Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Cánh bèo hoang nợ một đắm chìm

Kiều Thu Huyền - 16-04-2013 02:36:22 PM

VanVN.Net - Lê Quang Sinh - một cái tên với tôi quen nhiều hơn lạ. Quen vì tôi thích thơ anh, thích cái kiểu tử tế trong thơ anh. Thế nhưng để viết về thơ Lê Quang Sinh đâu phải dễ, người khen thì dựa vào đôi câu thơ để tán tụng ngút trời, kẻ không thích thì ôi giời kệ, đọc để biết nhau thôi. Được cái người đối diện với anh không bị anh đầu độc thơ, cũng chẳng lấy thơ để hù dọa hay tung chiêu này, chưởng kia. Anh ít nói về thơ, cứ như thơ cũng chỉ là một phần cuộc sống. Mà cuộc sống của anh thì nhiều những âu lo, buồn phiền, những thấp thỏm, chờ đợi và cũng chẳng thiếu những niềm vui, sự hạnh phúc, và cả bình thản.

Nhà thơ Lê Quang Sinh

Câu chuyện của anh bắt đầu bằng hình ảnh hai đứa con, niềm tự hào của bất cứ ông bố bà mẹ nào, dẫu đôi khi không bằng con cái người ta thì đó vẫn là máu mủ ruột rà, nghĩ đến con là nghĩ đến ngày hái quả. Mà cô con gái đầu, và cậu con trai của Lê Quang Sinh thì đáng tự hào thật. Nghe anh kể từ khi quyết định cho hai đứa đi học, coi như cuộc đời gian truân, nợ nần, thất hẹn, keo kiệt, bủn xỉn bắt đầu (chẳng giống gì một đại gia thơ mà nhiều người vẫn tưởng nữa). Những tiếng thở dài theo bước chân của hai đứa con, theo mỗi kì đóng học phí cho con. Nhớ nhất là ngày tiễn con đi du học, cả hai đứa lên máy bay cùng một giờ, đêm về hai vợ chồng phải thốt lên: Mình có điên không nhỉ? Đương nhiên là cũng chẳng có mấy ai dám liều như Lê Quang Sinh, cũng chẳng có ai dám tự tin quyết định bán nhà kiếm 5 tỉ (tính theo tỉ giá lúc bấy giờ tương đương 800 cây vàng) cho con đi học, và cũng chẳng ai dễ mủi lòng trước ý định của vợ sang Mỹ làm nail kiếm tiền nuôi con.

Sau quyết định điên rồ ấy anh còn có rất nhiều những quyết định điên rồ khác, như về Văn phòng đại diện Báo Văn nghệ với lương 500 nghìn đồng một tháng, không đủ một bữa bia. Nhưng điên nhất chính là quyết định chuyển ra Hà Nội với chức danh Giám đốc Trung tâm văn hóa Hội Nhà văn. Tất cả bạn bè sốc khi nghe tin này. Anh kể nhiều bạn bè mỉa mai, mày ham chức giám đốc hay ham gì mà ra ngoài đó, ở đây người ta cho mày chức tổng giám đốc mà mày đâu có ham. Tôi lí giải cũng không được, chúng nó họp 26 đứa doanh nghiệp, bạn bè tuyên bố, chẳng nhẽ bọn tao 26 thằng không nuôi nổi một nhà thơ à Sinh. Rất chân thành. Bạn bè nồng nhiệt thế, còn Lê Quang Sinh không khỏi chạnh lòng nhìn lại: Các cụ đã nói có phúc có phần, trong việc con cái đi học mà không có bạn bè, tôi biết bấu víu vào đâu. Tình bạn lạ kì lắm, những người tôi giúp ngày xưa chẳng giúp gì lại, mặc dù rất giàu. Những người bạn gặp một lần có khi sẵn sàng cho vay vài chục nghìn đô. Ra Hà Nội, vứt hết đồ đạc, ô tô mới mua hơn 20 nghìn đô bán lại với giá 60 triệu, chiếc piano đẹp của cô con gái cũng được bán vội 30 triệu. Hai vợ chồng xách va li đi ra, nghĩ lại thấy mình hơn cả một thằng điên. Khi được hỏi có bao giờ anh nhói lòng khi nghĩ về những thiệt hơn của mối quan hệ bạn bè. Lê Quang Sinh lại nhẹ nhàng kể chuyện: Võ Thị Hảo có lần hắn bảo rồi ông sẽ nhận ra sai lầm khi đánh mất khối lượng bạn bè ông đã gây dựng bao nhiêu năm. Lúc đó Võ Thị Hảo đang làm sách, và sau khi tôi giới thiệu một người cho Hảo xong, hắn ra gặp lại tôi và nói: Tôi tin là ngoài những người bạn mới, ngoài những cái mới, bạn bè ở Sài Gòn không mất, tất cả những gì của ông ở Sài Gòn cũng không mất. Mà đúng thế thật đây, đến giờ tôi về bọn nó vẫn ríu rít, thi thoảng nhớ nhau quá, chúng nó lại mua vé cho tôi bay vô.

Đương nhiên người như Lê Quang Sinh có nhiều ở ngoài đời, nhưng những buồn vui họ trút hết lên vợ lên con, những thăng trầm cuộc sống họ trút hết vào chén rượu, còn với anh thơ là nơi chốn nương tựa, nó lành, hiền và dễ chịu nhất. Đã thế thơ anh lại không có tiếng thở dài. Thơ là nơi gửi gắm tình yêu. Tôi nhớ nhất hai câu thơ anh viết về người phụ nữ “Sông Mã, tạc giữa trời xanh/ Em xuống tắm thế mà lau trổ trắng”, và tôi vẫn tự tin rằng một người đàn ông chưa cần thốt ra những câu như thế, chỉ cần họ nghĩ thôi cũng đủ khẳng định đó là một người đàn ông tử tế. Chuyện yêu của Lê Quang Sinh giản dị, tình cờ và hữu duyên. Từ cái cảm giác lần đầu tiên chạm vào tay người bạn gái trên chuyến xe từ Thái Nguyên về Hà Nội, run nghẹt thở. Đến chuyện đi đường nhìn thấy cô bé thút thít khóc, rồi mời bằng được uống cà phê sau đấy là đưa số điện thoại bàn ở 43 Đồng Khởi cho người ta. Bẵng đi một thời gian cô gái chủ động gọi lại và mời anh ăn cơm. Sau đó vẫn là những giọt nước mắt: nếu không gặp anh thì hôm nay em đã là người thiên cổ rồi, vì yêu một người mà không được gia đình chấp nhận. “Chỉ một cái ôm của cô ấy, mình lâng lâng, “mất” cả nửa tập thơ “ Tôi hỏi: Đấy là tập thơ nào? Anh chỉ cười lấp lửng: Chẳng ai đủ nhẹ dạ, cả tin mà đi đến tận cùng. Có bài thơ gần 100 câu kể một mối tình từ khi yêu nhau cho đến lúc chia tay với những câu thơ giật mình thảng thốt: Đêm Phương Nam ngây ngất một sông Hồng hay Anh như con đò cắm ngã ba sông; Em nồng ấm mà xa gần, hư thực…/ Anh hóa nghèo bên của nả trời cho. Người ta bảo nhà thơ đa cảm là vậy, với nhiều người đa cảm chưa chắc đã đa tình. Còn với trường hợp Lê Quang Sinh, đa cảm sóng đôi cùng đa tình. Cho thuê nhà lấy tiền cho con đi học, hai vợ chồng phải thuê một ngôi nhà nhỏ, thuê gần bên nhà đôi vợ chồng trẻ, mà cô bé đang có bầu 4 tháng, giọng anh nhẹ nhàng:  sau này tôi mới biết. Hoa vượt rào là thế. Rất lạ là bờ rào hoàng anh, bên đó hoa nở vàng rực còn bên nhà mình thuê không một bông hoa nào. Và mình chỉ mong một lúc nào đó hoa bên kia vượt sang. Và ngẫu hứng đọc mấy câu. Sáng hôm sau chồng người ta vác dao chặt cây hoa, càng thôi thúc tôi viết: Hàng xóm chung nhau một vách/ Cách nhau một giậu hoàng anh/ Bên ấy sắc vàng rực rỡ/ Vườn tôi ngăn ngắt lá cành/ Mấy bận gọi nhau xin lửa/ Với tay qua vách rào thưa/ Mấy bận vì sao không rõ/ Tiếng chim lích chích như đùa/ Lá  cứ một trời biêng biếc/ Một trời rừng rực sắc hoa/ Tôi cứ tần ngần da diết/ Buông tay để lá theo mùa/ Vẫn biết mây về núi cũ/ Còn đâu ván đóng thuyền rồi/ Hoa nhà người ta ai nỡ/ Lửa chiều bén ngọn rơm côi/ Chim ơi thôi đừng lích chích/ Rào thưa đừng bén tơ hồng/ Mỗi bận gọi nhau xin lửa/ Gió trời đừng thổi mông lung/ Ai biết chiều xanh lỏng lẻo/ Màu hoa thiên sứ qua rào/ Ai biết lửa từ mắt cháy/ Tơ hồng vàng cả bờ ao. Rõ ràng có cái da diết, chút buồn, chút vu vơ, chút chạnh lòng nhưng quả là đẹp và đầy thi hứng. 

Càng về sau thơ Lê Quang Sinh càng gửi gắm nhiều tâm sự cuộc đời hơn, chuyện tình yêu đằm hơn, như chú ngựa hoang lâu ngày mỏi gối chồn chân, chợt nhận ra mình không còn “sung mãn”, cũng không quá nồng nhiệt, lại càng chẳng đủ run rẩy một mình hưởng thụ tình yêu. Cái cảnh của anh bây giờ là dùng dằng, ngại sẻ chia, ngại chinh chiến, thậm chí còn là nỗi sợ: Anh cách em một câu hát vội vàng/ Thong thả quá! Muộn một mùa cúc gọi/ Sông đắm đuối. Cành xanh còn tươi mới/ Hứng ngọt ngào mà ngại một ban mai/ Gió vẫn căng nâng đỡ cánh diều lên/ Cỏ vẫn sắc. Có điều chi mềm lại!/ Ròng rành ơi, lúng liếng của mùa ngâu/ Gõ trong trắng lên ao vườn nắng trải/ Những xưa cũ. Em là người mang lại/ Bỗng giùng giằng như chiếc nón nghiêng nghiêng.../ Những giông bão. Em là người mang lại/ Anh hóa cánh bèo hoang nợ một đắm chìm (Vĩ thanh). Hay bài thơ anh làm mới nhất Tự thoại nếu ai đọc cũng sẽ có cảm giác một người “nợ” nhiều như Lê Quang Sinh ngày càng thấy mình nợ nhiều hơn, nợ cái rối ren ở đời, nợ những luồn cúi, nợ những khuất lấp của cuộc sống, và chỉ có thơ anh mới có thể nói ra thơ nhất: Mang một chút  hồn quê góp vào buổi tiệc. Tôi như lúa đồng lã chã mồ hôi/ Tôi như khói mái gianh chiều tĩnh lặng/ Tiếng chân trâu gõ nhịp chân người/ Ngồi xuống chiếu đất lề quê thói/ Ngấm chút ngon xa nhớ mẹ canh bần / Biết hứng gió cây bền nơi gốc phật/ Mưa qua chùa nép hạt xuống sân/Tôi đắm đuối thi vị mình với cỏ/ Hăm hở say những hương cốm hương lài/  Nhiều gương mặt như thánh ca rỉ rả/ Nhiều trụi trần run rẩy chắp tay/ Vài vết son tượng vào chùa tưởng Phật/ Dăm vệt lan man khói tưởng đã trầm/ Thương chiếc lá tự cất mình lặng lẽ/ Gió đong đầy số phận long đong/ Những trưởng giả áo the cà vạt/ Sao mà thương gấm vóc lụa là/ Hiền nhân ơi, mong manh đành khuất lấp/ Hơi lẩu mịt mờ rõ mặt nhau không?. Khi  nghe anh đọc “hơi lẩu” tôi thấy rợn người, trong cái mớ bòng bong của những được mất, trong cái đường đời này những thắng thua rồi cũng như hơi lẩu kia thôi. Tôi thắc mắc sao anh làm thơ có vẻ chậm chạp quá, từ năm 2007  với Bên kia giá lạnh, đến giờ chưa ra được một tập thơ nào. Anh cười gượng ngịu: Một năm làm vài ba bài thơ thôi. Tôi không đủ tài năng để làm thơ một đêm vài ba bài, lại chẳng bao giờ tin ai đó một đêm có thể sản xuất ra cả trăm bài. Làm thơ không hay thì đừng có in nhiều. Tôi hỏi lại anh: Cách nói chuyện của anh khiến cho nhiều người cảm giác anh sống “khôn”? Anh khôn ngoan hay thật thà trả lời: Nguyên tắc là cắt nhỏ và đơn giản nó đi. Nếu đi về trước cửa nhà vợ quát thì lặng lẽ quay trở lại phòng làm việc, chứ không có đối đầu. Người thông minh là phải biết sống một cách thông minh hơn.

Tôi không biết Lê Quang Sinh khôn, khéo đến mức nào, nhưng nếu đọc thơ anh người ta thấy anh khôn nhất là vẫn giữ chất xứ Thanh. Tôi nghe anh say sưa đọc, hết bài này sang bài khác và chợt cười: Giọng Thanh Hóa của anh không lẫn đi đâu được. Anh cười khà khà, điểm yếu của tôi đấy mà. Khi nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đọc trường ca “Xin làng trồng lại cây đa” của Lê Quang Sinh ông đã phải thốt lên: Dùng từ giỏi quá. Tập thơ có quá nhiều thổ ngữ, nhưng không phải chữ nào cũng cần chú thích, đơn giản là cái cảm của người đọc. Tôi nhớ hình ảnh “Bóng mẹ nỏ trên sân” mà không phải là cháy, hay “Tiếng chim rụng giữa vườn xưa mại rồi”. Anh yêu, và tự hào mình là người Thanh Hóa, và còn vặc lại tôi: Cô có biết bản chất người Thanh Hóa là thế nào không? Người Thanh Hóa có hai đặc tính: Người đã Trung thì trung như Lê Lai, kẻ láu cá thì cũng không ai bằng. Đó là bản chất của một vùng đất. ít có vùng đất nào con người có thể tự giễu mình. Làm gì có tỉnh thành nào có quốc ca riêng. Có vua, có chúa. Và quan trọng hơn là có trạng. Tự hào lắm chứ.

Nói chuyện với Lê Quang Sinh, tôi nghĩ anh không chỉ là người không dại, anh còn là người tham lam. Yêu nhiều, thương lắm. Từ những đứa con, đến bạn bè, đến người tình, cả “mụ vợ già ở nhà” (theo cách nói của anh) rồi cả quê mình nữa.

Tôi thì vẫn nghĩ nhiều khi tham một tí, ham một tí, hăng một tí, biết đâu cuộc sống sẽ vui vẻ hơn, biết đâu một nhà thơ sẽ làm thơ hay hơn. Nhưng Lê Quang Sinh chỉ mỉm cười và đọc: Lạt măng buộc những được thua nỗi gì...

Nhà thơ Lê Quang Sinh sinh năm 1957. Quê quán: Xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

Tác phẩm đã xuất bản: Mùa hạ và cỏ xanh (1994); Phía sau làn nước (1997); Vầng trăng trong mắt (1999); Người hoạ mặt thời gian (2000); Bên kia giá lạnh (thơ 2007); Lê Quang Sinh thơ (Thơ tuyển chọn 2009) cùng tập thơ in chung và trường ca.

Giải thưởng văn học: Giải B báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam 1998-2000 với trường ca Xin làng trồng lại cây đa. Giải nhất cuộc thi thơ tạp chí Xứ Thanh 1998-1999 với tác phẩm Nghĩa kỳ, Tết quê.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn