa ăn ấy, cha tôi thành một người khác hẳn: ông không hề ném những cái nhìn nặng nề về phía ông già Gury đeo găng trắng đang dọn các món ăn, mà thường nói một chuyện gì đấy, – tuy chậm rãi, nhưng đúng là có nói, – cố nhiên là chỉ với mỗi mình nàng, trịnh trọng gọi nàng bằng tên và phụ danh, – “Thưa cô Elena Nicolaievna lịch thiệp”, – thậm chí còn tìm cách pha trò và nhếch môi cười. Còn nàng thì lúng túng đến nỗi chỉ biết đáp lại bằng một nụ cười đáng thương, khuôn mặt thanh tú và dịu dàng đỏ bừng lên từng đám một – khuôn mặt của một thiếu nữ gầy gò tóc bạch kim, mặc chiếc sơ mi trắng mỏng, với những vết mồ hôi nóng bỏng trẻ trung ướt sẫm dưới nách, sau lần vải áo bộ ngực nho nhỏ lờ mờ thoáng hiện. Suốt cả bữa ăn, nàng không hề dám ngước mắt nhìn tôi: ở đây, đối với nàng, tôi còn đáng sợ hơn cả cha tôi là khác. Nhưng nàng càng cố thờ ơ với tôi thì những cái liếc xéo mà cha tôi ném về phía tôi lại càng băng giá hơn: không chỉ riêng ông, mà ngay cả tôi cũng hiểu và cảm thấy rằng, đằng sau sự cố gắng nhức nhối không để ý đến tôi, mà chỉ nghe cha tôi nói chuyện và trông chừng cô bé Lilia tuy ít nói nhưng hiếu động và hay cáu giận, đang ẩn giấu một nỗi lo sợ khác, – nỗi sợ hãi sung sướng trong niềm hạnh phúc chung của chúng tôi là được ở bên nhau. Buổi tối, thông thường cha tôi vừa uống trà vừa giải quyết những công việc của mình, người hầu vẫn mang chén trà lớn có những đường viền bằng vàng vào bàn làm việc cho ông: bây giờ ông uống trà với chúng tôi ở phòng ăn, và nàng ngồi cạnh chiếc ấm samôva rót trà – vào giờ ấy Lilia đã đi ngủ. Ông khoác chiếc áo vét rộng có lần lót đỏ từ trong thư phòng bước ra, ngồi xuống ghế bành và chìa chiếc chén của mình cho nàng. Nàng rót một chén trà đầy đến miệng đúng kiểu ông thích, trao cho ông bằng bàn tay run run, tiếp đến rót cho tôi, rót cho chính mình rồi cúi xuống khâu vá một cái gì đấy, còn cha tôi thì chậm rãi lên tiếng – cũng là một điều rất lạ:
- Thưa cô Elena Nicolaievna lịch lãm, những người tóc bạch kim chỉ nên bận đồ hoặc là màu đen, hoặc là màu đỏ rực... Khuôn mặt của cô có lẽ sẽ rất hợp với một chiếc váy dài bằng xa tanh đen, cổ đứng, viền răng cưa theo kiểu Maria Stuart, hoặc một chiếc áo dài kiểu cổ bằng nhung màu đỏ thắm, cổ khoét hơi trễ một chút, với chiếc thánh giá hồng ngọc. Một chiếc áo khoác bằng nhung Lion màu xanh sẫm và chiếc mũ bêrê Venise có lẽ cũng rất hợp với cô đấy... Tất cả những cái đó, dĩ nhiên, chỉ là mơ ước mà thôi, – ông nói và nhếch mép cười khẩy. – Ở chỗ chúng tôi, mỗi tháng cha cô chỉ được lĩnh bảy mươi lăm rúp, mà ngoài cô ra, ông ta còn năm đứa con lít nha lít nhít nữa, – có nghĩa là cho đến hết đời cô sẽ phải sống trong sự nghèo túng. Thế nhưng cứ mơ ước một chút thì đã sao? Mơ ước làm cho cuộc sống sôi nổi hơn, nó đem lại cho người ta sức mạnh và lòng hi vọng. Và sau nữa, chẳng phải là đôi khi cũng có những mơ ước được trở thành hiện thực đấy sao?... Dĩ nhiên là hiếm lắm, nhưng cũng có những trường hợp như thế... Thì mới đây thôi, có một anh đầu bếp ở ga Kurski vừa trúng xổ số hai trăm nghìn, – một tay đầu bếp bình thường thôi đấy!
Nàng cố làm bộ coi tất cả những điều ấy như là lời nói đùa đáng yêu, cố gắng bắt mình nhìn ông và mỉm cười, còn tôi thì tráo bộ bài “Napoleon” như thể không nghe thấy gì cả. Có lần, ông còn đi xa hơn, bất chợt hất hàm về phía tôi và nói:
- Ấy, anh chàng trẻ tuổi kia chắc là cũng đang mơ tưởng: Chà, ông bố đến một lúc nào đó sẽ chết đi, và anh ta sẽ có một kho vàng nhiều đến mức gà mổ cũng chẳng hết! Thế nhưng rồi gà nó cũng chẳng mổ đâu, vì có gì mà mổ cơ chứ. Tất nhiên, ông bố cũng có một vài thứ, – một điền trang nho nhỏ độ chừng một ngàn disatin đất đen thuộc tỉnh Samara – nhưng ông con chắc gì đã được thừa kế, ông con có yêu quý gì bố mình lắm đâu, và theo như tôi hiểu, ngữ ấy rồi sẽ thành một tay tiêu hoang vào bậc nhất...
Lần nói chuyện cuối cùng ấy xảy ra vào buổi tối trước ngày lễ Thánh Pie, – đó là điều mà đến nay tôi vẫn không thể nào quên được. Sáng hôm ấy cha tôi đến giáo đường, rồi từ đấy đi dự sinh nhật của ông tỉnh trưởng. Nếu không kể đến lý do đó thì từ trước tới nay cha tôi cũng không bao giờ điểm tâm ở nhà, nên hôm ấy chỉ có ba chúng tôi ăn sáng với nhau, và đến gần cuối bữa, khi người nhà dọn món kisel[3] anh đào thay vì món bánh rán phồng mà Lilia thích, nó liền gào lên lanh lảnh quát mắng Gury, đấm bàn, hất đĩa xuống đất, lắc đầu quầy quậy và khóc nức nở đến nghẹn cả giọng. Chật vật lắm chúng tôi mới đưa được nó về phòng – nó đấm đá và cắn vào tay chúng tôi – van nài nó nín khóc, hứa là sẽ phạt đầu bếp rất nặng, và cuối cùng nó im dần rồi ngủ thiếp đi. Thật tình tứ và âu yếm biết bao khi hai chúng tôi cùng nhau kéo đứa em gái đi ngủ, chưa nói đến chuyện tay chúng tôi còn chạm vào nhau! Ngoài sân trời mưa như trút, trong những căn phòng lờ mờ thỉnh thoảng lại loè lên ánh chớp và những tấm kính run lên mỗi khi có tiếng sấm vọng đến.
- Trận mưa đã tác động đến nó như vậy đấy, – khi chúng tôi ra khỏi phòng, nàng sung sướng thì thầm và chợt chững lại lo lắng:
- Ô, có đám cháy ở đâu ấy!
Chúng tôi chạy vào phòng ăn và mở toang cửa sổ – đội cứu hoả đang phóng trên con đường có hàng cây trước cửa nhà tôi. Trên những hàng dương, trận mưa rào rơi nhanh trong tiếng ầm ầm của những cỗ xe ngựa dài chở những người lính cứu hoả đội mũ đồng, với những chiếc thang và những vòi nước, trong tiếng chuông reo trên bờm những con ngựa kéo màu đen đang gõ móng lách cách phi nước đại kéo những cỗ xe ấy phóng nhanh trên con đường lát đá, trong điệu tù và báo đường dịu dàng và nhí nhảnh như quỷ sứ của người lính thổi kèn... Sau đó tiếng chuông nhà thờ đổ nhanh trên tháp chuông Ivan ở Lavyi... Chúng tôi đứng sát cạnh nhau bên ô cửa sổ thoảng mùi tươi mới của nước mưa và bụi đường ẩm ướt, như thể chỉ nghe và nhìn một cách chăm chú và hồi hộp mà thôi. Cuối cùng, khi chiếc xe ngựa chở chiếc thùng đựng nước màu đỏ to tướng lướt qua, tim tôi càng đập dữ dội hơn, trán giật lên thon thót – tôi cầm cánh tay buông thõng dọc bên sườn của nàng, nhìn vào má nàng với ánh mắt cầu xin, và nàng tái mặt, hé môi, phồng ngực lên thở mạnh và ngoảnh cặp mắt màu sáng ướt đẫm nước mắt và dường như cũng có vẻ van lơn về phía tôi, còn tôi thì ôm lấy vai nàng và lần đầu tiên trong đời được ngây ngất trong hơi mát dịu dàng của làn môi thiếu nữ... Kể từ hôm đó, không có ngày nào trôi qua mà không có những cuộc hẹn hò dường như là bất chợt của chúng tôi, khi thì ở phòng khách, khi thì ở gian lớn, khi ở ngoài hành lang, thậm chí cả trong thư phòng của cha tôi, vì ông chỉ về nhà khi trời gần tối, – những cuộc gặp mặt ngắn ngủi và những nụ hôn dài không bao giờ chán và đã trở nên không chịu nổi vì chẳng có cách nào giải thoát. Và cha tôi hình như cũng đánh hơi thấy một điều gì đó, tối đến không ra uống trà với chúng tôi, mà lại trở nên lặng lẽ và cau có. Nhưng chúng tôi không còn để ý đến ông, và trong các bữa ăn nàng cũng trở nên bình tĩnh và nghiêm nghị hơn.
Đến giữa tháng bảy Lilia bị ốm vì ăn quá nhiều dâu đất, nó bình phục rất chậm, suốt ngày nằm trong phòng riêng dùng bút chì màu vẽ những thành phố thần thoại nào đó trên những tờ giấy lớn gắn vào bảng gỗ, nàng buộc phải ngồi cạnh giường Lilia, thêu chiếc áo sơ mi Tiểu Nga cho bản thân mình, không thể đi đâu một bước vì Lilia liên tục vòi hết cái này đến cái khác. Còn tôi thì chết mòn chết mỏi trong ngôi nhà trống rỗng và vắng lặng, thường xuyên dằn vặt đau khổ, chỉ mong được gặp nàng, được hôn và ôm nàng sát vào lòng, và thường ngồi trong thư phòng của cha, cố gắng đọc một quyển nào đó rút hú hoạ từ trên tủ sách. Lần ấy, trời đã về chiều, tôi cũng đang ngồi như thế thì chợt nghe tiếng bước chân nhẹ nhàng và mau mắn của nàng bước tới. Tôi vội ném quyển sách và nhổm dậy:
- Sao, nó ngủ rồi à?
Nàng phẩy tay:
- Chao ôi, không đâu! Anh không biết đấy – nó có thể thức hai ngày đêm liền mà vẫn không sao, như tất cả những người điên khác! Nó đuổi em đi tìm mấy cái bút chì màu da cam và màu vàng của bố...
Rồi bật lên khóc, nàng bước lại gần và ngả đầu vào ngực tôi:
- Lạy Chúa, biết bao giờ mới hết cái cảnh này! Anh hãy bảo ông ấy là anh yêu em, dù sao đi nữa thì trên đời này cũng chẳng có điều gì có thể chia cắt chúng ta được!
Và nàng ngước khuôn mặt đẫm nước mắt lên ôm chầm lấy tôi trong một nụ hôn dài đến nghẹn cả thở. Tôi ép nàng sát vào mình và kéo lại gần chiếc đivăng – tôi đâu còn hiểu và nhớ được gì trong giây phút ấy? Nhưng ngoài ngưỡng cửa thư phòng đã nghe tiếng hắng giọng khe khẽ: tôi ngó qua vai nàng – cha tôi đang đứng đó nhìn chúng tôi. Rồi ông quay ra, gù gù cái lưng và bỏ đi nơi khác.
Bữa trưa, không ai trong chúng tôi ra phòng ăn cả. Đến tối, Gury gõ cửa phòng tôi: “Ông mời cậu đến nói chuyện”. Tôi vào thư phòng. Cha tôi ngồi trên ghế bành trước bàn giấy, cất tiếng bảo tôi mà không hề ngoảnh lại:
- Ngày mai, anh sẽ về làng quê của tôi ở Samara và ở đó cho đến hết mùa hè. Đến mùa thu, anh sẽ đi Moskva hay Peterburg tìm việc. Nếu anh dám trái lời, tôi sẽ vĩnh viễn cắt quyền thừa kế. Chưa hết, ngay ngày mai, tôi sẽ đề nghị ông tỉnh trưởng áp giải anh về làng. Bây giờ thì anh đi đi, và đừng bao giờ làm rác mắt tôi nữa. Tiền tàu xe và một ít tiền tiêu vặt thì đến sáng mai anh sẽ nhận qua một người khác. Đến mùa thu, tôi sẽ viết thư cho phòng quản lý của tôi ở quê bảo người ta cấp cho anh một ít tiền để anh tiêu pha ở kinh đô trong thời gian đầu. Đừng có mà hy vọng gặp nó trước khi lên đường. Thế thôi, anh bạn thân mến của tôi ạ. Đi đi.
Ngay đêm hôm ấy, tôi bỏ nhà đến làng của một người đồng môn trường trung học thuộc tỉnh Yaroslavl và ở đó cho đến mùa thu. Sau đó, nhờ sự che chở của bố anh ta, tôi vào làm ở Bộ Ngoại giao và viết thư cho cha tôi rằng chẳng những tôi không nhận quyền thừa kế mà còn từ chối bất kỳ mọi sự giúp đỡ khác. Đến mùa đông, tôi hay tin cha tôi đã thôi việc và cũng chuyển đến Peterburg – “cùng với người vợ trẻ xinh đẹp”, người ta nói với tôi như vậy. Và rồi một hôm, khi vào khán phòng của nhà hát Mariinski vài phút trước khi vở diễn bắt đầu, tôi chợt nhìn thấy cả ông ấy và cả nàng. Họ ngồi ở khoang lô gần sân khấu, ngay cạnh tấm barie, nơi bên trên có để chiếc ống nhòm bằng xà cừ nho nhỏ. Ông mặc lễ phục, lưng gù gù như con quạ, đang nheo một mắt chăm chú đọc bản chương trình. Với mái tóc bạch kim được búi cao, với dáng vẻ nhẹ nhàng cân đối, nàng sôi nổi đưa mắt nhìn quanh: khoang khán phòng phía dưới xôn xao khe khẽ đang kín dần dưới ánh sáng ấm áp của những ngọn đèn chùm lấp lánh, váy áo dạ hội, áo đuôi tôm và quân phục của những người đang vào các khoang lô. Trên cổ nàng, cây thánh giá bằng ngọc rubi ánh lên một đốm lửa mờ tối, đôi tay trần thon nhỏ của nàng bắt đầu tròn đẫy, vai trái chiếc áo nhung đỏ thắm cũng được cài bởi chiếc móc bằng ngọc rubi.
(18 tháng 5 năm 1944)
Tanhia
Nàng là hầu gái của một người bà con của anh – nữ tiểu chủ Kadacova. Nàng mới mười bảy tuổi, khi nàng đi chân đất, mềm mại rung rinh chiếc váy và hơi rướn bầu ngực bé nhỏ dưới lần áo cánh, hoặc khi nàng đi ủng dạ mùa đông, dễ nhận thấy dáng nàng thấp bé. Khuôn mặt nhỏ nhắn của nàng chỉ ở mức dễ coi, còn cặp mắt nông dân của nàng nếu có tuyệt vời thì cũng chỉ bởi vẻ trẻ trung của chúng mà thôi. Vào thuở xa xưa ấy, anh thường phung phí bản thân một cách vô tâm, sống lang bạt đây đó, có nhiều mối quan hệ tình ái và những cuộc gặp gỡ tình cờ – và anh cũng đã xếp mối quan hệ tình cảm giữa anh và nàng vào loại ấy.
***
Nàng nhanh chóng nhẫn nhục cam chịu điều bất hạnh lạ lùng xảy ra với nàng vào cái đêm mùa thu ấy, nàng khóc lóc mấy hôm ròng, nhưng rồi càng ngày nàng càng tin tưởng rằng chuyện ấy không hề là điều cay đắng, trái lại, đó là niềm hạnh phúc và mỗi một ngày anh lại càng trở nên dễ thương và quí giá hơn đối với nàng. Rồi trong những phút giây gần gũi mà chẳng bao lâu sau đã lặp lại thường xuyên hơn, nàng bắt đầu gọi anh là Pet’ruska và nhắc đến cái đêm hôm ấy như một quá khứ thiêng liêng chung của họ.
Thoạt đầu anh cứ nửa tin nửa ngờ:
- Có đúng lúc ấy em không giả vờ là đang ngủ không?
Nàng tròn xoe đôi mắt:
- Thế chả nhẽ cậu không cảm thấy là lúc đó em đang ngủ say, chả nhẽ cậu không biết là bọn con trai con gái mới lớn ngủ như thế nào à?
- Giá tôi biết là em đang ngủ thì có lẽ chẳng bao giờ tôi động đến em đâu.
- Chà, còn em thì không hề, không mảy may cảm thấy một cái gì cho đến tận giây phút cuối cùng. Chỉ có điều là, tại sao cậu lại đến với em như vậy? Cậu đến đây và có để ý gì đến em đâu, chỉ một lần vào buổi tối cậu hỏi: Cô mới vào làm ở đây à, hình như cô tên là Tanhia? Rồi mãi về sau cũng cứ như là dửng dưng với em vậy. Hoá ra cậu giả vờ phải không?
Anh trả lời rằng tất nhiên là anh giả vờ, nhưng thực ra anh đã nói dối, ngay cả đối với bản thân anh việc xảy ra cũng rất bất ngờ.
Đầu mùa thu, anh đi nghỉ ở Crưm và trên đường trở về Moskva, anh ghé vào thăm bà Kadacova rồi ở lại chơi hai tuần giữa không khí yên lành giản dị nơi trang trại, trong những ngày đầu tháng mười một ngắn ngủi, và đã sửa soạn lên đường. Ngày hôm ấy, để chia tay với làng quê, anh khoác súng trên vai, cưỡi ngựa, cùng chó săn rong ruổi khắp cánh đồng trống vắng và những khoảnh rừng con trụi lá suốt từ sáng đến chiều nhưng chẳng bắn được con gì. Vừa đói, vừa mệt, anh trở về trang trại và tối đó anh ăn hết một chảo thịt băm viên rán trộn váng sữa, uống cạn một bình vốtca nhỏ và mấy cốc nước chè, trong khi bà Kadacova ngồi kể chuyện ông chồng quá cố và hai đứa con trai của bà hiện đang tại ngũ ở Orion. Như thường lệ, khoảng mười giờ, nhà tắt đèn tối om, chỉ còn một ngọn nến leo lét trong phòng làm viêc cạnh phòng khách – mỗi lần về chơi anh thường ở trong phòng này. Khi anh bước vào phòng làm việc, nàng đang quì trên chiếc ghế bành, tay cầm ngọn nến huơ đi huơ lại trên bức tường gỗ súc. Trông thấy anh, nàng đặt vội cây nến lên chiếc bàn ngủ ở đầu giường, nhảy xuống sàn và vụt chạy.
- Cái gì thế? – Anh bối rối hỏi. – Khoan đã nào, cô làm gì ở đây thế?
- Em đốt rệp, – nàng vội vã thì thào đáp khẽ. – Em đang dọn phòng cho cậu thì thấy trên tường có con rệp...
Rồi nàng bật cười khanh khách và bỏ chạy ra ngoài.
Anh nhìn theo bóng nàng rồi tháo ủng nhưng không cởi quần áo và ngả mình trên chiếc chăn may chần, định bụng sẽ còn hút thuốc và nghĩ ngợi (anh không quen đi ngủ vào lúc mười giờ), nhưng rồi lập tức ngủ thiếp đi mất. Ngọn nến lay động làm anh bồn chồn thức giấc, anh mở mắt, thổi tắt nến và lại ngủ tiếp. Đến khi anh thức giấc lần thứ hai thì phía ngoài hai ô cửa sổ trông ra sân và ô cửa sổ bên hông nhìn ra vườn đã tràn ngập ánh sáng. Bấy giờ đang là một đêm thu có trăng, tuyệt vời một cách cô đơn và hoang vắng. Anh lần trong bóng tối, tìm thấy đôi giầy đặt cạnh chiếc ghế bành và định qua phòng ngoài thông với phòng làm việc để ra sân sau – chắc người hầu quên không chuẩn bị cho anh cái vật ban đêm phải dùng đến. Thế nhưng phòng này bị chốt cửa từ phía bên ngoài, vì vậy anh phải đi xuyên qua cả căn nhà đang được ánh trăng bí ẩn soi sáng để ra cửa chính. Thông với lối cửa chính này còn có mấy gian chái lớn, tường bằng gỗ súc. Ở tiền sảnh, đối diện với khung cửa sổ cao cao phía trên chiếc rương cũ kỹ là một tấm vách ngăn, đằng sau tấm vách ngăn này có một căn buồng không cửa sổ dành cho tôi tớ. Cánh cửa ở vách ngăn này chỉ khép hờ, phía trong phòng tối om. Anh bật diêm lên và thấy nàng đang ngủ. Nàng nằm ngửa trên chiếc giường gỗ, mình chỉ mặc áo lót và một chiếc váy ngắn bằng vải sợi bông, khuôn ngực nàng tròn trĩnh dưới làn áo lót, đôi chân trần hở đến tận đầu gối, cánh tay phải duỗi về phía trong tường và khuôn mặt trên gối của nàng nom như chết. Que diêm lụi dần rồi tắt hẳn. Anh đứng yên một lúc rồi thận trọng bước lại gần chiếc giường...
***
Từ trong gian chái tăm tối bước ra hiên, anh miên man nghĩ ngợi:
- Thật lạ lùng, thật không ngờ! Và chẳng lẽ cô ta ngủ thật ư?
Anh đứng trên bậc thềm một lúc rồi bước qua sân... Và không hiểu vì sao trời đêm cũng có vẻ khác thường. Trăng soi vằng vặc trên khoảng sân rộng và hoang vắng. Đối diện với dãy nhà kho mái phủ một lớp rạ cũ cứng queo như hoá đá có ngôi nhà để xe và chuồng ngựa. Bên trên mái của chúng, phía chân trời phương Bắc, những đám mây bí ẩn như những ngọn núi tuyết chết chóc đang lững lờ trôi. Trên cao, vầng trăng vời vợi rơm rớm như giọt lệ kim cương giữa những đám mây trắng nhẹ rồi lại chui ra không gian xanh thẫm để lọt vào giữa bầu trời đầy sao, và dường như nó lại càng chói lọi hơn nữa, soi sáng khoảng sân và những mái nhà. Vạn vật xung quanh hiện hữu một cách lạ lùng, tách biệt với thế giới loài người, lung linh một cách vu vơ, huyền ảo... Và lạ hơn nữa vì dường như đây là lần đầu tiên anh nhìn thấy trọn vẹn cái thế giới ban đêm mùa thu trong sáng này...
Anh ngồi xuống bệ chiếc xe ngựa bám đầy bùn đất đã khô. Trời ấm áp theo kiểu mùa thu, phảng phất mùi hương của vườn thu. Đêm trang trọng, thản nhiên, dễ chịu và không hiểu tại sao lại hoà hợp một cách lạ lùng với những tình cảm vừa mới nảy sinh trong lòng anh từ sự gắn bó bất ngờ với người đàn bà vẫn còn thơ trẻ ấy...
Nàng khe khẽ nức nở, hồi tỉnh lại và dường như đến tận lúc ấy mới hiểu chuyện vừa xảy ra. Nhưng cũng có thể không phải “dường như”, mà đúng là như vậy? Thân thể của nàng đã chiều theo anh như thể nó không còn sức sống. Thoạt đầu anh thì thào đánh thức nàng: “Này em, đừng sợ nhé... ” Nàng không nghe thấy, hoặc giả vờ như không nghe thấy gì. Anh thận trọng hôn vào gò má nóng hổi của nàng, nhưng nàng không hề có phản ứng gì đối với cái hôn ấy, và anh tưởng rằng như thế là nàng lẳng lặng đồng ý với tất cả những gì có thể diễn ra sau đó. Anh tách đôi chân dịu dàng, ấm nóng của nàng, nàng chỉ ngái ngủ thở mạnh, yếu ớt duỗi người và luồn tay xuống gáy...
- Thế giả sử cô ta không giả vờ thì sao? - Anh nghĩ thầm, rời bệ xe đứng dậy và bối rối nhìn đêm tối.
Khi nàng bật khóc một cách ngọt ngào và đau khổ, anh liền hôn vào cổ, vào ngực nàng đang thoang thoảng một thứ hương vị gì đó rất đồng quê và rất con gái, không những chỉ bởi lòng biết ơn thú vật đối với niềm hạnh phúc bất ngờ mà nàng đã cho anh một cách vô ý thức, mà còn bởi sự hân hoan và tình thương mến vừa mới nảy sinh. Và rồi đang nức nở, nàng bỗng vô tình đáp lại anh theo kiểu đàn bà – nàng ôm chặt lấy đầu anh và kéo vào mình như thể biết ơn. Anh là ai, nàng vẫn còn chưa biết trong cơn ngái ngủ, nhưng dù sao đi nữa đây cũng chính là người mà đến một thời điểm nào đó nàng phải gắn bó trong lần đầu tiên bằng sự gần gũi bí ẩn và tột cùng khoái lạc. Sự gần gũi từ cả hai phía đã xảy ra, và sẽ chẳng có điều gì trong thế gian này có thể xoá nhoà được nó, và vĩnh viễn từ nay anh mang chứa điều đó vào lòng, và giờ đây cái đêm lạ lùng này đón nhận anh vào vương quốc tươi sáng không thể nào hiểu nổi, cùng với nàng, cùng với sự gần gũi ấy...
Sao mà anh có thể bỏ đi rồi đôi lúc chỉ nhớ tới nàng một cách tình cờ, sao anh lại có thể quên lãng giọng nói đáng yêu chân thành giản dị, đôi mắt có lúc vui sướng, có lúc buồn rầu nhưng lúc nào cũng yêu thương và quên mình của nàng, sao anh lại có thể yêu được những người đàn bà khác, và đánh giá một số người trong bọn họ cao hơn cả nàng!
***
Ngày hôm sau, khi hầu hạ chủ, nàng không hề ngẩng mặt lên lần nào. Bà Kadacova hỏi:
- Mày làm sao thế hả Tanhia?
- Thưa bà, đời con thiếu gì điều buồn khổ...
Khi nàng vào khuất trong nhà, bà Kadacova bảo anh:
- Thật thế đấy: nó mồ côi, mẹ chết, bố thì nghèo xác nghèo xơ, đúng là một lão muzích vô tích sự...
Gần tối, khi nàng đặt ấm samova ở ngoài hiên, anh đi ngang qua và bảo nàng:
- Em chớ có nghĩ ngợi gì, tôi đã yêu em từ lâu rồi. Thôi đừng khóc lóc dằn vặt nữa, có ích gì đâu cơ chứ...
Nàng gạt nước mắt, bỏ những miếng dăm bào đỏ rực vào dưới ấm samova và đáp:
- Nếu đúng là cậu có yêu thật thì em cũng được nhẹ nhõm hơn.
Sau đó, thỉnh thoảng nàng lại ngước lên nhìn anh, như thể rụt rè hỏi bằng mắt: có thật là như vậy không?
Một lần vào buổi tối, khi nàng đang giải gường cho anh, anh lại gần và ôm lấy đôi vai của nàng. Nàng hoảng hốt nhìn anh rồi đỏ bừng mặt nói nhỏ:
- Xin cậu buông em ra, vì Chúa. Bà già mà vào đây là chết đấy.
- Bà già nào?
- Bà hầu buồng chứ còn ai nữa, cậu cứ làm như là không biết ấy!
- Tối nay tôi sẽ xuống chỗ em đấy...
Nàng giẫy nảy lên như phải bỏng – thời gian đầu nàng sợ bà già đến chết khiếp:
- Thôi đừng, em van cậu! Em sẽ sợ phát điên lên mất!
- Nói thế chứ đừng lo, tôi không xuống đâu, – anh vội vàng nói.
Bây giờ nàng đã lại phục dịch hầu hạ như cũ, ân cần và nhanh nhẹn, lại chạy vù qua sân vào bếp như trước, và thỉnh thoảng gặp lúc thuận lợi, nàng lén ném về phía anh những ánh mắt đã có vẻ ngượng ngùng và vui sướng. Và thế rồi vào một buổi sáng tinh mơ, khi anh còn đang ngủ, nàng được sai vào thành phố mua đồ. Lúc ăn trưa bà Kadakova nói:
- Không biết làm thế nào đây, xã trưởng và bọn người làm thì cô đã bảo đến cối xay bột mất rồi, chẳng còn ai mà sai đi đón Tanhia cả. Hay là cháu đi hộ nhé?
Cố giấu niềm vui sướng, anh trả lời với vẻ hờ hững vờ vịt:
- Vâng, cũng được thôi, cháu sẵn lòng đi dạo một lúc.
Bà hầu gái bưng các món ăn dọn ra nghe thấy thế liền càu nhàu:
- Thưa phu nhân, bà định bêu diếu con bé hay sao? Rồi khắp cái làng này người ta sẽ đồn đại về nó như thế nào?
- Thế thì mụ tự đi mà đón lấy nó nhé, – bà Kadacova bảo. – Để nó đi bộ từ ngoài ga về đây à?
Gần bốn giờ, anh đánh chiếc xe thắng con ngựa cái màu đen cao lớn ra đi, vì sợ trễ tầu nên vừa ra khỏi làng anh hối hả thúc ngựa nhảy chồm chồm trên con đường gồ ghề lúc đầu đóng băng, về sau trở nên ẩm ướt – mấy ngày hôm nay trời mù mây, ướt át, riêng ngày hôm ấy mây mù đặc biệt dày đặc. Khi anh còn đi trên đường làng thì trời dường như đã tối hẳn, trong các ngôi nhà gỗ đã thấy ánh lửa đỏ le lói và có vẻ man dại trong màn sương dày đặc. Ra tới cánh đồng thì trời tối mù mịt và không nhìn thấy gì nữa. Làn gió lạnh buốt và sương mù ẩm ướt quất thẳng vào mặt anh. Nhưng gió không xua nổi màn sương, ngược lại càng làm cho cái thứ khói lạnh lẽo màu lam sẫm tụ lại dầy đặc hơn, bóp nghẹt người ta bằng một thứ mùi hương ẩm ướt, tưởng chừng như đằng sau màn sương mù mờ mịt ấy chẳng còn gì mà đã là tận cùng của thế giới và vạn vật. Mũ lưỡi trai, áo choàng, lông mi và ria mép của anh bám đầy những hạt nước li ti ướt át. Con ngựa cái sải chân phóng nước đại, chiếc xe ngựa mỗi lần nhảy chồm lên những mô đất trơn chuội lại va vào ngực anh. Anh khéo léo châm được thuốc hút – mùi khói thuốc thơm thơm ngọt ngào và ấm áp hơi người quyện với mùi sương nguyên thuỷ, mùi thu muộn và mùi đồng hoang ẩm ướt. Vạn vật xung quanh, cả trên trời lẫn dưới đất đều đen ngòm và âm u, hầu như không trông rõ cái cổ dài ngoẵng đen đen và đôi tai dỏng lên đầy cảnh giác của con ngựa. Tất cả những cái đó càng làm tăng thêm cảm giác gần gũi với nó – sinh vật duy nhất trong cái sa mạc hoang vắng này, giữa sự thù hằn chết chóc của tất cả những gì đang bao vây đằng trước, đằng sau, bên phải, bên trái anh, sự thù hằn của một cái gì đó vô hình đang hung dữ ẩn náu trong màn sương đêm mỗi lúc một thêm dày đặc, đen tối và đang quất vào mặt anh vun vút...
Đến ngôi làng cạnh ga tầu, anh chợt thấy hân hoan trước cảnh nhà cửa với những ánh lửa yếu ớt trong những ô cửa sổ tồi tàn và và sự ấm cúng dịu dàng của chúng. Thế nhưng ở nhà ga, tất cả tưởng chừng như thuộc về một thế giới khác, sống động, sảng khoái và có vẻ thị thành. Anh chưa buộc ngựa xong thì con tầu với những ô cửa sổ lấp lánh ánh đèn đã xình xịch vào bến, phả ra mùi than đá khét lẹt như mùi lưu huỳnh. Anh chạy vào nhà ga với cảm giác hệt như đi đón người vợ trẻ, và lập tức thấy nàng ăn mặc như kiểu thành phố đang từ cánh cửa đối diện đi ra, theo sau là người gác ga xách hai bọc đồ mới sắm: nhà ga lầy lội bẩn thỉu, nồng nặc mùi dầu hoả từ những cây đèn đang lờ mờ toả sáng. Toàn bộ con người nàng rạng rỡ bởi cặp mắt háo hức, bởi sự trẻ trung của khuôn mặt đang xúc động sau chuyến du ngoạn khác thường; người gác ga gọi nàng là “bà” và đang nói với nàng một câu gì đó. Chợt ánh mắt của nàng bắt gặp ánh mắt của anh và thậm chí nàng đứng sững lại vì sửng sốt: cái gì thế, sao anh lại ở đây thế này?
- Tanhia, – anh vội lên tiếng – chào em, tôi đi đón em đây, nhà chẳng còn ai để sai đi nữa...
Đời nàng chưa bao giờ có buổi tối nào hạnh phúc hơn thế! Anh ấy thân chinh đi đón mình, còn mình thì vừa trên thành phố trở về, mình ăn diện và xinh đẹp đến mức anh ấy không thể ngờ tới, vì hàng ngày anh ấy chỉ thấy mình mặc chiếc váy cũ và tấm áo vải phin nghèo nàn. Trùm chiếc khăn lụa trắng này mặt mình giống hệt cô thợ may, mình mặc chiếc áo đầm mới màu nâu bằng len mềm mại, bên ngoài khoác chiếc áo gilê vải dạ, mình đi đôi tất sợi trắng và đôi bốt ngắn cổ có đóng cá bằng đồng. Lòng run lên vì sung sướng, nàng nói với anh bằng cái giọng mà người ta thường nói khi đến làm khách ở nhà người khác, nàng nâng gấu váy đi theo anh bằng những bước đi ngăn ngắn kiểu các bà mệnh phụ và ngạc nhiên một cách bao dung: “Trời ơi, sao mà ở đây lầy lội thế này, mấy người muzích giầy xéo ghê thật!” Toàn thân chết lặng vì một nỗi sợ hãi sung sướng, nàng kéo cao chiếc áo đầm lên trên chiếc váy hồ bột màu trắng để ngồi lên váy chứ không ngồi lên áo, rồi bước vào xe ngựa, ngồi xuống bên cạnh như ngang hàng với anh, vụng về lựa chỗ để chân giữa mấy gói hàng và ngả người trên ghế.
Anh lẳng lặng thúc ngựa dấn vào màn đêm đầy sương mù buốt giá, qua những ánh đèn thưa thớt thấp thoáng trong những ô cửa sổ thấp lè tè của những ngôi nhà gỗ, qua những ổ gà gập ghềnh trên con đường làng quê tháng Chạp khốn khổ, và nàng không dám thốt lên một lời nào vì e ngại sự im lặng của anh: nhỡ đâu anh đang cáu giận vì một lý do gì đó thì sao? Anh biết vậy nên cố tình im lặng. Rồi bất ngờ, khi đã ra khỏi làng và chìm hẳn vào màn đêm tối đen như mực, anh cho ngựa bước chậm lại, cầm cương bằng tay trái và dùng tay phải ôm chặt bờ vai khoác chiếc gilê phủ đầy những hạt sương lạnh buốt của nàng, vừa cười vừa thì thào:
- Tanhia, Tanhiechka...
Và thế là nàng nép cả người vào anh, áp chặt vào má anh chiếc khăn trùm bằng lụa, khuôn mặt mịn màng cháy bỏng và hai hàng mi tràn đầy nước mắt ấm nóng của mình. Anh dừng ngựa, tìm được đôi môi ướt đẫm nước mắt sung sướng của nàng và mãi không thể nào dứt ra được. Và sau đó, như người mù, chẳng nhìn thấy gì trong màn sương và đêm tối, anh xuống xe, ném chiếc áo choàng xuống đất và giật tay áo nàng kéo về phía mình. Hiểu ra ngay lập tức, nàng tức thì nhảy xuống, chăm chút vén cao bộ trang phục thiêng liêng của mình – chiếc áo đầm và chiếc váy mới, nhanh nhẹn nằm lên chiếc áo choàng và vĩnh viễn dâng hiến không chỉ tấm thân từ nay đã thành sở hữu của anh, mà còn dâng hiến cho anh trọn vẹn tất cả linh hồn của mình.
***
Anh lại hoãn chuyến đi.
Nàng biết là vì nàng mà anh ở lại, nàng thấy anh dịu dàng âu yếm và nói năng cư xử với nàng như với một người thân thưộc, một người bạn bí mật ở trong nhà nên không còn sợ sệt mỗi khi anh đến gần như thuở ban đầu. Anh trở nên điềm đạm và giản dị hơn trong những khi ân ái và nàng nhanh chóng thích ứng với anh. Nàng thay đổi với tốc độ mà chỉ tuổi trẻ mới có được và trở nên trầm tĩnh một cách vô tư, đã dễ dàng gọi anh là Pet’ruska và khi được anh hôn, thỉnh thoảng nàng còn làm ra vẻ như thể anh quấy quả nàng lắm: “Trời ơi, đến khổ với cậu! Hễ thấy em một mình là cứ xán ngay vào!” Điều đó đem đến cho nàng một niềm vui sướng đặc biệt – như thế là anh ấy yêu mình, như thế là anh ấy hoàn toàn là của mình, một khi mình dám nói với anh ấy như vậy! Và còn một niềm hạnh phúc nữa là bày tỏ cho anh thấy lòng ghen tuông và quyền hạn của mình đối với anh:
- Ơn Chúa, dạo này ngoài sân phơi chẳng có công việc gì, chứ không thì em sẽ cho cậu biết thế nào là mò đến với bọn con gái ở đấy. – Nàng nói.
Rồi nàng chợt trở nên ngượng nghịu, gượng cười một cách rất đáng thương và nói thêm:
- Hay là với cậu, một mình em vẫn còn quá ít?
Mùa đông năm nay đến sớm. Sau đợt sương mù lại đến những luồng gió bấc giá buốt làm cho mặt đất lạnh cứng hoá đá và đốt cháy những ngọn cỏ cuối cùng ở trong vườn. Những đám mây màu chì đùng đục kéo đến, khu vườn hoàn toàn trụi lá rì rầm lo lắng và hối hả như thể trốn chạy về một phương nào đó. Đêm đêm mặt trăng bệch bạc lặn hẳn vào những cuộn mây. Trang trại, thôn quê dường như trở nên nghèo nàn và thô kệch một cách vô vọng. Rồi tuyết lác đác rơi, rắc lên lớp bùn bẩn đóng băng một vầng trắng tinh như đường kính, cả khu trang trại và cánh đồng chuyển thành màu trắng đục và dường như có vẻ mênh mông hơn trước. Trong làng người ta đang hoàn thành công việc cuối cùng: chọn khoai tây, loại bỏ những củ sâu thối và đem cất dưới hầm để dành qua mùa đông. Có lần anh mặc chiếc áo lông cáo và đội mũ lông đi dạo trong làng. Gió bắc thổi tung ria mép và táp vào má anh bỏng rát. Bầu trời u ám bao trùm lên tất cả, cánh đồng trắng nhờ nhờ trải dài bên kia sông nom như thể gần hẳn lại. Trong làng, ngay trên mặt đất cạnh thềm nhà có những tấm giát chất đầy những bao khoai tây. Các bà già và các cô con gái ngồi trên những tấm giát ấy làm việc, đầu tùm hụp trong những tấm khăn san Penkov, mặc những chiếc áo bông rách rưới, chân đi những đôi ủng nát, mặt mũi và hai tay tím ngắt – anh hoảng sợ nghĩ rằng dưới những vạt váy kia đôi chân của họ hoàn toàn trần trụi!
Khi anh về đến nhà, nàng đang đứng ở phòng ngoài dùng giẻ quấn quanh chiếc ấm samôva sôi sùng sục để đem vào bàn ăn, thấy anh nàng lập tức nói nhỏ:
- Cậu vừa vào trong làng chứ gì, bọn con gái chọn khoai tây ở đấy mà... Cậu cứ đi mà chơi, rồi chọn lấy một cô đẹp hơn em cũng được!
Nói rồi nàng cố nén nước mắt chạy vụt ra thềm.
Đến chiều tối tuyết bỗng rơi dày đặc, nàng chạy vào phòng lớn, lướt qua chỗ anh đứng, liếc nhìn anh với niềm vui trẻ thơ không giấu nổi và nói nhỏ bằng giọng trêu đùa :
- Thế nào, bây giờ thì cậu hết đi chơi rồi nhé! Tuyết còn rơi nhiều lắm, mà rồi sẽ còn rơi mù mịt, không thò mũi ra khỏi nhà được đâu!
“Lạy Chúa, – anh nghĩ thầm, – làm sao có đủ gan để nói với cô ấy là ta sắp đi rồi?”
Và anh nóng lòng muốn đến Moskva càng nhanh càng tốt. Giá rét và bão tuyết trên quãng trường đối diện với nhà thờ Iverckaya, những cỗ xe song mã gắn lục lạc leng keng phóng trên phố Tverskaia, ánh điện cao cao trên những cột đèn trong tuyết xoáy... Những chùm đèn rực rỡ trong Nhà Hát Lớn, dàn huyền nhạc khí réo rắt trầm bổng, và kia, anh ném chiếc áo lông sũng tuyết vào tay người gác cửa, dùng mù soa lau hàng ria mép ướt đẫm, quen thân và sảng khoái đi trên tấm thảm đỏ bước vào gian phòng lớn ấm hơi người, râm ran tiếng trò chuyện, sực nức mùi các món ăn và mùi xìgà, những người hầu lăng xăng đi lại, và tất cả những cái đó đắm chìm trong làn sóng huyền nhạc khí, khi sầm sập sôi nổi, khi phóng đãng mơ hồ...
Suốt cả bữa ăn tối anh không dám ngước mắt lên nhìn nàng đang thoăn thoắt chạy đi chạy lại với vẻ mặt vô tư bình thản.
Khi đêm đã khuya, anh xỏ đôi ủng dạ, khoác chiếc áo lông cũ của ông Kadakov quá cố, chụp mũ lông lên đầu và mở cửa sau định ra ngoài thở khí trời và xem bão tuyết. Thế nhưng ngay dưới mái hiên tuyết đã dồn thành đống lớn, anh bị sụt cả người xuống đấy, hai ống tay áo cũng bị ngập trong tuyết, ngoài kia đúng là địa ngục với những cơn lốc trắng đang lao vun vút một cách điên cuồng. Chân dấn sâu trong tuyết, anh nặng nề đi vòng theo tường nhà tới lối cửa trước, dậm chân rũ tuyết và chạy ùa vào gian chái tối om đang réo ù ù vì bão rồi bước vào phòng ngoài, nơi đó trên mặt chiếc rương cũ có một ngọn nến đang cháy. Vẫn mặc chiếc váy hôm nọ, nàng đi chân đất, từ sau tấm vách nhảy bổ ra, vỗ hai tay vào nhau và kêu lên:
- Chúa ơi! Cậu đi đâu về thế này!
Anh ném áo lông và mũ lên chiếc rương cũ làm tuyết rắc đầy lên mặt nó và háo hức nắm tay nàng. Cũng háo hức không kém, nàng vùng khỏi tay anh, vớ cái chổi phủi tuyết trên đôi ủng dạ của anh và tháo chúng ra:
- Lạy Chúa, tuyết lọt đầy cả vào ủng rồi đây này! Cậu đến cảm lạnh mà chết mất!
***
Đêm ấy, trong giấc ngủ, đôi lúc anh nghe tiếng gió đơn điệu và dai dẳng đập vào tường nhà, thỉnh thoảng gió giận dữ lướt tới, ràn rạt ném tuyết lên cửa chớp, lay giật chúng, rồi lại lặng đi, xa dần, đều đều như ru ngủ. Đêm ngọt ngào và dường như vô tận bởi hơi ấm của chăn đệm, của ngôi nhà cổ kính, cô đơn giữa biển tuyết trắng xoá đang lồng lộn gào rú điên cuồng.
Sáng hôm sau, anh ngỡ là cơn gió đêm qua đang giật tung cửa chớp và đập chúng vào tường, nhưng khi anh mở mắt thì hoá ra không phải, trời đã sáng hẳn, khắp nơi tuyết phủ trắng xoá và ngập đến tận mép cửa sổ, hắt lên trần nhà một thứ phản quang trắng nhờ nhờ. Tất cả bên ngoài tuy vẫn còn gào rú quay cuồng nhưng tốc độ đã giảm hẳn. Một ngọn lửa uốn éo reo tí tách trong lò sưởi – thì ra trong lúc anh say sưa ngủ và không nghe thấy gì thì Tanhia, nàng Tanhiechka yêu thương và tận tuỵ của anh, chân đi ủng dạ, tuyết rắc dầy trên vai, trên mái đầu quấn chiếc khăn san Penkov, đã vào phòng quỳ gối nhóm lò. Anh chưa kịp nghĩ ngợi thì nàng đã đi vào, tay nâng chiếc khay đựng chén trà, đầu không quấn khăn nữa. Nàng thoáng mỉm cười, đặt khay lên chiếc bàn nhỏ đầu giường và nhìn đôi mắt mới ngủ dậy còn trong trẻo, hơi ngỡ ngàng của anh:
- Sao cậu dậy muộn thế ?
- Mấy giờ rồi?
Nàng nhìn chiếc đồng hồ trên bàn và mãi không trả lời được – đến tận lúc ấy nàng vẫn chưa học được cách xem đồng hồ:
- Mười giờ... Chín giờ kém mười...
Anh nhìn ra cửa và nắm váy kéo nàng lại gần mình. Nàng né người và gạt tay anh:
- Ấy chết, không được đâu, mọi người dậy cả rồi...
- Thôi mà, chỉ một phút thôi !
- Bà lão vào ngay bây giờ đấy...
- Không ai vào đâu, một phút thôi mà!
- Trời ơi, đến khổ với cậu!
Nàng vội vàng tháo từng chiếc ủng ra khỏi đôi chân đi tất len, nằm xuống và sợ sệt ngó ra cửa... Ôi, cái mùi nông dân toả ra từ mái tóc, từ hơi thở, từ đôi má lạnh buốt thơm thơm hương táo của nàng! Anh thì thào tức giận:
- Em lại mím chặt môi mà hôn rồi! Đến tận bao giờ tôi mới dạy được cho em chừa cái tính ấy!
- Nhưng em có phải là tiểu thư đâu... Đợi tí, em nằm thấp xuống nhé... Nào, nhanh lên, em sợ đến chết mất.
Và họ nhìn sâu vào mắt nhau, chăm chú và chờ đợi.
- Pet’ruska...
- Im nào. Trong những lúc như thế này em cứ lên tiếng làm gì!
- Cơ mà ngoài những khi như thế này em còn biết nói chuyện với cậu vào lúc nào nữa?... Từ nay em sẽ không mím môi nữa đâu ... Cậu thề là ở Moskva cậu không có ai cả chứ?
- Đừng có xiết cổ tôi như vậy.
- Chẳng có ai trên đời này yêu cậu đến thế đâu. Cậu yêu em, thành ra em thấy dường như em cũng tự phải lòng mình và vui hết nói... Chứ còn nếu cậu mà bỏ em thì ...
Mặt bừng đỏ, nàng chạy vụt từ hiên sau nhà ra ngoài giông bão, khuỵu xuống trong giây lát, rồi nhỏm dậy, lao ra giữa cơn lốc màu trắng để vòng ra cửa trước, chân ngập trong lớp tuyết đến tận đầu gối để trần. Ở phòng ngoài thoang thoảng mùi ấm samova đang sôi. Bà hầu gái già ngồi dưới ô cửa sổ đầy tuyết bám đang xì xụp uống nước trà đựng trong chiếc đĩa, bà liếc mắt nhìn nàng nhưng không ngửng đầu lên:
- Mày chạy đâu về thế hả? Tuyết bám đầy người rồi kia kìa.
- Cháu mang trà cho cậu Piôt Nhikalaich.
- Mày mang trà dọn cho cậu ấy trong phòng đầy tớ đấy phỏng? Tao còn lạ gì cái thứ trà của mày!
- Bà biết cũng chả sao, cứ biết cho khoẻ. Bà chủ đã dậy chưa?
- Bây giờ mới nhớ ra à? Còn sớm hơn cả mày kia!
- Sao bà hay cáu thế nhỉ!
Và thở phào sung sướng, nàng đi vào phía trong vách ngăn, lấy phần trà của mình và khe khẽ hát:
Em đi ra vườn
Ra vườn tươi xanh
Ra vườn tươi xanh dạo chơi
Đón người em yêu mến...
***
Buổi trưa, ngồi đọc sách trong phòng làm việc, lắng nghe tiếng gió có lúc dịu đi, có lúc tăng lên ra chiều đe doạ và lồng lộn quay cuồng xung quanh ngôi nhà càng ngày càng chìm sâu trong cơn lốc trắng như sữa, anh nghĩ bụng: Chờ bão ngớt ta sẽ lên đường.
Buổi chiều, anh lựa dịp bảo nàng đợi đến khuya, khi mọi người ngủ say thì đến chỗ anh và ở lại suốt cả đêm hôm ấy. Nàng lắc đầu, nghĩ một thoáng rồi bảo: được. Điều đó thật đáng sợ, nhưng cũng vì thế mà sẽ rất ngọt ngào.
Anh cũng có cảm tưởng như thế. Và anh cảm thấy thương nàng: nàng vẫn chưa biết rằng đó là đêm cuối cùng của họ!
Đêm đến anh cứ chập chờn, vừa thiếp lại choàng tỉnh dậy: không biết nàng có dám đến không? Nhà tối om, ngoài vườn ồn ào tiếng gió, những cánh cửa chớp run lên bần bật, đã thế lò sưởi lại còn rên rỉ... Bỗng anh hoảng hốt mở choàng mắt: anh không nghe thấy tiếng bước chân của nàng – làm sao mà có thể nghe được tiếng chân thận trọng một cách tội lỗi trong màn đêm dày đặc như thế – anh không hề nghe thấy nhưng cảm thấy nàng như một người vô hình đã đứng bên cạnh chiếc đivăng mà anh đang nằm. Anh chìa tay. Nàng âm thầm chui vào chăn với anh. Anh nghe thấy tim nàng đập dồn dập, cảm thấy đôi chân trần buốt lạnh của nàng và thầm thì thốt lên những lời nóng bỏng nhất mà anh có thể nghĩ ra và nói lên được. Họ nằm như thế rất lâu, ngực áp vào nhau và hôn nhau đến mức đau cả răng. Nàng nhớ là anh dặn nàng đừng ngậm miệng nên cố gắng chiều anh, cứ há to ra như con chim nhỏ.
- Em chưa ngủ tí nào ư?
- Không, em chả ngủ tẹo nào, cứ chờ suốt như thế...
Anh mò mẫm tìm bao diêm trên bàn và châm nến. Nàng sợ hãi kêu lên:
- Pet’ruska, cậu làm gì thế! Bà lão thức dậy ngay bây giờ, bà ấy nhìn thấy ánh đèn thì...
- Quỷ tha ma bắt bà ấy đi, – anh nhìn gương mặt đỏ ửng của nàng và nói. – Tôi muốn ngắm em...
Trong khi yêu nàng, anh không rời mắt khỏi gương mặt của nàng một giây nào. Nàng thầm thì:
- Em sợ. Sao cậu cứ nhìn em như thế?
- Vì trên đời này chẳng ai đẹp hơn em cả. Cái đầu nhỏ nhắn với hai đuôi sam quấn vòng quanh này y hệt như nàng Vệ Nữ...
Đôi mắt nàng long lanh một nụ cười hạnh phúc:
- Vệ Nữ là cô nào vậy?
- Có một cô như thế... Lại còn cái áo cánh này nữa...
- Thì cậu mua cho em cái khác... Đúng thật là cậu rất yêu em!
- Chẳng yêu một tí nào. Và người em lại thơm mùi chim cút hay mùi cây đại ma gì đấy...
- Sao cậu lại thích cái mùi đó như thế? Đấy, cậu vẫn bảo là em hay nói chuyện trong những lúc như thế này... thế mà... chính cậu lại nói...
Nàng bắt đầu ghì chặt anh vào lòng mình hơn và định nói một điều gì đó nhưng đã không thể nào nói nổi nữa...
Sau đó anh nằm im hút thuốc và nghĩ ngợi: dù sao đi nữa thì cũng phải nói với nàng, đó là một điều khủng khiếp, nhưng dù sao thì cũng phải nói! Và anh cất tiếng chỉ vừa đủ nghe:
- Tanhiechka...
- Gì cơ? – Nàng cũng hỏi lại với vẻ bí ẩn y như thế.
- Tôi sắp phải đi rồi em ạ...
Nàng thậm chí nhổm cả người dậy:
- Bao giờ?
- Cũng sắp rồi... Tôi có những công việc khẩn cấp cần giải quyết...
Nàng ngã vật xuống gối:
- Chúa ơi!
Những công việc khẩn cấp nào đó của anh ở một nơi nào đó gọi là Moskva gợi lên trong lòng nàng một điều gì đó như là lòng tôn kính. Nhưng tại sao lại phải chia với tay anh vì những công việc đó? Rồi nàng âm thầm hối hả và bất lực tìm lối để thoát ra khỏi cái điều kinh khủng không thể nào giải quyết ấy. Không có lối thoát nào cả. Chỉ muốn kêu to lên: Cho em đi với anh! Nhưng nàng không dám – làm gì có chuyện như thế?
- Tôi chẳng thể nào ở đây mãi được...
Nàng lắng nghe và đồng ý với anh: phải, phải...
- Tôi củng chẳng thể nào đưa em đi theo được...
Nàng chợt buột miệng thốt lên tuyệt vọng:
- Vì sao?
Anh thoáng nghĩ: Ừ nhỉ, tại sao, tại sao nào? Và anh vội trả lời:
- Tôi là kẻ vô gia cư, Tanhia ạ, suốt đời tôi lang thang hết nơi này đến nơi khác... Ở Moskva tôi sống trong buồng khách sạn... Và tôi chẳng bao giờ lấy vợ cả...
- Tại sao?
- Tại vì trời sinh tôi ra thành người như thế.
- Và cậu không bao giờ lấy vợ thật ư?
- Sẽ không bao giờ lấy ai cả! Và xin thề với em là quả thật tôi phải đi, có những công việc quan trọng và không thể trì hoãn được. Đến lễ Giáng Sinh dứt khoát là tôi sẽ về.
Nàng nép vào anh, nằm yên một lúc, mặc cho những giọt nước mắt nóng hổi thánh thót nhỏ xuống tay anh rồi nói nhỏ:
- Thôi, em đi đây... Trời sắp sáng rồi...
Và nàng nhỏm người dậy làm dấu ban phúc cho anh trong bóng tối:
- Cúi xin Thánh Nữ trên trời, cúi xin Đức Mẹ phù hộ cho cậu được bằng an!
Chạy về phòng mình sau tấm vách, nàng lên giường, chắp tay trước ngực, liếm dòng nước mắt chảy tràn trên môi và rì rầm cầu nguyện trong tiếng gió ù ù từ ngoài hiên lọt vào:
- Lạy Đức Chúa Cha! Lạy Đức Mẹ trên trời! Xin thương tình bão thêm một vài ngày nữa rồi hãy ngớt !
***
Hai ngày sau anh ra đi – một vài cơn gió xoáy vẫn còn rú rít ngoài sân nhưng anh không thể nào kéo dài hơn nữa nỗi khổ tâm của nàng và của bản thân mình nên anh không nghe theo lời bà Kadacova nài nỉ anh chờ đến mai hãy lên đường.
Và cả ngôi nhà, cả khu vườn trống vắng hẳn đi, như đã chết. Rồi chẳng thể nào tưởng tượng nổi thành phố Moskva có anh đang ở đấy, chẳng thể nào tưởng tượng nổi cuộc sống và những công việc nào đó của anh...
***
Đến lễ Giáng Sinh không thấy anh trở về. Đó là những ngày thật khủng khiếp. Thời gian trôi đi từ sáng đến chiều trong sự đợi chờ vô vọng, trong sự vờ vịt đáng thương ngay với chính bản thân mình, rằng mình chẳng đợi chờ ai cả! Suốt mấy ngày lễ thánh nàng mặc bộ váy áo đẹp nhất – chiếc áo đầm và đôi bốt ngắn cổ mà nàng đã mặc hồi mùa thu, vào buổi tối mà anh ra ga đón nàng, cái buổi tối không bao giờ quên được ấy.
Đến lễ Thánh Ba Ngôi không hiểu sao nàng lại tin như đinh đóng cột rằng từ sau những ngọn đồi kia sẽ xuất hiện một chiếc xe trượt tuyết của nông dân mà anh thuê từ ngoài ga tàu hoả vì anh không gửi thư báo để người ta cho xe ra đón, suốt ngày nàng không rời khỏi chiếc rương ở phòng ngoài, cứ đăm đăm nhìn ra sân đến mỏi cả mắt. Nhà vắng tanh vắng ngắt – bà Kadacova đi chơi nhà hàng xóm, bà hầu gái già ăn trưa dưới phòng đầy tớ rồi ở đấy ngồi lê đôi mách với mụ bếp. Thậm chí nàng chẳng xuống ăn trưa, viện cớ là đau bụng...
Và rồi trời tối. Nàng nhìn chiếc sân đóng băng lấp loáng vắng lặng một lần nữa, đứng dậy và tự nhủ mình một cách cứng cỏi rằng: thôi đủ rồi, ta chẳng cần ai và chẳng muốn đợi chờ gì nữa! Rồi nàng thủng thẳng đi sang phòng ngoài, phòng khách trong ánh hoàng hôn mùa đông vàng vọt tuôn qua những ô cửa kính và cất giọng vô tư hát vang với sự nhẹ nhõm của một cuộc đời đã hết:
Em đi ra vườn
Ra vườn tươi xanh
Ra vườn tươi xanh dạo chơi
Đón người em yêu mến...
Hát đến câu “Đón người em yêu mến” và vào đến phòng làm việc, nhìn thấy chiếc đivăng bỏ không của anh, chiếc ghế bành bỏ không mà mới hôm nào đây anh còn ngồi đọc sách, nàng gieo mình xuống ghế, gục mặt lên bàn vừa nức nở vừa kêu lên thành tiếng: “Lạy Đức Mẹ trên trời, xin hãy cho con được chết ngay lập tức!”
***
Anh về vào dịp tháng Hai – khi nàng đã chôn vùi mọi hi vọng được gặp anh dù chỉ một lần nữa trong đời.
Và tưởng chừng như mọi chuyện trước đây lại tiếp tục như cũ.
Anh sững cả người khi gặp lại nàng – nàng gầy đi nhiều quá, cả người nàng héo hon, đôi mắt thì buồn rầu và nom thật nhút nhát! Trong giây phút đầu tiên nàng cũng sửng sốt không kém – nàng cảm thấy hình như anh cũng thay đổi, già đi, xa lạ và thậm chí có vẻ đáng ghét – bộ ria của anh rậm hơn, giọng thô hơn, khi cởi áo ở phòng ngoài anh cười nói quá to và không tự nhiên, nên nàng thấy ngại ngùng không dám nhìn vào mắt anh... Nhưng cả hai đều có gắng giấu nhau điều đó và chẳng bao lâu sau mọi việc dường như lại diễn ra như trước.
Rồi sau đó cái ngày khủng khiếp – ngày mà anh một lần nữa lại phải lên đường – đã tới gần. Anh thề với nàng trước hình thánh rằng đến kỳ Lễ Thánh anh sẽ về và lần này sẽ ở lại suốt cả mùa hè. Nàng tin lời, nhưng nghĩ bụng: “Đến hè rồi sẽ ra sao? Lại y như bây giờ à?” Với nàng, giờ đây như thế đã là quá ít – hoặc là mọi cái hoàn toàn y như lần trước chứ không phải chỉ là sự lặp lại, hoặc là được sống gắn bó với anh, không bao giờ phải chia tay nhau, không có những điều đau khổ mới, không phải bẽ bàng trong đợi chờ vô vọng. Nhưng nàng cố gắng xua đưổi ý nghĩ đó ra khỏi đầu, cố gắng hình dung ra niềm hạnh phúc trong mùa hè tới – biết bao điều tự do đang chờ đợi họ khi ấy – ban ngày và ban đêm trong vườn, ngoài đồng và ở sân phơi, và anh sẽ ở lâu, rất lâu bên cạnh nàng...
***
Trước hôm anh ra đi lần thứ hai, đêm đã chớm xuân, sáng sủa và lộng gió. Khu vườn bên ngoài ngôi nhà xôn xao sôi động, văng vẳng lọt vào tiếng chó sủa giận dữ và bất lực trên chiếc hầm nhốt con cáo mà người gác rừng của bà Kadacova bẫy được và đem đến cho chủ. Anh nhắm mắt nằm ngửa trên chiếc đivăng. Nàng nằm bên cạnh, bàn tay luồn dưới mái đầu buồn bã. Cả hai cùng im lặng. Cuối cùng nàng thì thào khe khẽ:
- Pet’ruska, cậu ngủ đấy à?
Anh mở mắt nhìn bóng tối lờ mờ trong phòng, phía bên trái đã thấy ánh bình minh từ cửa sổ lọt vào.
- Không. Thì sao hả em?
- Thì bây giờ cậu chẳng còn yêu em nữa, nên cậu mới làm em đau khổ một cách vô ích thế này, – nàng điềm nhiên nói.
- Sao lại vô ích? Em đừng nói năng vớ vẩn như vậy.
- Cậu sẽ bị tội đấy. Em biết chui vào đâu bây giờ?
- Việc gì em lại phải chui vào đâu cơ chứ?
- Thì cậu lại về thành phố Moskva của cậu, một mình em ở lại đây, em biết làm gì bây giờ?
- Thì em cứ làm những việc như từ trước tới giờ. Hơn nữa, tôi đã nói chắc chắn là đến Lễ Thánh thì tôi sẽ về suốt cả mùa hè cơ mà.
- Vâng, có thể là cậu sẽ về... Chỉ có điều trước đây chẳng bao giờ cậu nói với em những câu đại loại như : “Việc gì em phải chui vào đâu cơ chứ!” Trước đây cậu có yêu em thật, cậu vẫn bảo rằng chưa gặp ai xinh xắn hơn em. Mới lại em đâu có được như thế?
Phải, đúng thế thật, anh nghĩ thầm. Nàng đã thay đổi quá nhiều, về đủ mọi phương diện...
- Cái thời của em thế là đã qua rồi, – nàng nói. – Trước đây, mỗi lần chạy đến với cậu em cứ sợ hết cả hồn và mừng thầm: May quá, bà già đã ngủ. Còn bây giờ thì em chẳng còn sợ bà ấy nữa...
Anh nhún vai:
- Tôi không thể nào hiểu nổi em nữa. Nào, em lấy hộ tôi bao thuốc lá, ở trên bàn kia kìa.
Nàng đưa bao thuốc cho anh. Anh châm thuốc hút rồi nói:
- Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra với em. Đơn giản là em bị ốm rồi...
- Thì ra là như thế, cho nên bây giờ em không còn được lòng cậu nữa chứ gì. Em bị mắc bệnh gì vậy nhỉ?
- Em không hiểu tôi rồi. Tôi muốn nói là em bị ốm về mặt tinh thần. Bởi vì em cứ nghĩ mà xem, có chuyện gì xảy ra đâu, tại sao em lại nghĩ là tôi không còn yêu em nữa? Và tại sao lúc nào em cũng cứ nhắc đi nhắc lại mãi: trước đây, trước đây...
Nàng không trả lời. Ánh sáng từ ngoài khu vườn ồn ào lọt qua cửa sổ, văng vẳng tiếng chó sủa giận dữ, rền rĩ và tuyệt vọng ...
Nàng nhẹ nhàng rời chiếc đivăng bước xuống đất, đưa cánh tay áo áp chặt lên mắt, lúc lắc mái đầu và mềm mại bước đôi chân đi tất len về phía cửa phòng khách. Anh gọi nàng, giọng nhỏ nhưng nghiêm khắc:
- Tanhia.
Nàng quay lưng lại, đáp khẽ:
- Cậu bảo gì cơ?
- Em lại đây với tôi.
- Để làm gì?
- Tôi bảo, cứ lại đây.
Nàng ngoan ngoãn bước lại gần, đầu cúi xưống để anh đừng trông thấy mặt nàng đầy nước mắt:
- Nào, cậu bảo gì em?
- Ngồi xuống đây và đừng khóc. Hôn anh đi, – nào!
Anh ngồi xuống, nàng cũng ngồi bên cạnh, ôm lấy anh và khẽ nức nở. “Lạy Chúa, con biết làm thế nào bây giờ? – Anh nghĩ thầm tuyệt vọng. – Lại những giọt nước mắt trẻ thơ trên gương mặt nóng ấm và thơ trẻ này... Cô ấy thậm chí cũng không thể ngờ được mình yêu cô ấy mãnh liệt như thế nào! Nhưng mình có thể làm gì được? Đem cô ấy đi theo ư? Đi đâu? Để sống một cuộc đời như thế nào? Rồi sẽ ra sao? Ràng buộc để rồi vĩnh viễn làm hỏng đời mình ư?” Và anh vội vã thì thầm, cảm thấy nước mắt của mình rơi nhồn nhột trên môi và sống mũi:
- Tanhiechka, niềm vui sướng của anh, đừng khóc nữa, nghe anh nói: Đến mùa xuân anh sẽ về và sẽ ở suốt cả mùa hè, đến lúc ấy chúng mình sẽ “ra vườn tươi xanh” – anh đã nghe bài hát của em và suốt đời chẳng bao giờ anh quên được nó – rồi chúng mình sẽ đi xe ngựa vào rừng – em còn nhớ mình đi xe ngựa với nhau từ ngoài ga tàu hoả trở về không?
- Chẳng ai cho em đi với anh đâu, – nàng cay đắng thì thào lắc đầu, dụi mái tóc vào ngực anh, lần đầu tiên không gọi anh là “cậu” nữa. – Và anh cũng chẳng đi với em đâu...
Nhưng anh đã nghe thấy trong giọng nàng một nỗi vui mừng, một niềm hy vọng dè dặt.
- Anh sẽ đi, anh sẽ đi chứ, Tanhiechka! Và em không được gọi anh là “cậu” nữa! Và em không được khóc lóc nữa...
Anh luồn tay dưới đôi chân đi tất len nhấc bổng nàng lên và đặt nàng ngồi trên đầu gối mình – người nàng nhẹ vô cùng:
- Nào, em nói đi: Pet’ruska, em rất yêu anh!
Nàng thẫn thờ nhắc lại qua làn nước mắt:
- Em yêu anh vô cùng...
Chuyện xảy ra vào cái năm mười bẩy khủng khiếp, khi anh về làng quê lần chót trong đời.
22 tháng 10 năm 1940
Ở Paris
Khi ông đội mũ – lúc đi ngoài phố hay khi đứng trong tàu điện ngầm – khi mái tóc hung đỏ cắt ngắn lởm chởm, lốm đốm bạc của ông không lộ ra ngoài, qua vẻ tươi tắn của khuôn mặt gầy cạo nhẵn, qua dáng đi ngay ngắn và vóc người dong dỏng trong chiếc áo bànhtô dài bằng vải không thấm nước, người ta cứ ngỡ ông chưa quá bốn mươi. Thế nhưng đôi mắt ông lại chứa đựng một nỗi buồn khô khan, và ông thường chuyện trò, cư xử như một người đã nếm trải nhiều điều cay đắng trong đời.
Có thời, ông đã thuê một trang trại ở Provence và nghe nhàm tai vô số chuyện tiếu lâm của vùng này, nên đôi khi, trong những câu chuyện thường là ngắn gọn của mình, ông thích chêm vào đôi mẩu chuyện đùa Provence với giọng mai mỉa. Nhiều người biết chuyện ông bị vợ bỏ từ khi còn ở Constantinopol, và từ hồi ấy đến nay, ông vẫn sống với vết thương lòng đeo đẳng. Chưa bao giờ ông thổ lộ bí mật về vết thương lòng này với ai, nhưng thỉnh thoảng lại vô tình nhắc tới nó, – khi câu chuyện có liên quan đến phụ nữ, ông thường nói với giọng khó chịu:
- Rien n’ést plus diffcile que de reconnaitre un bon melon et une femme de bien.[4]
Một lần cuối thu, vào một chiều Paris ẩm ướt, ông ghé vào một quán ăn Nga trong đoạn ngõ tăm tối gần phố Passi. Trong quán này có một ngăn nhỏ bán thực phẩm – ông đã vô tình dừng chân trước khung cửa kính rộng rãi của nó, sau lớp kính có thể thấy rõ mặt bệ cửa sổ có bày những chiếc chai hình nón đựng rượu thanh lương trà, mấy chai khác hình trụ đựng rượu zubrovka, một chiếc đĩa đựng mấy cái bánh nướng đã se vỏ, một đĩa khác bày mấy viên thịt băm rán đã xám màu, hộp cá trích và hộp bánh khalva, xa hơn nữa là chiếc quầy bày các món ăn, đứng sau quầy là bà chủ với khuôn mặt kiểu Nga rất khó có cảm tình. Bên trong quán khá sáng sủa, và chính làn ánh sáng ấy đã rủ rê ông rời chân khỏi cái ngõ tăm tối, lạnh lẽo và trơn như đổ mỡ. Bước vào quán, ông cúi chào bà chủ và đi tới gian phòng sáng lờ mờ, nối với quầy bán thực phẩm, nơi có những chiếc bàn phủ khăn trắng còn vắng khách. Tại đó, ông chậm rãi treo chiếc mũ xám và chiếc áo bànhtô lên móc của chiếc giá treo áo rồi ngồi vào chiếc bàn kê ở góc cuối phòng, lơ đãng xoa xoa hai bàn tay có những sợi lông hung đỏ nơi cườm tay, rồi thong thả đọc bản thực đơn dài lê thê ghi các món ăn, đoạn đánh máy, đoạn viết tay bằng mực tím trên nền giấy loang đầy vết mỡ. Bất chợt, góc phòng ông ngồi đột ngột sáng bừng lên, rồi một thiếu phụ chừng ba mươi tuổi, với khuôn mặt hờ hững nhưng lịch thiệp, mắt huyền, có mái tóc đen rẽ đường ngôi thẳng, mặc bộ váy áo màu đen, bên ngoài đeo tạp dề trắng thêu hoa, bước lại gần:
- Bonsoir, monsieur,[5] – nàng nói với giọng rất dễ thương.
Ông nhận thấy nàng quá đẹp, đến nỗi ông bỗng trở nên lúng túng và bối rối trả lời:
- Bonsoir… Nhưng cô là người Nga, có đúng không?
- Vâng, người Nga. Ông thứ lỗi cho, tự nhiên thành ra cái thói quen nói với khách hàng bằng tiếng Pháp.
- Chẳng nhẽ ở đây cũng có khách Pháp đến ăn ư?
- Vâng, cũng tương đối nhiều đấy ạ. Mà người nào cũng nhất định phải gọi rượu zubrovka, bánh bột tráng blin, thậm chí cả món xúp củ cải đỏ. Ông đã chọn được món gì chưa ạ?
- Chưa, nhiều món quá… Hay là cô làm ơn khuyên tôi nên chọn món gì?
Nàng bắt đầu xướng tên các món ăn bằng giọng đọc thuộc lòng:
- Hôm nay nhà hàng có món canh chua kiểu lính thủy, thịt băm viên kiểu Kozak, có thể đặt món thịt bê băm rán, hoặc nếu ông muốn thì có thể lấy món thịt nướng kiểu Kaski.
- Hay lắm, cô làm ơn cho xin món canh chua và thịt băm viên.
Nàng lấy quyển sổ cài ở thắt lưng và viết vào đó bằng một mẩu bút chì. Tay nàng trắng trẻo và dáng đẹp, chiếc áo nàng mặc không còn mới nữa nhưng rõ ràng là được cắt may ở một tiệm đắt tiền.
- Ông có dùng vodka không ạ?
- Rất vui lòng. Ngoài phố ẩm ướt kinh khủng.
- Ông định lấy món nhắm nào ạ? Có cá trích vùng Đanuýp ngon lắm, dưa chuột Korkunov muối rất nhạt và trứng cá vừa mới nhập về.
Ông đưa mắt ngắm nàng lượt nữa: chiếc tạp dề trắng thêu hoa khiến khuôn ngực của người thiếu phụ trẻ nổi rõ…, đôi môi đầy đặn không tô son mà vẫn tươi, đầu nàng chỉ buộc hờ chiếc khăn màu đen, nhưng làn da tay lại được chăm sóc kĩ lưỡng, những chiếc móng tay hồng nhạt óng ánh – rõ ràng được thợ tô màu.
- Tôi định nhắm món gì ư? – Ông nói và mỉm cười. – Nếu cô cho phép thì chỉ cá trích và khoai tây nóng là đủ.
- Ông thích dùng loại rượu vang nào?
- Vang đỏ cô ạ. Loại thường mà người ta hay dọn tiệc ấy mà.
Nàng ghi vào cuốn sổ rồi chuyển chiếc bình đựng nước lã từ bàn bên cạnh sang bàn ông ngồi. Ông lắc đầu:
- Ồ không, tôi không bao giờ uống rượu nho pha nước lã. L’eau gate le vin comme la charette le chemin et la femme l’ame.[6]
- Ông đánh giá phụ nữ chúng em cũng không được tốt đẹp cho lắm nhỉ. – Nàng thản nhiên trả lời rồi đi lấy món cá trích và vodka. Ông nhìn theo bóng nàng: Dáng nàng ngay ngắn và chiếc váy đen rung rinh theo mỗi bước nàng đi… Phải, lịch thiệp mà hờ hững, đó là tất cả cử chỉ và thói quen của một người phục vụ khiêm nhường và đứng đắn. Nhưng đôi giày kia thì lại rất đẹp và đắt tiền. Ở đâu ra? Chắc là có một ông ami đứng tuổi, nhiều tiền… Lâu lắm rồi, ông không thấy phấn chấn như tối hôm nay, ấy là nhờ có nàng. Ý nghĩ ấy khiến ông không thể không cảm thấy hơi buồn. Phải, năm này qua năm khác, ngày này qua ngày khác, ta chỉ thầm mong đợi mỗi điều này – một cuộc gặp gỡ may mắn và hạnh phúc – và tất cả chỉ là vô vọng mà thôi…
Ngày hôm sau, ông lại đến và lại ngồi vào chiếc bàn của mình. Thoạt đầu, nàng đang bận ghi các món ăn mà hai khách hàng người Pháp đặt, nàng vừa nhắc lại vừa ghi vào cuốn sổ tay:
- Caviar rouge, salade russ… Deux chachlyks…[7]
Nàng quay ra rồi bước tới bàn ông với nụ cười thoáng hiện trên môi, như gặp một người quen biết:
- Xin chào ông. Rất hân hạnh là nhà hàng đã làm ông vui lòng.
Ông vui vẻ đứng dậy:
- Chào cô. Vâng, tôi thích nhà hàng này lắm. Cô tên là gì nhỉ?
- Olga Aleksandrovna, thưa ông. Còn ông thì tên là gì ạ?
- Nikolai Ptatonik.
Họ bắt tay nhau, rồi nàng giở sổ ra:
- Hôm nay nhà hàng có món rasonik ngon lắm. Đầu bếp ở đây rất giỏi, đã từng phục vụ Đại Công tước Aleksandr Mikhailovich ở trên tàu thủy đấy ông ạ.
- Hay lắm, rasonik thì rasonik chứ sao. Mà cô làm ở đây đã lâu chưa?
- Tháng thứ ba, thưa ông.
- Thế trước đây cô làm ở đâu?
- Trước đây em bán hàng ở cửa hàng Printemps.
- Chắc là dư người cho nên phải thôi việc?
- Thưa vâng, chứ không thì đời nào em lại bỏ một chỗ làm như thế.
Ông hài lòng nghĩ rằng, hóa ra mọi việc chẳng liên quan đến một ông ami nào cả – và ông hỏi nàng:
- Chắc là cô đã có gia đình?
- Vâng, thưa ông.
- Chồng cô làm gì?
- Anh ấy đi làm ở Nam Tư. Trước đây cũng có tham gia Bạch quân. Còn ông, chắc cũng thế, phải không ạ?
- Vâng, tôi có tham gia cả Đại chiến lẫn Nội chiến.
- Điều đó thì nhìn qua cũng đoán được. Và, có lẽ ông là một vị tướng? – Nàng nói và mỉm cười.
- Tướng về hưu cô ạ. Bây giờ tôi viết sách về hai cuộc chiến đó, theo đơn đặt hàng của các nhà xuất bản ngoại quốc khác nhau… Vậy là, thành ra bây giờ cô sống có một mình thôi nhỉ?
- Thành ra có mỗi một mình thôi, ông ạ…
Đến buổi tối thứ ba ông nói:
- Cô có thích đi xem xinê không?
- Thỉnh thoảng đi xem một lần cũng hay.
- Hiện ở rạp Étoile đang chiếu một phim gì đó hay lắm, thấy người ta bảo thế. Nếu cô muốn, chúng ta cùng đi xem nhé? Cô có hôm nào được nghỉ không?
- Merci. Thứ hai em được rỗi.
- Thế thì thứ hai ta đi xem nhé. Hôm nay là thứ mấy nhỉ? Thứ bảy phải không? Nghĩa là ngày kia chứ gì? Được chứ?
- Được ạ. Còn ngày mai, chắc là ông không đến?
- Không, mai tôi ra ngoại ô, đến chỗ mấy người quen. Mà sao cô lại hỏi như vậy?
- Em cũng chẳng biết nữa… Kể cũng lạ, nhưng mà hình như em cảm thấy đã quen thuộc với ông rồi hay sao ấy.
Ông nhìn nàng biết ơn và đỏ mặt:
- Tôi cũng thế. Cô biết không, trong cuộc đời này, những cuộc gặp gỡ may mắn thường hiếm lắm…
Và ông vội nói lảng sang chuyện khác:
- Như vậy là ngày kia nhé. Chúng ta gặp nhau ở đâu được? Cô ở khu nào?
- Gần ga tàu điện ngầm Motte-Qicquet.
- Cô thấy chưa, như thế thì tiện đường quá, đi thẳng là đến rạp Étoile. Tôi sẽ đợi cô ở đấy, chỗ cửa tàu điện ngầm, đúng tám giờ rưỡi nhé.
- Merci.
Ông giả bộ nghiêng người chào:
- C’est moi qui vous remercie.[8] Cô cứ dỗ con ngủ rồi tới rạp nhé. – Ông cười và nói vậy để thử xem nàng có con không.
- Ơn Chúa, em không có của báu ấy, – nàng đáp và nhẹ nhàng dọn hết cốc chén mang đi.
Trên đường về nhà, ông cảm thấy xúc động và hơi ngượng ngùng thế nào ấy. “Em đã quen với ông rồi…” Phải, rất có thể đây chính là cuộc gặp gỡ hạnh phúc mà ông vẫn hằng mong đợi. Chỉ có điều là muộn quá, muộn quá rồi. Le bon Dieu envoie toujours des cullotes à ceux qui n’ont pas de derrière…[9]
Tối thứ hai trời mưa, bầu trời ảm đạm phía trên đầu Paris đỏ mờ mờ. Hy vọng là sẽ ăn tối với nàng ở Montparnasse, ông không ăn bữa trưa, chỉ tạt vào tiệm cà phê ở đường Chaussée de Muette, ăn một chiếc xănguých, uống một vại bia, hút điếu thuốc rồi gọi tắcxi. Đến ga tàu điện ngầm Étoile, ông bảo tài xế dừng xe rồi bước ra vỉa hè dưới làn mưa, – người tài xế to béo, má đỏ ửng, tin tưởng ngồi chờ ông. Gió từ dưới tàu điện ngầm hun hút thổi ra, đoàn người đông nghịt và đen ngòm theo bậc thang tràn lên, ra đến cửa là bắt đầu dương ô. Cạnh chỗ ông đứng, một người bán báo rong cất giọng vịt đực khàn khàn rao tên các báo buổi chiều. Bỗng thấy bóng nàng xuất hiện giữa đám người đang đi ra. Ông mừng rỡ tiến đến đón nàng:
- Olga Aleksandrovna…
Nàng ăn mặc rất đẹp và hợp mốt, dáng điệu thoải mái, khác hẳn với lúc ở nhà hàng. Nàng ngước cặp mắt huyền nhìn ông rồi chìa tay có móc chiếc ô ở khuỷu cho ông hôn, còn tay kia của nàng bận nâng chiếc váy dạ hội. Ông càng thấy vui hơn: “Nàng mặc áo dài dạ hội, có nghĩa là đã tính đến chuyện sau buổi xinê sẽ còn đi chơi nữa. ” – Ông nghĩ thầm như vậy khi vén mép găng để hôn vào cổ tay trắng muốt của nàng.
- Tội nghiệp, ông chờ em đã lâu chưa?
- Không, tôi cũng vừa mới đến thôi. Ta rảo chân lên một chút, tắcxi đang chờ.
Và với một nỗi hồi hộp mà đã từ lâu ông không hề cảm thấy, ông cùng nàng ngồi vào chiếc xe sực mùi da ẩm ướt. Đến chỗ rẽ, chiếc xe xóc nẩy lên, đèn đường chợt soi rõ lòng xe, – ông vô tình đưa tay đỡ lấy eo lưng nàng, cảm thấy mùi phấn thơm từ má nàng tỏa ra, nhìn rõ đôi đầu gối rắn chắc nổi lên qua lần váy, ánh mắt long lanh và cặp môi đầy đặn tô son đỏ của nàng: ngồi cạnh ông là một người đàn bà hoàn toàn khác hẳn.
Trong bóng tối của rạp, họ vừa nhìn lên màn ảnh trắng loang loáng có những chiếc phi cơ đang lao xuyên qua những đám mây và gào rú điên cuồng, vừa thì thầm trò chuyện:
- Cô ở một mình hay sống cùng bạn gái?
- Một mình thôi ông ạ. Thực ra thì cũng sợ lắm. Ôten thì nhỏ, sạch sẽ và ấm áp, ông cũng biết đấy, loại ôten mini mà người ta thường dẫn bạn vào ngủ qua đêm hoặc ở vài ba tiếng đồng hồ. Tầng sáu, dĩ nhiên là không có thang máy, tấm thảm đỏ trải cầu thang chỉ đến tầng bốn là hết… Đêm đến, trời mà mưa thì buồn vô cùng. Mở cửa ra – khắp nơi không một bóng người, y như một thành phố đã chết, chỉ có Chúa là mới biết được ở đâu đó dưới kia còn một ngọn đèn đường sáng trong mưa… Còn ông, chắc cũng độc thân và cũng sống ở ôten chứ?
Tôi có một căn hộ nho nhỏ ở phố Passi. Tôi cũng sống một mình. Thành dân Paris lâu rồi cô ạ. Có một thời gian tôi sống ở Provence, thuê một trang trại ở đó, định xa lánh loài người và sống bằng sức lao động của bản thân, nhưng rồi không kham nổi công việc cực nhọc ấy. Tôi thuê một người kozak để giúp việc, nhưng hóa ra hắn là một con sâu rượu, lúc say thì lầm lì dữ tợn. Tôi nuôi gà nuôi thỏ thì chúng toi sạch, có lần tôi còn suýt bị một con la xéo chết – thật là một con vật thông minh và hung dữ… Nhưng cái chính là tôi hoàn toàn cô đơn. Vợ tôi đã bỏ tôi từ hồi còn ở Constatinopol.
- Chắc là ông nói đùa?
- Chẳng đùa tí nào. Chuyện cũng thường tình thôi. Qui se marie par amour a bonnes nuits et mauvais jours.[10] Còn tôi thì cả thứ nọ lẫn thứ kia đều quá ít. Cô ta bỏ tôi vào năm thứ hai sau khi cưới.
- Bây giờ chị ấy ở đâu rồi?
- Tôi không biết…
Nàng im lặng hồi lâu. Trên màn ảnh có một người nào đó bắt chước vua hề Charlot, đi đôi giày rách to tướng và đang xoạc cẳng chạy một cách kì dị và ngớ ngẩn.
- Thế thì chắc ông cô đơn lắm… – nàng nói.
- Vâng. Nhưng biết làm thế nào được, đành phải chịu đựng thôi. Patience – médecine des pauvres.[11]
- Cái médecine ấy thật đáng buồn.
- Vâng, đúng là chẳng vui vẻ gì cho lắm. Trước đây tôi cũng có đôi lần đọc Hình ảnh nước Nga – ông nói và bật cười, – trong đó có mục thông báo về hôn nhân và tình yêu, đại loại như “Thiếu nữ Litva buồn chán và mong được trao đổi thư từ với một người Nga sống ở Paris, tính tình tế nhị, xin kèm theo ảnh…”; “Một bà đứng đắn, không môđéc nhưng dễ thương, góa chồng, có con trai lên chín, muốn nhận thư của một quý ngài không trẻ hơn bốn mươi tuổi, có nghề nghiệp chắc chắn như nghề lái xe hoặc nghề khác, không nhất thiết đòi hỏi phải thuộc tầng lớp trí thức…” Tôi rất cám cảnh cho bà này: không nhất thiết phải là trí thức nữa…
- Thế chẳng nhẽ ông không có bạn bè và người quen gì cả ư?
- Bạn bè thì không có. Còn quen biết thì ăn thua gì.
- Thế ai lo giúp việc nội trợ cho ông?
- Cũng có phải lo gì nhiều lắm đâu hở cô? Tôi tự pha lấy cà phê, bữa sáng cũng tự làm lấy. Gần tối thì có la femme de ménage[12] đến.
- Tội nghiệp! – Nàng nói và xiết chặt tay ông.
Và họ ngồi như thế rất lâu, tay cầm tay, kề bên nhau, bóng tối gắn bó họ, trong khi đó cả hai đều làm ra vẻ đang chăm chú nhìn lên màn ảnh, nơi có luồng ánh sáng trắng xanh từ bức tường sau lưng dọi nghiêng qua đầu họ chiếu vào. Người bắt chước hề Charlot đâm thẳng xe vào cột đèn, tóc dựng đứng lên vì hoảng sợ, làm cho chiếc mũ trụ văng ra khỏi đầu. Loa phóng thanh phát nhạc to hết cỡ, từ phía dưới – họ ngồi trên ban công – qua làn khói thuốc lá, từng loạt cười sảng khoái rộ lên hòa với những tràng vỗ tay. Ông cúi xuống bên nàng:
- Cô biết không, hay là ta đi đâu đấy, đến Montparnasse chẳng hạn, ở đây chán kinh khủng và ngạt thở quá chừng…
Nàng gật đầu và xỏ găng vào tay.
Họ lại ngồi vào chiếc xe bên trong tranh tối tranh sáng, nhìn cảnh vật bên ngoài qua làn kính lóng lánh những giọt mưa và như đang cháy lên bởi phản quang của ánh đèn đường muôn màu như sắc kim cương, bởi những tấm bảng quảng cáo đang nhấp nháy ở phía màn trời đen ngòm trên cao, lúc đỏ như màu máu, lúc nhấp nháy như thủy ngân. Ông lại vén mép chiếc găng và hôn rất lâu vào cổ tay nàng. Nàng cũng nhìn ông một cách khác lạ bằng cặp mắt huyền với hai nét mày đậm, sẫm như than và ngoảnh khuôn mặt với làn môi đầy đặn, ngọt ngào mùi son phấn về phía ông, vừa yêu thương, vừa lại buồn rầu.
Trong tiệm cà phê Coupole, thoạt đầu, họ gọi sò huyết và rượu anzu, sau đó đặt thêm chim đa đa và rượu bordeaux. Uống cà phê xong, cả hai đều đã hơi chuyếnh choáng. Họ hút rất nhiều, cái gạt tàn đầy ắp những mẩu thuốc lá in dấu son đỏ của nàng. Giữa chừng câu chuyện, ông ngắm khuôn mặt ửng hồng của nàng và nghĩ thầm rằng: nàng quả là một giai nhân.
- Ông nói thật đi, mấy năm vừa rồi chắc là cũng có những cuộc gặp gỡ, hẹn hò nào đó chứ?
- Quả là cũng có thật. Nhưng chắc cô cũng đoán được những loại hẹn hò ấy rồi. Một vài khách sạn ban đêm… Thế còn cô?
- Em cũng có một chuyện nặng nề lắm… Nhưng mà thôi, em không muốn nhắc lại chuyện đó nữa. Có một cậu bé, về thực chất chỉ là một gã ma cô… Thế ông và vợ chia tay nhau như thế nào?
- Nói ra thì xấu hổ lắm. Cũng là do một cậu bé, điển trai, người Hy Lạp, giàu có vô cùng. Thế rồi, chỉ vài tháng sau là chẳng còn bóng dáng cô bé đa sầu đa cảm, đã từng cầu nguyện cho Bạch quân, cho tất cả chúng ta. Cô ấy bắt đầu đi ăn với cậu bé kia trong những nhà hàng đắt tiền nhất Paris, nhận những lẵng hoa khổng lồ do cậu ta gửi tặng… “Em không thể nào hiểu được, chẳng nhẽ anh lại đi ghen với cậu ta hay sao? Đối với em, cậu ấy chỉ là một chú bé dễ thương, ngoài ra không có gì hết…” Chú bé dễ thương! Bản thân cô ấy cũng chỉ mới có hai mươi tuổi đầu. Thật khó quên cô ấy thuở trước, hồi chúng tôi còn ở Ekaterinodar…
Khi tính tiền, nàng chăm chú nhìn ông và bảo ông không được thưởng quá mười phần trăm cho bồi bàn. Sau đó, cả hai đều cảm thấy thật lạ lùng vì chỉ nửa giờ nữa thôi là họ đã phải chia tay nhau mỗi người một ngả.
- Đến chỗ tôi chơi nhé, – ông buồn bã nói. – Ta ngồi chơi, nói chuyện thêm lát nữa…
- Vâng, vâng, – nàng đáp và kéo tay ông đứng dậy, khoác tay ông và kéo ông sát lại gần mình.
Người lái tắcxi đêm, cũng là người Nga, đưa họ về tới con ngõ cô đơn, đến tận cửa một ngôi nhà cao tầng, cạnh đấy, dưới ánh sáng màu thép của một ngọn đèn thắp bằng khí ga, mưa đang lắc rắc rơi trên cái thùng đựng rác làm bằng sắt tây. Họ bước vào gian tiền sảnh sáng đèn, ôm nhau và lặng lẽ hôn. Vừa kịp tra chìa vào ổ khóa trước khi điện hành lang vụt tắt, ông mở cửa và dẫn nàng qua phòng ngoài vào gian bếp nhỏ, nơi trên ngọn đèn chùm chỉ có một bóng điện buồn rầu tỏa sáng. Mặt họ đã có vẻ mệt mỏi. Ông mời nàng uống thêm một chút rượu nho.
- Thôi, anh yêu quý ạ, – nàng nói. – Em không uống thêm nữa đâu.
Ông cố nài:
- Chỉ một ly thôi, vang trắng mà, tôi có một chai tuyệt lắm đang để ngoài cửa sổ.
- Anh cứ uống đi, anh thân yêu ạ, còn em thì sẽ đi thay áo và rửa ráy một chút. Và đi ngủ, đi ngủ thôi. Chúng ta chẳng còn trẻ trung gì nữa, và chắc anh đã hiểu rằng, nếu em đồng ý đến nhà anh thì có nghĩa là… Và nói chung, việc gì ta phải chia tay nhau cơ chứ?
Xúc động quá không nói nên lời, ông lặng yên dẫn nàng đi qua phòng ngủ vào buồng tắm và bật đèn cho nàng. Tại đấy, các bóng đèn tỏa sáng rực rỡ, hơi ấm từ lò sưởi lan khắp phòng, trong khi đó, bên ngoài, mưa vẫn loáng thoáng rơi đều. Nàng lập tức lột khỏi đầu chiếc váy dài dạ hội.
Ông ra ngoài, uống liền một lúc hai ly rượu vang chát và lạnh như băng, rồi không kìm được, lại quay vào. Trong phòng ngủ, tấm gương lớn ở bức tường đối diện phản chiếu buồng tắm rực rỡ ánh đèn. Nàng đứng quay lưng lại phía ông, hoàn toàn khỏa thân, trắng ngần, đang cúi người trên bồn rửa mặt lau ngực và cổ.
- Đừng vào đây! – Nàng nói và khoác chiếc áo choàng lên người, rồi không hề che khuôn ngực đầy như đúc, làn bụng trắng trẻo khỏe mạnh và cặp đùi ngà ngọc rắn chắc, nàng bước lại gần và ôm lấy ông, như một người vợ. Ông cũng ôm chặt nàng như ôm vợ và hôn nàng, hôn lên khắp tấm thân mát rượi, lên bầu ngực chưa khô nước còn thoang thoảng mùi xà phòng hương, lên đôi mắt và cặp môi mà nàng đã lau hết dấu son…
Hai ngày sau, nàng xin thôi việc và dọn đến ở hẳn với ông.
Một lần, vào mùa đông, ông thuyết phục nàng đứng tên thuê một két sắt ở ngân hàng tín dụng Lion rồi gửi vào đó tất cả vốn liếng mà ông có được.
- Cẩn thận chẳng bao giờ thừa, – ông nói, – L’amour fait dancer les anes[13]. Anh cảm thấy mình như mới hai mươi tuổi. Nhưng thiếu gì điều có thể xảy ra…
Ngày thứ ba sau lễ Phục Sinh, ông mất trong tàu điện ngầm, – đang ngồi đọc báo, ông bỗng đột ngột ngả đầu trên thành ghế và nhắm mắt…
Khi nàng mặc áo tang đen từ nghĩa trang trở về, khắp nơi là một ngày xuân đáng yêu, những đám mây mùa xuân đang trôi đâu đó trên nền trời Paris mềm mại, và tất cả những điều đó đều lên tiếng về một cuộc sống trẻ trung, vĩnh hằng, – và về cuộc đời nàng, từ nay đã hết rồi…
Về nhà, nàng bắt tay thu dọn căn phòng. Ngoài hành lang, trên mắc áo, nàng trông thấy chiếc áo khoác màu xám có lần lót đỏ mà ông đã mặc vào dạo mùa hè xa xưa ấy. Nàng lấy áo từ trên mắc xuống, áp vào mặt, ôm chặt nó vào lòng rồi đổ khuỵu xuống sàn, toàn thân rung lên trong những tiếng nức nở và nghẹn ngào cầu xin ai đó tha thứ.
(Nguồn: Văn học nước ngoài số 10 - 2011)
[1] Tiếng Pháp trong nguyên bản: “Bồi, cho nửa ly!” – ND.
[2] Tiếng Pháp trong nguyên bản: “Đồ dê già”.
[3] Một loại nước giải khát Nga – ND.
[4] Tiếng Pháp: “Không có gì khó bằng việc nhận biết một quả dưa hấu ngon và một người đàn bà đức hạnh”. – ND.
[5] Tiếng Pháp: “Xin chào ông.” – ND.
[6] Tiếng Pháp: “Nước lã làm hỏng rượu nho, khác nào xe ba gác làm hỏng đường đi và đàn bà hủy hoại tâm hồn.” – ND.
[7] Tiếng Pháp: “Trứng cá đỏ, rau nộm kiểu Nga… Hai suất chả nướng…” – ND.
[8] Tiếng Pháp: “Tôi phải cảm ơn cô thì mới đúng chứ.” – ND.
[9] Tiếng Pháp: “Chúa nhân từ thường ban phát quần đùi cho những kẻ chẳng có mông…” – ND.
[10] Tiếng Pháp: “Kẻ nào cưới vợ vì tình thì sẽ có những đêm tuyệt vời và những ngày tồi tệ.” – ND.
[11] Tiếng Pháp: “Nhẫn nhịn là phương thuốc của người nghèo.” – ND
[12] Tiếng Pháp: “Bà giúp việc.” – ND.
[13] Tiếng Pháp: “Tình yêu khiến cho những con lừa cũng phải nhảy múa” – ND.
Tiêu đề
Viết bình luận của bạn