Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Tấm lòng say mê văn chương ấy

(Đọc Trương Tửu – Tuyển tập nghiên cứu văn hoá, nxb Văn học, 2013)

La Hiền - 13-10-2014 11:27:47 AM

Nhà văn - Giáo sư Trương Tửu sinh ngày 18-11-1913, mất ngày 16-12-1999, tại Hà Nội. Ông học hết năm thứ nhất bậc trung học, rồi học trường Kỹ nghệ thực hành ở Hải Phòng được một năm rưỡi thì bị đuổi học vì tham gia bãi khóa để đòi thực dân Pháp thả Phan Tất Đắc. Bị buộc rời trường, ông tự học chương trình tú tài Pháp - Việt. Ông từng làm Giám đốc Văn chương (tương đương Tổng biên tập) Nhà xuất bản Hàn Thuyên; ủy viên Hội Văn hóa Việt Nam; dạy trường Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa; được phong chức danh Giáo sư cùng đợt với Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường… Ngoài tên chính danh Trương Tửu, ông còn có các bút danh Nguyễn Bách Khoa, Hoàng Canh, Mai Viên, TT.... Trương Tửu viết trên ba mươi  đầu sách, nhiều bài báo, bài nghiên cứu, phê bình. Các tác phẩm tiêu biểu của ông có: Một cổ đôi ba tròng, Tráng sĩ Bồ Đề. Một kiếp đọa đầy, Kinh thi Việt Nam, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Văn chương Truyện Kiều, Tương lai văn nghệ Việt Nam. Công trình “Trương Tửu – Tuyển tập nghiên cứu văn hóa” do PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và biên soạn là bộ sách tập hợp những công trình khảo cứu văn hóa cũng như những bài  phê bình và sáng tác văn học của cố Giáo sư Trương Tửu.

 

Trương Tửu (bút danh Nguyễn Bách Khoa, Hoàng Canh, Mai Viên…) quê quán thuộc làng Phú Viên, xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm – Hà Nội. Ông là nhà văn yêu nước từng bị truy tố trước Tòa án Hà Nội vì làm chủ bút báo Quốc gia khuynh tả viết bài đả kích vua Bảo Đại và triều đình Huế (1937) và từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong suốt 5 năm (1940-1945), Trương Tửu có viết sách, tiểu thuyết nhưng một số tác phẩm đã bị cấm phát hành, thậm chí phải đổi bút danh Nguyễn Bách Khoa để có thể tiếp tục con đường văn chương của mình. Sau này Trương Tửu chuyển sang nghiên cứu những vấn đề triết học, văn học, văn hóa Đông phương…, đóng góp không nhỏ vào tiến trình phát triển văn hóa, văn nghệ dân tộc thế kỉ XX. Ông là một trong những nhà nghiên cứu yêu nước xuất sắc thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Trương Tửu – Tuyển tập nghiên cứu văn hóa là bộ sách thứ ba nối tiếp hai tập sách sưu tầm các tác phẩm của Trương Tửu trước đó (Tuyển tập nghiên cứu, phê bìnhTuyển tập văn xuôi) cùng do ông Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn, biên soạn. Tuy là tuyển tập nghiên cứu văn hóa nhưng bộ sách này còn bổ sung, giới thiệu, công bố những tư liệu mới, bao gồm cả sáng tác, nghiên cứu, lí luận và phê bình văn học của cố Nhà văn, Giáo sư Trương Tửu. Bộ sách gồm hai phần, tập trung vào hai nội dung riêng rẽ. Ở phần 1: Tác phẩm Trương Tửu là những bài viết và công trình khảo cứu tập trung đề cập tới hai mảng chính (Văn hóa và văn học), trong đó cập nhật được những nội dung học thuật về văn hóa, văn minh Việt Nam và nhân loại đương thời, đặc biệt với công trình bộ ba: Tiến hóa sử luận (1943), Nguồn gốc văn minh (1943), Văn minh sử yếu lược (1944)…

Phần 2: Tư liệu hồi ức kỉ niệm về Trương Tửu là phần bổ sung, giới thiệu những ghi chép, tản văn hay bài thơ thể hiện tình cảm và sự tôn kính của  đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò đối với nhà khoa học, nhà giáo Trương Tửu. Xúc động nhất có thể kể tới bài “Kỉ niệm về cha tôi” của chính người con trai Giáo sư – Trương Quốc Tùng viết. Những hồi ức đẹp đẽ đong đầy qua từng câu chữ, thấm đượm tình yêu và niềm cảm phục sâu sắc của người con đối với cha mình.

Nhìn rộng ra, những lời nhận xét của các nhà nghiên cứu, nhà giáo chính là điểm nhấn và sự đánh giá công minh về sự nghiệp của Giáo sư Trương Tửu: “Phải nói rằng, phê bình Truyện Kiều nói riêng và phê bình văn học nói chung đến Trương Tửu đã đặt một mốc mới trong lịch sử văn học Việt Nam” (PGS.TS. Đỗ Lai Thúy); “Khối óc khổng lồ ấy, tư duy sắc sảo ấy, tấm lòng say mê văn chương ấy, tài năng hùng biện ấy đã để lại dấu ấn sâu đậm” (GS. NGND Phan Trọng Luận)... Có thể khẳng định bộ sách Trương Tửu – Tuyển tập nghiên cứu văn hóa thực sự có ý nghĩa trong việc góp phần nhận diện toàn cảnh lịch sử văn hóa – văn học dân tộc giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX…

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn