Phạm Công Trứ: Nhà quê khí chất tràn trề/ Tớ đi rung cả vỉa hè Đồng Xuân
   

Các nhà văn về nguồn
Cập nhật: 8:47:00 7/5/2010

Đoàn nhà văn đã đến xã Kim Bình huyện Chiêm Hoá, là nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng CS Đông Dương lần thứ II. Các nhà văn hết sức xúc động trước Di tích vừa được tôn tạo như thật hội trường đã diễn ra Đại hội đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam.

Trong các ngày 18, 19 và 20 tháng Tư lịch sử, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh dẫn đầu đoàn nhà văn đại diện văn phòng và các cơ quan cấp 2 của Hội, các nhà văn thuộc Chi hội Nhà văn Sông Chảy (Yên Bái, Lào Cai và Tuyên Quang) gặp nhau tại Tuyên Quang để bắt đầu chuyến đi thực tế sáng tác về nguồn.
Các nhà văn bên tổ máy số 2 đang phát điện tại Tuỷ điện Tuyên Quang
Đoàn nhà văn đã đến xã Kim Bình huyện Chiêm Hoá, là nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng CS Đông Dương lần thứ II. Các nhà văn hết sức xúc động trước Di tích vừa được tôn tạo như thật hội trường đã diễn ra Đại hội đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam. Đích thân Bác Hồ chỉ định KTS Hoàng Như Tiếp thiết kế trên nguyên tắc bảo mật và lợi dụng thân cây cổ thụ làm cột và tiến hành từ tháng 7 – 1950. Công trình đã huy động 7.000 thợ, 10.000 dân công; đã sử dụng 100 cây mí, 10.000 cây mai, 100.000 cây nứa, 80.000 tầu lá cọ và 5.000 m2 gỗ xẻ; đào đắp 3.000 m3 đất làm hầm hào. Đây được coi là đại hội cuối cùng của Đảng CSĐD, có cả đoàn đại biểu Lào, Campuchia tham dự và các đại biểu đều được bầu chọn tại cơ sở. Đại hội II diễn ra 1 tuần, từ ngày 11 đến 19 tháng 2 – 1951; đồng chí Tôn Đức Thắng đọc diễn văn khai mạc, đồng chí Trường Chinh đọc báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo cáo chính tr.ị Đại hội đã bầu BCH TW gồm 29 đồng chí, bầu Chủ tịch đảng: Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư: Trường Chinh.
Nhà văn Hoàng Minh Tường tái tạo hình ảnh Titanic cùng em hướng dẫn viên du lịch
Cũng tại đây đã tiến hành 3 đại hội và hội nghị quan trọng của các tổ chức chính trị lớn: Đại hội toàn quốc Thống nhất Việt Minh – Liên Việt với sự tham dự của các đảng Xã hội, Dân chủ, các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn, Nông dân; đại biểu Quân đội, Tôn giáo…Các đồng chí Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt tham gia Đoàn chủ tịch. Đại hội ra nghị quyết quyết định Mặt trận Thống nhất lấy tên là Mặt trận Liên hiệp Quốc dân VN, gọi tắt là Mặt trận Liên Việt, chủ trương đoàn kết hết thảy các đảng phái, đoàn thể và mọi cá nhân yêu nước, không phân biệt già trẻ, giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, xu hướng chính trị để cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ Kháng chiến, kiến quốc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, góp phần đấu tranh bảo vệ hoà bình thế giới…Ngày 11 tháng 3 năm 1951 đã tiến hành Hội nghị Liên minh Việt – Miên – Lào gồm đại biểu Mặt trận thống nhất của ba nước Đông Dương: Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Ít xa la, Mặt trận I xa rac. Cuối cùng là Đại hội Anh hùng và Chiến sỹ Thi đua diễn ra vào ngày 1 tháng 5 năm 1951. Có 7 Anh hùng được tuyên dương: Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Mạc Thị Bưởi, Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa và Hoàng Hanh.
Các đồng chí lãnh đạo xã Kim Bình đã phấn khởi đón tiếp đoàn nhà văn, hồ hởi giới thiệu với đoàn những chuyển biến sâu sắc để cư dân thoát nghèo, có đời sống khá giả, có trường học, bệnh xá khang trang và đặc biệt không có người nghiện. Nhà thơ Hữu Thỉnh chúc mừng Kim BÌnh đã rất xứng đáng với Di tích Lịch sử có một không hai của cả nước; hy vọng rằng xã và Hội Nhà văn VN có sự gắn kết hơn nữa để làm một kỷ niệm tích cực với di sản này, ví dụ làm một thư viện?
Từ Kim Bình, Đoàn nhà văn về huyện Chiêm Hoá và được Bí thư Huyện uỷ Mai Đức Thông đón tiếp trọng thể và báo cáo thành tựu của huyện. Sau đó đoàn đã lên huyện Na Hang thăm Thuỷ điện Tuyên Quang, thăm hồ Na Hang và các nhà văn đã trầm trồ trước vẻ đẹp kỳ thú của lòng hồ thuỷ diện rộng 80 km2, nguyên là sông Gâm và sông Năng hợp lưu và do con đập thuỷ điện cao 120 m so với mực nước biển bềnh lên mà thành; có thể coi nó là vịnh Hạ Long mới với một mật độ huyền thoại đến từng mỏm đá, nhiều vô kể. Về Chiêm Hoá và Na Hang, chúng tôi xin có một bài riêng.
Sau hơn 200 cây số đi về, đoàn nhà văn ai cũng mệt lử nhưng ai ai cũng hào hứng; ai cũng nẩy sinh ý đồ sáng tạo, hay dở xin còn chờ bản thảo hiển thị, nhưng sự sống mới lạ, như gió hồ Na Hang lồng lộng đã thổi vào khoảng lặng mệt mỏi với khá nhiều bức xúc của các nhà văn những vị mặn và mát mẻ của nó… 
Sáng hôm qua, 19 tháng Tư, Đoàn nhà văn đã tham dự hội nghị Chi hội nhà văn Sông Chảy họp mặt 2010
Bà Vũ Thị Bích Việt, Uỷ viên Thường vụ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã nhiệt liệt chào mừng các nhà văn về với Thủ đô kháng chiến, Thủ đô Khu giải phóng và có bài phát biểu, giới thiệu tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh năm 2009, phương hướng mục tiêu và giải pháp năm 2010 của tỉnh Tuyên Quang. Nói chung, 2009 tốc độ tăng trưởng khá, đạt 14,53%; nhưng Tuyên Quang vẫn là tỉnh nghèo, GDP mới có hơn 700 USD (so với trên 1000 USD của cả nước) sẽ cố gắng thoát nghèo vào năm 2015. Năm qua thu ngân sách đã tăng đáng kể so với các năm trước. Đặc biệt có những bước phát triển về du lịch và giáo dục. Tuyên Quang có nhiều di sản thiên nhiên và lịch sử, là Thủ đô kháng chiến, Thủ đô Khu Giải phóng của đất nước; nếu quảng bá tốt hơn, sẽ là tỉnh thu hút được nhiều khách du lịch. Tuyên Quang có mô hình bán trú dân nuôi, nhà nước xây trường, ký túc xá để học sinh ăn ở học tập tại trường cả tuần nhưng mang gạo của bố mẹ đến.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã cảm ơn cán bộ và nhân dân trong tỉnh đã nhiệt tình đón tiếp rất nồng ấm. Ông nói:
Chúng tôi cứ ngỡ Tuyên Quang chỉ mới sở hữu tài sản quá khứ, không ngờ rằng Tuyên Quang đã làm lãi rất nhiều từ cái vốn vô giá của ông cha để lại cho; đặc biệt là giáo dục và lâm nghiệp; giữ được rừng, được văn hoá, được ổn định xã hội là giá trị không thể quy ra tiền. Việc đồng chí Bích Việt đến thăm và báo cáo tình hình địa phương với chúng tôi là một chứng tỏ rằng Tuyên Quang quan tâm đến văn học, đến các hoạt động sáng tạo của các nhà văn.
Đội ngũ các nhà văn Sông Chảy có hoạt động nổi bật. Tuyên Quang bứt phá ngoạn mục, bây giờ đi đâu Trịnh Thanh Phong cũng được gọi bằng tên tác phẩm – Ma làng; Phù Ninh, Vũ Xuân Tửu đều có thành tựu xuất sắc. Yên Bái thì Ngọc Bái sắp về nhận giải thưởng của Ban Bí thư cho trường ca Vầng trăng và những cánh rừng viết về Bác Hồ. Các nhà văn trong các năm qua đã đóng góp âm thầm vào sự nghiệp xây dựng tâm hồn và đạo đức xã hội. Đại hội VIII của Hội Nhà văn, trong báo cáo của mình cần có sự đóng góp về mặt tư tưởng, rằng phát triển kinh tế là hết sức quan trọng nhưng đầu tư cho phát triển tâm hồn và đạo đức xã hội không thể ở vị trí thứ hai; đó là hạt nhân, là môi trường sống của tất cả chúng ta, nó liên quan đến từng cá thể và là sứ mệnh thiêng liêng của nhà văn chúng ta.
Nhà thơ Hà Lâm Kỳ, Chủ tịch Chi hội Nhà văn VN xin cảm ơn UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo; xin cảm ơn các nhà văn của Hội đã động viên khích lệ các nhà văn Sông Chảy, hy vọng những hoạt động như thế này sẽ được duy trì thường xuyên.
Trước khi về Hà Nội, đoàn nhà văn đã đến khu kỷ niệm trụ sở Hội Văn nghệ VN tại xã Xuân Huy. Đây là Trụ sở Hội những năm 1952 – 53.


Tắt Telex VNI

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Tên của bạn

 

Email

   

Ý kiến của bạn

 

1
Tin mới