Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Có ổ khóa nào không thể mở?

Tom Vanderbilt (Hà Lan) - 16-04-2013 02:19:54 PM

Tom Vanderbilt

Ngày 22-7-1851, một đám đông chen chúc nhau trong một căn phòng nhỏ ở Westminster, vương quốc Anh.

Họ bị hấp dẫn bởi lời mời chào: “Hãy xem cách mở một ổ khóa ba tầng, sáu lẫy, sập cứng cửa một căn phòng kiên cố, chuyên chứa những đồ quý giá của hãng hỏa xa Đông-Nam Luân Đôn”.

Trước mắt họ là một người đàn ông khiêm tốn đến từ nước Mỹ bên kia Đại Tây Dương, tên là Alfred Charles Hobbs, mặc áo choàng có cổ cao.

Đúng 11 giờ 35, Hobbs rút túi một dụng cụ nhỏ- “thứ mà nếu được cho, chúng ta cũng chưa chắc dám cầm”, như phóng viên tờ Thời đại đã viết- tiến đến bên cánh cửa. Đôi lông mày rậm của ông nhíu lại, đôi bàn tay vờn quanh ổ khóa kim loại. Đúng 25 phút sau, một tiếng “tách” phát ra. ổ khóa bật mở giữa tiếng “ồ” nhẹ nhõm. Đám đông xúm đến đề nghị Hobbs làm lại. Với ổ khóa được bấm chốt kỹ lưỡng, nghệ sĩ chỉ mất 7 phút để giải phóng cánh cửa lần thứ hai mà không làm xây xước nhẹ hiện vật.

Ổ khóa ấy vốn được mệnh danh là “Thám tử”, và chẳng ai lạ gì nó. Trên thực tế, đã 33 năm ròng, kể từ khi được phát minh bởi Jeremiah Chubb, một thợ nguội ở Portsmouth, tuyệt phẩm đã trở thành nhãn hiệu phổ biến nhất Anh quốc, thậm chí được tờ tạp chí chuyên về khóa có tên “Ngôi nhà hoang” quảng cáo trong những vần thơ con cóc thế này “Tên tôi là Chubb/ chuyên làm khóa hóc/ Hỡi giới đạo chích/ đến đây mà khóc”. “Thám tử” ngày càng lừng danh về sự an toàn trước bất cứ nỗ lực giải mã nào. Một chuyên gia phá khóa có tiếng thời ấy của Luân Đôn đã phải thốt lên: “Nếu chiếc lẫy thứ nhất bị mở, hai chiếc lẫy còn lại sẽ lập tức bị che kín, không thể tiếp cận nổi. Tôi chưa từng thấy loại khóa nào kín đáo đến vậy”. Thậm chí nếu khóa bị xâm hại, chính người chủ của nó cũng phải dùng đến một loại chìa riêng để điều chỉnh, trước khi có thể dùng đến chìa chính thức để mở lại.

ấy thế mà bức thư từ nước Mỹ gửi đến ngày 21-7 lại dám viết: “Sáng mai, tại căn phòng số 34, phố Great George, khu Westminster, vào lúc 11 giờ, chúng tôi sẽ rất vinh dự được mời Ngài đến chứng kiến thao tác mở ổ khóa, sản phẩm của chính các Ngài”. Chubb, có lẽ đã bị chọc giận, chỉ cử một nhân viên đến theo dõi, còn bức thư kia thì bị quẳng vào sọt rác. Và như mọi người đều thấy, kiệt tác của ông đã bị đánh bại.

Lại nói về A.C. Hobbs. Sinh năm 1812 tại Boston, Hoa Kỳ, ông là con trai của một thợ mộc, người đã sớm lìa trần sau khi để lại gánh nặng nợ nần cho vợ con. Hobbs đã phải trải qua rất nhiều nghề ngay từ thuở thiếu thời: làm ruộng, bán hàng khô, sơn toa tàu, đánh bóng gỗ, đóng yên cương ngựa, cứu hỏa, đi biển, cắt kính, và cuối cùng là bán khóa dạo cho Công ty Day and Newell có trụ sở tại New York.

Hobbs nhanh chóng nhận ra một thực tế: Cách tốt nhất để bán được một ổ khóa mới, chính là chỉ cho khách hàng thấy sự mất an toàn của cái họ đang dùng. Và thế là, sau vài năm, Hobbs đã đi vòng quanh nước Mỹ, gọi tới vô số các ông chủ nhà băng, trước khi xuất hiện trước mặt họ cùng những ổ khóa mới và một dụng cụ “đáng ngờ”. Năm 1848, Hobbs nhận lời thách đố 500 đôla với “Ngài Woodbridge đáng kính” của Ngân hàng Perth Amboy, để mở khóa văn phòng hối đoái thành phố. Ngài Woodbridge vô cùng tin tưởng vào cái thiết bị mình đang dùng, vì khi bị kẻ gian xâm phạm, ổ khóa sẽ bập chặt, nuốt luôn chìa lạ. Hobbs loay hoay suốt một buổi chiều, trước khi cúi đầu xếp đồ về nghỉ. Sáng hôm sau, Ngài Woodbridge gặp ông và hỏi: “Thế nào, ông Hobbs? Có chuyện gì chăng?”. Hobbs lẳng lặng mở khóa trước mặt ông chủ, và bảo: “ổ khóa này của Ngài hiện không dùng được nữa”.

Tháng 4-1851, Hobbs đáp chuyến tàu thủy hơi nước mang tên Washington đến Southampton, miền Nam nước Anh. Chuyến đi của ông có một ý nghĩa đặc biệt, vì ông tò mò với Đại Triển lãm Luân Đôn, nơi hãng khóa Day and Newell của ông, với sản phẩm “Khóa Bí ẩn” cũng tham gia đoàn diễu hành cùng hàng trăm nghìn mặt hàng tân kỳ. Trong va ly của ông có một hòm nhỏ chứa 6 ngăn kéo, đầy những dụng cụ mở khóa. Để dễ dàng qua lọt Hải quan cửa khẩu Vương quốc Anh, Hobbs đã phải nhờ đến một bức thư đảm bảo của George W. Matsell, Cảnh sát trưởng New York thời bấy giờ: “Tôi không đắn đo để quả quyết rằng, nhân vật đến với các Ngài chính là một công dân đáng kính của nước Mỹ chúng tôi”. Kế hoạch trong đầu của Hobbs không còn bó hẹp trong việc hóa giải các loại khóa địa phương ít tên tuổi nữa, mà là phủ định luôn niềm tự hào của Đế chế Anh, địch thủ đáng gờm của Day and Newell trên phạm vi thế giới.

Trên cửa sổ của hãng khóa Anh quốc Bramah and Co., Engineers and Founders, tại số nhà 124 phố Piccadilly, lắp một ổ khóa lớn với dòng chữ đầy tự hào: “Nghệ sĩ nào chế được chìa để mở tác phẩm này, sẽ lập tức nhận được 200 đồng tiền vàng”. Các sản phẩm chính xác của hãng Bramah, một “quái vật” trong làng khóa hành tinh, với “Thám tử” của bác thợ Chubb dẫn đầu, đại diện cho đỉnh cao quyền lực của Đế chế Anh, đã chưa từng bị đánh bại kể từ khi hãng ra đời năm 1790.

Không nghi ngờ gì nữa, Hobbs đã bị kích thích. Tháng 6-1851, ông tới cửa hàng lấy mẫu sáp lỗ khóa. Mấy ngày sau, ông viết thư cho hãng Brahma, “Rất vui nếu được nhận vàng như các Ngài quảng cáo”. Ngày 22-7, sau khi mở ổ khóa như chúng ta đã biết, Hobbs đã được Brahma chấp nhận lời thách đấu. Họ cùng chọn trọng tài, cùng thống nhất điều khoản: Người Mỹ sẽ có một tháng để mở ổ khóa treo công khai trong cửa hàng. Ngày 24-7, Hobbs bắt tay vào công việc, và chỉ dùng một dụng cụ mà báo Người quan sát mô tả là “trông giống như chiếc kim khâu móc của các bà nội trợ”. Ngày 23-8, ổ khóa huyền thoại được mở. Và ngày 29-8, theo yêu cầu của Brahma, Hobbs thao tác lại cho mọi người cùng chứng kiến.

Chỉ một tiếng “tách” mà đã mở ra cả một trận sấm rền. “Trước Đại Triển lãm”, tờ Thời đại viết, “chúng ta tin rằng các ổ khóa của chúng ta là tốt nhất thế giới, và trong số các công dân Anh, bác nghệ nhân Chubb thuộc hãng Brahma chính là đỉnh cao của sự bất khả xâm phạm, hệt như eo biển Gibraltar khóa cứng Địa Trung Hải. Vậy mà giờ đây...”. Cuộc tranh cãi lớn đã diễn ra: Liệu Hobbs có mở khóa thực sự? Một âm mưu hiểm độc đã hiện diện chăng? Và ổ khóa của nước Anh có còn tiếp tục an toàn trước những tên trộm thông thường? Cũng giống như bao cuộc tranh cãi, cánh báo chí lại được dịp săm soi đủ các khía cạnh. Hãng Brahma lóng ngóng chống chế: “Chúng tôi đâu thỏa thuận việc ông ấy ghim chặt nhíp khóa, kẹp cứng ổ khóa vào khung cửa, để ung dung dùng ba dụng cụ chuyên biệt thao tác!”. Chubbs chẳng để ý, vẫn tiếp tục đại náo xứ sở Sương mù, bởi đơn giản, công chúng đã thừa nhận thành công của ông. Trọng tài đã chuyển 200 đồng tiền vàng (tương đương khoảng 20.000 đôla Mỹ ngày nay) cho người chiến thắng. Hobbs trở thành anh hùng đại chúng, trong khi hãng khóa Brahma mất uy tín trầm trọng. Ngân hàng Anh quốc lần lượt thay hết các loại khóa của Chubb bằng các sản phẩm của Day and Newell. Uy tín của nền công nghiệp Anh cũng bắt đầu bị đe dọa. Cũng giống như Đại tướng Washington đánh bại vua Anh trước đây, nhưng còn hơn thế nữa, Hobbs giờ đây, như sử gia Jeffrey Auerbach từng viết, “vén lên một thực tế mới, rằng sức mạnh kinh tế và quân sự của Đế chế Anh đã bắt đầu chấm dứt”.

Còn có một sự bất an nữa treo lơ lửng. Năm 1851 cũng chính là thời điểm cộng đồng thị dân Anh đã bắt đầu vượt qua số người sống ở nông thôn. ở Luân Đôn, thành phố lớn nhất thế giới, tầng lớp trung lưu với tài sản cần được bảo vệ đang tăng lên nhanh chóng. Nhà văn Henry Mayhew, trong cuốn sách Luân Đôn lao động và Luân Đôn nghèo đã phải kêu lên: “Chúng ta nghèo đi cũng nhanh như chúng ta giàu lên”. Cuộc Đại Triển lãm cũng khiến nước Anh phải đón nhận một lượng khách thăm quan khổng lồ, thắp lên nỗi sợ từ nạn trộm cắp bởi người nước ngoài. Tờ “Tin khẩn” cảnh báo: “Hãy theo dõi kỹ cái vẻ vui nhộn, thoải mái của khách ngoại quốc. Nhiều mưu mô đang ẩn giấu dưới đó”. Nhà sử học David L. Smith từng kết luận một câu nổi tiếng: “Chỉ có những ổ khóa tốt mới giữ được quyền riêng tư và sự thịnh vượng cho vẻ hư huyễn và nền văn hóa Anh thời Victoria”. Còn một nhà báo Đức từng chứng kiến Luân Đôn cuối thế kỷ XIX thì viết: “Đã nổi lên cả một phong trào gia cố tài sản”. Vẫn theo sử gia Smith, từ đầu thế kỷ XIX đến năm 1851, người Anh đã cấp 70 bằng sáng chế cho các loại khóa. Đến năm 1865, lên đến 120. Còn trong 55 năm tiếp theo, con số này đã là... 3000!

Hobbs đã không chỉ tháo mở một vài loại khóa, mà ông còn khai mở cả một nền tâm lý dân tộc. “Theo hướng này, chúng ta lặng lẽ trưởng thành”, tờ Thời đại đã kết luận, khi khảo sát những cảm xúc tương hỗ giữa quyền năng và sự an nguy của dân tộc. “Khi cái ác ngày mỗi tràn lan, ai cũng phải cẩn trọng với ví tiền, quần áo lót, và chùm chìa khóa, để thanh thản đón gió từ trời”.

Cuộc tranh cãi về ổ khóa đã nâng tầm một lô câu hỏi về bản chất của nền an ninh, cách tốt nhất để được an toàn dưới thời Nữ hoàng Victoria, nhưng nó cũng vẫn ám ảnh chúng ta tới tận ngày hôm nay: Thế nào là một người, một sự vật không thể bị đe dọa?

LÃ THANH TÙNG

(lược dịch từ http://Slate.com)

(Nguồn: Văn nghệ số 15/2013)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn