Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Đặng Thế Phong, chàng nhạc sỹ nức nở thương đời

Anh Chi - 09-01-2014 07:48:01 AM

Đặng Thế Phong sinh ngày 5 tháng Tư năm Mậu Ngọ (1918) tại phố Hàng Đồng, thành phố Nam Định. Người cha là Đặng Thế Hiển, làm thông phán, đã qua đời khi các con còn nhỏ. Mẹ Đặng Thế Phong buôn bán cau khô, nhưng do thua lỗ nhiều nên gia đình sớm lâm vào cảnh nghèo túng. Đặng Thế Phong có gương mặt rất khả ái, môi đỏ như son, ngay từ tuổi niên thiếu đã nổi tiếng bởi một giọng hát hay và là tay guitare có tiếng đàn đầy xúc cảm. Chị gái chàng là Đặng Bạch Tuyết vừa yêu quý em hết mức, vừa như là người bạn tri kỷ của em trai. Do vậy, những chuyện cuộc sống, chuyện tình cảm, Đặng Thế Phong đều có thể chia sẻ cùng người chị. Rồi sau này, Bạch Yến, người yêu của Đặng Thế Phong, cũng trở thành người em, người bạn thân thiết của Đặng Bạch Tuyết.

Nhạc sĩ Đặng Thế Phong (ảnh: internet)

Gia đình lâm vào cảnh nghèo túng, Đặng Thế Phong đang học trường Paul Doumer đã phải thôi học, lên Hà Nội, vừa dạy học tự kiếm sống vừa học thêm về âm nhạc. Chàng còn ghi tên theo học dự thính ở Trường Mỹ thuật (Beaux arts). Tại trường này, có lần Đặng Thế Phong vẽ một bức tranh cây cổ thụ, nhưng trơ trụi, không một chiếc lá. Thầy Hiệu trưởng, hoạ sĩ Tardieu, đã buông một câu nhận xét: “Cậu vẽ đẹp, nhưng buồn quá. E là số của cậu không được thọ…”. Lời nhận xét đó, không ngờ, như một lời tiên tri, đúng như số phận Đặng Thế Phong; nhưng là Đặng Thế Phong nhạc sĩ, chứ không phải là Đặng Thế Phong hoạ sĩ. Chính thời gian học dự thính Trường Mỹ thuật, chàng đã sáng tác, viết và vẽ tranh minh hoạ cộng tác với báo Học sinh của Phạm Cao Củng, một nhà văn viết truyện trinh thám nổi tiếng đương thời. Đặng Thế Phong cùng người bạn thân là Vũ Đức Toa ở trọ tại nhà 16 phố Tô Tịch. Chàng đi dạy học tư, đi vẽ minh hoạ cho các báo, vẽ tranh truyện cho các nhà xuất bản, hoặc vẽ quảng cáo cho các rạp chiếu phim. Và, hàng ngày, chàng thường phải đi qua ngôi nhà 63 phố Hàng Bông, một cửa hàng bán chăn, gối, đệm. Cô gái đứng bán hàng là Bạch Yến, một hoa khôi của thị xã Thái Bình, lên Hà Nội bán hàng cho người cô. Thế rồi, Đặng Thế Phong đã đem lòng yêu Bạch Yến. Sau nhiều ngày thầm nhớ, nhiều đêm thao thức, chàng đánh bạo bước vào cửa hàng, trao tận tay Bạch Yến lá thư tỏ tình. Tiếp theo là những ngày thật hồi hộp, lo lắng, phấp phỏng đợi chờ. Thật may, Bạch Yến cũng mạnh dạn gửi thư cho Đặng Thế Phong, và cũng yêu chàng!... Đặng Thế Phong liền về Nam Định, để nói với chị gái về Bạch Yến, về hạnh phúc của mình. Sau đó, chàng đưa Bạch Yến về Nam Định, để giới thiệu với chị Bạch Tuyết. Từ đó, thỉnh thoảng Bạch Yến về Thái Bình đều ghé qua thăm chị và em gái của Đặng Thế Phong.

Sống trong xúc cảm tình yêu thắm thiết, năm 1940, Đặng Thế Phong đã viết ca khúc Đêm thu. Và chính chàng đã hát Đêm thu, tự đệm bằng cây đàn guitare, nên nhạc phẩm có một sức cuốn hút lạ thường. Công chúng yêu tân nhạc ở Hà Nội và Nam Định vô cùng mến mộ chàng. Có một buổi tối rất đáng nhớ, Đặng Thế Phong biểu diễn ca khúc Đêm thu tại rạp Olympia, ở phố Hàng Da, Hà Nội, những người mến mộ chàng đã vỗ tay vang dội từng đợt, từng đợt cùng những tiếng hét vang tưởng như vỡ rạp hát! Nhưng rồi, ngay hôm sau, Đặng Thế Phong đã cùng người chú là Đặng Trường Thọ, kém chàng hai tuổi, lên đường vào Sài Gòn để kiếm sống, phần nào còn để thoả chí tài tử. Hai người còn đi tiếp sang Phnômpênh, Campuchia. Rồi họ đã hiểu ra, vẽ tranh quảng cáo và dạy nhạc đâu phải là nghề có thể làm giàu! Ngoài sự thôi thúc của một tâm hồn tài tử, trong Đặng Thế Phong cũng có nung nấu ý muốn viễn du phương nam để có thể trở nên giàu có một chút, là để sau này Bạch Yến đỡ khổ khi về sống cùng chàng. Đây là những ngày Đặng Thế Phong nhớ thương Bạch Yến vô cùng. Nhiều khi nỗi nhớ thương khiến chàng đau đớn, và chàng cũng thấy thương cuộc đời mình. Sự phiêu dạt tới nơi xa thẳm, trôi dạt sang cả xứ người, vẽ và dạy nhạc cật lực cũng chỉ đủ sống lay lắt, ngày tháng lênh đênh và buồn đã thành nguồn cảm xúc để Đặng Thế Phong viết nhạc phẩm Con thuyền không bến, một ca khúc bất hủ với giai điệu thật buồn thương và cũng thật huyền diệu:

Đêm nay thu sang cùng heo may

Đêm nay sương lam mờ che mây

Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng…

Cuối năm 1941, gần như kiệt sức trong cuộc mưu sinh nơi xa xứ, hai chú cháu Đặng Thế Phong quay về quê nhà mà trong túi không còn một đồng. Đau thương hơn, chàng đã nhuốm bệnh lao phổi, một căn bệnh thời đó coi là nan y. Thời điểm này, ca khúc Con thuyền không bến đã được phổ biến khá rộng rãi. Nhưng đầu năm 1942, khi ca khúc này được công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội, thì danh tiếng của Đặng Thế Phong mới thực sự là nổi như cồn. Có thể nói, đó là những ngày mà ở đâu người ta cũng nhắc tới bài hát Con thuyền không bến và Đặng Thế Phong. Lắng nghe được dư luận mến mộ Đặng Thế Phong, nhiều lúc Bạch Yến vừa tự hào vừa thấy nhói đau trong ngực. Những buổi ngồi bên bạn tình trong Nhà hát Lớn, Bạch Yến sung sướng mà nước mắt ứa giàn giụa. Nàng đã biết thực trạng sức khoẻ và bệnh tình của Đặng Thế Phong!...

Rồi Đặng Thế Phong phát bệnh nặng, Bạch Yến cùng chị Bạch Tuyết bắt đầu phải đưa chàng đến dưỡng bệnh ở Trại hoa Ngọc Hà. Hai người thay nhau chăm sóc chàng. Đó là những ngày thu ảm đạm. Người nhạc sĩ mà báo chí đang có nhiều bài ngợi ca lại đang phải nằm trên giường bệnh với những cảm giác tê tái mà người đời không mấy ai hiểu đặng. Chàng yêu cuộc sống, nhưng cũng tự biết rằng, sống được thật là khó khăn vô cùng. Đây cũng chính là quãng ngày nhạc sĩ có những xúc cảm xuất thần, chàng viết tác phẩm quan trọng của cuộc đời mình, đó là ca khúc Vạn cổ sầu, giai điệu sáng trong như nước mắt tuổi trẻ, đẹp mà thắt lòng: “Ngoài hiên, giọt mưa thu, thánh thót rơi. Trời lắng u buồn, mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong sương thu…” Bạch Yến là người đầu tiên nghe Vạn cổ sầu qua giọng ca mệt mỏi và yếu ớt của Đặng Thế Phong. Nàng đã giàn giụa nước mắt khi nghe chàng hát. Hầu như cả cuộc đời người nhạc sĩ đã biến thành nước mắt long lanh, sáng trong, và nó thành phần hồn trong âm nhạc của chàng. Nhiều năm sau, Bạch Yến nói với những người thân rằng, những phút giây đó chưa bao giờ chết, vẫn theo suốt cuộc đời nàng! Sau này có người đã thần thánh hoá, kỳ dị hoá về sự ra đời của kiệt tác âm nhạc, đã kể rằng: Sau một lần thổ huyết, Đặng Thế Phong đã lấy máu mình viết những câu đầu tiên bài hát Vạn cổ sầu(!). Đó là giai thoại. Chuyện thực đời thì giản dị hơn, một số bạn thân của Đặng Thế Phong thấy đầu đề ca khúc quá u sầu, nên đã đề nghị chàng đổi thành Giọt mưa thu, và chàng đã đồng ý. Ca khúc Giọt mưa thu nhanh chóng được người đời say mê, trân trọng. Trên nhiều miền đất nước, công chúng âm nhạc đều yêu thích, ca tụng Giọt mưa thu. Một số báo chí đã viết về Đặng Thế Phong là một tài năng lớn. Báo Trung Bắc chủ nhật  gọi Đặng Thế Phong “là Mozart của Việt Nam”, và ghi nhận chàng là hiện tượng vinh quang không đợi tuổi!..

Chính những ngày công chúng tân nhạc yêu chuộng Đặng Thế Phong nhất, thì người thân của nhạc sĩ phải đưa chàng vào Nhà thương Cống Vọng. Nhưng bệnh của chàng ngày càng trầm trọng hơn. Bạch Yến chăm sóc Đặng Thế Phong bằng tình cảm của một người vợ chưa cưới. Nàng đã gõ cửa nhà những bác sĩ nổi tiếng, nhưng họ đều bó tay. Bạch Yến đưa chàng về Nam Định để chữa chạy cả bằng Tây y và Đông y. Nhưng, đã là lúc Đặng Thế Phong tự biết mình sắp phải từ giã cõi đời. Trời đang mùa thu, thấy đời sống sao mà ảm đạm quá, và chàng đã nói với Bạch Yến rằng, xin được gặp lại ở kiếp sau. Rồi chàng bảo em gái đưa cho mình cây guitare. Chàng gắng gỏi chơi Khúc nhạc chiều của Franz Schubert, được mấy câu loạng choạng, những giai âm bỗng trở nên mơ hồ, huyền ảo quá, và xa vắng quá… Chàng buông rơi cây đàn, nằm vật xuống, là lúc Bạch Yến kêu lên những tiếng thất thanh. Đó là ngày mùng 2 tháng Tám năm Nhâm Ngọ (1942), Đặng Thế Phong mới 25 tuổi đời!

Đám tang nhạc sĩ vào một buổi chiều có mưa. Người đưa tiễn chàng nối đuôi nhau thật dài. Chàng đã sang một bờ bến khác, có lẽ không còn biết gì về cõi mình vừa đi khỏi, nơi đang diễn ra một việc chưa từng có bao giờ. Là một đám tang. Một người bạn thân của chàng là Bùi Công Kỳ, sau này là tác giả ca khúc nổi tiếng Ba Đình nắng, bỗng dưng cất tiếng hát:

Ngoài hiên giọt mưa thu… thánh thót rơi…

Trời lắng u buồn… mây hắt hiu ngừng trôi…

Ai nức nở…thương đời…

Và càng lạ lùng hơn, dòng người đưa đám đã cất tiếng hát theo Bùi Công Kỳ cùng những tiếng nức nở. Xa chưa từng có, và chắc muôn sau cũng không có một đám tang như vậy. Đó là đám tang mà người đời gọi là đám tang “Vạn cổ sầu”, đám tang “Giọt mưa thu”..!

Những tháng, năm tiếp theo, trên quê hương Nam Định cũng như nhiều miền quê khác của đất nước ta, thật nhiều loạn lạc, thật nhiều đạn bom. Vậy nên đến nay không còn tìm thấy mộ nhạc sĩ Đặng thế Phong cũng như không còn dấu vết gì của Trại hoa Ngọc Hà và Nhà thương Cống Vọng ở Hà Nội, nơi nhạc sĩ sáng tạo nên nhạc phẩm bất hủ trong những ngày cuối đời. May sao, Con thuyền không bến và Giọt mưa thu vẫn còn mãi trong nền tân nhạc Việt Nam, những giai âm buồn sáng trong và diễm lệ đã thay chàng ở lại lâu dài trong cuộc đời này!

 

(Nguồn: Văn nghệ số 1 – 2/ 2014)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn