Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Hội thảo khoa học quốc gia: “Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế”

Bài và ảnh: PV - 17-05-2014 03:09:09 PM

VanVN.Net – Ngày 15/5/2014, tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội), Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế” đã được tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà quản lý văn hóa văn nghệ, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu LLPB và các giảng viên chuyên ngành văn học trên cả nước.

Chủ trì Hội thảo có: TS. Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học.

Trong Hội thảo khoa học cấp quốc gia lần này, các nhà nghiên cứu và phê bình văn học, các nhà sáng tác và giảng viên văn học cùng nhau đánh giá thực tiễn văn học Việt Nam sau 40 năm thống nhất đất nước (1975 – 2015) và 30 năm đổi mới (1986 – 2016); đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm góp phần thúc đẩy nền văn học Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đúng đắn trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên các mặt: sáng tác, nghiên cứu, lý luận phê bình, giao lưu, quảng bá văn học.

Trong buổi khai mạc Hội thảo, GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: văn học Việt Nam đã đổi mới trên nhiều phương diện, đa dạng hơn về quan niệm văn học, phương pháp, giọng điệu; cởi mở hơn trong tiếp cận và lý giải hiện thực; cấu trúc thể loại cũng có những đổi mới đáng chú ý; văn học dịch ngày càng chiếm ưu thế so với văn học trong nước, và đang tác động sâu sắc đến giá trị văn học truyền thống; biên giới sáng tạo không còn bị bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà mở ra tầm quốc tế; vấn đề quảng bá và giao lưu quốc tế trong văn học trở thành nhu cầu bức thiết của cuộc sống.

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học trình bày bản báo cáo đề dẫn, trong đó nêu lên những nét đáng lưu ý của văn học thời kỳ đổi mới là các nhà văn đã cố gắng biểu đạt tinh thần yêu nước và chủ nghĩa nhân văn, quan tâm đến vấn đề nóng bỏng trong đời sống xã hội và tâm lý con người hiện đại. Nhiều hướng nghiên cứu mới đã được vận dụng và thu được kết quả tích cực như thi pháp học, phân tâm học, cấu trúc luận, ký hiệu học, lý thuyết diễn ngôn... Lực lượng phê bình văn học tuy còn mỏng nhưng đã cập nhật khá tốt thực tiễn văn học sôi động và phức tạp. 

Tiếp đó, Hội thảo chia thành hai tiểu ban để làm việc và thảo luận về những vấn đề: Bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa mới và những nhân tố tác động đến sự phát triển của văn học (cả mặt tích cực và tiêu cực); Những nhân tố tác động đến đời sống văn học: kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa...; Sự tác động của khoa học kỹ thuật công nghệ, các loại hình nghệ thuật khác đến văn học; Tác động của văn hóa truyền thống và của giáo dục đến sự phát triển của văn học nghệ thuật; Những chuyển biến về tư duy nghệ thuật, đội ngũ sáng tác và công chúng văn học, vấn đề xuất bản và quảng bá văn chương…; Đường lối, chính sách của Đảng về văn học nghệ thuật, hệ thống lý luận và các chuẩn mực đánh giá văn học hiện nay. Các đại biểu tham dự hội thảo đã bày tỏ quan điểm và giải pháp về xây dựng nền văn học nhân văn, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc trong thời gian tới, với 6 giải pháp, trong đó chú trọng tự do sáng tác, thử nghiệm của nhà văn, tăng cường mở rộng giao lưu văn hóa, đẩy mạnh công tác dịch thuật; kết hợp với ban hành kịp thời những chủ trương, chính sách hợp lý về văn học, nghệ thuật, đầu tư thích đáng cho văn học, đổi mới phương thức quản lý văn học với cơ chế thích hợp.

 

Sau một ngày làm việc tích cực, buổi chiều cùng ngày, Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp. Trong bản tổng kết Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn - Phó Viện trưởng Viện Văn học đánh giá: Qua 83 tham luận, báo cáo, bài viết gửi về Ban tổ chức, các ý kiến tập trung vào hai chủ đề “Đổi mới lý luận và nghiên cứu văn học” và “Thực tiễn sáng tác và tiếp nhận văn học”, trong đó nổi bật là những tham luận: “Phải vận dụng lý luận văn học nước ngoài để nghiên cứu phát triển lý luận văn học Việt Nam từ di sản đến hiện trạng” (GS. Phương Lựu); “Văn học Việt Nam thế kỷ XX - Nhìn từ lý thuyết hệ hình” (PGS. TS. Đỗ Lai Thúy); “Về một hướng tiếp cận khả thi trong nghiên cứu văn học” (GS. TS. Lộc Phương Thủy); “Đổi mới và truyền thống trong văn học Việt Nam hiện nay” (PGS. TS. Đặng Anh Đào); “Dân chủ hóa - Xu hướng vận động và thành tựu của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới” (PGS. Nguyễn Văn Long); “Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa: Nhiệm vụ gìn giữ và kiến tạo bản sắc dân tộc” (ThS. Trần Thiện Khanh)... PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn đưa ra kiến nghị: “Chúng ta phải phân biệt rõ đâu là những tác phẩm đồng hành với đổi mới, nhất là đổi mới trên tinh thần  hội nhập. Mà đã là hội nhập thì phải có tiêu chí của hội nhập của khu vực và của văn học quốc tế chứ không thể nói bản sắc của chúng tôi là khác biệt hoàn toàn với hội nhập. Đây là một vấn đề mấu chốt đặt ra trong hội thảo, cũng như trong việc chúng ta tổng kết lại một giai đoạn văn học đổi mới, để hướng đến một nền văn học đi đúng quỹ đạo, đảm bảo tự do dân chủ nhưng cũng đảm bảo những giá trị văn học dân tộc.”



Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn