Đầu năm 1997, từ Quảng Trị tôi ra Hà Nội làm việc. Loay hoay thế mà đã 13 năm. Những vui buồn, vinh nhục, được mất của tôi trong hơn một thập kỷ lăn lốc, âm thầm nơi chốn Hà thành không còn quan trọng nữa. Cái còn đọng lại trong tôi, có lẽ là những bài thơ mình viết về Hà Nội. Tính ra, có tới vài ba chục bài rồi.
Kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, Nhà nước và Thủ đô tốn hàng nghìn tỉ đồng để tân trang, làm đẹp Thành phố và tổ chức nhiều hoạt động cho Đại lễ. Tôi, một người cầm bút bình thường cũng có cách kỷ niệm của riêng tôi: chọn 10 bài thơ về Hà Nội dâng tặng Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Thực ra, tôi cũng đã từng có ý định ra tập thơ viết về Hà Nội và Đất nước trong năm nay (lấy tên Độc huyền cầm Hà Nội) nhưng bất thành vì lý do tài chính.
10 bài thơ này, có lẽ các bạn đã đọc đâu đó, cũ kỹ rồi nhưng tôi muốn gom lại nó trong một trang thơ về Hà Nội như là minh chứng cho sự có mặt của tôi tại vùng đất này. Thơ là người, có đúng vậy không? Nếu đúng vậy thì đây là một phần tôi trong 13 năm qua sống cùng Hà Nội.
HÀ NỘI TINH MƠ
Dẫu đã có nghìn năm Hà Nội vẫn tinh mơ
như buổi sớm nay con tàu phương Nam đưa tôi về ga Hàng Cỏ
thầm thì trong tôi cái tên gọi cổ
thời ngựa xe lộc cộc chốn kinh thành
Đi trong tinh mơ Hà Nội nghìn năm
gặp nước Hồ Gươm ánh lên màu huyền tích
văng vẳng đâu đây nhịp chày thậm thịch
canh gà xao xác bờ đê
Bước trên những con đường vắng vẻ
tôi nhận ra một Hà Nội tôi yêu
trong những hàng cây còn ngái ngủ
có gió và sương cất lên tự sông Hồng
Những tần tảo chở mùa màng vào phố
mang giấc mơ của cánh đồng đêm
thấp thoáng dáng hình châu thổ
từ nghìn năm bồi đắp đến bây giờ
Trước những ngôi nhà còn khép cửa
người quét đường đưa nhát chổi đầu tiên
khuôn mặt chị tôi nhìn không rõ
vẫn nhận ra một Hà Nội bình yên.
UỐNG
Mấy cốc mùa xuân
mấy cốc mùa hạ
mấy cốc mùa thu
mấy cốc mùa đông
uống châu thổ sông Hồng
lâng lâng men Hà Nội.
Hiên nắng, thềm mưa
uống đất uống trời
thảo thơm tứ quý…
Chiều rẽ vào Đường Thành
nhấp ngụm hoàng hôn nghìn năm phố cổ
uống như là đang nhớ
hồn thu thảo lung linh
Khi rót lặng im
khi nâng ồn ã
bạn dụ mây trắng về
tôi bất ngờ ngẫu hứng heo may
mặt trời sóng sánh lòng tay
em là chuyên đề không gì thay thế được
Thì nào, uống với mắt bồ câu
uống với mắt lá răm
uống với những số đo của vòng 1, vòng 2, vòng 3 quyến rũ
uống với những xinh tươi nồng nàn không làm cho thơ thất thế
Hoa khôi nhiều thế kia, thơ làm sao chịu chết
thơ không còn em sẽ đẹp cho ai?
Chẳng cần phải dông dài
sau cốc vàng rượi như sự thanh lọc chu đáo của mùa màng ta có bạn bè
làm đối trọng với dối lừa, giả trá
trong chuyển động đời hối hả
có lúc cần thong thả
uống mấy cốc xuân – hạ - thu – đông
HÀ NỘI CỦA TÔI
Hà Nội của tôi ngày tháng xa em
Nhà số 4 đêm về im ắng quá
hoa đại tỏa hương vào lòng hạ
gió bấc lùa xao xác lá đông
Hà Nội của tôi cơm bụi lề đường
vại bia hơi uống gầm cầu ồn ã
khi nắng tắt bên chiều phố xá
tôi chạnh lòng thương bếp lửa nhà nông
Hà Nội của tôi cha con ông hát rong
ngày ngày đi qua phố
cây ghi ta thùng cũ
đánh rơi tiếng nắng, tiếng mưa
Hà Nội của tôi có một người mù
chống gậy đi bán chổi
cái chuông lắc thay lời rao gọi
chẳng bao giờ tôi thấy chổi ít đi
Em đừng trách tôi sao chẳng nói gì
về phố cổ, Hồ Tây và hoa sữa
lộng lẫy, kiêu sa mới là một nửa
nét hao gầy, nửa Hà Nội của tôi
MỘT GÓC TẦNG BA
(Nhớ những ngày vợ con tạm trú ở VNQĐ)
Góc hoa giấy rực hồng
nở ong vàng kết tổ.
Góc loa kèn ửng đỏ
những hồi thu muộn màng.
Góc quỳnh lặng vầng trăng
tìm lời khuya tĩnh mịch.
Góc ti gôn bất chợt
bóng hoàng hôn ngày nào.
Góc nhỏ kề bên nhau
chiếu Nga Sơn còn rộng.
Tình yêu không chỗ trống
hạnh phúc đầy tháng năm.
ĐỘC HUYỀN CẦM HÀ NỘI
Sao lại một dây
sao chỉ một dây
em độc huyền cầm ngân rung Hà Nội
nghìn năm, nghìn năm, giai nhân vẫn thế
vận vào sương khói bay bay…
Sương khói Hồ Gươm, sương khói Hồ Tây
mênh mang, mênh mang, mênh mang thiên kỷ
giọt giọt thời gian, muôn vàn thao thức
thăng trầm bao phen tóc xanh, đầu bạc
giữ một ca trù thống thiết xưa – nay.
Hồng Hà đầy vơi khai sinh châu thổ
này lúa, này hoa – cung bậc mùa màng
một dây gánh gồng thi ca thánh thót
chữ sáng sao Khuê, lời quê góp nhặt
Thánh hiền – Dân dã - rạng một Thăng Long
chìm vào lòng đất, tạc vào hồn giấy
còn đây!
Nghe như lửa reo, nghe như gió cháy
thịnh – suy vận Nước, mờ - tỏ mệnh Trời
đầm đìa lệ rơi, đầm đìa máu rơi
đầm đìa núi chảy, đầm đìa sông trôi
trống rỗng kinh thành lấp đầy bóng giặc
một dây nức nở độc huyền cầm vỡ
một cơn hồng thuỷ trôi dạt trên tay…
Ngoảnh lại mấy phen ngựa đá lấm bùn
bao đận binh đao gót người tứa máu
ra đi - trở lại, hồng sắc đào xuân
gẩy lên Trời tròn, gẩy lên Đất vuông
bánh chưng, bánh dày xum xuê tiếng trẻ
36 cung bổng trầm tri kỷ
dành cho nhau sau trận mạc chia ly
gươm báu trả Thần, súng thiêng trăng đậu
vượt nỗi bể dâu thanh lịch vẫn đầy
Nào ai xưa cũ về đây
chiếu gon trải nắng chiều thu
hoa văn nghìn tuổi mới như lọt lòng
thành quách ai dựng trong sông
vô danh vạn kiếp có – không
trầm tích mấy nẻo rêu phong hiện về
Hà Nội phố, Hà Nội quê
dễ chi mua được thói lề
Người Hà Nội với câu thề Thăng Long!
Ba Vì mây trắng, nước đỏ sông Hồng
độc huyền cầm em ngân rung bát ngát
thắm thiết muôn đời trái tim Đất Việt
nào ai đi đâu, nào ai về đâu
dạo bước La Thành, Hồ Gươm soi mặt
non nước bốn mùa quây quần Lăng Bác
nghìn năm mộng mơ, nghìn năm chân thực
nghìn năm giặc giã, nghìn năm hoà bình
nghìn năm thảo dân, nghìn năm tướng sĩ…
Rồng thiêng lộng lẫy một dáng vút lên!
Nhà số 4, Hà Nội 1.1.2009
MỞ CỬA RA, TÔI VẼ
Tôi vẽ Chùa Một Cột,
hậu duệ phù sa phác thảo Linh Sen
nghìn năm, hương không tắt!
Trên những bàn tay của nghìn năm trước
bùn đã xòe ra những cánh thơm
lớp lớp hoa văn bất tử.
Rạn vỡ Hoàng Thành hiện lộ
thịnh suy thời cuộc gần xa
những tầm vóc thấp cao, bao tỏ mờ trí lự
Triều đại nào chẳng do dân tôn đỡ
sao không lấy bùn để ví với ta?
Trước khi thành Kẻ Chợ ức vạn vô danh là Kẻ Ruộng, Kẻ Chài
giản đơn thôi,
họ sinh từ bùn, họ lớn nhờ bùn, họ thuộc về bùn
tỏa sáng đến bao nhiêu, lấp lánh đến bao nhiêu cũng không quên ơn cơm gạo mắm cà
ai chẳng uống giếng tắm ao, mát cậy trăng sao, ấm nhờ củi lửa…
Tôi vẽ nỗi nhọc nhằn chồng chất, nỗi buồn đau vô tận
như bùn nghìn năm lắng lại đáy Hồng Hà
vẽ máu non sông đầm đìa bao cuộc chiến
kết vỉa phù sa thiên kỷ sâu dày.
Tôi vẽ vết thương của bùn nung nấu mấy trăm năm trên Cửa Bắc
những tuẫn tiết vinh quang không phải bây giờ ai cũng thuộc
lịch sử có mờ phai sau sàn chứng khoán sục sôi
mà đêm đêm tôi nghe từng viên gạch cổ thở dài?
Tôi vẽ Khâm Thiên đêm trộn vào ngày
dưới sãi cánh B52 giặc Mỹ
xác pháo đài bay ngập dưới ao bùn
Hà Nội oai linh không cần tô vẽ
Hà Nội trong veo không cần tiếp thị
Ngọc Hà là hoa thế kỷ hai mươi.
*
Thương lắm, thương hơn người nặn tò he nhào trộn điệu âm bùn châu thổ
lấy mẹt tre sông Cái bày hồn nhiên Việt trên tuyết Mỹ - Âu
Tễu cõng mảnh ao làng lên máy bay tưng tẩy bốn phương trời
gié tóc lơ phơ, cái cười toác hoác
Réo rắt nhị hồ xẩm chợ
dắt người về thanh lịch Tràng An
Tom chát đoan trang nhờ em giữ nhịp
cho muôn đời đừng xô lệch Thăng Long!
*
Một chấm bùn non sơ sinh trên cao ốc
Mở cửa ra, tôi vẽ
những cánh buồm cập bến Đại La xưa…
CHỢ ĐỒNG XA (*)
Đồng Xa đây, đồng gần đâu?
cái tên thấp thoáng sậy lau thuở nào:
chợ làng nhóm cạnh chuôm ao
túm rau, mớ cá lao xao đất bùn
áo nâu từ phía mưa phùn
đường xa mỏi gánh môi run, thật gần…
*
Đồng Xa đấy, mấy bước chân
tinh mơ đã có tảo tần bán mua
phố dài, chợ mới, lạ chưa
cái tên vẫn của ngày xưa ông bà!
ngỡ như kẽo kẹt phù sa
còn đưa trong trái, trong hoa bốn mùa.
*
Đồng Xa, mua thoáng bán vừa
eo xèo thì ít, đong đưa chẳng nhiều
chợ mai nối tới chợ chiều
chợ hôm anh nợ ráng riêu cua trời
bao phen mặc cả chợ đời
nay về Mai Dịch ơi hời Đồng Xa!
-------
(*) Chợ Đồng Xa, Phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
ĐÊM CÒN DÀI
Nằm bên sông Hồng giữa mùa đông âu lo
đồng tiền nhẹ đi trong túi em ra chợ
Đêm còn dài…
Bóng tối không còn thảnh thơi như thời ta trẻ
để làm tấm chăn mềm mại cho sự vô ưu
năm canh, hai lần thức tự nguyện.
Muốn thoát khỏi sự ràng buộc quá đáng của những tờ pô-ly-me mệnh giá
chẳng dễ dàng chút nào!
Muốn sống yên ổn đầu phải cúi thấp một chút
Sự không quen làm ta khó chịu!
Sáng nay, trong phòng họp một nhà văn thế hệ 7X nói với tôi:
-Con người ta ngày càng sống khôn hơn
T & T nói gì cũng rào đón-
Tôi trả lời: dại hay khôn cũng nên thật.
Chị Nấng ở làng tôi chân cao chân thấp
mót lúa, xin khoai nuôi con ăn học
nay con gái làm tiếp viên Hàng không
hỏi rằng: đấy dại hay khôn?
Dại khôn, khôn dại, dại khôn
cũng không qua được cái KHUÔN của Trời
chân phương mà sống với đời
mấy mươi năm-một kiếp người xong veo
*
Sông Hồng đẫy gió
Ôm eo
cái em ngỡ mảnh trăng mail đêm dài…
Mùa đông 2008
HÀ NỘI, LẮNG NGHE EM
Tặng J.Fossenbell (*) và Nguyễn Phan Quế Mai
Hà Nội, lắng nghe em
những câu thơ không viết bằng tiếng Việt
dưới vầng trăng vành vạnh của sông Hồng.
Hà Nội, lắng nghe em
nón lá, áo sen
đọc thơ
bên những tấm bia Tiến sĩ.
Hà Nội dắt em đi
chẳng vì những lớn lao nghìn năm Thành phố
bé nhỏ thôi, chỉ một nụ cười sáng trên bùn Châu thổ
hay chỉ là giọt giọt âm thanh trên chiếc lá xanh rờn
Hà Nội chầm chậm em
cùng tiếng rao hẻm nhỏ
những gánh gồng, những bước chân không cần phiên dịch
câu thơ em kĩu kịt nỗi nhọc nhằn…
Hà Nội buồn phiền em
bởi những bất cần cầm tay lái, rùng rùng chuyển động hơi men
khát khao tốc độ không phải bằng đôi chân của họ.
Thành phố em không ngủ
vì những tiếng cười to.
Hà Nội thử thách em
với vài món ăn làm cạn kiệt thèm muốn
market – dog meat (**)
dấu hỏi từ thực đơn kỳ lạ.
Hà Nội quyến rũ em
bằng lộp độp mưa rơi
và
thích ngửa mặt cười, miệng rộng như sông…giọng nói mơ hồ như nước…(***)
Đó mới là điều yêu dấu nhất
Từ đáy lòng mình
Hà Nội, lắng nghe em
26 tháng 3 năm 2010
------
(*) Nữ thi sĩ trẻ người Mỹ, tác giả của những bài thơ rất ấn tượng về Hà Nội như: Lại được ở giữa lòng Hà Nội (In Hanoi, again); Chợ thịt chó; Mô tô (Motor)
(**):Tạm dịch: Chợ thịt chó
(***)Chữ in nghiêng, trích thơ J.Fossen Bell ( do Nguyễn Phan Quế Mai dịch)
MUỐI Ơ…
Chữa không hết cái nhạt đời
Trách chi biển ế chợ trời đục, trong.
Muối ơ…nghe nhẹ như không
Tiếng rao nguyên đán chạm lòng mấy ai!
Mai Dịch, Mồng 4 Tết Canh Dần 2010