Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: “Người đàn bà cười” – Trần Hanh

16-04-2013 02:44:00 PM

Mạ lớn lên từ ruộng mạ. Mẹ đẻ rơi Mạ lúc đang lom khom nhổ mạ ở thửa ruộng cuối làng. Nhìn nước da mịn màng như được xòa lên những ngọn mạ non xanh, thơm mát. Càng lớn, Mạ càng giống những đám mạ sắp vào vụ cấy. Không ai nỡ nặng tay hay nặng lời với cây mạ đang độ mơn mởn. Báo hiệu một vụ mùa ăm ắp lúa thơm.

Mạ hay hát, lớn thêm chút nữa, tiếng hát Mạ trở thành niềm kiêu hãnh, cô đi biểu diễn văn nghệ xã, huyện. Cô được phụ trách đội văn nghệ, được cô bác truyền cho những bài hát cổ của làng.

 Bố đưa khách về, bạn bố là dân văn công, thấy được tiềm năng có sẵn trong Mạ, khuyên bạn cho con gái đi học âm nhạc. Bố Mạ là con trưởng của ông trưởng họ. Dù đi công tác nhưng tư duy con trưởng chẳng thay đổi là bao.

-Thôi thôi, trông gương kia kìa, hôm nọ có cô ca sĩ hát cả ngày, đêm về ngủ mơ vẫn ông ổng hát, anh chồng say rượu không ngủ được dựng dậy vả cho có một cái mà gãy  hai cái răng cửa. Nay vẫn chưa mọc được kia kìa. Thôi, xem có thằng nào vừa vừa ý gọi đến bố gả cho.

- Sao có người ác thế, thôi thế thôi vậy.

Ông khách chợt cúi mặt, thở dài. Cốc rượu bên mâm cơm vội cạn nhanh và xin phép ra bàn uống nước.

Mạ lấy Hùng, để lại bao tiếc nuối cho đám trai làng. Họ kháo nhau rằng Hùng có biệt tài đốt lò gạch mà Mạ thì cũng thích được đốt lò nhưng là vì con gái. Hùng đã đốt lò là lửa cháy đều, tỉ lệ gạch chín cao ngất ngưởng. Bởi vậy trong vùng có bao nhiêu lò là bấy nhiêu ông chủ cần đến Hùng.

Mạ giống mẹ, đẻ dễ như đóng phim, kéo quần một cái đã có hai cô con gái giống nhau như hai bông hoa nở cùng giờ. Đến nỗi chính Mạ phải xem xét từng tí trên cơ thể hai đứa để tìm dấu vết riêng. Nhưng Hùng thì chịu không sao nhận ra. Đành lòng, Mạ làm hai cái nơ khác màu buộc sẵn vào chân, cái vàng, Hùng đặt tên là Cúc, cái trắng đặt tên là Huệ. Mạ vô cùng thích thú và ngập tràn hạnh phúc. Cô hôn chùn chụt lên từng cặp mông hai đứa.

*

Tối muộn cuối hè, thin thít gió. Dòng điện cuối nguồn lờ đờ cái quạt như hết hơi. Bóng điện chỉ là con đom đóm đực cỡ lớn. Xóm giềng ắng lặng như từ thế kỷ trước chỉ còn lạch xạch tiếng khua bát đũa. Các con đã ngủ say, Mạ bưng mâm cơm đặt lên bàn gọi chồng. Hùng đứng dậy xách chai rượu, ngồi xuống và chắt cốc rượu định uống, bất chợt nhìn thấy vết nhọ trên má vợ, anh nguýt nhẹ.

- Đến bữa ăn còn chưa sạch cái mặt.

- Sao kia anh?

- Nhọ kia kìa. Hùng chỉ tay vào má vợ.

- à, tại mình đẻ sinh đôi. Em phải đánh dấu cho con nó quen dần, đứa nào nhìn thấy thì bú bên có nhọ. Đứa kia bú bên kia.

Hùng uống cạn chén rượu, cái chén gõ cạch xuống mâm.

- Gì thế anh?

- Chỉ bố là mất phần.

Sau vết nhọ, màu hồng rựng lên trên má gái vừa độ ngấu.

Bây giờ Hùng mới để ý thấy bát canh chuối nức thơm mùi xương xông, lá lốt.

- Kiếm đâu ra ếch thế này?

- Đôi này yêu nhau quá anh ạ.

- Nghĩa là sao?

- Em ra đồng chiều nay, gặp chàng với nàng đang yêu nhau. Em vồ. Được chàng. Nàng nhảy mất. Em thắt lưng chàng lại rồi buộc vào đỉa quần. Đang lúi húi làm thì ai ngờ nàng quay lại, nhảy lên định cứu chồng. Em tóm được. Thế là nhà ta được bữa ngon, có cả âm và dương.

- Thế mà chả để riêng ra, giờ thì biết đằng nào.

- Thì nó yêu nhau mà lại. Anh ăn cả âm lẫn dương cho khỏe.

*

Hai cái bím đuôi gà của hai cô con gái vừa ngúng nguẩy sau lưng thì Mạ mang bầu. Hôm nay gió lộng. Căn nhà ngập tràn gió và hương đồng. Bà nội vừa dắt hai đứa ra cầu nước vừa cưng nựng.

Đâu nơ vàng đâu, ra bà tắm trước cho nào.

Tắm xong thì cái nơ ướt sũng. Việc đầu tiên là bà phải thay nơ không là sẽ bị lẫn lộn. Hai bộ quần áo trẻ con phơi trên dây bao giờ cũng được buộc kèm cái nơ xinh xinh. Trong bếp Mạ vừa làm vừa cất tiếng hát, bài ca cổ của làng. Bà tắm xong cho hai đứa thì Mạ cũng dọn mâm cơm giữa nhà. Cả nhà quây quần. Hùng vẫn kè kè chai rượu, anh không nghiện nhưng bữa nào cũng uống một hai chén, anh bảo uống cho vui nhà. Chẳng hại gì đến ai. Mạ cũng thấy vui vui khi nhìn chồng uống một cách ngon lành, dù mâm cơm sơ sài chẳng có gì to tát. Mạ gắp con tép kho vào bát mẹ.

- Mẹ ăn đi cho nóng.

Bà cụ vừa đưa lên miệng cắn, bỗng chun mũi.

- Sao con nấu mặn thế?

- Con nếm thấy vừa mà.

Hùng uống xong chén rượu cũng xen vào.

- Dạo này nhà con hay nấu mặn lắm.

- Mặn quá. Nhưng khéo lần này con đẻ con trai rồi.

- Thế á mẹ? Thế thì thích quá. Anh. Sướng nhé.

- Sướng gì. Mặn chết cha. Thảo nào cứ tưởng đứa nào nghịch rắc muối ở sau nhà.

- Ôi. Thế kia anh. Thế mà em cứ tưởng…

Bữa cơm trôi qua trong không khí vui vẻ. Nơ vàng, nơ trắng cũng bắt chước bà cứ chun chun cái mũi nhỏ xíu.

Mấy sào lúa của nhà được chăm bón tốt, bời bời xanh. Mẹ chồng và Mạ hợp tính hợp nết, cùng sẻ chia công việc đồng áng, kể cả việc nhà. Nhiều lúc mẹ con tranh làm, nhường ăn. Mạ đang mang bầu nên bà cụ càng giành nhiều việc hơn. Có lẽ bà tin tưởng Mạ sắp sinh cho bà thằng cháu nội, tuy bố nó là thứ nhưng nó lại là đích tôn. Vì bác cả không có con giai. Quý hóa quá, cụ ông mà còn sống thì sướng phải biết. Người ta bảo giàu con út khó con út. Con giai bà tuy không giàu có nhưng vợ chồng yêu thương nhau. Con dâu hiếu thảo lại tảo tần, bà còn mong gì hơn. Mai kia có thằng cháu nội, bà sẽ sang ở hẳn với vợ chồng nó, sướng khổ gì mẹ con sẻ chia. Bà cứ nghĩ như thế.

 Mạ đang lâng lâng trong hạnh phúc vì đã có hai con gái xinh xắn, nay lại sắp sinh cho chồng thằng cu tí thì tai họa bất ngờ ập xuống. Tiếng thất thanh trong chiều chớp giật của bà hàng xóm làm Mạ ngất luôn tại chỗ. Nơ vàng, nơ trắng đi chơi sa xuống đoạn đường bị sụt, lại bị ăn bớt xi măng tạo thành cái vực. Hai đứa bé như hai hòn gạch lăn tỏm xuống ao ven đường. Người lớn không ai hay, mãi khi con bé nhà bên cùng chơi chạy về bảo mẹ, thì bà mới biết và hô hoán. Từ lò gạch chạy về, Hùng đen nhẻm những khói và bụi, anh quỵ xuống mặt đất kêu gào. Hùng bất chợt bổ vào bếp cầm con dao: Tiên sư thằng giám sát thi công, tao đến để hỏi tội. Thảo nào làm xong đường nó xây ngôi nhà to vật, đường thì trâu đi cũng lún. Mọi người ra sức ngăn cản, ôm chặt lấy Hùng. Hùng vứt con dao đánh quạch xuống sân, miệng lắp bắp: “Rồi khắc có ngày mày phải đền mạng”. Mạ cũng đã hồi tỉnh. Tóc tai rũ rượi, khóc không thành tiếng. Nhưng cô ngất lên ngất xuống. Mọi người bế thốc cô sang trạm xá cấp cứu. Cái bụng chửa cứ phập phồng. Ai ai cũng lo cho cái thai trong bụng. Xóm giềng tập trung lo ma cho hai đứa trẻ tội nghiệp. Trời đổ mưa như vỡ. Gió xoắn vặn, cây cối kêu răng rắc. Tất cả áo quần hai con Mạ đều mang theo cho chúng. Chỉ giữ lại hai cái nơ, cô cẩn thận cho vào túi nilon cất kỹ vào đáy hòm như cất đi một nỗi đau.

*

Những đêm dài sau đấy, nằm ngủ bên chồng mà hai tay rỗng không. Mạ ngồi lên nằm xuống, tấm tức khóc. Hùng phải kêu lên: “Em cứ thế thì làm sao anh sống được, còn đứa bé trong bụng nữa, thương anh thương con thì em phải cố lên chứ”. Hai vợ chồng nằm ôm nhau. Ngoài đêm tiếng gà lắc lơ gáy và ào ào gió thốc.    Thấm thoắt đã đến ngày sinh nở, Mạ chuẩn bị tã lót quần áo để chuẩn bị đón chào một thành viên mới. Tuy bà nội nói vậy nhưng cả hai vợ chồng vẫn chưa tin. Bảo đi siêu âm nhưng vì chuyện của hai đứa dại nên chẳng ai thèm nhắc đến nữa. Thôi thì con nào bây giờ cũng là vàng là ngọc.

Hùng gò lưng trên chiếc xe đưa vợ đi đẻ. Đường lên bệnh viện có chục cây số mà như kéo dài tận đâu. Đến lúc mỏi nhừ hai tay lái thì cổng viện đã ngay trước mặt. Vốn dễ đẻ. Chỉ qua một đêm cùng vài cơn đau thí dụ. Sáng hôm sau, cô y tá đã chạy ra gọi:

- Anh Hùng đâu, con giai nhé.

- Đâu. Đâu?

Hùng bổ vào phòng, đòi bằng được cô y tá đang bế thằng bé vạch chim ra cho xem. Hùng săm soi kỹ lưỡng rồi bỗng giơ hai tay.

- Đúng của tớ rồi.

- Chả của anh thì của ai? Cô y tá vặn lại.

- Tại cũng có nốt ruồi ở đây như của tớ.

Hùng chỉ tay vào nốt ruồi nhỏ xíu đậu ngay gần đầu chim thằng bé.

- Nhưng của anh to hơn. Mạ bỗng cắt ngang, cả phòng bật buồn cười vì câu nói vô tư của Mạ. Cũng lâu lắm rồi cả Mạ và Hùng mới có lại được những nụ cười rạng rỡ nhường kia.

Thằng bé hay ăn, sữa mẹ căng đầy. Cả hai đều có nhu cầu cho và đòi như thế. Hùng đi làm về là tắm táp, bế con. Cơm cháo đã có bà hoặc chị gái Mạ lo. Gia đình vui vẻ trở lại sau dài ngày buồn bã.

Bây giờ chỉ còn hai vợ chồng và cu Tí. Bà đã về ở trên nhà bác cả, chị gái Mạ cũng thi thoảng sang chơi với cháu chốc lát. Ai cũng khen cu Tí giống bố, có duyên, lại mịn màng nước da của mẹ. Cậu hay sà vào lòng bố, đòi bố kiệu trên lưng. Lúc ngủ đòi cưỡi ngựa. Thế là lúc nó gọi bố là bò Hùng, lúc lại gọi là ngựa Hùng. Nhất nhất Hùng cứ làm theo lệnh của con. Thấy thế Mạ trêu: Lúc nào cu Tí cho mẹ mượn bò được không?

- ứ ừ, để mẹ làm gì.

- Mẹ đi cày.

Nhưng bò Hùng chỉ biết đốt lò gạch thôi.

*

Chiều thu. Trời khô. Gió nhẹ. Đám khói từ những lò gạch không bay xa được, chúng luẩn quẩn trên các lùm cây tỏa mùi hăng hắc đặc trưng nhiều tán cây đã sẹm lá, vài cây chết đứng vì những làn khói lò gạch. Nhưng mùa này là mùa làm ăn, bao nhiêu gạch ra cũng không đủ cho dân xây dựng. Nào nhà cửa, tường rào, nào lát sân, xây cổng. Hùng cứ quay tít mù như chong chóng trong đám lò gạch cuối làng. Thế mà hôm nay, Mạ đi làm về sớm đã thấy hai bố con đùa nhau trên hè. Khói thuốc lào vẫn còn múa hoa trên đầu.

- Sao anh về sớm thế.

- Tớ được về sớm vì có thành tích. Cu Tí leo theo:

- Thằn tứt.

- Cái bộ anh đi muộn về sớm, ăn muốn ăn ngon, làm thì chọn việc cỏn con mà làm. Đòi thành tích.

- Thế mà cỏn con lại làm nên thành tích. Không, kỳ tích mới đúng.

- Lại gì nữa đây.

- Tớ thèm thuốc lào, lấy thuốc ra vê một điếu cho vào nõ. Châm lửa. Rít. Say. Khói cuộn như rồng. Vô ý, xì cái bã thuốc, chẳng may lại gặp cơn gió cái, nó thổi vèo cái bã thuốc vào cửa lò. Ai dè nó bùng lên, cháy luôn vào củi đã xếp sẵn. Thế là đốt xong cái lò. Lão chủ sướng quá, chả mất xu tiền điện, thưởng luôn tớ chai rượu. Vẫn để phần vợ đây này.

- Chỉ được cái bốc phét.

- Thôi. Vợ bắt con gà thiến mổ chiều nay vừa ăn mừng, vừa cho con nó kiếm miếng.

- Ơ. Anh không biết à. Chiều qua con gà thiến nhà mình đuổi ăn con dế, con dế nhanh hơn, chui tọt vào hang. Con gà chui theo, chẳng biết có bắt được  dế hay không mà hôm nay chưa thấy ra. Anh muốn thịt thì chịu khó đào lên, Hùng vác cuốc ra sau vườn, loanh quanh rồi cũng tìm thấy cái hang to khác thường. Anh phầm phập bổ, được mấy nhát thấy cái đuôi gà thò lên. Thêm vài nhát, Hùng tóm được hai cẳng, giật mạnh anh ngã ngửa vì mất đà, con dế lao vèo qua mặt vì bị cướp mồi: Mẹ cha dế, mất toi con gà. Hùng xách hai cẳng gà cùng túm lông đuôi dính tí da hậm hực đi vào. Vừa trông thấy, Mạ reo lên: Thấy rồi hả anh. Để em đi đun nước.

- ừ, nhanh lên chả thối nốt bây giờ.

- Mẹ cha nó, dế với chả giun. Phí cả chai rượu quý. Sao nhà mình lắm dế thế không biết.

- ừ. Dế nhà mình ăn bã thuốc của anh, con nào con ấy béo mũm. Gà béo lắm hả anh.

- Béo!

*

Hùng ốm ngúc ngắc mấy hôm thì đổ bệnh. Mạ vội gửi con đưa chồng lên viện. Kết quả xét nghiệm như tiếng sét giáng xuống đầu. Hùng đã nhiễm quá nhiều và quá lâu khói độc bốc ra từ than củi lò gạch. Vậy mà anh âm thầm chịu đựng. Mạ cũng vô tâm chẳng hay biết gì. Bây giờ gánh nặng bắt đầu đè lên vai. Mạ tự nhủ còn người là còn tất cả. Cô đưa Hùng lên tuyến trên, kết quả xét nghiệm không thay đổi. Tệ hơn nữa, bác sĩ khuyên cô đưa Hùng về nhà chăm sóc. Cô sụp xuống sau cái lắc đầu của bác sĩ. Còn nước còn tát, cô lại đưa Hùng lên tuyến trên cao nữa, cao thì cao tiền. Tài sản hai vợ chồng có gì đâu. Mẹ đẻ, mẹ chồng dúi vào tay cô mỗi người chỉ vàng. Mạ cậy nhờ bác sĩ khám điều trị thuốc men cho chồng. Chưa đầy tháng, hai chỉ vàng bốc thành hơi. Rồi Hùng  trút hơi thở cuối cùng trên tay Mạ. Cô không khóc được nữa, giờ đây chỉ là  cái xác không hồn. Người nhà phải đưa hai người về trên chiếc xe màu trắng giá lạnh. Mạ ôm con cùng mọi người đưa Hùng về nơi hai giọt máu của họ nằm.

 Mạ không dậy được. Cuộc đời đã quá tàn ác với cô, cô còn gì để mà phải sống trên đời. Bỗng đứa bé khóc ré. Mạ bừng tỉnh trong cơn mê sảng, tiếng vọng từ đâu dội vào trí não: Em phải sống. Không được để con bơ vơ, cu Tí mới là cây mạ non không thể để thành cỏ dải được. Đúng rồi. Mình phải sống. Cu Tí đang cần và đòi bú mẹ. Gia đình đang ăm ắp và vô tận tiếng cười, bỗng chốc hai lần giông bão ập xuống để lại hai mẹ con bơ vơ. Xót xa và đau đớn biết nhường nào. Nhiều lắm những đêm nước mắt mẹ ướt đầm ngực áo con. Hai con người đang oằn mình để sống, để vượt qua. Hằng đêm, tiếng vọng vẫn hay vọng về mỗi khi Mạ muốn khuỵu xuống. Và cái miệng xinh xinh ngậm vào đầu vú cũng như làm cho Mạ có sức mà gượng dậy. Mẹ chồng bây giờ sang ở hẳn với cô. Ba thế hệ đùm dúm nhau, che chắn cho nhau. Nước mắt Mạ không còn, bao sinh lực cô dành cho cu Tí. Đấy là tình yêu, niềm kiêu hãnh cả lẫn đắng cay cô đã từng chịu đựng. Vậy mà trời vẫn chưa buông tha. Những cơn đau âm thầm xuất hiện, đi khám thì bác sĩ lắc đầu nói chưa phát hiện ra. Mạ quên đi tất cả. Ngoài việc đồng áng, cô đi cấy thuê, làm cỏ thuê, làm tất tật để con cô được đầy đủ. Một mệnh lệnh không lời từ sâu thẳm thúc giục cô phải sống và làm việc. Kể cả chẳng may có mắc bệnh thì cũng phải chạy chữa để sống. Thế mà Mạ có bệnh thật. Bệnh nặng hẳn hoi. Đó là kết luận cuối cùng của bác sĩ. Cô phải nằm viện. Được. Cô sẽ gửi con. Cu Tí cũng sẽ đủ dũng cảm để vượt qua khi mẹ vắng nhà. Mạ tin như thế.

*

Ngồi trên xe đến bệnh viện mà lòng cô rỗng roãng, không nghĩ được cái gì. Thỉnh thoảng cô kín đáo lấy cái tã cũ lùa vào ngực để vắt sữa từ hai bầu vú căng nhức. Sữa ra tới đâu, ngực cô nhẹ đến đấy. Nhưng nước mắt lại chứa chan, lòng cô như bị cào xé. Cu Tí chắc đang khát sữa quấy bà, vậy mà Mạ phải vắt những giọt ngọc từ máu mình bỏ đi.

Ngoài những ngày nằm truyền thuốc, Mạ đi lại chuyện trò cùng mọi người. Mệnh lệnh sống và niềm tin đã giúp Mạ vững tâm ở lại bệnh viện. Gái nhà quê rỗi tay chân là khó chịu. Mạ cần phải làm cái gì đó để kiếm tiền, vay mãi sao được. Chị trưởng khoa khi biết hoàn cảnh rất thương Mạ. Càng quý hơn khi biết Mạ là người có nghị lực khác thường. Sau vài lần đi ăn cơm, bằng những câu chuyện dí dỏm Mạ được bà chủ quán cho dọn dẹp bát đĩa ngày hai bữa. Chị trưởng khoa cũng đồng ý cho phép Mạ ra ngoài làm thêm ngoài giờ phải tiêm thuốc. Mạ thấy vui vẻ và tự nhiên lại muốn kể chuyện quê nhà cho mọi người cùng nghe.

Buổi tối, khi mọi người đã cơm nước xong, mặc cơn đau vẫn gõ nhịp trong người, Mạ thủng thẳng: “Hôm ở huyện em, có hai anh trọc đầu đi xe máy to, chạy nhanh, vượt cả đèn đỏ. Thấy thế hai anh cảnh sát giao thông phóng xe đuổi theo. Cả đoàn đuổi nhau làm một phen chao đảo phố huyện. Chạy gần hết phố mới đuổi kịp một anh, anh kia chạy thoát. Hai anh cảnh sát giao thông xuống xe, một anh toét còi, anh kia chỉ gậy vào anh trọc đầu. Lúc ấy anh trọc mới xuống xe. Anh giao thông quát: Anh cho kiểm tra giấy tờ”.

Vừa nói xong thì tá hoả là cậu em vợ

- Cậu đi đâu mà chạy như rồ thế.

- Vợ em đi cạo sơn, chẳng biết sao gặp cây sơn chảy nhiều như tiết lợn đến nỗi tràn xuống dính chặt hai chân xuống đất,  gọi điện em xuống cứu. Có khi phải đào cả đất cả người mang về.

- Thôi đi đi không mối xông hết bây giờ.

Cả phòng rũ ra cười, như bị thôi miên, trong lúc Mạ vẫn điềm nhiên cầm cốc nước uống từng ngụm nhỏ. Làn da đã thôi mịn từ lâu, giờ lại bầm thêm mấy nốt tím trên mặt, tóc rụng đã gần nửa, chỉ cái miệng hay cười là còn nguyên nét duyên dáng thời con gái.

Mọi người còn đang ngặt nghẽo vì câu chuyện, Mạ rớm nước mắt, ý tứ quay vào tường, tay cầm cái tã cũ. Ngực lại căng nhức. Ước gì được cái miệng cu Tí ngậm vào. Giá mà có đứa trẻ  nào ở  đây Mạ cũng cho nó bú còn hơn là cứ phải vắt sữa bỏ đi. Cô nuốt khan như cố dằn đi nỗi đau bất tận. 

Hơn hai tháng nằm viện chóng vánh trôi qua. Khi thân thiết nhau rồi là lúc Mạ được ra viện. Mọi người mừng cho cô nhưng lại muốn cô ở lại để được nghe nói chuyện. Bệnh nhân trong phòng thấy như mau khỏe hơn. Nhưng con Mạ đang mong, Mạ phải trở về vùng quê hẻo lánh, mảnh đất sinh dưỡng cô và cho cô biết bao kỷ niệm vui buồn. Chị trưởng khoa kéo Mạ vào phòng.

- Chị rất quý em. Em phải giữ gìn sức khỏe, thường xuyên thông báo tình trạng sức khỏe cho chị biết. Bệnh của em chưa hết đâu.

- Em khỏe rồi mà.

- Đấy là em tin như thế.Thôi chị tặng em một phần tháng lương, em về bồi dưỡng và mua quà cho cu Tí.

Cầm cái phong bì Mạ xúc động ôm lấy trưởng khoa nước mắt nhạt nhòa.

Mạ chia tay mọi người rồi vội vã ra xe. Bây giờ mới để ý đường phố. Thủ đô sao mà to đẹp thế. Người xe như đàn kiến chen chúc trên đường. Dường như người cả nước về tất thủ đô để sống. Chỉ riêng những người làng của Mạ mới ở lại làng. Con đường vun vút chạy lùi. Tự nhiên Mạ hát thầm bài hát cổ, bài hát chỉ người quê cô mới hát.

Mẹ chồng thấy cô đầu tiên, gọi toáng lên.

- Cu Tí mẹ con về này!

Thằng bé lấp ló sau cánh cửa. Hơn hai tháng xa con, Mạ bỏ rơi túi xách giữa sân chạy vào ôm chặt lấy nó. Mạ rụi vào mặt, vào cổ thằng bé, nước mắt ứa ra khắp người con. Cu Tí ôm lấy mẹ bi bô:

- Mẹ về thật chưa?

- Thật rồi, đây chốc.

Bà cụ xách túi đồ của con dâu vào nhà hỏi.

- Con khỏe thật chưa?

- Con khỏe rồi mẹ ạ.

- Tốt quá. Nghỉ đi, mẹ đi bắt con gà mổ thắp hương xong cả nhà ăn mừng. à để mẹ gọi cả bà ngoại sang cho vui. Vừa nói xong thì bà ngoại chạy sang

- Em  chào bà, mẹ Mạ về hồi nào hả bà?

- Vâng, mẹ cháu vừa về tới đây.

Bà mẹ chồng đi ra vườn, bắt con gà trống to đang ngửa cổ gáy, xách vào.

- Mẹ Mạ, lấy mẹ con dao.

- Đây mẹ. Gà béo quá.

- ừ, ăn toàn dế mà.

- Nhưng bây giờ, dế bé tí.

Bà cụ mỉm cười ý tứ.

- Thế ngày trước dế béo à?

- Vâng. Nhà con chả mất mấy con gà cưỡng trong những hang dế. Nhưng mà vì hồi ấy anh Hùng còn sống hút thuốc lào. Mẹ này, để con nhờ người sang hút thuốc, phỉ bã cho dế ăn, bao giờ dế lớn con bắt vài con nhốt vào bu gà gửi biếu chị trưởng khoa. Vì ở Hà Nội dế là đặc sản đấy.

- ừ, được thế thì tốt quá. Người đâu mà tốt thế.

Mạ bỗng thần mặt, hai mắt cụp xuống. Bà mẹ đẻ nhìn thấy.

- Sao thế con

- Mẹ tính nợ nần từ lúc anh Hùng đi viện, bây giờ lại đến con nằm hai tháng

- Ôi dào. Lo gì. Để mẹ với bà đây, cả mẹ Tí nữa tập hút thuốc lào, phỉ bã cho dế ăn. Mỗi tuần bắt   vài bu mang đi Hà Nội bán thì ối tiền. lo gì.

 Hai người đàn bà nhìn nhau, chợt cùng bắt gặp ánh mắt rượi buồn của góa phụ trẻ.

Hôm sau, trời nắng nhẹ, mẹ chồng cùng Mạ mang gầu ra ruộng tát nước. Cu Tí lũn cũn theo, đứng trên bờ, thấy bà và mẹ gò lưng kéo gầu, nó bảo:

- Bà với mẹ đừng tát nữa.

- Sao vậy con? Mạ ngướng mắt lên hỏi lại.

- Để con tè một cái là đầy nước.

- úi giời. May quá. Con tè cho mẹ đi.

Thằng bé tụt quần cầm chim tè thật. Dòng nước nhỏ lấp lánh dưới ánh mặt trời. Cái nốt ruồi đen đen ở gần đầu chim nhìn xa cũng thấy.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn