Eliot (nhà thơ Anh gốc Mỹ): Cái xác anh trồng năm ngoái trong vườn/ Đã bắt đầu nẩy mầm chưa? Thanh Quế: Tôi như thấy những tháng năm đời mình còn lại/ Là những tháng năm vay mượn của các anh/ Những người đã khuất (Nói với một người anh - nhớ Lê Anh Xuân)

   

Thơ Tố Hữu với người đọc Trung Quốc
Cập nhật: 15:23:00 7/10/2010

 

Dịch giả VŨ PHONG TẠO

Đọc ba tham luận tại cuộc Hội thảo “Tố Hữu-Thân thế và Sự nghiệp”, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hoá Thông tin - Du lịch và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, sáng 4 tháng 10 năm 2010, kỷ niệm đúng 90 năm tròn Ngày sinh của nhà thơ nổi tiếng Tố Hữu (4/10/1020-4/10/2010): “Tố Hữu-Nhà thơ lớn của dân tộc” của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; “Tố Hữu-Hơn 60 năm đường thơ” của Giáo sư Phong Lê; “Đọc lại Tố Hữu, 2010” của nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, đăng trên báo điện tử của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi thu hoạch được nhiều điều.

Trong tham luận của nhà thơ Hữu Thỉnh tôi chưa thống nhất với việc so sánh Tố Hữu với Lỗ Tấn của Trung Quốc, nhưng lại khoái với nhận định về chính tích và văn nghiệp của Tố Hữu gần giống như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam.

Tôi rất thích đoạn này của nhà thơ Vũ Quần Phương trong tham luận:

Tố Hữu tạ thế đã tám năm, di sản của ông để lại đã định hình trong kho tàng văn chương nước nhà. Hôm nay, chúng ta, ít nhiều, đã đủ độ lùi thời gian để bao quát khối di sản văn chương đó. Chúng tôi xin được đọc ông như đọc Tản Đà, đọc Tú Xương, Nguyễn Khuyến, đọc Lê Thánh Tôn, đọc Mãn Giác thiền sư. Thành kính, trân trọng và công bằng, thành kính.”

Phải chăng, văn hoá và văn học của loài người không hoạch định biên giới, không phân biệt quốc gia, không lệ thuộc dân tộc, cho nên một tờ báo điện tử Trung Quốc (www.yuenan.8.forumer.com, ngày 3/6/2005) đã giới thiệu tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp văn chương của 29 nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam từ xưa đến nay, trong đó của nhà thơ Tố Hữu.

Họ xếp 29 nhà thơ, nhà văn Việt Nam tiêu biểu, theo thứ tự như sau: Nguyễn Trãi, Lê Tư Thành (Lê Thánh Tôn), Đặng Trần Côn, Lê Quý Đôn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Tú Xương, Hồ Biểu Chánh, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Tú Mỡ, Đặng Thai Mai, Nguyễn Công Hoan, Thế Lữ, Nhất Linh, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Trọng Lư, Đồ Phồn, Nam Cao, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Huy Cận, Tố Hữu, Tô Hoài.

Về nhà thơ Tố Hữu, họ giới thiệu tóm tắt như sau:

Tố Hữu (1920 - ) là nhà thơ Việt Nam. Tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, người thôn Phú Lai, tỉnh Thừa Thiên. Phụ thân là công chức ngành bưu điện, am hiểu Hán văn.

Khi học trung học (16 tuổi), Tố Hữu đã tham gia hoạt động trong tổ chức Đoàn thanh niên, năm 18 tuổi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1939, Tố Hữu bị nhà đương cục thực dân Pháp bắt giam, năm 1942 vượt ngục. Trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông là một trong những người lãnh đạo chủ yếu ở khu vực Huế (Thuận Hoá).

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu làm công tác chính trị ở Liên khu Bốn, và phụ trách công tác lãnh đạo phong trào văn hoá, văn nghệ tại căn cứ địa Việt Bắc.

Sau năm 1951, Tố Hữu làm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

Năm 1976, ông được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1980 làm Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam.

Thời kỳ đang học trung học, Tố Hữu đã công bố nhiều tác phẩm thi ca trên báo chí của Đảng, trong thời gian bị giam cầm, Tố Hữu vẫn tiếp tục sáng tác.

Đại bộ phận tác phẩm của ông được tập hợp trong các tập thơ “Từ ấy”, “Việt Bắc”, “Gió lộng”, v.v…

Tố Hữu đã nhiều lần lên tiếng phản đối những việc làm sai trái của nhà cầm quyền Trung Quốc, đã công bố những bài thơ phản đối những việc làm sai trái của nhà cầm quyền Trung Hoa (phản Hoa thi tác), như “Tâm sự”, “Trên ngọn sóng Trường Sa” (năm 1976), và nhiều lần nói chuyện phê phán phản đối những việc làm sai trái của nhà cầm quyền Trung Quốc (phản Hoa giảng thoại).

Trên các trang báo mạng www.wanfangdata.com.cn; www.cqvip.com; www.dangzhi.com; đều giới thiệu tóm tắt bài viết của giáo sư Dư Phú Triệu, hướng dẫn nghiên cứu sinh Tiến sĩ của Học viện Ngoại ngữ Lạc Dương, với đầu đề “Nhà thơ hiện đại Việt Nam Tố Hữu”, dài 4 trang khổ lớn (tương đương 12 trang tiếng Việt), từ trang 48 đến trang 51, số 6 năm 2005, của Tạp chí học thuật “Toàn cảnh Đông Nam Á” (Đông Nam Á tung hoành, tên tiếng Anh là Around Southeast Asia).

Khi viết bài này, giáo sư Dư Phú Triệu đã tham khảo nhiều cuốn sách Việt Nam: “Thơ Tố Hữu” (Hà Minh Đức, 2004); “Hình thức lục bát biến thể từ ca dao qua thơ Tản Đà đến sáng tác của Hồ Chí Minh và Tố Hữu” (Nguyễn Xuân Kính, 1999); “Văn học Việt Nam 1900-1945” (Phan Cự Đệ, Trần Đình Huợu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoàng Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức, 1999); “Đối với tôi, làm thơ là làm cách mạng bằng thơ” (Tố Hữu, 2003).

Dưới đây là phần mở đầu của phần I “Bình sinh và Tác phẩm chủ yếu”:

“Tố Hữu (1920-2002), tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920, là người thôn Phú Lai, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Phụ thân là nhân viên bưu điện, am hiểu Hán văn, mê tục ngữ ca dao và thơ của Phan Bội Châu và Huỳnh Thúc Kháng. Mẹ ông xuất thân trong một gia đình nhà nho, thuộc rất nhiều ca dao tục ngữ. Tố Hữu un đúc trong môi trường gia đình có học, sáu bẩy tuổi đã bắt đầu học thơ, làm thơ.”

Trang báo mạng www.docin.com đăng tải “Niên biểu những sự kiện lớn trong lịch sử văn học phương Đông” cũng có phần giới thiệu “Thi nhân Việt Nam Tố Hữu”.

Theo thống kê “60 năm văn học dịch” của Tổng Công ty sách Trung Quốc và “Nhớ lại 100 năm dịch tác phẩm văn học” của báo mạng www.suho.com và Luận văn Học vị Tiến sĩ của Tống Bỉnh Huy, đăng trên báo điện tử “Văn học Trung Quốc đương đại”, ngày 10/10/2008, chúng ta được biết nhà thơ Tố Hữu đã có những tác phẩm được dịch sang Trung văn và xuất bản ở Trung Quốc là:

“Việt Bắc”: Tố Hữu, Nhan Bảo dịch, NXB Nhà văn, 1956.

Tố Hữu thi tập”: Tố Hữu, NXB Văn học nhân dân, 1960.

Người con gái Việt Nam” : Tố Hữu, Lý Á Thư dịch, NXB Liên hiệp Văn nghệ Thượng Hải, 1959.

Tiếng hát đôi bờ”: Tố Hữu, (chưa rõ người dịch và cơ quan xuất bản)

Trên trang báo mạng www.zhencang.net của Cựu học sinh Hoa Kiều, có đăng tải những chuyện vui: Cựu học sinh đã dùng thơ Tố Hữu để bày tỏ lòng mình.

Có bạn đã sửa câu thơ “30 năm đời ta có Đảng” thành “30 năm đời ta chán nản” để hình dung tình hình quan hệ biên giới Trung Việt từ năm 1979 đến Đại hội thanh niên Nam Ninh năm 2009:

“Ba mươi năm đời ta “chán nản

Hôm nay, ôn lại quảng đường dài

Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay

Ra sông nhớ suối có ngày nhớ đêm

Đời ta gương vỡ lại lành

Cây khô cây lại đâm cành nở hoa…”

Có cựu học sinh nhớ lại những chuyện bất hoà với nhau từ trước, nay “mong các bạn dĩ hoà vi quý, lùi một bước biển rộng trời cao, cuối cùng lấy mấu câu thơ của Tố Hữu để cùng nhau thông cảm châm chước cho nhau, mong chú Tố Hữu thông cảm cho:

“Chân lý mặt trời sẽ sáng mãi

Lỗi lầm âu cũng bóng mây qua

Lương tâm đều sẽ trong như ngọc

Tình nghĩa anh em lại một nhà!”

Nhắc lại vài chi tiết vui vui này, tôi chí có một mục đích duy nhất là nhấn mạnh thơ của Tố Hữu đã khá phổ biến và từng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong người đọc Trung Quốc, đã đi sâu vào tâm tư tình cảm của người đọc nước làng giềng này.

VŨ PHONG TẠO


1
2
3
Tin mới