1. Có thể coi bài phú như một lời cảnh báo, một thông điệp về nguy cơ sụp đổ không thể tránh khỏi của nhà Trần bằng lối phúng dụ quen thuộc, bằng phong cách ôn nhu đôn hậu, thâm trầm kín đáo của một bậc thầy vua đối với Trần Dụ Tông. Bài viết này mong muốn làm sáng tỏ điều đó.
2. Tác giả bài phú là một bậc túc nho, một trong những nhân vật chính trị, văn hóa lớn đương thời. Trương Hán Siêu (?- 1354), tự Thăng Phủ, người làng Phúc Thành, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên, nay thuộc phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình. Thời trẻ làm môn khách của Trần Hưng Đạo, lập được nhiều công trạng trong hai lần chống Nguyên-Mông, được Hưng Đạo Vương tiến cử lên triều đình. Năm 1308 thời Trần Anh Tông, được bổ chức Hàn lâm học sĩ, sau được thăng chức Hành khiển. Năm 1339 giữ chức Môn hạ hữu tư lang trung. Năm Thiệu Phong thứ nhất đời Trần Dụ Tông (1341) theo lệnh vua, ông cùng Nguyễn Trung Ngạn soạn hai bộ Hình thư và Hoàng triều đại điển, xây dựng các căn cứ pháp chế cho việc cai trị. Năm 1342 bị giáng làm Tả tư lang trung kiêm Kinh lược sứ Lạng Giang. Năm 1345 thăng Tả gián nghị đại phu. Năm 1351 thăng Tham tri chính sự (như chức Thượng thư). Năm 1353 được giao cầm quân đánh dẹp phía nam và trấn thủ Hóa Châu (vùng Huế ngày nay). Năm 1354 xin trở về triều, được chuẩn y, chưa về thì mất. Được truy phong Thái Bảo. Tuy không đỗ đạt cao, nhưng ông là một học giả uyên thâm, có tư tưởng tôn Nho bài Phật, đề cao ý thức quốc gia, được các vua Trần tôn quí như bậc thầy. Khi ông mất vua bãi triều 3 ngày để tỏ lòng thương tiếc. Cùng với Chu An, ông được tòng tự tại Văn Miếu cùng các tiên hiền của đạo Nho. Tác phẩm viết bằng chữ Hán còn lại: Bạch Đằng giang phú, Cúc hoa bác vịnh (thơ 7 bài còn 4)Dục Thúy sơn, Hóa Châu tác, Quá Tống đô (thơ), Khai Nghiêm tự bi kí, Dục Thúy Sơn Linh Tế tháp kí (bi minh kí).
3. Đối tượng hướng tới của bài phú chủ yếu chính là Trần Dụ Tông (1335 – 1363). Vua tên húy là Hạo, con thứ 10 của Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông, lên ngôi năm 6 tuổi với niên hiệu Thiệu Phong (1341), ở ngôi 28 năm, hưởng thọ 34 tuổi. Dưới sự cai trị của Dụ Tông bằng niên hiệu Thiệu Phong, chính sự tốt đẹp, từ niên hiệu Đại Trị về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó (Đại Việt sử kí toàn thư).
4. Là người từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên, từng chứng hiến thời kì cực thịnh, huy hoàng của vương Trần, nhưng đến thời Dụ tông thời thế đã khác. Đến nay ta không có cứ liệu chính xác về thời điểm ra đời của Bạch Đằng giang phú, nhưng có thể suy đoán rằng tác phẩm có lẽ ra đời vào những năm tháng mà cơ nghiệp nhà Trần đã suy vi hoặc chí ít thì những dấu hiệu suy vi đã hiện rõ.Bài phú viết về một địa danh lịch sử nổi tiếng của dân tộc dòng sông Bạch Đằng, niềm tự hào của người Đại Việt trong sự nghiệp bảo vệ độc lập tự chủ trước các thế lực xâm lược từ phương Bắc tới, địa danh mà hàng trăm năm sau, triều đình phong kiến phương Bắc đầy tự mãn nước lớn vẫn còn vô cùng căm tức, nể sợ và kính trọng trong vế đối đầy khẳng khái của Giang Văn Minh khi đi sứ (vế ra của người phương Bắc: Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng (Mã Viện chôn để yểm bùa ở nước ta từ thời Hán) đến nay rêu đã xanh; vế đối của Giang kẻ sĩ: Đằng giang tự cổ huyết do hồng (Sông Bạch Đằng tự xưa máu vẫn còn đỏ)). Nhưng đó là câu chuyện sau này. Đề tài của bài phú là vịnh cảnh vịnh sử. Với người xưa đề vịnh thường để bộc lộ tâm sự trước thời cuộc, tức viết về cái xưa cũ mà không làm cho nó chết thêm một lần nữa, mà từ những vấn đề của quá khứ mà thanh nghị những vấn đề của hiện tại. Giả Nghị viết quá Tần luận, Tư Mã Thiên viết Sử kí… cũng trên tinh thần ấy. Đó chính là tinh thần dĩ cổ vi kim, từ những sự kiện, những bài học lịch sử mà bổ khuyết những khiếm khuyết, sai lầm của hiện tại. Có lẽ trên tinh thần ấy mà Trương Thái Phó đã viết bài phú theo lối cổ thể pha Sở từ này. Lòng tự hào trước chiến công lừng lẫy của cha ông, đặc biệt là chiến thắng Mông – Nguyên đời Trần là điều không thể bác bỏ. Tuy nhiên nỗi lòng của tác giả bài phú không chỉ có vậy, cái chính là suy tư trước thời cuộc. Không ngẫu nhiên chút nào khi tác giả viết :
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá.
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu.
Dường như có tâm sự, uẩn khúc của thời đại vắng những minh quân thánh đế, vắng vắng anh hùng gửi gắm trong đó.. Rồi quan Thái Phó lại viết:
Lâm giang lưu hề vẫn thế,
Hoài cổ nhân hề hậu nhan.
Bản dịch của Bùi Văn Nguyên (có dựa theo bản dịch của Nguyễn Hữu Tiến và của Nguyễn Đổng Chi): Đến chơi sông chừ ủ mặt – Nhớ người xưa chừ lệ chan, là cách dịch thoát ý. Trong nguyên tác hai chữ vẫn thế có nghĩa là rơi nước mắt, hai chữ hậu nhan có nghĩa là mặt dầy tức xấu hổ (với người xưa). Khách rơi lệ và xấu hổ với cổ nhân tức thẹn hổ với hai vị thánh quân Trần Thánh Tông (Thái Thượng hoàng) và Trần Nhân Tông (Quan gia), hổ thẹn với Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn…, với quân dân làm nên chiến thắng Bạch Đằng. Vì sao hổ thẹn ? Vì thấy nay không bằng xưa, vì con cháu không nối gót, không theo kịp cha ông, vì cha làm thầy con đốt sách. Dường như có gì đó hối tiếc xót xa như nay ta thường nói bao giờ cho đến ngày xưa. Truy tìm nguyên ủy của thắng lợi, tác giả bài phú đưa ra kết luận:
Tín thiên tạm chi thiết hiểm,
Lại nhân kiệt dĩ điện an.
(Đúng là trời đã bày đặt cho địa thế hiểm trở,
Mà cũng nhờ người hào hiệt giữu nền hòa bình.)
Nguyễn Sưởng, một nhà thơ đời Trần cũng có hai câu thơ:
Thùy tri vạn cổ Trùng Hưng nghiệp,
Bán tại quan hà, bán tại nhân
(Sự nghiệp Trùng Hưng ai dễ biết,
Nửa do sông núi, nửa do người)
Đó là vấn đề mà người xưa khái quát thành mệnh đề địa linh nhân kiệt. Giả Nghị (200 – 168 TCN) thời Tây Hán khi luận về lỗi lầm khiến nhà Tần sụp đổ (Quá Tần luận) đưa ra luận điểm: Tại đức bất tại hiểm. Nhà Tần có thành cao hào sâu, có thế đất hiểm, nhưng vì thực hiện đường lối cai trị tàn bạo chôn Nho đốt sách, mất lòng dân nên sự nghiệp tiêu tan. Đức ở đây là nói tới đức của người cầm quyền, của nhà vua kẻ chăn dắt bách tính trăm họ.Đến cuối bài phú, Trương Han Siêu đã nhắc lại lời nhận xét cảnh báo của Giả Nghị với các vua Hán, cũng là lời cảnh báo Dụ Tông bằng câu:
Tín tri: Bất tại quan hà chi hiểm hề,
Duy tại ý đức chi mạc kinh.
(Mới biết: Chiến thắng không vì sự hiểm yếu của sông núi và cửa ải,
Không gì sánh được với người có đức lớn.)
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao.
Hãy xem Trần Dụ Tông là ông vua thế nào? Trong phần viết về Dụ Tông Đại Việt sử kí toàn thư cho biết:
Bấy giờ Trâu Canh thấy vua (Trần Dụ Tông) bị liệt dương dâng thuốc nói rằng: giết đúa bé con trai, lấy mật hòa với dương khởi thạch mà uống và thông dâm với chị hay em ruột của mình thì sẽ hiệu nghiệm. Vua làm theo, thông dâm với chị ruột là công chúa Thiên Ninh, quả nhiên công hiệu.
Canh từ đấy được yêu quí hơn, được ngày đêm làm ở trong hậu cung hầu hạ thuốc thang.Canh liền thông dâm với cung nữ. Việc phát giác Thượng hoàng (Minh Tông) định bắt Canh chết, nhưng vì có công chữa khỏi bệnh cho vua nên được tha.
Canh là con Trâu Tôn người phương Bắc, khoảng Thiệu Phong (1341 – 1358) (có lẽ chép nhầm vì khi Dụ Tông lên ngôi thì làm gì còn giặc Nguyên, phải là niên hiệuThiệu Bảo (1279 -12850 mới đúng), người Nguyên vào cướp nước, Tôn làm thầy thuốc đi theo quân Nguyên, đến khi quân Nguyên thua, thì bị bắt. Tôn ở nước ta, chữa thuốc cho các vương hầu thời đó, phần nhiều thấy công hiệu. Người trong nước nhiều lần cho Tôn ruộng, nô, thành ra giàu có. Canh nối nghiệp cha, trở thành danh y, nhưng không có hạnh kiểm nên đến nỗi thế. Đến sau lại được phục chức. (ĐVSKTT, trang250).
Trên phương diện đạo đức, nhân tính, việc chữa bệnh của Dụ Tông theo chỉ dẫn của Trâu Canh là một việc làm cực tàn độc, không khác gì cách lấy tim trẻ em làm thang thuốc mà Ngô Thừa Ân ghi lại trong Tây du kí. Lạ thay, một việc tưởng chỉ có trong tiểu thuyết hoang đường bảy phần hư ba phần thực bên nước Tàu cổ xưa, lại là việc có thực được quốc sử ghi lại bằng giấy trắng mực đen ở xứ ta; tệ hai hơn Dụ Tông còn làm cái việc thương luân bại lí (thông dâm với chị ruột mình). Quả là cách hành xử của giống chó lợn đúng như lời luận bàn của nhà viết sử Ngô Sĩ Liên về cách hành xử trong đời tư của Trần Thủ Độ khi vương triều Trần mới khởi nghiệp. Việc dùng Trâu Canh làm quan ngự y, tha tội chết rồi sau phục chức cho y lại chứng tỏ Dụ Tông vì u mê mà bất chấp pháp luật, điển lệ nhà nước. Những việc làm của ông ta khiến Thái Thượng hoàng Minh Tông hết sức bất bình và dường như có cả sự bất lực của ông mà sử quan kín đáo bộc lộ qua cách chép sử của mình. Ngô Sĩ Liên viết như sau:
Khi se mình, triều đình muốn lập đàn chay cầu đảo, Minh Tông biết chuyện, gọi Hữu tướng quốc phủ vào chỗ nằm để hỏi. Vua (Dụ Tông) sợ lập tức bảo phủ là Phạm Ứng Mộng xuống nghị xin lấy mình chết thay. Phủ đem câu ấy tâu lên, Minh Tông nói:
- Ứng Mộng tự nhận làm địa vị Chu Công thì cứ lấy thân mình mà chết thay cho cha hắn, còn đàn chay thì không được làm.
Bấy giờ Hiến Từ thái hậu phóng sinh các giống súc vật để cầu cho Minh Tông khỏe lại. Minh Tông bảo bà: “Thân ta không lấy con lợn, con dê mà đổi được”
Khi bệnh trầm trọng, cho gọi quan thầy thuốc là bọn Trâu Canh,Vương Định, Phạm Thế Thường vào xem mạch. Canh nói:”Mạch phiền muộn”. Minh Tông ứng khẩu một bài thơ nhỏ đọc cho bọn Canh nghe:
Chẩn mạch hưu luân phiền muộn đa,
Trâu Công lương tễ yếu điều hòa.
Nhược ngôn phiền muộn vô hưu yết,
Chỉ khủng tá phiêu phiền muộn đa.
(Xem mạch khó bàn chuyện muộn phiền,
Ông Trâu thuốc tốt cắt cho yên.
Nếu còn nói mãi phiền cùng muộn,
Chỉ sợ càng tăng phiền muộn lên.)
Vì Trâu Canh ra vào cung cấm, hay dùng những câu kì lạ, những quỉ kế để huyễn hoặc Dụ Hoàng. Minh Tông ghét hắn nên mượn bài thơ để châm biếm. Đến khi dâng thuốc lên thì Ngài nói:
-“ Người ta ở đời, bao nhiêu khổ não. Ngày nay thoát được khổ não này, thì ngày khác lại phải chịu khổ não khác”. Rồi không chịu uống thuốc.
Khi bệnh nguy kịch, sai thị thần là Nguyễn Dân Vọng đem bản thảo tập thơ ngự chế đốt đi. Dân Vọng còn do dự, thì Minh Tông nói:
-“Vật đáng tiếc còn không tiếc được, tiếc gì thứ ấy.”
Các hoàng tử đứng hầu bên cạnh, Ngài nhân thể nói với họ: “Các con cứ xem việc làm của người xưa, việc nào hay thì theo, việc nào dở thì tránh, cần gì phải dạy cha.”
Ngài từng nói:
“Người làm vua dùng người, không phải là có tình riêng với người đó, mà chỉ nghĩ là người đó hiền thôi. Bởi vì người đó theo tấm lòng của ta, giữ chức vụ cho ta, làm việc cho ta, chịu nhọc cho ta, cho nên ta coi họ là hiền mà dùng họ. Nếu ta quả là hiền, thì những người được ta dùng cũng hiền, như Nghiêu Thuấn đối với Tắc Khiết, Quì Long vậy. Nếu ta không hiền, thì những kẻ ta dùng cũng không hiền, như Kiệt, Trụ đối với Phi Liêm, Ác Lại vậy. Đó chính là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, cùng loại thì hợp nhau. Kiệt, Trụ đâu phải có tình riêng gì với bầy tôi của hắn? Bảo hắn ngu dốt thì được, chứ bảo hắn có tình riêng thì không phải”.(ĐVSKTT, trang 254).
Từ khi Dụ Tông lên ngôi, Đại Việt sử kí toàn thư rất nhiều lần ghi những sự kiện như hạn hán, mất mùa, lụt lội. sao chổi xuất hiện, đàn bà biến thành đàn ông, trộm cướp, giặc giã nổi lên … Đặc biệt sau sự kiện chữa bệnh, những điềm gở xuất hiện với tần số càng nhiều. Theo quan niệm văn hóa tâm linh thời trung đại, đây là dấu hiệu chỉ báo về sự nổi giận của Trời đối với Dụ Tông một ông vua hôn ám, không làm tròn bổn phận với Trời, với trăm họ muôn dân.Mác từng nhận định: Lịch sử có những giai đoạn làm nhục những khái niệm do nó đề ra. Dụ Tông phải chăng là sự sỉ nhục quan niệm về một minh quân, thánh đế, là sự sỉ nhục, bôi nhọ thanh danh của những Trần Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông…Cũng Đại Việt sử kí toàn thư cho biết: Khi biết mình không còn sống được bao lâu nữa, Dụ Tông càng lao vào ăn chơi hưởng lạc…Lời nguyền độc của ông vua cuối cùng của nhà Lí dường như đến Dụ Tông đã dần trở thành hiện thực, một hiện thực không mong muốn.Trương Hán Siêu tôn vinh Trùng Hưng nhị thánh, tôn vinh Trần Hưng Đạo (Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng, Bởi đại vương coi thế giặc nhàn) để kín đáo cảnh tỉnh Dụ Tông hãy sửa đức, hãy tu tỉnh quay về với con đường tu trí lực của một đấng minh quân. Đó chính là tấm lòng của một đại thần, trung thần, một kẻ sĩ quân tử hết lòng vì vương triều Trần, cũng chính là vì dân vì nước.Tiếc thay Dụ Tông đã không tỉnh ngộ để đến nỗi yểu thọ, đưa vương Triều Trần dần đến chỗ diệt vong. Thật đáng tiếc thay.Có điều dường như ông ta cũng ít nhiều nhận ra tài năng, tấc lòng của Trương Han Siêu nên đã cho nghỉ chầu ba ngày để tang khi Trương Hán Siêu qua đời; khi ông còn sống tôn trọng gọi là thầy chứ không gọi tên, rồi tin tưởng giao cho tác giả Bạch Đằng giang phú cùng Nguyễn Trung Ngạn biên soạn Hình thư và Hoàng triều đại điển; rồi cho được tòng tự tại Văn Miếu, gia phong thêm tước vị sau khi ông mất. Nhưng giữa tri và hành trong thực tiễn còn những hãn trở khách quan và chủ quan không thể vượt qua. Sử cũ cũng có những đánh gía không công bằng về tư cách Trương Hán Siêu mà tôi cho rằng ngoài nguyên nhân nhân vô thập toàn, còn có cả tâm lí trâu buộc ghét trâu ăn, hơn người khó hợp … Chỉ riêng những điều tâm huyết mà ông gửi gắm trong Bạch Đằng giang phú đã đủ chiêu tuyết cho ông, một tấm lòng trung quân ái quốc hiếm có của một kẻ sĩ cương trực thẳng thắn. Trong thơ chữ Hán của mình ông đã bộc lộ rất rõ tâm sự ưu thời mẫn thế, nỗi buồn của một lương đống triều đình trước chính sự đương thời, và cả sự bất lực tới mức siêu thoát muốn treo ấn từ quan để độc thiện kì thân theo Đào Tiềm thuở xưa (Sơn sắc thanh y y – Du nhân hồ bất qui – Trung lưu quang tháp ảnh – Thượng giới khải nham phi – Phù thế như kim biệt - Nhàn danh ngộ tạc phi – Ngũ Hồ thiên địa khoát – Hảo phóng cựu ngụ ki ?. Dịch thơ: Sắc núi còn xanh ngắt – Lâu rồi người vẫn đi – Long sông in bóng tháp – Tầng thẳm cửa thôi che – Từ cách xa đời tục mới hay điều thị phi – Ngũ Hồ trời đất rộng – Bến cũ khi nào về - Dục Thuý Sơn. Trương Hán Siêu, Băng Thanh dịch, Thơ văn Lí Trần, NXB KHXH, Hà Nội, năm 1989)). Không ngẫu nhiên chút nào khi hàng trăm năm sau, Nguyễn Trãi đề vịnh Dục Thúy Sơn còn nhắc đến Trương Thiếu Bảo: Hữu hoài Trương Thiếu Bảo – Bi khắc tiển hoa ban, nghĩa là Nhớ hoài Trương Thiếu Bảo – Bia khắc dấu rêu hoen.(Khương Hữu Dụng dịch, Thơ văn Nguyễn Trãi, Nxb Giáo dục, Hà Nội, năm 1980). Những trí tuệ lớn. những nhân cách lớn thường gặp nhau chính là thế này đây.
5. Những suy tư về thời cuộc, về chính sự, về sự an nguy của vân mệnh của vương triều Trần, cũng là vận mệnh dân tộc, đất nước, nhân dân, ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên có những suy tư của ông trong bài phú này, đến nay cũng cần bàn lại cho thấu đáo. Việc so sánh trận Bạch Đằng với trận Hợp Phì và trận Xích Bích trong lịch sử Trung Hoa cổ đại với đương thời không gì có phải bàn cãi. Có điều, ngày nay phải thấy rằng những trận đánh mà cổ sử nước Tàu hay dẫn như những mẫu mực về mưu lược của cha ông họ thực chất chỉ là những trận huyết chiến đẫm máu của gà cùng một mẹ đá nhau; đó là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn mà thôi. Còn trận Bạch Đằng là chiến thắng chống ngoại xâm, bảo về đất nước, khác nhau về bản chất, về thang bậc giá trị so với trận Hợp Phì và Xích Bích. Cũng trên tinh thần ấy, việc so sánh Trần Hưng Đạo với Khương Tử Nha thời Ân và Hàn Tín thời Tây Hán là không cùng hệ giá trị. Hai nhân vật lịch sử nổi tiếng của Trung hoa cổ đại thực chất cũng chỉ là những nhà mưu lược tài ba lỗi lạc của một dòng họ trong cuộc chiến tranh giành quyền lực và quyền lợi của những tập đoàn phong kiến trong nội bộ người Hoa Hạ mà thôi; còn Hưng Đạo Đai Vương là anh hùng giải phóng dân tộc trong chiến thắng thần thánh trước kẻ thù xâm lược Mông – Nguyên hùng mạnh nhất thời đại; đó là Đức Thánh Trần trong tâm thức, tâm linh Việt; đó là một trong những vị thánh bất tử của Tín Ngưỡng, của Tôn Giáo của Đạo có tên là yêu nước thương nòi Việt Nam ( Tụng kinh Độcc Lập, xây chùa Tự Do - Thơ văn yêu nước của phong trào Duy Tân). Do tâm nguyện cảnh tỉnh đấng chí tôn đương thời mà cuối bài phú, Trương Hán Siêu viết:
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh.
Phải chăng chỉ những anh hùng mới lưu danh, còn phường bất nhân bất nghĩa tham tàm hại dân, ngu muội tiêu vong không để lại dấu vết ? Thực ra cả anh hùng và phường bất nghĩa đều lưu danh, nhưng đó là hai thanh bậc khác nhau của danh, một bên là danh thơm, một bên là danh thối. Nếu chỉ có anh hùng lưu danh thì phường bất nghĩa sẽ tha hồ làm bậy, vì chúng không bị đóng đinh vào lịch sử để đời đời bị nguyền rủa, để con cháu chúng nhục nhã, nói như Trần Quốc Tuấn trong Hịch hướng sĩ là: Xú danh nan tẩy, ác thụy trường tồn. Lịch sử ghi danh Đinh Tiên Hoàng đế, Thái Tổ,Thái Tông, Thánh Tông Nhân Tông của nhà Lí, Nhà Trần , nhà Hậu Lê… nhưng cũng không quên Lê Ngọa Triều, Lê Chiêu Thống… Ở Hà Nội, ngày nay vẫn còn tên phố Cấm Chỉ, và dân gian vẫn truyền câu ví Nợ như Chúa Chổm để nói về tư cách, nhân cách hèn hạ, thấp kém của một hôn quân bạo chúa thời Hậu Lê. Lịch sử, tấm lòng, kí ức nhân dân rất công tâm công bằng và sòng phẳng.
6. Ngay từ trước công nguyên, Khuất Nguyên từng viết trong Li Tao:
Xưa nay những bậc thánh hiền
Thương dân mới được cầm quyền trị dân.
Trương Hán Siêu với tầm và bản lĩnh văn hóa của một đại thần, nho thần, đã không sợ cả sự nguy hiểm của những án văn tự đã dũng cảm mà nói lên sự thật, cảnh tỉnh vua Trần Dụ Tông. Thật đáng kính trọng. Tiếc thay tấc lòng của ông rơi vào tình trạng im lặng đáng sợ. Và vương triều Trần đã phải chịu kết cục bi thảm. Nhưng tấc lòng cụ Trương với dân với nước thì vẫn còn mãi mãi.
Vân Giang, mồng Tám tết Năm Con Mèo 2011
Bùi Ngọc Minh