Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Hội thảo “Văn học nghệ thuật Đồng Tháp – Nhận diện và phát triển”

Tin, ảnh: Quốc Toàn – Hồng Nhật - 17-04-2013 02:13:17 PM

VanVN.net – Đúng 7h30 ngày 17-4-2013, tại TP. Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp, hội thảo khoa học “Văn học nghệ thuật Đồng Tháp – nhận diện và phát triển” đã tiến hành. Tham dự hội thảo có GS. TS Hồng Vinh, Chủ tịch hội đồng lý luận phê bình VHNT TW; GS. NS Ca Lê Thuần, Phó Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT VN, Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT TP.HCM; nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ VN; nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Xuân Thăng, Phó Chủ tịch Hội NSNA VN; nhà thơ Lê Quang Trang Phó Chủ tịch Hội NVVN và đông đảo các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, đại diện các Hội VHNT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...

Hội thảo bắt đầu bằng báo cáo đề dẫn của nhạc sĩ Phạm Khiêm, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Tháp, mà chúng tôi giới thiệu dưới đây.

BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO

VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG THÁP - NHẬN DIỆN VÀ PHÁT TRIỂN

 

Nhạc sĩ PHẠM KHIÊM

Đồng Tháp thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh trung tâm của Đồng Tháp Mười, vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn học nghệ thuật (VHNT); nơi từng là căn cứ kháng chiến của nghĩa quân Thiên Hộ Dương - Đốc Binh Kiều, là căn cứ của Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ, nơi gắn bó cuộc đời nhà chí sĩ cách mạng, nhà văn hóa Nguyễn Quang Diêu, nơi hoạt động và an nghỉ cuối cùng của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Với thiên nhiên phong phú của vùng sông nước Cửu Long, sông rạch chằng chịt, những cánh đồng mênh mông, thẳng cách cò bay và những con người cần cù chất phác; từ lâu Đồng Tháp còn là nơi sản sinh ra những câu ca dao, tục ngữ, những giai điệu dân ca, hò vè và biết bao thể loại VHNT khác, đặc biệt là điệu hò Đồng Tháp ngọt ngào, mênh mông, sâu lắng, đậm chất Nam bộ, làm say đắm lòng người, được bao thế hệ người Đồng Tháp giữ gìn và phát triển.

Từ khi có Đảng, VHNT được Đảng bộ Đồng Tháp xem là vũ khí sắc bén để cùng với quân và dân Đồng Tháp đánh Pháp, đuổi Nhật, thắng Mỹ, xây dựng và phát triển quê hương.

Thời kỳ chống Pháp, giai đoạn 1946 - 1954, Đồng Tháp đã trở thành thủ đô kháng chiến của Nam bộ, VHNT thời kỳ này có điều kiện phát triển cả về quy mô, lực lượng và thể loại… Bên cạnh các thể loại đã có như thơ ca, hò vè…, các thể loại mới khác phát triển mạnh như âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ thuật và cả điện ảnh cũng đã hình thành. Ngoài lực lượng hoạt động VHNT của địa phương, nhiều văn nghệ sĩ ở khắp các tỉnh, thành đã hội tụ về thủ đô Đồng Tháp Mười kháng chiến như: Hoàng Việt, Nguyễn Hữu Trí, Trần Kiết Tường, Ngô Huỳnh (âm nhạc); Nguyễn Bính, Bảo Định Giang, Đoàn Giỏi (văn học), Khương Mễ (điện ảnh)… Từ thực tế cuộc sống kháng chiến vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của quân và dân Đồng Tháp đã thôi thúc văn nghệ sĩ viết nên những tác phẩm VHNT bất hủ như: Tiểu đoàn 307, Tháp Mười anh dũng, Sở Thượng Giang, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Con kênh xanh xanh (ca khúc), Đồng Tháp Mười, Tháp Mười đẹp nhất bông sen (thơ)… Các hoạt động biểu diễn, triển lãm, phát hành sách báo phục vụ bộ đội và nhân dân cũng được tổ chức thường xuyên, góp phần cổ vũ, động viên quân dân Đồng Tháp tích cực chiến đấu giải phóng quê hương, cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Sang thời kỳ chống Mỹ (1954 - 1975), Đồng Tháp tiếp tục là căn cứ kháng chiến của Khu 8, là địa bàn trọng yếu của cách mạng Trung Nam bộ, vì vậy đây cũng chính là nơi Mỹ - ngụy tập trung đánh phá ác liệt. Nhưng cũng chính sự khốc liệt của cuộc chiến tranh và cuộc sống chiến đấu vô cùng gian khổ, hy sinh của quân và dân Đồng Tháp là đề tài phong phú cho các tác phẩm VHNT của các văn nghệ sĩ ra đời như: Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng (Nguyễn Quang Sáng), Đêm  Tháp Mười (Lê Văn Thảo), Anh đứng giữa Tháp Mười (Lê Anh Xuân), Mùa nước nổi, Ngủ trên đồng nước (Diệp Minh Tuyền), Tình riêng nghĩa cả (Thanh Nha)…

Bên cạnh những văn nghệ sĩ nổi tiếng của trung ương và các nơi sáng tác về Đồng Tháp, VHNT Đồng Tháp thời kỳ này còn có rất nhiều văn nghệ sĩ là người địa phương trưởng thành từ thực tế kháng chiến hoặc được đào tạo từ miền Bắc trở về như: Lý Thuận Khanh, Nguyễn Đắc Hiền, Công Đoàn, Lê Ngọc (văn học), Hoàng Thiện, Tâm Lực, Thanh Tùng (âm nhạc), Chí Hải, Hoàng Dũng (nhiếp ảnh), Thanh Châu, Ba Tý (mỹ thuật)… Lực lượng này đã sáng tác rất nhiều tác phẩm VHNT phục vụ kịp thời nhu cầu cuộc sống và kháng chiến của địa phương, góp phần cùng với quân dân Đồng Tháp và cả nước làm nên chiến thắng Mùa xuân 1975.

Sau năm 1975, Đồng Tháp cùng cả nước bước vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước. VHNT cả nước nói chung, Đồng Tháp nói riêng cũng chuyển sang giai đoạn mới, với nhiều thuận lợi như không khí hồ hởi, phấn khởi của nhân dân được sống trong hòa bình, tự do, hạnh phúc sau mấy mươi năm chịu đựng chiến tranh, nhất là nhân dân ở các đô thị rất khát khao tìm hiểu, đón nhận văn hóa, VHNT cách mạng, nhu cầu hưởng thụ VHNT của nhân dân ngày càng tăng… nhưng VHNT Đồng Tháp những năm đầu sau giải phóng cũng gặp không ít khó khăn như: lực lượng văn nghệ sĩ kháng chiến còn ít, trình độ chuyên môn hạn chế; việc nắm bắt đề tài của anh em từ chiến tranh sang thời bình còn bỡ ngỡ, đòi hỏi phải có thời gian để phát triển thêm lực lượng, làm quen với những cái mới.

Một sự kiện quan trọng đánh dấu thời kỳ phát triển mới của VHNT Đồng Tháp là việc thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh vào ngày 25.6.1986. Từ đây VHNT Đồng Tháp có một tổ chức đứng ra tập hợp, bồi dưỡng lực lượng, chăm lo phong trào sáng tác và phổ biến tác phẩm, xây dựng kế hoạch phát triển VHNT của tỉnh cả bề rộng lẫn chiều sâu theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển mới của đất nước, kết thúc thời kỳ VHNT chỉ là một bộ phận nhỏ trong Phòng Văn hóa - Văn nghệ thuộc Sở VHTT.

Qua hơn 26 năm phát triển, từ chỗ chỉ có 60 hội viên, với 3 chuyên ngành và một vài hội viên trung ương, khi thành lập, đến nay qua 6 kỳ đại hội, và nhất là từ khi có Nghị quyết TW5- Khóa VIII (1998), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X (2008) và Đề án phát triển VHNT của tỉnh, VHNT Đồng Tháp đã phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; với trên 300 hội viên hoạt động ở 7 chuyên ngành (Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Sân khấu, Văn nghệ Dân gian, Kiến trúc sư) và 5 hội thành viên, trong đó có gần 80 hội viên các chuyên ngành trung ương. Hàng năm, anh em sáng tác hàng ngàn tác phẩm VHNT, trong đó có nhiều tác phẩm dài hơi, tác phẩm có giá trị cao, đạt giải thưởng trong tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế. Rất nhiều tác phẩm của anh em đã được in sách, báo, tổ chức triển lãm, biểu diễn… phổ biến rộng rãi trong và ngoài tỉnh; nhiều tác giả ở nhiều lĩnh vực có uy tín, được nhiều người biết đến như: Nguyễn Đắc Hiền, Nguyễn Huỳnh Hiếu, Thai Sắc, Hữu Nhân (văn học); Thanh Tùng, Thanh Hùng, Thanh Hà, Bạch Phần (sân khấu); Đoàn Hồng, Hoàng Dũng, Lâm Viên, Thảo Nguyên, Khắc Hiếu (nhiếp ảnh); Đặng Hoàng, Phạm Đức, Duy Trung, Tấn Lực (âm nhạc); Việt Hải, Công Hiến, Quang Trình, Đắc Nguyên (mỹ thuật); Hữu Hiếu, Nhất Thống, Ngô Bé (văn nghệ dân gian)…

Các hoạt động VHNT được tổ chức thường xuyên và rộng khắp, với nhiều hình thức phong phú, thu hút ngày càng đông các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động sáng tạo và hưởng thụ, phục vụ kịp thời các sự kiện chính trị của địa phương, góp phần định hướng thẩm mỹ, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, đóng góp thiết thực vào những thành tựu phát triển chung của tỉnh.

Trên cơ sở sơ lược văn học nghệ thuật Đồng Tháp qua các thời kỳ như vậy, tại hội thảo này, chúng tôi đề nghị tập trung vào các vấn đề sau đây:

1. Ở góc độ từng chuyên ngành (Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Sân khấu, Văn nghệ Dân gian, Điện ảnh, Lý luận phê bình) hoặc nhiều chuyên ngành (văn học - nghệ thuật), nhận xét, đánh giá sự hình thành và phát triển của VHNT Đồng Tháp từ trước đến nay, nhất là từ khi có Hội VHNT (1986). Nêu được sự đóng góp của VHNT Đồng Tháp đối với sự nghiệp cách mạng của tỉnh từng thời kỳ và cho VHNT cả nước;

2. Cần phân tích những ưu điểm, hạn chế, những thuận lợi, khó khăn hiện nay và những nét đặc thù của VHNT Đồng Tháp, từ đó đánh giá VHNT Đồng Tháp phát triển ở mức nào so với các tỉnh trong khu vực và cả nước;

3. Đề xuất những phương thức, giải pháp để đưa VHNT Đồng Tháp tiếp tục phát triển toàn diện hơn, nhanh hơn trong xu thế hội nhập, CNH - HĐH đất nước;

4. Để VHNT Đồng Tháp phát triển nhanh và đúng định hướng, cần có những kiến nghị gì với trung ương, lãnh đạo Tỉnh và các ngành có liên quan về cơ chế, chính sách cho hoạt động VHNT và văn nghệ sĩ.

Hội thảo này là dịp để tổng kết tình hình VHNT của Đồng Tháp từ trước đến nay, nhất là thời kỳ có Hội VHNT và thời kỳ đổi mới của đất nước (1986), nhằm khẳng định vai trò, vị trí và những đóng góp của VHNT Đồng Tháp đối với sự phát triển của tỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, phát huy những ưu điểm, những cái hay; tìm ra được phương thức phát triển VHNT đúng đắn, phù hợp với thời kỳ mới, đưa VHNT Đồng Tháp tiếp tục phát triển lên một bước mới. Với mong muốn trên, chúng tôi tin rằng, sẽ nhận được nhiều tham luận và phát biểu có giá trị cao của các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu và các đồng chí quản lý hoạt động VHNT trong và ngoài tỉnh để hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

------

Bàn chủ tọa đoàn của Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Vĩnh Trân, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết: “Văn học nghệ thuật Đồng Tháp dù đã đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng nhưng còn đó không ít những trăn trở, thách thức nếu đặt trong tổng thể nền văn hóa Việt Nam hiện nay. Trong lĩnh vực sáng tác còn rất ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh đúng tầm vóc, tương xứng với thành tựu công cuộc đổi mới. Còn thiếu các tác phẩm phê phán cái xấu, tiêu cực, chống tham những, lãng phí… Việc giáo dục thị hiếu thẩm mĩ, nghệ thuật cho giới trẻ chưa được xem trọng đúng mức; công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực phục vụ sáng tác, quảng bá văn học nghệ thuật còn hạn chế”.

Theo ông Lê Vĩnh Trân, văn học nghệ thuật Đồng Tháp đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về tiến trình vận động và phát triển, trên cơ sở đó làm tiền đề cho định hướng và phát triển trong thời gian tới.

Hội thảo “Văn học nghệ thuật Đồng Tháp – Nhận diện và phát triển” nhận được 26 tham luận có chất lượng của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Theo ban tổ chức, các bản tham luận đã góp phần cùng với Hội VHNT tỉnh Đồng Tháp nhận định một cách rõ nét diện mạo, thành tựu cũng như vị trí của văn học nghệ thuật địa phương trong khu vực.

Toàn cảnh Hội thảo

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn