Tác phẩm và dư luận

1/9
11:00 PM 2018

LỊCH SỬ CÁCH MẠNG VIỆT NAM QUA CÁC TRANG VIẾT CỦA PHẠM TƯỜNG HẠNH

An Tô- Kỉ niệm 73 năm ngày Việt Nam tuyên ngôn độc lập (2.9.1945 -2.9.2018). Khi mới 16 tuổi Phạm Tường Hạnh (1918 - 2013) đã xa gia đình họat động bí mật trong phong trào mặt trận dân chủ Đông Dương và công việc đầu tiên là viết báo. Người thầy dạy nghề - đồng chí Đào Duy Kỳ khuyến khích Phạm Tường Hạnh “…không run tay, dám viết ra những bỉ ổi của sự luồn cúi”.

                                                        Nhà văn, nhà báo Phạm Tường Hạnh

Bài báo đầu tiên của Phạm Tường Hạnh, in trên báo Bạn Dân được đáng giá là “một phóng sự sinh động…một bài bút chiến vạch trần bộ mặt xảo trá của những tên bồi bút”. Suốt 70 cầm bút, Phạm Tường Hạnh trở thành  nhân chứng lịch sử với hàng nghìn bài báo và nhiều tác phẩm văn học.

·         Bức huyết họa đầu tiên vẽ chủ tịch Hồ Chí Minh không phải của Diệp Minh Châu

·         Sau 1975 hơn 1000 văn nghệ sĩ, thuộc 12 đoàn nghệ thuật, vào miền Nam bằng tàu thủy chở bột mì

·         Nhà văn Nguyễn Công Hoan vào nhiều trại giam tìm người lính đã cứu con trai mình

 

I.CON TÀU ĐỒNG NAI VÀ SỨ MẠNG THỐNG NHẤT VĂN NGHỆ BẮC NAM

   Chuyện thống nhất đất nước, nối liền vết cắt non sông ở vĩ tuyến 17 chúng ta âm thầm làm ngay từ 1954. Làm bằng quân sự, chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa…và làm dài hơn, lâu hơn con số “20 năm đấu tranh dành trọn vẹn non sông” có tính áng chừng kia; vì cho mãi tới buổi chiều 19-5-1975 để chuyến vượt biển từ cảng Hải Phòng hướng tới bến Nhà Rồng TP.Hồ Chí Minh, đưa hơn 1000 văn nghệ sĩ, thuộc 12 đoàn nghệ thuật, vào miền Nam thực hiện lời hứa “văn nghệ một nhà” được nhổ neo, Phạm Tường Hạnh - người tổ chức chuyến hải hành, vẫn còn phải nói trong nghẹn ngào nước mắt: “Dù phải lót thân xác tôi dưới lườn tàu để các anh các chị khởi hành đúng năm giờ chiều nay tôi cũng không từ nan”.  Đúng giờ hẹn ấy, không chỉ nói, Phạm Tường Hạnh đã làm. Ông kể lại chuyện này:

“Tôi vừa bước xuống cầu thang tàu, chưa đi được bước nào thì một chiếc xe vận tải nhỏ rẽ đám đông chạy ào vô đâu ngay trước mặt. Tôi ngạc nhiên hỏi:

-              Cái gì vậy?

-              Anh ơi quà của Bộ trưởng gửi tặng đồng bào miền Nam.

-              Vậy là những món gì?

-              Sách và tranh ảnh cho những cuộc triển lãm.

Tôi hết sức bối rối, chưa biết phải giải quyết cách nào. Quay lại thì thấy chiếc cầu thang tàu đã được nâng lên độ nửa thước. Không suy nghĩ gì nữa, tôi lập tức bám lấy chiếc cầu thang nhảy lên và quát một tiếng: Khoan! Cho tới lúc chiếc cầu thang dừng lại thì tôi đã lơ lửng giữa trời”.

 Phạm Tường Hạnh là thế, “Ông không bay bổng như các thi sĩ, ông cũng không có được những trang hư cấu mùi mẫn như các nhà văn khác. Văn ông là thứ văn báo chí có khi khô khan, có khi cũ kĩ nhưng buộc người ta phải đọc bởi ông có cái mà những nhà kia không có: sự thật nguyên chất!” (trích  Phạm Tường Hạnh-nhà văn và nhân chứng của Hà Văn Thùy).

  Xin trở lại chuyện con tàu thống nhất văn nghệ Bắc Nam, xin nói cho cho rõ, để có thể vào ngay với miền Nam, anh em văn nghệ sĩ không thể chờ tàu khách, họ đi tàu chở hàng và cái sự “tréo ngoe” này khiến nhà văn Phạm Tường Hạnh vất vả, phải tính tới những chuyện còn chi li hơn, thực tế hơn các khoản “cơm áo gạo tiền” rất nhiều. Phạm Tường Hạnh kể tiếp…

“Một ngày sau nữa, thuyền trưởng cho tôi biết cần phải có một ngàn chiếc chiếu cho anh chị em có chỗ nằm và nghỉ ngơi trong suốt cuộc hành trình. Tôi không có cách nào khác là phải nhận lời. Nhớ lại hai mươi năm về trước chúng tôi từ chiến khu miền Tây tập kết ra miền Bắc, các bến  ở Chắc Băng, Hậu Giang nườm nượp những anh chị em chuẩn bị lên đường và gia đình đi đưa tiễn ai cũng giơ hai ngón tay tính hai năm trở về, nào ngờ tới hôm nay phải mất vừa hai chục năm. Chúng tôi đi trên những chiếc tàu của Liên Xô và Ba Lan. Những chiếc tàu chạy biển vận chuyển hàng hóa đồ sộ như một lâu đài nổi trên mặt nước. Tuy cũng là tàu hàng những đã kịp đóng những chiếc sạp bằng gỗ thông có chỗ nằm ngồi, chỗ hóng mát. Anh chị em, nhất là các chị đỡ say sóng. Lúc đó ở chiến khu ai cũng có đồ cá nhân như chăn, màn, chiếu võng. Còn hôm nay dù sao ở miền Bắc cũng có hòa bình, đi biểu diễn ở đâu cũng có khách sạn. Nếu đi nước ngoài còn sang trọng hơn nữa. Còn về nhà thì đã có gia đình riêng đầy đủ tiện nghi.Vì vậy phải lo cho anh chị em đỡ vất vả trong lúc đi đường… trách nhiệm của tôi cần phải thực hiện, không thể thoái thác”.

  Vậy là nhà văn thành anh siêu mậu dịch, thu mua chiếu một cách thần tốc, nhưng…

 “Có được một ngàn tấm chiếu, tôi chưa mừng được mấy tiếng đồng hồ thì buổi sáng bữa đó, lúc làm việc với thuyền trưởng anh bảo tôi:

-              Anh phải cấp cho mỗi năm người một cái bô.

Tôi hỏi cấp bô để làm gì thì anh giải thích:

-              Để cho anh chị em đi tiêu chớ làm gì. Anh tính coi một ngàn con người đi trong ba ngày ba đêm. Mỗi ngày mỗi đêm ai cũng phải đi tiêu ít nhất một lần. Không có bô làm sao giải quyết việc quan trọng đó. 

  Việc ấy “quan trọng” thật nhưng đã quan trong thì không thể “du kích chiến” như thế. Chỉ huy Phạm Tường Hạnh quyết tâm đấu lí với cấp cao hơn vị thuyền trường, anh tìm tới chất vấn Giám đốc cảng:

-              Chiếc tàu Đồng Nai này các anh cho chúng tôi mướn hay mượn.

-              Chúng tôi không cho mướn cũng không cho mượn. Vì số lượng hành khách của các anh và hàng hóa không đủ trọng lượng cho đoàn tàu có thể chạy an toàn. Chúng tôi đã tính rồi trọng lượng người và hàng hóa (đạo cũ biểu diễn) của các anh chỉ vào khoảng hai mươi phần trăm của con tàu. Như vậy con tàu sẽ rất hêu, không bảo đảm an toàn khi sóng gió. Vì vậy chúng tôi có chở mướn thêm một số bột mì của Bộ Lương thực gởi tiếp tế cho miền Nam để dằn con tàu cho đúng kĩ thuật.

-              Các anh tính sao cũng được, miện là anh chị em tôi đi an toàn tới Sài Gòn. Nhưng nếu các anh tính theo giá cước hành khách đi xe lửa thì các anh phải cho anh chị em tôi đi tiêu. Anh chị em đi trên tàu của anh như một hành khách thì việc đi tiêu trên tàu các anh phải giải quyết.

-              Anh coi, tàu chở hàng làm sao có cầu tiêu cho một ngàn con người đươc.”

Nói như vậy tức là đã trúng kế Phạm Tường Hạnh, ông “tham mưu” tức thì:

-              Hai mươi năm trước, chúng tôi từ miền Nam tập kết ra miền Bắc cũng đi trên những con tàu hàng của Ba Lan và Liên Xô. Họ đã cho làm thêm hai dãy cầu tiêu trên boong tàu phía khoang lái. Tôi nghĩ chỉ cần một số tấm thép và mấy người thợ hàn, các anh có thể giải quyết việc này không khó lắm.”

   Giải pháp của Phạm Tường Hạnh được chấp nhận. Câu chuyện lại tiếp tục, từ chuyện con tàu, chuyển qua chuyện con người trên tàu.     

“Mới đi được mấy bước thì họa sĩ Võ Thanh Liêm hớt hải chạy tới:

-              Anh ơi, em còn hai đứa con.

-              Hai cháu ở đâu, có chuyện gì không?

-              Làm sao anh cho hai cháu đi với chúng em.

Họa sĩ Võ Thanh Liêm, trước đây ở Hà Nội đã có khiếu nại: “Hồi tập kết ra em còn nhỏ. Tốt nghiệp rồi em lấy vợ. Bây giờ trở về quê hương em cần đưa vợ  em về trình diện với gia đình”. Tôi nói họa sĩ Liêm làm một cái đơn. Tôi đã trình bày với anh Hà Huy Giáp và anh đã phê ngay vô đớn đó là cần cho vợ họa sĩ Liêm cùng theo đòan về Sài Gòn công tác. Không ngờ hôm nay lại có chuyện hai đứa con.

- Tại sao lúc ở Hà Nội, anh không nói có hai cháu để được giải quyết luôn thể.

- Anh coi, lúc đó khai một mình vợ em còn chưa chắc đã được đi, khai thêm hai cháu nữa thì thất bại cầm tay rồi còn gì.

-Vậy anh muốn cách nào?

- Em không biết. Em cầu cứu anh.

Thì giờ đã cận lắm rồi không lẽ để vợ chồng anh gửi hai cháu lại, và gửi cho ai. Tôi trầm ngâm một chút rồi hỏi:

-              Anh có dũng cảm…dám liều mạng không?

-              Chết em cũng không sợ chớ liều mạng thì nhằm nhò gì. Làm sao cho hai cháu cùng đi thì anh bảo gì em cũng xin làm.

-              Vậy nhé, giữ lời hứa nhé. Hai vợ chồng cứ dắt các cháu xuống tàu. Nếu công an kiểm soát không thấy tên các cháu trong danh sách mà ách lại thì phải khóc lóc, kể lể, khiếu nại. Phải đóng kịch cho thiệt giỏi và lập tức kiếm tôi cũng tại nơi đó thôi. Lúc đó tôi sẽ phê bình vợ chồng anh thiếu tinh thần kỉ luật và… xuống nước yêu cầu họ cho cả hai cháu cùng đi cho kịp chuyến tàu.

-              Nhưng họ giữ hai cháu thiệt thì làm sao anh?

-              Vậy mới phải liều mạng! Nhưng họ giữ hai cháu lại rồi làm sao nuôi và biết chừng nào vợ chồng anh trở lại đón hai cháu.

-              Vậy thì em làm được. Anh có viết kịch bản bao giờ không mà nghĩ ra vậy. Tài thật!  

Nhìn theo họa sĩ Liêm nhảy chân sáo chạy về bàn với vợ, tôi thầm cầu cho cái kịch bản đó có kết quả và hình dung ra gia đình anh sẽ vui mừng như thế nào khi ca hai cháu cùng về tới nới”.

 Kịch bản diễn ra suôn sẻ, buổi chiều 19.5.1975 đúng sinh nhật bác Hồ, nhà văn-nhân chứng lịch sử Phạm Tường Hạnh đã tận mắt nhìn thấy, trên chuyến tàu lịch sử nối liền văn nghệ Bắc Nam, trong lúc đồng bào Hải Phòng đổ ra bến cảng tiễn đưa các đoàn nghệ thuật lên đường về miền Nam mới được giải phóng, hai vợ chồng họa sĩ Võ Thanh Liêm ngồi khép nép trong góc, giấu hai cháu đằng sau các thứ hành lý. Lịch sử sống động hơn nhờ những chi tiết “khép nép”như thế, nhờ những nhà văn như Phạm Tường Hạnh.

II.ĐIỆP VÀ LAN DẪU CẮT DÂY CHUÔNG

CÓ TƯỜNG HẠNH, NAM - HOAN VẪN GẶP

Đã nhiều người đọc “Tắt lửa lòng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhiều người chưa đọc nhưng vẫn thuộc cốt truyện của tiểu thuyết này nhờ đã xem tuồng cải lương Lan và Điệp, đã hát theo câu vọng cổ mùi mẫn “…Điệp ơi Lan đã cắt đứt dây chuông…cánh bướm năm xưa hãy bay đi đừng trở lại vì em hiện nay chỉ là một đóa lan tàn…”. Giữa vở kịch và bộ tiểu thuyết, giữa giới ca diễn sáng đèn và giới văn bút âm thầm, giữa văn nghệ sĩ hai miến Bắc-Nam hơn 20 năm cách biệt, sau ngày 30-4-1975 thống nhất đất nước, Phạm Tường Hạnh xuất hiện giản dị như một anh giao liên chắp nối những ân tình.

Lịch sử sân khấu Việt Nam còn ghi rõ, từ năm 1936, soạn giả Trần Hữu Trang đã chuyển thết “Tắt lửa lòng” thành kịch bán cải lương “Lan và Điệp”. Một số nghệ sĩ thành danh với vở kịch này, trong đó nổi bật là cô Năm Phi. Vào năm 1954, khi nghệ sĩ Năm Phi đã 47 tuổi, bà vẫn vào vai cô Lan 18 tuổi rất thành công. Chúng ta cùng nghe nhà văn Phạm Tường Hạnh kể tiếp câu chuyện cảm động sau tấm màn nhung của vở diễn vang bóng một thời.

“Nghệ sĩ Kim Cương, người nổi tiếng nơi Sài Gòn đô hội này với những bộ phim, những vở kịch độc đáo, ngày nào cũng tới nhà khách Ban tuyên huấn Trung ương cục mời nhà văn Nguyễn Công Hoan bữa xem kịch, bữa dự hội thảo, bữa tham quan… và chính Kim Cương lái xe đón đưa. Cho tới một hôm, nghệ sĩ Kim Cương nói thiệt rằng, nghệ sĩ Bảy Nam mẹ mình rất có lòng mong và mời nhà văn Nguyễn Công Hoan tới nhà dùng một bữa cơm. Với những tình cảm trân trọng như vậy anh Nguyễn Công Hoan- người có nét cười rất hiền không bao giờ từ chối”.

Và theo chân Phạm Tường Hạnh chúng ta được thấy, được nghe…

“Ngay khi cánh cổng vừa mở, anh Nguyễn Công Hoan bước vào nhà, nghệ sĩ Bảy Nam đã đứng ngay đó ôm lấy Nguyễn Công Hoan và nói: “Đây, người tình của tôi...Bao nhiêu năm trông đợi, bây giờ mới được gặp mặt...”. Anh Nguyễn Công Hoan cúi xuống, hai mái đầu bạc chạm nhau. Một tình cảm xúc động tràn ngập gian phòng. Anh Nguyễn Công Hoan được dẫn tới chỗ ngồi. Nghệ sĩ Bảy Nam gần như không ăn uống gì, chỉ ngồi nhìn Nguyễn Công Hoan, gắp cho anh từng miếng cá, chan cho anh mấy muỗng canh chua, rồi mắm. Hình như cả bàn tiệc gia đình này chỉ cầm đũa và ngắm nhìn hai người bạn già nói chuyện. Nghệ sĩ Bảy Nam nói về những tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan được chuyển thể cải lương và nghệ sĩ Bảy Nam, nối theo duyên nghiệp của người chị là nghệ sĩ Năm Phỉ, sắm những vai chính và nổi lên như một đào hát thượng thặng trước đây. Nghệ sĩ Bảy Nam nói “Đó là công của anh... Không có tác giả làm sao lớp diễn viên chúng tôi có cơ may gặt hái những vòng nguyệt quế của thánh tổ ban cho...Từ bấy, tôi mong có được một ngày nào gặp anh...hôm nay thánh tổ đã cho tôi cơ may hiếm hoi này...Biết nói với anh thế nào cho phải... Biết ơn anh, biết ơn nhiều lắm...” .

Thống nhất đất nước đã giúp một “thánh tổ” tạo cơ may, đã đem tới cho nhà văn Phạm Tường Hạnh một cảm hứng để cầm bút tác nghiệp, giúp lớp bạn đọc hậu sinh được chứng kiến hình ảnh tuyệt đẹp của tình nghệ sĩ. Nhà văn Phạm Tường Hạnh kể tiếp:

“Sau một thời gian ở thành phố, nhà văn Nguyễn Công Hoan đi tỉnh. Ông có một giấy giới thiệu đặc biệt của Ban Nội chính trung ương. Tôi đã đưa ông đi thăm nhiều trại giam những binh sĩ và cán bộ chính quyền của chế độ cũ. Ông đã đọc hết danh sách các trại viên ở các tỉnh miền Đông. Nhà văn Nguyễn Công Hoan không thu thập tài liệu để viết tiểu thuyết mà ông muốn tìm một người. Người ấy là một thượng sĩ của quân đội ngụy đã đối xử tốt với người con trai của ông là anh Nguyễn Tài, có bí danh Sáu Trọng, một cán bộ công an cao cấp của ta hoạt động bí mật trong khu Sài Gòn-Chợ Lớn thời kì cuối cùng của liên danh Mỹ-Ngụy. Anh Nguyễn Tài bị tình báo Mỹ bắt, nhốt giam ở nhiều nhà tù khác nhau. Dù tra tấn, mua chuộc, chúng vẫn không khai thác gì được ở anh. Chúng đang tính đem anh đổi với một sĩ quan Mỹ đang nằm trong tay ta. Nhưng mưu đồ trao đổi tù binh không kịp thực hiện vì bộ đội ta giải phóng Sài Gòn quá nhanh. Nguyễn Tài tiếp tục bị giam giữ. Và khi tháo chạy, Mỹ-Ngụy đã bỏ quên Nguyễn Tài, anh có cơ mất mạng vì tên bay đạn lạc, vì chết đói. Cho tới khi anh đã hôn mê trong nhà giam hải quân thì đơn vị cũ mới tìm ra. Để sống được tới phút hôn mê ấy Nguyễn Tài được người thượng sĩ kia giúp đỡ...”.

Tình huống cắt dây chuông lại đã xảy ra, không phải ở cổng chùa mà ở cổng trai giam. Nhưng Lần này “chuyện tình” của hai người lính đã có hậu. Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã tìm thấy người thượng sĩ kia trong một trại giam ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông đã viết một tờ bảo lãnh đề nghị cho người thượng sĩ kia được tự do nếu không có nợ máu nào khác với nhân dân. Và đề đạt của Nguyễn Công Hoan đã được chấp nhân. Trong kết thúc tích cực này có công sức của người giao liên tình nghĩa Phạm Tường Hạnh!

III.DANH NHÂN HỒ CHÍ MINH TỪ GÓC NHÌN NAM BỘ

Sáng 26.4.2008 phim tài liệu “Chứng nhân lịch sử Phạm Tường Hạnh” đã phát trên sóng VTV9. Những người làm phim nhận định qua lời bình: “Trong toàn bộ những trang viết của Phạm Tường Hạnh, những câu gan ruột nhất, trí tuệ nhất là những câu viết về bác Hồ”. Trong vai trò một nhà văn, Phạm Tường Hạnh đã giúp bạn đọc tiếp cận với nhân vật lý tưởng của mình từ góc nhìn Nam Bộ.

  1.Nhà văn Phạm Tường Hạnh dùng chữ “thờ phượng” rất Nam Bộ, vì chính ông được đón Bác tới vùng đất này như một nhân vật huyền thoại, cổ tích:

   “Một hôm chúng tôi thấy mấy cháu bé trong gia đình cơ quan đóng bỗng xôn xao hẳn lên như có chuyện gì bí mật mới truyền tới. Chúng xì xào, rúc rích vui thích. Rồi, đột nhiên, bác Sáu chủ nhà, mang khăn đóng áo dài cẩn thận, chuẩn bị ra đi. Ngạc nhiên, chúng tôi hỏi bác Sáu:

-              Có chuyện chi vậy bác?

-              À, nghe sắp nhỏ nói có Cụ Hồ, tao đi coi thử cho biết.

Ủa, tại sao lại có tin Bác Hồ vô tới nơi đây, chúng tôi sửng sốt nhìn nhau. Thấy bác Sáu có vẻ vội vàng, chúng tôi không tiện hỏi thêm. Nhưng cái náo nức trong gia đình đã truyền sang chúng tôi tức khắc. Mấy anh em tôi cũng vội vã đuổi theo bác Sáu.

   Vòng vèo lối đường mòn, chúng tôi tới một xóm gần mé đồng và đã thấy một căn nhà, người ta xúm đông nghẹt, tiếng cười nói râm ran. Chen vô tới nơi, chúng tôi thấy mấy bà má đang chụm đầu coi một tờ giấy bạc màu nâu, có điểm những nét xanh màu lá cây. Một phía của tờ bạc, trong vòng khung bầu dục nổi hẳn lên hình Bác Hồ, nét mặt đôn hậu, xương xương với chòm râu thưa thoáng.

   Chúng tôi hỏi kĩ bà con, được biết ngày qua, có mấy anh ở Trung ương vô công tác, đi ngang qua ghé lại, tặng chủ nhà tờ giấy bạc đó. Hồi đó trong vùng giải phóng Nam Bộ chưa có tiền của ta, vẫn dùng tiền Đông Dương. Ngày hôm đó, lần đầu tiên, có những tờ giấy bạc mang hình Hồ Chủ tịch xuất hiện nơi hẻo lánh này, đã gây nên một sự náo động. Có những người ở xa hàng mấy chục cây số cũng hồ hởi đến tận nơi để được trông thấy hình Hồ Chủ tịch trên tờ giấy bạc…

   2. Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện còn giữ được bức chân dung Hồ Chủ tịch mà họa sĩ Diệp Minh Châu vẽ bằng máu của chính mình. Nhưng còn bức chân dung Hồ Chí Minh khác cũng vẽ bằng máu, cũng trong thời ấy. Đọc văn Phạm Tường Hạnh, chúng ta được biết, trước Diệp Minh Châu 2 năm, vào năm 1945 trong “Tuần lễ vàng” tại Gò Công, họa sĩ Hoàng Tuyển đã vẽ chân dung Hồ Chí Minh theo cách ấy. Chính họa sĩ Hoàng Tuyển đã tâm sự cùng nhà văn Phạm Tường Hạnh: “Vẽ trên lụa phải vẽ bằng thuốc nước. Thuốc nước bấy giờ cũng không thể có. Chỉ còn cách vẽ bằng mực nho. Nhưng vẽ bằng mực nho lại không được lộng lẫy. Bất chợt tôi nghĩ cách dùng máu mình để vẽ…Ngay lúc đó, tôi về nhà xin mẹ được hai chục bạc để mua lụa. Mẹ tôi biết tôi mua lụa để vẽ tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh nên vui lòng chạy mượn ngay cho tôi…Cầm số tiền mẹ cho, tôi thật sung sướng và đã hình dung sự thành công của tác phẩm. Đêm đó suốt tới sáng tôi làm việc không mệt mỏi. Nhờ tôi đã nhập tâm từng nét trên gương mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh nên nét vẽ của tôi dứt khoát, không phải tô lại lần nào. Khuôn mặt cụ hiện trên nền lụa thiệt rực rỡ và hiền từ. Dòng máu của tôi từ huyết quản thấm vào cây bút lông vờn trên mặt lụa, khi khô, màu máu thẫm lại thật sinh động…Tới hai giờ chiều có màn bán đấu giá bức chân dung…Mới đầu bà con nói bạc trăm rồi bạc ngàn cứ được nâng lên dần dần…Cuối cùng, ông Trương Văn Huyên, một phú hộ xã Hòa Nghị rước được bức chân dung với ba chục ngàn giạ lúa. Ông nói lẫm lúa của gia đình còn đúng ba chục ngàn giạ, ông xin nộp cho chính phủ để nuôi quân…”.

   Nhân bài viết này, chúng tôi rất mong các thầy cô giáo ở vùng Gò Công (nay thuộc Tiến Giang) theo tên tuổi và địa chỉ mà nhà văn Phạm Tường Hạnh đã ghi, tìm kiếm bức tranh quý hiếm kia. Và ghi nhận những đóng góp tiếp theo của gia đình họ Trương đã từng “nuôi quân” bộ đội cụ Hồ, kháng chiến giữ nước.

3. Nhưng ở Nam Bộ, còn bộ chân dung Hồ Chí Minh bằng chất liệu đặc biệt khác, thứ chất liệu rất cổ truyền, lại rất hiện đại, rất thời cuộc nhưng không kém phần tâm linh. Năm 1948, họa sĩ Hoàng Tuyển được Bộ Tư lệnh quân khu yêu cầu vẽ 12 bức chân dung Hồ Chí Minh cỡ lớn làm phần thưởng cho các đơn vị và địa phương trong một hội nghị thi đua. Và chứng nhân lịch sử Phạm Tường Hạnh ghi lại câu chuyện này qua lời kể của chính họa sĩ Hoàng Tuyển:

   “Tôi được cấp 12 thước vải trắng với một chiếc xuồng con và một em bé tên Nga giúp việc. Nga rất thích hội họa, có khả năng bài trí sân khấu và diễn kịch…Việc đầu tiên là phải kiếm mua cho được các lọai sơn và bút vẽ…Nhưng Nga đi ba ngày rồi về tay không…Chúng tôi bàn với nhau, bật ra một sáng kiến, tìm tới một ngôi đình cũ bị máy bay Pháp bắn đã đổ sụp. Tại đây gạch ngói vung vãi khắp nơi, ngâm nước lâu ngày đã mềm lụn, chúng tôi bóp thử thấy đỏ rực như son, có thể pha trộn vẽ da người rất đẹp”.

   Mười hai bức chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh được vẽ với màu son chủ công kia. Và theo đường bút tài hoa mà thầy Tuyển đã vẽ, trò Nga đi tiếp con đường nghệ thuật thầy đã mở, trở thành đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Hùynh Nga nổi tiếng hôm nay, người mới dựng lại vở cải lương đề tài hiện đại “Khách sạn hào hoa” nhân kỉ niệm 30 tháng tư năm nay.

   4. Trong lịch sử chung, có kỉ niệm riêng. Mùa xuân Ất Mùi 1955 chiều 30 tháng Chạp, khi ông bà Phạm Tường Hạnh và hai con nhỏ đang chờ đón giao thừa tại câu lạc bộ Thống Nhất Hà Nội cùng anh chị em miền Nam tập kết, Bác Hồ đã tới đây chúc tết. Chính tay Bác đã tặng kẹo hai đứa nhỏ, người đã hỏi chuyện. Hai cái kẹo được gia đình họ Phạm bọc sáp ong để giữ mãi, như kỉ vật, như đồ gia bảo.  Ân tình chưa hết, cũng vào nhưng năm đất nước còn chia cắt, một lần được vào Chủ tịch phủ chỉ với vai trò nhà báo để đưa tin về việc gắn huy chương kháng chiến hạng nhất cho một lãnh tụ của một nước Đông Nam Á, nhưng phóng viên Phạm Tường Hạnh lại được chính Bác Hồ mời ăn cơm cùng những vị khách quốc tế mà người khỏan đãi. Đấy là bữa cơm thân mật với các món ăn dân dã, những với chứng nhân lịch sử Phạm Tường Hạnh, đó là bữa ăn nhớ đời, là đại yến.

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *