Eliot (nhà thơ Anh gốc Mỹ): Cái xác anh trồng năm ngoái trong vườn/ Đã bắt đầu nẩy mầm chưa? Thanh Quế: Tôi như thấy những tháng năm đời mình còn lại/ Là những tháng năm vay mượn của các anh/ Những người đã khuất (Nói với một người anh - nhớ Lê Anh Xuân)

   

Ba Tham luận trong Hội thảo Tố Hữu - Thân thế và Sự nghiệp
Cập nhật: 15:58:00 5/10/2010

Như chúng tôi đã đưa tin, Hội thảo Tố Hữu – Thân thế và Sự nghiệp do Ban Tuyên giáo TW, Bộ Văn hóa TT & DL và Hội Nhà văn Việt Nam đã thành công tốt đẹp với nhận định xuyên suốt: Tố Hữu xuất hiện khi Thơ Mới đã thoái trào, thổi vào thi pháp ấy hồn thiêng sông núi và ngọn lửa cách mạng; khiến tinh thần Thơ Mới qua ông hóa thân thành ngọn lửa của khát vọng giải phóng dân tộc và cứ thế, Tố Hữu đã giữ ấm áp ngọn lửa thiêng suốt trong đời thơ của mình; trở thành người lĩnh xướng dàn giao hưởng của thi ca cách mạng thế kỷ XX. Hơn 20 tham luận đã được gửi về BTC, nhưng do thời gian có hạn, mới chỉ có 7 tham luận được đọc tại Hội thảo, sau đây vanvn.net trân trọng giới thiệu 3 tham luận của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, GS Phong Lê và nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội.

TỐ HỮU – NHÀ THƠ LỚN CỦA DÂN TỘC

Hữu Thỉnh

Như tôi được biết, tại một số bảo tàng văn học trên thế giới, cứ sau một thời gian, người ta lại tiến hành thay đổi vị trí trưng bày, quy mô sắp xếp các hiện vật của các nhà văn tùy theo kết quả nghiên cứu đánh giá, thăm dò dư luận. Ở bảo tàng văn học đương đại Trung Quốc thì sự thay đổi đánh giá diễn ra càng nhanh hơn. Nhưng cho dù Mao Thuấn, Lão Xá, Quách Mạt Nhược, Đinh Linh, Ngụy Nguy... có xê dịch như thế nào thì vị trí của Lỗ Tấn vẫn không hề thay đổi. Trước sau ông vẫn ung dung một mình một gian trang trọng nhất ở trung tâm bảo tàng, và sự thiết kế chi ly đến mức đứng ở bất cứ tầng nào của ngôi nhà người ta cũng nhìn thấy ông trong tư thế đăm chiêu trước bàn viết.

Từ quan sát đó, tôi tự đặt câu hỏi cho mình, tại Việt Nam, trong thế kỷ XX, xét về tài năng, ảnh hưởng, độ gắn kết với cách mạng và tác động của họ vào tiến trình văn học thì ai là người xứng đáng có vị trí tương tự như Lỗ Tấn ở Trung Quốc. Tôi thử đưa ra nhiều ứng cử viên, nhưng bình tĩnh cân nhắc, căn cứ vào các yếu tố vừa nêu trên và xét toàn bộ thân thế và sự nghiệp, tôi thường nghĩ đến Tố Hữu. Thời gian của Hội thảo không dài, mỗi diễn giả có thể và cần thiết đi sâu vào những khía cạnh khác nhau, nhưng tổng thể không thể quên sự thống nhất biện chứng giữa thân thế và sự nghiệp của Tố Hữu. Chúng ta đã tỏ ra rất công bằng khi đánh giá Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu trên cả hai phương diện thân thế và sự nghiệp. Ở đây không phải là câu chuyện lấy cuộc đời để cộng thêm hoặc bù vào cho văn chương, mà xét trên bình diện một tinh hoa, một nhân cách văn hóa. Trong một bài viết trước đây, tôi đã có dịp nói về Tố Hữu với hai sự nghiệp là nhà cách mạng tiêu biểu và nhà thơ lớn. Một đời người chỉ cần làm được một trong hai sự nghiệp đó thôi đã đáng được coi là đấng anh hào như Hoàng Tùng đã nói. Thế mà Tố Hữu đã làm được cả hai và đều đạt đến mức ưu tú.

2. Tiến sĩ Thu Trang, một trí thức và một Việt kiều với những hoạt động yêu nước nổi tiếng tại Pháp cho biết “những năm kháng chiến, việc tìm đọc thơ Tố Hữu ở Paris là một thái độ chính trị”. Tại sao đọc thơ lại được xem là thái độ chính trị? Vì Tố Hữu là nhà thơ của một khuynh hướng, là tiếng nói bất khuất của một dân tộc chiến đấu cho các giá trị tự do và độc lập, cho quyền sống, quyền làm người và quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Đặng Thai Mai, Hoài Thanh đề cao tính lý tưởng trong thơ Tố Hữu. Trong nền văn học của chúng ta, không ai cất lên tiếng hát của lý tưởng cách mạng thấm thía, xúc động hào sảng và đầy sức mạnh như Tố Hữu. Thử tưởng tượng, giữa một cố đô mà bóng các lăng tẩm đè nặng trên mỗi con đường, giữa một rừng mũ mão, áo thụng và bài ngà, và hơn nữa một phủ toàn quyền của thực dân Pháp thiết lập sự cai trị tàn khốc của nó đến mức một ông vua cha truyền con nối phải ngửa tay xin từng lít xăng cho những chuyến công du, thì, một thư sinh 16 tuổi, vừa tốt nghiệp thành chung liệu có thể làm được gì. Để gây được chú ý giữa chốn thần kinh như thế đã là việc vô cùng khó. Thế mà, Tố Hữu không những tạo nên một sự kiện đầy tiếng vang, mà còn khiến cả bộ máy cai trị phải đau đầu đối phó với những bài thơ cách mạng của mình. Tập thơ Từ ấy chủ yếu được viết trong tù ngục. Nhưng ảnh hưởng của nó đã nhen nhóm lên cả một biển lửa. Thơ Tố Hữu đã góp phần đào tận móng cốt, nền tảng cả một vương quyền phong kiến và chế độ thực dân. Đó là nghệ thuật chinh phục lòng người, là tiếng nói tâm tình, là yêu thương thấm thía, là an ủi và khích lệ. Thi sĩ sắm vai đứa “con của vạn nhà” để gõ cửa mọi số phận. Và tình yêu thương con người của anh là rất cụ thể. Từ chị vú em, đứa ở, cô gái giang hồ, đến bà má Hậu Giang, bà bủ, bà bầm, em bé liên lạc, người anh hùng chăn bò Hồ Giáo, Mẹ Suốt, Morisơn... Tất cả có chung một tên gọi, đó là “nhân dân”. Về điều này, nhận xét sau đây của Trần Đình Sử là rất chí lý: “Không chỉ giản đơn là Tố Hữu tìm ra cho mình một trang thơ mà còn là quần chúng tìm thấy nhà thơ của họ”. Thơ Tố Hữu có khả năng bao quát cuộc sống lớn lao của đất nước với những thăng trầm của lịch sử qua những năm tháng hệ trọng nhất. Đó là hành trình của dân tộc, là sự cộng hưởng giữa lý tưởng và hiện thực, bi ca và tráng ca, máu và hoa, tâm tình và hành khúc. Dân tộc và hiện đại. Lịch sử đi qua một con người, và qua một con người hiện lên lịch sử. Nguyễn Đình Thi viết “và qua lửa của thơ anh có biết bao thương yêu dịu dàng đối với đất nước quê hương và những con người của đất miền quê hương. Từ cuộc sống hiện đại, thơ anh ngày càng bắt nguồn trở lại vào hồn thơ cổ điển của dân tộc. Thơ Tố Hữu đem đến niềm tin cho cả mấy thế hệ chiến sĩ làm nên hai cuộc kháng chiến vĩ đại giành độc lập – thống nhất”.

Nói về khái quát lịch sử thì Tố Hữu là nhà thơ có tài nổi bật. Những năm chống Mỹ, nhiều nhà thơ vào Trường Sơn, Huy Cận thì thấy “Đánh xảy là một ngày vui lớn”, Phạm Tiến Duật “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, Hoàng Nhuận Cầm “Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt”, Nguyễn Duy căng “một bầu trời vuông” cùng đồng đội. Hay thì khá hay, nhưng bạn đọc vẫn chưa thỏa, người ta vẫn chờ đợi một cái gì. Đến Tố Hữu:

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai

thì khí phách, tầm vóc, thần thái của cuộc chiến đấu bừng lên hoành tráng khác thường.

3. Một khía cạnh đặc biệt nữa trong tài năng của Tố Hữu là khả năng biến những biểu số thành hằng số, biến cái nhất thời thành cái vĩnh cửu, cách mạng, kháng chiến, là một chuỗi các sự kiện, hành động bất thường, tiếp nối không ngừng. Đó tuyệt đối là một trạng thái động. Ngược lại, hòa bình là một trạng thái tĩnh. Sức sống của văn học đòi hỏi các nhà văn viết về chiến tranh mà vẫn có sức hấp dẫn trong hòa bình. Tố Hữu có nhiều bài thơ viết trong tù ngục, trong chiến tranh nhưng vượt qua được sự sàng lọc của thời gian, tiếp tục gây xúc động lâu dài cho người đọc. Con cá chuột nưa là câu chuyện bảo toản khí tiết trong những ngày tuyệt thực. Cảnh tù ngục từ lâu không còn nữa, nhưng vấn đề tự trọng, tự thắng, tự giữ gìn danh sự liêm chính thì vẫn còn có ý nghĩa thời sự lâu dài.

Câu thơ:

Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh

Môi ta thầm kêu Bác Hồ Chí Minh

trong bài “Sáng tháng Năm, viết năm 1951, gây xúc động lớn trong những năm gian khổ kháng chiến, gần 60 năm đã trôi qua, trước biết bao vật đổi sao dời, nhưng chấn động của thời thế trong nước ngoài nước, ta thấy sự chiêm nghiệm của nhà thơ vẫn còn nguyên giá trị. Tố Hữu là nhà thơ viết sớm nhất, nhiều nhất, xúc động nhất và thành công nhất về Bác.

Và ngày nay, bước bào cơ chế thị trường, trước biết bao cảnh chộp giật, lừa đảo, những bức xúc nền đạo đức xã hội, hai câu thơ của Tố Hữu sau đây có thể giúp cho người ta bình tâm lại, nhận ra giá trị thực của cuộc sống, của một đời người:

Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người với người sống để yêu nhau.

Tiếng chổi tre, cả bài thơ vào loại hay nhất của Tố Hữu, sau bao năm rồi không những không bị thời gian vượt qua mà còn trở nên thời sự nhất, bức xúc nhất trong bối cảnh hiện nay.

Thơ Tố Hữu có rất nhiều những viên ngọc quý như vậy. Và Anh lớn là vì vậy.

4. Giữa các nhà văn, câu chuyện tài năng hơn kém là một đề tài vô tận. Thước đo tin cậy nhất là xem xét vùng ảnh hưởng của họ đến đâu với công chúng và với tiến trình văn học nói chung.

Trong các nhà thơ đương đại, sau Bác Hồ, không một nhà thơ nào có được một công chúng rộng rãi, một kỷ lục xuất bản lớn như Tố Hữu. Thơ anh được mọi tầng lớp nhân dân đón nhận nồng nhiệt, là hành trang lên đường của hàng triệu chiến sĩ, dưới nhiều hình thức được bí mật đưa vào các thành thị miền Nam, vào các nhà tù đế quốc. Thơ Tố Hữu là tín hiệu sự có mặt của cách mạng. Thơ anh cũng được đánh giá cao và có tiếng vang ở nước ngoài. Năm 1995, nhà thơ Buc-oai-gân, cùng một số nhà văn thuộc Trung tâm William Joiner, Hoa Kỳ sang Việt Nam nhờ Hội Nhà văn Việt Nam hiệu đính cho tập thơ của các liệt sĩ Việt Nam. Đó là một tập thơ dày, lấy trong sổ tay của các chiến sĩ ta do lính Mỹ thu được sau các cuộc tấn công vào hậu cứ. Chúng tôi rất xúc động lần dở tập thơ, nhận thấy có nhiều bài do chính bộ đội ta sáng tác, nhưng cũng có rất nhiều bài thơ chép tay của các nhà thơ chuyên nghiệp, trong đó nhiều nhất là thơ Tố Hữu. Vị trí và ảnh hưởng của Tố Hữu đã được cuộc sống kiểm nghiệm.

Nói về ảnh hưởng của Tố Hữu đối với nhân dân và tiến trình văn học Việt Nam, nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Khi chúng ta đang tìm đường, nhận đường thì đã thấy một ví dụ sống trên đường là tác phẩm Tố Hữu. Nói đến Tố Hữu về thơ phải nói vai trò mở đầu và hiện vẫn dẫn đầu của anh”.

Nhà văn Đặng Thai Mai viết: “Trong thơ Tố Hữu, nét nổi bật đáng quý là sự nhất trí. Nhất trí giữa đời sống và nghệ thuật. Nhất trí giữa tư tưởng, tình cảm và hành động. Nhất trí giữa con người với thời đại, với tập thể.”

Còn Xuân Diệu, ông vua thơ tình, người được xem là mới nhất trong Thơ mới, viết: “Tố Hữu có một bút pháp của riêng mình, không bắt chước ai, mà dễ thu hút người khác bắt chước”. Giáo sư Trần Thanh Đạm viết “Mọi nhà thơ và mọi nhà hoạt động văn học, văn hóa Việt Nam dù thuộc thế hệ nào và ở bất cứ nơi đâu đã từ lâu nhất trí tôn vinh anh là lá cờ đầu của thơ ca và văn học cách mạng Việt Nam. Anh là ngọn cờ, anh cũng là con đường”. Giáo sư, nhà lý luận phê bình Trần Đình Sử nhận định “Một cá tính mạnh mẽ, một khí chất say sưa, một quan niệm cá nhân cởi mở giữa những người đồng chí đã làm cho cái tôi nhà thơ được bộc lộ tự do, không hề bị trói buộc bởi bất cứ công thức, chuẩn mực nào, đã tạo nên những vần thơ đẹp, xúc động, đầy men say, bay bổng bậc nhất trong thơ ca cách mạng Việt Nam”.

5. Có ý kiến, hai tập thơ “Một tiếng đờn” và “Ta với ta” có nhiều nỗi buồn và sự cô đơn, không còn giữ được phong độ như các tập trước đó. Tôi có ý nghĩ khác. Tôi nghĩ Tố Hữu đang tự bổ sung và tự hoàn thiện một phong cách, một sự nghiệp thơ. Nếu anh không có lúc nào buồn và cô đơn thì đó là điều đáng tiếc hơn là đáng trách vì nguy cơ của sự đơn điệu.

Trước một hiện thực mới mẻ, có lúc ngổn ngang, vật vã với biết bao chấn động dữ dội, thì một giọng thơ trầm, đầy ắp chiêm nghiệm và suy nghĩ là một khoảng lặng cần thiết và đáng quý để thơ lặn vào bề sâu của tâm trạng xã hội. Qua đó người đọc vẫn bắt gặp lo âu canh cánh về xã hội và con người của Tố Hữu.

Trước một sự chuyển nhịp như vậy, ta càng cảm thấy tính chất phức hợp, đa thanh của một tài năng lớn. Đặc biệt, tôi muốn nhắc đến bài Ly hôn là bài vào loại riêng tư nhất, và mới nhất được công bố.

Mấy hôm rồi nhà bỗng vắng teo

Nhớ cháu, trái tim ông muốn khóc

Sáng mai ra ông cứ nhìn theo

Những mẹ trẻ đèo con đi học.

Tan tổ ấm, rã rời đôi mảnh

Cháu về đâu, bên mẹ, bên cha?

Ôi, tội nghiệp! Non tơ đôi cánh

Con bồ câu ngơ ngác xa nhà.

Với những câu thơ như thế, chúng ta càng yêu Tố Hữu hơn.

Giáo sư Hà Minh Đức nhận xét “Một tiếng đờn phù hợp với trạng thái vận động của tình cảm và tư duy qua nhiều năm tháng và trước yêu cầu của thời cuộc. Từ cảm xúc yêu thương đến suy nghĩ, Việt Nam là mối quan tâm lớn của nhà thơ trong lúc này.”

Như vậy là, hồn thơ Tố Hữu đang mở ra, vào những vùng sâu thẳm nhất, chứ chưa hề bị khép lại.

Tố Hữu luôn đồng hành với chúng ta hôm nay và mai sau.

Hà Nội, ngày 3/10/2010

HỮU THỈNH

TỐ HỮU – HƠN 60 NĂM ĐƯỜNG THƠ

Phong Lê

Tố Hữu, (4-10-1920 – 4-10-2002) đó là một sự nghiệp thơ gắn bó và song hành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cũng có thể nói, Tố Hữu là ca sĩ sớm nhất và lớn nhất, có thanh âm vang ngân nhất trong bản hợp ca cách mạng của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX.

Từ ấy, (1937-1946) tập thơ đầu tay của Tố Hữu viết trong hoàn cảnh đất nước còn trong tình cảnh nô lệ. Và, trong bối cảnh phong trào Thơ mới đã tiến hành xong một cuộc cách mạng trong thơ ca. Từ ấy đạt được cả hai phương diện, hai mục tiêu: nội dung trữ tình cách mạng và ngôn ngữ, thể loại, giọng điệu mới, trong cái nghĩa mà cả một phong trào thơ với định ngữ mới đã theo đuổi và đạt được. Từ ấy, có thể nói, đã cùng lúc thực hiện trong nó hai yêu cầu: cách mạng hóa và hiện đại hóa; hai yêu cầu được khởi động từ đầu thế kỷ và diễn ra xuyên suốt cả thế kỷ.

Nếu Từ ấy là “tiếng ca của một người thanh niên, một người cộng sản”, nói như Hoài Thanh, thì Việt Bắc (1947-1954), Gió lộng(1955-1961), Ra trận(1962-1971), Việt Nam - Máu và Hoa (1972-1977) là bản hợp ca, rồi tráng ca của một dân tộc anh hùng không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào, trước bất cứ khó khăn, gian khổ nào để giành cho được độc lập, tự do. Hình ảnh của những bé Lượm, bà bủ, bà bầm, cô gái phá đường, anh Vệ quốc quân dưới chân Đèo Nhe... tất cả đều là những hình ảnh gần gũi, quen thuộc, nhưng qua cái nhìn yêu thương, trân trọng và cảm phục của nhà thơ, những con người bình thường, cụ thể đó bỗng được nâng lên thành biểu tượng của Nhân dân, của Tổ quốc.

Rất đẹp, hình anh lúc nắng chiều

Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo

Núi không đè nổi vai vươn tới

Lá ngụy trang reo với gió đèo

Tất nhiên, phát hiện của Tố Hữu trên hai chiều cạnh, hai tầm vóc bình thường mà vĩ đại này chỉ có thể diễn ra trên nền cao của một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân triệt để. Để từ đó mà có được những thành tựu thơ trên hai định hướng: viết về nhân dân và thuộc lời nhân dân. Phải có điểm tựa đó, Cách mạng tháng Tám, mới đem lại sự hồi sinh cho các thế hệ nhà thơ đã nổi tiếng từ trước 1945 như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, và sự sinh thành một thế hệ các nhà thơ mới là sản phẩm của cách mạng, như Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Chính Hữu, Hong Cầm, Hoàng Trung Thông. Còn Tố Hữu, ông là người có tư cách cùng lúc đại diện cho cả hai trong sự gắn bó của những gì ưu tú nhất; và do vậy là người kết tinh cao nhất cho thành tựu nghệ thuật thơ, cho phẩm chất thơ trong buổi đầu khai mạc kỷ nguyên Dân chủ Cộng hòa.

Gió lộng là tiếng ca vui, vừa hào sảng vừa tha thiết của đất nước trong buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là Bài ca mùa xuân… Là tư thế con người được giải phóng khỏi mọi đè nén, áp bức đang vươn lên các đỉnh cao:

Chào 61, đỉnh cao muôn trượng

Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng

Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau

Ở đỉnh cao hiện tại, Tố Hữu cũng đồng thời cho thấy một gắn nối thật sâu xa với quá khứ. Quá khứ rất sâu với “Hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu”; với Tố Như qua dòng “lệ chảy quanh thân Kiều”. Gần hơn với Quê mẹ “Cay đắng bao nhiêu nỗi đoạn trường”, và Mẹ Tơm “Sống trong cát chết vùi trong cát”... Trong cảm nhận của Tố Hữu cái hôm nay luôn luôn gắn nối với xưa. Cái hôm nay vừa là tầm cao vừa là bề sâu; và hiện thực hôm nay, đó là một bức tranh tươi sáng và ấm áp trong tình người, tình đời; một bức tranh khó tìm được trong quá khứ, và có lẽ cũng khó trở lại một lần thứ hai trong tương lai:

Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người yêu người sống để yêu nhau

Ra trận, chuyển từ bản hợp ca vui trong Gió lộng đến bản tráng ca hùng vĩ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Ra trận, vẫn tiếng thơ Tố Hữu ở hàng đầu và ngân vang trong dàn hợp xướng dân tộc đi tới chiến thắng mùa xuân 1975; và đi tới toàn cảnh “nước non ngàn dặm” :

Chúng muốn đốt ta thành tro bụi

Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm

Chúng muốn ta bán mình ô nhục

Ta làm sen thơm ngát giữa đầm

(Việt Nam- Máu và Hoa, 1973)

Là nhà thơ trữ tình cong dân, “trữ tình chính trị”, từ Từ ấy đến Máu và Hoa, Tố Hữu đã là người thể hiện được trọn vẹn nhất tình yêu quê hương, đất nước; thể hiện được đậm đà nhất sự gắn bó sắt son, chung thủy với Đảng, với cách mạng. Cũng Tố Hữu, hơn tất cả mọi người làm thơ cùng thời, là đại diện tiêu biểu nhất cho tình cảm của hàng triệu, hàng chục triệu con tim Việt Nam đối với lãnh tụ dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chưa ai, và chẳng thể ai vượt được Tố Hữu, người đón nhận và chuyển tải được một cách kịp thời đến thế, mối giao cảm lớn lao và thống thiết đến thế của nhân dân Việt Nam trong ngày Bác mất, qua Bác ơi ! (1969).

Chưa ai, và cũng chẳng ai thay thế được Tố Hữu trong sự kết hợp tự nhiên, như không thể khác được, hành trình dân tộc qua hành trình một con người, như trong Theo chân Bác (1970).

*

* *

Sau Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và Hoa, Tố Hữu lại đến với chúng ta, lại hiện diện cùng ta trong Một tiếng đờn (1978 - 1992) rồi Ta với ta (1993 - 2000).

Một tiếng đờn, ở tuổi ngoài 70 và Ta với ta ở tuổi vào 80 của tác giả, trong những năm đất nước chuyển vào thời kỳ đổi mới.

Một tiếng đờn, vẫn Tố Hữu trong tiếng thơ quen thuộc nhằm nhắc nhở con người hướng vào những tình cảm lớn của dân tộc, những mục tiêu cao cả của cách mạng, không được phép băn khoăn và đi chệch.

Với Một tiếng đờn và Ta với ta Tố Hữu vẫn là người kiên trì và chung thủy với những gì đã được xác định từ Từ ấy. Nhưng kể từ Từ ấy cho đến lúc này, hơn 60 năm đã trôi qua, và những Phước trong Đi, đi em, những Tiếng rao đêm, và những cô gái trong Tiếng hát sông Hương đương đại có làm ông ngỡ ngàng?

Từ sau 1975 ngọn lửa chiến tranh đã dần dần tắt lặng. Công cuộc hòa bình xây dựng đất nước đã diễn ra một phần tư thế kỷ. Một tiếng đờn, rồi Ta với ta, do vậy lại không thể là sự tiếp tục y nguyên tiếng thơ cũ. Đã có một tiếng nói mới, một giọng điệu mới nơi Tố Hữu. Trước, ông nói với đời. Và ông nói với lòng tin, tiếng thơ ông là tiếng nói lớn của đời. Hãy xem, hãy nghe, hãy nhớ !... Đừng quên, không thể, có thể nào ! ... Đó là những lời quen thuộc của Tố Hữu mà cả đất nước một thời cùng lắng nghe, cùng đồng vọng. Bây giờ đã có lúc ông nói với mình, như một cách dặn lòng:

Dưỡng sinh, hai chữ, hay là !

Hít vào thong thả; thở ra nhẹ nhàng

Bàn tay xoa bóp dịu dàng

Vuốt đầu thanh thản, mịn màng tóc tơ

Lòng không bợn chút bùn dơ

Biết đâu trăm tuổi, còn thơ với đời

(Dưỡng sinh, 1988)

Cố nhiên vẫn là Tố Hữu, ở một quyết tâm ráo riết bên trong:

Phải trái, dại khôn, đầu vẫn sáng

Thủy chung, đen bạc, mắt chưa nhòa

Sợ chi khúc khuỷu đường muôn dặm

Ta vẫn là ta, ta với ta

(Bảy mươi, 1990)

Cũng đã thấy xuất hiện trong thơ nỗi buồn thấm vào cõi riêng, để thay cho những buồn - vui chung mà suốt non nửa thế kỷ qua, Tố Hữu từng nói với tư cách đại diện :

Mới bình minh đó đã hoàng hôn

Đang nụ cười tươi bỗng lệ tuôn

Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy

Khuấy động lòng ta biết mấy buồn.

...

Có khổ đau nào đau khổ hơn

Trái tim tự xát muối cô đơn

Em ơi, nghe đó... Trong đêm lạnh

Đằm thắm bên em, một tiếng đờn.

(Một tiếng đờn, 1991)

Có sự thật là trong hai thập niên cuối thế kỷ, như được thể hiện trong tập Một tiếng đờn, và Ta với ta, Tố Hữu không còn dễ dàng tìm được tiếng vang, sự đồng vọng trong nhiều tầng lớp công chúng, vốn là hiện tượng từng diễn ra rất quen thuộc sau tất cả các tập thơ trước của ông. Nhờ một ngẫu nhiên mà tôi được biết Tố Hữu vừa ra một tập thơ mới, nhưng rồi cất công đi tìm khắp nơi, cả trong Nam ngoài Bắc, cả ở những người được xem là chuyên gia nghiên cứu thơ, hoặc nghiên cứu về thời đổi mới vẫn không có. Trong câu chuyện này, chẳng biết trách ai! Tập thơ in 1000 bản đâu dễ tìm. In nhiều hơn, đâu dễ bán được. Đọc Một tiếng đờn, rồi đọc Ta với ta, thấy rõ Tố Hữu đã thôi là người lĩnh xướng (hoặc chỉ huy) trong các hợp ca; ông đã kịp chuyển về tư thế của người đơn ca. Đơn ca - hát một mình. Số lượng - lùi về con số một : Một tiếng đờn. Quan hệ - từ ta với nhân quần : “Tôi buộc lòng tôi với mọi người” (Từ ấy), trở về Ta với ta. Cũng dễ hiểu: đây là thời mà tất cả nền thơ hầu như ai cũng biết, để thành ngôi sao, hoặc “siêu sao” là rất hiếm. Có điều, với Tố Hữu, trong đơn ca, ông vẫn là ông. Vẫn là ông, trong suốt hành trình 60 năm. Ông không thay giọng, không chuyển giọng. Còn cuộc đời sau một cuộc cách mạng vĩ đại và hơn 30 năm chiến tranh khốc liệt lại đang đi vào cuộc sống thời bình với những buồn vui, những lo toan muôn thuở.

Tháng 9 – 2010

ĐỌC LẠI TỐ HỮU, 2010

Vũ Quần Phương



Nhiều thập niên trong thế kỷ trước, ở ta, nói đến thơ là nói đến Tố Hữu, thậm chí, chỉ với Tố Hữu là đủ. Rất nhiều cuộc thi tốt nghiệp phổ thông lấy thơ Tố Hữu làm đề bài. Nhiều luận án dại học, sau đại học lấy thơ Tố Hữu làm nội dung. Nhiều chuyên luận về Tố Hữu được xuất bản. Những việc ấy hợp lí vì Tố Hữu là nhà thơ tài năng. Nhưng cũng có gì thái quá. Thái quá nên làm mờ cả tính khoa học và sức thuyết phục trong những biểu dương thơ Tố Hữu. Ấy vậy mà trong hơn một thập niên vừa qua, thì thơ Tố Hữu bỗng nhiến vắng hẳn trong dư luận văn chương. Các thày ở trường đại hoc cho biết số khóa luận chọn Thơ Tố Hữu làm đề tài trở nên hiếm hoi. Đây là kết quả của thay đổi nhận thức xã hội, của chuyển biến thẩm mỹ hay chỉ là biểu hiện của thời thượng, của sự mất thăng bằng tâm trí?

Tố Hữu tạ thế đã tám năm. Di sản ông để lại đã định hình trong kho tàng văn chương nước nhà. Hôm nay chúng ta, ít nhiều, đã có đủ độ lùi thời gian để bao quát khối di sản văn chương đó. Chúng tôi xin được đọc ông như đọc Tản Đà, đọc Tú Xương, Nguyễn Khuyến, đọc Lê Thánh tôn, đọc Mãn Giác thiền sư. Thành kính, trân trọng và công bằng, khoa học.

Nếu nói: Tố Hữu may mắn gặp lý tưởng Cộng Sản và tổ chức Đảng, nên từ năng khiếu thi ca, ông đã thành con chim đầu đàn của văn học cách mạng. Thì cũng có thể nói: thật may cho Đảng, trong buổi khai sơn phá thạch ấy, đã có dưới cờ một thi sĩ chân tài làm nòng cốt cho cả nền thơ cách mạng chưa từng có tiền lệ ở xứ mình.

Cái tài lớn nhất ở chàng thanh niên thi sĩ này là sự say đắm, và cường độ say đắm. Say đắm như một bản năng. Đó cũng là phẩm chất chiến sĩ, phẩm chất nhà cách mạng. Say lí tưởng, say hành động và sẵn sàng chấp nhận:

Dấn thân vô là phải chịu tù đầy

Là gươm kề tận cổ, súng kề tai

Và:

Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng

Một tiếng chim tu hú rơi giữa phòng giam trưa mùa hạ, lòng ông bừng bừng như trong cơn sốt. Chất thơ ập đến của một cơn say. Cơn say xé nhà giam của một thân tù:

Ngột làm sao, chết uất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu

Chất cảm xúc ấy là một nốt đàn mới trong thơ Việt hồi ấy. Nó khác lối thơ nghĩa khí, dùng ước lệ giãi bày trung nghĩa của cổ nhân, nó đã mang hơi hướng những khát khao cá thể, nó say đắm trong các chi tiết thực của đời, giản dị, dễ thấy nhưng thật lớn lao. Thơ Xiềng xích, Máu lửa của Tố Hữu thời Từ ấy làm bằng chính cuộc đời ông: 17 tuổi tham gia hoạt động bí mật, 19 tuổi bị cầm tù. Địa danh dưới các bài thơ là tên các xà lim, các nhà tù.Thơ tù, nhiều người đã viết. Chí khí, tâm huyết, xúc động lòng người. Nhưng thường là thơ chiến sĩ. Thấy tâm hồn chiến sỹ nhưng ít thấy nghệ thuật thơ.

Thơ tù Tố Hữu là thơ thi sĩ.

Về nghệ thuật, tập Từ ấy đầy đủ những tương đồng với phong trào Thơ mới. Tương đồng về bút pháp và tương đồng ngay cả việc hướng cảm xúc vào cái Tôi cá thể, vốn là một đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn. Nhưng cái tôi lãng mạn Tố Hữu ngược với cái tôi của Thơ mới. Tố Hữu: Tôi đã là con của vạn nhà Là em của vạn kiếp phôi pha Là anh của vạn đầu em nhỏ Không áo cơm cầu bất cầu bơ. Cái tôi thơ mới: Ta là một, là riêng, là thứ nhất/ Không có ai bè bạn nổi cùng ta / Ta bỏ đời và đời cũng bỏ ta. Chính vì vậy, Tố Hữu, là người đầu tiên mang vào thơ Việt Nam một phẩm chất mới: chất trữ tình riêng tư của người hành động. Ở đấy có sự hòa trộn của đời công và đời tư. Cái riêng tư của nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu là sự nghiệp cách mạng. Tố Hữu đã tự bình: “Nói có vẻ to chuyện nhưng thực là thế đấy!”

Tố Hữu rất tinh tế nắm bắt cảm giác, tinh tế như các nhà thơ tàì năng của phong trào Thơ mới khi diễn đạt những biến động thầm kín của tình cảm con người. Gì sâu bằng những trưa thương nhớ Hiu quạnh bên trong một tiếng hò. Người tù thi sĩ đo chiều sâu một trưa tù bằng lòng thương nhớ và đổ đầy hiu quạnh vào trong một giọng hò. Ông ngang tầm tinh xảo với một kiện tướng Thơ mới, cũng một trưa thương nhớ: Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung Ấy ai đàn lẻ để tơ chùng Ấy ai tiễn biệt nơi xa ấy Xui bước chân đây cũng ngại ngùng. Có đêm, trong xà lim, đôi tai người tù nghe như lọc ra từ những âm thanh quen của đời mà đụng đến cõi sâu của hồn người Nghe nhạc ngưa rùng chân bên giếng lạnh Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về. Chi tiết thật và cũng đầy bí ẩn như tiếng xạc xào của lá khô dưới chân nai mảnh dẻ từ cánh rừng xa mơ hồ trong Thơ mới. Có thể nói, những thành tựu bút pháp mà thơ ca công khai thời ấy đạt được, đều tìm thấy trong thơ tù Từ ấy. Xuân Diệu từng than phiền bạn đọc hay nhầm chữ những mới đang động cựa của ông thành những chữ cũ bẹp gí trên trang giấy Bữa trước riêng hai dưới nắng đào . Nghĩa là có riêng hai người thì lại nhầm thành tháng giêng, tháng hai Bữa trước giêng hai... Tố Hữu cũng than thở: Chừng bao nhiêu dặm, mấy đêm đường thì lại thành mấy đêm trường. Ông muốn tính đường vượt ngục bằng đêm, chứ đêm trường, đêm đoản thì tác động gì ở đây, đã muốn xa nhà tù cho nhanh thì đêm chạy hóa ngắn chứ, sao lại trường. Người đi quấn áo chen chân là viết theo tiểu đối tả đường đông người thì lại thành quần áo chen chân. Quần áo làm gì có chân mà chen! Tố Hữu sử dụng những thành tựu thời Thơ mới vào một hướng cảm xúc khác, một nội dung tư tưởng khác rất nhuần nhuyễn. Hơn thế, ông còn góp thêm khá nhiều vào thành tựu nghệ thuật thơ thời ấy. Ông tạo những hiệu quả bất ngờ từ ngôn ngữ, hình ảnh thơ thật bình dị. Một ví dụ: con thuyền in bóng trên mặt nước sông Hương. In đối xứng từng chữ một, chỉ trừ chữ trời thì in lên chữ nước ở chỗ tiếp giáp hai mảnh hình ảnh:

Trên dòng Hương Giang

Em buông mái chèo

Trời trong veo

Nước trong veo

Em buông mái chèo

Trên dòng Hương Giang

Ảnh bóng giống hệt ảnh thực chứng tỏ mặt nước dòng sông Hương yên tĩnh lắm. Mặt sông yên tĩnh, mơ mộng nhưng đời cô gái trên sông lại đầy bão gió. Cái nghịch lý nằm ngoài chữ của bài thơ đã được ký gửi vào sáu câu thơ ngỡ như chỉ để tả này.

Cái âm điệu mà các tác giả Thơ mới mang vào tiếng Việt tạo nên sức gợi cảm gần như là thần bí cũng ẩn hiện trong bút pháp Tố Hữu. Đây, cảnh một chiều rừng Tây Nguyên, tội tù. Âm điệu đã trở thành tâm trạng:

Thông reo bờ suối rì rào

Chim chiều chiu chit ai nào kêu ai

Chim chiều chiu chít bao nhiêu bù trì thương sót trong bốn vần ch ấy

Những kỹ xảo thơ của Từ ấy có thể vốc lên hàng vốc. Nhưng điều làm nên giá trị của tập thơ lại là phẩm chất lý tưởng, ý chí quả cảm, tinh thần hy sinh của người thanh niên yêu nước Tố Hữu. Nước mất thì dù ở quốc gia nào, thời cuộc nào, phẩm chất hàng đầu của công dân là hy sinh cứu nước. Tố Hữu khi chưa đầy hai mươi tuổi ước nguyện:

Đã mang dòng máu thơm thiên cổ

Phải trả ta cho mạch giống nòi

Thơ Tố Hữu được minh chứng bằng chính đời Tố Hữu. Nhiều phen kề bên cái chết. Có phút cũng yếu lòng. Âm thầm tự đấu tranh để vượt qua. Bài Con cá chột nưa là một ví dụ. Bài ấy không nhiều tài thơ. Nhưng tôi đã nghe Tố Hữu dặn: “Bài ấy, sau nay, các cậu có làm tuyển cho mình, đừng bỏ!” Tôi hiểu đó là một kỷ niệm, một thử thách, không quên của đời ông. Ông còn tựa vào nó trong nhiều chặng sau này của đời mình.

Nhớ lại thi đàn Việt Nam những ngày đầu cách mạng ấy sẽ thấy Từ ấy quả là một mùa gặt bội thu. Với Từ ấy, Tố Hữu thắp cho cả nhà văn lẫn bạn đọc, niềm tin vào đường lối văn học cách mạng. Với Từ ấy, Tố Hữu khẳng định phẩm chất thẩm mỹ mới của thơ Việt Nam.

Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, thơ Tố Hữu với các bài Cá nước, Phá đường, Bầm ơi…cùng với thơ bộ đội mà hồi đó người ta gọi là thơ đội viên đã trở thành một gợi ý có sức thuyết phục các nhà Thơ mới cách tìm thơ trong đời sống rộng lớn, đưa thơ vào tình cảm của hàng triệu người lao động ít học nhưng đang giữ vai trò lay chuyển cả xã hội. Xuân Diệu khi dọc Cá nước , Phá đường...đã kinh ngạc về chất thơ có phẩm chất kép là bình dị mà sâu sắc. Ông tự chê mình chỉ quen với hoa cắm trong bình mà lại lộp chộp khi đứng giữa bạt ngàn hoa rừng cỏ nội. Tôi tin lời Xuân Diệu, vì tôi đã thấy ông trầy trật làm thơ về chuyện phá đường:

Hố xẻ thưa mau nhìn tựa phím

Những giây thép nói tựa giây đàn

Sỏi đá lộn vòng lăn chúm chím

Hố đào trên đường cản xe cơ giới giặc trông như những phím đen trên chiếc cần đàn mà giây đàn là giây tê lê phôn (Xuân Diệu Việt hóa là giây thép nói). Và để tả niềm vui đời sống kháng chiến, ông cho sỏi đá cũng cười khi đang lộn vòng dưới bánh xe đạp của ông. Sau này ông cũng tự phê là vui gượng, đã lộn vòng thì nó nhe răng chứ đâu phải nó cười! Tố Hữu thì cứ thanh thản, hồn nhiên: Hố ngang hố dọc chữ i chữ tờ / Thằng Tây mà cứ vẩn vơ, có hố này chờ chôn sống mày đây. Đúng cách nói, cách nhìn của bà nông dân vừa bước ra từ lớp bình dân học vụ. Cái vần lưng trong câu thơ này là một bước chuyển về đại chúng khá rõ của thơ kháng chiến chống Pháp. Không phải chỉ Xuân Diệu, cả lớp kiện tướng tài năng của phong trào Thơ mới đều đang loay hoay chuyển hướng để chinh phục chất trữ tình mới. Lưu Trọng Lư ngơ ngác con nai vàng thuở nào, giờ đây: Xục xịch xục xịch / Tôi phát động lực / Ở xưởng Thai Thân. Đó là lời cái máy nổ mà ông đang nhập thân. Tế Hanh tả lớp học bình dân, công tác ông phụ trách: Anh này chữ viết như cuaChị này trí não đâu đâu / Học đuôi quên đầu chưa thuộc vần môi. Chế Lan Viên thể nghiệm đủ thứ để cuối cuộc kháng chiến hình thành tập thơ mỏng Gửi các anh. Huy Cận thì bí hẳn. Chất thơ chân mộc của những Cá nước, Phá đường, Bầm ơi đã là những gợi ý của người trong cuộc, có sức thuyết phục người trong nghề.

Tập thơ Việt Bắc đã thành tiếng hát của toàn dân kháng chiến. Lời thơ bình dị, gần với lời ăn tiếng nói của công nông binh đánh giặc. Với Việt Bắc, Tố Hữu đã đi từ tâm tình cá thể đến tâm tình cộng đồng. Nhà thơ phát hiện và biểu dương những tình cảm cao cả của người dân thường. Chủ đề của thơ là lòng yêu nước. Đề tài của thơ là cuộc sống đánh giặc. Tác động của thơ là xây dựng tình cảm kháng chiến. Với Việt Bắc, hình ảnh người dân thường được khắc họa và trở thành biểu tượng mỹ học cho một giai đoạn thơ ca.

Cũng phải nói tới đôi bài thất bại của Tố Hữu ở chặng sáng tác này. Ấy là những bài thơ xuất phát từ ý định, không phải từ xúc cảm. Một lãnh tụ người Âu, dù là ở một nước anh em cùng phe, cũng còn xa lạ với bà con mình. Ngày ông lành tụ từ trần (1953), ông nhà thơ có thơ khóc. Với ông, có thể hợp lý. Nhưng ông đặt vào miệng một bà nông dân quê mình: Thương cha, thương mẹ, thương chồng / Thương mình thương một , thương Ông thương mười hay vào miệng một em bé mới tập nói bằng việc cho nó tập phát âm tên ông lãnh tụ (vốn là một âm suỵt gió) thì tình cảm thơ mất tính chân thật và vì vậy ngay tác động tuyên truyền giáo dục, cũng không còn. Ca ngợi cách mạng tháng Mười, ông mở đầu: Thuở Anh chưa ra đời / Trái đất còn nức nở / Nhân loại chửa thành người Ca ngợi cuộc cách mạng nào là quyền và thể hiện tầm hiểu biết của người viết, nhưng lập luận nhân loại chửa thành người thì khó được lịch trình tiến hóa nhân loại chấp thuận và xúc phạm đến tiền nhân.

Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, những kế hoạch 5 năm xây dựng đất nước được triển khai. Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy/ Nào đâu thác nhảy cho điện quay chiều. Tập thơ Gió Lộng thể hiện nỗi niềm phấn chấn của người xây dựng đất nước: Gió lộng đường khơi rộng đất trời. Thời kỳ này, thơ Tố Hữu cũng lộng gió, gió của tâm hồn sức bay cao của nghệ thuật. Thơ Tố Hữu ôm trùm hiện thực bề thế và nghệ thuật thơ, theo ý chúng tôi, cũng ở vào điểm đỉnh nhuần nhuyễn của đời ông. Với Em ơi Ba Lan, Mẹ Tơm, Người con gái Việt Nam, Tiếng chổi tre…thơ Tố Hữu lúc này trở thành một động lực tinh thần, tác động tới đời sống xã hội rộng lớn.

Ra trận là tập thơ kháng chiến chống Mỹ. Ông vẫn giữ được giọng thơ dằm thắm. Đề tài mở rộng như đánh dấu những sự kiện chính trị, quân sự của đất nước. Có Lá thư Bến Tre, có lời dặn của anh Trỗi, có kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du, có ngọn lửa Mo-ri-xơn, có nước mắt khóc Bác Hồ…Tố Hữu có khuynh hướng khái quát thời đại. Ông hướng tới những tình cảm phổ quát, cộng hưởng được với nhiều lòng người nên tính riêng tư cá thể và chi tiết đời sống cụ thể có vơi hụt ít nhiều. Bù lại, tài phát hiện chất thơ trong những vấn đề chính trị là một đặc sắc của Tố Hữu. Sau ba câu hô Hồ Chí Minh muôn năm của Nguyễn Văn Trỗi trước cọc hành hình, Tố Hữu hạ một một câu thơ trầm: Phút giây thiêng anh gọi bác ba lần Một chữ gọi ở phút giây thiêng ấy đã biến khẩu hiệu thành nỗi xúc động chạm tới gan ruột. Bài Mẹ Suốt là hình ảnh người dân thường còn để nguyên bàn chân đi đất mà đứng lên đài kỉ niệm lịch sử. Ý thơ hàm súc hơn so với Bà má Hậu Giang, và cho thấy một chặng đường phát triển tâm hồn của người phụ nữ nông dân Việt Nam. Bà má Hậu Giang còn run rẩy lo âu Chết! có tiếng gì rơi sột soạt /Má già run, trán toát mồ hôi Thì Mẹ Suốt tự chủ, tự tin Tây kia ta đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua. Tính biểu tượng được đẩy cao hơn mà bài thơ vẫn giữ nét sinh động vốn có của đời sống là nhờ những chi tiết thuộc tính cách hai bà mẹ gắn với hai thời đại. Phẩm chất nhân dân trong thơ Tố Hữu sâu sắc và biện chứng hơn. Thể thơ dân gian của bài rất hợp với tính cách bà mẹ lái đò. Cùng thời điểm đó (tháng 11-1965) bài Ê mi li con...có bút pháp khác hẳn. Câu thơ ngắn dài, nhiều âm điệu như bước đi lưu luyến, như lời dặn ân cần, gọn chắc và hàm súc của người sắp hi sinh vì nghĩa lớn nhân loại.

Sau giai đoạn này, Tố Hữu ít bài trội. Thơ ông thiên dần về ý tưởng, chi tiết thường ước lệ, mất đi vẻ tươi xanh của sự sống Anh chị em ơi! / Hãy giương súng lên cao, chào xuân 68. Chữ to nhưng ít gợi cảm. Nhà thơ nói vậy thì độc giả biết vậy chứ không vào cảm xúc. Bài thơ dài Nước non ngàn dặm, nhiều sáng tạo câu thơ: Nỗi niềm chi rứa Huế ơi / Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên nhưng toàn bài bằng phẳng trong hơi thơ kể chuyện. Những chi tiết sống, tươi, như gồ lên Vài chàng lính trẻ măng tơ / Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi quá ít. Tập thơ Một tiếng đàn, Tố Hữu trở về bút pháp nội tâm, rất gần với thời kỳ Từ ấy. Một sự tự đấu tranh: Mới bảy mươi sao đã gọi là già. Bút pháp không tung hoành hào sảng mà trầm xuống trong chiêm nghiệm. Phẩm chất phấn đấu nội tâm vốn có của Tố Hữu từ Con cá chột nưa hình như vẫn nguyên vẹn. Cuộc đời không phải lúc nào cũng ở thế thuận. Tố Hữu lấy niềm tin, lấy kinh nghiệm sống của đời mình mà nhìn hiện tại Nắng tự lòng ta cứ ấm dần. Ông buồn vì bài Tiếng hát sông Hương bị đưa ra khỏi sách giáo khoa mà không phải tại nó, tại các nhà quản lý để sông Hương nhiều trở lại những cô gái trên sông. Bài thơ thành tiên đoán sai. Ông buồn hơn một nỗi buồn thơ. Nhưng không nản. Dù có phải làm lại từ đầu, ông sẵn sàng, không đầu hàng hoàn cảnh. Trong cái bình đạm của giọng thơ, có sức rắn lại của ý chí Ta lại đi, như từ ấy ra đi. Đôi khi tôi tưởng ông đã chạm tới một điều gì riêng tư của tuổi cuối đời nhìn lại. Đêm cuối nằm riêng một ngọn đèn. Nhưng không. Cuối bài thơ, đã dậy tiếng kèn của thế trận lòng ta. Đây có thể là một thất thiệt cho phẩm chất trữ tình của thơ nhưng lại là tấm lớn của ý chí Tố Hữu. Tôi đã nghe ông nói: “Các cậu nên coi mình là nhà thơ nghiệp dư. Mình làm cách mạng chuyên nghiệp và thơ chỉ nghiệp dư. Trước cách mạng mình làm thơ để giác ngộ, tuyên truyền cách mạng. Sau đó làm thơ để phổ biến chủ trương chính sách. Có được làm thơ cho mình đâu. Thơ tình ít là thế. Trong kháng chiến chống Pháp mình đang tuổi thanh niên đấy, tuổi viết thơ tình đấy. Nhưng thấy bao nhiêu người xa vợ con đi kháng chiến, viết thơ tình yêu nó không nỡ. Chỉ dịch bài Đợi anh về của Xi mô nốp vì thấy nó hợp với tình cảnh bao nhiêu người hồi ấy”. Đọc bài Bầm ơi, ông viết trong kháng chiến chống Pháp, tôi phát hiện: anh bộ đội khi xa mẹ, không thể nói: xa mẹ, con có khối mẹ khác (nguyên văn: Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm) Nhưng sao một nhà thơ tinh tế vào bậc nhất của nền thơ lại viết thế. Chỉ có thể giải thích rằng: ông nhà thơ của tình mẹ con muôn thuở đã tự nguyện nhường chỗ cho ông tuyên huấn của việc xây dựng tình cảm quân dân, của phong trào mẹ chiến sỹ, vốn đang rất cần cho cuộc kháng chiến. Tố Hữu hẳn thừa biết những thiệt thòi về phẩm chất thơ, nhưng ông chấp nhận. Chiếu lên câu nói tếu táo trên của Tố Hữu, có thể ông đã hi sinh thơ để làm công tác vận động kháng chiến. Ông đã chọn con đường của Phan Bội Châu Lập thân tối hạ thị văn chương, của Hồ Chí Minh Trăng vào cửa sổ đòi thơ / Việc quân đang bận xin chờ hôm sau.

Và đó chính lại là tầm lớn của tâm hồn Tố Hữu.

Hà Nội 3-10-2010


1
2
3
Tin mới