NHÀ THƠ “THUỐC QUÝ”
Mai Nam Thắng
Bây giờ thì ông đã thành người thiên cổ, đã theo các bậc tiền bối về chốn Vĩnh Hằng. Tiếc thương ông, tôi xin mạo muội bàn về thơ của nguyên uỷ viên Bộ Chính trị-Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, qua một tập thơ mà tôi được ông tặng cách nay đã lâu. Đó là tập thơ Theo cánh chim trời của ông được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành cuối năm 2008.
Thực ra, mấy chục năm qua, dưới bút danh Kim Bồng Miêu, ông Trương Quang Được đã có một tập thơ in riêng và nhiều bài thơ in chung trong hơn chục đầu sách do những nhà xuất bản khá uy tín về văn chương ấn hành. Năm ngoái nhân dự kỷ niệm 50 năm báo Thiếu niên tiền phong, tôi lại được biết từ cách nay gần nửa thế kỷ, khi còn ở trường học sinh miền Nam tập kết, chú bé Trương Quang Được đã có hai bài thơ được giải thưởng của báo này. Hồi đương chức, vốn là một người chân tình lại có tâm hồn thi sĩ nên ông Trương Quang Được khá gần gũi cởi mở với anh em văn nghệ chúng tôi. Ngày ấy, tôi đã được đọc nhiều bài thơ của ông và tôi cảm nhận đó là phần còn lại, phần sâu lắng tinh tế nhất sau những chuyến công tác, sau mọi công việc của một cán bộ lãnh đạo cấp cao. Đây là phút thăng hoa ở Tây Nguyên: “Anh lại gặp em giữa trời Đắc Lắc/Sau cơn mưa nguồn bất chợt chiều nay/Xanh lá rừng cây dầm mình tắm mát/Đỏ đất bazan níu chặt dép giày…”. Đây là một buối sáng trên quê hương Đất Quảng của ông: “Những tia nắng sớm đầu tiên/Dệt thành thảm đỏ rải trên sông Hàn”. Đây nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt: “Nậm Thi xanh tóc em chảy mãi/Lược Hồ Kiều thầm chải rêu phong”. Hoặc như chuyến lên công tác ở biên giới Hà Giang sau, ngắm cảnh non sông hùng tráng “Núi Phong Quang sừng sững/Như lược chải vào mây/Như vây rồng dựng đứng/Như cung nỏ giăng đầy…”, ông vẫn có một cái nhìn rất “vi mô” nhưng cũng thật “vĩ mô”:
Bang giao thời hiện đại
Xe lái đấu đuôi nhau
Hàng ra vào chuyển tải
Đâu phải chuyện đối đầu!
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét về thơ Trương Quang Được: “Tôi yêu cái phần đời, mộc và thật, là phần đậm và nổi nhất của tập Theo cánh chim trời. Vẫn là những chất liệu sống ấy, người vô tình rất dễ bỏ qua, nhưng ở đây nó được dọi sáng bởi tâm hồn tác giả và được sống cuộc sống khác có sức gợi mở của những hình tượng thơ”. Thật vậy, bên cạnh cái chân mộc giản dị, thơ Trương Quang Được đôi khi vẫn loé sáng bất ngờ, thể hiện “tay nghề” của một cây bút vào hàng chuyên nghiệp. Đây là một ẩn dụ khá đắt của ông khi tuổi đời đã ngả vào Thu: “Vòm cây soi bóng ngẩn ngơ/Tóc hoa râm lẫn bóng hồ lăn tăn”; Và: “bao lớp bụi trần lắng sâu lòng biển/Nghe sóng rì rầm kể chuyện ngàn năm”. Không chỉ có những câu thơ đẹp, như: “Nhịp chày thao thức gõ vào đêm sương”, Trương Quang Được còn có những câu thơ tượng hình và tượng thanh khá kỹ thuật:
Lên Mèo Vạc
Đường ngúc ngắc
Xe lúc lắc
Xương răng rắc…
Và đây là một hình tượng sáng tạo thật độc đáo: “Bắc thang ta bước lên trời/Cầm trăng ta vẽ nên người ta yêu”. Ngày xưa, vua Tự Đức khóc một người thiếp yêu tên là Bàng Phi: “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/Xếp tàn y lại để dành hơi”, được hậu thế suy tôn là một trong những câu thơ tình hay nhất ở nước ta. Nhưng nay có một người thơ dám bước lên trời, dùng trăng làm bút vẽ hình người yêu choán hết cả không gian vũ trụ thì nào có kém gì?
Là một kỹ sư cơ khí được đào tạo chính qui ở Liên Xô trước đây, nhưng ông Trương Quang Được lại say mê Hán học từ nhỏ. Với vốn tiếng Trung được học thời phổ thông, ông kiên trì miệt mài suốt bao năm tự học để thoả mãn thú chơi thư pháp chữ Hán và “chơi” thơ Hán-Nôm. Ông có nhiều bài thơ chữ Hán khá hay, chẳng hạn bài “Vọng Cô Tô” viết khi đến thăm chùa Hàn Sơn ở Tô Châu-Trung Quốc: “Trương Kế trước thi truyền vạn cổ/Hàn Sơn chung thỉnh vọng Cô Tô/Phong Kiều ngư hoả tồn sinh khí/Việt hữu nhân lai diệc lạc hồ”.
Trong nhà ông hiện có rất nhiều bức thư pháp do ông viết và của bạn hữu viết tặng. Một lần bàn về thư pháp, ông đã kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây: Sinh thời cụ Lê Xuân Hoà, ông coi cụ như một người thầy khả kính còn cụ coi ông như một người bạn vong niên. Hai người thường tấm giao với nhau, chủ yếu là ông đến thăm cụ chứ cụ “ngại” đến nhà ông. Một lần đàm đạo về thư pháp, ông thưa rằng trong chữ Hán không có chữ Được, mà chỉ có chữ Đắc, vậy ta bắt chước tiền nhân mà thêm vào bên cạnh một chữ Dược để viết tên chữ của ông được chăng? Nhà thư pháp lão luyện Lê Xuân Hoà cả cười nhất trí: “Hay lắm!, chữ Đắc ghép với chữ Dược thì âm Nôm là Được, nghĩa Hán là thuốc quý!”.
Rồi ông Lê Xuân Hoà cao hứng phóng bút viết luôn bức thư pháp Đắc-Dược kèm theo câu luận ngữ của Khổng Tử về chữ Đắc. Bức thư pháp ấy tôi cũng đã được xem…