Bùi Ngọc Minh
Tộ, chữ Hán viết cùng một chữ có 3 nghĩa: Phúc, tuổi và vận may của nước; nếu dịch quốc tộ mà dịch “tộ” là “vận may của nước” thì “quốc” bỏ vào đâu? Và khi vận nước suy mà quốc tộ vẫn dịch tộ là vận may của nước thì lọt tai sao được? Cho nên “quốc tộ” chỉ có nghĩa là “vận nước” thôi. Bài viết của Bùi Ngọc Minh tuy có chỗ đáng ngờ như thế, nhưng hay và sáng tỏ, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
1.Quốc tộ (Vận nước) của Đỗ Pháp Thuận viết khoảng 981 – 982 vốn không phải là một sáng tác văn chương thuần túy theo quan niệm nghiêm nhặt ngày nay. Nó vốn là một tác phẩm ra đời trên sự giao thoa giữa văn học chức năng nghi lễ tôn giáo của một vị tu hành Phật giáo thuộc dòng Pháp Tì Ni Đa Lưu Chi thế hệ thứ 10 chùa Pháp Vân, (ở làng Cổ Châu, Long Biên nay thuộc đất làng Khương Tự huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và văn học chức năng hành chính của một đại trí thức, một bậc thầy của vua, có công trong chính sự với nhà Tiền Lê. Thiền Uyển tập anh ngữ lục cho biết về tác giả như sau:
Thiền sư Pháp Thuận (925-990), Chùa Cổ sơn, làng Thừ, quận Ái. Không biết người đâu. Sư họ Đỗ, học rộng, thơ hay, có tài giúp vua, hiểu rõ việc nước. Nhỏ đã xuất gia, thờ Thiền sư Phù Trì chùa Long Thọ làm thầy. Sau khi đắc pháp, Sư nói ra lời nào cũng phù hợp với sấm ngữ. Đang vào lúc nhà Lê dựng nghiệp, trù kế hoạch định sách lược, Sư tham dự đắc lực. Đến khi thiên hạ thái bình, Sư không nhận phong thưởng. Vua Lê Đại Hành càng thêm kính trọng, thường không
gọi tên, chỉ gọi Đỗ Pháp sư và đem việc soạn thảo văn thư giao phó cho Sư.(...) Vua thường đem vận nước dài ngắn ra hỏi, Sư đáp:
Vận nước như mây cuốn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trong điện các
Xứ xứ tắt đao binh.
Phiên âm Hán – Việt:
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lí thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.
2. Bài kệ được đưa vào chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn cấp trung học phổ thông hiện hành. Các tác giả sách giáo khoa và giáo viên ở cả hai bộ sách cơ bản và nâng cao đã chú ý đến những vấn đề ngữ văn của bài kệ, nhưng vẫn chưa chú ý đến vấn đề văn hóa liên văn bản của thời đại văn sử triết bất phân, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sự thật lịch sử, văn hóa lịch sử của thời kì ba triều đại Đinh, Tiền Lê, Lí khi còn đóng đô ở Hoa Lư. Sách giáo khoa Ngữ văn tập 1 nâng cao trong phần hướng dẫn bài đọc thêm này viết:
1. Anh (chị) hãy cho biết bài thơ Vận nước ra đời trong hoàn cảnh nào?
2. Phân tích ý nghĩa của hình ảnh “dây mây kết nối” trong lời đáp lại câu hỏi của vua Lê Hoàn: “Vận nước ngắn dài thế nào?”
3. Giải thích vì sao nói nhà vua dùng đường lối “ vô vi” thì khắp nơi trong nước lại có thể dứt được đao binh ?
Các chú thích để làm rõ:
( *) Tên bài thơ do người đời sau đặt.
(1) Vận nước: dịch chữ quốc tộ; ở đây có nghĩa là vận may của quốc gia.( trang162)
(2) Dây mây kết nối: dịch chữ đằng lạc (đằng: dây mây; lạc: kết nối). Cả câu ý nói vận may của nước nhà bền chắc.
(3) Mở mang: dịch chữ Lí. Chữ lí trong bài có nghĩa là lo liệu, mở mang.
(4) Cung điện: dịch chữ điện các, chỉ nơi đặt cơ quan đầu não của quốc gia thời quân chủ.(trang 162)
Không có chú thích về hai chữ vô vi, hai chữ vô cùng quan trọng trong lời chỉ giáo của quốc sư Pháp Thuận với vua, khiến người học không thể lĩnh hội được thâm ý của lời khuyên. Sách giáo viên giải thích về vô vi như sau:
Vô vi là “không làm”, không làm trí lẽ tự nhiên. Về chính trị, “vô vi” là nên khoan dung, giản dị, không bày đặt ra những chính lệnh hà khắc, những khuôn mẫu đạo đức cứng nhắc bó buộc con người làm theo “vô vi” ( vi vô vi) là làm những điều thuận lẽ tự nhiên để dân được an lạc. (SGV trang 202).
3. Chúng tôi đồng tình với cách chú giải trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 1 bộ cơ bản (NXG GD, 2006):
(...) Để hiểu bài thơ, cần hiểu khái niệm “vô vi”. Vô vi nghĩa đen là “ không làm gì”. Khái niệm vô vi được nhiều trường phái triết học, tôn giáo sử dụng. Vô vi là thuật ngữ trong sách Đạo đức kinh của Lão Tử nhằm chỉ một thái độ sống thuận theo tự nhiên, không làm điều trái tự nhiên. Trong bài thơ này, vô vi còn được hiểu theo nghĩa của Nho giáo. Thiên Vệ Linh công sách Luận ngữ của Khổng Tử có câu: “ Vô vi nhi trị giả, kì Thuấn dã dư?” (Vô vi mà thịnh trị, đó là vua Thuấn chăng?.) Chu Hi chú giải (câu này) như sau: Vô vi mà thịnh trị là vì bậc thánh nhân có đức thịnh nên cảm hóa được nhân dân, không phải làm gì hơn”.
Tuy nhiên cũng cần làm rõ khái niệm đức của bậc đế vương theo quan niệm Nho giáo, ta mới có thể hiểu Pháp Thuận khuyên vua Lê Hoàn điều gì. Người làm vua có thể dùng mưu kế, chước thuật, cũng có thể ngồi trên lưng ngựa để đoạt được thiên hạ, nhưng muốn giữ vững thiên hạ thì phải có nhân nghĩa, có đức độ, yêu thương muôn dân, khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không còn một tiếng hờn giận oán sầu (Nguyễn Trãi). Nhà vua phải tích tụ đức tốt, đức sáng, không dùng hình chính hà khắc, bạo ngược để cai trị trăm họ mà phải vỗ về phủ dụ bách tính. Đó là dùng đức trị, đức lớn nhất của bậc đế vương là đức hiếu sinh. Theo quan niệm của người xưa, nhà vua vì có đức lớn nên nhận được mệnh trời, thay trời làm công việc chăn dân, không để mất lòng dân ( Thế thiên hành hóa, đại thiên hành hóa). “Làm chính trị nhờ vào đức cũng giống như sao Bắc Đẩu đứng yên một chỗ mà các vì sao khác đều châu tuần về” (Khổng Tử). Đức sáng của nhà vua tỏa phát, lan rộng, thấm nhuần đến mọi thần dân, khắp bờ cõi, thậm chí lan tỏa đến cả các nước lân bang, tất cả đều bị thu hút vào trung tâm là vua. Được mùa là do công sức của thần dân, nhưng cũng còn do đức sáng của nhà vua đã cảm động đến trời đất. Mất mùa, thiên tai địch họa là do đức nhà vua kém, nên trời giáng tai họa xuống. Ông vua đầu tiên của nhà Tiền Lê đã có công lao to lớn trong việc bình Chiêm, phạt Tống, giữ vững độc lập tự chủ của quốc gia phong kiến tập quyền Đại Cồ Việt, Lê Hoàn từng chú ý đến việc trọng nông, khuyến nông bằng hành vi tịch điền ở Đọi Sơn (Hà Nam ngày nay) mà sử sách ghi lại, dân gian lưu truyền. Tuy vậy cái chưa làm được của ông vua này là việc không quan tâm dạy dỗ con cái, đặc biệt là người kế nghiệp, nói như Bác Hồ là việc đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau; tức ông còn khiếm khuyết trong tề gia, để đến nỗi sau khi ông mất, các con ông tranh nhau ngai vàng đến chém giết lẫn nhau như dân gian nói là nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn, thật đáng tiếc thay. Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử kí toàn thư ghi về Lê Long Đĩnh như sau:
Vua tính hiếu sát, phàm người bị hành hình, hoặc sai lấy cỏ gianh cuốn vào người mà đốt, để cho lửa cháy gần chết, hoặc sai kép hát người tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn, dao cùn xẻo từng mảnh, để cho không được chết chóng. Người ấy đau đớn kêu gào thì Thủ Tâm nói đùa rằng: “Nó không quen chịu chết”. Vua cả cười. Đi đánh dẹp bắt được tù thì giải đến bờ sông, khi nước triều rút sai người làm lao dấn nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều lên, ngập nước mà chết., hoặc bắt trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết, Vua thân đến xem lấy làm vui. Có lần vua đi đến sông Ninh (Có lẽ ở huyện Chương Mĩ, Hà Nội ngày nay), sông ấy nhiều rắn, vua sai trói người vào mạn thuyền, đi lại giữa dòng muốn cho rắn cắn chết. Phàm bò lợn muốn làm thịt thì tự tay Vua cầm dao chọc tiết trước rồi mới đưa vào nhà bếp sau. Có lần Vua róc mía trên đầu sư Quách Ngang, giả vờ lỡ tay làm đầu sư bị thủng chảy máu rồi cả cười. Hoặc nhân yến tiệc, giết mèo cho các vương ăn, ăn xong lấy đầu mèo giơ lên cho xem, các Vương đều sợ, Vua lấy làm thích. Mỗi khi ra chầu tất sai bọn khôi hài hầu hai bên; Vua có nói câu gì thì bọn ấy nhao nhao pha trò cười để cho loạn lời tâu việc của quan chấp chính. Lại lấy thạch sùng làm gỏi, bắt bọn khôi hài tranh nhau ăn.
Mùa đông, Tháng mười, ngày Tân Hợi(1019 ), Vua băng ở Tẩm điện gọi là Ngọa Triều, vì vua mắc bệnh trĩ phải nằm mà coi chầu (Dã sử chép vua say đắm tửu sắc phát ra trĩ).
Ngô Sĩ Liên bàn rằng: (...) Ngọa Triều không những chỉ thích giết người, lại còn oán vua cha không lập mình làm thái tử (còn giết cả vua anh, giết các hoàng đệ), đánh người Man cho họ kêu gào, nhiều lần phạm húy cha mà lấy làm thích. Mất nước mau chóng, há phải không do đâu mà ra .( ĐVSKTT trang 77-78)
Kinh đô Hoa Lư là một vùng đất hiểm, nhưng nhà Tiền Lê không giữ được thiên hạ vì như người xưa tổng kết: Tại đức bất tại hiểm (Quá Tần Luận - Bàn về lỗi lầm của nhà Tần, Giả Nghị 200 – 168 TCN đời Tây Hán), hay:
Giặc tan muôn thuở thăng bình
Tại đâu đất hiểm, cốt mình đức cao
( Trương Hán Siêu, Bạch Đằng giang phú)
Nhiều học giả trong các cuốn sách viết về Quốc tộ, mặc nhiên gọi nó là một bài thơ.. . Cũng có người cho là một bài kệ. Chúng tôi nghiêng về quan niệm cho rằng đây là một bài kệ dạy vua về kế sách giữ cho Vận nước được lâu dài. Với người Việt ta yêu nước, giữ gìn từng tấc đất cha ông từ ngàn xưa để lại đã trở thành một truyền thống đạo lí. Yêu nước trở thành chuẩn mực đạo đức cao nhất của con dân đất Việt này. Như vậy kệ vấn cũng đã rõ, kệ đáp lại càng rõ. Cả người hỏi và người đáp cho thấy kiến văn quảng bác thâm hậu về vốn văn hóa chính trị có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ xưa của mình. Đó là kiến văn có sự giao thoa tam giáo Nho, Phật, Lão; đồng thời họ cũng là những người mang trong lòng truyền thống đạo lí, đạo đức cao nhất, lớn nhất của người Việt tự ngàn đời: yêu nước thương dân., nhưng thật đáng tiếc thay, Lê Đại Hành đã không thực hiện được đường lối chính trị vô vi nên triều Tiền Lê thật vô cùng ngắn ngủi, chỉ kéo dài được 29 năm (từ năm Tân Tỵ 981 đến năm Kỷ Dậu 1009). Hoàng đế mở đầu nhà Tiền Lê khi băng hà không có tên thụy để thờ. Theo truyền thống xưa kia, ở Trung Quốc và Việt Nam, mỗi khi có vua băng hà, sau khi an táng, triều đình căn cứ vào công tích hành trạng của vị vua băng hà đặt một tên thụy để thờ. Đinh tiên Hoàng Đế (Đinh Bộ Lĩnh là ông vua họ Đinh xưng đế đầu tiên,) Lê Thánh Tông (Lê Tư Thành) là vị vua họ Lê anh minh thánh đế, Lê Ngọa triều (Lê Long Đĩnh) là ông vua nằm mà thiết triều, Lê Mẫn Đế (Chiêu Thống) là ông vua họ Lê đáng thương hại. Lê Văn Hưu, tác giả Đại Việt sử kí đã bình luận về sự kiện này như sau:
Thiên tử và hoàng hậu lúc mới băng, (cha) an táng về sơn lăng thì gọi là Đại Hành hoàng đế, Đại Hành hoàng hậu (mẹ). Khi lăng tẩm đã an định mới hội họp quần thần nghị bàn về đức hạnh hiền, dữ của thiên tử để đặt thuỵ, gọi là … hoàng đế, … hoàng hậu.
Vua Lê Đại Hành lấy Đại Hành làm tên thuỵ truyền lại cho đến ngày nay là vì sao? Đại khái vì có đứa con bất tiếu Ngoạ Triều, lại không có Nho thần ở bên phụ bật, theo phép nghị bàn đặt tên thuỵ nên mới vậy.(Dẫn lại theo ĐVSKTT của Ngô Sĩ Liên).
Còn chính sử thần Ngô Sĩ Liên thì bàn rằng:
Vua (Lê Đại Hành) đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy. song khi làn nhiếp chính (cho vua thứ hai nhà Đinh là Đinh Toàn) mà tự xưng làm Phó Vương dẫn đến bọn Điền, Bặc phải khởi binh, lên ngôi vua thì phải nhờ bọn Cự Lạng đem binh đến uy hiếp, làm cung điện thì lấy vàng, bạc mà trang sức. Phàm những việc như thế thì không bằng Lý [Thái] Tổ biết nghĩ xa hơn. Văn Hưu nói lấy đức của nhà Lí mà soi đức của nhà Lê thì [đức của Lí] dày hơn, há chẳng đúng sao! (ĐVSKTT).
4.Như vậy, vận nước dài hay ngắn phụ thuộc rất nhiều vào đường lối cai trị, vào đức của nhà vua sáng hay tối. Lê Đại Hành hỏi về vận nước nhưng không thể làm cho vận nước dài lâu vì không thể thực hiện được đường lối cai trị vô vi. Từ nguyện vọng đến thực tiễn, thực hành quả là có khoảng cách, một khoảng cách về văn hóa lịch sử chính trị và những hãm trở của thực tế khó có thể, không thể vượt qua. Ta đánh giá Lê Hoàn ở những việc mà nhân vật lịch sử này đã làm được cho đất nước, nhưng những việc ông chưa làm được và không thể làm được âu cũng là bài học cho hậu thế. Tìm hiểu về lịch sử để không mắc lại những sai lầm của lịch sử . Đó là nỗi lòng của người viết bài này.
Vân Giang, Ninh Bình, ngày 20 tháng 5, 2010
BNM