Eliot (nhà thơ Anh gốc Mỹ): Cái xác anh trồng năm ngoái trong vườn/ Đã bắt đầu nẩy mầm chưa? Thanh Quế: Tôi như thấy những tháng năm đời mình còn lại/ Là những tháng năm vay mượn của các anh/ Những người đã khuất (Nói với một người anh - nhớ Lê Anh Xuân)

   

Tất cả con em chúng ta đang bị đe dọa!
Cập nhật: 6:44:00 22/8/2010

 


Hoài Tố Hạnh

            Vụ án gây bàng hoàng toàn xã hội - một người có học - sinh viên, mà giết người yêu… Toà tuyên tử hình kẻ thủ ác, dư luận thoả được phần nào bức xúc và răn đe. Theo dõi vụ án, nắm bắt thông tin tội phạm trẻ, quan sát cuộc sống trong đó có con trai mình, tôi thấy nhân cách đạo đức, an toàn của tất cả thanh thiếu niên - con em của chúng ta - đã và đang bị đe doạ...

Khi một quan tài qua làng phố - giả dụ một tai nạn giao thông chết người -có mấy ai đang sống lại nghĩ mình đang tử nạn giữa đường hay đa số nghĩ may quá - không phải là mình, không phải người thân của mình?

Chúng ta đang vô cảm với cái chết của đồng loại đấy.

Nhân loại là một - máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn. Đến hổ còn không ăn thịt con, loài dã thú còn không ăn thịt đồng loại của nó, huống chi con người. Vụ án thủ tiêu người yêu cũ, mọi người nói xuôi nhiều rồi, tôi xin đặt ngược vấn đề một tí. Giả tỉ khi gặp lại nhau - nếu không phải “chàng” phát hiện “nàng” có người yêu mới vẫn quan hệ, lừa dối mình nên nổi đoá giết người, mà là “nàng” phát hiện ra “chàng” có người yêu mới vẫn lừa dối lạm dụng mình và ra tay đâm chết “chàng” vì phẫn uất thì dư luận và toà án sẽ xử thế nào? Đương nhiên là “nàng” sẽ thế chỗ của “chàng” ở vành móng ngựa. Dư luận còn gay gắt với “nàng” hơn “chàng” vì kẻ thủ ác là nữ, đã có người yêu mới sao còn quay lại người cũ, thoả mãn xong lại giết người ta... (giống cảnh nữ sinh viên giết người tình già trên xe Lexus). Có một sự thật thế này, đa số đàn ông thấy gái là tán, hễ dâng là nhận, ít ai chối từ. Tuy vậy, trinh tiết, đạo hạnh người nữ (trừ một số hoàn cảnh khó thoát) là do nữ quyết định, không phải do nam. Trở lại vấn đề - dù “chàng” hay “nàng” có những phút giây bồng bột sai lầm chết người thì họ cũng chỉ là bản năng của họ với những hay dở, tốt xấu lẫn lộn chứ không hoàn toàn tốt hết hay xấu hết. Mọi chuyện xảy ra trong mọi va chạm đều là tại cả đôi bên, làm gì có chuyện tại một người? Giá như “nàng” không đến, không trao thân cho “chàng”, giá như cả hai  không “tình tay ba”... Ai giết ai đây, hay cả hai tự giết mình, cùng giết nhau, cùng chết thảm thương, làm choáng váng khổ đau cho cả gia đình, xã hội?

Tại đôi bên và tại cả bối cảnh chung. Đây là vấn đề thứ hai tôi muốn đề cập tới trong bài viết này. Tôi có đứa con trai 13 tuổi nhưng tôi đã phải gian nan nhiều năm qua để bảo vệ con mình trước mênh mông bạo lực và đạo đức ứng xử mà thế hệ thanh thiếu niên ngày nay đang hàng ngày bị nhiễm vào mình như nghiện á phiện. Sinh nhật con tôi, bạn bè đến tặng súng bắn toé khói, xe tăng phun lửa như ước mơ của cháu. Cháu bắn toé khói, tóe lửa, toe toét cười sung sướng nghĩ mình là người hùng chiến thắng trong phim bạo lực trên tivi hàng vài chục kênh… Không biết tự bao giờ đồ chơi của con tôi cả bao bố sứt mẻ súng, tăng, gươm đao, lựu đạn như một bãi chiến trường lạnh toát trong nhà… Trên internet, cháu lao vào những trò chơi mà bắn giết, máu đổ càng nhiều càng được nhiều điểm, càng khoái trá cười, la hét chiến thắng!... Ngoài mặt tiền, hẻm phố, nhiều trẻ trốn trường, trốn nhà, đầy đặc trong các tiệm Net  - hầu hết là trẻ nam trên dưới mười tuổi. Cả thanh niên nữa cũng lao đầu vào cõi chết chóc này như điên. Trung niên cũng điên không kém, nhiều người cày game quên ăn, quên ngủ như Nguyễn Đức Nghĩa. Thử hỏi, 80 triệu dân Việt Nam có bao chục triệu đã ít nhiều dính vào game sát thủ? Bộ Văn hoá, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và các ban ngành đoàn thể bao giờ có thống kê về vấn đề này và có biện pháp ngăn chặn, giáo dục toàn diện, hiệu quả? Tai hại hơn, có người còn lên báo cả quyết rằng tôi vẫn cùng con chơi game, game giúp giải strees, giúp thông minh, dũng cảm (chắc ông này là chủ tiệm Net hay trùm buôn bán game bạo lực có dư tiền để xỉa cho đây đó). Trong công sở, tư sở, trường học, nhà riêng - game bạo lực là chuyện thường ngày ở huyện. Một ổ bạo lực khác - truyện tranh trẻ em, kiếm hiệp nhan nhản. Tôi cấm con chơi game, cháu lao đầu vào truyện tranh. Hỏi tới sách gì cháu tinh quái toàn khen hay, nói tốt cho sách vì sợ mẹ cấm tiếp nhưng mở ra mấy cuốn toàn bắn giết, hận thù… Khi tôi phát hiện ra thì con tôi đã xem hàng trăm cuốn sách như thế. Tôi cấm con đọc những sách này thì con tôi lại bám vào các tiệm đĩa VCD mà phim bạo lực chiếm đa phần. Trên các phương tiện thông tin, quán xá, những nơi công cộng, tư cộng, nhạc rẻ tiền, não tình, đề cao cái tôi, đề cao cá nhân ích kỷ, nông nổi tràn ngập. Tìm đỏ mắt không ra một tấm gương người tốt, việc tốt, nhưng tin bài tham nhũng, trộm cắp, trù dập, lừa đảo, trộm cướp, bạo lực, hở hang, điếm đàng, phản bội, mua dâm, phá trinh, thầy giết trò, trò giết thầy, mẹ giết con, con giết cha, cha giết con thì… đầy nhóc trên các báo. Khắp thành phố và nông thôn. Báo chí bán đắt như tôm tươi, còn toàn xã hội ô nhiễm, nghẹt thở, cảm giác như đất nước này toàn chuyện xấu xa, khủng khiếp - liệu có ích gì cho hình thành nhân cách trẻ, cho bình an mỗi nhà và niềm tin vào chế độ hiện hành? Có phải toàn xã hội đang tự do, vô tư để cho các phương tiện độc hại buôn bán bạo lực phi nhân bản, vô nhân tính cho con em của chúng ta? Thử hỏi một đất nước mà thanh thiếu niên nhiễm trong đầu toàn thù hận, chém giết, độc ác phi nhân bản thì đất nước đó sẽ đi về đâu? Trẻ nhiễm vào người mỗi ngày một ít, nhưng rồi sẽ bùng phát khi hội đủ cơ duyên xấu với hậu quả chết người như vụ án con trai giết cha phân xác ở Hải Phòng, và vụ người có học giết người tình cũ.

Người lớn đã ám vào tuổi thơ và thanh thiếu niên bao tấm gương xấu, vô tình, vô cảm? Tại sao không giáo dục, ngăn chặn tận gốc, tại sao lại ngó lơ khi thầy giáo, cha mẹ hay xã hội cứ mặc tình cho buôn bán bạo lực, thực hành bạo lực để khi sự cố xẩy ra thì tất cả chúng ta đều là người ngoài cuộc, vô tội, còn tội phạm thanh thiếu niên gần đây ngày một đáng sợ thì cứ xử bắn đi là xong để công bằng, nghiêm minh, răn đe xã hội hay sao? Chúng có tội thì phải đền tội. Còn người lớn chúng ta thì không liên can gì tới những tội ác đó ư?

Vấn đề cuối cùng, tại sao cứ dứt khoát phải xử bắn một kẻ thủ ác? Chẳng lẽ một người cha của cô gái nạn nhân đau khổ tột cùng vì mất con là quá ít?

Hàng tháng qua tôi thầm ước ao cha của Phương Linh sẽ vượt lên nỗi đau của chính mình để làm một người cao thượng -xin toà tha thứ cho Nguyễn Đức Nghĩa khỏi tội chết. ở phía Nam vài năm trước đã có một người mẹ làm được cái điều nhân hậu vị tha vô cùng vĩ đại và cảm động này. Bà mẹ có con bị sát hại đã xin toà tha tội chết cho sát thủ hại con mình - vừa nói vừa khóc - “tôi đã vô cùng đau khổ vì mất con và không muốn mẹ của hung thủ giết con tôi phải chịu đựng nỗi đau mất con như tôi cũng không muốn thêm một con người nữa phải chết cho dù kẻ đó đã giết con tôi”… Cả phiên toà, cả xã hội xúc động khôn tả trước tấm lòng cao thượng -tất cả trào nước mắt cảm phục! Phật dạy: hận thù không xoá được hận thù, chỉ có tình thương mới xoá được hận thù. Bác Ba-bố của nạn nhân Phương Linh đề nghị toà xử Nghĩa nghiêm khắc nhất có lẽ muốn con gái mình được ngậm cười nơi chín suối nhưng chắc gì...  ôi! Giá như bố Phương Linh có thể tha thứ cho Nghĩa được không phải vì thương hắn mà vì thương bố mẹ hắn như thương chính mình bị mất con, thì cả nhân loại phải quì xuống trước người cha vô cùng đáng thương và tuyệt vời cao thượng này.

Nhưng mọi sự đã không xảy ra như thế. Nghĩa đã giết người và tất cả chúng ta lại nóng giận giết Nghĩa trong khi vô số nguyên nhân dẫn đến vô cảm, suy đồi đạo đức, tha hoá lớp trẻ thì vẫn còn kia - mà tất cả chúng ta không ai có quyền phủi tai ngó lơ và cho rằng mình, con cháu mình không liên quan trách nhiệm, nhân quả tới việc này…

Không riêng tất cả con em chúng ta đang bị tha hoá, đe dọa, đang đứng trước bờ vực thẳm…

Hãy tự cứu lấy mình và gia đình mình, trước khi tai hoạ xẩy ra!

 

Hoài Tố Hạnh

1
2
Tin mới