Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

   

“Oẳn tù tì…”
Cập nhật: 14:05:00 22/12/2010

Trần Văn Trợ

Oẳn tù tì, ra cái gì, ra cái này.

Hồi mới vào học cấp ba, chúng tôi được học văn với thầy Phạm Đức Bính. Đến tiết văn là đứa nào cũng háo hức. Suốt giờ há hốc mồm nghe thầy kể chuyện văn chương. Ai cũng mừng gặp được một thầy dạy văn hay.

Tiết trả bài lại ly kì theo kiểu khác. Điểm của thầy chỉ có các loại điểm: bốn, năm và sáu. Có đứa làm bài vài dòng leo ngoeo, lại được sáu điểm. Thằng Cần bạn tôi, văn hay có tiếng, lại bị con bốn to tướng. Cả lớp nhao nhác, mấy đứa con gái sụt sùi, thằng Cần xách vở lên toan cãi. Thầy Bính cười: “Không ai được thắc mắc, vì luật chấm bài của tôi là chấm ngẫu nhiên. Điểm lên xuống theo chu kỳ: điểm bốn sang điểm năm rồi đến sáu, sau đó quay lại, ai rủi thì phải chịu. Ai số đen thì hãy hy vọng lần sau may hơn. Sau này các em sẽ ngộ ra triết lí sâu xa của kiểu chấm điểm này”.

Đầu tiên lớp ngỡ ngàng, nhưng rồi cũng dịu dần. Bọn lười học lại khoái kiểu oẳn tù tì này, chỉ tội mấy con mọt sách văn hay chữ tốt, cứ vò đầu bứt tai kêu khổ mãi. Sau quen với kiểu cho điểm kì dị của thầy, chúng tôi lại oẳn tù tì với nhau, xem điểm văn đứa nào sẽ cao hơn.

Trò oẳn tù tì, ai cũng thích. Con nít thường hay chơi trò đánh trận giả, trò bắt “biệt kích”, trò đấu tố bọn “Việt gian”. Trò nào thì cũng phải chọn ra "kẻ xấu" và chọn ra "ông lãnh đạo" chuyên chỉ tay năm ngón. Ai cũng không muốn mình là kẻ bị truy bắt, càng không muốn là kẻ bị đem ra đấu tố. Tự dưng bạn bè chỉ tay vào mặt chửi rủa, còn mình thì cứ phải im thin thít. Thế là phải oẳn tù tì để chọn “kẻ gian” và chọn "chỉ huy" thôi. Không may mà “oẳn” phải chân “Việt gian” thì cắn răng mà nghe sỉ vả. Phải chờ khi nào “oẳn” lại, chúng nó lại thành “phản động”, mình lại là “chỉ huy”. Khi đó “chỉ huy mới” bắt "quần chúng" sỉ vả lại thằng “chỉ huy cũ” cho bõ tức. Trò oẳn tù tì này khi chơi dù có bực mình, sau đó vẫn cứ muốn chơi tiếp, vì con nít đứa nào mà chẳng muốn làm "chỉ huy".

Vả lại trò chơi may rủi này không mấy khi bị chơi gian. Vì thế, hồi bao cấp, công đoàn nhà trường phân chia các loại hàng cho giáo viên cũng làm theo cách này. Công đoàn “oẳn tù tì” theo kiểu bốc thăm. Từ xe đạp cho đến săm lốp, quần đùi nam, áo may ô nữ, đều bốc thăm tất. Có người mấy năm liền bốc không trúng, mặt như ngâm nước cống. Kẻ trúng liên tục, hơn hớn như mặt nghê đá. Dù kẻ cười người khóc, nhưng không ai kêu ca thưa bẩm gì. Vận nhà mình đen đủi mà, còn đòi kiện ai? Mới biết, vạn sự khi gặp khó, không giải được bằng lý, thì mẹo “oẳn tù tì” là thượng sách.

Vận vào các chuyện lớn của ngành giáo dục ta, tất nhiên là không bao giờ giải quyết theo kiểu oẳn tù tì của trẻ con. Nếu coi là “oẳn tù tì”, thì ngành ta “oẳn” một cách khoa học hơn, tầm cỡ hơn rất nhiều. Chúng ta bắt đầu từ “Hai tốt” chuyển “Tiên lễ, hậu văn” sang “Tấm gương sáng” rồi đến “Hai không”, “Bốn không” lại về “Tích cực, thân thiện”. Nghe qua thì giống chơi "oẳn tù tì", ngẫm kĩ lại cũng có nhiều nét khác.

Chương trình giáo dục của ta cũng thế. Đầu tiên ta làm theo Liên Xô, sau theo Mỹ, nay lại định học theo Singapo. Rất nhiều đoàn nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm đã được cử đi. Ta tham quan từ trường học cho đến Shop sextory, nơi nào đáng học là học hỏi. Rồi chuyện các lọai hình trường lớp, từ công lập, bán công, dân lập tư thục, chuyên rồi bỏ chuyên, nay lại trường chuyên lớp chọn. Tất cả những thứ đó, vừa giống oẳn tù tì vừa không giống chút nào.

Sách giáo khoa lại cũng thế thôi. Sách viết đi rồi ta viết lại. sách viết lại rồi ta quay sang viết đi. Lần sau bao giờ cũng khác lần trước đôi chút, chí ít thì in ấn vẫn đẹp hơn rất nhiều. Kẻ hời hợt chỉ thấy là mọi thứ vòng vèo, trùng lặp. Người uyên thâm mới thấy thêm được sự tinh vi, huyền diệu bên trong. Kẻ tính toán thì chỉ thấy sự lãng phí, than phiền là bao nhiêu tiền của dân, ngành giáo dục ném xuống sông xuống bể. Họ chưa thể nào hiểu nổi, mọi việc trên đời có rủi có may. Gia Cát Lượng liệu việc như thần, mà vẫn phải than thở: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" cơ mà.

Có kẻ loạn ngôn gọi giáo dục cải cách kiểu: “Đẽo cày giữa đường”. Họ đâu biết, phải có bản lĩnh mới dám ra đẽo ngay giữa đường. Phải có chí cầu thị, mới dám đem cày của mình mời thiên hạ khen chê góp ý. Lại còn nói, mọi thứ của ngành giáo đều mang tính "tập tàng". Dân gian chẳng nói “Rau tập tàng thì ngon, con tập tàng thì khôn” đó sao? Rau tập tàng thì ngon khỏi chê rồi, còn mấy đứa "con tập tàng", quả thật nhiều đứa còn sống hơn cả ông hoàng.

Nhìn lại chuyện thi cử bấy nay, đâu chỉ là chuyện "oẳn tù tì". Nhìn qua thì, thi cử có vẻ "tít mù vòng quanh". Cú tưởng rồi "mèo lại hoàn mèo", nhưng thực ra"mèo già hóa cáo" rồi, tức là vẫn có già dặn hơn trước.

Những năm tám mươi, đi coi thi như đi vào trận. Công an hàng ngang, bộ đội hàng dọc, có khi súng nổ đùng đoàng. Bảo vệ vòng ngoài, thanh tra vòng trong, mà dân vẫn cứ “xô rào lướt tới”. Giám thị coi thi về đến nhà “mà vẫn tim đập chân run”.

Những năm chín mươi, dẹp được nạn "thù vòng ngoài" thì xuất hiện" giặc vòng trong". Giám thị lại kết hợp nhau canh thanh tra "giúp học sinh". Ấy mới có chuyện bảo vệ kì thi khóa trái cổng, giả vờ hóc chìa khóa, để đánh bài "câu giờ" cho thí sinh "chỉnh đốn tư trang". Có vị trưởng đoàn thanh tra, bực mình trèo qua hàng rào, xông ngay vào phòng thi tóm quả tang mấy cuộn "phao thi" chưa kịp "lận lại vào lưng quần". Có lần, nhận mật báo là thí sinh Đào Anh Vũ đang vi phạm quy chế ở hội đồng thi Nguyễn Công Trứ, xe của lãnh đạo cao nhất xộc đến ngay. Lộn hết túi quần, lôi hết áo trong áo ngoài ra khỏi quần, vẫn không có tài liệu rơi ra, Đào Anh Vũ mới được tiếp tục làm bài.

Làm "kiên quyết" đến như thế mà tỷ lệ vẫn cứ ngất ngưởng áp trăm phần trăm. "Thượng tầng"bực mình, mới tỏ thái độ "dùi đánh đục" chút sơ sơ. Thế là cấp "trung tầng" nổi khùng "đục nện khăng" tơi bời. Cho rà soát ngay, chấm phúc tra bài thi ngay. Đây này: có nhiều bài thi làm giống nhau. Đây này: giám khảo chấm nâng điểm. Đây này: giáo viên thương học sinh vô tội vạ. Hàng trăm án kỉ luật "hậu tra, hậu kiểm" được thi hành.

Những giáo viên bỗng dưng xơi án kỉ luật, xanh xám cả mặt mày nhưng đố kêu nửa lời. Oan chút nào đâu mà kêu. Phòng thi nào thì cũng thế thôi, bài thi nào thì thì rứa cả. Tỷ lệ chín mươi mấy phần trăm, không phải là trên trời rơi xuống, thì chẳng lẽ lại từ dưới đất chui lên. Tưởng bở, chỉ cần các ông ấy ngồi "oẳn tù tì" với nhau là chất lượng thật vọt lên được hay sao? Thôi thì phận đen đủi, vận xui đụng đến đứa nào đứa nấy chịu vậy. Khi còn nhỏ chơi oẳn tù tì quen rồi, hễ "oẳn" trúng đứa nào thì cố cắn răng mà chịu.

Những tai nạn nghề nghiệp "hậu kiểm" kiểu ấy có lẽ qua rồi. Chất lượng học sinh nay chẳng hơn gì trước, nhưng chất lượng chấm thi thì, máy hơn đứt người. Ấy là máy chấm bài thi trắc nghiệm. Kiểu thi mới này, phao thi là thứ không cần thiết. Thanh tra thi, đến cũng nhẹ nhàng, mà về cũng ung dung. Cấp trên không nhất thiết phải ghé mắt qua các phòng thi nữa. Trên đến thị sát thi, giám thị và thí sinh nhiều khi không biết. Có trao đổi, mớm bài cho nhau, cũng phải tìm cách nào "hiện đại" và "tế nhị" hơn. Trắc nghiệm so "tự luận" quả là "dễ thở" cho số đông học sinh dốt. Máy chấm thi quả có "vô tư" hơn người, nhưng nay thì dốt mấy, cứ oẳn tù tì cũng được vài ba điểm. Giám khảo mà chấm sai vài điểm kiểu ấy, có mà về vườn sớm!

Cách đây chưa lâu, ở hội đồng thi HL, có mấy thí sinh dùng tài liệu khi thi trắc nghiệm. Giám thị xem xét kĩ, hóa ra "tài liệu" đó là bốn quả cà in chữ A, B, C, B. Cứ thò tay vào túi bắt trúng quả cà vẽ chữ nào, bèn tô ngay chữ ấy vào phiếu. Không rõ hội đồng thi HL đã xử lý món " cà tài liệu" như thế nào. Nộp lên trên hay dùng làm bữa trưa, cũng không nghe ai nhắc đến. Chỉ nghe lần ấy, có thí sinh còn tô xong bài trắc nghiệm trước khi nhận đề thi. Thi trắc nghiệm quả là tiện lợi thật.

Những trò chơi "Bịt mắt, bắt dê", "Tắt đèn, nhà ngói như nhà tranh" hay "Tay ải, tay ai" tuy giống trò "oẳn tù tì", nhưng tất cả chỉ là trò mua vui. Trò oẳn tù tì lại khác. Khi cần lựa chọn, cách"oẳn tù tì" giữ được hòa khí, tránh tranh giành không cần thiết. Vợ chồng ăn xong, không ai chịu rửa bát, thì "oẳn tù tì " ngay. Lúng túng trước ngã ba đường, không có ai chỉ lối, thì "oẳn tù tì", sẽ khỏi tranh cãi, kể cả khi "oẳn" sai đường. Kể ra thì, "oẳn tù tì" của người lớn không khách quan bằng oẳn tù tì của trẻ con. "Oẳn" kiểu gì mà vận đỏ cứ thuộc về người quyền chức? "Oẳn" kiểu gì, mà tiền của biến mất, cứ như là có ma hốt vậy?

Gần đây bỗng có ý kiến nói thi trắc nghiệm là sai lầm. Môn thi vào đại học bằng trắc nghiệm, sinh viên hầu như không biết tí gì. Thế là nay lại phải nghiên cứu, thí điểm để mà thi tự luận cả. Dù thi tự luận là"muôn năn cũ", nhưng cũng cứ phải xem xét cẩn thận trước khi "oẳn tù tì" trở lại. Ít ra cũng phải dây dưa đủ thời gian, để "oẳn" đi hàng trăm cái máy chấm trắc nghiệm đắt tiền vừa nhập xong.

Trò "oẳn tù tì" luôn hấp dẫn, vì không thể biết trước kết quả. Nhưng quay đi quay lại cũng chỉ dăm ba phương án, nên dự đoán cũng chẳng sai là bao. Và hay nhất của "oẳn tù tì" là không cần vận dụng kiến thức, không cần động não chút nào.

Vậy cứ "Oẳn tù tì" mãi, mọi thứ sẽ "ra cái gì"? Cụ Nguyễn Công Hoan đã từng cho rằng, "oẳn tù tì" mãi, cuối cùng sẽ được cái "oẳn tà rằn"!


1
2
Tin mới