Đặng Ái
Trong một chương trình truyền hình có hình ảnh: Cô dẫn chương trình chỉ lên mấy chữ ở cổng vào Văn miếu hỏi một em học sinh đó là chữ gì? Dĩ nhiên là cậu học sinh không biết, ngắc ngứ... và chịu mất điểm!
Một học sinh không đọc được chữ trên cổng vào một công trình là biểu tượng của văn hiến nước nhà? Điều đó quá vô lý, nhưng là thực trạng của chúng ta hiện nay. Mà không chỉ cậu học sinh kia, cũng không kể hàng chục triệu dân thường, có thể nói hầu hết giới trí thức gồm những giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà báo đều không đọc được thứ văn tự mà cha ông ta đã dùng hàng ngàn năm, thứ văn tự mang giá trị toàn bộ nền văn minh truyền thống của chúng ta.
Muốn đọc Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Đại Việt sử ký, Bình Ngô đại cáo, Lịch triều hiến chương loại chí, Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Hoàng Lê nhất thống chí, Lục Vân Tiên, Nguyễn Khuyến... nghĩa là toàn bộ di sản tinh thần cha ông để lại từ ngàn năm, thậm chí muốn đọc một số tác phẩm mới đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ cách mạng… chúng ta chỉ có thể viện đến các bản dịch như đó là một... ngoại ngữ!
Chúng ta không đọc được chữ Hán Nôm nên những tấm bia trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ là những vách đá vô hồn, những hoành phi, câu đối trong đình chùa, miếu mạo và những chốn linh thiêng khác chỉ là những trang trí sơn son thếp vàng đẹp mắt, những trang gia phả, những lời dạy dỗ nhắn gửi của cha ông (ở gian thờ của một gia đình, một nhà thờ của một dòng họ đến Đền Hùng tông miếu của cả dân tộc) đều không thể trực tiếp truyền tới con cháu!
Đứt gãy bắt đầu từ khi người Pháp ra lệnh dùng mẫu tự La tinh trong các giấy tờ chính thức của nhà nước (1869), và sau đó là những kỳ thi truyền thống bị bãi bỏ, việc học chữ Hán Nôm lâm vào cảnh chợ chiều rồi lịm đi.
Có nhiều lý do để người Pháp áp đặt mẫu tự La tinh, nhưng chắc chắn là có lý do về thời gian. Họ cần nhanh chóng đào tạo một lớp trí thức mới để phục vụ chế độ cai trị. Phải nói rằng để đào tạo những con người trước hết là đọc thông viết thạo để nắm bắt và giải quyết những việc sơ đẳng trong bộ máy nhà nước thì học mẫu tự La tinh nhanh hơn chữ Hán Nôm rất nhiều. Cái lý do thời gian và vài lý do khác sau này còn rất nhiều lần được vận dụng với những thành ý, càng ngày càng nới rộng vai trò của các con chữ La tinh và thu hẹp ảnh hưởng của văn tự Hán Nôm.
Mẫu tự La tinh qua gần một trăm năm mươi năm đã trở thành một công cụ tuyệt vời, đã có những đóng góp rất to lớn cho sự phát triển của đất nước ta. Nó xứng đáng với vị trí lớn lao là Quốc ngữ của một dân tộc văn hiến.
Tuy vậy cái cách đối xử với ký tự Hán Nôm suốt trong thời gian dài (coi như một văn tự lạc hậu, một "ngoại ngữ" không quan trọng, thậm chí có lúc còn không được giảng dạy trong các cấp học), vô tình hay hữu ý đã làm đứt sợi dây nối truyền thống văn tự. Khi nghĩ về văn tự nước nhà không ít người trong chúng ta chắc chắn đã từng thấy bức bối, đau khổ, thảng thốt vì tình trạng đó diễn ra trên diện rộng và sâu sắc đến như thế.
Quả là trong lịch sử cận đại và hiện đại dân tộc ta gặp quá nhiều thách thức. Tập trung sức lực giải quyết những vấn đề trước mắt có tính sống còn, nhiều việc không phải là không quan trọng bị buông lơi, xem nhẹ, trong đó có việc ứng xử với ngôn ngữ Hán Nôm.
Bảo tồn những di sản dân tộc là nhu cầu hết sức cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Vậy văn tự Hán Nôm có là di sản hay không? Chúng tôi không nghĩ ai đó lại trả lời là không, với một thứ văn tự cha ông mình đã dùng hàng nghìn năm, để tạo ra những giá trị hơn cả một kho tàng chúng ta đang có. Kho tàng Hán Nôm đã là một di sản lớn, vô cùng lớn. Thậm chí trong thâm tâm rất nhiều người trong chúng ta coi đó là thứ văn tự mang hồn dân tộc!
Giữ gìn một điệu dân ca, một hoa văn cạp váy, một đầu đao cong vút mái đình... là cần thiết. Vậy thì tại sao chúng không nghĩ đến chuyện đưa văn tự Hán Nôm trở lại đời sống thường nhật?
Thực ra văn tự Hán Nôm chưa bao giờ ra khỏi đời sống nhân dân ta. Bằng chứng là khắp nơi dẫu không đọc được, người ta vẫn trân trọng lưu giữ những hàng chữ Hán Nôm trên bất cứ vật liệu gì. Vào những dịp đầu năm người ta vẫn tìm đến các "ông đồ" để xin chữ với tấm lòng thành kính. Một chữ đức, chữ nhẫn, chữ học, chữ phúc…nâng đỡ tinh thần ta biết bao nhiêu! Hãy xem một lá sớ dâng lên tiên tổ, thánh thần nếu không được viết bằng những nét chữ tượng hình thì còn đâu là linh thiêng nữa. Tình yêu của những đôi trai gái, dẫu có tây học đầy mình, đến khi đơm hoa kết quả cũng phải có hai chữ hồng song hỉ.
Không biết có ở đâu còn một thứ văn tự vừa đạo, vừa đời như thế?
Vậy thì làm sao ta nỡ bỏ?
Nên chăng có một chính sách căn bản tìm về văn tự của cha ông?
Trong nhà trường, từ những lớp thấp nhất, môn học Hán Nôm phải được coi là môn học chính như các môn toán, môn văn, môn sử, ít ra thì cũng không được kém môn ngoại ngữ Anh văn. Cần phải kiên trì dạy học sinh, để qua một số năm phổ thông, các em phải đạt trình độ tối thiểu là “đọc thông viết thạo” Đối với người lớn, nhà nước cần tạo điều kiện (như học phí, thời gian) cho mọi người cùng tham gia học tập nếu có nhu cầu. Hãy đánh thức niềm tự hào Hán Nôm…Hãy coi Hán Nôm là một trong những điều kiện thi tuyển, đánh giá công chức, đặc biệt là công chức trong ngành văn hóa, giáo dục, ngoại giao...
Có như thế, cùng với việc cố gắng toàn diện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa khác của dân tộc, chúng ta mới không bị "mất điểm" như chú trò nhỏ kia, trong thời đại đất nước chúng ta đã bắt đầu công cuộc hội nhập toàn cầu sâu rộng.
Trong khi chờ đợi một chính sách lớn, sâu rộng, thiết nghĩ Hội Nhà văn nên đi tiên phong trong việc bảo vệ ngôn ngữ cha ông. Nên chăng mở các lớp Hán Nôm cho anh em hội viên? Cần có nhiều lớp với nhiều trình độ khác nhau, chắc chắn chỉ trong dăm ba năm, trong nhiệm kỳ này thôi, đã xóa xong “mù” văn tự cha ông.