KỶ NIỆM 60 NĂM HỘI NHÀ VĂN, VIỆT NAM: “SÔNG CẠN” ĐÁ VÀNG
Sau đó các anh Nguyễn Trí Huân, Ngô Vĩnh Bình đều gọi điện báo cho tôi tin này. Chị An, vợ anh Dũng Hà kể: Mấy hôm trước, anh Hà muốn tắm. Sức khỏe của anh những ngày gần đây có kém đi, nhưng tắm vẫn được. Tuy vậy, tôi khuyên anh nên tắm sơ thôi. Hôm qua, anh lục các tập ảnh ra xem, chọn lấy một chiếc và nói “Tớ thích nhất tấm ảnh này.” Một điều lạ nữa, mọi khi tôi và anh nằm trên tầng 3, tối hôm ấy, anh bảo xuống tầng ngủ. Tầng 2 vốn là tầng tiếp khách. Nửa đêm anh vào phòng vệ sinh, ngồi xuống, kêu bị choáng. Gia đình vội vã đưa anh đi viện và anh đã đi luôn.
Anh Dũng Hà ơi! Ở tuổi 83, hình như anh đoán biết mình sẽ rời cuộc đời vào năm nào. Nhưng mà đoán biết được cả ngày đi thì đúng là một cuộc chuẩn bị sang thế giới bên kia đầy huyền bí, đầy thần tiên của anh đó. Hôm tết, chúng tôi đến nhà, anh bảo: “Nghe nói năm nay có xét giải Nhà nước về văn học nghệ thuật. Không biết lúc nào họ công bố giải?” Tôi nói: “Hình như tháng 9 anh ạ.” Anh cười: “Mình không chắc sống được đến lúc đó”. Thấy da dẻ anh hồng hào, khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn tôi cũng chỉ ngỡ anh nói vui. Nào ngờ… Anh chủ động, rất chủ động về những điều xảy ra với anh nhưng với gia đình và với chúng tôi thì đột ngột quá.
Anh thương vợ con, chỉ sợ lúc ra đi khiến vợ con vất vả. Gần mười năm trước, anh bàn với chị An mua sẵn hai miếng đất ở nghĩa trang Tiêu Kỵ, Gia Lâm Hà Nội. Vợ chồng thuê đào sẵn hai cái huyệt. Anh nói: “ Mình có đi với ông bà, ông vải con cháu đến thắp hương cũng gần. Chị An xua tay: “Anh có tiêu chuẩn của cán bộ Quân đội. Tôi là dân thường, tôi ở chỗ dân thường”. Anh cười bảo: “Vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau, xuống dưới đất vẫn ở gần nhau, không thích hơn sao?” Những năm cùng làm việc với anh ở nhà số 4, chúng tôi biết anh là người rất tình cảm. Là thủ trưởng cơ quannhưng anh đến với chúng tôi thường xuyên. Anh say sưa kể chuyện, hầu như không thiếu chuyện gì. Sau này, khi đã nghỉ hưu, anh vẫn tìm đến chúng tôi tâm sự nhiều điều, khuyên bảo nhiều điều và không quên thông báo với chúng tôi về tình hình nhà cửa, con cháu, những dự định của anh trong tương lai. Suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, ngoài việc lo toan làm tốt nhiệm vụ Đảng, Quân đội Nhà nước giao phó, anh còn là một người mẫu mực trong việc chăm lo hạnh phúc gia đình, chu đáo với vợ, với con, với các cháu nội ngoại.
Anh Dũng Hà về nhà số 4 trong trường hợp khá tình cờ. Đang là chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh đặc công bỗng cấp trên điều anh về Ban ký sự rồi điều tiếp về tạp chí Văn nghệ quân đội làm Tổng biên tập. Anh hiểu khả năng của mình: Viết văn chỉ là nghề tay trái, xưa rày chỉ quen đánh giặc, làm công tác Đảng công tác chính trị, cấp trên có nhầm chăng? Đồng chí phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị phụ trách nội bộ nói với anh: “Cứ về đi, tạp chí đang cần một người như anh” Với người lính, không thể không chấp hành lệnh điều động. Dẫu có nhiều bỡ ngỡ nhưng khi đã nhận nhiệm vụ, anh có niềm tin của anh. Cùng với tập thể cán bộ công nhân viên tạp chí Văn nghệ quân đội, anh đã trụ vững ở cương vị mới và có những đóng góp xứng đáng vào bản thành tích dày dặn của một địa chỉ văn học uy tín. Sau này, anh nói với chúng tôi rằng: “Cũng ngỡ chỉ làm đôi ba năm, không ngờ được phong tướng và làm Tổng biên tập đến hơn 10 năm”.
Giống như nhiều nhà văn khác, anh Dũng Hà vào làng văn chưa qua trường trại nào. Anh là một người lính cầm súng thực thụ, chỉ huy đánh giặc thực thụ. Tâm huyết với lý tưởng, với nghiệp nhà binh, anh vào bộ đội khi mới 17 tuổi. Từ một binh nhất, theo năm tháng vật lộn với đời trường, với cuộc đời quân ngũ, anh thành người lãnh đạo chỉ huy mẫn cán. Hồi anh về Văn nghệ quân đội, chúng tôi lo cho anh. Ở đây có nhiều nhà văn nổi tiếng. Vả chăng lãnh đạo chỉ huy một sư đoàn, một binh chủng, có khi không ngoài khả năng của anh nhưng chỉ huy quản lý mấy chục nhà văn là chuyện khác, rất khác. Vậy nhưng bằng cái tâm trong sáng, sự trung thực và khiêm nhường, anh đã thuyết phục được mọi người. Mới hay, các nhà văn nhà thơ vừa khó chỉ huy vừa dễ chỉ huy biết nhường nào. Mới chân ướt chân ráo về cơ quan, anh đã tìm đến tận nhà một số cán bộ nhân viên thăm và trò chuyện.
Anh nói với chúng tôi: “Làm vậy cũng là sự rèn luyện, thử thách chính mình. Phải hiểu tâm tư nguyện vọng của anh chị em cơ quan mới mong làm được một việc gì đó.” Anh bàn với nhà văn Hồ Phương: “Cấp trên điều tôi về đây chắc không phải để làm văn chương. Văn chương là của các ông. Việc làm tạp chí từ đọc duyệt bài đến các khâu trình bày ông là chính. Các việc khác tôi có kinh nghiệm hơn, tôi làm. Phó tổng biên tập phụ trách nội bộ hồi đó có anh Hữu Thỉnh rồi anh Nguyễn Trí Huân cũng hết lòng với công việc. Mọi sự cứ trơn tru, cứ từng bước ổn định dần. Có thể nói anh Dũng Hà viết chưa nhiều, thẩm định văn chương còn mức độ so với các nhà văn ở nhà số 4 nhưng anh có cái tâm, cái uy của một người đứng đầu cơ quan. Anh về nhà số 4 được một thời gian thì cấp trên chỉ thị các cơ quan trong Tổng cục giảm biên chế.
Một cán bộ trị sự hành chính phải chuyển đi nơi khác đã xộc vào phòng anh, mặt hầm hè nói rất bậy bạ. Tôi đang ngồi trong phòng với anh bỗng dựng tóc gáy về những lời lẽ chợ búa, chí phèo của anh ta. Anh vu oan giáo họa cho Tổng biên tập một cách trắng trợn. Hẳn là Tổng biên tập Dũng Hà sẽ cáu tiết “phang” cho anh ta một trận đích đáng. Nhưng không, anh không nói một câu nào, mặt trầm tỉnh, phớt lờ. Tôi thấy chướng, không chịu được, bèn kéo anh chàng ba bửa ra ngoài. Ít phút sau, tôi quay lại, đã thấy anh Dũng Hà ngồi vào bàn viết, bình thản. “Sao anh để cậu ta hỗn hào thế?” . “Chấp những người như thế làm gì! Trong một đơn vị, bao giờ cũng có một đôi anh phá ngang, không tránh được đâu. Vả chăng, hắn đang đau đớn vì không được ở lại cơ quan. Hắn thất vọng vì không được làm ông chủ ở đây đấy mà. Mình thì lại không thể có cách nào khác. Cho qua đi.” Biết chịu đựng nhẫn nại như thế vì công việc chung cũng là điều chúng tôi đã học được ở nhà văn Dũng Hà.
Anh Dũng Hà là người cầm bút khá sớm. Từ năm 1963 anh đã cho ra đời tập truyện ngắn “Gió bấc” (NXB Quân Đội Nhân dân). Đóng góp của anh Dũng Hà vào nền văn học hiện đại là ở mảng tiểu thuyết viết về hình ảnh bộ đội trong chiến tranh và hòa bình. Tuy nhiên, ở thể loại truyện ngắn, anh cũng để lại những dấu ấn khó quên. Nhân vật thiếu úy Chu trong “Gió bấc” cho đến hôm nay vẫn khiến người đọc ngùi ngùi xúc động. Những năm tháng ấy đã có những người lính quen hy sinh những hưởng thụ cá nhân giành tình yêu, sức lực, trí tuệ cho công việc tập thể. Dựng được những hình tượng như thế lại có sức lay động tâm hồn người đọc quả không dễ dàng. Thiên truyện có ý nghĩa giáo dục rất hữu hiệu không chỉ thời bấy giờ mà còn là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay. Một truyện ngắn khác đã được chuyển thể thành kịch bản sân khấu rất sinh động là: “Cây số 42” Một nhân vật “Tây” và một nhân vật “Ta” (nhân vật ta được đặt ở ngôi thứ nhất) Gặp lại nhau trong một cuộc họp quốc tế đã kéo họ về với những kỹ niệm xưa. Dựng lại những chuyện đẫm máu, những trận đánh đẫm máu trong chiến tranh để nói về sự hòa hợp, về lòng nhân ái của con người là sự độc đáo của thiên truyện đáng nhớ này.
Như đã nói ở trên, trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Dũng Hà dành cho tiểu thuyết nhiều hơn. Một số truyện ngắn trong tập “Gió bấc” và “Cây số 42” chủ yếu viết về thời anh là chiến sĩ, là chính trị viên tiểu đoàn trong đánh Pháp ở Điện Biên Phủ. Cũng với mạch truyện anh hùng ca như thế, có thể kể đến tiểu thuyết “Sao Mai” anh viết về bộ đội đặc công. Trên người nhà văn Dũng Hà còn đó những vết sẹo to đùng, dấu tích của những trận đánh căng thẳng nguy hiểm. Ở cương vị chủ nhiệm chính trị binh chủng đặc công, anh Dũng Hà có những cống hiến đáng được tôn vinh. Bằng sự từng trải và hiểu biết rất thấu đáo về cách đánh đặc biệt này, trong tổng kết chiến thuật chiến lược, trong đúc kết những kinh nghiệm công tác giáo dục chính trị …anh đã để lại những bài viết đáng quý. Nhưng cái làm nên tên tuổi của anh lại là ở tiểu thuyết “Sao Mai”- Một tác phẩm chỉ có thể viết nên bởi chính người trong cuộc. “Sao Mai” tái hiện cuộc sống chiến đấu của bộ đội đặc công. Vốn thực tế ngồn ngộn ùa ra trang viết. Sự việc, sự kiện, các chi tiết cho đến ngôn ngữ, tính cách nhân vật… lung linh, sinh động như cuộc sống vốn có. Không khí của một thời hào hùng sôi nổi được vực dậy sống động…Sức hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết là ở đó. Các nhân vật từ tư lệnh cho tới người lính bên ta và cả những nhân vật bên địch được khắc họa có tính cách, có số phận nhưng trên hết người đọc tin những nhân vật ấy là có thực. Người viết đã trải nghiệm, đã chứng kiến và không thể không viết ra. “Sao Mai” được tái bản nhiều lần, được dịch ra tiếng Nga, được Nhà xuất bản Hồng quân Liên xô in và phát hành năm 1986.
Ngoài tiểu thuyết “Sao Mai” nhà văn Dũng Hà còn có các tiểu thuyết: “Mảnh đất yêu thương (NXB Quân Đội Nhân dân 1978) “Đường dài” (NXB Quân Đội Nhân dân 1987) “Quãng đường xưa in bóng” (NXB Thanh niên 1990). Trong những cuốn tiểu thuyết ấy, nhà văn Dũng Hà vẫn lấy bối cảnh: Những năm chiến tranh khốc liệt, sự bền bỉ, quả cảm, mưu trí của quân dân ta ở Đệ tứ chiến khu. Những cán bộ chiến sĩ đáng kính trọng, quý mến trong cuộc đời được nhà văn chưng cất thành những nhân vật tiểu thuyết khá công phu. Nhưng đáng kể hơn cả vẫn là cuốn “Sông cạn” (NXB Quân Đội Nhân dân 2006) Trước đó chừng vài năm, nếu cuốn tiểu thuyết được xuất bản có thể coi đây là một bứt phá quan trọng của nhà văn Dũng Hà. Ở cuốn sách này, tác giả đã thoát ra một cách viết khá nhất quán của mình: Chỉ viết với âm hưởng ca ngợi với sự yêu thương, niềm kính trọng và lòng nhân ái của con người. “Sông cạn” dựng lên cuộc đấu tranh âm thầm mà quyết liệt ngay trong đội ngũ cán bộ quân đội của một thời. Một thời, tất nhiên do kẻ thù xâm lược gây chiến tranh đã kéo theo một cuộc đấu tranh rất gay cấn quyết liệt trong nội bộ. Những nghi ngờ, những oan trái, ẩn ức được dựng lên khá hấp dẫn trong “Sông cạn”. Thái Trung là một cán bộ trung kiên có một tấm lòng, một tư tưởng, một nhân cách tiêu biểu cho người chiến sĩ cách mạng. Không hiểu vì lý do gì, anh bị một số cán bộ có chức có quyền đẩy vào vòng nguy khốn. Không phải mình anh lao đao khổ ải mà vợ con anh, những người thân khác của anh cũng gặp vô vàn trắc trở…
Những oan sai của một thời là có thực, xảy ra không chỉ trong quân đội mà ở nhiều nơi khác ngoài quân đội. Phản ánh những sự thực ấy, có một vũ khí rất lợi hại là tiểu thuyết. Đã là tiểu thuyết, không thể không bộc lộ tư tưởng tình cảm và sự sáng tạo của nhà văn. Vấn đề đặt ra là người viết phản ánh những sự thực ấy với mục đích gì? Trong một lần sơ kết viết tiểu thuyết sử thi do Bộ Quốc phòng phát động tại tạp chí Văn nghệ quân đội, một đồng chí trong ban chủ nhiệm đã nói, đại ý. Lúc này nhà văn có thể viết những trận đánh lớn, mà bên ta thất bại hoàn toàn. Sao lại không? Đó là sự thực. Những trận đánh đó không ích gì chăng? Có chứ! những chiến sĩ trẻ, những sĩ quan hôm nay sẽ đọc và nhận ra những yếu kém, những sai sót của cha anh mình để sau này nếu chiến tranh xảy ra họ sẽ không có những sai lầm ấy nữa… Những sai lầm của một số nhân vật cán bộ trong “Sông cạn” cũng sẽ là bài học về con người, về công tác cán bộ trong quân đội để thế hệ sau rút kinh nghiệm.
Nói về ý đồ sáng tác “Sông cạn” Nhà văn Dũng Hà nói với chúng tôi: “Đúng là câu chuyện có liên quan đến gia đình mình. Nhưng mọi chuyện đã qua. Cái gì xảy ra đã xảy ra rồi. Nhưng với người sáng tác thì điều đó không mất đi. Nó cần được lưu lại trong tâm trí mọi người bằng những hình tượng nghệ thuật. Để làm gì? Để hôm nay và sau này mọi người biết đã có một thời như thế. Vậy không có ích sao?” Điều mà “Sông cạn” khó ra đời là một số nhân vật là hình mẫu cán bộ có thật còn hiện hửu trong cuộc đời. Ông Phan Thái Trung, chị Hoàng Diễm, Thái Hưng…Dù tác giả đã đổi tên cho khác với tên thật nhiều bạn đọc vẫn nhận ra là ai. Rồi nữa, những nhân vật như Công Hữu, Chế Thành, những bà Thủy Chung, bà Hồng… là những nhân vật được miêu tả rất khéo vẫn lồ lộ chân tướng của những con người thật đang sống quanh ta... Bản thảo viết xong, nhà văn Dũng Hà đã đưa cho rất nhiều người xem. Đây là cuốn sách tâm huyết nhất của anh, cũng là cuốn sách khá nhất so với những gì anh đã viết. Anh đã nhận được nhiều lời khen của đồng nghiệp. Nơi gửi gắm đầu tiên của anh là Nhà xuất bản Quân đội. Bản thảo nằm ở đó một thời gian khá lâu, lắng nghe đủ mọi khen, chê. Sau đó lại đi về với người đẻ ra nó. Anh Dũng Hà lại mang “ con” đi gửi những “nhà” khác. Lại chờ đợi, hồi hộp, căng thẳng. Loanh quanh, năm này sang năm khác, hết vào Nam ra Bắc bản thảo lại chạy về với tác giả. “Sông cạn” được in sớm không phải sửa chữa cắt bỏ gì hẳn nhà văn còn viết thêm một hai cuốn sách nữa nhưng ngay cả một truyện ngắn một bút ký anh cũng không viết nỗi. Năm 2006 Nhà xuất bản Quân đội cho ra mắt cuốn sách của anh sau khi người biên tập đã cho “giảm ga” những gì quá nặng nề, ảnh hưởng đến một số người đang sống và cả một số người đã khuất. Anh không được vui mặc dù sách in đẹp, bìa cứng, dày dặn, số lượng in cũng không đến nỗi nào…Anh nói: “Sách mình như con cọp đã bị vặt hết râu, lại không phải ở rừng mà ở vườn bách thảo.”
Anh vẫn chờ đợi và khát khao một ngày nào đó “Sông cạn” được tái bản, lúc đó anh sẽ xin bổ sung lại những chỗ bị tước bỏ.
Tiếc thay, việc đó chưa thành, anh đã đi về cõi vĩnh hằng.
Văn anh Dũng Hà không chải chuốt bóng bẩy, ít những phát hiện mới về ngôn từ. Truyện ngắn và tiểu thuyết của anh cũng không thăng hoa về kết cấu, về cách viết. Yếu tố truyền thống và thế mạnh vốn sống tạo nên sự cuốn hút hấp dẫn trong sáng tác của anh. Tác phẩm của anh thuyết phục người đọc bởi sự chân chất, mộc mạc bởi tấm lòng thao thiết của một người từng trải, từng đau đớn, vui buồn với thời cuộc. Năng khiếu sáng tác trong nội lực người viết là rất quan trọng. Song cũng không thể lấy tài năng thay thế cuộc sống lăn lộn và những trải nghiệm của người viết. Đọng lại trong ta những nghĩ suy, những xúc động khi đọc nhà văn Dũng Hà là ở tâm huyết, lý tưởng, nhân cách của một con người luôn phấn đấu cho lẽ công bằng và sự tiến bộ xã hội.
Thế là vĩnh viễn xa anh rồi, anh Dũng Hà ơi! Sẽ chẳng còn được nhấc máy điện thoại nghe anh trách cứ một cách yêu thương về việc lâu ngày không đến thăm anh. Chẳng còn được ngồi với anh nhâm nhi ly bia và nghe anh nói nỗi niềm của mình về văn chương, về thế sự, về gia đình… nhưng hình ảnh anh, những kỷ niệm về anh thì sẽ ở lại với chúng tôi. Mãi mãi.
Nguồn: Văn nghệ Quân đội-NGUYỄN BẢO