TỌA ĐÀM KHOA HỌC VĂN HỌC VÀ LỊCH SỬ
Văn học và lịch sử vốn đã có mối liên hệ mật thiết từ trong lịch sử. Gần đây, xu hướng nhà văn viết về đề tài lịch sử lại càng trở nên nổi bật. Lịch sử tronng văn chương và những câu chuyện hư cấu lịch sử đang trở thành mối quan tâm, bàn luận của cộng đồng văn chương, giới lí luận phê bình. Làm sao để quyền sáng tạo của nhà văn và quyền bảo lưu của lịch sử được duy trì hay kết hợp? Nguyên nhân vì sao khuynh hướng này lại phát triển như vậy, hạn chế và thành tựu, giới hạn của hư cấu lịch sử,… Cuộc tọa đàm này là dịp để các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình có thể bàn luận, để hiểu rõ hơn về công việc của nhau, sáng rõ hơn về mối liên hệ giữa văn chương nghệ thuật và lịch sử.
Trong buổi tọa đàm, các nhà nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình đã tập trung vào các vấn đề quan trọng của đề tài văn chương với lịch sử. Nhà văn Uông Triều cho rằng, sự trở lại của đề tài lịch sử là do sự quan tâm của độc giả, tinh thần dân tộc cũng như sự bão hòa của các đề tài hiện đại khác. PGS.TS, Nguyễn Thành cho rằng cần phải ý thức về giới hạn của hư cấu. Trong đó, ngưỡng tâm thức dân tộc chính là điều nhà văn cần lưu ý khi sáng tạo. Cùng quan điểm này, PGS.TS. Hoàng Văn Hiển – Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Huế, nhấn mạnh đến việc cần phải đặt nhân vật, sự kiện vào bối cảnh cụ thể của nó. Trước vấn đề có tính chất nổi cộm như giới hạn của hư cấu lịch sử, TS. Phan Tuấn Anh lại đề cập đến việc nhà văn cần ý thức được các cấm kị - taboo của dân tộc, cộng đồng - Tự do hư cấu không có nghĩa là không có giới hạn.Tại cuộc tọa đàm, các nhà nghiên cứu cũng bàn sâu hơn vấn đề giải thiêng trong sáng tạo nghệ thuật. TS. Nguyễn Văn Hùng sau khi giới thuyết về lịch sử văn học viết về đề tài lịch sử đã phân ra làm hai hướng giải thiêng- tích cực và tiêu cực. Đồng thời, khi phê phán hướng giải thiêng tiêu cực, TS Nguyễn Văn Hùng đã dẫn ra một số trường hợp lợi dụng hư cấu lịch sử để hạ bệ thần tượng, danh nhân lịch sử,… Nhà văn Phùng Văn Khai trong ý kiến của mình cũng nêu lên những khó khăn về tư liệu khi viết về đề tài lịch sử. Nhà văn Y Ban lại nhấn mạnh đến tài năng của nhà văn khi tiếp cận và thể hiện đề tài lịch sử. TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy lại cho rằng nhà văn Việt Nam đã và đang nợ lịch sử và người đọc. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy trong ý kiến của mình đã đem đến một phác thảo ngắn về văn chương viết về lịch sử trên Tạp chí Văn nghệ quân đội. Trong đó, Đỗ Tiến Thụy đặc biệt lưu ý đến khía cạnh hư cấu, như một năng lực của nhà văn. Nhà văn Nguyễn Đình Tú cũng nhấn mạnh đến khả năng thoát ra khỏi cái bóng của lịch sử khi viết về lịch sử. Cũng trong ý kiến của mình, Nguyễn Đình Tú đề cập đến vấn đề nhà văn cần phải chú ý đến nhu cầu của người đọc.
Cuộc tọa đàm đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, phê bình, giảng viên đại học, các nhà văn
Tại cuộc tọa đàm, các quan điểm hiện đại về lịch sử cũng được đề cập đến. Chẳng hạn, vấn đề sự nghèo nàn của thuyết lịch sử, quan điểm tân lịch sử,… Các quan điểm này một lần nữa soi chiếu lại các thực hành sáng tạo về đề tài lịch sử của nhà văn. Trong đó, đáng chú ý là một số quan điểm về lịch sử như là diễn ngôn, lịch sử như là một câu chuyện của cá nhân hay kiến tạo một vi lịch sử từ điểm nhìn của văn chương nghệ thuật.
Nhìn chung, trong bối cảnh phát triển khá sôi động của văn chương viết về lịch sử, những ý kiến tại buổi tọa đàm đã đem đến cái nhìn bao quát, và cũng có những điểm nhấn quan trọng về văn học và lịch sử. Cuộc tọa đàm đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, phê bình, giảng viên đại học, các nhà văn.
MẠC DANH
Ảnh: VŨ THÀNH DUY
Nguồn: Văn nghệ Quân đội