Chuyện văn chương

14/2
10:22 AM 2018

LUCILLE CLIFTON VÀ NHỮNG VẦN THƠ TỰ HÁT

Hilary Holladay (Mỹ)-Lucille Clifton sinh năm 1936 tại Depew, New York, Mỹ, trong một gia đình da đen. Mặc dù được cha mẹ hy vọng sẽ trở thành nhà soạn kịch, số phận đã run rủi bà trở thành thi sĩ, hơn nữa, một trong những nhà thơ nữ tiên phong Mỹ da đen nổi tiếng nhất với các tác phẩm:

 Những thời đại tốt đẹp (1969); Những tin tốt lành về Trái đất (1972); Một người đàn bà bình thường (1974); Người đàn bà 2 đầu (1980, đoạt giải ấn phẩm Jupiter Đại học Tổng hợp Massachussetts và được đề cử giải Pulitzer); Người đàn bà tốt: Thơ và ký ức (1987, giải Pulitzer); Góp gom (1991); Cuốn sách ánh sáng (1993); Những câu chuyện khủng khiếp (1995, phần thưởng Sách Quốc gia, Mỹ); và Niềm vui tàu bè (2000, phần thưởng sách Quốc gia, Mỹ)... Ngoài ra, bà còn viết 16 đầu sách cho thiếu nhi. Từ năm 1999, bà được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Mỹ.

Một trong những chủ đề yêu thích của Lucille Clifton chính là bản năng và những điều thầm kín của người phụ nữ. Lối viết trực diện, táo bạo này của bà đem đến những hiệu quả vừa đau đớn, ê chề, vừa kiêu hãnh, cao ngạo, và thường xuyên tạo ra những cuộc tranh cãi. Trong một bài thơ viết về những đứa trẻ sớm mất (trong các vụ nạo thai), bà viết:

Vén chúng lên

tôi ôm chúng trong vòng tay bẩn thỉu

mơ hồ mọi thứ trừ tình ruột thịt

tràng hoa quấn cổ và tiền giấy

cái nọ trì kéo cái kia

khỏi bàn tay biết hôn của tôi, và

cái chậu thải cuối giường

những đốm két đen

cái bảng bệnh án đen,

đôi bàn tay tôi,

và chỉ một phút thôi

màu xanh chuyển thành đen dưới lưỡi dao,

và căn phòng bỗng thành tối sẫm

và tôi lấy lưỡi nếm

để cảm nhận những sinh phẩm đó ở nơi nơi...

Trong hai tác phẩm Thơ về cái dạ con của tôi và Lần hành kinh cuối cùng của tôi, Lucille Clifton đã thẳng thừng ca ngợi sự phì nhiêu của người phụ nữ. Bà đã so sánh dòng kinh nguyệt với dòng sông “chói sáng như đường viền đỏ máu của mặt trăng”. Nét ẩn dụ trung tâm và giọng điệu gợi nhớ đến bài thơ Người da đen nói về dòng sông của Langston Hughes, thi phẩm đáng tôn quý lừng danh, và cũng là kiệt tác chuẩn mực về sự phục sinh của những người da đen khu Harlem lầm than.

Trong lúc Hughes tập trung vào vai trò của người da đen, đặc biệt là đàn ông da đen, trong việc định hình nên nền văn minh, thì Clifton chú mục đến kinh nghiệm sống của những người phụ nữ qua các thời đại. Bằng những hình ảnh chan hòa lẽ tự nhiên, cái bản năng giới tính của người phụ nữ, và huyền thoại làm mẹ, bà đã vượt qua cả những điều cấm kỵ suồng sã bao bọc thân phận người phụ nữ bấy nay, và lần đầu tiên, kinh nguyệt trở thành một mãnh lực sống có khả năng truyền cảm hứng một cách khủng khiếp. Một mãnh lực ghê gớm để tồn tại, nó chỉ có thể được gọi chính xác là một phiên bản khác của “dòng nước hoang dã này”, và một người chỉ có thể “nguyện cầu để nó trôi chảy qua những con thú đẹp đẽ và trung thực và cổ xưa và nữ tính và dũng cảm”. Trong một câu điều kiện có đến 5 lần nhắc lại mệnh đề “nếu có một dòng sông”, bài thơ nêu bật lên những diện mạo tuần hoàn và khép kín của chu trình kinh nguyệt phụ nữ.

Thế rồi trong tập thơ Góp gom, tuy nhiên, hướng tiếp cận của bà tới hiện tượng này lại ít cao ngạo hơn nhiều. Hai tác phẩm Thơ về cái dạ con của tôi và Lần hành kinh cuối cùng của tôi là những mảnh vỡ liên hợp, xuất hiện trên những trang đầu và các sự kiện định vị liên quan. Chúng phối kết hai mệnh đề “có một cô gái bên trong” và “con mái” vào cùng một tác dụng nhân cách hóa. Với bài thơ ủ rũ Thơ về cái dạ con của tôi, thì nữ sĩ đã định vị cái tử cung sớm-sẽ-bị-sa-thải của mình như một “cô gái già”- một khái niệm vừa nhăn nhúm hài hước vừa ngập tràn thương yêu. Rồi bà tiếp tục so sánh cái dạ con của mình với một “cái bít tất thừa/ nơi tôi sắp đến/ nơi tôi sắp xuất hiện”, những dòng đó vừa bất định cái tương lai ảm đạm, vừa cảnh tỉnh cao độ những nền đạo đức. Người phụ nữ và những cơ quan sinh sản của họ cãi cọ trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau:

cái túi đen ham muốn của tôi

nơi tôi có thể tới

chân trần

mà không có anh

nơi anh có thể tới

mà không có tôi

Với “cái túi đen” cốt tử của mình, người đàn bà là một khách bộ hành được trang bị kỹ. Không có nó, nàng mường tượng một sự mất mát phương hướng, một sự thiếu hụt mục đích. Hai từ chân trần mang lại cho ta cái cảm giác gai góc về một người phụ nữ khỏa thân, trơ trụi với thân thể mình. Nếu đầu óc và cơ thể một người đàn bà sáng tạo và liên tục định hình lẫn nhau, thì sự mất mát của một phần cơ thể có đại diện cho một cái chết cục bộ không? Trong trường hợp một cơ quan sinh dục, sự mất đi là tuyệt đích thăm thẳm, ở chỗ nó có nghĩa người đàn bà không còn có thể tiếp tục tiếp nhận và mang thai đứa trẻ. Trong thơ, nàng khóc thương sự mất mát tiềm năng sáng tạo của mình, chính bởi vì dường như lịch sử tình dục của nàng đã và đang bị tẩy xóa. Bị sự quên lãng ám ảnh, nàng liên tục đặt ra những câu hỏi mà chẳng bao giờ, cả cơ thể lẫn tâm hồn nàng, có thể trả lời.

Có lẽ chính bởi sự thay đổi đáng kinh hoàng này hiện đã ngập tràn nàng, mà người phát ngôn trong bài Lần hành kinh cuối cùng của tôi đã không còn quá áy náy lo âu nhiều nữa. Nàng cũng không còn quá sôi nổi bày tỏ sự thất vọng như trong bài Thơ về cái dạ con của tôi. Từ những câu đầu, đã rõ một điều rằng, tâm thức của nhà thơ và chất khôi hài đã nâng nàng khỏi tầm nguy khốn của nỗi tự kỷ bi ai:

Nào, cô gái, goodbye

sau ba mươi tám năm.

Ba mươi tám năm và em

không bao giờ đến

chói ngời trong bộ đồ ngủ

mà không quấy rầy tôi

nơi đâu, cách nào

Ý nghĩa trì hoãn cố tình của khổ thơ mang đến cho chúng ta mối băn khoăn vượt lên trước, và rồi hướng đến dòng kinh nguyệt ắp đầy những hình ảnh không mong chờ, sự chào đón “bộ quần áo đỏ”, vẻ chói lói, nét xinh tươi câu rút niềm riêng của bản thân dòng máu loài người. Phần còn lại của bài thơ đẩy tới cao trào của tính kiêu hãnh đàn bà. Cái dạ con có thể mặc nhiên là một cô gái già xác tín, nhưng dòng kinh nguyệt đầm đìa lại là một tội lỗi, một tinh thần trơ trẽn:

Giờ đây thì đã xong rồi

và tôi cảm thấy như hồi ngày xưa

bà tôi đờ đẫn hàng giờ

nhớ về cái thuở giang hồ dọc ngang.

Bà cầm xấp ảnh rưng rưng

cảm thương thân phận người từng đào hoa

Bà tôi vẫn đẹp, hay là...?

Ngược với bài Thơ về cái dạ con của tôi, bài thơ này vang lên tiếng khóc thương và niềm cảm hoài nhiều hơn là nỗi sợ hãi và sự buồn tủi. Cũng tại đây, những yếu tố cấu thành nên nhà thơ đã được hình dung đúng như những gì người phụ nữ luôn phải trải qua: “thuở ngang tàng” và “người bà” đại diện cho tuổi trẻ và thời hậu mãn kinh, một cách tách biệt. Được củng cố bởi ký ức mãnh liệt  về chức năng hành kinh, một quá trình làm cho cuộc sống của nàng vừa mãnh liệt vừa phức tạp, người phụ nữ giờ đây ngoảnh mặt với cơ thể mình (Giờ đây thì đã xong rồi) và định vị một đối tượng độc giả không rõ ràng. Đây là một dấu hiệu tinh vi cho thấy nàng đang bằng lòng tiếp nhận sự thay đổi của cơ thể mình. Giọng thơ đầy bi ai của tác phẩm Thơ về cái dạ con của tôi đã tạo ra thể cách để tự cười giễu mình một cách nhẹ nhàng mà vẫn dễ dàng được chấp nhận. Thậm chí đối diện với cuộc khủng hoảng chính của lòng tự kỷ, dường như cái tâm tưởng phì nhiêu kia sẽ nhìn được xuyên qua mảnh cơ thể tàn phai đang dần chết của mình.n

L.T.T

Theo Pulitzer.com

Nguồn: báo Văn Nghệ

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *